NHÀ HOẠ SĨ CUỐI CÙNG
ÔNG BA TUYỀN

Hoàng Anh

    

    Người cuối cùng, đêm cuối cùng, phút giây cuối cùng… Hai chữ cuối cùng luôn gợi lên một nỗi buồn thê lương, một sự tiếc nuối da diết. Sau hai chữ ấy là một khoảng trống mênh mông lạnh lẽo, trước nó là những gì vàng son, rực rỡ. Trước nó là tiếng cười, sau nó là sự im lặng mặc niệm hay thương nhớ khôn nguôi.

    Gọi ông là hoạ sĩ cuối cùng, là nhớ đến một thế hệ tài danh của sơn mài Thành Lễ ngày xưa. Những người ấy nay đã lần lượt từ giã cõi đời, kẻ còn sống thì đều quá già, nay đau mai yếu, chưa biết ra đi bữa nào. Riêng ông thì vẫn còn đủ tỉnh táo để ngồi kể cho chúng tôi nghe lại câu chuyện của một thời đã qua, và vẫn còn hăm hở dự định vẻ vời trong những ngày còn lại, với một thoáng âu lo vì đôi mắt vừa mổ xong, sợ không đủ tỏ để nhìn thấy sắc màu, đường nét. Ông chỉ cho tôi xem một bức tranh treo trên tường, cho biết ông mới vẻ xong hồi năm ngoái. Đó là cảnh thôn quê, với vài bụi tre, chiếc xe bò, vài người nông dân nghèo khó. Trong lúc mà Bình Dương đang thay đổi mãnh liệt như ngày nay, những người đã sinh ra, lớn lên và sống cả đời trên mảnh đất này khó mà không ngỡ ngàng và tiếc thương những hình bóng cũ sắp vĩnh viễn chìm sâu vào quá khứ, bức tranh gợi cho ta thêm nhiều nỗi niềm sâu xa khó nói lên được bằng lời.

    Ngạc nhiên nhiều hơn khi người hoạ sĩ làm nên tác phẩm ấy lại là ông già đang ngồi trước mặt tôi, mắt đã mờ, tay chân đã hơi rung rẩy.

    Bác Ba Tuyền sinh năm 1924, tuổi Tý, tại xã Chánh Hiệp, tỉnh Thủ Dầu Một, và sống trọn đời cũng tại nơi chôn nhau cắt rốn này. Hồi nhỏ ông học trường Nam Châu Thành, đến năm 1938 thì thi vào trường mỹ nghệ Thủ Dầu Một, khoa điêu khắc, học sau các ông Thanh và Lễ đến 4 khoá. Khi ra trường, ông đến làm việc cho xưởng sơn mài của hai người bạn này, lúc đó cũng mới vừa thành lập. Ngành điêu khắc khi ấy không có nhiều việc làm nên ông chuyển qua vẻ tranh, từ đó ông gắn bó sự nghiệp của mình với công ty Thanh Lễ và với nghề vẻ cho đến tận bây giờ, khi sức đã tàn, hơi đã yếu.

    Ông lấy ra quyển album run run giở từng trang cho tôi xem một số ảnh chụp những bức tranh ông đã từng vẽ
. Lòng tôi tràn ngập niềm cảm phục trước ông lão hoạ sĩ đã làm nên những tác phẩm tuyệt vời như thế. Tôi chợt nhớ lại kỷ niệm của ngày xưa, những khi vào xưởng Thành Lễ, tôi cũng đã từng sững sờ và đầy ngưỡng mộ ngắm nhìn những người hoạ sĩ đang chăm chú vẽ tranh. Nhắc chuyện cũ, ông không quên kể cho tôi nghe về những đồng nghiệp tài hoa cùng thời với ông và những đặc điểm của họ. Ông lục cho tôi xem một vài tác phẩm của họ mà ông vẫn còn cố gắng giữ gìn cho đến hôm nay, trong đó có một bức tranh thiếu nữ của hoạ sĩ Duy Liêm, cây đại thụ chuyên sáng tác mẫu cho sơn mài Thành Lễ. Ông kể rằng, sau 75, nhng tranh như thế này còn lưu trữ vô số, thế nhưng người hồi đó không biết giá trị của chúng, những khi chia hàng nhu yếu phẩm họ  tha hồ lấy ra để gói thịt hay cá đem về. Quá tiếc nuối, ông cố giữ lại một vài tấm, và cất giữ chúng cẩn thận như người ta dấu cuả gia bảo trong nhà.

    Tôi thắc mắc hỏi ông vì sao học nghề điêu khắc mà ông lại có thể v
tài như thế, và vì sao thời đó lại có quá nhiều người tài như thế, bây giờ không còn ai tiếp nối. Ông nheo mắt cười hóm hĩnh: “Cái đó làm sao nói được!”. Khi ông cười, hai khoé môi hơi chếch lên, tạo cho khuôn mặt ông nét tươi vui hồn nhiên hiếm có, kể cả khi ông đã già. Tướng pháp cho rằng những người có nụ cười như thế thì cụôc đời thường gặp nhiều may mắn và hạnh phúc. Tôi không biết nhiều về hòan cảnh ông lắm để đánh giá khoa coi tướng chính xác tới đâu. Nhưng ít nhất với một người có tình yêu mặn nồng không nhạt phai theo tháng năm như ông, một tình yêu không rời xa ông suốt cả cuộc đời như vậy, chắc hản rằng ông phải hạnh phúc lắm. Có bao nhiêu người trong xã hội thời nay còn có được tình yêu  nghệ thuật tha thiết và trong sáng như ông?

    Rất có thể, ông Ba Tuyền là nhà hoạ sĩ hạnh phúc cuối cùng của một thế hệ đã qua.

(20-08-08)