Kỷ niệm trường xưa

Hồ Thị Kim Ngân

…Bao Ngày Vui

Ôi trường xưa, ôi lòng tôi vấn vương muôn đời
Bao ngày qua, bao ngày vui đâu mờ xóa trong tâm hồn
(lời bài hát Mái Trường Xưa-Phạm Mạnh Cương)

Đi lại đường xưa

(Hôm nay tình cờ đi lại đường xưa đường xưa...)

    Vẫn còn nguyên một bao thơ màu xanh nhạt với dòng chữ nắn nót của thầy Trần Văn Hải.
    Thân gởi :
    XXXXXXXXX
    Bên trong là một tờ tiền mới năm mươi đồng của Ngân-Hàng-Quốc-Gia-Việt-Nam, thầy viết rõ Xuân Tân Hợi 71, rồi ký tên bên dưới.
    Cạnh chữ ký của thầy là các chữ ký của thầy Bùi Lý Hồng, thầy Lê Đức Cửu, thầy Đặng Thanh Châu, thầy Phạm Viết Tích, thầy Nguyễn Thuận Nhờ.
    Nghĩa là Tết năm đó, chiều lòng bọn học trò nhõng nhẽo mè nheo, thầy đã lì xì cho mỗi đứa một “gia tài”.
Và cái gia tài quý giá ấy, KN còn trân trọng giữ mãi đến nay.
(Xem bên dưới)



    KN không biết nhà, không có số điện thoại của thầy Trần Văn Hải nên vào một buổi sáng khoảng thập niên 90, KN chỉ biết đứng từ xa nhìn thầy cỡi chiếc xe Vespa quen thuộc chạy ngang vòng xoay Chợ Bến Thành rồi mất dấu giữa dòng người xe. Thầy dạy môn Anh Văn lớp Đệ Lục A2 của KN niên học 1966-1967.
    Thầy Đặng Thanh Châu dạy môn Vạn Vật lớp 11A2 niên học 1970 -1971 và lớp 12A3 niên học 1971-1972. KN luôn nhớ và làm đúng những lời thầy đã dạy gần 40 năm trước. Chuốt bút chì bằng lưỡi lam cho ngòi chì khó gãy, cho hình vẽ được sắc nét. Bút chì cần mua loại 2HB. Đặc biệt, trang vở bên trái dùng để vẽ hình,trang bên phải dành ghi bài học. Dùng nhiều bút màu khác nhau, xanh đỏ tím đen, để phân loại các đề mục, các tiêu đề. Cách trình bày vở như vậy thật dễ nhìn, thật dễ nhớ.
    Sau nầy, KN có chào thầy trong văn phòng của Sở Giáo Dục TPHCM. Thời gian sau, thầy làm Hiệu Trưởng trường THPT Lê Hồng Phong danh tiếng. Bây giờ có lẽ thầy đã nghỉ  hưu.
    Thầy Nguyễn Văn Hộ dạy môn Công Dân Giáo dục lớp 11A2 niên học 1970-1971. Khoảng thập niên 80, thầy dạy trường Trung học Sư Phạm TPHCM. Thầy đưa các giáo sinh về trường tiểu học ở quận 1 để thực tập sư phạm. KN có hướng dẫn một hai giáo sinh thực tập và đã gặp lại thầy kính mến.
    Thầy Đặng Văn Danh là thầy dạy lớp KN môn Lý Hóa niên học 1969-1970. Năm đó có lẽ thầy mới ra trường Đại học Sư phạm, thầy còn rất trẻ. Tài  học và vẻ trẻ trung của thầy khiến cho nhiều nữ sinh “ái mộ”. Dường như thầy cũng khá ngượng ngùng lúng túng trước họ. KN không biết “ái mộ” thầy. KN chỉ đứng từ xa quan sát và đến giờ vẫn còn nhớ sợi dây chuyền vàng “duyên dáng” lấp ló dưới chiếc cổ áo sơ mi trắng tinh của thầy (!). Thập niên 90, KN có chào thầy khi tình cờ  gặp lại thầy, thầy Hộ, thầy Bửu ( Hiệu trưởng trường Trung học Sư phạm TPHCM) trong quán cà phê mới mở của con trai thầy Bửu trên đường Lý Tự Trọng.
    Thầy Bùi  Lý Hồng - một thanh niên Hà Nội đúng điệu. Thầy giảng bài khúc chiết, rành mạch, có hệ thống chặt chẽ. Nhưng tiếc là bọn con gái như KN thường không giỏi các môn Toán Lý Hóa nên hai niên học 1969-1970 và 1970-1971 không biết thầy có hài lòng với kết quả học tập của lớp không. Thầy mê thể thao và yêu cả văn nghệ. Một buổi chiều học thêm chuẩn bị thi Tú Tài 1. Phòng học trên lầu gió lạnh vắng. Cuối giờ, KN đã hát theo yêu cầu của thầy một bài hát của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn-Từ Linh: “Gió bay từ muôn phía tới đây…”
    Thầy Lê Đức Cửu dạy môn Việt Văn lớp 11A2 niên học 1970-1971. Thầy rất nhiệt tình, rất say sưa khi bình luận, phân tích thơ văn. Bên tai KN giờ đây còn văng vẳng tiếng đọc thơ của thầy: “Vòng trời đất dọc ngang, ngang dọc. Nợ tang bồng vay trả, trả vay…”
    Thầy Huỳnh Thành Tâm dạy môn Việt Văn lớp Đệ Ngũ A2 niên học 1967-1968. KN có nhiều dịp gặp lại thầy ở TPHCM và chào thầy với tất cả sự ngưỡng mộ. Thầy là học giả Huỳnh Phan Anh, là một nhà dịch thuật nổi tiếng và là sư phụ của ông xã KN.
    Thầy Nguyễn Bé Tám dạy môn Aâm nhạc lớp Đệ Thất A2, Đệ Lục A2 các niên học 1965-1966-1967 . Ngoài giờ học nhạc lý căn bản ở lớp, KN còn tham gia trong ban hợp xướng của trường, nên KN đã học ở thầy được nhiều điều. Không kể về kiến thức, tài năng của thầy trong lĩnh vực âm nhạc. Không nói đến những yêu cầu chuyên môn của thầy là cần hát đúng giọng, đúng nhịp, có sắc thái biểu cảm. KN nhớ và vẫn thực hiện y như vậy những điều thầy dạy về kỷ luật, về quy cách trình diễn hợp xướng: lần lượt đi nhẹ nhàng thẳng hàng ra sân khấu, đứng nghiêng vai đều đặn, lưng thẳng, mắt nhìn đúng hướng, không có bất cứ động tác thừa nào…
    Thầy Bùi Thế San dạy môn Vạn Vật lớp Đệ Tứ A2 niên học 1968-1969. Lúc đó, thầy phơi phới yêu đời. Giọng thầy giảng bài mạnh mẽ, đầy vẻ tự tin.
    Những kiến thức căn bản nhất về hội họa chúng em có là từ thầy Lê Văn Bình. Thầy dạy môn Hội Họa lớp Đệ Thất đến lớp Đệ Tứ A2 từ niên học 1965 đến 1969.Thầy mẫu mực, hiền lành và rất yêu nghề. Thầy cũng là một tên tuổi  trong lĩnh vực hội họa VN.
    Thầy Đinh Đức Vượng dạy môn Anh văn lớp Đệ Tứ A2 niên học 1968 - 1969. Thầy thổi  một làn gió mới làm cả lớp bất ngờ. Tiếng Anh những năm đó đã bắt đầu “ lên ngôi”. Bước vào lớp học là thầy không nói tiếng Việt nữa. Thầy chào cả lớp bằng tiếng Anh. Chúng em chào đáp bằng tiếng Mỹ (!). Thầy giảng bài, đặt câu hỏi. KN ráng theo thầy, trả lời ngọng nghịu, cũng tiếng Anh. Rất tiếc, thầy ơi, không còn được học thực hành như vậy, nên đến giờ, thật là lạc hậu, KN chỉ  biết nói tiếng Việt mà thôi.
    Cô Hoàng Thị Đàn Hội dạy môn Sử Địa lớp Đệ Tứ A2 niên học 1968-1969 và cô Hồ Thị Thanh Ngạn dạy môn Sử Địa lớp Đệ Tam A2 niên học 1969-1970. Các cô là hình ảnh thật thơ mộng của miền sông Hương núi Ngự. Tên đẹp. Người cũng đẹp. Bạn Sầu Riêng trong bài viết Theo áng mây trôi  đã bày tỏ “mối thiện cảm” với các cô. Riêng KN,cứ mỗi lần nghe bài hát “Tà áo tím” là lòng thấy nao nao.
    Niên học 1968-1969, cô Trần Thị Tính dạy môn Việt Văn lớp Đệ Tứ A2 đã tổ chức cho lớp kiểu học thuyết trình. Cả lớp hăng hái chuẩn bị. KN đại diện nhóm sẽ thuyết trình tác phẩm Đoạn tuyệt của nhà văn Nhất Linh. Sáng hôm đó, bất ngờ một bạn nghịch ngợm đưa cho KN một cái kiếng trắng viền đen (hẳn là không độ). Hai bên góc tròng kiếng có dán hai bông hoa hippi nho nhỏ màu lá xanh – bọn mình đua theo phong trào thời đó. KN rất thú vị đeo vào- dù không có cận thị gì cả. Và làm mặt tỉnh thuyết trình trước cô và các bạn. Hú vía, cô không rầy rà chút nào. Cô chỉ chú ý đến “ nội dung” và đã bỏ qua “hình thức”. Thật cám ơn nụ cười độ lượng của cô.
    Khoảng thập niên 80, KN có chào cô Trần Thị Thịnh trong mấy lần gặp cô ở buổi họp giáo viên toàn quận 1. Lúc đó,cô là giáo viên dạy trường Trung học Trần Văn Ơn quận 1. Cô đã dạy môn Quốc Văn lớp Đệ Thất A2 của KN niên học 1965-1966.
     Nhớ những giờ học Nữ Công với cô Chung Hữu Hiếu  lớp Đệ Thất A2, Đệ Lục A2, Đệ Ngũ A2 các niên học 1965-1966-1967-1968 . Cô ngồi trên bàn giáo sư, tập trung vào “ chuyên môn” với một số bạn - đã ra dáng thiếu nữ đảm đang - đứng vây xung quanh. KN có lúc làm biếng không làm bài nên cũng “thừa cơ” - không có ai làm chủ tình hình- mượn tạm bài làm của bạn Hường hoặc bạn Thùy Vân, dán vào tập của mình, rồi chạy lên nộp đểũ cô “ vô tư” ghi điểm cho. Chà, thật là tội lỗi.
    Cô Lý Thị Ngọc Anh dạy Việt văn lớp Đệ Lục A2 niên học 1966-1967 lúc nào cũng đẹp rực rỡ như một bông hoa đang độ ngát hương. Dường như các thầy khá “ngây ngất”. Tụi em cũng mê mải ngắm , đôi lúc quên nghe lời cô giảng.
    Các cô Vương Minh Phụng dạy môn Công Dân Giáo Dục, cô Đào Thị Thảo môn Anh văn, cô Đặng Ngọc Liên môn Toán lớp Đệ Thất A2 niên học 1965-1966, côâ Lương Thị Thanh Kiệm dạy môn Công Dân Giáo Dục lớp Đệ Ngũ A2 niên học 1967-1968 và cô Đặng Thị Nga dạy Toán Lý Hóa  Tứ A2 1968-1969. Các cô mãi là một hình mẫu lý tưởng của một cô giáo trong tâm tưởng của KN và các bạn.

Em tan trường về
(Em tan trường về đường mưa nho nhỏ
Ôm nghiêng tập vở ... tóc dài ... tà áo... vờn bay)

    Xem tấm hình chụp trường Nữ Trung học Trịnh Hoài Đức trong bài Trịnh hoài Đức - Những ngày vui của bạn Hoài Hương mà lòng bỗng bâng khuâng. Không biết trong số các nữ sinh đứng tựa lan can lớp trong giờ chơi có bạn nào chính là KN không ta?
    Trong “ Tản mạn thời con nít”, Nhỏ Mít Ướt đã nhắc đến màn chị em kết nghĩa. Trò chơi “chị em hộc bàn” nầy cũng có ở lớp của KN từ năm học đệ thất (1965-1966). Các em đệ thất học buổi chiều. Cũng phòng học ấy, các chị đệ tứ học buổi sáng. Chị và em đều muốn biết ai là người ngồi đúng chỗ của mình trong phòng học ấy.
    Chị ấy có đẹp không cà, chắc là chị ấy học giỏi lắm đây. Bé nào ngồi bàn nầy vậy ta, bé cao hay thấp hén. Em nhỏ nầy chăm học bằng mình hay chăm hơn mình cà. Không biết em gái xinh xắn có lí lắc nghịch ngợm gì hôn đây… Bao nhiêu điều chị muốn biết về em. Bao nhiêu câu em muốn đem hỏi chị.
    Lúc đầu là những lá thư be bé ngập ngừng làm quen. Em đặt nhẹ vào một góc hộc bàn trước khi ôm cặp sách đứng dậy ra về. Dần dần là những lá thư hồi âm của chị. Hai chị em mình kết nghĩa với nhau nha. Oâi bao nhiêu là tình thương mến thương. Hai chị em mình thỏa thuê tâm sự. Hai chị em mình tặng cho nhau những kỉ vật nho nhỏ xinh xinh. Bây giờ chị còn nhớ không, bây giờ em còn nhớ không?
    Bạn Thùy Vân ở lớp đệ thất của KN là em kết nghĩa của chị Thúy Liễu học lớp đệ tứ. TV tặng chị một tấm hình của mình để làm kỉ niệm. Một em trai của chị “kết” cô gái  nhỏ nên đã tạm giữ tấm hình ấy. May mà sợ em gái trách giận nên chị đã “xin” lại được “ kỉ vật” ấy. Hai chị em hú hồn.
    Nói tới hình ảnh, KN nhớ mấy câu thơ dường như đã nằm trên “đầu môi” và cả “ đầu bút” của mấy đứa học trò nhỏ tụi mình thời đó :
    Thương nhau mới tặng ảnh nầy
    Để làm kỷ niệm những ngày bên nhau
    Dù cho ảnh có phai màu
    Cũng đừng xé bỏ mà đau lòng nầy.
    Thật là ngây thơ, thật là dễ thương, thật là cảm động phải không các bạn ?
    Bạn Hoa Mai cũng học cùng lớp với KN là em kết nghĩa của chị Huyền Chi . Thật đặc biệt , vì chị  HC lại là chị ruột của KN.
    “Em HM ơi, chị HC đã xếp đầy thư của em trong một hộp thiếc nhỏ cùng chiếc khăn tay trắng có điểm những bông hoa hồng tươi tự tay em thêu tặng chị. Thật tiếc là chị đã không còn giữ được những kỉ vật ấy. Nhưng chị vẫn còn nhớ em mãi nào có quên.”

    KN có dự Lễ Phát Thưởng của trường niên khóa 1965-1966, và còn giữ được tờ chương trình (xem hình chụp). Ngoài phần thưởng, mỗi học sinh còn được phát một tập kỷ yếu giới thiệu tổ chức của trường, danh sách học sinh được lãnh thưởng của từng lớp. Anh chị nào còn giữ được xin cho KN biết nhé!



    KN hiện còn giữ được một cuốn Từ điển Pháp - Việt, một cuốn Từ điển Anh-Việt (là phần thưởng các niên khóa khác). Phần thưởng ngày trước thường nhiều và nặng, ôm đi bộ về nhà mỏi nhừ cả hai tay, các bạn nhớ không?
    Bạn Hoài Hương, trong bài viết “Trịnh Hoài Đức - Những ngày vui”, có nhắc đến ban hợp xướng của trường. KN là một thành viên trong nhóm hát bè. Chị của KN là Huyền Chi (khóa 1962-1969), bạn thân cùng lớp là Thùy Vân, cũng từng góp tiếng hát trong ban . Cả ba người vẫn còn nhớ một vài đoạn, và nếu có lời bài hát, nếu có dịp gặp lại nhau, nhóm cựu học trò cùng nhau “ hò” Trường ca Mẹ VN và Trường ca Lửa Thiêng thì  ôi thôi là“tràn trề kỉ  niệm”.
    Cũng bài viết của bạn Hoài Hương, bạn vừa nhắc đến buổi văn nghệ được tổ chức ở trường mình năm 1968(?) vừa có cả hình chụp ca sĩ Khánh Ly, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ Miên Đức Thắng, thầy Nguyễn Trí Lục, thầy Phạm Đức Liên. KN nhớ lại, sân khấu tạm ghép từ những bàn học sinh đặt ở khoảng sân phía sau phòng BGH. Các nhạc sĩ, ca sĩ biểu diễn, giới thiệu một số ca khúc mới. Sau đó, các bạn học sinh mua tập ca khúc TCS-MĐT. Ca sĩ Khánh Ly đã tặng một số “ ảnh đẹp” cho các học sinh và ký tên Lệ Mai.
     KN có tham gia buổi văn nghệ đó trong nhóm tứ ca “cây nhà lá vườn”. Trước đó mấy ngày, KN đi bộ từ trường Nữ sang trường Nam để thầy Bé Tám tập hát cùng với ba bạn nữa. Tiếc là do thời gian quá ngắn, chỉ lo tập trung “hoàn thành nhiệm vụ được giao”, do rụt rè nhút nhát, KN chưa thật quen, nên đến nay không nhớ được tên bạn nào. (Nếu bạn HH, hoặc bạn nào có trong nhóm nhớ gì thêm thì kể tiếp giúp KN nhé).
Nhóm tứ ca bọn mình tập và trình bày một liên khúc. Thầy gọi là liên khúc Bốn Mùa. Chúng mình hát liên tiếp 4 bài:
    Xuân Ca
    Khúc ca mùa hè
    Nhìn những mùa thu đi
    Mùa đông binh sĩ
    Nhắc đến ban hợp xướng, KN cũng nhớ đến các tài hoa trong ban nhạc. Anh Trương Công Bình, anh Đông, anh Khanh, anh Trung Nghĩa…    Cách nay khoảng 10, 15 năm, trong đám cưới của nhạc sĩ Quốc Bảo “tóc nâu môi trầm”, dù không quen, nhưng KN có nói chuyện đôi câu và nhắc nhớ THĐ với anh TNg.
    Niên khóa 1971-1972, KN sang trường Nam học tiếp lớp 12A3. Hàng xóm của lớp mình là 12A2,12A4,12B5. Các bạn nam nữ học đến năm cuối sắp ra trường mới có dịp nhìn thấy nhau ở cự ly gần, mới chầm chậm quen nhau.
    Tết năm đó, một buổi liên hoan tất niên của liên lớp 12 được tổ chức ở phòng học lớp mình. Một số thầy cô được mời tham dự. KN cũng tham gia bằng bài hát Hoa xuân của nhạc sĩ PD: “Xuân vừa về trên bãi cỏ non…” Bạn Thùy Vân đã thay đổi không khí bằng cách ngâm bài thơ “ Hai sắc hoa tigôn” của TTKH. Các bạn lớp khác cũng lần lượt cất giọng sơn ca… Bạn Dương Tiểu Nam còn nhớ thì kể tiếp giúp KN há.
    Bỗng nhớ đến bài Hành khúc của học sinh THĐ. KN nhớ dường như bài ấy được in ở bìa sau một tờ báo xuân của trường. Lời bài hát khẳng định “Trịnh Hoài Đức vang danh…Trịnh Hoài Đức lưu danh…”. Bạn nào còn nhớ hoặc còn giữ được bài hát ấy xin “hãy lên tiếng”nhé!
    Trịnh Hoài Đức vang danh nhiều mặt như các anh chị đã kể. THĐ cũng vang danh những hoa khôi của trường Nữ. Từ 1965 đến 1972 cùng với nhiều anh chị, bè bạn, KN rất ngưỡng mộ các hoa khôi ấy. Mặc dù không đoạt danh hiệu chính thức trong các cuộc thi Nữ sinh thanh lịch, Nữ sinh duyên dáng như hiện nay thường thấy, nhưng “hình ảnh người em không đợi” với tất cả vẻxinh tươi, ngây thơ, trong trắng, dịu dàng e ấp của một cô gái vừa tuổi trăng tròn hẳn đã đi vào thơ, vào nhạc, vào giấc mộng của nhiều nam sinh thời đó.
    Hoa khôi Nguyễn Thị Bạch, Nguyễn Thị Xuân Diệu, Đinh Thị Thúy,  Nguyễn Thị Thúy, Huê Mỹ, Nguyễn Thị Hồng Phượng, hai chị  em tiểu thư Nông Ngọc Tuyết - Nông Ngọc Liễu, Lữ thị Mộng Thúy, hai chị em tiểu thư Lâm Thúy Nga - Lâm Thúy Vân, Lê Thị Hoàng Mai, Nguyệt (Bình Minh), Lý Thị Nhi, Lê Thị Phùng, Nguyễn Hữu Hiệp, Vương Hoàng Phượng,  Mai (hay Mại), ca sĩ Thùy Vương, Phạm Thị Bạch Cúc, Dương Thị Thùy Vân, Liên Hoa, Võ Ngọc Lan Chi, Lê Thị Xuân Mai, Huyền…Bây giờ các chị có đẹp mặn mà? Cầu mong cho các chị được nhiều hạnh phúc.
     Riêng ở lớp Đệ tam A 2  của KN có một kỷ niệm khá vui. Đầu năm học, một “ người đẹp” tên Phạm Thị Bạch Cúc từ trường khác mới chuyển về học chung. Dịp liên hoan tất niên, các bạn trong lớp bỗng hào hứng tổ chức tìm “Chúa Xuân”. Hai người đẹp của lớp được đề cử là bạn Thùy Vân và bạn Bạch Cúc. Sau một hồi bầu chọn sôi nổi, Chúa Xuân Thùy Vân được đội chiếc vương miện kết bằng những đóa hoa sứ tươi rói, trắng tinh.

Những bạn xưa
(Bên hiên hàng giờ tìm những bạn xưa...)

    Các bạn cùng lớp của KN, mong có dịp gặp lại. Bạn Thùy Vân cùng chung nhịp sống với mình từ đó đến giờ. Hai đứa ngồi học cạnh nhau. Cùng học bài, làm bài. Cùng nhau ăn… (bánh bèo bì Mỹ Liên, Ngọc Hương, đu đủ đá bào Bà Ba, bánh mì tôm chiên đầu chợ Búng). Cùng nhau uống…( yaourt đá ở quán cà phê Kim Anh BD). Tới phiên lớp trực giờ chào cờ, các bạn hát quốc ca, KN vàTV ra tuốt ngoài cột cờ để kéo cờ vàng.
    Bạn Nguyễn Thị Hường có eo thật nhỏ, cười tươi rói, hát vọng cổ thật là mùi. Cuối giờ học, trong mấy phút văn nghệ thư giãn, theo lời đề nghị của thầy Bùi Lý Hồng và các bạn, bạn Hường - sau này là nghệ sĩ Kim Lệ Thi – đã hát “ Ông giáo già” hoặc “ Em bé đánh giày”. Tiếc là nay bạn đã mất.
    Bạn Trần Thị Sang, sau này là một cô giáo hiền - và chắc bạn cũng là một cô giáo dạy giỏi. Bạn là “tấm gương sáng cho cả lớp noi theo” vì bạn luôn xếp hạng đầu của lớp. Bạn còn làtrưởng lớp thân yêu của tụi mình nữa.
    Bạn Thái Thị Su, Nguyễn Thị Lựu, nghe nói các bạn cũng là cô giáo. KN chắc chắn các bạn cũng là cô giáo dạy giỏi như bạn Sang hén. Ngày xưa các bạn học rất chăm, KN nể phục các bạn lắm.
    Cùng ở khu vực chợ Búng với bạn Su, bạn Lựu là các bạn Nguyễn Thị Cúc A mặt hơi tròn hiền hậu, Aùi Liên nhỏ bé hiền lành, Huỳnh Thị Giỏi cao ốm lanh lợi, Út ngây thơ, Kim Huệ ham học.
    Các bạn ở Bình Dương là Trần Thị Sương luôn miệng cười với chiếc răng khểnh rất duyên. Thật buồn khi nghe nói bạn đã mất trong một chuyến đi. Trần Thị Tuyết Nhung chăm học, Tuyết Nga nước da ngăm có duyên, Tạ Xuân Đào thâm thấp tóc bính nước da ngăm má lúm đồng tiền, Xuân Mai  miệng cười xinh hàm răng nhỏ đều, Lâm Ngọc Tuyết mang kính cận học chăm, Lê Thị Hồng tình cảm, Hồ Ngọc Yến hiền lành, Đinh Kim Xuyến vui vẻ…
    Còn nhớ sau một buổi học, KN và TV lên nhà Xuyến chơi. Nữ nhiếp  ảnh gia Xuyến đã bấm pô hình “ một trời kỷ niệm”. KN còn mặc nguyên áo dài trắng ẳm một em miu nhỏ. Thùy Vân cạnh bên cưng một miu lớn hơn. Hai đứa đứng trước bụi mía sau nhà Xuyến. Sau lưng tấm hình, KN có ghi “ 2/70 ”. Năm đó tụi mình học lớp Đệ Tam A2.



    Đến năm lớp 12, lớp có thêm hai chị em Thúy Nga, Thúy Phượng rất lanh lợi, nhà cũng ở Bình Dương.
    Nhóm Lái Thiêu có Huệ Hà mạnh mẽ nhanh nhẹn, “chị”Vân tóc dài ngang lưng. Hoa Mai hiền lành là em kết nghĩa của chị HC. Nguyễn Thị Tuyết Nhung, nhà trong vườn măng cụt, sau chuyển qua học trường Nông Lâm Súc kế bên. Đến năm đệ tam, có thêm Phạm Thị Bạch Cúc, KN có nhắc ở đoạn trên.
    Ở tận Vĩnh Phú có bạn Đường cao to, bạn Chín má hây đỏ mắt to tròn, bạn Lý thấp hơn thường đi chung với bạn Chín.
    Còn các bạn Cúc B, Trương Kim Tuyết, Nhanh, Hận, Đỗ Thị Lài, Dương Thị Lực. KN mong các bạn hiện vẫn yên vui và hạnh phúc.        
   
    (26.04.2009)
    Hồ Thị Kim Ngân
    knganht@gmail.com
    0939471415