SƠN NAM - HÌNH BÓNG
QUÊ NHÀ
Hoàng Anh
Một vài người nói ví von rằng nếu Bình
Nguyên Lộc là con nai ở đồng bằng, thì bút hiệu
Sơn Nam là một ngọn núi ở phía Nam.
Sơn Nam là cây viết rất đa hiệu, người ta gọi ông
là nhà khảo cứu, nhà dân tộc học, Nam Bộ học,
nhà văn hoá, pho sử liệu sống, pho từ điển sống về miền Nam,
nhà văn chuyên viết truyện dài, truyện ngắn, là
người giữ đền cho đất Sài Gòn, Gia Định...
Có một đặc điểm đáng lưu ý: các nhà
văn lớn của miền Nam như Hồ Biểu Chánh, Hồ Hữu Tường, Vương Hồng Sễn,
Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam …đều có năng lực sáng
tác rất sung mãn và đa dạng đáng kinh ngạc. Tuy
nhiên, thường thì mỗi người cũng chỉ thành công
rực rỡ ở một lãnh vực nào đó mà thôi; với
nhà văn Sơn Nam, đó là truyện ngắn. Không nhiều
bằng Bình Nguyên Lộc (khoảng 1000 truyện), nhưng số lượng tác
phẩm của ông cũng ít ai bì kịp: khoảng 300, trong số
đó đặc sắc hơn cả là tập Hương Rừng Cà Mau, vỏn vẹn
chỉ 18 truyện, được xem như là một tập cảo thơm của nền văn
học đương đại của Việt Nam chúng ta.
Truyện dài của ông không gây được tiếng
vang nào đáng kể. Truyện ngắn, lấy bối cảnh và con người
đô thị làm chủ đề chính, chỉ đạt mức trung bình,
hoặc, có truyện còn dưới cả trung bình ít được
ai nhắc đến. Đó không phải là đất dụng vỏ của ông.
Đời sống chốn kinh kì ánh sáng sôi động và
cuồn cuộn ẩn chứa bao nhiêu thác loạn, lầm than, nhớp nhúa
có vẻ không phù hợp để mô tả bởi một ông
già hồn nhiên hiền lành quê ở miệt U Minh như ông.
Như vậy nói đến Sơn Nam là nói đến nhà
văn chuyên viết truyện ngắn về đề tài nông thôn
ở miền Tây. Mỗi truyện của Sơn Nam là một bức tranh ngôn
từ khắc hoạ sinh động hình bóng của quê hương ông.
Kết hợp hết những sáng tác của Sơn Nam, ta có một bức
tranh hoành tráng, hùng vĩ nhưng thơ mộng phản ánh
đủ sắc thái của đất và người phương Nam. Đó là
một trường thiên tự sự vĩ đại mang tầm vóc sử thi, anh hùng
ca về cụôc Nam tiến trường chinh oai hùng và đẫm lệ của
tổ tiên. Đó là pho tư liệu vô giá về phong
tục, văn hoá, cảnh quan, con người của một thời nay đã mất
đi. Là nguồn tra cứu, là vịên bảo tàng ba chiều
sống động để lại cho những đời sau; nơi mà hình ảnh, tiếng
nói của ngươi xưa như còn vang vọng và hiển hiện mãi
mãi trong tâm thức của người dân nước Việt.
Miền Tây, từ lâu được biết đến như là vựa lúa
của cả Đông Dương, nơi có những cánh đồng cò bay
thẳng cánh, tôm cá đầy sông, những công tử
xài tiền như nước…Hai chữ miền Tây dường như luôn có
một âm vang sống động, tươi vui; gợi lên hình ảnh
của sự phì nhiêu, sung túc, ấm no.
Nhưng có một miền Tây với hình ảnh khác,
nhiều khi tương phản, đó là miền Tây của một trăm, hai
trăm năm trước. Một miền Tây hoang sơ, khắc nghiệt, lau sậy chen chút
cùng lúa mạ xanh non; tôm cá đấy, mà cọp
sấu cũng chờn vờn rình rập; nước ngọt đấy, mà phèn chua
và nước biển theo mùa, cũng tràn vào làm
mặn đắng chén cơm…
Đó là miền Tây của thời khẩn hoang, của những lớp
lưu dân đầu tiên, một miền Tây đã lắng đọng như
những lớp phù sa nê địa sâu dày tạo nên niềm
cảm hứng dồi dào, mạnh mẽ trong lòng SN và trở thành
chất liệu sáng tác không bao giờ vơi cạn nơi ông.
Nói là chuyên viết về miền Tây, nhưng
thật ra Sơn Nam chỉ viết nhiều về phần đất cuối cùng của tổ quốc:
vùng đất U Minh, quê hương sinh thành của ông. Đọc
tác phẩm của ông, không khác nào đang xem
một bộ phim ký sự về vùng châu thổ sông
Cửu Long, đoạn từ Kiên Giang, Rạch Giá đổ xuống Cà Mau,
ra tận ngoài khơi vịnh Xiêm La. Trên màn ảnh dần
dà hiện lên những cánh đồng mênh mông bát
ngát; những dòng sông rộng lớn cuồn cuộn đổ trôi
về biển; dòng sông ấy hiền hoà thơ mộng, nơi có
những chiếc thuyền chèo ngân nga câu hò đối đáp
những đêm thanh vắng ( Con Bảy đưa đò); cũng có lúc,
mùa nước nổi, sông tràn bờ chìm lấp xóm
làng, đồng lúa như một cái biển mênh mông
không thấy bến bờ ( Một cụôc biển dâu, Mùa len trâu…).
Theo dòng chảy của những con kênh, con rạch chằng
chịt chạy dài hun hút vào vùng tối tăm
lạnh lẽo, ta lạc bước vào những khu rừng tràm âm u và
mênh mông, bỗng nhiên lộ ra trước mắt một vùng hoa
mật trắng xoá đẹp như cảnh Đào Nguyên (Hương rừng); ta
ngỡ ngàng khi trước mắt là một ngôi nhà cổ nguy
nga bị rêu phong của thời gian bao phủ (Hương Rừng), hoặc một cụm nhà
chỉ có vài căn chòi xơ xác dầu dãi nắng
mưa (Chuyện rừng tràm). Hai bên dòng nước lẳng lặng chảy
xuôi về biển lớn, là những xóm làng heo hút,
tiêu sơ, nơi có bao phận người tần tảo, khổ đau, vui buồn số
kiếp của những cây tràm, cây mắm. Họ làm nhiều
thứ công việc để mưu sinh, nhiều vịêc lạ lùng, ngộ ngĩnh
có khi ta chưa nghe nói đến bao giờ : ăn ong, phát cỏ,
xay lúa, chặt cây, làm lúa ruộng Lò Bom,
đươn Cà Ròn…Trên vùng đất phì nhiêu
tôm cá, rắn rùa đầy sông rạch… họ không chết
đói nhưng quá nghèo và cơ cực.
Một đất nước mà hai phần ba diện tích được bao phủ
bởi rừng, thì hình ảnh của rừng khó mà thoát
khỏi ánh mắt của nhà văn để họ không đưa chúng
vào tác phẩm. Trong sáng tác của Bình
Nguyên Lộc, Lý Văn Sâm… người đọc như lạc bước vào
những cánh rừng già dày đặc.Thế nhưng những cánh
rừng ấy sẽ không làm độc giả các vùng khác
quá ngạc nhiên, bởi cũng những cây to và cao lớn
hàng trăm năm ấy, cũng những dây leo chằng chịt, cũng những
loài thú dữ như rắn, cọp, heo…như ở quê hương họ. Rừng
trong tác phẩm SN thì khác, mà hương sắc nơi
đây thì lại càng khác nhiều nữa. Không ở
đâu mà có được cảnh rừng như thế này:
“ Tôi sinh ra ở vùng
đất U Minh, nơi đó là những cánh rừng tràm bạt
ngàn kéo dài từ Rạch Giá qua Sóc Trăng,
Bạc Liêu về đến tận Cà Mau. Tôi bắt đầu sự nghiệp víêt
lách bằng những truyện ngắn vào năm 1955 trên văn đàn
Sài Gòn để từ đó Mùa len trâu, Hương rừng
Cà Mau…được viết ra từ kí ức quê nhà mãi
mãi không bao giờ phai nhạt. Trời sinh ra cây tràm
thật là kỳ diệu, nó bám chặt rễ trong sình, chìm
ngập trong nước mà vẫn mạnh khoẻ vẫn sinh sôi nẩy nở để giữ
mãnh đất bồi cho quê hương và giữ người cho đất. Chẳng
nơi nào có được những ngày rừng tràm nở rộ hoa
trắng mênh mông trùng trùng điệp điệp quyến rũ
cơ man hàng vạn bầy ong làm tổ trên cành hút
nhụy hương rừng làm mật ban tặng cho loài người như ở đất U
Minh…”
(Trích lại từ bài víêt về SN của Nguyễn Mạnh
Trinh, nguồn internet)
Đứng ở vùng đất mũi, gió biển bốn phương lồng lộng
thổi về, trước mắt ta là những rừng tràm xanh ngút mắt,
oằn nghiêng thân mình trong gió bảo mà sao
vẫn reo lên vi vu tiếng nhạc hân hoan, phơi phới. Hình
ảnh cây tràm, cây đước đôi khi được người ta ví
như hình ảnh của người nông dân Nam bộ: trông lam
lũ, vất vã, nhưng cũng đầy nghị lực và ý chí.
Bức tranh phong cảnh của SN do vậy thường hiện lên
những làng xóm nhỏ, một cù lao ở ngoài khơi xa,
dăm xóm nhà giữa rừng…là những đối tượng được nhà
văn đặc tả khá công phu như làm tăng thêm sự tương
phản tang thương của cuộc bể dâu. Trên cái nền của một
không gian bao la, nơi trú ẩn của các nhân vật
của SN, bối cảnh diễn ra cốt truyện lại thường nhỏ và hẹp đến nghẹt
thở. Đó là chiếc xuồng mà đứa bé mồ côi
phải lênh đênh trên biển nước suốt mấy ngày đêm
(Một cụôc bể dâu). Đó là cái lưng trâu
mà thằng bé phải ngồi qua mùa nước nổi (Mùa len
trâu). Đó là căn chòi giữa nơi hoang vắng
của một người mê đọc báo (Tình Nghĩa Giáo Khoa
Thư). Là ngôi miểu bỏ hoang trên lưng chừng núi
âm u(Dãy Cô Tô)...
Và không còn có thể nhỏ hẹp hơn nữa,
chính là những chiếc nóp, một vật dụng gắn bó
thân thiết với người nông dân thời đó. Có
thể nói đây chính là sáng tạo tuyệt vời
đã góp phần to lớn vào thành quả của cụôc
mở nước của nhà nông Nam Bộ. Nhờ nó, người ta có
thể chống lại muỗi mòng, mưa nắng, rày đây mai đó
hay mạo hiểm chốn rừng sâu.
“Nghĩ vậy, tôi trải chiếc
nóp lên nền miễu rồi lấy cái khăn tắm đắp lên mặt.
Chun vào trong nóp thì ấm áp nhưng rủi có
người tới ám hại, làm sao tôi xoay trở kịp? Nằm trong
nóp chẳng khác nào gói xác mình
trong hòm.” ( Dãy Cô Tô,tr.144)
Tình yêu, hôn nhân, tuần trăng mật, có
khi cũng chỉ là chiếc nóp đó thôi:
“ Giáo Trích và
cô Tư Hạnh xúm nhau xây tổ uyên ương, dựng thêm
bốn phía vách, đề phòng những cặp mắt tò mò.
Đêm đêm, họ ngủ chung trong một chiếc nóp. Cả hai đều
không cảm thấy lạnh lẽo mặc dầu sương xuống, đọng giọt rơi lộp độp
trên mái lá.” ( Aên to xài lớn, tr.175,
HRCM )
Con người nằm trong nóp, khác gì con sâu
nằm trong tổ kén. Khi chết, nóp là chiếc áo quan
theo người xuống huyệt lạnh.
“ Hai chiếc nóp gói
kín xác kẻ bạc mạng. Bà hai vào nhà rút
mười sợi dây choại, chuyền xuống. Sau rốt, hai ông bà
lụm khụm khiêng xuống xuồng cái thớt trên của cây
cối xay lúa cũ.” (Một cụộc bể dâu, tr. 153,
HRCM)
Những người sống ở đô thị thụ hưởng thừa mứa tiện nghi.
Nào là nệm ấm, chăn bông, máy lạnh…đọc lại những
trang văn mô tả cụôc sống cơ hàn quạnh quẻ của cha ông,
chắc khó ngăn được chút bàng hoàng, ngạc nhiên
và chan chứa niềm cảm thương.
Đặc tả những không gian nhỏ hẹp buồn thảm với những gam
màu xám xịt u tối trên cái phông nền xanh
tươi bát ngát là một trong những thủ pháp
quen thụôc và tài tình của Sơn Nam. Sự tương phản
đã làm nổi rõ số phận của cả một lớp người trên
vùng đất ấy. Và hơn nữa, còn là của cả một dân
tộc, một dân tộc buồn thiu trên dãi đất đẹp như gấm như
hoa.
Nhân vật luôn bị ám ảnh bởi những không
gian hẹp, vừa hẹp lại vừa ngột ngạt, vừa căng thẳng bởi tính chất
tạm bợ, bởi cảm giác bị đè nén của những người nghèo
nàn hay những khách thương hồ rày đây mai đó.
Tính chất tạm bợ càng khiến cho những căn chòi, chiếc
nóp thêm phần ảm đạm. Mỗi người một cảnh ngộ, họ đến họ đi,
xiêu tán, giạt trôi như những dề lục bình trổ đầy
hoa tím bềnh bồng trong sóng nước. Tất cả tạo cho ta cảm giác
mong manh của hạnh phúc, của kiếp người nhỏ nhoi lạc lõng trong
vũ trụ bao la này. Tồn tại trong không gian chật hẹp tồi tàn
ấy, thế nhưng điều đáng ghi nhận là con người vẫn bằng lòng
với thân phận và số kiếp của mình, vẫn an bần lạc đạo
như thường. Họ không oán trời, trách đất hay khóc
than cho số kiếp. Nhờ vậy mà trên dòng sông mênh
mang lặng lờ trôi ấy, những câu hò, điệu hát cứ
ngân dài, man mát, du dương…
Miêu tả nét đẹp phong cảnh, có vẻ như không
phải là điều đăỉc sắc trong bút pháp của Sơn Nam. Ông
không tả cảnh, nhất là tả tỉ mỉ từng chi tiết, mà thường
chỉ kể, hoặc phục dựng bằng nhiều cách thức khác nhau để chúng
ta mường tượng ra cảnh ấy một cách sống động. Ông không
là nhà hoạ sĩ vẽ tĩnh vật, cảnh của ông như luôn
đầy ánh nắng, sóng và gió chan hoà
gây nên ấn tượng sắc mạnh trong tâm hồn ta.
Viết về miền Tây thì đã có rất
nhiều người làm rồi, nhưng tái hiện một cách bao quát,
rộng rãi vùng đất này với mọi sắc thái, chiều
sâu, những góc khuất của nó, làm cho phong cảnh
có “hồn”sâu đậm, lại bằng lối văn kể chuyện hơn là miêu
tả, thì có thể nói SN đã làm được nhiều
điều hơn một số nhà văn khác.