TRUÔNG ÔNG ĐỨC
Hoàng Anh
Bình Dương là vùng đất có rất nhiều truông
gò, như đã đựơc phản ánh trong các câu
ca dao xưa ở xứ này :
-Tay em bưng rổ kiếng bước lên xe kiếng chín từng
Đường về thăm phụ mẫu trước rừng, sau truông.
-Ve kêu réo rắt đầu truông
Liệu bề thương được thương luôn cho tới già
Do địa hình như vậy, nên ở đây có nhiều
địa danh bắt đầu bằng hai chữ truông hoặc gò như Gò Đậu,
Gò Cầy, Gò Mỹ, Truông Bồng Bông, Truông Ông
Đức… Truông Bồng Bông hiện nay quá nổi tiếng dù
ít ai muốn đến, bởi nó gắn liền với tên của một nghĩa
trang lớn nhất tỉnh. Truông Ông Đức, nằm ngay giũa lòng
thị xã nhưng ngày nay ít ai còn biết, vậy nên
bài này sẽ giới thiệu về nó, để nhớ thêm câu
thương hải tang điền.
Truông Ông Đức nằm hầu hết trong địa phận xã Chánh
Hiệp, nay là phường Hiệp Thành, giữa hai con đường Yersin và
Châu Văn Tiếp (nay là Nguyễn Văn Tiết), tiếp giáp với
vùng Bưng Cải, vươn dài qua khỏi đại lộ Bình Dương một
đoạn nưã thì đến vùng dân cư và đất rẫy
của xã Chánh Hiệp.
Bưng Cải là vùng nước ngọt cây lành nổi
tiếng của Bình Dương, nằm cách chợ Thủ chừng nửa cây
số. Con đường dẫn vào Bưng cũng là một trong những con đường
đẹp nhất của thị xã, với hai hàng cây dầu cao vút
hai bên đường, có nhà bà Huyện Tình cất
theo lối kiến trúc nhà giàu xưa, kiểu Tây, rất
đẹp. Hai bên đường là mương nước trong veo, nhìn thầy
rõ cả rong xanh và hàng đàn cá lội nhởn
nhơ. Vườn tược nối tiếp nhau, vươn lên nền trời là những cây
cao cao vút. Mùa hè, ve kêu ran, trái chín
lủng lẳng trên cành. Từ thời Tây, đã cho xây
một nhà máy nước, cung cấp cho cả chợ Thủ, nước ở đây
trong lành, ngọt mát.
Thế nhưng càng đi thì con đường càng lên
cao dần, rồi đến một con dốc rất cao, quanh co khá hiểm trở là
dốc Hiệp Trấn. Bên lề có ngôi mộ cổ, dân xây
miếu thờ, có đúc tượng một con ngựa. Có người giải thích
rằng con ngựa đó để tưởng nhớ đến con ngựa ngày xưa đã
chịu đựng nhiều gian khổ với vị quan trên đừơng mở cõi phương
Nam. Giai thoại dân gian thì cho rằng thời trước các
bà các cô đi chợ Thủ về tới đây, gánh gồng
vượt lên tới đầu dốc thì quá mệt, lại sẵn có một
cây cổ thụ to toả bóng mát bên cạnh ngôi
miếu nên các bà thường ngồi đó để nghỉ mệt, nhưng
vào những lúc trưa đứng bóng, thỉnh thoảng họ lại nghe
như có tiếng ngựa chạy đâu đây, rất sợ và gọi đó
là ma ngựa.
Gần đây để mở rộng con đường, người ta đã khai quật và
di dời ngôi mộ vào phía bên trong đường, nhưng
vẫn xây cất lại khá tử tế. Từ ngôi mộ này, xem
như đã chính thức bước vào vùng đất đựơc goi
là Truông Ông Đức.
Trái ngược với đất dứơi chân truông, là
đất bùn, có nhiều mương, mội nước phún
lên nhiều nơi, đất ở truông cứng, khô cằn, lại pha nhiều
sỏi đá. Do vậy đất bị bỏ hoang, mặc cho cây rừng chen chút.
Thưở xưa vùng này có rất nhiều thú, cọp ẩn núp
nơi đây, lâu lâu lại về tới chợ Thủ lộng hành, vồ
cả lính Tây nên họ rất sợ. Giai thoại xưa kể có
một bà lão cất chòi ở một mình giữa truông,
hiếm khi người ta thấy bà vào xóm hay ra chợ. Tương
truyền bà lão có thể gần gũi được cả cọp, từng chữa
trị vết thương cho chúng. Một hôm người ta nghe tiếng cọp rống
rất thảm thiết vang ra từ nơi bà ở, hôm sau dân làng
kéo nhau vào thì thấy bà đã nằm chết trên
chiếc giường kết bằng cây rừng, họ bèn chôn cất bà
cũng tại miếng đất ấy rồi đốt chòi. Từ đó dường như cọp cũng
bỏ đi, ở đây chỉ còn sót lại những loài thú
hiền lành như nai, mễn, chồn...
Thời kháng chiến, lực lượng Việt Minh từng ẩn náo nơi
truông này và đôi khi làm điểm xuất phát
tấn công Tây, gây nhiều tổn thất cho giặc. Tướng Nguyễn
Bình cũng từng về đây, ông có thời gian tạm trú
tại một ngôi nhà dưới Bưng Cải để hoạt động cách mạng.
Năm 1968, trong trận đánh tết Mậu Thân, trung tá Lê
Nguyên Vỹ kéo trung đoàn về để chống trả cụôc tấn
công cũng đóng quân tại đây. Có lẽ vì
điạ thế của truông, không hợp với dân mà lại rất
hợp với quân. Vào ngày 30-04-75, khi có lệnh đầu
hàng của ông Minh, tại mãnh đất sát với xa lộ,
lính miền Nam vứt bỏ súng ống, quần áo vung vải trên
một khoảng đất khá rộng, nay là vị trí của Nhà
Bảo Tàng tỉnh, quang cảnh khi ấy nhìn rất ảm đạm.
Mãi đến năm 1973, người Mỹ mới cho làm lại con đường
mòn chạy len lõi qua truông thành một xa lộ rộng
lớn, phẳng phiu. Phía bên kia đường, một căn cứ quân sự
lớn cũng đã đựơc thiết lập, căn cứ Hoàng Hoa Thám, gợi
nhớ chiến khu Yên Thế thời trước.
Phía bên đây đường, tức phía từ Bưng Cải
lên, dân khai thác đất bắt đầu phá rừng để đào
lấy đất. Gặp nơi mồ mã họ chừa lại, họ cứ đào mãi, sau
những nơi có mã ấy vươn cao, vùng lấy đất thì
trũng xuống. Đứng trên đường xa lộ mà nhìn, nhất là
lúc hoàng hôn, khung cảnh đẹp hoang vu giống như miền
đất viễn tây Hoa Kỳ mà ta thường thấy trong các phim,
chỉ thiếu các chàng cao bồi phi ngựa nữa thôi. Xa xa,
vươn lên giữa những lùm cây là mái cong
cong của một ngôi chùa cổ. Đó là chùa Hội
Sơn, được xây cất vào cuối thế kỷ 18.
Đường xa lộ được xây dựng để phục vụ cho mục tiêu quân
sự, vì vậy các đoàn quân di chuyển ngày
đêm trên ấy. Nhất là khi chiến tranh cùng nổ ở
miền trên, ban đêm tiếng xe tăng chạy rì rào gần
như suốt đêm làm cho con đường thêm nét vừa hoang
dã, vừa hào hùng. Ngã tư Chợ Đình ngày
nay, xưa gọi ngả tư Cây Sao Quì, đồn có quỉ
trên cây sao cổ thụ nằm ở góc đường, trẻ con rất sợ. Khoảng
năm 73, một chiếc xe chở lính từ miền trên
về tới đây lao luôn xuống vực sâu, nay là trụ sở
Công Đoàn Tỉnh, làm chết và bị thương rất nhiều
lính. Người ta càng tin rằng chỗ đó có cô
hồn, nên xây cái miếu nhỏ bên đường để thờ.
Dân chúng chỉ ở tập trung phía bên đây
đường, còn bên kia nhà cửa thưa thớt, đất đai dành
để trồng trọt hoa màu, người dân vào làm việc
lúc ban ngày, còn ban đêm thì đường vắng
tanh, trừ các chiến sĩ của hai bên không ai dám
léo hánh đến. Ngay tại góc đường Châu Văn Tiếp,
có một cái đồn lính gọi là Tua số 5, lâu
lâu thì lính giải phóng về tấn công, súng
đạn nổ vang rền, trái hoả châu bắn sáng rực trên
trời, bà con lối xóm chui hết xuống hầm để tránh đạn
lạc. Đến khi con đường xây xong thì người ta cũng tháo
bỏ cái “Tua” ấy, dời ra ngay chính giữa đường, nay là
bồn binh tại ngã năm, đầu đường vào Bệnh Viện 512. Ban đêm
lính nghĩa quân và nhân dân tự vệ nằm kích
dài phía bên đây đường, chỉ để một người NDTV ở
trong đồn, bên kia, tại góc đường, treo một cây đèn
dầu nhỏ, le lói, không biết để làm gì, nhưng nhìn
thêm thê lương. Khu đất nay là Thư Viện tỉnh hồi đó
là nghĩa trang Phước Kiến, kế bên, trụ sở Uỷ Ban phường Hiệp
Thành, trứơc là đất làng, toàn mồ mã.
Nhìn đâu cũng thấy gợi cảnh âm ty, nên người nào
đến phiên gác, rất sợ, có người cứ lâm râm
khấn vái từ đầu cho tới khi hết ca.
Khu đất nằm ở góc đường Giếng Máy (hay đường Bưng Cải,
xưa thường gọi như vậy), là nơi của nghĩa trang: nghĩa trang Quân
Đội, nghĩa trang Đất Thánh. Nghĩa trang Quân Đội, vào
năm 1983, xảy ra một vụ án mạng gây xôn xao dư luận là
vụ Loan Rado, giết một người tình để lấy chiếc xe gắn máy tại
đây. Xưa, hàng năm vào những tháng gần Tết ngừơi
ta đi dãy mã, khói trắng bay từng cụm, quang cảnh ấm
cúng và rất vui. Vào dịp Thanh Minh cũng vậy, giấy tiền
vàng bạc xanh đỏ theo gió bay tung toé khắp nơi, bọn
trẻ nhà nghèo trong xóm cứ canh dịp ấy để lấy đồ cúng
chia nhau mà ăn, rất ngon. Có đứa hên còn lấy
đựơc hột vịt, tôm, thịt luộc thì coi như trúng mánh
lớn.
Bên cạnh nghĩa trang, nằm xa xa khuất sau các bụi
cỏ lao là Trại Dưỡng Lão. Vào những ngày chủ
nhật, các đoàn thể thanh thiếu niên như Hướng Đạo, Phật
Tử hay Hội Hồng Thập Tự thỉnh thoảng lại tổ chức cho các đoàn
viên đến đó để chăm sóc, giúp đở những ngừơi già.
Tại góc ngả tư, thập niên 80 có một vũng nước lớn do
mưa lâu ngày đọng lại, người ta thả cây be trôi
lềnh bềnh trên mặt, một hôm có năm học sinh ở ngôi
trường gần đó đến tắm bị chết đuối, rất thương tâm. Sau lại
có ngừơi kể rằng mấy ông thồ than, khi chạy về đến khúc
đường này ban đêm đôi khi nghe xe chạy nhẹ tênh,
nhìn lại sau lưng thấy có bầy trẻ đang cố sức chạy đẩy phụ
phía sau, làm mấy ông vừa sợ vừa mừng vì đở mệt
được một khúc đường.
Đáng kể nhất ở khu đất này là nó đã
từng là điạ điểm của sân banh đầu tiên của Bình
Dương, mấy mươi năm về trứơc.
Vào khoảng đầu thập niên bốn mươi, ông Võ
Văn Vân, nhà đường Lý Thường Kiệt, một Đông Y Sĩ
nổi tiếng sản xuất thuốc bán cả Đông Dương thời đó đã
xây dựng khu đất này thành sân banh cho tỉnh Thủ
Dầu Một. Sân có hàng rào tre, có khán
đài cao cho quan khách ngồi, có cổng bán vé
ra vào. Mỗi khi có đá banh, dân mê bóng
đá từ Bưng Cầu, Tân Khánh, Lái Thiêu… kéo
nhau đến chật sân. Người nào khá thì đi xe bò,
xe ngựa; nghèo thì đi bộ. Xe cộ đậu dài theo con dường
mòn nay là xa lộ Bình Dương. Trong sân có
một người Ấn Độ đội cái thúng đi bán bánh
rế. Một vài phụ nữ bán nứơc trà, có người nay
vẫn còn sống như bà Phạm Thị Hoa ở phường Hiệp Thành,
tuổi đã ngoài tám mươi vẫn nhớ rõ quanh cảnh
ngày ấy. Một vài đứa bè bán mía ghim,
như Thầy Minh, trước dạy tại trường Chu Văn An, nay bị bệnh, có hơi
yếu. Sau 45, do tình hình chiến tranh, sân banh ngưng
hoạt động và về sau mới biến thành nghĩa trang quân đội.
Hiện nay là khu đất của trường trung học Hùng Vương, và
có thể kéo dài đến cả trường Lê Hồng Phong.
Đoạn đường xa lộ Bình Dương từ ngã tư chợ Đình
đến Ngã Năm vô Bệnh Viện là đoạn đừơng sung túc
và nhộn nhịp nhất cuả Bình Dương hiện nay. Hai bên đường
nhà cửa cao rộng và xinh đẹp nối tiếp nhau. Vùng
trũng do khai thác đất đựơc xây dựng lại thành công
viên thị xã, nhà bảo tàng, công viên
Nước, trường Đại Học, Cao đẳng… Trên xa lộ ngày đêm lúc
nào xe cộ cũng dập dìu, vào những ngày đám
cưới thì không biết bao nhiêu người đẹp của Bình
Dương trong áo quần rực rỡ qua lại tha hồ cho những người
có “óc nghệ thuật” nhìn ngắm.
Ngắm những cảnh này, làm sao người ta biết được rằng
nó từng có cái tên rất mộc mạc gọi là Truông
Ông Đức, mấy mươi năm xưa? Hồi đó, khuya giật mình thức
giấc thường nghe tiếng xe bò gõ nhịp lọc cọc trên đường,
tiếng gỏ cứ nhỏ dần rồi im hẵn khi xe đã đi xa, chẳng biết về đâu,
buồn lắm.
(22-05-09)