Trịnh Hoài Đức (1765-1825), tự Chỉ Sơn, hiệu Cấn Trai, là
một nhà thơ, nhà văn và là một sử gia nổi
tiếng của Việt Nam trong thế kỷ 18. Quyển Gia Định thành
thông chí của ông cho đến nay vẫn được xem là
một trong những sử liệu quan trọng nhất cho các nhà
nghiên cứu sử học và địa lý của miền Nam Việt Nam.
Ông cũng là một công thần của triều Nguyễn,
đã giúp cho vua Gia Long rất nhiều về các phương
diện ngoại giao, chính trị và kinh tế.
Cuộc đời:
Ông nội của Trịnh Hoài Đức làm quan dưới triều
Minh. Sau khi triều Minh sụp đổ ông đưa cả gia đình sang
Việt Nam cư ngụ tại dinh Trấn Biên (nay là Biên
Hòa). Thân sinh ông là Trịnh Khánh
là người học rộng tài cao. Ông mất lúc Trịnh
Hoài Đức mới 10 tuổi, sau đó mẹ ông dời nhà
về dinh Phiên Trấn (Gia Định) cho ông theo học cụ Võ
Trường Toản. Cũng tại đây ông kết bạn với Lê Quang
Định và Ngô Nhơn Tịnh để sau này thành lập
"Bình Dương thi xã", và ba ông sau
này được mệnh danh là "Gia Định tam gia".
Năm 1788 khi chúa Nguyễn Phúc Ánh mở kỳ thi tại
Gia Định, ba ông ra ứng thi và đều đỗ đạt. Trịnh
Hoài Đức được bổ làm Hàn Lâm Viện Chế
Cáo, rồi được sung chức Điền Tuấn Quang, trông coi việc
khai khẩn đất ở Gia Định.
Năm 1793 ông được lãnh chức Đông Cung Thị Giảng, rồi
phò Đông Cung Cảnh ra giữ thành Diên
Khánh. Năm sau ông được thăng làm ký lục
dinh Trấn Ninh, đến năm 1801 thăng Tham tri bộ Hộ. Ngay năm sau
đó, 1802, ông được thăng chức Thượng thư bộ Hộ rồi sung
làm Chánh sứ cùng với Binh bộ Tham tri Ngô
Nhân Tịnh và Hình bộ Tham tri Hoàng Ngọc Uẩn
sang sứ Trung Quốc.
Năm 1808 ông được bổ làm Hiệp trấn Gia Định thành,
phụ tá cho Nguyễn Văn Nhân lúc đấy là Tổng
trấn Gia Định thành. Năm 1812 ông được bổ nhiệm làm
Lễ bộ Thượng thư, kiêm quản Khâm thiên giám,
năm 1813 lại đổi làm Lại bộ Thượng thư. Năm 1816 ông lại
được bổ nhiệm làm Hiệp Tổng trấn Gia Định thành lần thứ
hai.
Mùa hè năm 1820 vua Minh Mạng triệu ông về kinh
làm Lại bộ thượng thư kiêm Binh bộ Thượng thư, sung chức
Phó Tổng tài Quốc sử giám, thăng Hiệp biện Học sĩ.
Ông đã từ chối ba lượt nhưng vua Minh mạng vẫn tỏ
lòng ưu ái nên sau đó ông phải
vâng mạng.
Năm 1825, mùa đông, ông mất, thọ 61 tuổi. Vua
bãi triều 3 ngày, truy tặng Thiếu bảo Cần chánh
điện Đại học sĩ, phái hoàng tử Miên Hoằng đưa về an
táng tại dinh Trấn Biên thể theo nguyện vọng củs ông
trước khi mất. Khi linh cữu về tới Gia Định, Tổng trấn Lê Văn
Duyệt đã đích thân tới phúng điếu và
đưa tới huyệt tại dinh Trấn Biên tức tỉnh Biên Hòa
ngày nay.
Đến đời vua Tự Đức, nhà vua truyền liệt thờ ông trong miếu
Trung Hưng Công Thần và đền Hiền Lương.
Ngôi mộ của Trịnh Hoài Đức và phu nhân được
xếp vào di tích di tích Văn hóa - lịch sử
quốc gia nằm trong khu mộ của nhà họ Trịnh. Ngoài phần mộ
của ông và phu nhân, còn lại là phần
mộ của con cháu, cận thần, mộ ngựa, mộ yểm... Các bia
đá được dựng quay về hướng Tây-Nam, trên có
khắc chữ Hán. Các ngôi mộ được xây theo kiểu
kiến trúc giống hình voi phục, mặt bằng là một
khối hình chữ nhật.
Tác phẩm:
Văn thơ của ông và Lê Quang Định, Ngô
Nhân Tĩnh in chung trong một bộ Gia Định tam gia thi tập.
Ngoài ra ông để lại các bộ sách Lịch đại kỷ
nguyên, Khang Tế Lục, Cấn trai thi tập, Bắc sử thi tập, Minh bột
di hoán văn thảo và Gia Định thành thông
chí.
Bộ Gia Định thành thông chí là một
công trình có giá trị cao về lịch sử, địa
lý và văn hóa của miền Nam bộ. Nội dung tập
sách ghi chép đầy đủ và tỉ mỉ về núi
sông, khí hậu, việc thành lập các trấn,
thành trì, cũng như về phong tục tập quán,
tính cách và sinh hoạt của người dân Nam bộ.
Thanh bảo kiếm của Trịnh Hoài Đức do vua Tự Đức ban tặng được
lưu giữ trong đền thờ của ông
Trịnh
Hoài Đức - Danh nhân làm rạng danh xứ Đồng Nai
Thái Doãn
Mười
Ông gốc người Minh Hương ( Trung Hoa). Từ thời ông nội, do
không thần phục nhà Mãn Thanh đã chạy sang
Đại Việt. Ban đầu, trú ngụ ở Phú Xuân, sau
vào lập nghiệp tại thôn Bình Trước, dinh Trấn
Biên ( Biên Hòa ngày nay).
Trịnh Hoài Đức sinh năm Ất Dậu (1765), tại Bình Trước, tự
Chỉ Sơn, hiệu Cấn Trai. Năm 1775 cha ông qua đời khi ông
mới 10 tuổi, mẹ ông đem con về trấn Phiên An ( Gia Định
sống ). Đến năm 1782, bà cho con đến thụ giáo nhà
giáo dục nổi tiếng thời bấy giờ là Võ Trường Toản.
Khi quân Tây Sơn vào đánh đất Gia Định
thì ông lánh nạn sang Chân Lạp (Campuchia).
Năm 17888, họ Trịnh thi đỗ và được nhà Nguyên bổ
chức Hàn lâm viện chế cáo, ngày càng
được vua Gia Long trọng dụng. Họ Trịnh lần lượt giữ nhiều chức vụ quan
trọng trong bộ máy cai trị của nhà Nguyễn và thẳng
tiến trên hoạn lộ: tri huyện phủ Tân Bình,
Đông cung thị giảng ( lo việc giảng dạy Đông cung cảnh),
Hiệp bộ thượng thư, rồi Thượng thư bộ hộ, Thượng thư bộ lại, Tổng trấn
Gia Định…Có thời, Trịnh Hoài Đức được cử làm
thượng thư của cả hai bộ: Lại ( nội vụ) và Binh ( quốc
phòng). Nhiều lần, ông được cử làm chánh sứ
sang Trung quốc.
Ông mất năm Ất Dậu 1825, hưởng thọ tròn 60 tuổi. Đương
thời, vua Minh Mạng vô cùng thương tiếc, truyền bãi
chầu 3 ngày, truy phong Thiếu phó cần chánh diện
Đại học sĩ. Thi hài ông được rước từ kinh đô Huế
vào thành Gia Định, do hoàng thân Miên
Hoàng trực tiếp đứng ra tổ chức rồi đưa về tận quê hương
Bình Trước an táng.
Sinh thời, tuy làm quan to nhưng Trịnh Hoài Đức nổi tiếng
thanh liêm, suốt đời sống thanh bạch, mang cốt cách của
một nhà nho, nhà nghệ sỹ lớn. Cùng với Lê
Quang Định và Ngô Nhơn Tịnh, Trịnh Hoài Đức lập ra
nhóm Bình Dương thi xã, được người đời xưng tụng
là Gia Định tam gia, uy tín như Chiêu Anh
Các của họ Mạc ở Hà Tiên. Ông để lại hai tập
thơ : Cấn Trai thi tập và Bắc sứ thi tập ( làm trong thời
gian đi sứ Trung Quốc). Thơ Trịnh Hoài Đức bộc lộ tình
yêu sâu đậm đối với quê hương, làng cảnh Việt
Nam, nơi nhà thơ đã chọn là quê hương của
mình và phản ánh chân thật đời sống , sinh
hoạt của con người thời bấy giờ.
Cống hiến xuất sắc nhất của Trịnh Hoài Đức là đối với
tiến trình lịch sử, văn hóa dân tộc là bộ
Gia Định thành thông chí- bộ sách lịch sử,
địa lý, văn hóa ra đời sớm và giá trị nhất
về miền đất Nam bộ thời bấy giờ. Bộ địa chí này gồm 6
quyển biên khảo công phu về quá trình
hình thành đất đai, sông núi, sản vật, phong
tục, con người, bộ máy hành chính Nam bộ.
Công trình đã được người Pháp dịch và
xuất bản ở Paris từ năm 1863 và trở thành tài liệu
vô giá cho bất kỳ ai muốn tìm hiểu, nghiên
cứu về miền Nam.
Ghi nhận công lao to lớn và tấm gương thanh khiết của
Trịnh Hoài Đức, người xưa trải bao đời đã tỏ một
lòng tôn kính và biết ơn ông.
Riêng tại Biên Hòa, quê hương nhà thơ,
hiện còn ngôi mộ ông đặt tại phường Trung Dũng, giữa
hai con đường lớn: Quốc lộ 1 và đường Nguyễn Văn Trỗi. Mộ của
ông và bà được xây dựng kế nhau, theo kiến
trúc cổ, có bờ thành bằng đá bao bọc, cửa
vào có trụ búp sen , đặt bình phong
án. Từ năm 1938 Viện bảo tàng(cũ) đã thừa nhận
đây là một “cổ tích). Hàng năm, vào
dịp Thanh Minh, dòng họ Trịnh từ các nơi vẫn về
làm lễ viếng cụ. Trước năm 1975, ở Biên Hòa
có một ngôi trường và con đường từ công
trường Sông Phố đến ngã năm Biên Hùng được
mang tên Trịnh Hoài Đức.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, khu vực chợ lớn, từ xưa
đã có chùa Gia Thạnh (của người Minh Hương) thờ
vua Gia Long, Trịnh Hoài Đức, những công thần người Minh.
Trong chùa, còn đó đôi liễn của họ Trịnh
ngày xưa. Cùng với lăng mộ Trịnh Hoài Đức ở
Biên Hòa, ngôi chùa này đã được
Nhà nước Việt Nam công nhận là di tích lịch
sử-văn hóa quốc gia.
Giáo sư Phan thanh Đào và một học sinh viếng mộ
Trịnh Hoài Đức ở Biên Hoà