Tống Cựu Nghinh Tân

Hoàng Anh


Một số nhà nghiên cứu về văn hoá VN cho rằng người Việt ta có tính chất giống như Nước, nghĩa là rất uyển chuyển, mềm mại, dễ thích nghi với hoàn cảnh. Trong quá trình giao lưu với các quốc gia khác, ta có thái độ tiếp biến về văn hoá có chắt lọc, chế biến, sáng tạo để vừa đón nhận được cái hay của người, vừa biết canh cải một cách khôn ngoan cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của đất nước. Nếu nhận xét này đúng thì quả là điều đại phước đức và đáng mừng cho dân ta vô cùng. Thế nhưng  đối diện với thực tế, lại cảm thấy có điều gì đó khiến cho ta ngài ngại và bất an trong lòng khi buộc phải tin như thế. Có lẽ nếu điều đó đúng, thì cũng đúng ở một mức độ tương đối mà thôi, và do vậy vẫn rất cần phải soi sáng thêm.

Người dân Việt Nam suốt mấy nghìn năm cứ đời này sang đời khác an phận sống trong lũy tre làng xanh mát mà ngâm nga những bài học tốt đẹp của tổ tiên; đối với họ như thế là nhất rồi, không cần chi khác hơn: “Đèn nhà ai nấy sáng, chuyện nhà ai nấy lo”. Ở tầm mức quốc gia thì vua quan luôn ưa chuộng chính sách bế môn toả cảng. Ngoại trừ Thiên triều ở Tàu mà vua phải có nhiệm vụ cống nạp hàng năm, thì vua ta không cần ngoại giao, hay tiếp xúc để học hỏi ai, bất chấp tình hình thế giới có biến động ra sao. Nếu có vị quan trung trinh tiết liệt nào liều mạng can gián hay kiến nghị thì cũng gạt qua một bên, nếu thương, còn bực mình thì ra lệnh giam vào ngục là xong. Cái khuynh hướng biệt lập đó khiến dân tộc ta từ lâu đã luôn xa cách với các trào lưu tiến hoá chung của nhân loại; và do vậy, lạc hậu, thua kém thế giới trên khá nhiều phương diện.

Không tiếp xúc với cái mới, không hiểu biết cái mới, thì tự dưng lại đâm ra sợ hãi, nghi ngờ, rồi bèn chống đối lại nó- chống bừa thế thôi, nên đôi khi có hơi mù quáng. Đồng thời ta vừa tự ru ngủ  để làm an ổn tinh thần mình bằng cách quay về với cái cũ, cái gì đã có sẵn, ca tụng nó, bám chắc vào  nó như một tấm phao cứu sinh.  

Nguồn gốc thói hoài cổ, bảo thủ có thể xuất phát từ tinh thần sùng bái cổ nhân của Trung Quốc mà Khổng Tử là ngừơi chủ trương thời xưa. Mà Khổng Tử thì lại nhiệt liệt xưng tụng thời đại hoàng kim Nghiêu Thuấn. Xây dựng một học thuyết chính trị dựa trên huyền thoại thì khó thoát khỏi tình trạng ảo tưởng, phi thực tế. Có lẽ vì vậy mà học thuyết đó lúc ông còn sinh thời đã không được vua chúa nào áp dụng. Khi ông chết, tưởng nó sẽ chết theo; ngờ đâu cái tinh thần tôn trọng thời xưa, tôn trọng cổ nhân vẫn còn ảnh hưởng mãi đến ngày nay ở châu Á, trong đó có Việt Nam ta.

Ảnh hưởng của văn hoá Trung quốc, đặc biệt là Nho giáo, phủ trùm nặng nề lên tinh thần của người Việt hầu như ở mọi phương diện. Mãi đến tận hôm nay, tuy đã phai nhạt hơn trước, thì tầm ảnh hưởng ấy vẫn còn sức tác động tiềm tàng nhưng rất mạnh chi phối mọi ứng xử của họ trong đời sống. Dù là họ đang theo tôn giáo, chủ thuyết nào thì đã là người Việt sinh trưởng trên mảnh đất này, khó ai mà thoát ly khỏi hoàn toàn ảnh hưởng sâu xa ấy.  

Quý trọng tập tục, truyền thống, tổ tiên, cứ coi cái gì của người xưa để lại là tốt, xưa làm sao thì nay làm vậy, rất sợ bị mất gia tài của quá khứ nên ôm ghì giữ tất cả mà không cần biết nên hư. “Xưa bày nay vẽ “, thái độ khư khư với cái gì đã có sẵn, cái gì đã ổn định của dân ta rất mạnh. Ngày nay cứ đám ma là phải mặc đồ tang rộng thùng thình, giấy tiền vàng bạc thì rải đầy đường, không biết để làm chi mà rất tốn kém. Nhiều người cũng thầm biết như thế nhưng ít ai dám làm khác đi. 

Thích đựơc an trú trong cái cũ như con ốc sên muốn nằm yên trong vỏ, người Việt không cảm thấy có nhu cầu thúc bách cần phải tìm tòi cái mới, độc đáo, sáng tạo. Ba ngàn cây số bờ biển mà không có đựơc một nhà hàng hải danh tiếng nào, đất đai là rừng rú mênh mông mà phải nhờ có những ông Tây như Yersin mới tìm ra được Đà Lạt. Không biết hổ thẹn, ta lại còn nghêu ngao ca hát tự bào chữa cho mình bằng thái độ“Ta về ta tắm ao ta. Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”.

Lịch sử văn hiến 4000 năm của ta có nhiều anh hùng và hiền nhân nhưng vắng bóng các nhà tư tưởng, các tríêt gia. Quyển sử đất nước dày cộm như thế mà tìm hoài không ra được một bậc hiền tài nào cất tiếng nói nhận xét đánh giá về Tứ Thư Ngũ Kinh; cho thấy óc sùng bái cổ nhân, sùng bái ngoại nhân, kinh sách Thánh hiền và những điển phạm thái quá đến thành như nô lệ của người xưa. Nói chi đến chuyện nhận xét hay phê bình, người Việt ta thậm chí còn sợ hãi không dám nghĩ ngợi hay  đụng chạm đến những gì mà một bậc được coi là trí tuệ ngoại bang nào đó đã phán và cái đám đông bầy đoàn hỗn độn thời đại đã xưng tụng, tôn kính. Ta không dám và từ đó không hình thành được tinh thần tư duy có suy xét, phê phán và phản biện mọi xác tín, học thuyết, giáo điều tiếp thu từ hải ngoại- trên bình diện cá nhân chí đến tầm dân tộc- mà óc tư duy này lại là yếu tố cần thiết của khoa học, giềng mối của tiến bộ, phát triển.

Vua chúa vì sự ổn định, an toàn, và lợi ích riêng của tộc họ, của bè nhóm; thay vì khuyến khích, phát triển, lại luôn tìm mọi cách, kể cả khắc nghịêt và tàn bạo nhất để cấm đoán triệt hạ từ mầm mống mọi kẻ sĩ trong nước mình làm công vịêc ấy; thế nên tinh thần suy nghĩ phê phán độc lập của dân ta vốn đã suy nhược lại càng suy nhược hơn. Trong lịch sử, Hồ Quý Ly là trường hợp hiếm hoi, có thể là duy nhất, đã đọc lại kinh sách Khổng Tử và dám đặt bút phê bình chúng. Không còn văn bản nào lưu lại để chúng ta có thể biết nhận xét của ông vua đáng kính này có giá trị đến đâu; động cơ của ông là phục vụ cho sự nghiệp chính trị cá nhân hay thuần là học thuật, văn hoá. Tuy nhiên chỉ với viêc làm đầy tính khai phá và cách mạng này, cũng đã đủ để chúng ta khâm phục và tưởng nhớ đến ông. Bài học quan trọng hơn nữa là, vì vịêc làm này mà giới quan lại sĩ phu đương thời ngoảnh mặt không ủng hộ ông. Những kẻ “trung quân bất phụng nhị chúa” đó đành đoạn bỏ rơi ông khi quân xâm lược nhà Minh tràn đến dày xéo nước ta. Dũng cảm cầm quân chống lại kẻ thù, nhưng thế cô, lực yếu, nhà vua của chúng ta thảm bại nhanh chóng và chịu đựng sự trừng phạt nhục nhã đau đớn của giặc. Rất tiếc cho vị vua có tư tưởng cách mạng cấp tiến nhất Á châu thời đó đã không gặp thời; cảm thương cho Ngài đã trót sinh giữa một bầy người luôn sợ đụng chạm đến các Thánh hiền ngoại bang mà họ đã rước về và thờ phụng. Tiếc nuối cho ông đã lao tâm khổ trí hy sinh tất cả cho sự nghiệp chấn hưng đất nước, đem an vui hạnh phúc đến cho giống nòi nhưng thần dân của ông đã thà là làm nô lệ cho giặc còn hơn ủng hộ một người dám làm khác với cái cũ, đi ngược lại niềm tin và sự hiểu biết khô cạn của họ. Họ đã kiên định rồi, ông dám cả gan làm khác đi, thì chỉ có chết mà thôi. Ôi dân tộc Việt Nam yêu dấu của chúng ta, chua xót làm sao!

Mù quáng bám chặt vào những cái xác khô của quá khứ, thế nên khi đón nhận tiếp xúc với điều mới lạ, thái độ của người Việt cũng bộc lộ sự  mù mờ, lúng túng, tiền hậu bất nhất. Cái mới, lạ, thì trước tiên hình như là phải chống cái đã, rồi mọi chuyện sẽ hạ hồi phân giải. Chống rồi, dùng đủ mọi cách rồi mà không dẹp được. Nó cứ tồn tại lù lù ra đó mãi thì lâu dần nó lại biến thành  cái cũ. Đến lúc này thì ta lại chuyển sang chế độ đối xử đặc biệt với cái mới vừa thành cũ, tức là phải đón rước, phải ôm giữ bảo vệ như giữ một cổ vật. “Tống cựu, nghinh tân” theo cách của người Việt cũng có ít nhiều nét độc đáo, ngộ nghĩnh riêng của nó chăng?

Những cái gì mới, lạ vừa du nhập bao giờ cũng bị chê bai, chống đối, bài bác, có khi rất quyết liệt. Chữ Nôm ở giai đoạn đầu từng bị chế giễu là “nôm na mách qué”. Thế nhưng khi chữ quốc ngữ và bút sắt xuất hiện, các ông đồ lại hối hả dùng bút lông sáng tác chữ nôm và miệt thị lối chữ của bọn Pháp Lang Sa. Còn nhiều chuyện nữa, cứ nhớ lại phong trào thơ mới, viết tiểu thuyết theo lối Âu Châu bị chống đối tranh cải ra sao; triều đình ta cấm đoán, bài xích đạo Ky Tô lúc mới xâm nhập nước ta như thế nào.

Sợ cái mới, nhưng một khi đã chấp nhận nó rồi, quen nó rồi thì lại biến nó thành một cái cũ khác, thì lại không muốn đổi nữa, không cần suy xét lợi hại, đúng sai, bảo vệ nó cho bằng được, là một tính cách khá đặc trưng của dân tộc Việt chúng ta chăng? Cái mới luôn khó được chấp nhận, mà đã chấp nhận nó rồi thì buôn ra còn khó hơn gấp bội lần.

Chính vì thế mà khi tiếp xúc với cái mới của ngừơi, ta không có mục tiêu cụ thể, xác định; thường là tiếp thu trong thế bị động, không chuẩn bị. Cái gì cũng để cho tự do tràn vào, rốt cuộc cái tốt điều hay thì không học lại hay bê cái xấu đem về. Giao lưu với Hàn quốc, ta bắt chước được các kiểu thời trang tóc tai quần áo và màu sơn môi tai tái dị hợm của họ, thay vì phải học tinh thần làm vịêc kỷ luật và hy sinh cho sự giàu mạnh của đất nước. Quan hệ với Âu Mỹ, thì ta chạy theo các kiểu ăn chơi phóng túng, cuồng loạn, hưởng thụ vật chất, lối sống cá nhân; còn những thành tựu khoa học, xã hội, nhân văn tiên tiến, những nhân tố đã đưa họ vươn lên mau chóng là những quốc gia đứng đầu thế giới, thì ta lại bỏ qua không quan tâm đến.

Trước những thời khắc quyết định của lịch sử, người Việt ta thường lừng khừng, lưỡng lự không dám quyết đoán ngay. Không nhạy bén đánh giá chính xác và nắm bắt thời cơ một cách kịp thời, thường bỏ rơi những dịp  may và vận hội, ta thích làm mọi vịêc theo kiểu từ từ, vừa làm vừa nhìn quanh quất xem thiên hạ làm ăn ra sao. Hình như dân tộc ta cứ khoái sống cảnh “Trên trời có đám mây xanh, ở giữa mây trắng chung quanh mây vàng”, mà bỏ qua hiện thực cuộc sống phồn thịnh không ngừng trôi đang biến động từng giây phút trứơc mắt.

Do ôm ấp bám chặt với cái cũ, rào giậu ngăn sân với cái gì chưa quen biết, ngừơi Việt luôn bị bỏ rơi khá xa so với trình độ chung của thế giới. Đến tận hôm nay, các tác phẩm danh tiếng của nền văn minh nhân loại vẫn chưa đến được nứơc ta. Đọc sách thì ta biết ông Platon ở thời cổ đại Hy Lạp, biết ông có lưu lại tác phẩm “Cộng hoà” nhưng nguyên tác thì chưa một lần nhìn thấy. Ta biết nhiều người nữa, như Aristote, như Edison, Thoreau…nhưng tác phẩm của họ thực sự viết gì trong đó thì hầu hết người Vịêt hiếu học đều bó tay chịu thua, không biết kiếm đâu ra mà đọc. Trong thời đại của nền văn minh tri thức, của bùng nổ thông tin, của internet, vậy mà kho tàng tinh hoa của văn minh nhân loại vẫn còn xa lạ với hầu hết người Việt, quả là điều rất đáng tíêc, và không thể chấp nhận được. 

Do vậy mà chẳng lạ là vì sao tầm nhìn của ngừơi Việt luôn luôn hẹp hòi, thiển cận, thiếu sâu rộng. Nhắc lại chuyện thơ Đường, phải một thời gian khá dài sau khi hết thời Thịnh, đến Vãn Đường rồi các cụ của ta ở đây mới tập tành làm theo. Trường phái hiện thực trong văn chương cũng thành hình ở Âu Châu sau gần hai trăm năm mới đến nước ta; vậy mà lúc ban đầu cũng bị chống đối kịch liệt. Hiện nay, khi các trào lưu văn học thế giới hậu hiện đại phát sinh như nấm mối ở Tây phương trong thế kỷ 20 như Cấu Trúc, Tân Hình Thức…đã đến hồi rụi tàn thì tại VN, nhiều người trong giới văn nghệ vẫn còn hoang mang mù mờ và đầy nghi kỵ những trào lưu xa lạ ấy.

Lịch sử chứng minh đã quá rõ, thực tế cuộc sống trước mắt cũng đã dạy ta quá nhiều bài học cay đắng và da diết. Từ phạm vi một cá nhân cho đến toàn xã hội, thực ra đều rất cần phải thường xuyên xem xét lại mọi tín điều, chính trị cũng như tôn giáo, những gì trong quá khứ đang đè nặng và cản bứơc dân tộc ta, những gì tốt đẹp cần phải bảo vệ, phát huy, truyền bá. Không có bất cứ vị thánh nhân hay học thuyết nào đủ sức giải quyết mọi vấn đề của nhân loại một cách toàn triệt và vĩnh viễn được. Thật vô lý khi bảo Phật Thích Ca phải chịu trách nhiệm về tình trạng kém phát triển và mất dân chủ đang diễn ra tại Miến Điện. Cũng hơi khùng khi cho rằng nạn kẹt xe và ngập lụt tại các thành phố lớn hiện nay là lỗi của Adam Smith... Mỗi một học thuyết khi ra đời chỉ có khả năng giải quyết tốt nhất những vấn đề cụ thể trong một không gian thời gian cụ thể nào dó mà thôi. Vượt quá cái bối cảnh thời vị đó, một lý thuyết được xem là rất hữu hiệu ở nơi này, có thể trở thành thảm hoạ cho nơi khác. Ý thức một cách sâu sắc vấn đề này, luôn có thái độ phản tỉnh, xem xét đánh giá lại mọi vấn đề kịp thời ngõ hầu có thể đề ra các biện pháp điều chỉnh, sửa sai, hoặc vứt chúng đi. Không sợ hãi và phản ứng tiêu cực trước cái mới vừa du nhập, nhưng cũng không mù quáng đón nhận chúng mà không dám phán đoán, phê bình.

Lại chợt nhớ một câu chuyện xưa, ông Chu Thuấn Thủy, tôi thần nhà Minh. Do chưa hiểu cách thức “ôm cũ sợ mới“ rất đặc biệt của người Việt, ông định đem sở học uyên bác của mình ra mà giúp chúa Nguyễn dựng nên cơ nghiệp. Chúa thấy ông Tàu này mới quá, và lạ quá, bèn theo nếp cũ, ra lệnh giam ngay chờ ngày…chém. May là ông Tàu này có số không chết yểu, sau được tha. Hoảng kinh hồn vía, ông bay luôn qua Nhật, tại đây ông được đón tiếp khá trân trọng, kế sách kiến quốc của ông được đem ra thi hành. Có tài liệu chép rằng ông đã góp phần rất đáng kể vào công cụôc canh tân Minh Trị và sự cừơng  thịnh của nước Nhật ngày nay.

Giao thừa là thời khắc mà người Việt ta đốt hương để tống cựu nghinh tân theo truyền thống của dân tộc cả ngàn năm qua. Thế nhưng cái cũ nào cần tiễn đưa, cái mới nào cần đón rước vẫn là điều mà người Việt ta vẫn còn mơ hồ, lúng túng, hoang mang, như cả ngàn năm qua. Đón mùa xuân mới, phải chăng đều cần thiết nhất chính là đón một thái độ mới, một não trạng mới ?