Nhớ về bạn cũ trường xưa
Từ thị Yên
Sớm mai, ra sân tập vài động tác thể dục cho giãn
gân cốt, nhìn hoa tím nở đầy khắp lối, tôi chợt
nhớ San José giờ đã vào hè. Ở đây, tuy không
có những cành phượng đỏ thắm, không có tiếng ve
sầu trong những vườn cây râm mát nhưng tự nhiên tôi
vẫn mông lung nhớ về một thuở hoa niên, một thời mới lớn
đầy vô tư ở vùng quê hương đầy trái ngọt cây
lành. Đó là Bình Dương nơi tôi sinh ra
và lớn lên. Đó là trường trung học Trịnh Hoài
Đức, ngôi trường thân yêu nhiều kỷ niệm ...
Thuở nhỏ, tôi đi học ở trường Trí Đức cho gần nhà.
Trong kỳ thi Trung Học Đệ Nhứt Cấp, tôi đổ hạng Bình. Vào
thập niên 60, khi việc học hành ở Bình Dương còn
rất khó khăn, và trong lúc nhiều bạn khác bị
thi rớt kỳ thi Trung Học, thì việc tôi đậu hạng cao như vậy là
một “chấn động” lúc đó, nhứt là trong giới bạn bè
trung học. Tôi nhớ năm đó chỉ có hai người đậu Trung
Học hạng Bình đó là tôi và anh Nguyễn thành
Thuần.
Do đậu cao, tôi được tuyển thẳng vào học lớp đệ tam của trường
trung học Trịnh Hoài Đức (tức lớp 10 bây giờ).
Hồi đó, trường Nữ Trịnh Hoài Đức ở sâu phía trong.
Từ quốc lộ 13 đi vào là con đường đất đỏ, bên phải con
đường có quán bánh bèo bì Mỹ Liên
nổi tiếng. Từ đây vào trường phải đi bộ hơn một cây số.
Vào mùa mưa đi học trên con đường nầy là cả một
cực hình vì học sinh nữ phải mặc đồng phục áo dài
trắng, mang guốc mộc, mà đường đất thì dơ lắm, vừa bùn
lầy, vừa trơn trợt, có khi bùn đất dính vào hai
tà áo dài trông rất dơ bẩn.
Đường đi học đã khó mà việc học cũng không dễ
dàng gì. Tôi nhớ chỉ có hai người được tuyển vào
học nên “ma cũ ăn hiếp ma mới”. Nhóm học sinh đệ tam cũ của Trịnh
Hoài Đức dành hết các bàn đầu. Tôi bị nhét
vào bàn chót, vừa chật chội, vừa xa bảng, khó
nghe thầy giảng bài. Tuy bị “chơi ép” như vậy, tôi quyết
tâm phải tỏ ra mình không thua kém ai.
Tôi có người anh thứ ba tên Từ văn Chánh. Anh
rất giỏi toán nên tối nào tôi cũng nhờ anh kèm
toán trước. Vào lớp, tôi xung phong lên bảng giải
những bài toán khó. Thế là được thầy để ý.
Tôi rán học bài, làm bài đầy đủ nên
cuối năm đó tôi đứng đầu lớp. Đó là lớp đệ tam
không phải là lớp thi nên tôi chỉ học tà tà
chớ chưa phấn đấu hết sức mình.
Sang năm đệ nhị, mấy bạn kia đã biết “tài” của đối thủ nên
họ cũng rán học ghê lắm. Còn phần tôi, dĩ nhiên
tôi cũng phải phấn đấu học tập siêng năng hết mình. Đối
thủ của tôi lúc đó có: Quế Châu là
con của cô giáo Quế dạy Pháp Văn của trường Trịnh Hoài
Đức, nhà trước rạp hát Bình Minh; Hồng Điệp là
cũng con của thầy cô giáo, nhà ở gần Ty Cảnh Sát;
và Sang. Ba người nầy siêng lắm, ai cũng học giỏi và đuổi
theo tôi ráo riết.
Thầy cô giáo của chúng tôi năm đệ nhị toàn
là “thượng thặng”: Việt Văn có thầy Kiên, Lý Hóa
có thầy Phạm Ngọc Em, Vạn Vật có cô Hưng ...
Người tôi nhớ nhứt chính là thầy Em, người mập, mang
kiếng cận. Thầy giảng bài rất dễ hiểu và rất nhiệt tình.
Tôi còn nhớ như in những giọt mồ hôi lấm tấm trên
mặt thầy trong những trưa hè nóng nực. Nhưng tánh thầy
quá dễ dãi nên học sinh nói chuyện um sùm.
Đúng là “nhứt quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”.
Hồi đó, thầy Điềm, dạy sử địa thích cô Yến dạy Việt
Văn lớp đệ tam. Thế là chúng tôi tha hồ trêu ghẹo
thầy cô. Mỗi lần thấy thầy cô gặp nhau ở hành lang là
tụi tôi cười khúc khích. Thế mà sau đó thầy
cô thành vợ chồng mới hay chớ.
Tôi có một người bạn ngồi cùng bàn là
Xuân Hương con ông Tỉnh Trưởng tỉnh Bình Dương lúc
đó. Sau khi đậu Tú Tài một, Xuân Hương lên
xe hoa với thầy Kiên trong một đám cưới rất linh đình.
Thầy đã “đá lông nheo” với Hương hồi nào không
biết. Đây là một chuyện tình kết thúc có
hậu.
Một chuyện tình khác cũng kết thúc có hậu. Đó
là Ngọc Tuyết, học chung lớp của tôi năm đệ nhị. Tuyết đã
lên xe hoa với thầy Công – giám thị trường Trịnh Hoài
Đức – Hai người yêu nhau vì cùng sinh hoạt chung trong
tổ báo chí của trường. Lúc đó tôi cũng là
một thành viên của Ban Báo Chí. Có lẽ máu
văn sĩ của tôi đã nổi lên từ đó hay chăng ? (Mới
đây có người cho biết tin là hiện nay thầy Công
định cư tại San Jose và là một nhà địa ốc rất thành
công ở Thung Lũng Hoa Vàng. Cũng mừng cho thầy).
Sau năm đệ nhị nhiều bạn đã rớt Tú Tài một, hoặc đã
đi học Cao Đẳng hay ở nhà ... lấy chồng. Lớp chỉ còn phân
nửa nên chúng tôi chuyển qua học đệ nhứt bên trường
Nam chung với những bạn trai.
Xin điểm danh lớp đệ nhứt A năm nầy. Bên nữ thì có Thanh
Quang, Quế Châu, Hồng Điệp, Sang, Ngọc Điệp, Hồng Cúc, Ngọc Mai,
Yên ... Bên nam thì có Di, Liệu, Đỗ thái
Bình, Phan kỳ Nam, Nuôi, Tám ...
Thành công nhứt lớp đệ nhứt A của tôi hiện giờ ở Bình
Dương là bạn Đỗ thái Bình. Anh là Giám
Đốc một công ty Dược khá bề thế ở Lái Thiêu. Bình
là người có lòng với trường. Anh là Hội Trưởng
Hội Cựu Học Sinh Trịnh Hoài Đức. Mấy năm trước khi tôi về Việt
Nam thăm gia đình có gặp Bình thì được biết anh
cùng với Nuôi, Liệu, Tám cùng các bạn học
niên khóa 63-64 đang vận động góp tiền bạc để xây
cho cô Hưng (dạy Vạn Vật) một căn nhà tình nghĩa vì
hiện giờ cô đã về hưu và rất nghèo. Tôi rất
cảm động về nghĩa cử đó và cũng có đóng góp
một phần nhỏ trong đó.
Xin nói tiếp chuyện học hành năm lớp đệ nhứt. Trường Nam Trịnh
Hoài Đức nằm gần quốc lộ 13, chung quanh chỉ là ruộng trồng
đầy củ sắn. Mỗi lần thi Lục Cá Nguyệt, khi phải suy nghĩ về một bài
toán khó hay tìm một câu văn trong bài luận
Triết tôi hay thả mắt nhìn qua ruộng củ sắn nơi có một
màu xanh ngắt bát ngát, mênh mông.
Hồi đó, tôi mê những lời giảng về môn Triết của
cô Long. Cô mang kiếng trắng, lời giảng của cô thao thao
và rất sâu sắc. Cô Hưng thì độc thân và
hơi khó tính nên cô bị tụi con trai như anh Nuôi
quậy phá tưng bừng. Có lần tụi con trai còn để trái
“mắt mèo” dưới ghế ngồi của cô nên cô đòi
đưa mấy cậu nầy ra Hội Đồng Kỷ Luật. Sau nầy chính mấy anh chàng
quậy phá nầy lại có lòng nhứt với cô Hưng như đã
nói ở trên.
Về chuyện học hành, tôi phải rán học dữ lắm đến nổi
ốm yếu trơ xương. Tôi, Quế Châu, Hồng Điệp, Sang ... đang tranh
nhau từng điểm một. Mấy anh bên trai tức lắm nhưng học không lại
tụi tôi. Cuối năm đó, tôi chiếm hạng nhứt, Quế Châu
hạng nhì, Sang hạng ba, Hồng Điệp hạng tư. Đỗ thái Bình
chỉ hạng 5 mà thôi. (Nhưng sau nầy anh ta thành công
nhứt lớp. Con trai mà, chắc giỏi ngoại giao hơn tụi tôi !). Năm
nầy tôi còn được Phần Thưởng Danh Dự Đệ Nhị Cấp của trường.
Về chuyện tình, trong lớp tôi có bạn Hồng Cúc
rất đẹp và nẩy nở ở tuổi 18 nên lọt vào mắt xanh của anh
Nguyễn văn Phúc. Sau nầy hai anh chị thành hôn với nhau.
Anh Phúc là người học giỏi nên sau nầy là giáo
sư Triết và trở thành Hiệu Trưởng Trịnh Hoài Đức rồi
làm tới Chánh Sở Học Chánh của tỉnh Bình Dương.
Còn Hồng Cúc là giáo sư dạy môn Lý
của trường Cấp 3 Thị Xã.
Sau khi đậu Tú Tài Hai và rời mái trường trung
học, tôi và Đỗ thái Bình đậu vào trường
Đại Học Dược Khoa. Bốn năm sau chúng tôi tốt nghiệp Dược Sĩ.
Những năm trước 1975, tôi, chị Lâm Lệ Du, anh Võ Tấn Đức,
Đỗ thái Bình ... là những dược sĩ trẻ của tỉnh nhà.
Chúng tôi mở nhà thuốc tây ở Chợ Thủ và nhờ
đó mà người dân Bình Dương có nhiều lựa
chọn hơn khi cần mua dược phẩm cần thiết để trị bịnh.
Cuộc đổi đời năm 1975 đã làm đảo lộn tất cả. Nhà thuốc
tây tư nhân thì bị đóng cửa. Với lý lịch
là vợ sĩ quan chế độ cũ, tôi không được thu nhận vào
làm việc cho các cơ sở y tế ở Bình Dương. Từ đó,
tôi phải làm nhiều nghề lao động và buôn bán
để kiếm tiền nuôi con, nuôi chồng đang “học tập cải tạo”. Năm
1990, gia đình tôi qua Mỹ định cư với hai bàn tay trắng.
Việc học lại vì đó cũng không thể thực hiện được nữa.
Cuộc sống bây giờ chỉ làng nhàng chớ chẳng lên hương
chút nào. Tôi cũng không buồn vì tôi
đã biết rõ số tử vi của mình. Cung Quan Lộc thì
tốt nhưng cung Mệnh thì tầm thường. Bây giờ đã trên
sáu “bó”, đã thành lão bà rồi. Thôi
thì hãy vui với con với cháu. Một điều an ủi đối với
tôi là con gái tôi rất thành công
và có địa vị trong xã hội mới ở xứ người. Cháu
làm việc lương cao, siêng năng và được mấy
người “lãnh đạo” yêu mến. Như vậy đối với tôi đó
cũng là một điều làm tôi rất mãn nguyện khi đến
xứ sở tự do nầy.
Mấy năm trước, tôi đã nhiều lần trở về thăm lại trường xưa.
Trường Trịnh Hoài Đức bây giờ đã được xây cất lại.
Đó cũng nhờ công của cậu em trai kế của tôi là Từ
văn Nhung, người từng làm Hiệu Trưởng Trịnh Hoài Đức trên
hơn 10 năm. Nay Nhung cũng đã về hưu rồi. Thế hệ “già” cũng
cần ra đi để thế hệ trẻ tiến lên.
Bây giờ nhìn lại sau hơn 40 năm, tóc đã bạc,
răng đã long nhưng mỗi khi nhớ lại những ngày hoa niên,
lòng tôi bỗng như trẻ lại, bỗng bâng khuâng nhớ
về một dĩ vãng thật xa xưa với hình ảnh thầy cô, với
bạn bè. Tôi mong một ngày nào đó có
dịp về lại quê hương để gặp lại những bạn cũ, rồi cùng nhau
nhắc những câu chuyện về những ngày xưa thân ái,
rồi điểm danh xem ai còn ai mất, hoặc nhắc lại những kỷ niệm vui buồn
của thời học sinh ở trường Trịnh Hoài Đức. Đó là một
thời vàng son mà tôi không bao giờ quên được
./.