TIẾNG CHIM, HOA BÍ VÀ NHỮNG TÀ ÁO TRẮNG…
(Viết về nhạc sĩ Võ Đông Điền)


Hoàng Anh



Anh sinh năm 1952 tại Thủ Dầu Một. Nhà anh ở giữa một vùng có nhiều vườn cây ăn trái xanh mát và hiền hoà, nhưng vắng vẻ và khá xa chợ Thủ. Gần đó là sông Sài Gòn, trên bờ có ngôi đình Bà Lụa rất xưa và nổi tiếng vì có đường nét kiến trúc độc đáo, phong cảnh đẹp và nên thơ.

Thưở nhỏ anh học trường sơ cấp Bà Lụa, đến lớp nhì mới học Tiểu học tại Phú Cường. Đậu vào trung học Trịnh Hoài Đức niên khoá 1964-1965, khoá 10. Ra trường năm 1971, học Sư Phạm Sài Gòn. Đến 1973 về dạy tại một ngôi trường nhỏ thuộc quận Lái Thiêu, vừa dạy vừa ghi danh học Đại Học Văn Khoa. Sau, chuyển lên dạy cấp II, III Châu Thành…
Sau 75, vẫn tiếp tục nghề dạy học. Có lúc là Hiệu Trưởng trường cấp I, II Khánh Bình, Tân Uyên. Tốt nghiệp khoá I lớp Đại học Sư Phạm khoa văn tổ chức tại Bình Dương năm 1983. Về dạy tại trường Trung học Sư Phạm Sông Bé, sau đổi tên lại là Cao Đẳng Sư Phạm Bình Dương. Tại đây anh chuyên  giảng dạy môn nhạc cho đến 2003 thì về đảm nhận chức vụ Phó Chủ Tịch rồi sau lên Chủ Tịch Hội Văn Học Nghệ Thuật tỉnh Bình Dương cho đến nay.



Thời trung học anh học nhạc với Thầy Nguyễn Bé Tám, khi lên Đại Học lại được học với một vị Thầy nữa là Nguyễn Ngọc Quang tốt nghiệp từ bên Pháp về. Có đam mê và năng khiếu về âm nhạc, nên ngoài hai vị Thầy vừa kể anh say mê đọc nhiều sách báo để trao giồi kiến thức và khả năng sáng tác của mình. Anh viết nhạc rất sớm, nhưng chỉ chính thức phổ biến từ  sau 75. Lúc đó nhạc của anh thường đựơc các ca sĩ địa phương trình bày trên Đài Phát Thanh Sông Bé  hoặc trong các chương trình văn nghệ quần chúng. Năm 1993, anh sáng tác nhạc phẩm “Tiếng hát chim đa đa”, trong những lúc gặp mặt bạn bè vui vẻ, anh tự trình bày nhạc phẩm của mình, có nhiều người đã đánh giá đây là một ca khúc hay. Thế nhưng phải mấy năm sau, đến 1999, khi ca sĩ Quang Linh trình bày trong một dĩa nhạc do trung tâm băng đĩa nhạc Bông Sen-Sài Gòn Video phát hành thì bài hát này bắt đầu nổi tiếng và vang danh rộng rãi cả trong và ngoài nứơc. Nhạc phẩm đọat giải ca khúc đựơc nhiều người ưa thích nhất của chương trình Làn Sóng Xanh trong nhiều tháng liền. Và cái tên Võ Đông Điền từ đây đã vang xa ra khỏi phạm vi tỉnh nhà. Cho đến nay, có thể nói Giáp Văn Thạch, với bài “Quê Hương”, và anh, với bài “Tiếng hát chim đa đa” là hai nhạc sĩ thành công nhất và tiêu biểu nhất trên lãnh vực âm nhạc của tỉnh Bình Dương.

Chính sự thành công đó đã khích lệ anh viết tiếp phần hai của “Tiếng hát chim đa đa”, đó là nhạc phẩm “Xin đừng trách đa đa”, năm 2000. Lần này hãng phim Bến Thành Audio-Video nhanh chóng vào cụôc, họ đưa ngay nhạc phẩm này vào dĩa video. Ở hải ngoại, những ca sĩ tiếng tăm cũng tranh nhau đưa nó lên các sân khấu hoành tráng, lộng lẫy với phần hoà âm phối khí hiện đại.

Từ đây, anh có nhiều ca khúc được sử dụng làm nhạc phẩm trong phim, như : “Ký ức một miền quê”, trong phim “Giai Điệu Quê Hương” của đạo diễn Hồ Nhân; “Xuân trên đồi bằng lăng” trong phim “Bằng lăng tím”, đạo diễn Xuân Cường; “Bóng mát cụôc đời”, phim “Có một người như thế trên đất Bình Dương”, đạo diễn Hồ Nhân…

Đến nay anh đã có gần 100 nhạc phẩm đựơc xuất bản, tuy nhiên nhắc đến Võ Đông Điền người ta nhớ đến “Tiếng hát chim đa đa” trước tiên. Nhạc phẩm có cảm hứng từ hình ảnh một cô thôn nữ láng giềng thưở tâm hồn anh còn lắm mộng mơ mà nhút nhát. Đời anh sinh ra, sống, yêu đương và sáng tác đều từ giữa những vườn măng cụt, sầu riêng thơm lừng, chim chóc líu lo sớm chiều, nên nhạc phẩm của anh, nói chung, đều mang âm hưởng của dân ca và man mác những tình tự của quê nghèo, hiền lành, giản dị mà lắng đọng bao nhiêu tình ý khó quên. Chỉ cần đọc lại mỗi tựa đề của những nhạc phẩm đã sáng tác, cũng đủ thấy rằng tâm hồn của anh đã dành hết cho đất và người Bình Dương quê hương của anh.
Thời đi học, kỷ niệm làm anh nhớ nhất là những chuyến đi về trên con đường tới trường. Nhà xa, anh phải đạp xe ra đến ngã tư Phú Văn, gởi nhờ nhà một người bà con rồi mới đón xe lam. Hồi đó phần lớn học sinh THР đều phải trải qua cảnh này. Thẹn thùng nhất là khi phải lên những chuyến xe có nhiều nữ sinh, bọn con trai hồi đó nhát lắm, ngồi gần mấy cô thì lúng ta lúng túng  đỏ cả mặt. Vậy nhưng khi đứng xa thì lại thích nhìn, thích ngắm. Có anh dù xe đậu trước trường còn trống cũng không chịu đi mà phải thả tà tà xuống chợ Búng, thầm mong đựơc nhìn thấy một cô nào đó mà mình đã để bụng nhưng không dám nói ra. Anh cũng nhớ những ngày đi bán báo trường cuối năm. Đó là cơ hội đựơc qua trường Nữ mà không sợ bị phạt, và có dịp mà ngắm giang sơn của Nữ quốc cho biết, về tha hồ mà “nổ” cho bạn bè nghe cho tụi nó thèm chơi!

Những tà áo trắng thơ mộng của tuổi học trò vẫn là những gì mà tâm hồn anh đã khắc sâu vào lòng. Hình ảnh của quê nhà êm đềm, bình dị và tình cảm thơ ngây thưở ngày xanh đã hoà quyện với nhau trong rất nhiều ca khúc của anh. Tiêu biểu có thể kể như “ Màu hoa bí ” với ca từ : “ Nhớ lúc tan trường anh cùng em bắt bướm. Bướm bay vô vườn mà nước mắt rưng rưng. Anh đền em màu hoa bí. Hoa bí vàng thay con bướm vàng nghe thương nhớ mênh mang. Nay bí trổ hoa vàng, về lại trường xưa, nay bí trổ hoa vàng. Bâng khuâng chợt nhớ sắc hoa xưa, hoa vẫn tươi màu. Mái trường xưa có là Hoàng Hạc Lâu. Biết tìm con bướm vàng giờ ở đâu?”

Về mái trường THĐ, anh có viết “Trường Xưa Kỷ Niệm”, nhạc phẩm nền cho một bộ phim nói về ngôi trường này. Một bài khác, nhẹ nhàng mà da diết yêu thương, nhung nhớ, cảm xúc khi sau nhiều năm, nữ sinh đựơc bắt đầu phải mặc áo dài trắng trở lại khi đi học. Nhìn thấy lại những tà áo trắng của một thời, lòng anh bỗng nghe bồi hồi, bâng khuâng như sống lại một thời xưa “Nhớ một thời áo trắng”:

“Ngày xưa áo trắng tan trường trên đường về chiều nghiêng sân nắng. Để cho anh ngẫn ngơ nhìn theo một tà áo trắng bay bay. Tà áo trắng năm xưa như tình đầu. Tà áo trắng bay bay trong chiều nào hồn nhiên mộng mơ  và giận hờn vu vơ. Ngày nay áo trắng tan trường trên đường về chiều nghiêng sân nắng. Chợt nghe xao xuyến tâm hồn thương một thời áo trắng năm xưa. Tà áo trắng hôm nay như kỷ niệm. Gợi nhớ mãi trong tôi bao mộng đẹp. Cảm ơn màu áo trắng học trò. Á
o trắng đưa tôi đi qua khung trời tình yêu…”

Bao nhiêu kỷ niệm buồn vui của thời cắp sách, và tình cảm với quê huơng từ thưở còn thơ ấu là những nguồn chất liệu chảy mãi theo tháng năm trong tâm hồn của một người Thầy, vừa là một nhạc sĩ. Chúng ta hy vọng sự nghiệp sáng tác của anh không dừng lại ở hai trăm nhạc phẩm, và hơn nữa, tin rằng trong nay mai, anh sẽ lại cho ra đời những ca khúc và giai điệu làm chúng ta yêu mến, nhớ nhung nhiều hơn…