Trung học Trịnh Hoài Đức lên truyền hình quốc gia

Minh Tâm

    Những năm đầu thập niên 1970, trường trung học Trịnh Hoài Đức được sự hướng dẫn của thầy Lê Tấn Lộc. Ông là một người có nhiều sáng kiến nên phong trào sinh hoạt của trường trở nên nổi bật. Về bóng chuyền, trường đoạt giải quán quân toàn tỉnh Bình Dương trong Đại Hội Thể Thao Toàn Tỉnh. Về văn nghệ, trường đã tổ chức được một đại nhạc hội rất xôm tụ tại rạp Thanh Bình vào dịp Tết. Sau đại nhạc hội đó, những tiết mục hay được thầy Lộc, thầy Phúc, thầy Hộ ... yêu cầu chúng tôi tập luyện thêm để chuẩn bị thu hình để chiếu trên đài truyền hình Việt Nam băng tầng số 9. Thầy Lộc đã ngoại giao liên hệ sao đó với Đài Truyền Hình để họ giới thiệu sinh hoạt của trường Trịnh Hoài Đức- Bình Dương với khán giả toàn quốc.
    Trước khi đi thu hình thì đã có một đoàn thu ngoại cảnh của Đài Truyền Hình Việt Nam lên Bình Dương thu các sinh hoạt học đường của trường.
    Tới ngày đi trình diễn, chúng tôi phải đi Sài Gòn đến đài để thu thanh và thu hình. Chúng tôi đi xe “nhà binh” do Trường Công Binh cho mượn. Tôi nhớ lúc đó mình vui lắm vì có mấy cô nữ sinh đi nữa. Tôi còn nhớ rõ do đường xa lộ Bình Dương – Sài Gòn lúc đó đang xây dựng nên xe phải chạy vòng qua Cầu Sắt Lái Thiêu rồi vòng lại Phú Nhuận, Hàng Xanh để tới Đài Truyền Hình ở gần Sở Thú.
    Đến đài thì cũng đã gần 10 giờ. Chúng tôi vào thu hình liền. Tôi nhớ chương trình của trường dài gần 60 phút bao gồm các tiết mục sau:
        Phần ngoại cảnh giới thiệu về trung học Trịnh Hoài Đức Bình Dương là một ngôi trường nằm trong vùng trái ngọt cây lành của tỉnh.
        Phần phỏng vấn ông hiệu trưởng Lê Tấn Lộc về đường lối tổ chức và các sinh hoạt của trường.
        Phần văn nghệ phụ diễn gồm nhiều tiết mục Tôi không nhớ hết các tiết mục mà chỉ nhớ nhứt là ba tiết mục sau:
        Trường ca Lửa Thiêng của Phạm Thế Mỹ cho thầy Nguyễn bé Tám hướng dẫn. Đây là tiết mục hay nhứt và công phu nhứt vì chúng tôi phải hát 4 bè khác nhau. Tập luyện bài nầy phải hơn 6 tháng trời mới trình diễn được. Hai người hát solo trong trường ca nầy là bạn Võ văn Nhãn và chị Thùy Vương. Còn ban nhạc thì có thêm anh Trung Nghĩa là một người đánh đàn ghita rất giỏi. Hát hợp xướng rất khó và tập luyện rất công phu. Vào thời điểm đó chỉ có trường trung học Mạc Đỉnh Chi là cũng thực hiện được một trường ca tương tự. (Ca sĩ Nguyễn chánh Tín được nhạc sĩ Phạm Duy biết đến là nhờ chương trình văn nghệ học đường nầy).
        Vũ khúc Tiếng Xưa do các nữ sinh sau khóa tôi chừng hai lớp. Đây là màn vũ quạt có trong vỡ kịch Hội Nghị Diên Hồng trình diễn hôm Tết trong Đại Nhạc Hội.
        Tam ca: Những Bước  Chân Âm Thầm. Màn nầy có tôi trình diễn. Hôm Đại Nhạc Hội chúng tôi trình diễn tứ ca với Thạnh, Tâm, Tập và Tân. Tới khi đi đài truyền hình thì bạn Thạnh lo học bài thi Tú Tài 1 nên không tham gia nữa và chỉ còn tam ca. Trước khi thu hình, tuy là con trai, chúng tôi phải đánh phấn và vẽ mắt. Mấy cô nữ sinh cười chúng tôi quá xá làm chúng tôi hơi mắc cở.
    Chương trình thu hình và thu tiếng một lượt nên ai nấy phải im lặng để chuyên viên kỹ thuật là việc. Tuy nhiên nhờ luyện tập kỹ nên chỉ cần thu có hai lần là được. Phòng thu rất lớn, đèn trần rất nhiều và có máy lạnh. Phía sau là những phòng hóa trang, phòng để phông trang trí ...
    Vài ngày sau, chương trình nầy được phát vào khoảng 6:30 –7 giờ chiều. Hôm sau đi đâu chúng tôi cũng được bà con và bạn bè khen ngợi vì tỉnh Bình Dương lúc đó nhỏ nên rất dễ nổi tiếng. Tiếc là đài chỉ phát có một lần nên nhiều người không có dịp xem cứ thắc mắc hoài.
    Ở Sài Gòn có một tờ báo về văn nghệ có bài phê bình chương trình văn nghệ học sinh của Trinh Hoài Đức. Tôi chỉ nhớ họ phê bình tiết mục tam ca là:  ... nghe được. Tôi tự nhủ: Phê bình hơi khó đó ông phóng viên. Chúng tôi tập dữ lắm nên mới trình diễn được như vậy chớ không phải dễ đâu.
    Cuối niên khóa đó, thầy Lộc thăng chức làm Chánh Khu Học Chánh. Thầy Phúc lên thay. Chiến cuộc lan tràn với Mùa Hè Đỏ Lửa. Sinh hoạt văn nghệ thể thao của trường cũng chìm theo vận nước ...