Những cái Tết

Đồ Ngông


"Cu kêu, ba tiếng cu kêu
Cho mau đến Tết dựng nêu ăn chè
Hôm nay Xuân đã lại về
Ba mươi tháng Chạp tư bề vui tươi..."

Đó là bốn câu thơ lúc nhỏ Đồ Ngông tôi đã học thuộc lòng mà bây giờ Đồ tôi không nhớ rõ là đúng hẳn vậy không? Nhưng cả hơn hai chục năm sau Đồ tôi cũng chưa hiểu rõ vì sao lại là "cu kêu" và "ba tiếng cu kêu". Mãi đến vào khoảng cuối những năm 70, khi đọc trong sách giáo khoa của cấp 1 Phổ thông, trong đó có kể lại con cu gáy gáy vào đúng khoảng thời gian gần đến Tết ở ngoài Bắc, thế là Đồ tôi đã tìm được câu giải đáp của "cu kêu, ba tiếng cu kêu", giống như một bộ đội chiêu hồi nào đó, khi ra ngoài viết lên tình cảnh ở trong rừng sâu bị mưa nên bạn anh ta chợt nghĩ đến "rừng sâu mưa lâm thâm" tạm gọi là đối lại câu "da trắng vỗ bì bạch" của Bà Đoàn Thị Điểm đã ra từ xưa.

Nói đến Tết, Đồ tôi lại cũng cảm thấy nôn nôn mà nhớ lại thời còn bé tí teo, "thằng lùn đen đen nói đớt" cứ mãi trông đến Tết để má cho mặc đồ mới, dẫn đi về nội, về ngoại được tiền lì xì để mua kẹo, cà lem ăn. "Cà rem đây! năm cắc một cây, đồng hai cây, cà rem đây". Ôi! Tiếng rao sao hấp dẫn lạ, lại thêm tiếng xe lắc chuông leng keng, leng keng. Cái cảnh ấy bây giờ chỉ còn vương vương lại trong ký ức kỷ niệm mà thôi. Ôi! vuông tre, gò mã, đường sá chun vào ruột hai hàng tre của thôn xóm và có cả những gai tre đâm lủng chân hay ruột xe đạp nữa. Ôi! Những bông xương ong (cactus) vào mùa mưa hay những trái sim ngọt nhưng hột khá nhiều, hoặc những trái cơm rượu, trái mua, trái thù đù... mà bọn con nít như Đồ Ngông tôi thuở ấy rất thích. Tất cả cũng đi rồi, giống như thời thơ ấu đã qua..!

Ôi! Cảm giác trông chờ ngày Tết đến sao mà lâu quá, dài quá vậy! Ngày lại càng dài ra thêm. Lâu lâu cứ hỏi má "còn bao lâu mới tới Tết hả má?". "Còn bao lâu nữa hả Dì Tư?".

Rồi ngày Tết cũng đến. Đồ Ngông tôi được cái áo sơ-mi trắng, thằng On được bộ đồ bà ba, thằng Khanh được cái áo sơ mi cụt tay với quần sọt, thằng Rờn chỉ có cái áo không thôi. Sáng sớm mùng một, trên các nẽo đường làng bọn con nít lớn lớn xun xoe quần áo mới, đứa đội nón, đứa đội khăn lũ lượt kéo về phía chợ để coi múa cù (múa lân), đánh trống, ông Địa nhảy lưng tưng cầm cây quạt phe phẩy với chú cù. Đâu đâu cũng có tiếng pháo đì đẹt, đì đùng. "Tay ra nè! Hai con cua một trái bầu", bên kia "Nai, bầu, gà". Một dọc hàng bầu cua, cá cọp cũng chẳng thiếu người chơi. Kia là mấy bàn tài xỉu, hoặc bài cào, xổ số hột vịt lộn. Mấy xe nước mía, nước đá không kịp bán; đậu đỏ, bánh lọt, đậu phọng rang, mía ghim, cóc ổi ngâm cam thảo...Quả cảnh ngày Tết thật là náo nhiệt! Những ngày đó, có lúc ba Đồ tôi chở đi về nội bằng xe đạp, hoặc theo má đi về ngoại, hôm nay đi ngang qua hai gò mã "Đồ con nít" tôi không sợ ma nữa, vì đã có đông người.

Thắm thoát Đồ Ngông tôi cũng được lớn hơn. Theo thời cuộc để lánh chiến tranh, ba má Đồ tôi dời nhà về chợ ở vừa tránh được bom đạn, vừa tránh được cảnh khó khăn do sự bố ráp của phe bên ngoài hoặc sự lôi cuốn của phe trong rừng. Đồ tôi được ôm tập đến trường với ông thầy giáo già dạy lớp Đồng Ấu vỡ lòng. Có bửa ông dạy đến bài "Cam-quít-ngọt" rồi ông làm bộ ăn nhiều quá bị đau bụng ông làm dáng điệu mà cả lớp cười ồ. Và đến lúc ông làm ra kiểu oai phong của "Yên-cưỡi-quất", dáng dấp ngồi trên lưng ngựa nhảy tưng tưng, Đồ nhóc con tôi mãi mê ngó mà khoái chí...

Cảnh Tết ở chợ vui hơn nhiều, nhất là từ rằm tháng Chạp trở đi ai cũng lo buôn bán nườm nượp. Các tiệm may được đặt may từ tháng mười một âm lịch, may đồ cho người lớn, cho trẻ con, trong tháng Chạp thợ phải may ngày may đêm. Còn các gian hàng bánh, kẹo mứt, dưa hấu được bày bán cả ngày lẫn đêm. Tối có đèn măng sông, đèn khí đá sáng trưng.

Năm nào má Đồ tôi cũng bán dưa hấu cả, nên tối ngủ lại ở chợ cũng vui. Và cũng từ những năm nầy Đồ tôi không khoái Tết nữa, mà lại bắt đầu sợ. Mỗi lần đến Tết, Đồ tôi phải leo lên gác nhà dọn dẹp, quét mạng nhện, trang Ông trang Bà, rồi sắp xếp. Xong tới dưới nhà: Chà chưng đèn, chùi lư, quét sạch sẽ; lau chùi, trang trí lại bàn thờ Tổ Tiên. Chỉ có một mình thôi! Đôi lúc đứa em gái khó khăn khóc đòi ẳm thì Đồ tôi phải bỏ cả mà dỗ nó. Nhiều lúc Đồ tôi nỗi sùng "đéc" cho nó vài cái, rồi ngồi khóc với nó. Ngày 23 phải về ngoại dẫy mã; rồi 26, 27, 28 lo gánh nước lần cho đầy để xài trong ba ngày Tết. Đồ tôi nhiều lúc tưởng mình là "Cô bé lọ lem", nhưng lỡ làm thân con trai rồi nên lại thành "thằng mặt vện", đôi lúc mấy thằng bạn lại kêu "Ê! mặt vằn !".

Đến 29, 30 Đồ tôi phải xé lá, gói bánh phụ má, và chở đi cho. Ôi! Tết nhứt thật là đứ đừ! nên Đồ tôi không tha thiết gì tới Tết nữa cả. Chỉ biết sắp tới mình thêm được một tuổi, vóc dáng cao thêm một chút, làm công việc nặng thêm tí nữa. Thế thôi!

Và từ lúc nầy Đồ tôi mới chứng kiến được các ông Đồ nho viết chữ Tàu. Có ông thì có cái bàn để ngồi, có ông thì trải giấy dầu ngồi dưới đất, chung quanh treo các chữ, hoặc câu chữ Tàu để dán cột, hoặc những chữ chiếc để dán ở lu nước, cột hay trên thân cây, bàn thiên mà bán hoặc viết mướn cho người ta. Má Đồ tôi cũng mua một số rồi hỏi người quen, họ kêu dán ở đâu thì dán ở đó, chứ chẳng hiểu nghĩa là gì và đọc làm sao. Có nhiều người lại dán ngược đầu. Đến mãi vài năm sau khi vào Trung học Đồ tôi mới hiểu loáng thoáng những chữ chiếc đó, thường là Phước, Lộc, Thọ hoặc Phú, Quí, Vinh, Hoa, Tài Danh gì đó hoặc Vạn, Sự, Như, Ý..v..v...Còn các câu dán cột nhiều chữ, thường thì năm hoặc bảy chữ là câu đối. Kiểu cách câu đối Tết vậy mà..! Nhưng mua gì thì mua vẫn phải có hai cái bùa nêu, ông hổ để dán ở khung trên cửa chính của nhà. Bùa nêu là lá in hình bát quái, còn ông hổ là tấm in hình con cọp để trấn giữ nhà trong năm. Sau nầy, Đồ tôi mới hiểu đó là hai lá treo với cây nêu dựng ở cổng vào nhà, hoặc ở sân để có vẻ Tết và những hình ảnh đó với ý nghĩa để trấn giữ ma quỷ, cái xấu xa chúng sợ ông cọp và bùa bát quái mà không dám xâm nhập vào nhà để quấy phá. Nghe nói lúc xưa dựng nêu đến bảy ngày, nhưng sau nầy chỉ có ba ngày Tết thôi. Ôi! Cái chữ Tàu đã khó, mà lòng người lại khó hơn, có nhiều người bảo cái cũ xé bỏ nhưng không được bỏ vô thùng rác như vậy bị mang tội vì chữ đó là chữ của Thánh hiền, sau nầy học sẽ ngu, mình phải trân trọng nó. Thì ra, Kinh sách Tàu nhất là của Khổng Tử, mà các nhà nho coi như là Vị Thánh nên họ quý, kỵ nhất là lấy mấy giấy có chữ Tàu mà "chùi" khi đi vệ sinh là mang tội. Viết đến đây, Đồ tôi lại nhớ đến ba của thằng bạn học, ông ta vốn học chữ nho giỏi lắm và làm nghề hốt thuốc, cứ mỗi lần nói chuyện thì ông ta thường hay nói đến "Khổng Tử viết" hoặc "Sách có câu". Trong đám bạn có đứa cháu ruột của ông, nó lại hay "rắn mắt", một bửa nọ, ông vừa nói "Khổng Tử viết" thì nó lại nói: "Con biết rồi Chú 6", ông ngạc nhiên hỏi nó "Mầy biết cái gì?". Nó liền nói "Con biết rồi Khổng Tử viết : Từng trang từng trang, Sách có câu : Từng hàng từng hàng". Bọn tụi Đồ Ngông tôi giật mình, nói với nhau "Nó dám giởn với ổng he!". Vừa nói xong tính đợi nghe ổng chửi cho một chập, nhưng không ngờ ổng lại cười và nói "Tổ cha mầy Gia, mầy thiệt là..!" Thế mới biết không phải nhà nho nào cũng khó tánh cả. Nhưng đến bây giờ, ông đồ chẳng còn có mấy người:

"Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?"
(Ông Đồ già, Vũ Đình Liên)

Và từ những lúc đó, bọn thanh niên Đồ Ngông tôi cũng tập tành làm người lớn, ngoài bổn phận về nội, về ngoại, bái lạy tổ tiên ông bà; rồi thì cũng dành hơn một ngày tập hợp nhau ăn uống, nhậu nhẹt, hay dẫn nhau đi vòng vòng chúc Tết cùng nhau cho có vẻ một mùi Tết, mà cũng đánh dấu mình trưởng thành thêm một tuổi vậy.

Đến khi trong lứa tuổi có đứa bắt đầu lấy vợ, thì lần lượt từ từ "em nào cũng tới phiên". Thế rồi, mạnh thằng nào nấy lo. Thỉnh thoảng gặp nhau vài ly, vài câu chuyện rồi lại trở về nhà; không còn lang thang "đầu hôm sớm mai" chia nhau từng điếu thuốc, chỉ nhau làm vòng chữ O, hay nói chuyện tào lao, chỉ nhau một hai thế võ... Thời ấy chỉ còn lại là dư âm..!

Đất nước hòa bình, thống nhất thì bạn bè tứ tán khắp nơi, đứa vào tù, đứa đi kinh tế mới, đứa chạy áp phe, đứa về ruộng rẫy, đứa bơ vơ, đứa lây lất qua ngày với nghề nghiệp cũ...

Đồ tôi lại may mắn được hưởng Tết trên xứ người. Ngồi trên đảo, trong trại mà đếm những ngày Tết qua đi với bao nỗi lòng lo lắng, với các nỗi buồn mênh mông, vừa nhớ vợ nhớ con, nhớ cha nhớ mẹ rồi nhớ người thân,... Những con đường, những căn nhà, những nơi mình phải tới hiện dần trong trí óc, nhưng chỉ là ở trí óc thôi!...

Rồi những năm trên xứ người, Tết vẫn phải đi "cày". Sự khác biệt về lịch, khác biệt về phong tục nên không dám nghỉ hảng, bỏ công việc làm. Nhưng rồi người Tây dần dần cũng hiểu, bây giờ cũng được một hai ngày để gọi là "ăn Tết" lai rai. Đã mấy năm rồi Đồ tôi vẫn phải "hái lộc đầu năm" ở trong nhà nilông với cái nóng của mùa Hè trên xứ Úc. Xong về nhà bắt cassette để các ông A.V.T hỏi cô hàng bánh "bánh chưng thì có.. bánh dày.. cô để đâu?...". Bạn có biết cô hàng để ở đâu không? Chứ Đồ Ngông tôi thì không biết ở đâu rồi! Hoặc đọc đến bài thơ "Chúc Tết" của Cụ Tú Xương để mà nghe cái thâm thúy, cái thi vị trào lộng nhẹ nhàng nhưng rất độc đáo của nhà thơ:

Chúc Tết.

Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau
Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu
Phen nầy ông quyết đi buôn cối
Thiên hạ bao nhiêu đứa giã trầu.

Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang
Đứa thì mua tước, đứa mua quan
Phen nầy ông quyết đi buôn lọng
Vừa bán vừa la cũng đắt hàng.

Nó lại mừng nhau cái sự giầu,
Trăm ngàn vạn mớ để vào đâu?
Phen nầy chắc hẵn gà ăn bạc,
Đồng rụng, đồng rơi lọ phải cầu.

Nó lại mừng nhau sự lắm con,
Sinh năm, đẻ bảy được vuông tròn
Phố phường chật hẹp, người đông đúc,
Bồng bế nhau lên nó ở non.

Trần Tế Xương.