Nho Ve Trinh Hoai Duc

Hoài Hương


Năm 1991, trường trung học Trịnh Hoài Đức được lấy lại tên cũ sau 16 năm bị thay tên  đổi họ. Từ đó đến nay, trường đã được phát triển rất mạnh và trở thành một trường lớn trong tỉnh Bình Dương với hàng ngàn học sinh, hàng trăm thầy cô giáo.

Qua bao thăng trầm của thời cuộc, trường Trịnh Hoài Đức là nơi đào tạo rất nhiều nhân tài cho tỉnh nhà. Hoài niệm về trường xưa, tôi xin ghi lại một đôi nét về Trịnh Hoài Đức trong khoảng thời gian 1965-1972 là thời gian tôi học trung học ở đây. Hy vọng quý anh chị  đã học trước hay sau thời gian trên bổ túc thêm để chúng ta có đủ tài liệu về một ngôi trường thân yêu mà ít ra trong một khoảng thời gian nào đó của thời thanh niên, chúng ta đã gắn bó với nó.

Trường Trung Học Đầu Tiên của Bình Dương

Tới giữa thập niên 50, tỉnh Bình Dương vẫn chưa có trung học công lập. Trong tỉnh lúc đó chỉ có tư thục Nguyễn Trãi và Trí Đức (dạy tới lớp đệ tứ). Học sinh trung học trong tỉnh nếu không học Nguyễn Trãi thì phải đi Sài Gòn học nên rất tốn kém. Năm 1954, nhà giáo Trương văn Di, nguyên là Hiệu Trưởng trường Tiểu Học Cộng Đồng Búng đã cố gắng vận động để xin xây cất trường trung học công lập đầu tiên cho tỉnh Bình Dương trên khu đất kế cận trường Tiểu Học Cộng Đồng thuộc xã An Thạnh (Búng). Đến năm 1955 thì ba phòng trệt, ba phòng lầu được xây cất xong. Trường khai giảng khóa đầu tiên niên khóa 1955-1956 .

Trịnh Hoài Đức : một danh nhân triều Nguyễn.

Trường trung học đầu tiên của tỉnh nhà được đặt tên là Trường Trung Học Trịnh Hoài Đức, một danh nhân triều Nguyễn, một học giả uyên thâm có công rất lớn trong việc khai khẩn đất Đồng Nai.

Trịnh Hoài Đức (1765-1825) tự Chỉ Sơn, hiệu Cấn Trai là người Minh Hương sinh quán tại Đồng Nai. Ông là học trò của Võ Trường Toản. Trịnh Hoài Đức học rất giỏi. Ông đã theo giúp các vua nhà Nguyễn và có rất nhiều công lao. Ông đã được phong chức Hiệp Biện Đại Học Sĩ, từng làm Thượng Thư các bộ Lại, Lễ, Binh, kiêm Tổng Tài Quốc Sử Quán. Ông từng làm Chánh Sứ đi Trung Quốc và cũng từng làm Tổng Trấn Gia Định cai quản Gia Định Thành trong nhiều năm.

Ông cùng với Lê Quang Định, Ngô Nhân Tịnh được người cùng thời phong tặng là Gia Định Tam Gia vì tài văn chương trác tuyệt. Thơ văn của ông được ghi chép trong bộ Cấn Trai Thi Tập. Ngoài ra ông còn lập ra Bình Dương Thi Xã để cùng nhau xướng họa.

Nhưng công trình nổi danh nhứt của Trịnh Hoài Đức chính là bộ sách "Gia Định Thành Thông Chí". Với bộ sách nầy ông đã được xem như là một nhà Địa Dư Chí đầu tiên của miền Nam. Gia Định Thành Thông Chí gồm 6 tập là một bộ sách nghiên cứu có giá trị đã được người Pháp dịch ngay ra tiếng Pháp năm 1863 khi mới chiếm miềân Nam vì họ biết rằng sách rất đầy đủ về mọi mặt sinh hoạt của người Việt ở  miền Nam khi đó. Công trình của Trịnh Hoài Đức mang đậm đới sống thực tiễn, mô tả nhiều nếp sinh hoạt, làm ăn buôn bán của người dân Gia Định thành được trình bày rõ ràng khiến nhiều nhà nghiên cứu ngày nay cũng đánh giá rất cao. Ngày nay, mộ của Trịnh Hoài Đức vẫn được bảo tồn tại Cù Lao Phố (Biên Hòa) ghi công người tiền phong trong việc khai phá đất  Đồng Nai.

Trong khuôn viên Trường Trung Học Trịnh Hoài Đức cũng có tượng của ông, được xây trên bệ cao khoảng hai mét. Tượng được khánh thành năm 1972 do sáng kiến của thầy Hiệu Trưởng lúc đó là Lê Tấn Lộc.

Những bước phát triển

Niên khóa 1955-1956 , Trịnh Hoài Đức nhận 150 học sinh (khoảng 100 nam, 50 nữ) vào lớp Đệ Thất. Đây là khóa đầu tiên của trường, và học sinh khóa nầy thuộc khóa một. Hiệu Trưởng đầu tiên là thầy Nguyễn văn Trương do Bộ Giáo Dục cử về. Trong năm đầu tiên, trường chỉ có 12 thầy cô giáo.

Thầy Nguyễn văn Trương làm Hiệu Trưởng đến năm 1957 thì được triệu hồi về Bộ Giáo Dục, thầy Trương văn Di lên thay. Do nhu cầu phát triển, trường được xây cất thêm. Đến năm 1959 trường có thêm hai phòng trệt và hai phòng lầu nữa, đồng thời lại có thêm Trường Nữ Trung Học Trịnh Hoài Đức cách chợ Búng 500 mét. Do có thêm cơ sở, lớp đệ tam đã được tuyển trong năm nầy. Vào lớp Đệ Tam, học sinh phải chọn ban A (Vạn Vật) hay B (Toán Lý Hóa). Năm đầu tiên có hai lớp ban A và một lớp ban B.

Thầy Trương văn Di làm hiệu trưởng được bảy năm thì về hưu. Các hiệu trưởng sau đó là quý thầy: Nguyễn thanh Liêm, Đặng trần Thường, Nguyễn ngọc Lâm, Nguyễn trí Lục, Lê tấn Lộc, Nguyễn văn Phúc, Nguyễn văn Hộ (là người cuối cùng năm 1975).

Đến năm 1975 trường có một phòng thí nghiệm, một phòng sinh hoạt, một phòng hướng dẫn khải đạo với 45 lớp gần 2000 học sinh và 100 giáo sư và nhân viên. Tuy nhiên, phòng thí nghiệm hầu như không hoạt động, dụng cụ phương tiện thí nghiệm rất thiếu thốn.

Quý thầy Hiệu Trưởng

Trong khoảng bảy năm trung học (1965-1972), tôi đựơc biết bốn vị hiệu trưởng là:

Thầy Nguyễn trí Lục: thầy Lục làm hiệu trưởng trong thời gian có nhiều biến động xã hội như biến cố Tết Mậu Thân, do đó việc điều hành có khó khăn nhưng do thầy có tài tổ chức nên công việc tiến triển bình thường. Năm tôi học lớp đệ thất và đệ lục (1965-1966), trường tổ chức Lể phát thưởng tại Hội Trường Tỉnh Lỵ rất xôm tụ. Mỗi kỳ có lễ trong tỉnh, học sinh Trịnh Hoài Đức đi lễ với đồng phục chỉnh tề đã cho thấy trường có quy củ nề nếp.

Thầy Lê tấn Lộc: rất năng động và nhiều sáng kiến. Trường Trịnh Hoài Đức trong thời gian thầy làm hiệu trưởng (1969-1972) rất phát triển và nổi bật cả về học tập cũng như về sinh hoạt học đường. Về học tập, học sinh đậu cao và được tuy?n vào các trường đại học nhiều. Về văn nghệ, trường đã tổ chức được hai buổi đại nhạc hội gây quỷ hiệu đoàn tại rạp Thanh Bình và một chương trình văn nghệ trên đài truyền hình quốc gia. Về thể thao, đội bóng chuyền Trịnh Hoài Đức đoạt giải vô địch tỉnh Bình Dương năm 1971. Những thành tích của Trịnh Hoài Đức đã giúp thầy Lộc được thăng chức Trưởng Khu III Học Chánh (Miên Đông Nam Phần).

Thầy Nguyễn Văn Phúc: làm hiệu trưởng chỉ có một thời gian ngắn, sau đó đổi về tỉnh làm Chánh Sở Học Chánh Tỉnh Bình Dương. Thầy là người địa phương, rất nghiêm, nhưng đôi khi quá nguyên tắc. Sau nầy, khi trường được lấy lại tên cũ, thầy được đề cử làm hiệu trưởng nhưng thầy chỉ làm chưa tới một niên khóa thì về hưu.

Thầy Nguyễn văn Hộ: Khi thầy Phúc lên làm Chánh Sở Học Chánh, thầy tìm người địa phương Bình Dương để thay thế làm hiệu trưởng. Người địa phương đầu tiên mà thầy liên hệ là thầy Nguyễn văn Mẹo (dạy Pháp Văn).. Nhưng thầy Mẹo viện cớ là hơi lảng tai nên từ chối làm hiệu trưởng. Do đó, thầy Nguyễn văn Hộ được chọn. Thầy Hộ cũng là một người trẻ có nhiều khả năng.

Nói chung , quý thầy làm hiệu trưởng thường là người có tài và nổi bật hơn các giáo sư khác chớ không phải là "dạy lâu năm, lên lão làng".

Thầy cô có nhiều người biết

Trường có trên 100 thầy cô. Có người giảng dạy lâu năm. Có người chỉ dạy một niên khóa. Trong thời gian tôi học ở Trịnh Hoaiì Đức, các thầy cô sau đây có nhiều người biết:

Thầy Phạm Ngọc Em: là Giám Học của trường. Thầy dạy Lý Hóa, có rất nhiều kinh nghiệm và giảng dạy lâu năm. Hầu hết các anh chị của tôi đều là học trò của thầy. Thầy có tổ chức dạy thêm rất nhiều, và thầy giảng dễ hiểu nên có nhiều học sinh theo học. Thầy Em làm Giám Học rất lâu mà không lên hiệu trưởng chắc là do thầy không muốn làm vì muốn tự do. Làm hiệu trưởng thì phải biết chút ngoại giao mà thầy Em thì rất bình dân. Thầy Em gốc người miền Trung nhưng chọn Bình Dương làm quê hương thứ hai. Thầy có nhà ở Búng, hàng ngày đi chiếc xe Honda "dame" "cà tàng" lên trường và lên Bình Dương để đi dạy. Nhưng không phải vì vậy mà học sinh không mến và thương thầy, trái lại ai cũng coi thầy như cha vì thầy ở Trịnh Hoài Đức rất lâu nên biết rất rõ gia cảnh của từng học sinh nên hay hỏi han từng em rất chân thành.

Cô Trần thị Hương: là Phụ Tá Giám Học, lo cho trường Nữ Trịnh Hoài Đức. Cô Hương cũng được nhiều học sinh quý mến vì dạy hay và thân tình với học sinh. Nhà cô là một biệt thự ở dốc Nhà Đỏ Lái Thiêu, và địa danh Nhà Đỏ hình như là nói tới biệt thự của gia đình cô. Cô Hương hiện nay đang ở Pháp..

Thầy Nguyễn Bé Tám: dạy Nhạc và lo phần văn nghệ cho trường. Thầy Tám là người lo phần văn nghệ cho các lễ phát thưởng, hay đại nhạc hội. Tánh thầy nóng nảy và hay la rầy học sinh nhứt là các cô cậu ham vui, hát ...dở mà thích được lên sân khấu. Đối với Ban Lãnh Đạo trường thì thầy là người có công, nhưng nhiều học sinh không thích thầy.

Thầy Đoàn Phế: dạy Việt Văn, nhưng lại kiêm thêm việc tay trái là làm "ông Bầu" cho đội thể thao của trường. Thầy đã nhiều lần đưa đội bóng chuyền đi đua tài và chiến thắng các trường bạn ở Biên Hòa, Vũng Tàu, Thủ Đức...

Cô Hà thị Liên: dạy Anh Văn, rất duyên dáng, về sau trở thành phu nhân của thầy Nguyễn trí Lục.

Thầy Lê đức Viên: là Tổng Giám Thị nhiều năm. Thầy ở Sài Gòn nhưng rất tận tụy. Sáng nào thầy cũng dậy sớm tới trường để đứng trước văn phòng Hiêu Trưởng để kiểm soát đồng phục và phù hiệu của học sinh. Nhiều bạn 'ba gai" rất ngán thầy Viên.

Ngoài ra, còn rất nhiều thầy cô nổi tiếng như: Nguyễn văn Đô, Bùi thế San, Đặng thanh Châu, Nguyễn văn Mẹo, Trần văn Em, Nguyễn nhật Duật, Nguyễn minh Châu, Phạm đức Liên, Huỳnh thành Tâm,Trần bá Hổ, Võ tấn Phước, Nguyễn thiện Thuật , Nguyễn tư  Nhượng... vì bài viết có giới hạn nên không kể hết ra được.

Những học sinh có thành tích

Trương công Bình: phần thưởng danh dự toàn trường niên khóa 1970-71. Để chấm điểm học tập. Ban Giáo Vụ tính điểm như sau: trong kỳ thi học kỳ, cứ một lần học sinh hạng nhứt một môn học thì được gọi là một lần "xướng danh". Trung bình một năm có 14 lần thi các môn học khác nhau, do đó sẽ có tối đa 14 lần xướng danh. Anh Bình đã có 12 lần xướng danh nên lảnh phần thưởng "Danh Dự Toàn Trường" (do Tổng Thống tặng). Anh Bình hiện là Bác sĩ tại Bệnh Viện Bình Dương.

Vương Hoàng Phượng: học giỏi, tính tình hiền hậu, sinh hoạt cộng đồøng rất hăng say. Chị Phượng hiện là Bác sĩ, Giám Đốc một bịnh viện ở Mỹ.

Trịnh Phi Anh: học rất giỏi, thi đậu vào Kỹ sư Điện, Đại Học Phú Thọ. Hiện là Giám Đốc Nhà Máy Thủy Điện Trị An.

Từ Minh Thạnh: Học giỏi, chơi thể thao hay, hát cũng hay. Thạnh có bằng Thạc Sỉ Hóa Học, hiện là Giảng Viên Đại Học Sư Phạm Sài Gòn.

Những bạn có tiếng vì là cầu thủ bóng chuyền: Nhãn, Lực, Nguyện, Phước, Tuấn, Hậu, Tâm, Thạnh... Ở Búng có hai cô gái đánh vũ cầu rất giỏi là : bạn Liên và bạn Nguyện: vô địch vũ cầu trong nhiều năm. Tỉnh Bình Dương có quý thầy cô giáo ở Búng đã là vô địch vũ cầu cả miền Đông Nam Phần trong thập niên 70 . Liên và Nguyện là hai "đệ tư"û của họ nên thành tích cũng rất sáng chói.

Sinh hoạt học đường

Trịnh Hoài Đức là một trường lớn. Ngoài việc dạy văn hóa, trường còn có nhiều sinh hoạt học đường như văn nghệ , thể thao, cắm trại, du ngoạn để giúp các em học sinh hiểu biết nhiều hơn về cộng đồng và xã hội.

Về cắm trại và du ngoạn: hầu như năm nào trường cũng có tổ chức Trại Tết ngay tại sân trường để học sinh vui chơi với những phong tục Tết xưa và nay. Trong trại Tết có văn nghệ thi đua, tranh tài thểâ thao, triển lãm tranh vẽ của học sinh ...

Trường còn tổ chức cắm trại tại Chùa Hội Khánh, du ngoạn Vũng Tàu ... những lần đi nầy đã làm cho tôi có rấât nhiều kỷ niệm và biết nhiều hơn về quê hương đất nước. Trong trại sinh hoạt học sinh do Ty Thanh Niên tổ chức (tại Phú Lợi), Trịnh Hoài Đức cùng các trường bạn như Nông Lâm Súc và các đoàn thể thanh niên như Nghĩa Sinh, Hướng Đạo ... đã tranh đua rất hào hứng.

Về báo chí: năm nào trường cũng có Đặc San Xuân là dịp để học sinh thi tài viết văn. Đây cũng là dịp chúng  tôi tổ chức các đoàn đi bán báo để giới thiệu Trịnh Hoài Đức với các trường bạn ở Hóc Môn, Biên Hòa, Gia Định, Sài Gòn ... Phong trào bích báo cũng rất xôm tụ, nhiều màu sắc.

Về văn nghệ: Ngoài các chương tình văn nghệ nội bộ như phát thưởng hay có mời Khánh Ly và Trịnh công Sơn về hát ở trường năm 1967, Trịnh Hoài Đức đã tổ chức được hai buổi hát tại rạp Thanh Bình năm 1971 để gây quỷ hiệu đoàn, và một chương trình văn nghệ trên Đài Truyền Hình Sài Gòn. Chương trình nầy rất thành công, không những giới thiệu Trịnh Hoài Đức mà còn làm cho người xem biết nhiều hơn về quê hương Bình Dương trái ngọt cây lành. Theo tôi được biết chỉ có hai trường có chương trình văn nghệ trên Đài Truyền Hình Sài Gòn lúc đó là trường Mạc Đỉnh Chi và Trịnh Hoài Đức của Bình Dương.

Về thể thao: Trịnh Hoài Đức có sân rộng nên từng được chọn làm nơi tổ chức Đại Hội Thể Thao Học Sinh Tỉnh Bình Dương. Đội bóng chuyền và vũ cầu  có thành tích nổi bật.

Về xã hội: học sinh Trịnh Hoài  Đức cũng tham gia các sinh hoạt xã hội như cứu trợ nạn lụt miền Trung, chúng tôi tổ chức văn nghệ hay xổ số để gây quỷ cứu trợ. Năm 1972 lại tổ chức giúp đồng bào chiến nan từ Bình Long về tại trại tạm cư Phú Văn, ở đây ngoài giúp đỡ thực phẩm, tiền bạc, chúng tôi còn đến đào hầm vệ sinh và làm các việc công ích khác.

Hội Cựu Học Sinh

Hiện nay Trịnh Hoài Đức đã có hội Cựu Học Sinh hàng năm họp mặt vào ngày 1/5 để có dịp hàn huyên tâm sự và tổ chức các yểm trợ cho sinh hoạt của trường. Hội đã vận động để giúp xây được một mái ấm cho cô Hưng, một cựu giáo sư của trường.

Tương lai

Những năm sau 1975, khi đi ngang trường xưa, thấy khung cảnh lạnh lẽo, tiêu điều ai cũng chạnh lòng nhớ về một mái trường ngày nào ồn ào , náo nhiệt với biết bao kỷ  niệm khó quên. Rồi hôm nay, với nguyện vọng chính đáng của các cựu học sinh , Trịnh Hoài Đức lại được mang tên cũ và hoạt độïng trở lại với quy mô to lớn hơn xưa với hàng ngàn học sinh và hàng trăm thầy cô. Được biết hiện nay tỉnh Bình Dương đang có kế hoạch xây lại trường Trịnh Hoài Đức với ngân sách hơn 10 tỉ đồng ( khoảng 700.000 đôla). Hy vọng công việc được xúc tiến nhanh chóng để các cháu học sinh ở các vùng lân cận như An Thạnh, Lái Thiêu và cả Thủ Dầu Một có một nơi học tập và sinh hoạt.

Viết bài nầy chúng tôi hy vọng là một bước mở đầu để chúng ta có dịp ôn lại những ký ức của những ngày xưa thân ái. Mong các bạn bổ sung tin tức và kỷ niệm về ngôi trường Trịnh Hoài Đức thân yêu của chúng ta.