Nhà quê ra tỉnh

Có bạn hỏi tôi là anh đi du lịch cũng nhiều , vậy có gì vui kể cho bạn bè nghe chơi. Tôi xin trả lời là đi du lịch dĩ nhiên có nhiều điều bổ ích. Những dịp đi đây đi đó giúp chúng ta giảm bớt căng thẳng sau những ngày làm việc mệt nhọc, đồng thời lại giúp ta học hỏi thêm nhiều điều hay ho, mới lạ mà trước đây mình chỉ đọc được trong sách vở nay mới thấy thực tế như thế nào. Nhưng đi du lịch cũng rất dễ bị "ngỡ ngàng", hay nói một cách bình dân là bị "quê" khi mình tới một xứ sở xa lạ, phong tục tập quán có nhiều điều khác với nơi mình ở. Nhân dịp xuân về, rảnh rỗi tôi xin kể cho bạn nghe một vài câu chuyện nhà quê của tôi khi đi du lịch khắp nơi.

Cái quê thứ nhứt mà tôi hay gặp là bị người ta ... đuổi. Tại cái bộ dạng của tôi dễ ăn hiếp hay tại người ta ... kỳ thị thì không biết. Nay xin kể ra đây để bạn đọc cho vui ba ngày xuân.

Có một lần ở Bá Linh , tại một trạm xe điện ngầm, tôi ngồi đại trước hàng ba của một cửa tiệm (ngồi tránh một bên chớ không phải ngay cửa ra vào) để đọc bản đồ coi mình phải đi tuyến xe nào. Ngồi chưa nóng chỗ thì có một người trong tiệm bước ra và xổ một tràng tiếng ... Đức. Tuy tôi không hiểu gì nhưng cũng biết ngay là ông ta nói : " Ê, nầy ông bạn, mời ông đi chỗ khác chơi, để cho người ta buôn bán". Tôi xệ quá, bèn đứng lên xếp bản đồ lủi đi một nước. Cái nầy đúng là lỗi tại mình "ăn không coi nồi, ngồi không coi hướng", thiếu gì chỗ ngồi, tại sao lại ngồi trước cửa tiệm của người ta làm chi để bị đuổi.

Một lần khác cũng ở Đức, trên xe điện ngầm. Hành khách khá đông, tôi ngồi ở gần cửa, và xe đã đi qua nhiều trạm lắm rồi. Tới một trạm kia, có một ông già người Đức bước lên. Ông ta khều nhẹ tôi và chỉ ra sau lưng ghế. Trên vách xe điện có hình một chữ thập màu xanh. Ổng không nói gì, nhưng tôi chợt hiểu ra là mình đã ngồi vào chỗ dành cho ... người già và tàn tật. Do đó tôi vội vã đứng lên nhường chỗ cho ông ta. Thiệt là quê với mấy người hành khách khác. May là không có cô gái nào. (Nhưng mà ngó lại thì thấy ông ta cũng còn khỏe lắm mà !!!. Với lại thiếu gì người ngồi vào những ghế có chữ thập xanh, tại sao ông ta lại "khều" tôi mà không "khều" người khác. Thôi thì một câu nhịn, chín câu lành).

Lại cũng ở Đức (Frankfurt) là nơi tôi bị quê lần thứ ba. Tại một khu chợ lộ thiên, vừa mua xong một cái bánh mì kẹp xúc xích, một loại bánh đặc biệt của người địa phương rồi đứng xớ rớ đâu đó để thưởng thức. Rất đông người địa phương ở đây, họ cũng làm như vậy. Chừng năm phút sau, có một "mụ" đang ngồi ăn ở phía sau khều tôi và khoác tay tỏ ý muốn nói : "Nầy ông bạn, mời ông đi chỗ khác chơi". Tôi chợt nghĩ ra là mình đang cản trở tầm nhìn bàn dân thiên hạ của bà ta. Vốn có tánh "dĩ hòa vi quý" nên tôi kiếm chỗ khác mà đứng mặc dù cũng hơi "sùng" và "quê". "Ê, bộ bà mua cái "view" khi ngồi ở đó hay sao, bà nội". Tức mình tôi rủa thầm như vậy.

Một lần khác ở Monaco trước sòng bài nổi tiếng Monte Carlo. Tôi cũng muốn vô trong xem mà thấy phải gởi máy quay phim, máy chụp hình ở ngoài nên hơi ngần ngại. Đang phân vân đi qua đi lại ở trước cửa ra vào thì một tay bảo vệ tới gần và khoác tay , ý bảo: "Ê, anh kia đi chỗ khác chơi". Tôi bèn tẽn tò "quê một cục" bỏ đi ra một nước. Chắc họ thấy tôi có máy quay phim nên sợ tôi quay lén mấy vị tay to mặt lớn tới chơi bài ở đây. Sòng bài nầy muốn vô trong thì phải mua vé là 50 quan Pháp, và muốn đánh bài thì phải có 5000 đô la tiền vốn. Thường chỉ có mấy tay triệu phú mới vô đây nướng tiền. Còn cái thứ nhà quê như tôi thì ... đi chỗ khác chơi.

Đi du lịch, mình hay mang máy chụp hình và máy quay phim. Người địa phương họ ngó thấy là biết liền. Nhưng họ không có cử chỉ gì khác lạ mà để cho mình tự nhiên, trừ khi có những hành động ngộ nghĩnh. Hôm tôi tới Luân Đôn, sau khi đi xe điện ngầm tới trạm ở gần tháp đồng hồ Big Ben. Lúc đó khoảng 9 giờ sáng. Vừa bước ra khỏi đường hầm thì thấy ngay cái tháp đồng hồ nổi tiếng đang sáng chói lấp lánh dưới ánh bình minh. Thật là tuyệt đẹp và bất ngờ. Ai nấy đều ồ lên một tiếng, tay thì chỉ chỏ, miệng thì xuýt xoa. Chúng tôi đâu có để ý thấy mấy người dân Anh đang cười mím chi khi thấy mấy anh du khách lùn đang khoái chí nhìn thấy cảnh lạ lần đầu tiên trong đời (hy vọng là họ nghỉ mình là người ... Nhựt). Người Anh vốn ít quan tâm tới người khác. Phớt tỉnh Ăng Lê là bản tánh của họ. Vậy mà cũng phải phì cười trước vẻ ngô nghê của mấy anh ... Mít. Thiệt đúng là ... nhà quê ra tỉnh.

Tháp đồng hồ Big Ben - Luân Đôn

Ở bên Tây thì bị quê đã đành, qua bên Tàu cũng bị quê nữa mới xệ. Đó là hôm tôi ở khách sạn tại Thẩm Quyến, một thành phố nằm sát biên giới với Hồng Kông. Đi du lịch theo đoàn, mỗi lần tới khách sạn thì sẽ có bồi lấy hành lý đem lên tận phòng cho mình. Việc nầy cũng khá lâu vì đoàn cũng đông. Hôm sau thì du khách lại để hành lý trước phòng cho bồi đem xuống bỏ lên xe buýt. Bạn nghe như vậy thì thấy mình khỏe thiệt vì không phải làm việc nặng. Nhưng cũng phiền hà lắm vì có khi lên tới phòng mà hành lý chưa tới, hay khi để hành lý bên ngoài phòng để cho bồi đem xuống thì lo không biết hành lý có bị mất hay không, hoặc là hành lý có lẩn lộn qua đoàn khác hay không (vì có nhiều đoàn du lịch khác cũng trọ tại khách sạn nầy) ... Kỳ đó tôi quyết định tự mình đem hành lý ra xe cho chắc ăn. Nào ngờ vừa bước ra khỏi thang máy thì có một người bồi bước tới và nói: "Xin ông vui lòng cho tôi xách hành lý dùm ông". Tôi nói thôi để tôi làm cũng được. Anh ta nài nỉ: "Đây là quy định của khách sạn, xin ông vui lòng để tôi làm công việỉc của mình". Thôi thì bàn giao hành lý cho anh ta, mặc dù trong lòng thấy cũng hơi  ... quê.

Quê ở nước ngoài còn đở. Về tới nước mình mà bị quê mới đúng là ... quê. Đó là chuyến về Việt Nam thăm gia đình. Nhân dịp có Hội Hoa Xuân tại Vườn Tao Đàn nên vào coi. Thấy có một cây mai rất đẹp nên tôi đứng kế bên chụp một tấm hình. Vừa bấm máy xong tính bước đi thì có một ông đến sè tay ra và nói: "Xin trả 2000". "Tiền gì vậy cha nội ?", tôi hỏi lại. "Tiền chụp hình", anh ta nói. À thì ra, người ta chưng hoa cảnh ra để bà con chụp hình, ai chụp thì phải trả 2000. Số tiền không lớn nhưng mình không biết quy lệ đó nên bị  ... quê. Còn chuyện xe cộ , đi đứng ở bên nhà cũng là chuyện làm cho mình bị quê nữa, bởi vì xe chạy lung tung, tụi tôi không dám băng qua đường. Mỗi lần qua đường thì phải nhờ người địa phương dẫn qua. Thành ra, ngó thấy là biết ngay  là các "cụ" nầy làụ người từ nước ngoài về hay cũng giống như mấy anh nhà quê mới ra tỉnh lần đầu vậy thôi.

Có một lần duy nhứt trong chuyến viễn du mà vì nghỉ mình quê nên tôi "trúng số". Đó là kỳ đi thăm thành phố Nice ở Pháp, một thành phố nằm ven bờ Địa Trung Hải. Đoàn ghé lại trước khu thương mại La Fayette để bà con đi mua hàng. Tôi thì nghỉ rằng mình nhà quê, vô coi hàng một hồi thì loạn mắt, chắc không mua được cái gì. Thôi thì tà tà đi vòng vòng chơi. Nào ngờ đi một hồi ra tới biển. Ở bờ biển nầy, phụ nữ tự do, muốn mặc áo ngực thì mặc, không thì khoe của trời cho ra cho thiên hạ bàng quan ngắm chơi, dĩ nhiên trong đó có tôi. Ngày nay ở Pháp và các nước Châu Âu, quý bà rất tiến bộ và muốn trở về tự nhiên. Còn phần tôi thì no con mắt, nhưng dĩ nhiên cũng không dám làm điều gì "sàm sỡ" để bị quê nửa. Có thể nói chuyến đi kỳ đó, thì viếng thăm nơi nầy là đáng đồng tiền bát gạo nhứt. Đọc tới đây có thể bạn sẽ nói rằng không những tôi đã quê mà lại còn ... dê nữa thì tôi không cải. Nhưng nếu người ta để cho mình coi thì tội gì mà không ngắm cho đã, và nếu kỳ sau có dịp tới Nice thì chắc chắn tôi sẽ ở lại lâu hơn. Tôi tự nhủ như vậy.

Người xưa có nói :"Đi một ngày đàng, học một sàng khôn". Nhưng cái sàng khôn đâu chưa thấy mà nghe toàn là chuyện quê mùa của một anh từ nhà quê ra tỉnh khiến bạn đọc khi đọc xong chắc e ngại không muốn ra khỏi nhà. Khi mình tới một xứ sở xa lạ, phong tục tập quán đều khác thì chuyện bị quê là điều đâu thể tránh khỏi. Nhưng hình ảnh của những phong cảnh đẹp đẽ, những đồi núi thiên nhiên mấp mô, xanh mướt, những lâu đài tuyệt đẹp, những con đường náo nhiệt, những con sông lững lờ uốn khúc quanh co bên sườn đồi, những thành phố rực rỡ ánh đèn, những quảng trường đông đúc khách nhàn du ... lại thúc dục chúng ta lên đường để vui chơi, để tìm hiểu và nếu có quê một chút chắc cũng không sao. Và biết đâu chúng ta lại có những câu chuyện vui vui để kể cho bạn bè nghe nhân ngày đầu xuân mà cùng cười xả hơi trong năm mới về chuyện của một người nhà quê lên tỉnh ...