Lê Thành Nhơn
Niềm kiêu hãnh bị lãng quên
Hoàng Anh
“Như một con người, tôi yêu thương kỷ niệm. Nhưng như một
nghệ sĩ, tôi không nhìn lại những gì đã làm xong ngày hôm qua”
(Lê Thành Nhơn)
Nói đến bộ môn điêu khắc, người Huế có thể đầy tự hào giới thiệu với
bạn Điềm Phùng Thị, người Quảng Nam hân hoan kể về Phạm Văn Hạng và khu
vườn tượng độc đáo của ông... Còn ở Bình Dương, nhiều người, ngay cả giới
văn nghệ sĩ cũng có vẻ e dè, ngẩn ngơ không biết phải nhắc đến ai.
Đúng ra thì họ cũng có một người để mà hãnh diện, rất hãnh diện nữa
là khác, bởi ông đã nổi tiếng từ rất sớm, rất lâu, cả trong và ngoài nước,
người ấy là Lê Thành Nhơn, một hoạ sĩ, một nhà điêu khắc kỳ tài. Chỉ tiếc
là ở ngay xứ sở của ông thì có rất ít người biết đến tên Lê Thành Nhơn. Ông
là kẻ xa lạ ngay chính trên quê hương thân yêu của mình, mặc dù ngày nay,
nói đến sinh hoạt điêu khắc và hội hoạ Việt Nam đương đaị, người ta không
thể không nhắc đến tên Lê Thành Nhơn, đến những tác phẩm đồ sộ và nguy nga
mà ông đã sáng tác.
Lê Thành Nhơn sinh ngày 17 tháng 11 năm 1940 tại Thủ Dầu Một. Cha là
Lê Văn Nguyện và mẹ Chung Thị Duyên, một người Việt gốc Chàm lai Trung Hoa.
Ông học tại trường Mỹ Nghệ Thực Hành Bình Dương, sau đó thi đỗ vào trường
Cao Đẳng Mỹ Thuật Sài Gòn Gia Định. Năm 1963, lúc đang còn là sinh viên năm
thứ hai, ông đã có bức tượng đồng tham dự cuộc triển lãm mỹ thuật quốc tế
lần thứ tư tổ chức tại Paris. Năm 1964 ông tốt nghiệp thủ khoa khoá 9 ngành
điêu khắc, cùng khoá với Đỗ Quang Em, hoạ sĩ rất nổi danh tại Sài Gòn hiện
nay và là người bạn khá thân của ông.
Sau khi ra trường ông về dạy học tại trường Mỹ Nghệ Thực Hành Bình Dương,
về sau là giáo sư điêu khắc tại trường Mỹ Thuật Sài Gòn Gia Định, đồng thời
là giáo sư thỉnh giảng tại trường Mỹ Thuật Huế. Từ 1973, ông lại được mời
giảng dạy tại trường Đại học cộng đồng Duyên Hải Nha Trang. Thời gian này
ông ở biệt điện Rặng Bàng cùng với Trịnh Công Sơn và Bửu Ý.
Mặc dù dạy học nhiều như thế, ông vẫn dành thời gian để sáng tác. Vừa
là một người Thầy, vừa là một nghệ sĩ, ông luôn làm tròn trách nhiệm của
mình và trở thành một mẫu mực hiếm thấy.Trong những năm đầu tiên của sự nghiệp,
ông đã bắt đầu thực hiện những bức tượng to lớn, hùng vĩ. Một tác phẩm của
ông đã nhận huy chương vàng giải Văn Học Nghệ Thuật và được lưu trữ tại viện
bảo tàng Quốc Gia Sài Gòn. Bằng chất liệu cement, năm 1970 Lê Thành Nhơn
làm bức tượng Phật Thích Ca ngồi cao đến 4 mét rưởi ở Trung Tâm Phật Học
Huệ Nghiêm. Tác phẩm được thể hiện công phu, tỉ mỉ, trau chuốt và theo một
phong cách rất hiện đại, mang đậm dấu ấn riêng của nhà nghệ sĩ. Đến nay,
các tác phẩm lấy chủ đề đạo Phật của Lê Thành Nhơn được xem là những di sản
quý báu của nghệ thuật Phật giáo Việt Nam. Ngoài ra còn có pho tượng của
ngài Phan Thanh Giản cao hơn 3 mét (đã bị phá hư ), và bức tượng người thiếu
nữ Việt Nam cao 4 mét hiện còn trong tư gia người nhà của ông tại Sài Gòn.
Năm 1972, nổi bật nhất trong sáng tác của ông là hai bức tượng bằng
đồng có kích thước to lớn ở Huế: tượng Quan Thế Âm, đúc bằng đồng đen, được
đặt trên bệ cao trước trung tâm Liễu Quán và tượng Phan Bội Châu (cao đến
3,5 mét) dựng trong khu vườn nhà thờ cụ Phan Bội Châu ở Bến Ngự. Để hoàn
thành hai pho tượng này, ông đã được sự giúp đở rất nhiều về cả phương diện
vật chất lẫn tinh thần của nhiều thân hữu như Trịnh Công Sơn, Bửu Ý, Trần
Viết Ngạc, Phạm Nhuận, Hồ Đăng Lễ…Chính ông Lễ, nhờ lúc đó là trưởng khu
Công Chánh Thừa Thiên, đã chở đến cho Lê Thành Nhơn 20 tấn đất và một núi
thanh sắt để làm cái sườn to (cao đến 4 thước rưỡi, ngang 6 thước và sâu
5 thước). Từ cái sườn này ông đã đắp lên 20 tấn đất, và hoàn thành bức tượng
của nhà cách mạng Phan Bội Châu (bằng đất). Sau đó, nhờ sự vận động của nhạc
sĩ Trịnh Công Sơn, phó thủ tướng lúc bấy giờ là Phan Quang Đán đã cho bán
kho xi măng phế thải của Đà Nẳng để có tiền giúp cho nhà điêu khắc thực hiện
bức tượng bằng đồng. Chính vì vậy mà khi nói về tác phẩm này, Lê Thành Nhơn
cho rằng đó là công trình của rất nhiều người chớ không phải của riêng ông.
Ngày nay, bức tượng Phan Bội Châu được nằm trong danh sách quần thể di sản
văn hoá cần được bảo tồn tại Huế dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc.
Ngoài những tượng lớn, ông còn làm nhiều tác phẩm điêu khắc cở vừa và
nhỏ bằng thạch cao, đá granite hay đúc đồng. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có được
nhiều tượng đẹp do Lê Thành Nhơn gởi tặng, lưu giữ ở nhà 47C Phạm Ngọc Thạch.
Ông cũng có làm một bức chân dung Trịnh Công Sơn để tặng người nhạc sĩ tài
hoa này.
Sau năm 1975, Lê Thành Nhơn ra nước ngoài, định cư ở Úc và sống ở đây
cho đến cuối đời. Thời gian đầu ông phải làm nhiều việc khác nhau để nuôi
sống gia đình như sơn xe hơi hay bán vé trên tàu điện, làm việc vất vả trong
các nhà máy. Vậy mà vừa chân ướt chân ráo đến xứ người với bao nhiêu khó
khăn trong việc mưu sinh, ông đã hoàn thành ngay trong năm ấy bức tranh sơn
dầu dài 7 mét có nhan đề “Nước tôi dân tôi”. Thứ hai là bức tranh dài đến
7 mét “Truyền thuyết Giao Chỉ”, bức này được treo trên ba bức tường của Nhà
trưng bày Mỹ Thuật Đông Tây ở Melbourne.
Từ năm 1987, Lê Thành Nhơn được mời dạy kiến trúc tại đại học RMIT,
Melbourne. Năm sau nghỉ dạy,ông cùng một người bạn mở trung tâm Bình Dương
ceramic chuyên sản xuất các tác phẩm nghệ thuật bằng gốm. Đến năm 1996 thì
ông nghỉ hẳn việc kinh doanh để dành thời gian cho sáng tác. Ngoài việc
tạc tượng, Lê Thành Nhơn cũng vẽ rất nhiều tranh, một lãnh vực mà ông cũng
có biệt tài và thể hiện sự phong phú, đa dạng còn hơn cả điêu khắc. Ông đã
sáng tác hàng trăm bức tranh thuộc nhiều kích cở khác nhau, trong đó có những
bức kích thước rất hoành tráng như bức “Yarra River” (dài 4 mét), bộ “Tứ
Đại” gồm bốn bức( Đất, Nước, Gió, Lửa), mỗi bức cao 2 mét và dài tổng cộng
trên 24 mét. Để hoàn thành tác phẩm vĩ đại này, ông mất đến 6 năm trời làm
việc bền bĩ từ 1994 đến 1999 mới xong. Vào cuối năm ấy, ông đi Monaco 3 tháng,
tại đó ông lại hoàn thành tác phẩm hoành tráng khác “Bài ca của Đá và Ô-liu”,
dài 130 mét, kết hợp hàng tấn đá và những rễ cây ô-liu già hơn 300 năm tuổi.
Trong mấy mươi năm định cư tại Úc, Lê Thành Nhơn vinh dự có nhiều bức
tượng được trưng bày ở những nơi trang trọng trên đất nước này. Bức tượng
đồng Dr Phillip Law hiện vẫn nằm tại đại học Monash ở Melbourne và đại học
Tasmania tại tiểu bang Tasmania. Vào năm 1991, với sự tài trợ của cộng đồng
Công Giáo Việt Nam, Lê Thành Nhơn làm bức tựơng đồng Mẹ Mary (cao 2 mét
rưỡi). Năm 1997, được sự tài trợ của Đại học Monash, ông làm bức tượng Joy(cao
2 mét rưởi), hiện dựng trước sân trường đại học Monash (Caulfield campus);
tượng “ Đừng bỏ rơi tôi tự do” hiện trưng bày tại Mekong Club tại Sydney.
Để vinh danh nhà nghệ sĩ lớn tài hoa này, Viện Bảo tàng Quốc Gia Úc tại thủ
đô Canberra đã chọn trưng bày hai tác phẩm của ông: bức tượng Phật A Di Đà
và một bình gốm. Hai tác phẩm nghệ thuật này lại được đặt chung với chiếc
áo khoác và sợi dây nịt đồng phục của công ty xe điện thành phố Melbourne,
cái sở làm của Lê Thành Nhơn trong mấy năm đầu mới đến Úc.
Tại Úc, ông là một trong số ít nghệ sĩ hiếm hoi có tác phẩm được trưng
bày vĩnh viễn tại Viện Bảo Tàng Quốc Gia Úc cũng như Viện Bảo Tàng Di Dân
tiểu bang Victoria. Bốn bức tượng Sinh Lão Bệnh Tử của ông được nhiều người
đặc biệt ưa thích, trong số đó Thi Vũ và Đỗ Quý Toàn đã viết bài ca tụng xem
như là những kiệt tác của ngành điêu khắc Việt Nam dù chúng chỉ làm bằng
thạch cao , dạng phác thảo.
Về gốm, tác giả Bội Trân viết về ông nhận xét: “Lê Thành Nhơn dùng màu
da vàng rất gốm Bình Dương, cộng với màu xanh đồng và xanh biếc.Kỹ thuật
nung của anh tuyệt vời ở chỗ thành bình có độ dày lồi lõm khác nhau nhiều,
mà tuyệt nhiên không có một vết rạn xương cốt hay men. Người ta tin rằng
anh đã trải qua rất nhiều thử nghiệm trong xưởng làm của anh tại Dandenong
để có được một tác phẩm vuông tròn”
Lê Thành Nhơn là một nghệ sĩ tạo hình đa tài, thành công ở nhiều thể
loại khác nhau từ tượng đồng, tượng thạch cao, tượng đá, tượng kim loại,
đến đồ gốm, tranh sơn dầu, tranh lụa, màu nước, tranh chì than, sơn mài, thiết
kế kiến trúc….(khi ở bên Úc ông còn có nhiều tác phẩm làm từ giấy “foil”,
thứ giấy thiếc thường dùng để gói thức ăn đặt trong các lò nướng). Điểm đặc
biệt nhất trong nghệ thuật của Lê Thành Nhơn là tính chất hoành tráng, ở
Việt Nam, chắc có lẻ chưa có nhà nghệ sĩ nào đã thực hiện nhiều tác phẩm
từ điêu khắc đến hội hoạ có kích thước to lớn hùng vĩ như ông đã làm.
Trong một lần trả lời phỏng vấn chương trình Việt Ngữ của đài Radio
Australia vào cuối tháng 12 năm 1998 và đầu tháng 1 năm 1999, Lê Thành Nhơn
cho biết về nguồn cảm hứng sáng tác của ông: “Khi còn ở Việt Nam, tôi rất
cảm màu cánh gián của sơn mài, màu chói của xa cừ, những màu vàng ray bạc
phủ đã ăn sâu từ lâu trong máu mình. Rồi khi lớn lên trong những đồi đá,
màu đất, những giòng sông, con suối, ngôi làng mạc của mình trải qua cụôc
chiến tranh, tôi sáng tạo theo sự suy nghĩ và tình cảm liên quan đến hoàn
cảnh của đất nước…”
Lê Thành Nhơn còn để lại tại Sài Gòn một số tác phẩm, đáng chú ý nhất
là bức tượng chân dung thiếu nữ quấn khăn ông đặt tên là Mẹ Việt Nam, làm
bằng chất liệu granite mài trắng, được chọn tham dự triển lãm châu Á đầu
tiên tại Singapore năm 1974. Hiện nay ông gửi tại nhà người bà con ở số 10
Lê Ngô Cát, Gia Định.
Dành gần trọn đời cho những sáng tạo nghệ thuật, Lê Thành NHơn đã để
lại một sự nghiệp khá đồ sộ và vô cùng quý giá cho những người yêu quí cái
đẹp. Tác phẩm ông được trưng bày, gìn giữ trong bộ sưu tập của Chính phủ
và tư nhân ở nhiều nơi với biết bao lòng trân quí. Tiếc thay, ngay tại chính
quê hương của ông, nơi ông đã học những nét vẻ ngây thơ đầu đời, chúng ta
không được nhìn thấy những công trình đi vào vĩnh cửu của nhà nghệ sĩ.
Lê Thành Nhơn mất vào 4 giờ chiều ngày thứ hai, 4 tháng 11 năm 2002 vì
chứng ung thư gan, để lại sự thương tiếc vô vàn cho những người thân, bạn
bè, những người quen biết và mến mộ tài năng cùng nhân cách của một nhà nghệ
sĩ lớn của Việt Nam.
không thể ôm hết tiếng cười trả về màu nắng tĩnh yên
người nằm xuống
cuối cùng
người nằm xuống
nằm nghe bước chân tháng mười một trở về nhìn trời thở nắng
hơi lạnh đi qua những đêm bán cầu nam rùng mình đứng đợi
màu đen đường phố
vây hãm những đêm trường thành bóng lửa
quằn xuống những giấc mơ đi chết một mình
(Nhớ Lê Thành Nhơn của Nguyễn Hoàng Tranh)
Ông là niềm hãnh diện của cộng đồng người Việt và cả người Úc yêu quí
nghệ thuật. Ông mất, con cái không có người nào theo nghiệp cha nhưng người
con trai là Lê Hưng, tức Hung Lee là một danh hài trên các show truyền hình
của Úc, thường được mời lưu diễn khắp đất nước này.
Cách nay vài năm trước khi ông qua đời, một bài viết trên báo Tuổi Trẻ
về Lê Thành Nhơn cho biết rằng một trong những ước vọng cuối đời của nhà
nghệ sĩ là được trao tặng tác phẩm của ông cho quê hương, ông muốn chúng
được trưng bày ở một vị trí xứng đáng nào đó nơi công cộng để cho đồng bào
ông nhiều người có thể cùng thưởng ngoạn. Tiếc rằng tấm lòng ông đối với
quê hương, với cội nguồn đã không được đón nhận như ông mong muốn.
Và người Bình Dương đã không còn mấy ai biết đến ông. Một người mà lẽ
ra họ có quyền hãnh diện giới thiệu với bạn bè gần xa nhưng họ đã vô tình
quên đi.Trong một bài mạn bút cuối cùng Lê Thành Nhơn viết cho bạn bè trước
khi mãi mãi ra đi, có đoạn:” Có khi đong đưa thưa nắng tàu cau quê mẹ ngày
mùa, khăn rằn phập phồng theo nhịp vỗ cánh nhấp nhô đồng lúa chín…”.
Xa quê đã lâu, nhưng dường như hình bóng quê nhà vẫn còn lắng đọng
rất sâu trong tâm hồn ông?