Thư của cô Tô Mỹ Hạnh viết cho học
sinh Nguyễn Thị Nga
(Lá thư dài này đựơc gởi cho Nguyễn Thị Nga, năm học
Đệ Ngũ THD, thư được viết nắn nót và trình bày
khá đẹp với nhiều hoa lá khô đựơc ép, do chính
cô Hạnh thực hiện.
Nguyễn Thị Nga là giáo viên dạy lâu năm tại trường
Cao Đẳng Sư Phạm Bình Dương, nay đã nghỉ hưu)
Em như tờ giấy trắng
Chưa hề vương mực đời
Ai nỡ viết lên những lời cay đắng
Đêm xuống buồn tôi sẽ gọi em ơi.
Nga thương mến!
Chiều nay, lúc em trao bức thư tôi cứ tưởng đó là
thư chúc tết. Vì vậy tôi định đọc lên cho cả lớp
nghe gọi là lưu lại ít nhiều kỷ niệm của lớp VA2 . Nhưng nhìn
em khóc tôi chợt thoáng hiểu…. Và trong giây
phút tôi bật thấy lòng hối hận vô cùng.
Tôi đã cười trên nước mắt người khác sao?
Nga, chắc em cũng biết lúc đó tôi hiểu lầm, vậy em đừng
buồn nữa nha!
Em van tôi, giọng đầy nước mắt: “ Xin cô đừng đọc ở đây,
cô đem về nhà, tối hãy đọc”; nhưng tôi không
thể chờ đợi lâu được. Đợi xe đi khuất chợ, tôi mở thư ra xem…Cả
rừng chữ màu đen nổi lên dày đặc trên 8 trang giấy
trắng tinh khiến tôi càng thêm nôn nóng.
Em đã viết gì cho tôi?
Đầu tiên em nhắc lại buổi học chiều thứ sáu 24-12 lúc
tôi dang giảng bài “Xã hội tuổi thơ” em đã khóc
ở dưới bàn và “Tội lớn nhất là cô hỏi nguyên
nhân em không trả lời. Em biết trả lời thế nào khi tâm
tư đau đớn ê chề…” và từ đó em bắt đầu thưa chuyện buồn
của đời mình …
“Lời em càng nói càng chua cay!” thật tôi không
ngờ bài giảng hôm nay lại làm thức dậy tất cả sự đau đớn
trong hồn em, thật tôi không ngờ tôi đã thành
công quá sức mong muốn. Bức thư em đã đánh dấu
một kỷ niệm sâu đậm trong đời dạy học của tôi. Nga mến, nếu một
ngày nào đó, tôi phải du học ở phương xa, xa gia
đình, xa quê hương, xa các em học sinh thương mến thì
ngày ấy hình ảnh câu chuyện hôm nay sẽ là
một hình ảnh vĩ đại nhất trong vùng dĩ vãng vàng
son của tôi lúc còn sống ở lớp đê VA2, trường nữ
TRỊNH HOÀI ĐỨC này
…. Em buồn vì xã hội tuổi thơ của em là một “cánh
đồng khô cỏ cháy”, trống cả tình thương. Em còn
tỏ ý ân hận vì sao tôi lại không gặp em, ngoài
giờ học, với hình ảnh nào đẹp hơn là hình ảnh
quá khổ cực ở phòng triển lãm Bình Dương? Lời
em thành thật và cảm động quá khiến tôi không
cầm được nước mắt. Tôi phải mang kính đen vào đêâû
mọi người không để ý và để che bớt gió. Chiều nay
sao gió nhiều quá Nga à! Tôi ngồi ở băng trước,
gió thổi lồng lộng vào mắt tôi, tôi cố giữ bức thư
em trong tay, nhưng hai tờ giấy trắng cứ phất phơ như muốn chực bay theo gió
ra ngoài cửa sổ xe…Tôi chợt nghĩ đến những kẻ luôn luôn
thèm khát, cố bám lấy hạnh phúc, nhưng hạnh phúc
tàn nhẫn lúc nào cũng muốn vụt khỏi tầm tay họ để bay
trong mưa gió của cuộc đời…
Những kẻ ấy trong đó có tôi, có em, có
hầu hết những người đã mang số kiếp làm người.
Nhưng Nga à, ta nên đón nhận mọi
sự ở đời với cái triết lý của nó: “ đời là thế,
thế thì phải thế”, còn lạ gì nữa! Em con nhớ mấy câu
thơ của Huy Cận mà tôi đã đọc trong lớp hôm lễ Giáng
Sinh không?
“ Nếu Chúa biết bao nhiêu dòng
lệ đắng
Chảy như sông không rửa sạch sầu đời
Thì hẳn Chúa cũng âm thầm hổ
thẹn
Đã sinh ra thân thể của con người…..”
Em thấy không, Chúa còn phải “âm thầm hổ thẹn”
vì không thể ban bố cho loài người, những đứa con thương
của Chúa những gì khác hơn là những giọt lệ đắng…
Cô Tô Mỹ Hạnh và
Nguyễn Thị Nga
Phương chi, cha mẹ ta là một cái gì quá nhỏ
nhoi trước Thượng Đế, một hạt cát giữa khoảng vô cùng,
một cây cỏ héo mòn trong khu rừng bao la! Cây cỏ
quá yếu nên bị chà đạp dưới gót chân Định
Mệnh; có bao giờ em lại muốn chà đạp nó thêm không?
Dĩ nhiên là không, không nên Nga ạ. Em không
nên căm hận, oán trách ba má. Em nên thương
yêu và thương hại ba má em hơn vì người không
tội tình gì ngoài cái tội làm nạn nhân
cho số kiếp đen tối… Điều quan trọng mà em cần nghĩ đến: đó
là sự chống trả trước sự đe dọa của định mệnh. Trong Kiều có
câu:
“Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”
(Tức là từ xưa đến nay con người đã nhiều lần thắng trước
số đen mà Thượng Đế đã “tặng” họ)
Vậy có khi nào em nghĩ rằng mình sẽ “thắng thiên”
hay không?
Muốn thế, em phải “Ngã mũ chào dĩ vãng, xăn tay áo
với hiện tại và tương lai”
Dĩ vãng đen tối thì thôi ta không nên ở
lại. Em chào vĩnh biệt nó đi, và “xăn tay áo”
để bắt tay vào việc “Thắng Thiên”. Thắng Thiên mệnh bằng
cách nào? Đó là cả một vấn đề khó khăn
song không phải là không được Nga ạ, số kiếp không
ở đâu xa, nó đang ở tại trong lòng em. Do đó muốn
đương đầu với nó có nghĩa là đương đầu với cái
nội tâm hèn yếu của mình. Tôi nói đó
là một vấn đề khó khăn vì không có cuộc
chiến đấu nào cam go bằng cuộc chiến đấu với nội tâm. Và
như thế kẻ nào đắc thắng sẽ là một chiến sĩ anh dũng
nhất.
Vậy lúc nào em thấy lòng chán
ngán trước một nghịch cảnh thì em nên thầm nhủ:
“Tôi sẽ là một chiến sĩ anh dũng nhất. Tôi sẽ không
bao giờ biết khuất phục trước một sự khó khăn nào…”
Hoặc :
“Mưu sự tại thiên, thành sự tại nhân”
Hoặc:
“Tôi phải ngã nón chào vĩnh biệt dĩ vãng
và xăn tay áo với hiện tại và tương lai, hiện tại là
em còn một đàn em nhỏ đang cần tình thương, đang cần
sự săn sóc của em. Em còn nhiều bổn phận với cha mẹ, anh chị.
Tại sao em lại có ý định đi tu để “cứu nhân độ thế”? Gia
đình em, nhất là các em nhỏ, hiện giờ theo tôi
nghĩ, là một nhân thế tế bào đang cần bàn tay cứu
độ của em. Bây giờ còn em thì còn có người
đưa em bé đi học, có người ẵm em bé đi bác sĩ,
có người đi chợ nấu cơm cho ba em ăn. Sau lớn lên làm
việc có tiền em sẽ giúp thêm gia đình, đỡ gánh
nặng của ba má em, như thế không phải là một hình
thức cưu độ sao hả Nga? Nếu em bỏ đi, các em gái nhỏ sẽ mất
luôn cả tình thương của chị, ba má em sẽ mất cả tình
thương còn lại nơi đứa con gái. Và “Nhân Thế” sẽ
đi về đâu?
Em nên suy nghĩ kỹ lại đi, em không nên đi tu, mà
cũng không nên bỏ học vì một kẻ thất học như một bầu trời
không trăng sao.
Nga mến, “đời, đời rất hiền từ”. Đời có … gì với em đâu.
Không khí vui vẽ hồn nhiên ở lớp đê VA2 là
của em, cả đồng thơm ngát mùi thơm của rơm, mùi lúa,
cả những tà áo trắng trinh nguyên, những buổi chiều nắng
đẹp. Tất cả là của em. Tại sao em không chiu cố gắng trút
bỏ gánh hành lý quá cồng kềnh trên vai đẻ
thưởng thức những niềm vui hiền từ ấy? Có khi nào em nghĩ tới
hoàn cảnh cô Minh Đức không? Một thiếu nữ cô độc
giữa xứ lạ quê người, khi được thấy mặt người lần chót, không
được nuôi cha trên giường bệnh, anh em một người một ngã,
nhớ gia đình, nhớ quê hương đang loạn lạc….
“Gia đình chừ tan nát
Anh em chừ mỗi nơi
Quê hương chừ loạn lạc
Ta chừ ghét cuộc đời
Nga ạ, em đang ôm gia đình, ôm quê hương, ôm
hạnh phúc trong vòng tay, tại sao em lại ghét cuộc đời.
Có phải tại vì gia đình, cuộc đời tàn nhẫn với
em không? Nếu em có nghĩ như thế thì em nên nhớ
câu:
“ Ta phải nhận cuộc đời với tất cả triết lý của nó” hoặc:
“ở bất cứ nơi nào tôi cũng tìm thấy thiên đường
và địa ngục. Nếu trong gia đình tôi hiện nay cái
cân nghiêng về bên địa ngục thì chính tôi
là người làm cho nó thăng bằng trở lại và riêng
tôi sau này tôi quyết tạo lập một gia đình nơi
mà cán cân ngã về phía thiên đường
“ hạnh phúc ở nơi người đã …”
Trước khi chấm dứt thư này, tôi xin chép gởi em bài
thơ hối hận của Huy Cận. Trong bài này tác giả diễn tả
sự hối hận của mình vì đã bỏ lỡ tuổi xuân, bỏ
lỡ hạnh phúc, đến lúc tỉnh dậy hạnh phúc đã xa
rồi…
Hạnh phúc rất đơn sơ
Nhịp đời đi chậm rãi
Mái nhà yêu bóng trưa
Ong hút chùm hoa cải
Lòng tôi sao chẳng đợi
Vội vã bước vào trăng
Bốn mùa yêu một lối
Chân mỏi vạn đường cong
Tôi không đành nói xấu
Đời, đời rất hiền từ
Nhưng hoa xuân không đậu
Thôi mong gì trái thu
Quá hiền nên vụng tính
Tôi đã phá đời tôi
Điên rồi khi vụt tỉnh
Hạnh phúc đi xa rồi !....
Huy Cận
Tôi cầu chúc em được thoát khỏi “ tròng cuả những
ý nghĩ đen tối” và trở thành những chiến sỹ anh dũng
nhất, luôn luôn chiến thắng với cuộc đời gai góc, cố gắng
làm việc cho hoa nở ở mùa xuân và hái được
một trái cây chín đỏ giữa mùa thu của cuộc đời.
Và xin “ai” đừng bắt em Nga phải chịu hối hận như tác giả
của bài thơ này:
“Hoa bướm nghìn đời là hương phấn
Phấn mau tàn và hương không vương vấn
Và màu nào lại chẳng có một lần phai”
Đây là mấy câu thơ của Nhất Tuấn nói về những
đóa hoa bị ép khô trong tập. Và thi sĩ còn
cho biết có một thứ hoa không tàn, một thứ màu
không phai. Đố Nga biết hoa đó tên gì??
Đó là Hoa Lòng.
Hoa nở trong lòng người không tàn không phai là
vì sao? Là vì loài người là một đứa con
thông minh nhất của Thượng Đế. Loài người thông minh hơn
loài vật ở chỗ biết chiến đấu với nội tâm để giữ đóa Hoa
Lòng được nở mãi trong vườn đời………
Sài Thành một “đêm cúp điện”
27.12.65
Cô Mỹ Hạnh