Những Ngày Không Quên

Danh Đen ( Marseille )



Tôi ra đời và lớn lên tại chợ Thủ. Xong Trịnh hoài Đức, tôi về Saigon học tiếp, sau đó lập gia đình và ở lại đây luôn. Vợ tôi cũng gốc gác dân ở Bình Dương.

Vào cuối tuần, tôi thường cùng vợ con về trên Nhà thăm cha mẹ, bạn bè. Tôi luôn luôn nghỉ rằng chuyện phải ở  Sàigon chỉ là tạm thời vì sinh kế. Trong trí tôi, lúc nào cũng nghỉ mình là dân xứ Thủ chứ không phải dân Saigon.

Nhớ lúc đầu, nằm trong Đại học Xá Minh Mạng, giựt mình nghe tiếng xích lô máy chạy sớm thay tiếng gà gáy sáng, nằm trằn trọc không ngủ lại được. Saigon khác quê mình chỗ đó. Ai mới rời Bình Dương về Saigon đều không quên được những kỷ niệm này.

Đêm nghe tiếng ếch bên tai,
Giựt mình lại tưởng tiếng ai gọi đò
( Trần tế Xương )

Có thương có nhớ Bình Dương cho lắm cũng phải chịu phép ở lại đây, nơi gọi là Thủ Đô, chốn phồn hoa, ồn ào náo nhiệt. Lạc loài nơi Saigon, gặp lại người Bình Dương, thấy vui thích làm sao ! Và tôi đã gặp lại trong trường hợp hết sức ngộ nghĩnh mà gần 30 năm rồi, kỷ niệm đó vẫn còn như in trong trí.

Buổi sáng hôm đó, tôi dắt con tôi ra trước đầu ngỏ mua đồ ăn sáng. Bà bán xôi mời mọc ân cần : Ông mua mở hàng giùm kui đi ! Xôi nếp  khan nóng hổi vừa khổi vừa ăn, khơm khiệt khơm nè ! Nghe phát âm chữ KH thay vì TH, chữ K thay vì chữ T, tôi cà rỡn trả lời với nguyên giọng BD: Khiệt hông ? Mà quê bà ở trên chợ Khủ phải hông ? Bả mừng rỡ đáp lời :  Ông hay khiệt kình !  Bộ Ông cũng dân ở trển hả ? Kui quê ở Bến Khế, qua khỏi Kương Bình một chút !Tôi đáp : Kui ở ngay chợ Khủ. Nghe bà nói chuyện là kui biết cùng xứ mình rồi ! Dân chỗ khác  bão mình nói chuyện có ngậm cục đường khẻ  !

Dắt con vô nhà, bổng sực nhớ những kỷ niệm học trò xa xưa, thuở còn Tiểu Học. Hôm đó, thầy giáo đang viết bảng, bổng thằng Minh dân Bến Thế la lên : Khưa khầy, khằng Khiện káng khằng Không, khằng Không khoi khằng Khiện. Khầy khét : Không ! Khôi ! Khằng Không khút khít khấy khảm khiết.

Lên Đệ Tam B Trịnh hoài Đức, có anh Quang lớn tuổi hơn nhiều bạn bè khác cùng lớp. Anh ngồi bàn cuối. Anh không rụt rè như chúng tôi. Thầy đang giảng mà có chỗ anh không hiểu là giơ tay hỏi liền. Trưa hôm đó, giờ Toán Hình học, vòng tròn Euler. Mọi người đang chăm chú nhìn lên bảng, bổng từ cuối lớp, anh Quang đứng lên hỏi lớn : Khưa Khầy, kheo Em khấy khì. . . Cả lớp quay lại cười rần rần, Thầy cũng cười luôn.
Vẫn biết, nhứt quỉ, nhì ma thứ ba học trò, tôi vẫn thắc mắc từ đâu và lý do nào có hai tên gọi (Surnom) dành riêng cho hai Ông Hiệu Trưởng trên xứ mình. Ông Đốc Pháp trường Nguyễn Trãi  được gọi là Ông Già Chuồn. Ông Đốc Di trường Trịnh Hoài Đức là Ông già Rô.

Cũng thời Đệ Tam Trịnh Hoài Đức, học trên lầu vào buổi trưa, gió thổi hiu hiu, gặp giờ Công Dân, dễ ngủ gục lắm. Thỉnh thoảng ông Đốc Di đi bộ từ  văn phòng bên Cộng Đồng qua thanh tra. Vô phước cho thằng nào bị ổng bắt gặp đang ngủ gục là cấm túc hai ngày chúa nhật. Cho nên, ngó qua cửa sổ thấy ổng là báo động cho anh em : Ê, coi chừng, già Rô qua kìa ! Cả lớp chưa hay hết là ông đả tới, đứng sau lưng thằng Lưỡng. Nó đâu có biết, còn trả lời diễu : Già Rô qua hả ! Kao lấy Ách Rô kao bắt ! Quí vị chắc đoán  được kết quả rồi.

Mỗi vùng mỗi xứ có  giọng nói và cách phát âm đặc biệt, mang dấu ấn của riêng xứ đó. Đổi về vùng 4, nghe dân ở đây nói chuyện, nào là : mình ên, bắt con cá gô bỏ vô gổ gá, nó nhảy gột gẹt gớt ga ! Ra vùng 2 thì chữ Ê đọc thành chữ Ơ Ciné thì nói đi Ci Nơ.  Định cư nước ngoài, nghe dân vùng 2 mới qua, họ khen người khác mà cứ tưởng họ chê : Thấy Nẩu nói tiếng Tây sao mà nó dở quá, ai dè đâu là dễ quá !

Lưu lạc tới vùng 1, xứ Quảng thì ta với mi, mô tê răng rứa chừ ni nớ. Chữ Ăn thì phát âm thành chữ En. Chữ  Am thành chữ Ôm. Họ nói : làm thì làm, ăn thì ăn, chứ nói rứa răng ! Chứ mi bỏ xuống đất, coi chừng con chó tréng nó kén con chó đen  nhen reng. (con chó trắng nó cắn con chó đen nhăn răng).

Cách đây mấy năm, tôi có nhờ một người bạn Việt Nam vốn ở Pháp hơn 30 năm mang quà về cho gia đình, nhân chuyến du lịch thăm quê hương. Anh qua đây hồi còn nhỏ. 20 năm trước, thuở mới quen anh, thì anh còn nói tiếng Việt được nhưng trong câu chuyện, hết phân nửa là tiếng Pháp. Bây giờ, Việt Nam ở đây khá đông, anh giao tiếp nhiều nên hiểu cả tiếng lóng. Thỉnh thoảng nói chuyện, gặp chữ khó anh mới xen vô tiếng Pháp. Anh lên nhà tôi nhiều lần và trong những dịp đó, có làm quen với một cô gái chủ tiệm bán sách báo tại chợ BD. Không biết câu chuyện xảy ra như thế nào mà khi gặp lại tôi, anh than phiền làm tôi bất mãn hết sức : Ê Toi, dân xứ Toi hình như nói ngọng hay sao mà Moi chẳng hiểu gì hết ! Moi đi mua báo, có làm quen với một Cô Chủ, còn trẻ, độc thân, tánh tình hết sức dễ thương, hiền hậu mà mẹ họ, cô ta nói ngọng ! Tôi trả lời : giởn hoài Toi, Toi nói gì kỳ vậy. Nó đáp : Thiệt đó, Cô ta nói với Moi, Em Khấy anh Khiệt Khà, anh Khành Khật Em Khương. Mai mốt anh dìa bển, em ở đây Khui Khủi một mình, Em buồn Khê Khảm, nhớ anh chắc Em Khóc Khúc Khít. .

Xứ Thủ diễn tả một việc hiếm có hoặc không có, thường xài Tán thán từ "Khỉ Khô" hay "Khỉ Mốc". Đó là dấu ấn hết sức đặc biệt thứ hai. Bao nhiêu năm lặn lội khắp 4 vùng đất nước, tôi chỉ nghe những dân xứ khác nói Khỉ Họ, Con Khỉ. Tôi có dịp hỏi qua các Vị lớn tuổi ở Bình Dương, thì họ giải thích như sau :

 Con khỉ trong rừng khi chết già, thường dang hai tay, hai chân bám vào cành cây và chết trong tư thế đó. Dân làm rừng có khi cả đời không gặp. Ai thấy xác con khỉ chết khô, mốc thì mang nó xuống lấy vải đỏ quấn lại đem về thờ. Trong vòng ít ngày sẽ có kết quả : làm ăn thuận lợi nhiều cơ may phát tài...Thuở xưa, cách đây 5, 6 chục năm, hình như ngoài dãy phố chợ Bình Dương có gia đình nào đó gặp được mang về và phát giàu quá xá . . .Chữ "Khỉ khô"â dùng để diễn tả sự kiện khó có được hoặc khó tin, hiếm thấy.

 Tôi có nhiều bạn học dân trên Bến Cát, Thới Hoà. Thời đó, tôi không có để ý nhưng các vị lớn tuổi bão rằng dân Bến Cát hồi xưa nói chuyện ưa đấp Bờ. Họ giải thích là vùng này khi bắt đầu câu chuyện, lời nói lúc nào bằng chữ Bờ chẳng hạn như : Bờ, đi đâu vậy ? Âu cũng là dấu ấn đặc biệt của dân xứ Thủ.

 Hơn hai mươi năm lưu lạc nơi đất Pháp, theo tôi biết dân xứ Thủ cũng có khoản hơn 10 người định cư ở Marseille. Còn gì vui hơn vào những dịp Tết, bạn bè, đồng hương tụ họp cùng nhau tìm lại hương vị quê nhà, bánh két ăn với khịt kho dưa giá !

 Mấy lần về thăm nhà sau nầy, ba tôi có nói một câu não lòng : Dân xứ Thủ bây giờ tản lạc hết rồi. Bạn bè cũ kẻ đả qui tiên người thì bịnh nằm một chỗ. Riết rồi Ba cũng ở trong nhà, không có ra đường. Đi chợ hớt tóc cũng chẳng còn gặp ai quen ! Toàn là dân tứ xứ tới đây lập nghiệp làm giàu...

 Tôi xin gởi đến tất cả đồng hương xa gần, lời chúc đầu năm dồi dào sức khoẻ, mọi việc được như ý. Ước mong thế hệ con cháu mai sau còn giữ được dấu ấn với những nét đặc thù dễ thương, thiệt thà và hiếu học của dân xứ Thủ ./.