Mội
Thầy Thơ
Nguyễn Thanh Bạch
Quê
tôi có những tên rất hiền. Nơi tôi sanh ra
là ấp Hoà Mỹ, làng Định Hoà, tổng
Bình Phú, tỉnh Bình Dương ở về phía
đông miền Nam nước Việt. Nơi đây không có đồng
ruộng mênh mông cò bay thẳng cánh hay những
ngọn núi cao hùng vĩ, những thác nước ngoạn mục.
Cũng không có bờ biển sóng vỗ rì rào,
đồi cát nhấp nhô hay những cánh rừng bao la
bát ngát. Tôi lớn lên giữa những luỹ tre
xanh, những thửa ruộng chạy dài theo các con suối
có những bờ đê cao cây cối um tùm.
Những ngày nghỉ học, tôi thường
đi dọc theo bờ suối để nghe tiếng nước chảy róc rách,
tiếng chim kêu ríu rít trên cành
cây, để hái những chùm nhãn lồng chín
vàng hoặc trái trâm màu tím long lanh
dưới ánh sáng chói chang của mặt trời mùa
hè. Nhưng điều tôi thích thú nhứt là
được ngâm mình trong lòng nước mát của mội
Thầy Thơ.
Mội Thầy Thơ dính liền với con suối
phân ranh giới giữa làng tôi và làng
kế cận. Làng nầy cũng có một cái tên dễ
thương, có nghĩa có tình, làng Tương
Bình Hiệp. Người nông dân sống ở miền đồng quê
tỉnh Bình Dương đều biết đến những cái mội nằm giữa đồng
ruộng vì đó là nguồn cung cấp nước uống trong sạch
không cần phải đào giếng như ở các vùng đất
cao.
Mội thoát thai từ những mạch nước ngầm phun
lên từ lòng đất bùn lầy. Muốn có được một
cái mội tốt, phải đào khoét cho sâu rộng
thành một cái hồ lớn nhỏ tuỳ theo ý mình,
rải một lớp sỏi đá ở phía dưới đáy và
đắp bờ xung quanh có chừa những lỗ thông ra ngoài
cho nước có thể thoát ra được.
Những cái mội lớn như mội Thầy Thơ còn
là nơi dân làng đến để tắm rửa, giặt giũ quần
áo. Mội Thầy Thơ lại ăn thông với con suối chảy ngang qua
đây, rộng khoảng ba thước bề ngang, đoạn suối nầy cũng được
khoét sâu để làm bến tắm cho ngựa và
trâu bò.
Thầy Thơ là một
ông thầy giáo làng đã để lại tên của
mình cho cái mội sau khi mất đi, do công đã
tập hợp dân hai làng tiếp cận, góp công
góp vật dụng để xây thành một cái mội rộng
rãi, sạch sẽ, có ngăn nắp, một ngăn để lấy nước uống, một
ngăn để tắm rửa giặt giũ riêng biệt. Ngay tại lỗ mội, nơi mạch
nước phun lên được khoét rộng ra lớn hơn một cái
giếng thường. Nước phun lên không ngừng, rất trong
và rất mát. Dân làng truyền lại cho nhau
và vẫn tin rằng mạch nước của mội ăn thông với một
cái mội lớn khác nằm ở bên đồng ruộng
làng Tương Bình Hiệp, cách đó hơn một
cây số vì có đã có người thả
một mảnh váng từ bên mội bên kia sau đó
nó đã trôi qua và trồi lên ở lỗ
mội bên nầy.
Thầy Thơ và bà con lối xóm
đã xây bằng đá ong một ngăn riêng cho lỗ mội
làm nơi riêng biệt, dân chúng chỉ được
múc nước để uống gánh mang về nhà, chứ không
được tắm giặt tại đây. Phía bên ngoài, thầy
Thơ cho xây thành một cái hồ rộng khoảng năm thước
dùng làm nơi tắm rửa, kế đến là nơi giặt quần
áo, ăn thông qua con suối. Vào mùa mưa,
có lúc con suối bị ngập, nước dâng lên
tràn vô phía trong mội nhưng ngay tại lỗ mội
thì nước vẫn trong vì mạch nước lúc nào
cũng phun mạnh lên từ đáy mội xua đi nước đục từ con suối
tràn vào. Phía ngoài suối, là
bến tắm trâu bò, nếu không có mưa lụt
thì nước cũng trong nhờ có lớp cát sỏi dầy nằm
dưới lòng suối.
Một tàng cây trâm che
mát phần bên trong mội, cây trâm cổ thụ
không biết có tự bao giờ, một người ôm không
xuể. Các bác nông dân hay dùng
thân cây trâm để cạ lưng kỳ đất nên một
bên vỏ cây trâm mòn nhẵn. Tôi còn
nhớ có một hôm một bác vừa cọ lưng kỳ đất xong
đã vội nhảy tung tăng vừa gải lưng vừa la oai
oái. Hoá ra vỏ cây trâm đã bị người
nào có ác ý bôi trái mắt
mèo. Mắt mèo là loại dây leo, dây
lá trái đều có lông vàng, dính
vào mình thì bị ngứa ngáy vô
cùng. Thứ trái nầy có khi cũng được các cậu
học trò rắn mắt bôi vào ghế ngồi để phá
các ông thầy giáo nghiêm khắc.
Mội thường rất đông người, nhứt là
những buổi trưa hè nắng gắt. Được ngâm mình trong
nước mội mát lạnh, tai lắng nghe tiếng chim thảnh thót
trên tàng cây là một điều vô
cùng thích thú. Các cô gái
ở nhà gần hai bên bờ suối thường đến đây
gánh nước. Có điều là các cô phải
canh giờ nào có ít người tắm giặt và phải
cẩn thận lên tiếng trước khi bước xuống mội để báo động
cho bác nào đang lỡ tắm truồng thì kịp thời che
thân.. Cẩn thận hơn nữa là đứng trên bờ có
hàng tre che khuất chờ cho đến khi nào được mời
thì mới đi xuống. Cũng có nhiều cô - thường
là các bà lớn tuổi - bạo dạn hơn, không cần
chờ đợi, cũng không nói năng gì cả, cũng
không liếc nhìn ai, nhắm thẳng hướng lỗ mội xông
tới, múc nước đầy thùng rồi quay đi thẳng một mạch.
Mội Thầy Thơ còn là nơi hẹn hò
của các chàng trai quê và những cô
gái mộc mạc của hai làng bị ngăn cách đôi bờ
bở i con suối vô tình. Từ làng bên nầy
nhìn sang làng bên kia họ không nhìn
thấy nhau vì bờ suối rất cao bị phủ lấp bở i những hàng
cây chằng chịt. Muốn gặp nhau, họ phải tìm cách đến
cái mội, nàng thì đi gánh nước hoặc đi
đãi gạo nếp để nấu xôi cúng đình,
chàng thì dẫn trâu cày đi tắm. Họ đến
đây có khi chỉ để len lén nhìn nhau
mà không nói với nhau một câu nào.
Có khi họ ấp úng khẽ nói lên một lời
chào hỏi rồi thôi, mạnh ai nấy làm công việc
của mình. Rồi sau đó, trước khi lên bờ hai người đi
hai ngã, họ bỡ ngỡ nhìn nhau, gật đầu chào nhau,
lòng rộn ràng vui một niềm vui đầy ước vọng. Cũng
có những cặp quen nhau đã lâu nên bạo dạn
hơn, lựa buổi trưa vắng người, lén cùng nhau đi dọc theo
bờ suối, vừa đi vừa hái trái nhãn lồng vừa thỏ thẻ
tâm sự hoặc cùng chạy đuổi bắt con bướm vàng,
làm nước bắn tung lên ướt cả mình mẩy. Nhiều
cặp trai gái đã kết thành vợ chồng ăn đi
ở kiếp với nhau sau những buổi hẹn hò tình tự tại
mội Thầy Thơ.
Vào mùa cấy lúa,mội Thầy
Thơ còn là nơi nghỉ giải lao - mà dân
làng nói là nghỉ nửa buổi - của những đám
thợ cấy vần công. Từ sáng sớm, khi giọt sương còn
ướt đọng trên cành cây ngọn cỏ, nghe tiếng tù
và báo giờ đi cấy trổi lên một giọng buồn buồn,
các tay thợ cấy lũ lượt kéo đến mảnh ruộng của một người
trong nhóm để cấy giúp người nầy. Cấy vần công
thì không có trả tiền vì đây là
một hình thức tương trợ luân phiên. Nhưng đến giờ
giải lao thì các tay thợ cấy được cho ăn nửa buổi. Bữa ăn
không có gì là cao lương mỹ vị mà
thường là xôi chè, có khi có
thêm món đặc biệt là bánh trôi nước
mà quê tôi quen gọi là chè xôi
nước. Buổi trưa hôm đó, mội Thầy Thơ vang lên tiếng
nói cười hồn nhiên vui vẻ.
Vào mùa mưa, có lúc mưa
dầm, quê tôi trở nên đìu hiu quạnh quẽ. Nước
suối từ trên nguồn đỗ xuống ào ào, có khi
nước suối cao lên tới ngực. Nước tràn vào trong mội
nhưng nước tại lỗ mội vẫn trong vì nước phụt lên từ
lòng đất lúc nào cũng rất mạnh, đánh bạt
nước suối đục ra ngoài. Lúc đó, đối với học
trò trường làng, một mình băng qua con suối để đi
học là một việc khó khăn, nguy hiểm. Cho nên, mấy
bữa trời mưa như vậy, thường ba tôi đưa tôi băng qua suối
để đi đến trường tiểu học nằm bên cạnh chợ Bưng cầu thuộc
làng Tương Bình Hiệp. Theo lời ba tôi thuật lại,
người anh của tôi đã một lần bị nước cuốn trôi đi
vì đã lội qua suối một mình. May có người
trông thấy, gõ mõ báo động, kêu cấp
cứu, nhờ bà con lối xóm chạy tìm dọc theo con suối
cứu thoát được. Anh tôi đã một phen hoảng
vía kinh hồn, uống đầy một bụng nước. Và cũng may
mà anh tôi hồi ấy đã biết bơi. Và rất khoẻ.
Về sau nầy, sau biến cố đổi đời 1975, lúc đó anh
tôi đã trên sáu mươi tuổi, đi xe đạp về
quê chở một bao gạo xuống Sài gòn là chuyện
thường làm mặc dầu đường có nhiều dốc cao.
Trong thời tuổi thơ, tôi sống gắn bó
với mội Thầy Thơ. Mỗi lần đi học, băng qua mội, tôi không
bao giờ quên ghé lại đây uống một hơi nước
mát rượi và rửa mặt cho tỉnh người. Mỗi lần đi mò
cua, tát cá hay hái rau ở đồng ruộng quanh
đó, tôi đều mang đến đây để lặt rửa và
ngâm mình trong nước mát trước khi về nhà.
Trong thời gian học ba năm tiểu học, mỗi
tháng tôi đến nhờ một người chú họ cạo đầu một lần,
chú Tám Hắng. Chú tên thật là Hớn,
Nguyễn Văn Hớn. Nhưng bà con trong xóm kêu trại
là chú tám Hắng. Theo tôi đoán,
có lẽ tại vì bao giờ chú cũng tằng hắng
trước khi muốn nói điều gì. Mỗi lần chú cạo đầu
xong, chú tám dẫn tôi xuống mội để gội đầu cho sạch
đồng thời chú cũng đem con dao theo để mài luôn
vì tại phía trong mội có một cục đá
mài dao tròn, lớn bằng hai cái thau nước đã
mòn nhẵn từ đi nào, vừa dùng làm đá
mài dao vừa dùng làm cái thớt để giặt quần
áo, rất tiện lợi. Cho tới khi học xong bực tiểu học, thi đậu
bằng tiểu học, sắp ra tỉnh lỵ học tiếp, tôi xin tiền ra chợ để
hớt tóc, ba má tôi vẫn chưa chịu cho, vẫn cứ nhờ
chú tám cạo đầu. Phải chờ ba năm sau, thi đậu xong bằng
sơ học và trúng tuyển vào trường trung học Petrus
Ký, tôi mới được phép từ giã chú
tám Hắng. Tôi còn nhớ, sau lần hớt tóc ở
tiệm đầu tiên, một mình chạy xuống mội để gội đầu,
tôi cảm thấy vui một niềm vui khó tả. Con người tôi
sảng khoái vô cùng và cảm thấy mình
lớn hẳn lên. Khi tôi đến chào từ giã
ông thầy cũ của tôi ở trường tiểu học trước khi đi xuống
Sài gòn học, thầy tôi không còn
vò đầu tôi như những lần trước, lúc đầu tôi
còn được chú Tám cạo trọc.
Dầu phải từ giã ruộng đồng để đi
Sài gòn tiếp tục học, mỗi kỳ nghỉ hè trở về
làng, ngay sau khi gặp mặt ba má tôi là ba
chân bốn cẳng tôi vội chạy ngay xuống mội Thầy Thơ. Trước
hết, tôi vô ngay lỗ mội để nốc một hơi cho đả thèm.
Sau đó, tôi ngâm mình thật lâu trong
lòng nước mát. Tôi muốn được hoà mình
vào nước mội để làm vơi đi nỗi nhớ nhà sau những
ngày xa cách!
Nhìn con suối róc rách chảy,
nhìn cánh đồng xanh long lanh dưới ánh nắng,
tôi muốn hét to lên, trút bỏ hết những nỗi
niềm tâm sự, quên hết những nỗi ưu phiền! Tôi
đã sinh ra và lớn lên ở nơi nầy, tôi sẽ trở
về nơi nầy dầu có phải đi xa vì nơi nầy muôn đi vẫn
là quê hương của tôi!
Nguyễn thanh Bạch