VÀI Ý KIẾN VỀ NỀN VĂN HỌC DÂN GIAN BÌNH DƯƠNG
Huỳnh Hoàng Anh


    Viết về Bình Dương trong quá khứ ở nhiều lãnh vực, khó khăn chung mà giới nghiên cứu gặp phải là việc khan hiếm nguồn tư liệu, yếu tố quan trọng nhất quyết định mức độ khả tín của tác phẩm. Có một vài lý do đã góp phần tạo nên  tình trạng này:
    -Nguồn tư liệu về Bình Dương thời trước hầu hết đã thất lạc, hoặc tản mác các nơi chưa có cá nhân hay cơ quan hữu trách nào sưu tập, dịch thuật, bảo quản đầy đủ. Một tư liệu gần đây nhất, quyển “Địa phương chí Bình Dương”, dày khoảng 500 trang, thực hiện bởi  nhóm giáo chức Bình Dương trước năm 1975, do ông Nguyễn Văn Phúc, khi đó là Chánh Sự Vụ Sở Học Chánh Bình Dương chủ trì, nay chỉ còn lưu lại khoảng vài mươi trang. Tác phẩm quí giá này hiện nay còn hay mất, đang nằm ở đâu, không ai biết và cũng không có ai quan tâm tìm kiếm, phục hồi. Nhật báo Trắng Đen cũng có loạt bài viết về Bình Dương, đất nước và con người, đăng vào đầu thập niên 70, nay chắc rằng cũng cùng số phận.
    -Người Bình Dương, kể cả những người sống và làm việc tại Bình Dương xưa nay ít chịu viết hay ghi chép về vùng đất này. Hai nhà khoa bảng lớn của tỉnh vào đầu thế kỷ là ông Phan Văn Hùm và Trần Văn Trai là một thí dụ: cả hai đều không lưu lại một bài viết nào về Bình Dương.
    Ngoài hai lý do trên, có thể còn một vài điều khác nữa liên quan đến các yếu tố chính trị, xã hội… khiến cho quá khứ của Bình Dương nay đã trở thành một vùng đất không có lịch sử, hay nếu có, chỉ là một lịch sử mờ nhạt, đứt khúc.
    Nền văn học dân gian, một nền văn học không được thể hiện bằng văn bản, không cất giữ trong tủ sách của thư viện mà nằm trong ký ức của từng thế hệ và được truyền khẩu từ đời này qua đời khác. Đặc điểm quan trọng đó khiến cho nền văn học này, dù đồ sộ, phong phú, lại dễ tan dần trong bước đi lạnh giá và lãnh đạm của thời gian. Đến hôm nay, những gì còn lại, có lẽ chỉ là một mảng tường hay đống gạch rong rêu của ngôi nhà xưa mà tổ tiên đã dày công xây dựng.
    -Trong thời đại hội nhập với các nền văn hóa toàn cầu, trong đó có những nền văn hóa được sự yểm trợ đầy uy lực bởi sức mạnh về kinh tế và phương tiện khoa học kỹ thuật tiên tiến, nền văn hóa truyền thống bản địa của các quốc gia nhược tiểu bị chao đảo mạnh mẽ, và nguy cơ bị cuốn trôi trong dòng thác của thời đại là điều khó tránh khỏi. Việc duy trì, bảo tồn những giá trị trong gia tài văn hóa truyền thống của từng quốc gia, từng địa phương trở thành một nhiệm vụ cấp bách, nếu không sẽ không còn kịp nữa.
    -Sự khẩn trương của tình thế, riêng đối với nền văn học dân gian, là rõ nét nhất. Bởi như đã nói, nền văn học dân gian chỉ được lưu giữ trong ký ức, sống trong các sinh hoạt. Khi đời sống thay đổi, các sinh hoạt làm thành cái môi trường cho các nền văn học dân gian tồn tại, vận động, phát triển không còn nữa, thì các câu hò, câu đố, các trò chơi... cũng không còn lý do tồn tại. Khi chúng biến mất, và những thế hệ từng tham gia trong các sinh hoạt ấy qua đời, thì tất cả sẽ chìm vào dĩ vãng. Việc phải nhanh chóng tìm kiếm, ghi chép, sưu tầm vốn liếng ấy từ những bậc lão thành đang vẫn còn sống rải rác đâu đó trong xóm làng là điều hiển nhiên không thể chậm trễ.
    -Việc sưu tầm tư liệu là điều khó, việc xử lý chúng như thế nào có lẽ cũng không dễ hơn. Bởi văn học dân gian có tính phổ biến, lan truyền trên phạm vi đôi khi rất rộng. Một câu ca dao được hát bởi người dân Tương Bình Hiệp, hoàn toàn chưa đủ để khẳng định đó là câu ca dao được sáng tác bởi người dân Tương Bình Hiệp, liên quan đến chuyện xảy ra tại Tương Bình Hiệp. Một tuyển tập dân ca địa phương ra đời, thì ai, và dựa trên những căn cứ nào để xác định đó đúng là dân ca của địa phương, là việc cần phải quan tâm.
    Tại Bình Dương, thời gian qua có nhiều bài khảo cứu hay tác phẩm được thực hiện khá công phu, xứng đáng được tuyên dương, nhưng việc xác định giá trị của chúng lại bị xem nhẹ hay bỏ qua. Xem các tác phẩm đã ra đời mặc nhiên là chính xác và trở thành tư liệu lịch sử cho các thế hệ đời sau học hỏi là thái độ chưa thích đáng, không cẩn trọng và thiếu tinh thần khoa học.
    -Phạm vi của văn học dân gian là rất rộng, những công trình nào đã được thực hiện, một cách tương đối, những gì còn thiếu sót hoặc chưa nhận thấy để định hướng nghiên cứu là nhiệm vụ quan trọng của mọi người dân Bình Dương, nhất là giới nghiên cứu, giới làm công tác giảng dạy, và các quan chức lãnh đạo văn học nghệ thuật địa phương. Ba mươi lăm năm qua, đã có rất nhiều nỗ lực của cá nhân hoặc nhóm người để cho ra đời khá nhiều công trình khảo cứu về văn học dân gian ở nhiều lãnh vực, đó là thành quả đáng lạc quan và ca ngợi. Tuy nhiên nếu cho rằng cái kho tàng văn học dân gian như thế là đã khai thác hết, nhiệm vụ đã tròn, là một nhận định quá vội vàng.
    Có ý kiến cho rằng chuyện xưa của Bình Dương đã được viết quá nhiều, nay không còn gì lý thú để khai thác. Chúng tôi cho rằng ngược lại, có qúa nhiều thắc mắc về Bình Dương mà chúng tôi không biết và không đủ khả năng để khám phá. Vì sao tại Bình Dương người ta gọi là múa cù mà không nói múa lân? Ở Bình Dương có bao nhiêu đền đài miếu mộ, nguồn gốc và ý nghĩa chúng ra sao? Có bao nhiêu lễ cúng bái, nghi thức và vai trò của chúng trong tâm thức cộng đồng của cư dân Bình Dương? Các trò chơi trẻ con với nhiều bài đồng dao trong sáng, hồn nhiên và có tính nhân văn, giáo dục cao có còn ai sưu tập? Nhất là về ngôn ngữ, cách ăn cách nói của người Bình Dương với những phương ngữ và phương âm riêng biệt đang mất đi từng ngày, có ai quan tâm gìn giữ hay không? Chúng tôi nghĩ rằng không có đề tài nhỏ, mà có thể chỉ có cách làm nhỏ mà thôi.
    Văn học dân gian tất yếu nằm trong dân gian, do vậy để khai thác kho tư liệu này,  người nghiên cứu bắt buộc phải đi nhiều, gặp nhiều, đổ công sức nhiều. Nguồn tư liệu đó lại chủ yếu được lưu trữ trong trí nhớ, một công cụ dễ lầm lẫn và ít chính xác. Do vậy người sưu tầm cần phải biết gạn đục khơi trong, đãi cát tìm vàng, óc phân tích, suy luận, đánh giá các sự kiện cần phải được tiến hành một cách cẩn trọng và khoa học. Tuy vậy, dù có nổ lực đến đâu, việc sai lầm  và thiếu sót là không thể tránh khỏi. Thế nên thay vì cất làm của riêng, chúng tôi cho rằng dù biết chưa hoàn chỉnh, viêc sớm công bố rộng rãi tài liệu sơ thảo là điều cần thiết, bởi chỉ nhờ vậy chúng ta mới hy vọng có thể nhận ra được những sai lầm nhờ vào sự phát hiện của nhiều người khác. Văn học dân gian là công trình của tập thể, việc ghi chép lưu giữ chúng vì vậy rất cần phải có sự chung sức của tập thể.
    Cùng nhau ý thức tầm quan trọng của vấn đề, tiếp tục nỗ lực, tiếp tục hợp tác, tiếp tục quan tâm, trợ giúp để lấp đi khoảng trống mà tiền nhân đã để lại, mà thế hệ sau sẽ thiếu sự quan tâm hoặc không còn khả năng hay cơ hội để phục hồi, là những gì mà những ai có liên quan đến việc bào tồn gia sản của tiền nhân trên vùng đất Bình Dương này phải  tiếp tục bắt tay vào việc, khẩn trương và tâm quyết.
    Mỗi một ngày qua đi, có thể một người nào đó sẽ lìa đời, đem theo xuống đáy mồ những câu hò, câu đố…vào đêm đen miên viễn của cõi vĩnh hằng. Công việc bề bộn vẫn đang nằm chờ đợi trước mắt, và nhiệm vụ của giới nghiên cứu là phải đêm ngày thực hiện, không được chậm trễ và xao lãng.
    Tùy vào vị trí và hoàn cảnh riêng của từng cá nhân, mỗi người đóng góp phần mình, họp nhau lại, tin rằng giới nghiên cứu sẽ có thể hoàn thành được sứ mệnh của mình, với tiền nhân và với bao thế hệ mai sau.

23-10-2009