Tết ở nông thôn qua truyện ngắn Bình Nguyên Lộc
 
Huỳnh Hoàng Anh


Đặc trưng của nếp sống thời công nghiệp hiện đại, đặc biệt ở vùng đô thị là sự ồn ào sôi động, là những cuộc vui suốt sáng, những trận cười thâu đêm. Cuộc vui kéo dài từ ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng nọ, thế nên thêm một cái Tết nữa với người thời nay có vẻ như là hơi dư. Chợ Tết thì vẫn đông đúc, tấp nập, thế nhưng không khí Tết cũng chỉ có thế. Hỏi Tết, nhiều người than rằng chán, một số khác thậm chí còn than phiền rằng ai đã đặt bày ra cái Tết  để họ phải mua sắm tốn tiền, lại dọn dẹp nhà cửa mệt ứ hơi mà chẳng biết để làm chi. Ngày Tết nhiều gia đình đi du lịch xa bỏ nhà cửa bếp núc lạnh teo, không chút  khói hương.

Đọc lại các truyện ngắn của nhà văn Bình Nguyên Lộc, ta ngỡ ngàng nhận thấy rằng cuộc sống đổi thay sao mà nhanh quá. Chỉ cách nay mới chừng nửa thế kỷ mà thế hệ cha mẹ ông bà của chúng ta ăn Tết khác chúng ta bây giờ nhiều biết bao nhiêu. Tết với họ bao giờ cũng là những ngày đặc biệt, thiêng liêng và không kể tuổi tác, ai cũng mong chờ Tết:

_” Ông 
đợi Tết như trẻ con đợi ngày ấy để được mặc áo mới, ăn bánh ngon, đốt pháo và khỏi làm gì hết lại có tiền lì xì đầy túi”
( Gốc mai già)

“ Về quê, tức là ngược dòng thời gian để lên nguồn đời mình. Thú biết bao! Về quê vào ngày giỗ tiên thường, ngày Tết lại càng vui gấp bội.”  
( Tre phải tàn)
 ( Hai người xuống tinh thần)


Hai vợ chồng già trong câu chuyện “Hai người mất tinh thần” đều thẫn người ra khi nghe chút gió lạnh tàn đông, nhìn lá tre rơi xao xác trong rừng vắng và tiếng con tu hú xa xa gọi bầy: “Từ hai mươi năm nay, họ nhớ Tết ghê hồn,vì họ không được ăn Tết lần nào hết”. Người nông dân ngày xưa chờ đợi Tết da diết nồng nàn quá, thế nên họ đón chào Tết bằng tất cả tâm hồn tươi vui và trân trọng:

“Ăn Tết, không chỉ có bàn thờ hay hoa quả, nhang đèn, nhà bếp hay thức ăn là đủ. Tết là không khí, không khí ấy gồm nhiều thứ lắm không kể cho xiết được, thứ thường, mà cả đến thứ thiêng liêng nữa.

Ăn Tết trước hết là chuẩn bị. Mà phải chuẩn bị mua sắm trong tinh thần tranh đua với láng giềng cà, mới là thú vị. Chẳng hạn năm nay họ gói mười đòn bánh tét bực trung, ta gói hai mươi đòn bánh tét thứ bự là ta sướng vô cùng.

Kế đến, ăn Tết là dẩy mả. Đạo thờ cúng ông bà gồm tưởng nhớ, thờ cúng và dảy mả ngày Thanh Minh và ngày Tết, ông Sáu đã theo cha dảy mả từ thưở ông lên bảy và cứ như vậy cho đến năm ông hăm tám, cha ông qua đời, ông đi dẩy một mình tới ngày chạy giặt là năm ông băm lăm.”
( Hai người xuống tinh thần)


Nền văn minh Tây phương là nền văn minh của tuổi trẻ và tương lai, ở đó những người già sống cô đơn, lạc lõng bên lề cuộc sống mà mơ tưởng cảnh  Thiên Đường. Người còn sống cũng có lệ thỉnh thoảng đến cắm hoa trên mộ của ngừơi thân đã chết. Nhưng họ không có tập tục chôn cất gần nhà đất của họ để tạo cảm giác gần gũi, cũng không bao giờ vì luyến tiếc mồ mã mà không thể ra đi tìm cơ hội làm ăn tốt hơn. Người nông dân Nam Bộ sống với kỹ niệm và quá khứ, thế nên suốt bao đời họ chấp nhận nghèo khổ ở nơi chốn cũ mà không thể ra đi . Mỗi khi phải rời bỏ làng xóm, trong hành trang đầy niềm thương nỗi nhớ của kẻ lên đường luôn có hình ảnh của mồ mã ông bà.

Yêu nước, vì yêu làng xóm, vì trong làng xóm có ngôi nhà, có đất đai  của họ, và trên đất đai ấy có cả mồ mã ông bà tổ tiên. Tình yêu tổ quốc thắm thiết đã gắn liền với lòng lưu luyến những nắm xương tàn của người đã chết. Có dân tộc nào trên thế giới yêu nước như  người nông dân Nam Bộ đã yêu và chịu đựng hay không?

Họ tin thuyết luân hồi, rằng người chết sẽ hoá kiếp vào một đời sống khác, nhưng cũng tin những người thân đã khuất núi sẽ luôn ở bên cạnh để cứu giúp che chở họ khi hoạn nạn. Ngày giỗ, ngày tết, dù mất bao nhiêu năm thì ông bà vẫn trở về mà sum họp vui vẻ cùng con cháu. Thế nên chuyện dãy mã và cúng kiến là một nghĩa vụ không được bê trễ hay thất kính, để người dương thế kẻ âm gian mãi còn mối quan hệ với nhau.

_”Ông đã gần-gũi-tổ tiên ông mỗi năm hai lần, nghe thương mến người dưới các nấm đất ở đầu làng lắm, mà đã hai mươi năm rồi, ông không được dẩy mả nưã.”
( Hai người xu
ng tinh thần)

Thời chiến tranh loạn lạc, người ở nông thôn phải chạy tản cư xiêu tán khắp nơi, thê’nhưng dù nguy hiểm và gian khó đến đâu, cứ mỗi cuối năm họ vẫn ráng lặn lội quay về:

_”Tuy nhiên, năm nào ông cụ cũng hồi hương ba chuyến: vào dịp cúng kỳ yên ngay sau mùa gặt, vào dịp dảy mã ngày hăm ba tháng chạp và vào dịp Thanh Minh.”
 ( Đám đất thầy pháp)


Tết do vậy không phải chỉ là dịp để được ăn ngon và mặc áo đẹp, mà hơn hết đó là những ngày đoàn viên, giưã ông bà tổ tiên đã khuất, và với cháu con lưu lạc bốn phương trở về:

_”Rốt cuộc, ăn Tết là tề tựu đông đủ dòng họ,bà con, cháu chắt, dưới một mái tranh cũng tốt, miễn là có sự tề tựu ấy, nó tạo ấm cúng không thể tưởng tượng được.
Ông Sáu coi nhà thờ, các em của ông, có ra riêng, Tết cũng phải đưa con cháu họ về nhà thờ”
( Hai người xuống tinh thần)


Với những người viễn xứ, nỗi buồn tha hương ray rức nhất chính là vào mỗi độ xuân về:

_” Không thể nào mà anh tưởng tượng nổi sự thèm khát quê hương của một kẻ lìa xứ vĩnh viễn không hy vọng trở về như em. Thèm như thèm một món cá nướng chấm mắm nêm. Thèm hương bưởi, thèm tiếng chuông chùa ngân nga vào buổi hoàng hôn, thèm cảnh cấy mạ vào đầu mùa lúa. Thèm chết đi được là vào lúc gần Tết, tức là vào khoảng đầu năm dương lịch. Nhớ Tết như nhớ nhà, nhớ nước, bởi vì Tết là sum họp gia đình.”


Ngoài việc lo dảy mã, sưả sang nhà cửa, bàn thờ …kế đó là khâu chuẩn bị bánh mứt, nhất là nồi bánh tét nấu đêm ba mươi đợi giao thưà thì hình như nhà nào cũng có:

_”Nghe tu hú kêu, tôi lại nhớ những công việc sữa sọan ăn Tết. Hồi còn ở dưới làng, mùa này là mùa xay lúa, giả gạo đây!
_ Ừ, đàn ông xay, đàn bà giả, mà giả chày tư, hò hát suốt đêm, cả xóm đều vang dậy tiếng hò giả gạo,vui quá.”
 ( Hai người xuống tinh thần)


 Bình Nguyên Lộc còn cho ta biết thêm cách đón Tết của người dân ở nông thôn miền Đông thời ấy như sau:

_“Chúng tôi đây cũng vậy, quen ăn Tết trong ba trăm năm, từ ngày đổ xô vào khai hoang ở đây,với dưa hấu và đường phổi, rồi nghe không phải là Tết nếu thiếu hai món đó. Nhưng ngòai quê của bác Thụ làm gì có dưa hấu vào đầu xuân, nên bác chỉ dửng dưng như không, nếu thiếu dưa và đường.”
( Quyển gia phả)


Xẻ dưa vào sáng mùng một để bói điềm cát hung trong năm cũng là một tập tục lâu đời ở vùng đất phương Nam này:

_”Ngày đầu năm, người nào trong gia đình cũng xẻ thử một trái dưa hấu, xem nó có thật đỏ lòng, mặt lòng dưa có xam-xảm cát hay không, để đóan tương lai tổng quát của họ trong năm.
Đó là hôm cả nhà phải ăn dưa đến ngấy ra, muốn ớn tới cổ, vì nhà đông tám người mà phải ăn hết tám trái dưa bói đầu năm.”
 ( Gói hột dưa bí mật)

Không kể giàu nghèo, trên bàn thờ nhà ai cũng phải cố gắng mua cho được miếng đường phổi để bên trái dưa hấu thì họ mới toại nguyện:

_”Đường phổi không phải là đường. Thật ra nó chỉ là một thứ quà ngọt chế tạo bằng đường cát trắng, tròng trắng trứng gà và một vài chất khác mà nhà nghề giữ kín cho đến mãi ngày nay.
Miếng đường phổi mang hình dạng một lá phổi mà bean trong nó cũng có hang, lỗ y như phổi người.
Đó là một lễ phẩm, người dân Đồng Nai  dùng cúng tổ tiên ngày Tết
(Bảo mật)


Những người đi khai hoang khẩn đất ngày xưa yêu quí đường phổi, có thể vì nó ngon, mà cũng có thể vì một lý do lịch sử sâu xa khác: nó nhắc nhớ đến nguồn cội của họ :

_”Thành phần hoá học của đường phổi, và cách chế tạo nó, những nhà nghề trên ấy ( vùng Bình Thới, Đồng Nai) thọ lãnh của tổ tiên ngoài Quảng Ngãi, Quảng Nam khi bỏ làng di cư vào Đồng Nai, cách đây trên ba trăm năm.
(Bảo mật)


Mọi thứ trong ngoài đã chuẩn bị xong thì không thể quên được cành mai. Mai là cây cảnh đặc trưng của muà xuân trong miền Nam nên thời nào cũng có, mà thời nay mai lại còn nhiều hơn, đa dạng hơn. Khác ở chỗ là hồi xưa vất vả quanh năm không đủ ăn đâu ai có dư tiền mà ra mua sẵn ở chợ Tết như dân thời nay. Muốn có cây mai đẹp thường người ta phải vào tìm trong rừng rất công phu:

_”Tháng Chạp năm ấy, ông vào rừng để chặt vài nhánh mai về thui hầu cắm độc bình ngày Tết.
Ông Tư đi tìm mai vào đầu tháng cuối năm, vì lối chơi này đòi hỏi nhiều thì giờ. Nhánh mai chặt rồi, lặt lá, thui nơi dấu chặt xong, để nó đó tới ba mươi Tết nó mới chịu trổ hoa. Công việc thì lâu lắt, nhưng thật đáng công chờ đợi, vì bông mai của các nhánh mai thui, sống mạnh mẽ, tươi bền y như bông của cây mai sống trồng dưới đất, chớ không phải mới trưa mùng hai là rụng hết như bông của nhánh mai tươi chặt về, vào ngày hăm Tết đâu.
( Gốc mai già)


Phải tốn nhiều công phu như thế, nhưng nếu được gốc mai nở hoa đẹp đúng vào dịp Tết thì với các cụ già không có gì vui hơn :

_”Gió Bấc về, rồi mùa gặt qua, rồi mùa cưới, rồi kỳ yên, chạy miễu, xong đâu đó thiên hạ chuẩn bị ăn Tết. Tết năm nay, ông Tư chỉ ăn bằng gốc mai này là đủ rồi, không cần thịt kho, dưa giá, bánh mức gì hết ráo!”
 ( Gốc mai già)


Cuối cùng, là giờ khắc long trọng thiêng liêng nhất mà mỗi năm chỉ đến một lần, sau bao nhiêu ngày chờ đợi, ước mơ:

_”Khoa làm cái công việc nhỏ là cắm nhang ấy sao mà lâu quá. Nhưng rốt cụôc rồi anh cũng làm xong. Bấy giờ pháo giao thừa đã trả lời nhau từ xóm này qua xóm khác. Họ không nói với nhau gì nữa cả,lắng nghe tiếng pháo nó có một giọng nói riêng: nay là thứ pháo giận dữ, kia là pháo bệnh họan đuối hơi, xa nữa có thứ pháo điệu máy hát, vừa nổ vừa mòn lần, rồi lại nổ to lên để rồi hạ giọng nữa như là thỉnh thỏang được lên dây thiều một lần.”

Một vài hình ảnh của ngày xuân được gợi lại trên đây có lẽ đã ít nhiều nhạt phai vào trong dĩ vãng xa xăm. Các hộp bánh kẹo tràn ngập thị trường đã thay thế cho thèo lèo bánh mứt; bếp ga đã chiếm chỗ cuả ánh lưả hồng nồi bánh tét bập bùng trong buổi tàn niên trẻ nhỏ quây quần bên mẹ ngày xưa. Xác người chết được đem hoả thiêu nhiều hơn, đở cho con cháu phải lo dảy mả cực khổ vào những ngày bận rộn kiếm tiền cuối năm. Năm kia, một vị tiến sĩ cũng đề nghị chúng ta nên thay đổi ngày ăn Tết cho giống Tây để phù hợp với thế giới hiện đaị ngày nay.

Phải công nhận rằng ngày nay chúng ta ăn Tết văn minh và sung túc hơn ông bà mình hồi xưa nhiều lắm, nhưng dường như Tết đã mất dần đi cái “hồn”  vốn có của nó đã được truyền lại tự bao đời. Muà xuân nào tôi cũng hỏi các con tôi, các học trò của tôi rằng ăn Tết có vui không, dường như cả lớp đều đồng thanh trả lời rằng Tết chán quá Thầy ơi. Tôi không hiểu tại sao, giống như tôi không thể hiểu mỗi khi hỏi các em có thích ăn thịt chó không thì trai gái cả lớp đều nhao nhao lên rằng thích lắm.

Một ngày nào đó người dân Việt Nam không còn thiết tha với Tết nưã, chỉ mới nghĩ đến đó thôi tôi đã thấy buồn dạt dào. Người Việt mà không có Tết thì vốn liếng văn hoá trong tâm hồn của chúng ta sẽ vơi cạn đi biết dường nào!

_” Nàng nhìn vào khoảng không, rồi say sưa nói to lên một mình:” Mai thui…ba chặt cành mai vào giữa tháng chạp, ba thui cành ấy nơi bị chặt, ba chặt lá, rồi ba cắm trong độc bình có chứa nước…”
‘Thế rồi hăm lăm hoa ra nụ và tối ba mươi nó âm thầm nở. Sáng mồng một là bàn thờ vàng óng. Nó bền và đẹp hơn hoa nở sẵn trên cành bị cắt ngang…”
( Chiêu hồn nước)


Mong rằng hình ảnh này sẽ còn mãi dù đời có bao nhiêu đổi thay!