KIÊN TRINH VỚI TỔ NGHIỆP
ÔNG TÁM KHIÊM : BẬC THẦY CỦA NGHỀ SƠN
HOÀNG ANH
Đời có lúc cực thịnh thì rồi phải
có lúc suy, đó là quy luật hằng cửu của trời
đất, làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp chắc cũng không
vượt ra ngoài quy luật tự nhiên ấy. Đã có thời
nơi đây người người làm sơn mài, nhà nhà
làm sơn mài. Vào những đêm cúng tổ, đi
đâu cũng thấy bày biện nhang đèn hoa quả cúng
vái rất trang nghiêm. Ghé nhà nào cũng
rượu, cũng vịt đầy mâm, pháo thì nổ vang rền từ đầu thôn
cuối sớm suốt đêm còn hơn đón giao thừa. Khói
pháo toả khắp đường thôn làm cho bức tranh đồng quê
như chìm trong màn sương mù thơm ngát. Những
cảnh tượng ấy nay có lẽ đã mãi trôi vào
dĩ vãng. Làng sơn mài bây giờ buồn thiu, thợ thầy
bỏ nghề xin vào làm công nhân xí nghiệp
hoặc phụ hồ, bán cà phê... Người còn bám
lấy nghề thì than vắn, thở dài.
Đáng tiếc là tình cảnh ấy lại có
lỗi phần lớn ở chính những người làm sơn mài nơi đây
gây ra cho chính họ. Vào lúc được thời, hàng
làm không kịp bán, quá nhiều người chạy theo lợi
nhuận nên làm đồ gian dối không kể chi đến uy tín
hay hậu quả. Có những sản phẩm khó tưởng tượng nỗi là
người ta có thể hoàn thành xong chỉ nội trong hai, ba
ngày, trong khi một sản phẩm đúng tiêu chuẩn cần đến
bốn hay năm tháng. Chả trách rồi cũng đến lúc khách
hàng tẩy chay mặt hàng này. Thị trường thu hẹp dần,
thợ thầy phải trả giá cho những gì do chính họ gây
ra.
Không biết có bao nhiêu người đã
cùng chịu trách nhiệm cho lầm lẫn tai hại đó, và
ngày nay, liệu có mấy người biết ăn năn hối tiếc chuyện năm
xưa. Tuy nhiên có một người, nay vẫn có thể thanh thản
tự hào đứng ngoài vòng cuộc đảo điên xáo
trộn của thời buổi ấy. Người đó là ông Tám Khiêm.
Ở làng sơn mài, nói đến ông chắc ai cũng biết.
Tên họ đầy đủ của ông là Trần
Văn Khiêm, trong giấy tờ ông sinh năm 1938. Hồi đó để
tránh nạn lính tráng ông buộc phải sửa ngày
sinh tháng đẻ đó thôi, chứ đúng ra thì
ông sinh năm 1937, tuổi Tý, như vậy đến năm nay ông đã
72 tuổi rồi, đáng gọi là cổ lai hy. Già nhưng trông
ông vẫn còn rất khang kiện, quắc thước. Ông sống trong
một ngôi nhà gạch khá khiêm tốn gần chợ Cũ. Ngoài
sân chưng một số chậu kiểng, nhiều nhất là bông sứ; trong
nhà có tủ thờ, bàn ghế bày biện theo lối xưa,
tuy giản đơn nhưng rất trang nghiêm. Đáng chú ý
là bàn tủ ấy được cẩn đầy ốc xà cừ, hình ảnh
tinh xảo và đẹp mắt, đủ báo cho khách biết chủ nhân
là người như thế nào.
Ông sinh ra tại làng Tương Bình Hiệp,
trong một gia đình nghèo đông con, tuổi ấu thơ nhiều
gian khó, hoàn cảnh ở đây dường như ai nấy đều giống
nhau ở điểm này. Năm 1949, lúc mới vừa 12 tuổi, ông xuống
chợ Thủ học nghề sơn với thầy giáo Khó, thầy dạy khoa sơn mài
tại trường mỹ nghệ nên còn gọi là thầy Sơn. Thầy rất
khó tính trong nghề nghiệp, làm theo đúng ý
thầy thì quá vất vã, mà không đúng
thì bị thầy qưở trách hết sức nghiêm khắc. Lớn lên
rồi mới biết nhớ ơn thầy, nhờ vậy mà nay nói về đường nghề
nghiệp thì ông chẳng kém ai. Khi biết nghề rồi, làm
với thầy một thời gian thì xin vô làm cho sơn mài
Thành Lễ ở đường Hùng Vương, xã Phú Cường. Hồi
đó công ty cũng mới khởi nghiệp, còn nghèo. Chỗ
làm chỉ là một căn phố nhỏ, hàng làm xong ông
Lễ phải đích thân bỏ vô mấy cái thùng giấy
rồi chở đi bán. Sau, ông mới mua thêm căn kế bên
để làm nơi chưng hàng, vậy mà dần dà ông
tạo được nguyên một miếng đất lớn để dựng lên thành công
ty hàng đầu của Thủ Dầu Một hồi đó. Năm 1961, tới tuổi quân
dịch, ông phải lánh về cơ sở của Thành Lễ ở nhà
số 449 đường Trần Hưng Đạo ở Sài Gòn. Tại đây, nhờ sự
che chở của ông Lễ nên ông được yên thân một
thời gian tiếp tục làm nghề. Sau do có người khai báo,
ông lại phải trốn đi nơi khác. Bị bắt quân dịch, ông
lại tìm cách trốn trở về, lại tiếp tục làm thợ cho Thành
Lễ, yêu nghề cũng có, mà để tránh đời lính
tráng cũng có. Cứ lặn hụp như vậy đôi lần, nhưng ông
vẫn trung thành với chủ cho đến ngày 30 tháng 4. Hồi
đó công ty Thành Lễ là nơi tập hợp rất nhiều nhân
tài, nằm trong một rừn sao, ông chưa gây được thành
tích nỗi bật để mọi người chú ý. Tài năng và
danh tiếng của ông tạo được khi ông rời khỏi công ty này.
Sau 75, ông lập tổ hợp sản xuất sơn mài,
sau nâng lên thành hợp tác xã sơn mài
Thống Nhất tỉnh Sông Bé, ông là phó chủ
nhiệm. Sản phẩm nổi bật nhất của ông giai đoạn này là
làm ra chiếc dĩa rất lớn bằng sơn mài đường kính dài
tới 1m2. Đây là một công việc vô cùng khó
khăn trong nghề nghiệp. Hồi đó nhân có lần mời ông
Hai Sàng là phó giám đốc xuất nhập khẩu tỉnh
đến văn phòng nhân ngày khai trương tổ hợp, ông
Hai nói rằng hàng sơn mài tôi thấy cái
gì mình làm cũng đựơc, nay tôi muốn thấy một cái
dĩa thiệt lớn liệu có ai làm nỗi không. Nghe lời khích
tướng đó, ông khởi ý quyết thử tài nghệ của mình,
dù biết rằng có những nghệ nhân nổi tiếng đã thử
làm rồi mà không thành công. Năm 1985, sau
khi suy nghĩ chín mùi rồi ông bắt tay vào việc.
Trươc tiên ông làm một chiếc khung tre để nằm lật úp,
phất vải và sai con đi chở đất về để trét lên. Xong giai
đoạn đó, ông mới bắt đâu bỏ khung để làm tiếp phần
sơn mài và cẩn ốc trang trí. Ông âm thầm
làm không dám cho ai biết sợ thất bại sẽ bị chê
cười. Thế nhưng khi công trình hòan thành thì
đó lại là một tuyệt tác, ai xem cũng lắc đầu thán
phục. Gởi tác phẩm đi trưng bày, ông nhận đựơc
rất nhiều lời khen ngợi. Năm 1987, tham dự triển lãm hội chợ Giảng
Võ, ông được trao giấy chứng nhận huy chương Bàn
tay vàng lần thứ nhất do ban chủ nhiệm Liên hiệp hợp tác
xã trung ương trao tặng. Về sau bức tranh đó đươc nhà
nước đem đi triển lãm ở nước ngoài rồi cuối cùng tặng
cho nước Nga. Thỉnh thoảng ông chợt nghe nhớ những ngày tháng
sáng tạo đầy nhọc nhằn để làm ra chiếc dĩa độc nhất vô
nhị này. Những hoài niệm ấy làm cho ông vừa vui,
mà cũng khó ngăn nỗi ngậm ngùi, giờ thì ông
đã quá già, đứa con tinh thần của ông nay không
biết số phận nó ra sao, trôi dạt về đâu!
Trong những năm tiếp theo, sản phẩm của ông nhiều
lần tham dự triển lãm và đều gặt hái được những thành
công rất đáng kể. Đến khi hợp tác xã ngừng hoạt
động, ông tiếp tục làm nghề tại nhà. Một người thợ sơn
mài nói rằng vào thời điểm đó, tranh của anh
ta làm ra nếu bán được khoảng ba chục ngàn thì
anh đã mừng lắm, còn một bức tranh cùng kích
cở như vậy của ông Tám Khiêm, giá phải cả triệu
bạc, nói như thế để thấy được giá trị tác phẩm của ông
Tám ra sao. Ông sản xuất và để tranh tại nhà,
và tuy đắt tiền như thế nhưng ông Tám làm hàng
ra nhiều khi không đủ bán. Dù thời cuộc biến thiên
như thế nào, ông Tám vẫn không hề nao núng
hay sờn lòng, kiên định với cách làm truyền thống,
thà đói chứ nhất định không bao giờ chịu làm giảm
phẩm chất của tranh. Giới làm sơn mài kính phục ông
về điểm này.
Rất may đời không phụ lòng ông, danh
tiếng ông lan xa, giới kinh doanh tại đia phương hay từ Sài
Gòn tin tưởng vào uy tín và tài năng của
ông nên vẫn tìm đến tận nhà để mua hay đặt hàng.
Tâm sự với chúng tôi, ông thoáng bùi
ngùi trước tình cảnh sa sút của nghề sơn mài
tại địa phương ngày nay. Ông có những ý tưởng
để góp phần mong phục hưng ngành nghề như cần phải xây
dựng một ngôi nhà truyền thống, một viện bảo tàng nhỏ
trưng bày hay triển lãm tranh tại đia phương dành cho
những nghệ nhân trong làng. Đó là nơi giới thiệu
sản phẩm với khách tham quan, vừa để khuyến khích dân
trong nghề thi đua sáng tạo, tìm tòi ra cái mới,
cái hay để nghề sơn mài không mất đi tiếng tăm của mình,
luôn đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ nghệ thuật của thời
đại.
Riêng một mình ông thì chưa
làm được, một con én không bao giờ làm nên
nỗi một mùa xuân. Biết vậy nên ông lẳng lặng để
làm công việc của mình, theo một phong cách đặc
thù của ông. Ông không hề muốn bình phẩm
hay nhận định việc làm của ai khác, sợ mích lòng
bà con, tấm lòng của ông, nỗi buồn của ông là
nỗi khắc khoải khôn nguôi của một người đã gắn bó
hết cụôc đời của mình với nghề sơn mài, từ buổi xa xưa
cho đến lúc tuổi già, trãi bao chìm nỗi, vẫn
thiết tha với nghề nghiệp và ước mơ một tương lai tươi sáng
cho nó, cho hết thảy bà con trong xóm thôn. Ông
nói : “ Mấy chú biết không, hồi đó vui lắm, cả
làng nầy ai nấy cũng làm sơn mài. Nhắc đến, thêm
buồn”