Nhắc Chuyện Xưa
Hoa Trần
1.
Trong tờ khai sinh của tôi ghi: sinh năm 1931 tại
làng Phú Cường, tỉnh Thủ Dầu Một. Vì thế nên từ
nhỏ đến lớn tôi sống gần chợ xưa gọi là chợ Thủ, cuối chợ có
cất một cái chợ cá ve ra sông, gần đó có
bến đò qua bên kia sông gọi là Bình Mỹ.
Thửơ đó, chợ và bến đò đều do người Ấn Độ thầu, nên
mỗi buổi sáng đều có mấy ông vận chăn đi thâu tiền
các bạn buôn bán gọi là tiền chỗ, còn cuối
bến đò cũng có hai ông bán vé qua sông.
Mấy ông Ấn nầy ăn trầu bô bô, cái túi vải
đeo trước bụng đựng trầu, thuốc tòn ten. Dân buôn bán
có tiền thì ngồi chỗ đàng hoàng, còn dân
nghèo buôn gánh bán bưng hể thấy dạng mấy ông
nầy thì lo lẩn tránh.
Nhà ông bà nội tôi ở gần rạp
hát Trần Trung, tức là con đường có tiệm vàng
Tín Thành sau nầy, ngày xưa gọi là đường Outrey
vì lúc đó còn người Pháp đô hộ,
tất cả tên đường đều bằng tên Pháp. Kỷ niệm ăn sâu
trong đầu tôi là chợ và rạp hát vì chỗ
nầy rất vui. Thử nghỉ tám chín tuổi còn con nít
thì ai mà không thích. Ban ngày đi học
đi ngang qua chợ lên khỏi nhà làng Phú Cường để
đến Trường Nữ. Lúc đó học sinh còn ít nên
chỉ có hai trường nhà nước riêng con gái, con trai.
Trường chỉ dạy từ lớp một gọi là Cours Enfintin, 2 Cours Preparatoire,
3 Cours Elementaire, 4 Cours Moyen 1ere Année, 5 Cours 2ème
Année, và sau rốt là Cours Superieur. Hồi đó
gọi theo ta là lớp chót, lớp tư, lớp ba, lớp nhì một
năm, lớp nhì hai năm và lớp nhứt. Học hết lớp nhứt là
đi thi lấy bằng sơ học mà viết tắt là C.E.P.C.I. Tức là
Certificat d'Etude Primaire Complementaire Indochinnois. Tôi chắc quý
vị cỡ tuổi tôi hồi đó cũng trải qua những chương trình
học nầy. Bắt đầu 7 tuổi tôi vô học lớp chót, xong lớp
nầy là phải đọc viết cho giỏi chữ quốc ngữ. Lên đếùn
lớp tư là bắt đầu học tiếng Pháp. Đến lớp ba là khỏi
nói, đến giờ Pháp văn đứa nào nói tiếng Việt
là bị phạt đòn. Ngày xưa đi học sợ thầy cô lắm,
đến giờ học im thin thít lắng nghe lời giảng của cô. Bây
giờ nghĩ lại gẫm nực cười , học sinh mũi xẹp như chúng ta học sử ký
địa dư đều là của nước Pháp. Bắt đầu đến lớp nhì
1 năm là cứ nhai mãi câu " Nos ancêtres sont desù
Gaulois", tức tổ tiên chúng ta là người Gaulois. Và
năm đó bắt đầu là năm nước Pháp bị Đức xâm chiếm,
thống chế Pétain đứng ra cầu hoà, vì vậy học sinh Đông
Dương còn phải học thêm những bài hát để ca tụng
thống chế Pétain. Tôi còn nhớ như in là bài
"Maréchal, nous voilà" và phải học cho thuộc bài
quốc ca của Pháp tức là bài "La Marseillaise" để mỗi
buổi sáng tất cả học sinh sắp hàng trong sân trường làm
lễ chào cờ tam sắc, trong lúc kéo cờ hát bản
quốc ca sau là suy tôn thống chế Pétain, xong tuần tự
trang nghiêm vào lớp học.
Tạm dừng chuyện nầy để bước sang chuyện vui ba ngày
xuân. Tôi có nói là nhà tôi
ở gần rạp hát Trần Trung, chỉ băng qua đường là đến rạp. Lúc
đó tôi độ tám chín tuổi, cái tuổi ham vui.
Hể tối đến thì lảng vảng trước rạp hát, hể thấy ai đi một mình
là kè theo sát như con cháu của người ta để vào
xem, hể mấy người gác cửa soát vé dễ dàng thì
lọt qua. Còn có người khó tánh thì cản
lại đòi tiền đứa nhỏ, tới đó là dì nầy không
nhận thì đi về đợi đêm khác vậy. Có khi học bài
xong cũng gần vãn hát, chỉ còn một màn chót
là kết cuộc, không còn người gác cửa vô
rạp thì đám con nít chúng tôi vô coi
thả giàn.
Rạp hát Trần Trung nầy cất theo kiểu của Pháp,
phía ngoài chạm trổ tinh vi. Trên nóc rạp chính
giữa có hình như cái tháp. Trên nóc
tháp có cây thu lôi. Ở phía dưới, mỗi bên
lan can là có tượng một cô hình dáng và
ăn mặc như người tây phương, ngồi duỗi dài, tay ôm chiếc
đàn vào lòng. Có lúc tôi nghe người
ta đồn là hai cô nầy thỉnh thoảng hiện ra trong lúc rạp
không có hát, và lúc sấm sét thường
thấy hai cô nầy cười. Hồi nhỏ nghe vậy tôi sợ lắm, nhưng bây
giờ nghĩ lại thật là chuyện tức cười. Cạnh bên trái rạp
có vách tường ngăn chừa một cửa vô, có một dãy
nhà ba căn để cho người gác dan ở coi quét dọn rạp,
và hai căn kia cho đào kép nhứt. Cách một khoảng
sân nhỏ là dãy nhà bếp cho gánh hát.
Khuất sau nhà bếp là một dãy nhà vệ sinh. Mặc
dù lúc ấy còn nhỏ tôi vẫn thắc mắc khi thấy có
một cái bàn thờ nhỏ treo trên tường, đâu mặt với
nhà vệ sinh mà trên ấy chỉ có độc nhứt một chiếc
lư hương mà thôi. Gánh hát nào đến cúng
đốt nhang khấn vái, mong cậu Năm Chà phò hộ cho đắt
giàn. Tôi nghe thấy người lớn nói chuyện cậu Năm nầy
linh lắm. Cậu tự vận thắt cổ chết nơi nầy cũng vì thất chí
chán đời nên cậu không siêu thoát nổi. Ngang
hông nhà bếp có khúc sân tráng xi
măng có bực thang dẫn lên bên trong sân khấu. San
khấu nầy xây trên cao lót gỗ dày lắm. Có
một cái thang dẫn xuống hầm dành cho nhân viên
gánh hát ở. Rạp nầy ở giữa có hai dãy ghế
bằng cây cách khoảng một mét, mỗi hàng ghế độ
10 cái đóng dính vào nhau cách sân
khấu chừng 5 mét và chạy suốt đến gần cửa ra vào. Hai
bên hông sân khấu là những dãy băng cây
dành cho hạng cá kèo. Những chiếc băng nầy đóng
không khít chừa cách khoảng 2 lóng tay. Những
hàng ghế nầy không có số, ai đến trước thì được
chỗ tốt, đến sau thì rán chịu thôi. Có một dãy
lầu hình chữ U chạy dài từ trên hai dãy cá
kèo suốt đến ngoài cửa rạp. Phía ngoài nầy có
chừa một bao lơn nhỏ để ra vô hóng mát. Phía sát
hai bên sân khấu có hai cái phòng cao độỉ
một mét có cửa ra vào, trong đó có 6 ghế
bằng gỗ dành để mời quan khách, và đâu mặt ngay
giữa sân khấu cũng có một phòng (loge) như vậy dành
riêng cho chủ rạp. Những hàng ghế dọc theo 3 dãy nầy
là hạng nhứt, còn hạng nhì và ba là những
dãy băng cây.
Hoang phế rạp hát Trần Trung
Thưở đó có mấy anh chị không tiền
đi coi hát. Mấy anh nầy bàn cách với nhau là
nếu một người vô được thì sẽ mở cửa bên hông
cho bạn vào. Rạp nầy xây đấp lên lót từng miếng
gạch lớn cách nhau khoảng 3 lóng tay ở mặt tiền bên hông,
thì anh nầy bám lên mà leo lên lầu. Ai cũng
hồi hộp sợ anh sút tay thì khổ thân. Leo lên đến
bao lơn, anh vẫy tay , các bạn anh ùn ùn chạy đứng bên
hông cửa. Anh xuống lầu bên hông hạng cá kèo
có cánh cửa, anh rút cây gài, cả đám
chạy ùa vô. Nghỉ con nít cũng khờ thiệt, chen nhau đứng
gần sân khấu cho dễ thấy. Vì vậy mà mấy anh sắp chỗ khi
biết con nít vô coi cọp liền đến lùa cả đám trở
ra ngoài. Lủ nầy ra đứng xa chưởi là đồ làm phách
chó. Tuổi thơ thật là vui, biết bao giờ tìm lại được.
Lâu lâu cũng có gánh hát đồng ấu Triều Châu
về hát. Mà hát từ 8 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm
sau. Cứ chiều tối là thấy mấy bà xẩm cụ bị túi xách,
nào là bình thuỷ nước nóng, thức ăn, áo
ấm ... Không biết nghe tiếng Tàu mà cái tội ham
coi nên cũng rán dậy sớm lối 5 giờ sáng để đợi coi "xả
giàn". Đào kép hát đều là con nít,
lớn nhứt là 12 tuổi và nhỏ là 7 tuổi. Tội nghiệp đầu
hôm tới sáng thức trắng đêm nên cô cậu nào
cũng muốn rệu hết. Mấy bà xẩm thì gục lên gục xuống,
vậy mà cũng không chịu về ngủ. Đương nghe hát bổng nghe
một cái rầm trên lầu. Ai nấy cũng giựt mình. Sau biết
lại có một bà xẩm ngủ gục té xuống sàn đổ theo
lon hủ bánh nước văng tùm lum.
Hồi nhỏ vì ở gần rạp hát nên tôi
đã thấy đời sống cơ cực của các gánh hát nghèo,
nhứt là gánh hát bộ. Tối trên sân khấu,
họ là những ông hoàng bà chúa, lộng lẫy
áo mão cân đai. Họ đẹp và sang cả vô cùng
khiến cho bao cô gái quê đều mơ ước. Tôi được coi
tuồng Mộc Quế Anh Dâng Cây. Đứng sát sân khấu mê
say theo dõi cô đào hát bộ. Ôi sao cô
đẹp cô sang, thân hình cô mảnh mai như cành
liễu, kèm theo giọng hát vút cao. Thần tượng của tôi
rồi đó. Tôi nghỉ không biết chừng nào tôi
mới được như cô. Sáng hôm sau, nhằm chủ nhựt, nghỉ học
tôi chạy qua sân rạp chơi. Bên đầu đường có hàng
cà phê nhỏ có 2 bàn và 2 ghế ngựa mà
thôi. Đương lúc ấy có hai người khác, người đàn
ông day mặt ra ngoài, còn người đàn bà
bới tóc mặc áo túi đen, mặt day vào trong. Đi
ngang, tôi nghe than:"Hát mà thưa giàn như vầy
bầu phát lương không đủ sống vậy tụi mình tính
sao đây anh". Tôi nghe giọng nói sao thanh tao quá.
Tôi bước lại gần đặng nhìn kỹ, thì ra cô Mộc Quếâ
Anh của tôi đây mà. Cô mặc chiếc áo túi
đen đã cũ, phơi hai cánh tay gầy gò. Mặt cô không
son phấn nên thấy rõ nước da màu bánh ít,
nom thật tiều tuỵ. Tôi đứng ngẩn ngơ nhìn cô không
chớp mắt, cho đến khi bà bán hàng la :" Ê, nhỏ
đi chỗ khác chơi, đứng xớ rớ đó rủi đụng nước sôi báo
tao đó ". Tôi quay lưng rảo bước về nhà và suốt
ngày hôm đó tôi thẩn thờ nghỉ đến cô. Tôi
thương cảm cho kiếp cô sao quá long đong, lòng cầu thầm
cho cô sẽ gặp nhiều điều may mắn trên bước đường phiêu
bạt.
Đặc biệt rạp hát Trần Trung đắc giàn nhứt
là từ mùng một Tết đến lối mùng tám và
sau đó là ngày 14, 15, 16 tháng giêng.
Ba bữa Tết, phần đông bà con ở miệt Bình Chuẩn, Tân
Uyên, Bưng Cầu, Bến Thế, Búng ... đổ về chợ Thủ coi hát.
Gánh hát về mỗi ngày hát 3 xuất. Xuất nào
cũng đông nghẹt. Thôi thì các cô áo
xanh đỏ trắng vàng đủ màu. Có cô thì quần
tây hoặc quần hàng đen, chân mang dép guốc đủ kiểu.
Trên tay không đồng hồụ thì cũng chiếc lắc vàng,
bông hột xanh hột đỏ tòn ten sáng chói. Phần đông
các cô ở độ tuổi 15, 18 vì phụ giúp cha mẹ việc
ruộng vườn cực nhọc nên nước da cô nào cô nấy ăn
nắng dữ lắm. Các cô lại thích những màu sáng
đậm làm cho nước da đen thêm. Về phía con trai thì
quần tây, áo sơ mi mang dép, lũ lượt từng đàn
đi coi hát.
Nhà tôi ở gần rạp nên vui lắm. Hết
Tết lại đến ngày rằm tháng giêng thỉnh Bà. Lối
12 tháng giêng đổ lên thì có các
đoàn múa lân (cù) lên múa, múa
giáp vòng quanh chợ Thủ, các tiệm người Tàu buôn
bán lớn đua nhau treo cái bao lì xì kèm
theo cây cải xà lách nên gọi là cù
ăn cải. Hể cù nào đi qua thấy có tên đội mình
thì mới được múa. Chớ có ăn bậy mà sẽ xảy ra
lắm chuyện vì đội cù nào cũng võ nghệ đầy mình.
Lúc múa cù thì gia chủ treo một dây pháo
dài nổ đinh tai điếc óc. Pháo nổ cù nhảy múa,
nhịp nhàng theo tiếng trống rùm beng. Hồi nhỏ đi theo coi múa
cù bỏ ăn bỏ uống, có khi bị trúng nắng nằm bịnh 3, 4
ngày liền. Lại còn vài đám hát rong người
Tàu, mỗi nhóm 2 người: một đàn ông lớn tuổi xách
cây đờn cò đi cùng một cô gái cầm cái
nhịp. Họ vào nhà xin phép gia chủ cho họ hát
để chúc mừng nhiều may mắn trọn năm. Ông kéo đờn, cô
gái gõ nhịp và hát. Họ hát những bài
gì tôi không được biết, nhưng nghe hay lắm. Xong bài
hát gia chủ lì xì một bao giấy đỏ và họ tiếp
tục qua nhà khác. Tôi lẽo đẽo theo họ từ nhà nầy
qua nhà kia cho đến lúc thấy đói bụng mới mò
về kiếm cơm ăn. Mẹ tôi rầy: con gái gì đi chơi không
biết đến giờ cơm nửa. Từ ngày 13 tháng giêng thì
chùa Bà bắt đầu nhộn nhịp vì ai nấy cũng sợ đến ngày
rằm đông đảo các nơi tựu về thì không thể vào
chùa được. Dọc theo đường vào chùa, hàng quán
mọc lên san sát. Họ chuẩn bị bán thức ăn chay. Nào
là bún riêu, bún bì, bánh canh,
cà ri, mì, hủ tiếu, đồ kho ăn với cơm, hoặc tàu hủ ướp
xả chiên ... Còn xe nước mía chỗ nào cũng có.
Rồi rất nhiều gian hàng bán nhang đèn trước cổng luôn
cả trong sân chùa, chưa kể những kẻ đi bán dạo. Một điều
lạ là không biết bao nhiêu người ăn xin ngồi la liệt đầy
sân chùa, và còn có những kẻ bất lương
thừa nước đục thả câu. Họ giả dạng đi chùa để thừa dịp chen
lấn đặng móc túi khách hành hương.
Đúng ngày rằm, từ sáng sớm từ Sài
Gòn, Chợ Lớn những gia đình người Hoa có bà con
ở Bình Dương dùng đủ loại xe để lên trước cúng
Bà sau dự lễ rước Bà vòng quanh chợ. Các đội
lân, hẩu từ Biên Hoà, Sài Gòn, Chợ Lớn đều
tề tựu về đây cúng hầu Bà. Ngày trước thỉnh Bà
lúc chiều tối, sau nầy vì lý do an ninh nên đổi
lại bắt đầu từ lúc 4 giờ. Ngày ấy tôi và các
bạn cũng chưa quá 10 tuổi, suốt ngày đi theo đám con
nít Tàu tập dượt gánh giỏ bông, lồng đèn,
còn lớn hơn chút thì vác liểng. Con trai thì
cầm cờ phướn. Tập xong là đến giờ cơm trưa, tan hàng
ai về nhà nấy lo nghỉ ngơi để chiều rước Bà.
Chiều sẩm tối, xung quanh chợ đèn đuốc sáng
choang, các tiệm buôn đều đặt bàn hương án trước
nhà, kèm theo dây pháo treo cao khỏi nóc
dài cỡ hơn 5 mét. Từ chùa đến chợ đi đầu là ban
giữ trật tự, kế đó là đám đồng tử gánh hoa cờ
xí rợp trời tiếng trống kèn inh ỏi. Sau đó đến giàn
tiên nữ đứng trên xe, cô thì thổi sáo, cô
lại đánh đờn. Đi hai bên là một hàng dài
cờ liểng. Đoàn hẩu múa đi trước là đến bàn hương
án của Bà. Lúc nầy hai bên phố các tiệm
đốt nhang lạy xong mới bắt đầu đốùt pháo. Tội nghiệp đoàn
cù đi tới pháo nổ liên hồi, khói bay mù
mịt mấy anh nầy vừa múa vừa nhảy để tránh pháo nổ dưới
chân. Lâu lâu lại có một trái pháo
đại kèm theo nổ nghe điếc cả lỗ tai. Đầu đám rước về đến chùa
mà khúc đuôi còn ở tận ngoài chợ. Bây
giờ đám cù lân hẩu đều tan hàng lo thu xếp lên
xe, còn khách thì lũ lượt từng đoàn trở về nhà.
Quê tôi ngày xưa tỉnh Thủ Dầu Một là thế. Biết
bao kỷ niệm êm đềm của thời thơ ấu, tôi ghi nhớ mãi trong
lòng không bao giờ quên.
Lại còn những ngày trước Tết nữa. Ai ai
cũng lo trước cả tháng. Đàn bà thì lo quần áo
cho con, lo làm bánh mứt, làm củ kiệu chua. Cách
hai ngày trước Tết thì lo gói bánh tét,
bánh ít, lo kho nồi thịt cá, hầm nồi khổ qua, gói
nem, rồi thịt đầu heo ngâm dấâm nửa. Thật là cực cho người
đàn bà trong gia đình. Còn đàn ông
thì lo quét dọn bàn thờ, đánh bóng mấy
bộ lư chưn đèn. Xong lại lo chưng bông và hoa quả. Chiều
hôm 30 rước ông bà bằng một mâm cơm tươm tất. Các
con cháu đều có mặt lạy ông bà. Tối 12 giờ khuya
đón giao thừa, pháo từ ngoài chợ và xung quanh
xóm nổ liên hồi cho đến sáng không ngủ được. Lúc
nhỏ tôi sợ nhứt đêm giao thừa vì mặc dầu lấy bông
gòn nhét hai lỗ tai cũng vẫn còn nghe tiếng pháo.
Sáng mùng một, mẹ tôi thức sớm lo hâm lại thức
ăn để sửa soạn 3 mâm cơm cúng. Mỗi mâm đều đủ màu
sắc. Nem chua màu hồng, dĩa dưa giá trắng muốt, kèm
theo dĩa xà lách rau sống xanh tươi, dĩa thịt cá kho
với chút nước màu vàng thẩm, lại còn tô
ổ qua hầm có vài cọng ngò xanh vắt ngang qua, dĩa củ
kiệu trắng phau kèm theo dĩa đầu heo ngâm dấm, kế bên
là chén nước mắm ớt đỏ tươi. Mỗi dĩa bánh để hai khoanh
bánh tét và 1 bánh ít. Hai màu
nầy hợp lại thật hài hoà, nhìn mâm cơm thật là
cả một nghệ thuật. Cành mai cắm trong lục bình đặt trên
chiếc ghế đẩu cũng vừa hé nụ điểm theo những chiếc lá non màu
nâu dợt cạnh màu hoa vàng tươi thắm. Nhìn lên
bàn thờ đèn nến sáng choang, sắc hoa đủ màu rực
rỡ, bên cạnh còn có dĩa quả tử trong đó có
mãng cầu xiêm, hai trái dừa, một quả đu đủ lớn và
hai trái xoài kèm theo một trái thơm nữa.
Ngày xưa ai cũng kiêng cữ nhứt là
ngày đầu năm, nên người ta cứ nghỉ "cầu vừa đủ xài rồi
được cả tiếng thơm nữa" nên ai cũng thích chưng cúng
như vậy trong ba ngày Tết. Ông bà nội tôi làm
lễ trước bàn thờ, kế đó là cha mẹ tôi và
cô tôi, sau hết là chị em tôi. Cúng
xong, cả nhà xúm lại dùng cơm. Mẹ tôi lo trút
những thức ăn cúng rồi vào những nồi nhỏ khác. Dọn dẹp
xong là mẹ tôi lo thay quần áo mới cho các em tôi
để lên nhà trên chúc Tết mừng tuổi ông
bà nội. Ba tôi áo dài khăn đóng, mẹ tôi
mặc chiếc áo dài xuyến đen với chiếc quần lãnh láng
bóng. Ông bà nội tôi ngồi đầu bộ ván gõ.
Ba má tôi đứng chúc ông bà tôi bá
niên trường thọ, xong quỳ xuống lạy. Ông bà tôi
cũng chúc lại vạn sự lành và được may mắn suốt năm cho
ba má tôi. Xong đến lượt chúng tôi sắp hàng
trước ông bà nội để chúc và cũng quỳ xuống lạy
ông bà tôi. Bà nội lì xì mỗi đứa
5 cắc. Tiền hồi đó mắc lắm, lúc đó còn xài
nửa xu. Đến trưa cũng dọn 3 mâm cơm cúng. Dọn dẹp xong nghỉ
một chút là đến buổi cơm chiều. Tội nghiệp mẹ tôi bận
bịu suốt ngày. Sáng mùng ba, mẹ tôi dậy thật sớm
bắt con gà giò làm xong đem luộc để cúng Tết
nhà. Bà nội tôi lấy giấy tiền vàng bạc cắt hình
trái bầu, xong đem dán lên tủ và tất cả đồ vật
trong nhà. Bà tôi nói Tết nhà để trong
nhà mình được tài được lợi vì chỗ nào
cũng đầy vàng bạc. Mùng ba Tết cũng vậy ngày ba bữa và
khách khứa đến chúc Tết nên ông bà tôi
vui lắm. Riêng tôi càng vui hơn vì mỗi lần bưng
trà mời khách là được lãnh bao lì xì.
Tôi cũng biết mừng tuổi khách. Có quên thì
cứ chúc như vầy : "Năm mới bước qua năm cũ, con chúc ông
luôn mạnh và sống lâu trăm tuổi", thay vì nói
năm cũ bước qua năm mới. Sáng sớm mùng bốn, mẹ tôi đi
chợ thật sớm để về nấu nướng làm ba mâm để đưa ông bà.
Lần nầy thì khác với các thức ăn của ba ngày
vừa qua. Hôm nay nào cà ri, mì xào, gỏi,
bì cuốn, cháo gà,còn có bánh thững,
bánh da lợn, bánh bò nửa. Nhìn các thức
ăn trên bàn thờ tôi phục mẹ tôi quá. Sao
mẹ tôi có thể nấu nướng quá giỏi và quá
nhanh như vậy. Còn nhỏ mà tôi tự hỏi không biết
sau nầy lớn lên tôi có thể làm được như mẹ tôi
không. Hồi xưa làm dâu cực lắm. Ông bà nội
tôi ngày ba bữa, mà đến tối 12 giờ khuya còn phải
nấu thêm một nồi cháo trắng, có khi là dưa mắm,
cá kho quẹt hoặc là hột vịt muối. Đợi ông bà nội
tôi ăn xong má tội dọn dẹp tươm tất rồi mới đi ngủ. Mẹ tôi
vất vả suốt ngày. Lớp lo cho các con, rồi giặt giũ tắm rửa,
chợ búa rồi hầu hạ cha mẹ chồng. Nhưng không bao giờ tôi
nghe mẹ tôi than. Ôi sao ngày xưa người đàn bà
đức hạnh và cao quý quá !
Còn phần tôi, tiền lì xì tôi
đưa cho mẹ tôi giữ vì tất cả được gần 3 đồng. Số tiền quá
lớn tôi sợ mất lắm. Sáng tôi đi học mẹ cho tôi một
xu. Tôi vô trong chợ có dì Ba bán chè
đậu và bánh dừa, bánh nếp có nhưn đậu xanh, ở
ngoài lăn dính dừa nạo trắng tinh. Cái bánh to
bằng cái dĩa nhỏ. Khi nào mua dì gói bánh
trong miếng lá chuối xong rắc đường và có chút
muối mè nửa. Ăn thật là ngon mà chỉ có nửa xu
một bánh. Còn muốn ăn thêm chè thì cũng
nửa xu một chén. Nhưng bụng nào chứa cho hết. Bửa nào
ăn chè thì khỏi ăn bánh. Còn lại nửa xu, vô
trường học lúc ra chơi ăn miếng bánh mì chiên
nhúng bột có con tôm đỏ tươi ở trên mặt, ăn với
tương hay nước mắm. Nghĩ lại đồng tiền ngày xưa sao quý giá
quá. Nhớ lại mỗi ngày mẹ tôi đi chợ chỉ có hai
cắc, mà bữa ăn nào cũng đầy đủ thịt cá rau quả.
Nhân ba ngày xuân, nhắc chút
chuyện xưa tặng các đồng hương Bình Dương. Mong quý
vị tìm lại chút dư âm ngày cũ. Chuyện tôi
kể không bao giờ hết. Mong gặp lại một ngày gần đây trong
đặc san nầy. Chúc tất cả đồng hương một năm mới tràn đầy may
mắn, riêng các bô lão thì sức khoẻ dồi dào
để sống lâu trăm tuổi.
2.
Xin được tiếp tục viết về sinh hoạt của tỉnh Thủ Dầu Một
ngày xưa. Bài viết nầy riêng tặng các đồng hương
trẻ. Sở dĩ tôi nói như vậy vì lúc đó phần
đông còn quá nhỏ, hoặc có người chưa có
mặt trên đời. Riêng với các vị cao niên, nếu thấy
có gì thiếu sót, xin quý vị bổ túc dùm,
xin đa tạ.
Tỉnh Thủ Dầu Một bao gồm quan trọng nhứt là tư
dinh của tỉnh trưởng, phó tỉnh trưởng đều tập trung vào một
chỗ, ngày xưa gọi là Dốc Ông Cò. Nơi đây
có văn phòng của viên chánh chủ tỉnh, còn
được gọi là Toà Bố, đâu mặt xéo qua là
Chi Cuộc Cảnh Sát. Sau Toà Bố dưới đồi là một dãy
nhà của gia đình lính cảnh sát người Việt, mà
dân gọi họ là lính mả tà. Tôi cũng không
biết vì sao mà có tên đó, nhưng mỗi lần
có đánh lộn hay bị cướp giựt thì tôi nghe người
ta la "bớ mả tà" để cầu cứu. Lính mả tà có nhiệm
vụ bắt bớ và biên phạt những ai vi phạm luật lệ. Ngay chính
giữa đầu dốc là Toà Án, ngó thẳng xuống là
nhà làng Phú Cường. Cách nhà làng
một khoảng đường có một vườn bông. Ngay giữa vườn có
một hồ sen lót gạch bông xanh. Những con đường nhỏ bao quanh
được rải sạn trắng. Có nhiều chiếc băng dài bằng xi măng, đặt
dưới những bụi bông lồng đèn vàng đỏ. Bốn trụ đèn
cao ở bốn góc vườn, đến tối bật lên thật sáng. Sau buổi
cơm chiều, nhiều gia đình thường dắt con lên vườn bông,
lũ trẻ chạy chơi, người lớn ngồi hóng mát.
Và cũng nơi nầy ngày xưa, nhằm những ngày
lễ lớn, người ta thường tổ chức ngay trước nhà làng. Quan trọng
nhứt là ngày 14 tháng 7 ( 14 Jullet) là lễ quốc
khánh, ngày toàn dân Pháp phá ngục
Bastille, giải phóng cho nhân dân thoát khỏi cảnh
ngục tù, và xây dựng lại chế độ dân chủ. Lúc
ấy toàn cõi Việt Nam đều chịu dưới sự đô hộ của người
Pháp, tất cả những chức vụ quan trọng đặt dưới quyền cai trị của thực
dân. Ai lên tiếng phản đối thì sẽ bị bắt bớ, tù
tội và nặng nữa là bị đày ra Côn Đảo. Thật là
mâu thuẫn khi họ biết vùng lên để thoát ách
gông cùm, thì họ lại tròng ách nô
lệ lên toàn cõi Đông Dương gồm có Việt Nam,
Lào và Cao Miên. Họ chia dân ta làm ba kỳ:
Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ. Họ làm như thế để gây chia
rẽ, phân biệt ba miền cho dân ta không thể đoàn kết
chống lại chúng. Tôi nhớ hồi nhỏ đi học, gây lộn với chị
bạn người miền Bắc, giận quá tôi mắng chị " đồ Bắc Kỳ". Tôi
nghĩ câu nầy nặng lắm, nhưng chị điềm tĩnh mắng lại: "đồ Nam Kỳ". Tôi
vỗ tay cười: "thì tao là Nam Kỳ đúng rồi". Quý
vị thấy không, thực dân mưu mô làm cho dân
ta kỳ thị lẫn nhau, để chúng dễ bề đè đầu cởi cổ. Ngày
lễ Quốc Khánh của Pháp, tất cả các quan chức, học sinh
đều được nghỉ. Lễ nầy được tổ chức trước nhà làng Phú
Cường. Trên bực thềm người ta xếp những hàng ghế sắt, trên
căng tấm vải bạt, lá cờ tam sắc vươn cao trên trụ cột. Trên
hàng ghế danh dự có quan chánh chủ tỉnh ngồi giữa, xung
quanh là những viên chức Pháp, những hàng ghế
sau dành cho quan chức và nhân viên ta. Chánh
chủ tỉnh đọc diễn văn khai mạc, xong rồi dân chúng mới bắt đầu
tham dự vào cuộc.
Khoảng trống trước nhà làng ngay trước vườn
bông, người ta chôn một cây cột cao cỡ năm thước. Cây
cột nầy được thoa mỡ láng bóng. Trên đầu cột có
treo một gói quà. Song song đó cũng có chôn
hai cây cột nhỏ, được căng thẳng bằng một sợi dây luộc cột chặt
hai đầu. Người ta treo trên đó một hàng chảo, chảo nầy
đã xài rồi nên lọ nghẹ dính đầy. Dưới đít
chảo người ta gắn rải rác những đồng bạc cắt trắng tinh.
Cuộc thi thứ nhứt bắt đầu. Đây là cuộc thi
nhảy bao bố. Một hàng độ mười người, mỗi người đứng hẳn trong bao
bố, hai tay vịn chặt mép bao kéo lên tới ngực, sau tiếng
còi là bắt đầu nhảy. Nhảy từ đầu nầy sang đầu kia, và
quay lại về ngay chỗ xuất phát. Có ba giải thưởng: nhứt nhì,
ba.
Cuộc thi thứ hai tiếp theo, leo lên cây cột
thoa mỡ bò. Rất nhiều anh trẻ tham dự. Họ leo lên tụt xuống
không biết bao lần. Mỡ bò thoa nhiều nên trơn lắm. Bà
con đứng coi cổ vỏ om sòm, các cô gái đứng ôm
bụng cười ngất. Giải nầy coi vậy mà khó trúng lắm. Một
lần có anh ở xóm tôi đoạt được phần thưởng. Trong gói
quà có tờ giấy bạc con công, tức là tờ 5 đồng.
Một gia tài quá lớn đối với anh.
Cuộc thi chót là cạp đít chảo. Anh
nào anh nấy mặt mày tèm lem, miệng mồm dính đầy
lọ nghẹ. Chảo treo tòn ten nên khó cạp lắm. Đồng cắt
bạc 10 xu dính chặt vào dưới đít chảo. Anh nào
kiên nhẫn có thể lấy được hết 10 đồng cắt nầy tức là
một đồng bạc chớ ít ỏi gì đâu. Cũng xài được cả
tháng, ăn mì hủ tiếu đã đời lại được ăn chè tráng
miệng nữa. Cái màn này làm bà con cười
nôn ruột vì rất nhiều anh không cạp được cắt nào
mà mặt mày đen thui như hề vậy.
Chấm dứt cuộc thi rồi thiên hạ lũ lượt kéo
nhau xuống bến sông. Nơi đây sẽ tiếp diễn thi tài giữa
các đội đua ghe. Mỗi đội là một màu áo. Chiếc
ghe dài, bề ngang nhỏ, những tay đua ngồi hai hàng dọc theo
lường ghe. Mỗi người cầm một chiếc dầm. Có ông trưởng đoàn
đứng sau lái cầm cái gõ nhịp để thôi thúc
cho đội mình. Hai bên bờ đen nghẹt người xem. Cuộc thi bắt đầu
từ chợ lên đến gần thành quan, xong quay về. Tiếng reo hò,
cổ vỏ vang trời, ai cũng mong đội mình ủng hộ thắng cuộc. Các
tay đua phần đông là những thanh niên lực lưỡng, cầm chiếc
dầm trong tay rẻ nước chạy như bay. Thêm vào đó ông
chỉ huy, tay gõ nhịp, còn miếng thôi thúc hò
hụi vang rân. Đội thắng về tới đích, dân của xã
đó reo hò mừng rỡ tưng bừng. Còn các đội thua
hẹn năm sau sẽ tái đấu. Tan hàng ai nấy ra về, chấm dứt
cuộc vui buổi lễ dành cho dân chúng.
Riêng buổi tối hôm đó, tại nhà
làng tổ chức một buổi dạ hội, gồm có chánh chủ tỉnh
và các viên chức Pháp, các ông dân
Tây, luôn cả các quan Anamite nữa. Họ ăn tiệc, nhảy đầm
tới khuya. Dân chúng đứng dưới vườn bông ngó lên,
không được đến gần. Lính đứng gác xung quanh nghiêm
nhặt lắm. Ngày xưa Tây gọi nước ta là An Nam, còn
dân gọi là Anamite. Sau nầy qua cuộc đổi đời mới được gọi là
Việt Nam.
Quý đồng hương cùng tôi đã
dự Lễ Quốc Khánh của Pháp xong rồi, xin tan hàng. Thân
ái chào tạm biệt. Hẹn sẽ gặp lại trong kỳ tới.