Một đêm trên dòng Danube
Đó là một đêm mùa hạ năm 2002, khi tôi dừng bước ở thủ đô Budapest của Hungary trong một chuyến du lịch hai tuần qua năm nước Đông Âu là Đức, Ba Lan, Hungary, Tiệp Khắc, và Áo. Đó là một đêm đáng nhớ nhứt trong chuyến du hành, bởi vì tối nay, chúng tôi sẽ tham dự một dạ tiệc trên thuyền xuôi dòng Danube.
Bản nhạc Dòng Sông Xanh của Johan Strauss tưng bừng đón tiếp phái đoàn chúng tôi gồm 50 người đủ mọi quốc tịch: Anh, Ái Nhĩ Lan, Mỹ, Úc, Hồng Kông, Nam Phi, Ấn Độ .. Chỉ có một mình tôi là người Việt. Sau hơn một tuần, chúng tôi đã đi thăm Bá Linh nơi có bức tường lịch sử với cổng Bradenburg nơi chia cắt hai miền đông tây thời chiến tranh lạnh, viếng khu phố cổ của thủ đô Vacsava, Ba Lan, rồi vòng xuống phía nam thăm cố đô Krakow với một công trường lớn thật xinh đẹp đầy sinh động, đầy náo nhiệt, với tiếng nhạc tưng bừng. Sáng hôm nay, chúng tôi cũng đã thăm viếng thủ đô hoa lệ Budapest của nước Hungary, thăm Công Trường Anh Hùng, đại lộ Andrassy đầy những kiến trúc xinh đẹp rồi đi mua sắm tại đại lộ Vaci, nơi chỉ dành cho người đi bộ, nhìn ngắm những hàng hóa sang trọng đắc tiền của phương tây bắt đầu bày bán ở đây. Chúng tôi cũng có dịp thăm Khu Đồi Lâu Đài với Cung Điện Hoàng Gia và Nhà Thờ Matthias với ngọn tháp cao vút ... Đất nước Hungary đang thay da đổi thịt. Khắp nơi người ta đang sơn phết, sửa chữa các công trình văn hóa, nhà thờ, nhà bảo tàng ... để chào đón du khách tới thăm. Người dân Hung nay đã được tự do kinh doanh và có một cuộc sống thoải mái hơn trước. Họ vui vẻ hơn, yêu đời hơn bởi vì họ đã thoát khỏi vòng kiềm tỏa của ngoại bang và tự quyết định con đường tiến lên của chính mình.
Tối nay, trên du thuyền nầy, chúng tôi sẽ vừa ăn tối, vừa thưởng thức cảnh đẹp hai bên bờ sông Danube, một dòng sông trữ tình đã thành đề tài sáng tác của biết bao nhạc sĩ, thi sĩ khắp Âu Châu và bản nhạc Dòng Sông Xanh đã đi vào tâm hồn của mọi người, không những người Âu Châu, mà cho cả mọi sắc dân trên thế giới.
Dòng Danube, bắt nguồn từ phía tây Munich (Đức) chảy uốn khúc quanh co qua Áo, Hungary, Bungary ... trước khi đổ ra biển Caspien. Sông rộng chừng 300 m khi đi ngang qua Budapest và chia thành phố làm hai khu: hữu ngạn là Buda, một khu đồi cao, và tả ngạn là Pest, một khu buôn bán và dịch vụ. Do đó thủ đô của Hungary có tên là Budapest. Trên sông sóng nước dập dồn, cuồn cuộn chảy về phía đông nam, điệu chảy thật giống như âm điệu của bản nhạc Dòng Sông Xanh, chỉ có một điều làm tôi ngạc nhiên là nước sông chẳng xanh chút nào mà mang màu phù sa, hơi vàng nhạt. Chắc sông chỉ xanh, nước chỉ biếc khi ở thượng nguồn.
Thuyền từ từ tách bến. Nó không lớn lắm có thể chở khoảng 100 người mà đoàn chúng tôi chỉ có 50 người nên khá rộng rãi. Bến đậu ở phía thượng du, nơi con sông phình ra mà ở giữa sông lại có một đảo nhỏ gọi là đảo Magaret. Trên đảo nầy cây cối xanh tươi. Đây là một công viên rộng lớn nơi nghỉ ngơi lý tưởng của dân địa phương. Chúng tôi ăn tối theo kiểu tự chọn. Thức ăn Hungary hơi nhiều thịt và phó mát, hương vị thơm ngon hấp dẫn. Rượu nho uống thả dàn. Hungary cũng như Pháp và Ý có tiếng về rượu vang đỏ. Những người bạn đồng hành của tôi sau vài tuần rượu đã bắt đầu vui vẻ. Họ cười nói rôm rả vì đã quen nhau sau mấy ngày gặp gỡ. Riêng tôi tửu lượng không mạnh nên không uống nhiều lắm và còn tỉnh táo để thưởng thức cảnh trí hai bên bờ sông theo thuyết minh của người hướng dẫn du lịch.
Bên trái chúng tôi bây giờ là Tòa Nhà Quốc Hội. Kiến trúc của tòa nhà nầy tương tự như Quốc Hội Anh với hàng trăm phòng mà bên trong trưng bày lộng lẫy. Phía trước thuyền là Cầu Xích, một công trình tiêu biểu cho thành phố Budapest. Cầu nầy là một cầu treo, nhưng điểm đặc biệt là dây treo là dây xích giống như xích xe đạp chứ không phải là dây cáp như các cầu treo khác. Hai trụ cầu, phải nói là hai tháp thì đúng hơn thì rất to lớn bề thế tạo cho công trình một vẻ bệ vệ và vững chắc.
Cầu XíchQua khỏi cầu, phía bên phải trên đồi Buda nổi bật tháp nhọn của Nhà Thờ Matthias. Tháp nầy cao tới 80 mét lại nằm trên đồi cao nên bạn ở đâu trong thành phố nầy cũng đều thấy rõ. Khi du lịch qua các nước Châu Âu bạn sẽ phải trầm trồ thán phục những ngôi giáo đường cao vút như vậy, không những vì sự trang hoàng lộng lẫy bên trong hay bên ngoài nhà thờ mà ở tính chất vĩ đại của nó. Nhà thờ nầy được xây hàng mấy trăm năm trước, khi mà vật liệu chủ yếu là vôi và đá. Thế mà những kiến trúc sư, công nhân xây được những tháp cao bảy tám chục, thậm chí hàng trăm mét. Đó thật là những thành tựu đáng kể về mặt kiến trúc. Nhà thờ Matthias nầy là nơi vương triều Hung làm các lễ đăng quang hay các đám cưới trong hoàng tộc. Có một điều lạ là khi người Thổ Nhĩ Kỳ chiếm nước Hung thì người Thổ lại lấy nhà thờ nầy làm một nhà nguyện Hồi Giáo (mosque). Điều nầy cho thấy sự vĩ đại và đẹp đẽ uy nghiêm của nhà thờ nầy.
Tiếp tục đi về phía hạ lưu, bên phải là Cung Điện Hoàng Gia Hung, ngày nay là Nhà Bảo Tàng. Cung Điện nầy chính là nơi các vua lảnh đạo chính quyền nước Hungary thời xưa. Nước Hung nằm ở vị trí quan trọng nên quá nhiều nước khác dòm ngó. Do đó, tại nơi đây đã xảy ra biết bao nhiêu trận chiến tranh làm sụp đổ tòa nhà nầy. Và cứ sau một cuộc chiến cung điện lại được xây lại. Cung điện hiện nay được xây lại sau thế chiến thứ hai sau cuộc so tài của hai thế lực Phát Xít và Cộng Sản. Người Hung Nô, người Thổ Nhĩ Kỳ, người Áo, người Đức ... đã tới đây và ngự trị dân Hung. Nhưng những anh hùng của người Hung luôn đứng lên lảnh đạo người dân chống lại quân xâm lược để đem lại tự do cho đất nước. Nhìn cung điện Hoàng Gia tôi liên tưởng tới hình tượng các vị anh hùng dân tộc của quốc gia Hung mà sáng nay tôi đã thấy ở Công Trường Anh Hùng. Họ đứng đó cao vọi trên một vòng cung to lớn để con cháu họ tôn vinh và ngưởng mộ. Ở ngay giữa công trường nay là nơi an nghỉ của ông Imre Nagy, người lãnh đạo cuộc nổi dậy của dân Hung vào năm 1956 chống lại người Nga. Dân tộc nào cũng có những người yêu nước và chống ngoại xâm. Họ chết đi nhưng danh thơm của họ để lại muôn đời.
Thuyền đang qua dưới cầu Elizabeth một chiếc cầu treo hiện đại kiểu mới. Cầu to lớn, rộng rãi, kiến trúc thanh nhã giúp cải thiện giao thông qua lại giữa hai vùng Buda và Pest.
Qua khỏi cầu là đồi Gellert ở bên phải. Trên đỉnh đồi có tượng một người phụ nữ cầm cành co,ỉ hình dáng xa xa thì giống như tượng Nữ Thần Tự Do của Mỹ. Đây là công trình ghi nhớ công ơn của người Nga giải phóng nước Hung khỏi tay Đức Quốc Xã hồi thế chiến thứ hai. Thoát khỏi Đức, Hunggary nằm trong vòng kiềm toả của Nga, nhưng cách mạng năm 1989 đã giúp họ được tự do định đoạt cho số phận của mình. Phía dưới chân đồi Gillert là nhà tắm nước nóng kiểu Thổ. Ở Budapest có nhiều nhà tắm như vậy, đó là những nhà tắm cộng cộng với nước nóng và xoa bóp kiểu Thổ, một cách thư giãn độc đáo của người Trung Âu.
Tiệc cũng vừa tàn, tàu sẽ quay lại. Thành phố cũng đã lên đèn. Trên những chiếc cầu bắc qua dòng sông, đèn đã thắp sáng. Lấp lánh trong sóng nước lăn tăn, ánh đèn thành phố lung linh làm tăng thêm vẻ đẹp thơ mộng và quyến rũ của dòng sông. Bên phía Pest, một vài nhà hàng đang đải khách, tiếng nhạc, tiếng cười vọng lại xa xa. Bên đồi Buda, trên con đường dọc bờ sông, ánh đèn xe loáng thoáng. Chúng tôi lên boong thuyền, vừa hóng mát vừa uống cà phê và tán gẫu. Có người so sánh chuyến nầy với những cuộc du hành trên dòng sông Seine - Paris. Nhưng mỗi nơi có một vẻ đẹp riêng khó mà so sánh. Paris phồn hoa đô hội, ồn ào náo nhiệt khiến người ta chỉ muốn tận hưởng những giây phút vui vẻ trong cuộc đời. Nơi đây có vẻ yên tĩnh hơn, nhưng phải chăng vì thế mà du khách có thể suy tư vềụ sự tranh đấu và phục hồi của một đất nước mới được hồi sinh. Riêng tôi lại nghỉ ngợi, mơ mộng và so sánh với những dòng sông quê hương của mình như sông Hồng cuộn sóng ; Hương Giang thơ mộng, trữ tình ; dòng Cửu Long với những chợ nổi mà ghe thuyền đầy ắp những sản vật địa phương . Quê hương Việt Nam mình cũng rất đẹp, nếu có những chuyến du lịch trên sông như thế nầy chắc sẽ không thiếu du khách. Rồi tôi lại mơ về dòng sông hiền hoà mang tên Sài Gòn chảy qua tỉnh lỵ nhỏ bé Thủ Dầu Một nơi tôi sinh ra và lớn lên. Tôi nhớ những chiều tà, đạp xe hóng mát dọc bờ sông, nhìn những đám lục bình bập bềnh theo dòng nước chảy, trôi vô định không biết về đâu. Tôi rất yêu những dòng sông quê hương nhưng tôi chưa bao giờ có dịp đi thuyền dọc theo dòng sông như đêm nay trên dòng Danube nầy. Tôi hy vọng có một ngày về để du ngoạn trên những dòng sông ở quê nhà bởi vì tôi đã du lịch nhiều nơi, nhưng đất nước mình thì lại biết ít quá. Ứơc vọng nầy tuy đơn giản nhưng biết tới bao giờ mới thực hiện được.
Thuyền trở về bến cũ. Chuyến du hành chấm dứt. Khách luyến lưu từ giã, lòng lâng lâng vì đã ngà ngà say. Ai nấy vui vẻ cười đùa trên xe trở về khách sạn. Một vài người Mỹ thấy còn sớm nên tự đi vào thành phố tìm các quán rượu để tiếp tục cuộc vui. Đa số đã thỏa mãn trên đường về. Chắc tối hôm nay họ sẽ có một đêm đầy mộng đẹp, mơ tới những chuyến du hành khác đầy trữ tình, đầy thơ mộng, như đêm nay trên dòng Danube.
(Viết 7/2003)