VÀI NÉT VỀ BÌNH DƯƠNG

HOÀNG ANH



Bình Dương nằm giáp ranh với hai thành phố lớn của cả nước: Sài Gòn và Biên Hòa. Trung tâm của ba nơi này kết lại thành một tam giác đều, mỗi cạnh chừng ba mươi cây số. Gần hai đô thị lớn, phồn vinh, náo nhiệt, sớm tiêm nhiễm lối sống Tây phương, nhất là thời gian trước 1975, người ngoại quốc nhan nhản trên đường phố. Lạ thay, Bình Dương không chịu ảnh hưởng mấy! Người và cảnh Bình Dương vẫn giữ gìn được nguyên nét xưa cũ của mình, một vùng đất của màu xanh, thanh bình, êm ả, của những mái đình, ngôi chùa mà dòng thời gian đã nằm lắng đọng thành bao lớp rêu phong…Người Bình Dương bị coi là dân tỉnh lẻ, người thành phố không trọng thị, nể nang; nhưng có nhiều cảm tình, vì tính tình, vì tính cách của người Bình Dương. Đó là những con người chơn chất, thực thà, hiếu khách…Thế nhưng khi vì hoàn cảnh, cần gan dạ thì họ cũng không thiếu những trang anh hùng khí phách. Đáng kể nhất là những người con gái Bình Dương, khi mà nền văn minh Tây phương với lối sống xa lạ, nghiêng về thụ hưởng, phóng túng, được sự yểm trợ mạnh mẽ của đồng đô la đang dần xâm nhập và phá vỡ lối sống truyền thống của dân tộc, gây nhiều lo buồn đổ vỡ cho biết bao gia đình, thì những người phụ nữ nơi đây vẫn biết nép mình trong gia phong lễ giáo, không quá coi trọng đồng tiền hay học đòi chạy theo thời thế. Hình ảnh của họ, vẫn là những cô gái biết đỏ mặt thẹn thùng, e lệ, khép nép khi gặp người chưa quen. Sự nhút nhát và nhu mì tạo thành nét duyên riêng, gợi cảm hứng cho nhiều nhà thơ như Bùi Giáng hay Nguyễn Đức Sơn dệt nên những vầng thơ dạt dào hương sắc cỏ nội hoa đồng.

Con đường về Bình Dương hết lên lại xuống, uốn lượn như dải lụa mềm nằm vắt qua những cánh đồng lúa xanh mơn mởn, xa xa là những giàn bầu bí, khổ qua trổ bông vàng lấm tấm. Qua những khu vườn trái cây rượi mát thoang thoảng hương thơm của trái chín vào mùa, thấp thoáng ẩn hiện những mái nhà ngói đỏ đơn sơ, những lò chén nằm thoai thoải trên triền đồi nhả khói đen cuồn cuộn, những ngôi mả đá ong sậm màu rêu mốc, những ụ rơm vàng như tay nấm, những cây cau thẳng tắp in bóng trên màu xanh lơ của trời mây; qua những rừng cao su lá vàng phủ kín môt vùng trời những ngày hanh nắng cuối đông…Bình Dương đẹp, cái đẹp không có những đền đài lăng tẩm cổ kính, không có thác reo hồ lặng, không có những dòng sông mênh mang trời nước, núi buồn chìm trong mây khói bảng lảng mộng mơ. Bình Dương nghèo, nhưng hiền hòa, xinh đẹp, cái đẹp xanh mướt màu thôn dã, thắm thiết nghĩa tình. Bình Dương đẹp, cái đẹp của những vùng nông thôn miền Đông có một chút gì đó lặng lẽ, một chút gì đó nên thơ mà hiu quạnh gợi nên bao mối cảm hoài. Một chút gì đó, mà với những người Bình Dương, nó đẹp, để họ yêu, họ nhớ, mà không biết phải nói sao, vì sao mà họ yêu quê hương mình đến thế!     

Nhiều người nói rằng Bình Dương là một vùng đất lành, những người sống lâu ở đây thấy rằng nó lành, mà người phương xa mới đến cũng vẫn dễ có cảm giác ấy. Bình Dương lành, lành từ người cho tới đất. Từ rất lâu rồi, dân ở đây chưa chứng kiến cảnh lũ lụt bão giông ra sao. Nếu có bão, thì chỉ là chịu ảnh hưởng hơi hơi từ nơi xa lắm. Vào những ngày đó, bầu trời chập chùng mây xám, mưa nhiều hơn, gió có lạnh hơn, ngồi uống cà phê nhâm nhi thì rất tuyệt, mà rủ nhau nhậu lai rai cũng hay. Đất Bình Dương khô ráo, nhiều cát sỏi, gò đồi, nhưng nhờ có hai dòng sông lớn là Đồng Nai và Sài Gòn chảy dọc hai bên suốt chiều dài của tỉnh, lại thêm con sông Bé ngoằn ngoèo ở giữa, từ đó nước được dẩn vào những vùng đất khô hạn nên nhà nông vẫn có thể trồng trọt được. Lại thêm rất nhiều con suối và mội nước phun lên ở nhiều nơi, nước mội trong và mát rượi, những trưa nắng cháy trên đồng, uống một ngụm nước ấy, như uống cả vào lòng tình đất nước quê hương. Dưới lớp đất khô khan trên bề mặt là túi nước ngầm bao la, đây là quà tặng quý báu của thiên nhiên dành riêng cho vùng đất này, cung cấp nguồn nước lý tưởng cho sinh hoạt và sản xuất. Ba yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa, có vẻ như Bình Dương đều hội tụ đầy đủ.     

Ngày nay, Bình Dương đang chuyển mình mạnh mẽ và nhanh chóng từng ngày một trở thành vùng đất mang dáng vẻ hiện đại với những con đường rộng thênh thang, những tòa nhà cao ngất trời, những khu công nghiệp hiện đại thu hút sự chú ý của cả nước. Chúng ta vui mừng khi thấy người dân nông thôn, tuy chưa hoàn toàn đổi đời, đã không còn phải sống trong cảnh tối tăm tù mù, mâm cơm chiều quay quần dưới ngọn đèo dầu leo lét; không còn phải đi trên những con đường lầy lội vào những ngày mưa dầm lê thê. Những mái nhà ngói đỏ tường vôi đã thay thế dần những mái tranh lụp xụp xiêu vẹo và dột nát…

Lứa tuổi trẻ Bình Dương hôm nay sinh ra đời trong một hoàn cảnh đầy đủ và sung sướng hơn thế hệ cha mẹ, ông bà của họ gấp nhiều lần. Họ khó tưởng tượng nổi những cảnh đời mà người xưa đã nếm trải trong mồ hôi và nước mắt, trong sự nhẫn nại và âm thầm chịu đựng. Đời sống của tuổi trẻ là tương lai, là những thành phố hiện đại đang được xây dựng, là những tiện nghi thừa mứa, là những phát minh khoa học tân kỳ xuất hiện ngày một ngoạn mục để phục vụ con người ngày càng tốt hơn, hơn cả điều mà người ta có thể tưởng tượng. Chúng ta mừng cho họ, và ước mong trong tương lai, địa phương ta sẽ cùng cả nước đẹp hơn, hạnh phúc hơn, để bù lại cả hàng chục năm, hàng trăm năm đói nghèo, đau khổ.

Nghĩ và nhớ nhiều đến ngày xưa, có lẽ phải là những người đã lớn tuổi, những người đã gắn bó cả đời mình với vùng đất này, tấm lòng của họ, kỷ niệm ngập lòng họ, là những hình ảnh, mùi hương của khung trời trong quá khứ. Cái tình nghĩa của những kiếp người quạnh hiu đã đến vùng đất hoang vu này để khai khẩn, đổ mồ hôi trên những cánh đồng nắng cháy, mưa lầy, trong những cánh rừng đầy thú dữ, rắn rít, muỗi mòng. Những người quanh năm chỉ biết nồi cơm hẩm,  ăn mắm hút dòi, áo quần rách tả tơi, vá chùm vá đụp. Đời họ chỉ có một quyết tâm, là cày bừa, trồng trọt, lập vườn, khai mương, hy sinh đời mình, để có chút gì để lại cho con cháu đời sau. Từng thế hệ đã sinh ra rồi lặng lẽ mất đi, trong hoàn cảnh nghèo khổ, ít học, vẫn trao truyền những bài học đạo lý làm người, áo rách vẫn ráng giữ lấy lề, bằng ca dao, tục ngữ, bằng những câu truyện cổ tích ngày xửa ngày xưa ru trẻ con vào những giấc ngủ trưa hè, vào tình yêu đất yêu người trên quê hương điêu linh khốn khó này.

Nhà văn từng làm việc và sinh sống nơi đây nay đã khuất, ông Bình Nguyên Lộc, có lần viết:

 “Hồn người xưa đây rồi! Đó là cái gì họ để lại cho người sau, không lớn lao đâu, chỉ là vài gốc cây thôi nhưng vẫn phải kể tới. Cốt là có làm, cái gì nhỏ nhặt lắm cũng chẳng sao.
Hồn người xưa là những tấm gương anh dũng, mà cũng là những con đường mòn, những cội cây cao bóng mát, những bài hát thời sự, nó giúp ta biết việc gì đã xảy ra thưở ấy, thưở ấy họ cảm nghĩ thế nào”
(Bình Nguyện Lộc, Hồn người xưa là đây, Hồi ký Sài Gòn 50 năm trước)

Viết về đất và con người trên vùng đất này vào thời gian đã qua, như vậy là để lưu giữ lại quá khứ của một vùng đất, là tạo sự liền lạc của mạch dòng lịch sử, là gia cố nền tảng để từ đấy, ngôi nhà của tương lai sẽ được dựng lên, tuy với những kiểu dáng hiện đại, vẫn không chơi vơi hay làm mất đi truyền thống văn hóa tốt đẹp mà người xưa đã dày công xây đắp.

Bình Dương, hay Thủ Dầu Một, là nơi tác giả đã sống trên nửa thế kỷ, và xương cốt của tổ tiên nội ngọai giờ đã thành cát bụi cũng chính trên đất đai này. Từng con đường, từng mái nhà rêu phong cũ kỹ, từng cây me già cằn cổi lặng lẽ bên đường, từng con rạch nhỏ xinh xinh đều gợi lên biết bao hình ảnh và kỷ niệm.  

Vài nét giới thiệu về Bình Dương, phác họa một bức tranh đơn sơ để người tỉnh khác có đôi chút hình dung về một vùng đất; và những người Bình Dương gần xa, có một chút gì đó hồi nhớ về hình bóng quê hương đã nằm lắng đọng êm đềm tha thiết trong tâm hồn mình, một quê hương mà chúng ta sẽ còn nhớ nhiều, mãi những ngày tháng về sau…

HOÀNG ANH
Bình Dương  ngày 17 tháng 12 năm 2011.