Những lễ cúng của người Bình Dương 50 năm trước

Từ Minh Tâm

So với cả nước, Bình Dương là một tỉnh mới. Hơn 300 năm trước, vùng đất dọc sông Sài Gòn còn nhiều hoang hóa chưa được khai phá. Người Việt từ Miền Trung theo bước  đường Nam Tiến đã vào đây khai hoang, khẩn đất mong tạo được một cuộc sống mới đầy ấm no hạnh phúc. Giữa những khó khăn chồng chất từ thiên nhiên, hoang thú ... những người tiên phong đã có những sự tin tưởng hơi thần bí thể hiện qua những lễ cúng. Theo dòng thời gian, nhiều lễ cúng được lưu truyền từ thế hệ nọ qua thế hệ kia. Ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học, nhiều lễ cúng đầy mê tín dị đoan đã bị loại trừ nhưng cũng có những lễ cúng có tính cách văn hóa như cúng giỗ, cúng đình ... được khuyến khích phát triển. Ta thử nhớ lại xem cách đây chừng 50 năm, người Việt và Hoa ở Bình Dương có những lễ cúng gì.

Xin bắt đầu bằng những lễ cúng trong ngày Tết. Mời bạn cùng tôi lên chuyến xe ngược thời gian để trở lại Bình Dương khoảng thập niên 60 – 70 ...

Chỉ mới khoảng 20 tháng chạp thì ở Bình Dương đã rộn lên không khí Tết với những tràng pháo thỉnh thoảng nổ dòn dã. Đó là từ những buổi cúng tổ thợ mộc, tổ sơn mài ... Đây là dịp để chủ thợ liên hoan sau một năm làm việc cực nhọc. Cúng tổ để kiểm điểm thành tích trong năm cũ. Xưởng nào nhỏ thì cũng cúng đầu heo, xưởng lớn thì cúng heo, làm bò ... Nếu chủ làm ăn phát đạt thì thợ thuyền sẽ được thưởng tiền Tết. Các ngành thủ công nghệ khác như thợ may, thợ kim hoàn, lò chén ...cũng đều làm lễ cúng tổ trong những ngày cuối năm. Nhà tôi có xưởng sơn mài nên cúng tổ ngày 20 tháng chạp. Tôi có hỏi ba tôi ông tổ của ngành sơn mài là ai thì ông nói không biết, nhưng cúng tổ thì tổ phò hộ để làm ăn phát đạt. Nhưng ông biết tổ ngành thợ mộc là Lỗ Ban bên Tàu (?). Tôi cũng có nghe nói tổ thợ kim hoàn, tổ hát bội và tổ của dân ăn trộm là một người duy nhất không biết có đúng không, xin bạn đọc bổ khuyết thêm.

Qua ngày 23 tháng chạp là ngày cúng đưa ông Táo về trời. Táo quân đã ghi chép mọi việc của chủ nhà nên hàng năm phải về tường trình với Ngọc Hoàng những sinh hoạt của gia đình trong năm qua. Để cúng tiễn ông Táo, lễ cúng thường là chè xôi nước (bánh trôi nước) , bánh kẹo, thèo lèo "cứt chuột" là một loại kẹo đậu phọng hay mè, và không thể thiếu được "cò bay, ngựa chạy" hay "cá chép" làm bằng giấy để đốt cho ông Táo làm phương tiện di chuyển. Từ ngày nầy, chỉ còn một tuần là tới Tết nên mọi người bận rộn hẳn lên, chợ búa đông người mua hơn. Một vài quầy viết chữ Nho, câu đối đã thấy xuất hiện dọc hai bên phố chợ. Ở các trường học, học sinh đã hơi lơ là với chuyện học, họ đang mơ màng tới những phiên chợ đêm đông đảo hay những buổi cắm trại Tết rất vui vẻ của trường.

Từ 23 tới 30 tháng chạp, bà con lo chuẩn bị Tết, nhà nhà lo sửa soạn, dọn dẹp cho sạch sẽ, sơn hay quét vôi mới, các giếng nước trong xóm được vét lại, tu bổ. Chúng tôi còn trẻ thì đi thăm và dẫy mã ông bà, tức là tu bổ mồ mả, làm cỏ cho sạch, quét lại vôi, kẻ lại mộ bia ...

Tới trưa ngày 30 Tết là buổi cúng rước ông bà. Buổi cúng nầy thường có các món ăn thuần túy của ngày Tết như thịt kho, khổ qua hầm, thịt ram, chả chưng, dưa hấu ... để mời ông bà, tổ tiên trở về đón xuân với con cháu. Nhiều gia đình bận rộn thì cúng rước ông bà vào buổi chiều ngày 30 Tết. Đó đây pháo nổ râm ran trên khắp phố phường mừng tổ tiên về đoàn tụ với gia đình. Theo tục xưa còn có lễ cúng dựng nêu, nhưng sau nầy, ít thấy ai theo mà chỉ còn ở các chùa hay các trung tâm văn hóa.

Chiều ngày 30 Tết, nếu gia đình nào có làm ăn buôn bán thì họ sẽ cúng tất niên, lễ cúng nhỏ thôi với bánh trái, bông hoa, giấy tiền vàng bạc ... nhưng cũng trang nghiêm  như là một tổng kết cuối năm, và cám ơn người  khuất mặt đã giúp cho mình làm ăn khá giả trong năm qua.

Ở nhà tôi, khi trời tối ngày 30 Tết lại có tục lệ cúng một mâm cơm canh cho những vong hồn xiêu lạc, ngày Tết không có chỗ mà về. Cúng ở ngoài vườn và thường có gạo muối, giấy tiền vàng bạc, một bộ tam sên (sanh) gồm có một miếng thịt heo luộc, một cái trứng luộc, vài con tôm ...

Tối 30 Tết thì có cúng rước ông Táo. Đã đưa ông Táo hôm 23 thì tối hôm nay sẽ rước ông trở về "nhiệm sở" để tiếp tục làm việc. Ba tôi đã mua sẵn mấy miếng bùa "Tứ tung ngũ hoành" (vẽ bốn thanh dọc và năm thanh ngang) là bùa của Thái Thượng Lão Quân, và một lá bùa Ông Hổ để thay vào hai lá bùa năm trước trên cửa chính. Vài gia đình khác thì dán bùa Bát Quái. Tất cả đều là bùa để ngăn những điều không tốt cho gia đình trong năm mới.

Đến nửa đêm, nhà nào cũng thức để cúng giao thừa, giờ phút thiêng liêng giao hòa của năm cũ và năm mới. Pháo thi nhau nổ, nhà nào cũng có vài thước pháo để mừng xuân. Năm nào không được đốt pháo thì rất buồn. Một vài cơ quan quân đội thì "phá rào" bắn vài trái châu đủ màu lên không trung, thay cho pháo Tết, làm cho đêm ba mươi sáng rực hẳn lên.

Sáng mùng một, bên bàn thờ gia tiên rực rỡ, con cháu đến thắp nhang trước bàn thờ ông bà. Một hai câu đối được dán lên hai bên cột trước của ra vào cầu cho năm mới làm ăn phát đạt, vạn sự bình yên. Nếu không có câu đối thì cũng có bốn chữ Hán như : Tân Xuân Vạn Hạnh, Ngũ Phước Lâm Môn ... được dán vào trước cửa nhà. Vì thường bà con kiêng cữ nên sáng mùng một, chúng tôi ít đi thăm bè bạn mà đi chùa lễ Phật và xin xăm để coi trong năm mới sẽ như thế nào.

Trong ba ngày Tết, khi khách đến thăm , họ thường xin đốt một cây nhang trên bàn thờ ông bà để gọi là "mừng tuổi ông bà" . Sau đó mới nói chuyện xã giao và chúc mừng năm mới. Trong ba ngày nầy, vì đã rước ông bà về nên phải cúng cơm mỗi bữa trưa và tối.

Ngày mùng ba là ngày Tết nhà. Khi đó có các mâm cúng ở "Bàn Thiên", giếng nước, kho lẫm, chuồng heo gà, phòng dạy học... Sau khi cúng thì dán giấy tiền vàng bạc lên các nơi đó cũng như một số tủ trong nhà và các cây lớn trong vườn. Ngày mùng ba cũng là ngày Tết "Thầy", nên học sinh thường hay đến thăm viếng thầy cô và đôi khi có chút quà Tết.

Một số gia đình bận rộn thì cúng đưa ông bà vào chiều mùng ba, còn đa số thì đưa ông bà vào trưa ngày mùng bốn Tết.  Riêng các gia đình có cơ sở làm ăn thì coi ngày tốt để khai trương và có cúng khai trương. Ngày khai trương cũng khá quan trong cho việc làm ăn trong năm nên nhiều người dở lịch coi ngày nào tốt thì mới bắt đầu làm ăn. Ít khi thấy khai trương vào mùng lẻ như mùng ba, mùng năm mà chỉ khai trương vào mùng chẵn như mùng bốn, mùng sáu. Nhiều người Hoa khi cúng khai trương có mời các đoàn lân đến múa để cầu may.

Đến ngày mùng bảy thì cúng hạ nêu hay là lễ "khai hạ". Sau ngày mùng bảy thì đã hết Tết, nhưng việc cúng kiến vẫn chưa xong vì còn "mùng tám cúng sao, mùng chín cúng trời, mùng mười cúng đất". Đó là các lễ cúng để cầu phước cho năm mới.

Ngày mùng tám tháng giêng là ngày cúng sao hội. Lễ cúng ở ngoài trời, ngoài hoa quả, bánh trái ... phải có một mâm cắm nhiều đèn cầy tượng trưng cho chùm sao ảnh hưởng cho gia chủ trong năm mới. Vị trí của đèn trên mâm phải theo đúng trong sách vở. Theo bói toán, trong một năm, ta sẽ có một chùm sao chiếu mạng và sinh hoạt của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng bởi chùm sao nầy. Nếu nam mà gặp sao La Hầu, nữ mà gặp sao Kế Đô là một năm xấu, hoặc gặp sao Thái Bạch thì làm ăn dễ bị thất bại (Thái Bạch sạch cửa nhà !). Cúng sao giải hạn sẽ giúp cho bớt đi những điều xấu nầy. Còn ai không có điều kiện để cúng ở nhà thì nhờ nhà chùa cúng ... dùm.

Ngày mùng chín tháng giêng là ngày cúng trời tức là Ngọc Hoàng Thượng Đế. Ở Bình Dương , ngày xưa nhà nào cũng có "Bàn Thiên" để cúng ở trước sân nhà. Bàn thiên chính là nơi thờ "Ông Trời" hay Ngọc Hoàng Thượng Đế và ngày vía hàng năm là ngày mùng chín tháng giêng. Ở Sài Gòn có chùa Ngọc Hoàng ở Đa Kao, vào ngày nầy người ta đến cúng lễ rất đông.

Qua ngày mùng mười là ngày cúng đất, tức là cúng Thổ Địa. Đa số gia đình có làm ăn đều có bàn thờ "Ông Địa" và "Thần Tài" trong nhà. Bàn thờ nầy để dưới đất, và người ta cúng thường xuyên. Lễ vật để cúng là trái cây hay quà bánh ...  cầu cho mua may bán đắt. Nhưng ngày mùng mười tháng giêng là ngày chính thức trong năm để cúng Thổ Địa.

Chưa hết, tới rằm tháng giêng, bà con Bình Dương, Hoa cũng như Việt còn đi cúng chùa Bà và các chùa Phật giáo khác ở trong tỉnh để mừng Lễ Thượng Ngươn. Dịp nầy có Thỉnh Tàu Kê do người Hoa tổ chức rất là đông đảo và vui vẻ với các đoàn lân, rồng, múa khắp nơi trong tỉnh suốt ba ngày.

Ngày mười sáu lại là ngày cúng "cô hồn". Những gia đình làm nghề liên quan đến giao thông vận tải thường cúng lớn hơn các gia đình khác. Đó là các chủ xe lô, xe đò ... Họ cúng để cầu cho xe chạy bình yên, không gặp tai nạn, mà họ tin rằng do cô hồn phá. Cô hồn ở đây ý nói những vong hồn bị chết oan ức, không đi đầu thai được mà còn vương vấn ở trần gian. Lễ cúng cô hồn thường phải có một con vật gì đó để tế. Đa số cúng vịt hay gà luộc. Nếu nhiều gia đình hùn lại mà cúng ở Chùa Cô Hồn (trước Trường Bồ Đề gần bến xe cũ) thì làm lớn hơn. Có khi người ta làm trai đàn để cầu siêu cho các cô hồn, và có làm những "dàn" có hình dáng như cái nón lá nhưng lớn hơn nhiều, trên có gắn bánh kẹo hay các đồng tiền cắc. Sau khi cúng thì có " xô dàn" tức là phát quà bánh, tiền bạc cho trẻ em (và cả người lớn !).

Qua ngày 16 tháng 2 âm lịch, ở xã tôi có cúng Kỳ Yên tức là cúng đình. Năm nào dân làng làm ăn khá thì lại có tổ chức Hát Bộ (Hát Bội). Tôi nhớ vào năm 1962 ở đình Chánh Mỹ có tổ chức hát bộ. Một năm có hai lần cúng đình gọi là Xuân Thu Nhị Kỳ. Một lần ngày 16/2 âm lịch, một lần ngày 16/8 âm lịch. Lễ vật cúng đình ngoài một con heo thì người dân có thể cúng một mâm xôi, một mâm bánh thửng ...

Qua giữa tháng 3 người Bình Dương có lễ cúng đất. Đây là lễ cúng để nhớ ơn những người đã là chủ nhân của vùng đất Bình Dương trước khi chúng ta có mặt. Đây cũng là lễ cúng để nhớ ơn những người đã khai khẩn vùng đất mới. Trong lễ cúng đất ngoài các món ăn như thịt kho, khổ qua hầm, thịt heo ram ... còn có các loại bánh ú, bánh ít, bánh tét, bánh da lợn, bánh thững ... Lễ cúng ở ngoài trời. Người ta trải một chiếc chiếu rồi sắp đồ cúng ở giữa. Hai bên chiếu để trống cho “chư vị” ngồi hưởng. Một đầu chiếu có để một cái ghế đẩu. Trên ghế đẩu là một mâm đồ cúng riêng. Mâm nầy để cúng vị “tướng” tức người chủ của các người đi khai khẩn. Ngoài ra, chủ nhà còn trưng bày bên cạnh lễ cúng các dụng cụ khai hoang như rựa, cuốc, phảng, một thùng nước ... Ngoài ra, còn có một chiếc tàu làm bằng bẹ chuối. Trên có cắm mấy lá cờ giấy màu xanh đỏ. Trong chiếc tàu thì có đồ ăn như xôi, trầu cau và món mắm nêm. Ngày xưa khi đi khai khẩn thì mắm nêm là món chủ yếu vì lúc đó người dân còn rất nghèo. Ông ngoại tôi còn làm thêm một cái cung bằng tre và vài cây tên. Tất cả đồ vật nầy sau khi cúng thì được đem ra sông để thả trôi sông hay đem lên gò cao bỏ ở đó.

Qua tới mùng năm tháng 5 là lễ cúng nữa năm hay Tết Đoan Ngọ. Trong ngày nầy, người ta có tục nhìn lên mặt trời rồi chớp mắt mấy cái để cầu cho trong năm không bị bịnh mắt. Vào ngày mùng 5 tháng 5 rất nhiều du khách ở Sài Gòn kéo về Bình Dương để du ngoạn vì hôm nay là ngày trái cây ở các vườn của Bình Dương chín rộ.

Qua tháng 7 âm lịch thì có lễ cúng rằm tháng bảy hay Tết Trung Nguyên. Ngày nầy cũng là Lễ Vu Lan để ghi nhớ công ơn sinh thành của mẹ. Hôm sau lại là lễ cúng cô hồn lớn nhứt trong năm.

Rằm tháng 8 là Tết Trung Thu hay Tết Nhi Đồng. Trong dịp nầy ở Bình Dương có tổ chức rước cộ đèn thật đông vui.

Ngoài ra, trong năm còn có các lễ cúng khác như cúng giỗ ông bà cha mẹ, cúng bà Mẹ sanh Mẹ độ (cúng mâm vàng, mâm bạc), hay cúng cầu an trong gia đạo ... Nhiều người còn dị đoan hơn nữa: mỗi khi trong nhà có người bịnh thì không lo đi bác sĩ mà lại cúng để cầu cho hết bịnh (?). Hủ tục nầy ngày nay không còn nữa vì không ai tin.

Người Hoa ở Bình Dương còn cúng Ông Bổn để cầu cho việc làm ăn tốt đẹp. Ông Bổn là ai ? Người Hoa tùy vùng mà thờ khác nhau: có nơi thờ Trịnh Hòa người đầu tiên đi ngoại giao ở nhiều nước khắp Á Châu, có nơi là Thần Chơn Võ và các vị khác. Sau lễ cúng ông Bổn đôi khi có một cuộc diễu hành qua phố. Khi đó ngoài múa hẩu, múa lân đôi khi người ta còn thấy có những người “xiên lìn” tức là dùng một thanh kiếm hay dao nhọn đâm qua một bên má mà không chảy máu. Người ta còn đồn rằng đôi khi ông Bổn nhập vào người đi đường thì họ cũng bị “xiên lìn” giống như những người trong đoàn. Do đó ba má tôi cấm chúng tôi coi những cuộc diễu hành đầy thần bí nầy.

Việc cúng kiến ngày xưa rất phức tạp, nhiều chi tiết, thể hiện lòng tin của ông bà chúng ta vào thần quyền và những "người khuất mặt". Ngày nay, ở trong nước việc cúng lễ ba ngày Tết hình như cũng đơn giản rất nhiều, còn ở nước ngoài thì tùy hoàn cảnh mà ứng xử. Dẫu sao, cúng lễ ở Bình Dương cũng là một truyền thống văn hóa đặc biệt đáng để chúng ta tìm hiểu và ghi nhớ./.

*****