NHỮNG NGƯỜI MANG TÊN
CỌP TRONG VIỆT SỬ
HOÀNG ANH
Cọp còn có nhiều tên gọi khác nhau như ông
ba mươi, hổ, hùm…Năm con cọp được gọi năm Dần…Hổ, có lẽ là
tên gọi sang trọng nhất nên trong lịch sử cũng như ngoài
đời, có nhiều người tên Hổ mà hiếm thấy ai có
tên trong giấy khai sinh là Cọp. Mở sách sử ra xem lại,
lại thấy có nhiều nhân vật tên hổ, xin ghi ra đây,
đọc lai rai cho vui trong ba ngày tết, nhưng cũng có thể, từ
đấy học được nhiều tấm gương tốt của thời xưa.
Bùi Cầm Hổ
Ông là một danh thần đời Lê Thái Tông, không
rõ năm sinh, năm mất, quê làng Đỗ Liêu, tục gọi
làng Treo, huyện Thiên Lộc (sau đổi là Can Lộc, tỉnh
Hà Tĩnh)
Truyền thuyết kể rằng một hôm cha ông nằm mộng thấy có
con hổ gầm trước sân nhà, sợ quá giật mình tỉnh
dậy thì vừa lúc mẹ ông sinh ra ông, vì vậy
đặt tên cho ông là Cầm Hổ.
Năm Giáp Dần (1434), ông được bổ làm Ngự sử trung thừa.
Người tuổi cọp, gặp năm cọp, không biết có phải nhờ vậy mà
đắc cách. Khi làm quan, ông là người khẳng khái
không biết khiếp sợ quyền uy, luôn có lời nói thẳng.
Gặp điều đáng khuyên vua, ông mạnh dạn trình bày
ý kiến của mình. Trong triều có quan đại thần Lê
Sát là người nắm giữ triều chính ỷ thế lộng hành,
ông dâng sớ vạch tội, vì vậy mà bị đổi lên
Lạng Sơn làm An phủ sứ. Đến khi Lê Sát bị hạ bệ; ông
được triệu về đô làm Đô ngự sử như cũ.
Về sau, ông được thăng đến chức Tham tri chính sự, ít
lâu thì mất.
Gần nhà ông ở dãy núi Hồng Lĩnh, dân chúng
có lập đền thờ dưới núi Bạch Cao. Các triều vua
đều phong ông làm phúc thần.
Lê Quí Đôn, trong Kiến văn tiểu lục nhận xét về
ông: “Hồi Lê sơ, vì sau khi loạn lạc, nho sĩ thưa thớt.
Người đem thân chầu chực trong triều đường Nguyễn Thiện Tích,
Bùi Cầm Hổ, phần nhiều bộc lộ chí khí sáng suốt,
có những lời nói qủa cảm.”
Cống Quí Hổ
Ông quê làng Mục Hòa, tỉnh Cao Bằng, sinh vào
thời Lê Thần Tông.
Khoảng năm Vĩnh Thọ (1658-1661) họ Mạc chiếm giữ tỉnh Cao Bằng, ông
không phục, bèn lãnh đạo dân hai tổng Thượng Pha
và Phục Hòa dấy binh khởi nghĩa. Ông tự xưng là
Thiên Hòa đóng giữ ở thành Phục Hòa. Quân
Mạc tiến quân tiểu trừ, sau nhiều trận giao tranh dữ dội, ông
không chống nổi bị giết chết.
Tương truyền sau khi ông mất, có loài chim lạ xuất
hiện, tiếng kêu ai oán, bi thương. Tin rằng đó là
linh hồn ông đầu thai, dân chúng gọi là chim Thiên
Hòa, để tưởng niệm ông.
Hoàng Cao Hổ
Liệt sĩ đời Tự Đức, không rõ năm sinh, năm mất, quê ở
Trà Vinh, nhiệt tình yêu nước, cùng Mai Đăng Ba
chiêu mộ dân chúng trong vùng khởi nghĩa chống
Pháp
Có dũng lược và mưu trí, ông gây nhiều lo
lắng cho giặc Pháp. Về sau, ông sa cơ, bị giặc Pháp bắt
giết.
Lê Như Hổ
Văn thần đời Mạc, không rõ tên thật, người làng
Tiên Châu, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên.
Có văn tài và sức khỏe hơn người. Tương truyền là
người ăn khỏe nhất nước ta, nên thường gọi là Như Hổ.
Năm tân sửu 1541, đời Mạc Phúc Hải, đổ tiến sĩ, lúc 39
tuổi. Được phong chức Tả thị lang, phụng mạng đi sứ nhà Minh. Đi về,
được thăng chức Thượng thư, tước Xuân Giang Hầu.
Tương truyền khi đi sứ Trung Quốc ông học được nghề làm dù
và khi về nước truyền dạy lại nghề ấy cho dân ta nên sau
này người Việt tôn ông là tổ làm dù
ở nước ta.
Nguyễn Huy Hổ
Nhà thơ thời Minh Mạng, có tên khác nữa là
Nhậm, tự Cách Như, hiệu Liên Pha, sinh ngày 17-09-1783.
Ông là con thứ hai của Nguyễn Huy Tự (tác giả truyện
thơ Hoa Tiên) và cháu gọi Nguyễn Du bằng chú.
Chán cảnh đời loạn lạc, thường mai danh ẩn tích mãi
đến năm 39 tuổi(1822) mới ra làm Linh đài lang (chuyên
về thiên văn lý số), cũng thường làm thuốc chữa bệnh
cho vua và các quan trong triều, nổi tiếng danh y, danh sĩ.
Năm tân sửu 1841, ngày 08 tháng 10 dương lịch ông
mất, hưởng dương 58 tuổi. Ông sáng tác văn học khá
nhiều, nay còn lưu lại tập thơ Mai đình Mộng Ký.
Phạm Bạch Hổ
Danh tướng cuối đời nhà Ngô, tự Phòng Ất, không
rõ năm sinh, năm mất. quê xã Ngọc Đường, huyện Kim Động,
tỉnh Hưng Yên.
Ông là 1 trong 12 sứ quân trong thời Ngô suy vong,
từng chiếm giữ đất Đằng Châu, sau quy thuận nhà Đinh, làm
Thân vệ đại tướng quân,có công nhiều trong cuộc
thống nhất đất nước thời ấy.
Sau mất ở xã Ngọc Đường và được an táng tại đây.
Vua Đinh sắc phong cho các xã Ngọc đường, Đằng Châu thờ
phụng ông. Đền Đằng Châu được dân chúng gọi là
đền Đức Thánh Mây, nay hãy còn di tích.
Các đời Lí, Trần, Lê đều có sắc phong ông
làm Thượng đẳng Phúc thần.
Phạm Đình Hổ
Danh sĩ đời Minh Mạng, tự Tùng Niên, Bỉnh Trực, hiệu Đông
Dã Triều. Con quan Tham tri Phạm Đình Dư, nên tục
gọi là Chiêu Hổ, quê xã Đan Loan, huyện Đường Hào,
tỉnh Hải Dương.
Ông học rộng biết nhiều nhưng thi không đỗ. Gặp thời loạn muốn
ở ẩn. Năm 1821, vua Minh Mạng bổ nhiệm ông làm Hành tẩu
viện Hàn lâm, ít lâu ông từ chức. Năm 1826,
vua Minh mạng lại triệu ra làm quan, ông nhận lệnh nhưng rồi
chẳng bao lâu sau lại cáo bệnh từ quan. Sau, lại ra nhận chức
cũ và làm cho tới nghỉ hưu. Ông mất năm 1839, thọ 71
tuổi. Ông để lại rất nhiều tác phẩm, nổi tiếng nhất có
Vũ trung tùy bút.
Tăng Bạt Hổ
Tự Sư Triệu, hiệu Điền Bát, quê làng An Thường, xã
Ân Thạnh, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định.
Năm 1872 ông chiến đấu chống Pháp trong hàng ngũ tướng
Cờ Đen Lưu Vĩnh Phúc. Đến 1885-1887, hưởng ứng phong trào Cần
Vương cùng Mai Xuân Thưởng khởi nghĩa ở Bình Định.
Sau ra nước ngoài, trải qua nhiều nước như Trung Quốc, Thái
Lan, Nga, Nhật…năm 1903 về nước, đưa Phan Bội Châu và Dương
Tử Kính sang Nhật Bản, tổ chức phong trào Đông du.
Năm 1906, ông mất trên một chiếc thuyền trên sông
Hương, Huế, hưởng dương 49 tuổi.
Ở đất Bình Dương không có danh nhân tên Hổ,
nhưng có người tên Hùm, tên ông trước đây
được đặt cho con đường nay gọi là Trần Tử Bình, ở phường Phú
Cường, thị xã Thủ Dầu Một. Trước 1975, gần ngã tư cầu ông
Bố có ngôi trường trung học cũng mang tên ông. Ông
là Phan văn Hùm, một người rất đáng nhắc đến ở địa phương.
Phan Văn Hùm
Sinh năm 1902, bút danh Phù Dao, Huỳnh U Mai, Tân Việt,
quê ở Búng, huyện Lái Thiêu, tỉnh Thủ Dầu Một.
Thưở nhỏ học ở Sài Gòn, sau khi đỗ trung học ra Hà Nội
học ngành công chánh. Về Nam, ông không đi
làm mà về quê đọc sách và giao du với nhiều
nhà yêu nước hoạt động cách mạng ở miền nam như Nguyễn
An Ninh, Tạ Thu Thâu, Mai Bạch Ngọc…Năm 1929, ông bị thực dân
bắt, trong tù ông viết quyển “Ngồi tù khám lớn”
vạch tội thực dân Pháp và lên án chế độ
cai trị tàn nhẫn của chúng.
Năm 1930 ra tù, ông sang Pháp du học, chuyên ngành
triết tại đại học Sorbonne. Năm 1933, tốt nghiệp, ông về nước hợp tác
với Nguyễn An Ninh,Tạ Thu Thâu, Nguyễn Văn Tạo, Trần Văn Thạch, Lê
Văn Thử xuất bản báo La Lutte, Đồng Nai làm cơ quan ngôn
luận tranh đấu chống thực dân.
Ông mất đầu năm 1946 tại miền Đông Nam Bộ. Ông để lại khá
nhiều tác phẩm, gần đây được chọn in trong Tuyển tập Phan Văn
Hùm, Nguyễn Q. Thắng tuyển chọn và giới thiệu. Ông có
người con tên Phan Phục Hổ, một liệt sĩ,cũng hy sinh vì nước.
Người Việt xưa tin tưởng mạnh mẽ rằng cái tên có nhiều
ảnh hưởng đến tính tình và cuộc đời của con người.Việc
đặt tên, do vậy được cân nhắc hết sức cẩn thận. Việc ấy trúng
sai chưa rõ, nhưng qua các danh nhân tên Hổ hay
Hùm kể trên, ta nhận tháy họ có vài đặc
điểm đáng chú ý. Thứ nhất, dù là võ
hay văn, họ điều là những người có tính tình
cương trực, khẳng khái và có lòng yêu nước
thương dân. Gặp thời suy tàn, bọn tham quan vô lại lộng
hành, họ dũng cảm cất lên tiếng nói, bất chấp hiểm nguy.
Là văn nhân, họ ẩn mình, chọn nếp sống thanh cao coi
thường thế sự, theo như quan niệm của thầy Mạnh Tử “Được thời thì
làm muôn việc có ích cho thiên hạ, không
được thời thì riêng mình sống thiện”, quyết không
chịu cúi lòn, vì bã lợi danh mà cam tâm
nhắm mắt làm điều nhơ bẩn hại nước hại dân. Thời loạn lạc, quốc
gia lâm nguy, họ từ bỏ địa vị, lợi danh, hy sinh cả tính mạng
để đấu tranh cho đất nước.
Nếu cái tên thực sự có ảnh hưởng hay phản ánh
tính chất số phận của con người, thì ước chi nước ta có
thật nhiều người tên Hổ, tên Hùm, để nước nhà bớt
đi những tên hèn nhát bất tài, lòng dạ
sói lang.
Đến năm con mèo, chắc là ta lại phải chịu khó đọc lại
sử Việt, xem có kiếm được danh nhân nào có tên
tương tự loài vật đó hay không.
Nếu không, thì có lẽ người Việt rất nên chọn chữ
Hổ để đặt tên cho con của mình. Việc ấy nên chăng?
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Tuyển tập Phan Văn Hùm, Nguyễn Q. Thắng, nxb.Văn Hóa Thông
Tin,2003.
2.Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nguyễn Q. Thắng và Nguyễn
Bá Thế, nxb.Văn Hóa, 1997.
3.Từ điển tác gia Việt Nam, Nguyễn Q. Thắng, nxb.Văn Hóa, 1999.
4.Việt Nam sử lược, Trần Trọng Kim, nxb.Tân Việt,1968
5. Việt Nam văn học sử yếu, Dương Quảng Hàm, Bộ Giáo Dục, Trung
tâm Học Liệu,1968.