Kể chuyện xưa hồi học Trịnh Hoài Đức

Từ thị Cảnh


Người già thường hay nhắc chuyện xưa. Cậu em tôi mới năm mươi mấy tuổi mà cũng đã thích nói chuyện “hồi đó’’ rồi. Cậu ta còn có “quép sai” gì đó để làm mối liên lạc cựu học sinh. Vừa rồi, cậu ta còn nhờ tôi viết một trang hồi ức về thời học Trịnh Hoài Đức. Tôi mới nói: “Hơn 40 năm rồi, bây giờ chuyện cũ đã quên (mà chuyện mới cũng không nhớ)”. Cậu ta cứ hỏi hoài làm tôi phải nặn óc ra để nhớ lại những chuyện xưa lắc xưa lơ: đó là chuyện thời học trò ở Trịnh Hoài Đức. Trí nhớ tuổi già không còn bao nhiêu, biết tới đâu viết tới đó, mong bạn nào cùng thời có đọc được thì nhắc thêm ...

*****

Đó là vào khoảng năm 1962-1963. Khi ba tôi được tin hai anh em tôi được nhận vào học lớp Đệ Nhứt tại trường Trịnh Hoài Đức thì ông ấy mừng lắm. Thời gian nầy, ông phải nuôi bảy anh em ăn học nên kinh tế nhà tôi khó khăn lắm. Ông anh thứ ba là Từ văn Chánh phải đi học ở Sài Gòn nên rất tốn kém. Bây giờ trường thông báo nhận thêm học sinh vào lớp Đệ Nhứt thì ông anh và tôi khỏi phải đi Sài Gòn vừa đỡ tốn kém, vừa gần gia đình, cha mẹ cũng đỡ lo hơn. Lúc nầy tình hình chánh trị ở Sài Gòn cũng đã bắt đầu lộn xộn: đảo chánh, biểu tình đã bắt đầu xuất hiện nên ông cụ lo lắm. “Được về học ở tỉnh nhà thật là mừng. Cám ơn thầy Di đã làm được việc tốt cho học sinh tỉnh nhà”. Ông thường nói với chúng tôi như vậy.

Tôi học trường Trí Đức của thầy Lê Văn Ngữ làm Hiệu Trưởng; tới khi xong Tú Tài một mới được nhận vào Trịnh Hoài Đức nên ký ức của tôi về trường không nhiều lắm. Tôi học lớp đệ nhứt (tương đương lớp 12 bây giờ) ban B. Những bạn cùng lớp chắc đã vào học đệ thất từ năm 1955, nên có lẽ tôi thuộc khóa 1 hay khóa 2 gì đó.

Lớp đệ nhứt B của tôi chỉ có mười mấy học sinh mà thôi. Trong số đó có hai bạn gái là tôi và bạn Nguyễn thị Hồng Đào. Hai đứa tôi phải học bên trường Nam chung với các bạn trai trong khi lớp đệ nhứt A nữ thì học bên trường nữ. Cả trường toàn nam sinh, chỉ có tôi và Đào là nữ nên đôi khi chúng tôi cũng hơi lẻ loi. Thời đó, kỷ luật nghiêm lắm mà học sinh cũng hay mắc cở nên mấy bạn trai cũng ít chơi với tụi tôi. Tôi nhớ lại lớp tôi có mấy bạn sau đây:

1. Ký quốc Gia: là anh của người đẹp Ký thị Bạch, anh Gia sau nầy là sĩ quan Thiết Giáp.

2. Bảy (cà ri): nhà ở sau Thành Quan, sau nầy là sĩ quan hải quân.

3. Trần Ngọc Thuần, Trần Ngọc Tiên (con bác Xã Tề )

4. Anh Bảy Vinh : sau nầy làm Phó Giám Đốc Sở Giáo Dục Bình Dương.

5. Anh Nguyễn Văn Trữ nhà ở gần lò bánh mì Ngô Văn

6. Từ văn Chánh: là anh thứ ba của tôi, sau nầy là Kỹ Sư Nông Lâm Súc (hai anh em học chung một lớp).

7. Nguyễn thị Hồng Đào: ở gần nhà tôi trên xóm Thành Quan.

8. Anh Minh (Lái Thiêu )

9. Anh Nguyễn Văn Tám (cháu bác Xã Tề )

Và còn ai nữa ???

Đó là lớp đệ nhứt B, còn bạn bè bên đệ nhứt A thì nhiều lắm nhưng tôi không nhớ tên hết, chỉ nhớ mấy người như:  anh Huỳnh văn Vàng sau nầy là Kỹ Sư Nông Lâm Súc, Trưởng Ty Nông Nghiệp Cần Thơ, anh Nguyễn văn Phúc sau nầy là Chánh Sở Học Chánh Bình Dương, chị Đỗ thị Hạnh, chị Mai, chi Oanh Yến, anh Khỉa, anh Kính, anh Bẩy (ển)... Đọc website THĐ thì thấy cùng thời tôi có Ngụy văn Thà, Cao văn Hở ... Thật ra, tôi hoàn toàn không có ấn tượng gì về hai anh nầy. Chắc có lẽ mấy anh đó học khác lớp. Nghe nói anh Nguyễn Ngọc Điệp là tự điển sống, mong anh nhắc thêm về bạn bè khóa 1 THĐ.

Lớp chúng tôi ít người nên nhiều môn học như Sử Địa, Sinh Ngữ ... phải học chung với bên ban A. Thầy cô thì tôi quên tên mất rồi, chỉ nhớ có môn Lý Hóa là do thầy Phạm Ngọc Em dạy mà thôi. Còn môn Triết hình như do thầy Kiên (?) dạy. Thời đó học khó lắm vì sách vở không có, nhiều môn như Toán, Lý Hóa phải đọc thêm sách Pháp. Khi nào bí thì không biết hỏi ai. Vậy mà thi đậu cũng nhiều. Đậu Tú Tài hai xong, anh nào giỏi thì thi đậu vào các trường chuyên môn như Sư Phạm, Kỹ Sư, Quốc Gia Hành Chánh. Anh nào yếu hơn thì học Đại Học Khoa Học rồi ... đi lính. Vài anh bỏ học đi ... vô khu kháng chiến.

Phần hai cô gái thì sao. Đào sau nầy bỏ học về ở ẩn trong gia đình, ít tiếp xúc với ai. Tôi thi đậu vào Trường Sư Phạm Sài Gòn 2 năm. Hai năm sau về Bình Dương dạy tiểu học ở Bến Cát . Sau năm 1975 thì dạy ở  Nghĩa Phương, Bồ Đề (Phú Cường 1) cho tới khi theo chồng xuất cảnh qua Mỹ.

Trong thời gian học ở Trịnh Hoài Đức có một việc mà tôi nhớ hoài vì sợ. Đó là vụ quăng lựu đạn trong lễ khánh thành Phòng Thí Nghiệm. Hôm đó, vì là nữ sinh, tôi và Đào đứng ở hàng đầu. Nếu lựu đạn đó mà nổ thì chắc bạn đã không có bài viết để đọc hôm nay. Khi lựu đạn xì khói, tụi tôi chạy trối chết. Ban tổ chức cũng tan hàng. Lễ khánh thành bị thất bại. Người quăng lựu đạn bị cảnh sát bắt tại chỗ. Tụi tôi chạy muốn chết nhưng được nghỉ học ngày hôm đó. Chưa xong mà phải tan hàng về sớm. Đó là chưa kể mỗi khi có lễ ở “trỏng” như 19/5 hay 19/8 thì trường lại bị mấy ông du kích về vẽ khẩu hiệu chống “Mỹ Diệm” ở trường. Thời của tôi sao chiến tranh liên miên và đầy sợ hãi.

Phòng thí nghiệm trường Trịnh Hoài Đức cũng không có bao nhiêu ích lợi vì tôi học ban B, nên chỉ xem vài thí nghiệm về vật lý là hết. Có thể bên ban A được học nhiều hơn. Sau nầy do an ninh không tốt nên Phòng Thí Nghiệm bị đóng của luôn, đồ đạc thì đem gởi dưới xã An Thạnh rồi thất lạc dần dần, sau đó chắc cũng không còn gì.

*****

Năm 2008, hơn bốn mươi năm sau khi rời mái trường thân yêu, nhân ngày họp mặt cựu học sinh Trịnh Hoài Đức 1/5, tôi trở về Việt Nam để thăm trường xưa với hy vọng gặp được thầy xưa, bạn cũ. Buồn thay không có một ai xuất hiện. Đa số thầy cô đã mãn phần, bạn cũ thì lưu lạc bốn phương. Ngôi trường đã được xây mới hoàn toàn với những phòng ốc khang trang chỉ còn duy nhất văn phòng Hiệu Trưởng. Nửa thế kỷ đã qua, ngay cả ngôi trường kiên cố mà còn thay đổi thì nói chi là con người. Về thăm lại trường xưa mà lòng tôi buồn bã chán chường giống câu hát của ai: “Hôm nay tôi trở về thăm trường cũ ... Thầy đó trường đây, bạn hữu đâu rồi ...”

Bây giờ đã hơn 60 tuổi, nhắc lại chuyện xưa mong bạn hiền nào có đọc được thì nhớ lại chút tâm tình về chốn cũ. Bạn nào nhớ chuyện gì khác xin bổ túc thêm ...

Cảnh Từ
Santa Ana , CA

(5/2009)