OAN KHIÊN MỘT PHẬN NGƯỜI
(Tặng anh NGUYỄN HỮU LÂM, một người đã nằm xuống )

Hoàng Anh


Đúng như câu nói : “Hãy xin sẽ cho, hãy tìm sẽ gặp”, sau những cố gắng tìm kiếm trong nhiều năm, cuối cùng thì chúng tôi cũng tìm cách liên lạc lại được với Lâm. Hôm đó, chuẩn bị bia và một ít mồi, Tâm làm trưởng đoàn, chúng tôi chất nhau cả đám lên xe đi thăm anh. Qua khỏi cầu Ông Cộ, đến ngã tư Phú Thứ, quẹo trái, chạy vài cây số nữa thì đến nhà anh. Căn nhà mới cất chưa bao lâu, khá tươm tất, vén khéo, chứng tỏ chủ nhân đã bỏ khá nhiều công chăm sóc. Trong nhà, ấn tượng nổi bật là chiếc lư đồng sáng chói trên bàn thờ, tạo nét trang nghiêm, và cũng báo cho khách biết chủ nhà là những người mộ đạo, sùng kính Tổ Tiên, Trời Phật. Đây là một vùng thôn quê, êm đềm, thơ mộng trong vẻ mộc mạc, an phận của kiếp nhà nông. Anh đang sống chung với mẹ và một người vợ trẻ, hiền hậu, lui cui dưới bếp lo làm cơm cho chồng đãi khách.

Buổi trùng phùng, sau ba mươi năm xa cách, rất vui, nhất là cụôc trùng phùng sau bao nhiêu thăng trầm biến động kinh hoàng, người còn sống không hiểu tại sao mình có thể còn sống, và không nghĩ rằng có ngày còn gặp lại nhau.

Bia rượu lại làm tăng thêm cảm giác trào dâng buổi hôm ấy. Người ta tranh nhau nói, kể, ôn lại những gì đã xảy ra mấy mươi năm qua.    

Lâm sinh năm 1952, là học sinh khoá 10 Trịnh Hoài Đức
, anh vào trường chỉ có năm cuối bậc trung học (anh từ An Mỹ chuyển về). Ngay năm đầu tiên đó, anh đựoc bầu làm Tổng Thư Ký Ban Chấp Hành Ban Đại Dịên Học Sinh. Chỉ một năm học, nhưng để lại nhiều dấu ấn, hệ lụy sâu đậm trong tâm hồn anh, mà có lẽ, anh đã mang theo xuống tuyền đài, chưa tan.

Lâm học võ cổ truyền với thầy Năm Hí ở gần cầu Mới, đường Nguyễn Tường Tam, xã Phú Cường, nay là đường Ngô Chí Quốc. Ông Năm Hí là thầy võ có tiếng, trong lò của ông có nhiều cao đồ, như anh Tám Tiệm (đã mãn phần). Lâm cũng thuộc vào số môn sinh thâm niên ở đây. Đồng môn thân thiết của anh có Phạm Phước Tâm, nhà ở đường Ngô Quyền. Lâm có thể hình lý tưởng cho con nhà võ, Tâm người thấp nhỏ hơn anh nhưng bù lại rất nhanh nhẹn và sáng dạ nên được thầy truyền cho nhiều độc chiêu hơn Lâm.

Mấy năm sau cả hai đều đi lính. Lâm ngành an ninh, Tâm đi truyền tin. Lâm có qua Mỹ thời gian để tu nghiệp về khoá Mưu Sinh Thoát Hiểm. Về nước, có lúc anh là giảng viên cho các sĩ quan ngành không quân, có vị cấp bậc thiếu tá, trung tá… Nhờ vậy tuy chỉ là thiếu úy, Lâm có quan hệ khá tốt với các sĩ quan trong binh chủng này.

Những tháng đầu năm 1975, Tâm đang ở Pleiku, có lệnh triệt thoái. Tình hình rất căng thẳng và hỗn loạn. Lâm tìm mọi cách huy động được một chiếc trục thăng lên Pleiku đón bạn. Chiếc trực thăng quần thảo tìm cách liên lạc với Tâm nhưng không được. Vì Lâm, viên phi công đã liều mình đáp xuố
ng ngay căn cứ của Tâm thì mới biết anh đã theo đoàn người tháo chạy rồi. Mấy tuần sau thì Tâm vượt thoát được con đường địa ngục tả tơi về đến Nha Trang tìm gặp Lâm. Anh ở đây ít hôm thì Lâm lại bảo phải chuẩn bị lên máy bay về Sài Gòn. Đây là chuyến bay cuối cùng, Lâm đã cố gắng dàn xếp để Tâm và một số bạn cũ, trong đó có chị Nguyễn Hữu Hiệp, chạy về từ Đà Lạt được trở lại Bình Dương.

Vào những ngày cuối của tháng tư, một buổi vừa mờ sáng Lâm bước vào căn nhà Tâm ở đường Ngô Quyền thúc giục Tâm nhanh chóng ra đi. Cầm cái túi xách nhỏ, Tâm từ giã mọi người
rồi bước lên chiếc xe jeep đậu sẵn bên lề, chiếc xe lao vút đi. Lâm chở Tâm xuống phi trường, đưa Tâm đi qua  cổng, xong anh quay trở lại vì còn phải giúp vài người khác. Khi xong việc, quay vào thì cửa phi trường đã đóng hoàn toàn, không còn ai có thể ra vô. Số phận hai người bạn từ đây lạc vào những nẻo đường khác nhau.

Do biết đôi chút về tướng pháp, quan sát sắc diện trên khuôn mặt của Lâm, tôi lo âu nói, nhìn khí sắc của anh, thì lục phủ ngũ tạng của anh đang bị tổn thương nghiêm trọng lắm rồi, anh có chạy chữa gì không. Đang vui, anh bổng buôn tiếng thở dài, nói, có chứ, tôi đang điều trị  thuốc Bắc với một thầy ở Chợ Lớn. Rồi anh chậm rải kể cho chúng tôi nghe khoảng thời gian dài mười lăm năm mà bạn bè không ai nhìn thấy anh. Anh đã nếm trải tất cả những gì kinh hoàng nhất, mà kể ra, nay có người chắc vẫn không tin nổi rằng đó là sự thực, rằng trong cỏi người ta sao lại có những điều như vậy, rằng ai cũng biết kiếp người phù du, mong manh, nhưng sao những năm tháng được làm ngừơi ngắn ngủi, con người lại đối xử với nhau khắc nghiệt như thế. Tôi hỏi nếu vậy thì làm sao anh có thể còn sống được, anh đáp, trong những giây phút cận kề với cái chết, lòng ham sống bỗng bùng dậy mạnh mẽ trong tôi, và tôi nổi lên ý nghĩ rằng bằng mọi giá mình phải sống, mình không thể chết đựoc. Chính nhờ ý chí ấy mà tôi tồn tại tới ngày hôm nay. Lời nói của anh làm tôi nhớ ngay tới một người, anh Thái Phi Kích, vì sự trùng hợp đến kỳ lạ giữa hai hoàn cảnh và hai câu nói ấy.

Thái Phi Kích quê ở Phan Thiết, cấp bậc đại úy, là bạn khá thân với nhà văn Y Uyên, ngày Y Uyên chết, chính anh là người đã đến ngọn núi định mệnh ấy để lãnh xác Y Uyên về. Thời điểm 75, khi chuẩn bị bước xuống tàu để ra đi, anh nhớ đến người vợ trẻ, đến đứa con thơ, đến đứa con còn nằm trong bụng mẹ, anh quyết định ở lại. Sau đó anh chịu đựng tất cả những gì xảy đến cho anh, gần 22 năm sau anh mới trở về. Khi anh vào Bình Dương để thăm Nguyễn Hiếu Học và tôi, tôi hỏi làm sao anh có thể sống, anh cũng nói giống một câu, gần nguyên văn như Lâm đã nói. Một điều giống nhau nữa ở hai người
, đó là sự thâm trầm, bao dung, không hằn học hay cay cú, ngựoc lại họ rất yêu đời, tha thiết, dù tất cả những nghiệt ngã mà cụôc đời đã trùm phủ lên thân phận của họ. Ít năm sau thì anh Kích chết. Điều an ủi lớn nhất đời anh là người vợ chung thủy, đảm đương. Là hai đứa con giờ đây đều thành đạt, nên người, và anh có thể gặp lại một ít bạn bè ngày xưa.

Lâm thì không như thế, thử thách của số phận không dừng lại khi anh trở về. Anh tiếp tục phấn đấu nhiều để xây dựng lại tất cả, trên những đổ vỡ, chia lìa. Đáng khâm phục là anh đã thành công, và có được cụôc sống hạnh phúc bình dị, gỉan đơn trong lặng lẽ, như chúng tôi đang thấy.

Từ giã anh ra về, trứơc khi chia tay tôi hẹn ngày sẽ sớm gặp lại. Thế nhưng sau đó năm lần bảy lượt, tôi đã không thể lên nhà anh, kể cả ngày đám tang của anh. Tối hôm đó khi gặp nhau, nhà thơ Chu Ngạn Thư nói tôi vừa mới đi đám ma thằng Lâm về. Tôi sững sờ. Ngay lúc đó tôi lập tức gọi điện báo tin cho gia đình của Tâm biết để sáng mai đi cúng đám ma. Tâm hiện sống ở Mỹ, khá thành đạt, hiện đang làm chủ một biệt thự rộng lớn, nguy nga. Nghe tin này, tôi biết anh buồn lắm, nỗi buồn chắc không thể diễn tả bằng lời.

Phần tôi, tôi cứ nhớ Lâm mãi. Tôi hối tiếc vì đã biết anh không thể sống lâu, vậy mà cứ lần lử
a mãi, cứ như mọi chuyện sẽ tồn tại y nguyên để chờ đợi tôi. Đời sống vô thường, điều gì anh muốn làm thì phải làm ngay đi, kẻo không kịp. Ngày mai hay đời sau, không ai biết được cái nào sẽ tới trước. Những lời khuyên ấy tôi thuộc nằm lòng, vậy mà làm theo thì qúa ít. Tôi nhớ anh, hình ảnh buổi sáng trời còn mờ tối, trong bộ quân phục gọn gàng, trông rất oai hùng, vẻ mặt khẩn trương, ít nói, lặng lẽ bước lên chiếc xe jeep. Tôi nhớ anh, buổi trùng phùng ba mươi mấy năm sau. Anh vui mừng, nụ cừơi hồn nhiên như tuổi thơ. Anh kể chuyện, giọng nói hiền hoà, đầy vẻ nhân từ, chứa chan bao nổi niềm không thể nói hết. Giọng nói và cách nói ấy, kết tinh của cả một một cụôc đời. Nghe giọng nói ấy, tôi như nghe lại từng khúc phim của đời anh. Anh cũng có một thờ trai trẻ hiếu thắng, nông nổi. Có một thời yêu đương nồng nàn, lãng mạn, có những lúc phụ tình và bị tình phụ. Có những năm tháng hào hùng, mã thượng, hy sinh lo lắng hết cho bạn bè quên cả thân mình. Có những năm bất khuất, kiên cường, chịu đựng tất cả oan khiên để tồn tại. Có những ngày an vui với những hạnh phúc nhỏ nhoi, nhưng cũng vội tàn.

Vào những ngày cuối trứơc khi lìa đời, anh lại nhớ đến mái trường 
Trịnh Hoài Đức, thiết tha mong gặp một người bạn cũ, nhưng vậy mà cũng không thành. Anh nhắm mắt trong vòng tay của H., người bạn đã học chung với anh năm lớp 12, hy vọng cũng ấm áp lòng anh đưc đôi chút. Đó là đêm mùng 4 tết năm 2007.

Người Việt ta hay nói, nghĩa tử là nghĩa tận. Càng sống, càng nhận thấy câu nói ấy quá hay. Sự bao dung, tha thứ cần thiết cho cụôc sống của con ngừơi hơn những điều khác. Tôi còn nhớ hai câu thơ: “Ta già đâu để bụng. Lỗi lầm thời xa xưa.” Bài thơ diển tả cảnh một người lính Mỹ về thăm lại địa đạo Củ Chi, gặp một người du kích già ở chiến trường xưa, họ uống rượu đế với nhau, cười đùa vui vẻ, quên hết hận thù.

Tôi có làm bài thơ, chép ra đây, thay cho nén nhang thắp cho anh. Tựa bài, tạm đặt : “Sao anh vội ra đi?”. Trích đoạn:

Rồi một hôm anh về
Với tấm thân tàn phế
Nắng vàng trên lối quê
Chim vui mừng kể lể

Ba  mươi năm biền biệt
Thầm thì nói nhau nghe
Tha thứ phường gian dối
Nâng ly mừng bạn bè

Ba  mươi năm biền biệt
Anh kể như chuyện chơi
Qua đêm dài tăm tối
Lại nghe lòng thảnh thơi

Tình chưa vơi nhung nhớ
Cửa nhà ai vừa mở
Cửa trần gian khép liền
Hay là anh hết nợ?

Ba  mươi năm xa cách
Không làm ai chết đi
Nay ngày vui mới gọi
Anh đã vội chia ly

Vợ con anh đang khóc
Bạn bè đêm uống say
Cùng nhắc bao nhiêu ngày
Kỷ niệm nằm lăn lóc
 
Mùa xuân lại vừa về
Mộ anh đà xanh cỏ
Đứa con bị ruồng bỏ
Nằm giữa đồng nhớ quê.

(2008)