Một vài gương mặt đáng nhớ của Chợ Bình Dương

Thu Lâm


    Sau khi gia đình rời xóm Hủ Tiếu Cây Dừa để về cư ngụ tại dãy phố làng ngoài chợ thì thế giới của tôi là cái chợ. Cuối tuần không đi học tôi thích lang thang ngoài chợ, vòng ngoài , để ngắm các tiệm. Tôi thường dừng lại ở bazaar Duy Tân nhìn bức tượng bằng thạch cao chưng trong tủ kiếng. Đó là tượng bán thân của chị Lệ Thuỷ, con gái đầu lòng của ông bà chủ tiệm. Không hiểu sao tôi không chú ý mấy đến nét đẹp hiền hoà của chị trên bức tượng mà lại thích nhìn đôi bông tòn ten hình giọt nước. Có lẽ vì thực tế chị đeo đôi bông đó, đôi vàng nhận cẩm thạch hình giọt nước. Dường như đặc điểm nầy khiến cho bức tượng giống như thật nhiều hơn. Rồi từ đó, tôi đi luồng qua các sạp chồm hổm để vào phố xem tiệm Mỹ Nam. Hồi đó có lẽ tiệm nầy sang nhất chợ Thủ. Tiệm rộng rãi, bán đủ thứ gia dụng phần nhiều là đồ nhập cảng. Chủ tiệm là một người Tàu, tuổi trung niên, không mấy vui vẻ gì lắm. Chúng tôi cho là ông ta làm phách vì tiệm thuộc loại sang. Tôi mải mê nhìn các chai dầu thơm nhập cảng từ Pháp, nhất là chai Soir de Paris màu xanh dương có hình con đầm xoè. Thích nhưng làm gì có tiền để mua vì đó là một món xa xỉ phẩm đối với cô bé mười tuổi. Tôi tự  nhũ mình sẽ mua chai dầu thơm nầy khi có tiền. Tôi phải đợi hơn mười năm sau lúc đi dạy học ở Phước Tuy mới mua được. Mùi dầu thơm mới ngọt ngào và quý phái làm sao. Sau đó tôi thử các loại nước hoa khác và Soir de Paris bị trôi vào quên lãng. Một hôm, sau nhiều chục năm, lúc định cư ở Mỹ, tình cờ một người Mỹ đi ngang qua, tôi giựt mình bàng hoàng khi nghe mùi Soir de Paris trở lại. Có thể đó là một loại dầu thơm khác có mùi tương tự. Tôi ngơ ngẩn thật lâu và cả một khúc phim dĩ vãng được quay lại với thời thơ ấu ở quê nhà cùng năm đầu tiên xa tỉnh nhà làm cô giáo tỉnh lẻ, nơi tôi được dân chợ Bà Rịa gọi một cách thân thương là cô giáo búp bê. Tôi đã lạc đề rồi, xin trở lại chợ Bình Dương.
    
    Sau đó, khi đi học trung học, thú vui của tôi là đi mua tập vở, viết, giấy bao về nhà tỉ mỉ bao tập, dán nhãn tươm tất chờ ngày tựu trường. Tôi mua ở tiệm bên trong, ngay đầu chợ. Người bán là một người đàn ông Trung Hoa, cao, nước da xanh mét. Ông ta không bao giờ bớt giá mặc dù tôi là một khách hàng rất trung thành của ông. Bạn tôi cho biết các nơi khác bán rẻ hơn, nhưng rồi tôi cũng mua nơi đó để chịu mua mắc mà chủ nhân thì không vui vẻ tí nào. Có lẽ tính tôi không hay thay đổi và cũng vì ở đó có nhiều thứ mà nơi khác không có. Thỉnh thoảng má tôi sai đi chợ mua thức ăn. Hể mua thịt quay thì mua ở quầy thịt của chú Quần. Người Tàu nầy rất dễ tính và thịt cũng rất ngon. Ở chợ còn có một chú tên là chú Áo. Tôi không nhớ rõ chú nầy lắm. Nếu mua thịt tươi má tôi biểu tôi mua ở  Dì Tư. Lần đầu mua, dì không biết tôi nên không lóc bớt mở. Còn sườn, vì tôi không nói rõ nên dì bán cho tôi sườn già. Khi về nhà, má tôi xem lại bắt đem xuống cho dì lóc mở và đổi lấy sườn non. Không đi thì bị mẹ rầy, mà đi thì nói gì với người ta. Tôi xách thịt trở xuống chợ, vừa đi vừa khóc, mặc dù lúc đó cũng đã 15, 16 tuổi rồi. Từ đó, hễ tôi mua thịt thì dì sẽ lựa thịt ngon cho tôi. Dì rất hiền và dễ thương, lúc nào cũng chìu ý khách hàng. Ở đầu chợ, gần Phòng Thông Tin là tiệm sách của ông Trường Tiếu. Dường như ông bà rất thích sân khấu. Tôi không rõ lắm về việc nầy. Sau nầy, ông Trường Tiếu dẹp tiệm, nơi đây trở thành nhà sách Nam Cường. Chủ tiệm là một thiếu phụ trẻ, rất đẹp, nước da trắng mịn. Đây là nơi tôi lui tới rất thường xuyên, nhất là sau ngày lãnh lương. Bà chủ tiệm rất vui vẻ với tôi, thường hay bắt chuyện hàn huyên. Sau năm 1975, tôi tình cờ gặp con trai bà, lúc đó khoảng 12, 13 tuổi. Tôi hỏi nó gia đình sẽ đem nộp sách cho chánh quyền theo lịnh của họ hay không. Thằng bé nói:" Có chớ cô, lúc nầy mà chứa sách cũ trong nhà giống như chứa bom nổ chậm vậy". Do câu nói nầy mà tôi đau lòng huỷ bỏ tất cả sách mà tôi đã mua trong suốt hai mươi năm.
  
     Ở gần đầu chợ, gần đường Lý thường Kiệt, trên lề dãy phố Đoàn Trần Nghiệp (hồi xưa là General Chason) có một sạp bán thuốc lá mà tôi thường lui tới nhất là vì chủ nhân sạp thuốc lá là anh Chín, anh cho thuê truyện. Quyển nào cũng được anh bao bằng giấy dầu, may chỉ coton thật chắc ở bìa để sách đừng rơi, mất bớt các trang sách. Dường như anh không lấy tiền thuế chân, tôi quên rồi. Khi nào có sách mới, anh thường giới thiệu với tôi. Vì sách truyện qua tay nhiều người, có người không kỷ, nên sách có mùi hôi đặc biệt. Vậy mà hồi đó vì mê đọc mình không cảm thấy gớm gì hết. Bây giờ nghĩ lại giựt mình. Có lẽ anh Chín có óc thương mại, nhưng cũng phải là người yêu sách nên mới nghĩ ra như vậy.
    
    Khi trở thành cô giáo, có gia đình riêng, thỉnh thoảng cuối tuần đi chợ, tôi thường ghé sạp vải cô Hoà (con ông bà Cả). Cô Hoà cũng là bạn học cũ ở trường Nữ với tôi. Chị cô là chị Hợi, học trên một lớp ở trường Gia Long. Chị vắn số qua đời vì sốt thương hàn năm lên đệ ngũ. Tôi thích nhứt là sạp vải cô Tốt, con gái ông bà Cẩm Hưng. Tôi gọi cô là Dì Tư vì có họ xa với má chồng tôi. Tới nơi tôi hay leo lên bộ ván ngồi chơi với dì để lựa vải. Mua xong rồi thì nán lại nói chuyện trời mưa trời nắng. Đây là những giây phút êm ái đậm tình bà con chòm xóm Việt Nam mà mình không sao tìm lại được. Kế đó là gian hàng bán chén, dĩa, ly kiểu của một người Trung Hoa bên hông chợ phía đường Đoàn trần Nghiệp. Tôi thích ghé tiệm để mua sắm chén bát. Mỗi lần đi ngang dù không mua gì chú cũng mời vào giới thiệu các món hàng mới, phần nhiều là đồ nhập cảng từ Nhựt, Hồng Kông và Pháp. Tôi thích lắm nhưng giá cao. Chú nói" "Cô mua đi tôi bớt cho. Hôm nay chưa có tiền thì hôm khác trả. Mình quen nhiều mà". Chú nầy có một tiệm bán đồ ngọt trước cửa nhà ông bà Năm Đại. Chè rất ngon, người vui vẻ và mấy đứa con cũng dễ thương, đứa nào cũng trắng bóc. Sau năm 1975, vì khủng hoảng tinh thần, chú bị mất trí. Sau đó, cả gia đình đi định cư ở tiểu bang Georgia, hiện đang mở nhiều nhà hàng. Chú làm sui gia cùng gia đình tiệm gạo Thoại Tuyền cũng ở Georgia.
    
    Bây giờ xin nhắc lại quý đồng hương về các hàng quà vặt mà có lẽ đàn bà chúng tôi rành hơn quý ông. Nhắc đến các hàng quà vặt không thể quên được gian hàng xôi và bánh ngọt của Bà Giáo Thọ. Bà bán xôi đủ loại: xôi lá dứa, lá cẩm, bên dưới lót một miếng bánh phồng khoai, trên mặt là nước cốt dừa, đậu xanh, dừa nạo, và đường mè. Ăn một gói rồi vẫn còn thèm. Ngoài xôi ra, bà còn bán các thứ  bánh: bánh bèo ngọt, bánh qui, xôi vị, bánh dừa( bánh bột nếp, nhưn đậu xanh lại ăn với muối mè đường). Sao mà bà khéo và chịu khó quá. Từ gian hàng xôi, đi lên phía đầu chợ, có một gian hàng bán bánh xèo, bún thịt heo xào, chả giò. Đồ ăn ở đây rất ngon và giá cũng vừa phải. Xích tới nữa là xe mì của mấy chị em gái người Tàu. Khách đến ăn phải đợi lâu vì bán rất đắc. Những người nầy nghe đâu cùng một gia đình với Mì Cây Me, cũng là một xe mì nổi tiếng. Sau đó, các chị em không bán nữa vì chánh quyền mới đánh thuế quá cao. Từ đây đi  vòng xuống lưng chừng chợ là gánh chè của cô Hiền. Cô nầy nấu chè ngon không chỗ chê. Cô luôn luôn có hai thứ chè, chè nào cũng ngon. Tên Hiền nhưng cô không hiền, vì tôi đã có lần chứng kiến cô gây lộn với người bán hàng kế bên. Tôi lắc đầu chịu thua. Hễ có khách hàng ngồi xuống mà cô thích là cô bắt đầu nói chuyện. Nói huyên thuyên không dứt, cũng rất vui. Từ đó đi xuống nữa, ở đầu chợ dưới là một ông Tàu, làm bánh dừa. Ông đổ bánh trong một khuôn lớn, đổ xong cắt ra làm sáu phần rất đều và khéo. Bột pha với đường vàng. Nhưn dừa cũng xào bằng đường vàng. Ông làm bánh không kịp bán. Lúc bánh mới ra lò , vừa ăn vừa thổi, ngon đậm đà. Sau đó, có lẽ vì già yếu, ông không bán nữa, và không thấy ai kế vị. Đến nay chị em chúng tôi vẫn còn nhớ bánh của người nầy.
    
    Còn vài ba chỗ cũng đáng nhớ ở hai bên phố Đoàn Trần Nghiệp và Thái Lập Thành. Lúc xưa, chợ Bình Dương rất đẹp. Chợ nằm cạnh sông. từ xa nhìn như một chiếc tàu khổng lồ. Phía trên là phòng Thông Tin, xung quanh có 4 kiosque bán sách và tạp hoá. Xích lên trên , một bên là các kiosque bán thức ăn (Thái Bình Dương ...) và một bên là một hàng cây không rõ tên có hoa trắng rất đẹp.. Cuối hàng cây nầy là xe lẻng kẻng của mọt chú người Tàu. Lúc nào chú cũng bận rộn xẻ trái cây để ngâm vào mấy hủ nước cam thảo. Do đó, tay chú bị nhăn nhó và thấm màu vàng. Chỗ nầy đám trẻ hay lui tới để mua trái chua và xí muội. Bên kia lề góc đường (?) và Đoàn trần Nghiệp là xe nước đá của một người Tàu, không biết tên gì, nhưng ông xã tôi thích gọi ông ta là "Bồ Tèo". Ông rất dễ thương, dễ tánh và rất chìu khách hàng. Ông xã tôi nói ông và mấy người bạn thường lợi dụng tính dễ dãi để vòi vĩnh xin thêm đường, thêm nước đá. Thành ra mua một ly thành hai ly. Bên đường Thái Lập Thành ở góc lên Dốc Ông Cò là một xe nước đá khác nữa. Ông nầy không dễ dãi như ông kia, mình không lợi dụng được. Tuy nhiên, khi xe của "Bồ Tèo" dẹp vì lý do gì tôi không biết, thì tôi lại là một khách hàng thường xuyên của ông nầy. Đặc điểm của các tiểu thương gia người Tàu nầy, trừ ông Mỹ Nam, là ông nào cũng mặc quần ngắn quanh năm. Nói đến cách ăn mặc mình cũng không quên rất nhiều người bán hàng, kể cả phổ ky trong các tiệm nước cũng vậy, họ ở trần trùng trục cho đến khi ông Ngô Đình Diệm nhận chức Thủ Tướng. Ông ra lịnh người Tàu nhập tịch Việt Nam và người buôn bán nhất là đầu bếp và phổ ky phải mặc áo.
    
    Kể lể dài dòng, xin bắt chước chị Hoa, đã dùng chữ "tan hàng" rất dễ thương trong bài vừa rồi của chị. Chị Tư ơi, em nhớ các cô giáo của mình quá vì chữ  "tan hàng" của chị.
    
    Quên nữa, bên trong chợ còn hàng bánh chưng bánh tét của Bà Ba. Bà bán lâu đời và nổi tiếng nên nhiều người gọi bà là Dì Ba Bánh Tét. Kế hàng Bà Ba là hàng bánh thững , bánh bò của cô Sáu, chồng là ông Ôn Song dạy ở trường Mỹ Nghệ. Cô Sáu là em gái của ông Trường Tiếu. Còn một gian hàng nữa của dì Hai ở xóm Cây Dừa bán dầu dừa, dầu gió, cau khô, thính ... Dì Hai là láng giềng của ba má tôi. Các thứ dầu dì bán đều do dì chế tạo. Sau lưng dì Hai là hàng guốc của dì Hai Sớt nơi mà đàn bà con gái đều phải ghé qua.
    
    Xin lỗi quý đồng hương, tôi nhiều chuyện quá !

Thu Lâm