Nhớ
về Trần Bình Dương
Hoàng Anh
(4-10-2010)
Trần Bình Dương (TBD), cùng với Chu Ngạn Thư, Lý
Lan, Cát Du…thuộc thế hệ những người gốc Bình Dương
và sáng tác từ sau 1975.
Sau khi giã từ nghề dạy học, anh chuyển qua nghiệp văn chương
và gắn bó với chữ nghĩa cho đến ngày cuối của cuộc
đời. Trần Bình Dương vừa làm thơ, vừa viết văn, và
có khả năng ở cả hai thể loại. Với các bút hiệu
khác nhau, anh viết nhiều, đăng rải rác trên
báo và tạp chí địa phương, nay gia đình
và bạn bè chỉ mới sưu tập được một ít: chưa tới
hai chục truyện ngắn và bút ký, với vài
bài thơ. Đó là một mất mát đáng
tiếc, bởi như vậy khó lòng đánh giá văn
nghiệp anh một cách đầy đủ, chính xác. Tuy
nhiên với những gì may mắn còn lưu lại được,
tạm đưa ra vài nhận xét về anh, tuy biết khó
tránh khỏi sự phiến diện và thiếu sót.
Anh có bài thơ dài mang tính phong
trào nói về tỉnh Sông Bé trong giai đoạn sau
1975, tựa đề “Khúc hát quê hương”, lãnh giải
nhất về thơ trong một cuộc thi về văn học nghệ thuật ở địa phương.
Bài thơ ấy làm theo thể lục bát, lời bình
dị, nhưng giàu nhịp điệu, nhiều tứ thơ mới, dạt dào
tình yêu quê hương, chuyển tải được khá đầy
đủ và sinh động những nét tiêu biểu của vùng
đất nơi anh đã sinh ra và sống trọn đời ở đấy:
“Thảo thơm người đến bên người
Múi sầu riêng tự bao đời
ngát hương
Trái măng đỏ, chín
bên vườn
Trắng trong bẻ nửa, tâm hồn
trao nhau
Sông kia ai bắt nên cầu
Cho cau thắm đỏ, cho trầu biếc xanh
Tấm gỗ mà chạm thành
tranh
Đất kia, ai lại nắn thành
bình hoa…”
Ở thể thơ trào phúng, châm biếm, anh cũng có
những bài rất độc đáo; giọng dí dỏm, hài
hước nhưng ý tưởng phản kháng hết sức quyết liệt, cho
thấy một tài năng đa dạng:
“Quan chỉ giả nhân, giả nghĩa
thôi
Về hưu tình cảm mất đi rồi
Cho nên quan quyết ngồi
thêm nữa
Tại chức xong…vào nghĩa địa
chơi”
(Lục Cựa, Quan vẫn chưa già,
1989)
“Bởi thơ
không thể
thét gào hay đuổi
đánh
những con quái vật
hôm qua
bỗng hóa kiếp thành
người”
(Cung Tường Vỹ, Trần Thế Xương, 1997)
Lục Cựa, Cung Tường Vỹ là các bút hiệu khác
của anh. Bài “Trần Tế Xương” mượn người xưa để nói chuyện
mình, có tính tự trào, kín
đáo dàn trải được tâm tư u ẩn của tác giả.
Ở thể văn xuôi, dù là bút ký hay
truyện ngắn vẫn thường lấy bối cảnh là Bình Dương, đầy ắp
các địa danh, tên đường, cảnh trí nơi đây,
thể hiện tình yêu thắm thiết của tác giả với nơi
chôn nhau cắt rốn của mình. Bút hiệu của anh
đã thể hiện khá rõ khuynh hướng sáng
tác đó. Hai bài ký tiêu biểu
là “Đường Hàng Dương” và “Có ai đi chợ
Bình Dương”. Bài sau đầy cảm xúc, độc giả, đặc
biệt những người sống trên vùng đất này vài
mươi năm trước khó ngăn được sự rung động và cùng
với tác giả, thả hồn mình về những kỷ niệm đã mờ
phai trong ký ức:
“Má tôi và
tôi vẫn đi chợ Bình Dương. Bà lụm cụm, già
nua đi tìm một thế hệ của riêng mình đã mất!
Bà cứ ngỡ bây giờ đang vào phiên chợ tết,
cái thời mà pháo nổ ì đùng quen tai.
Ừ, pháo nổ hồi ấy vui lắm, thời của những đứa trẻ như bà
vừa bịt tai đứng bên hè phố, vừa vui mừng la hét
đến khản giọng”
(Trần Bình Dương, Có ai
đi chợ Bình Dương hôn?, Kỷ yếu 20 năm Văn học nghệ thuật
Bình Dương, nxb. Trẻ,2007, tr.540)
“Má ơi! Chợ Bình Dương
rồi sẽ không còn đọng lại trong ký ức.
Nó sẽ tan đi nhẹ nhàng như khói, như sương theo
tuổi già và cái chết của má, một bà
già lụm cụm, nhặt nhạnh bao hình ảnh của quá khứ.
Và rồi, con cũng sẽ như vậy. Mỗi thế hệ nhìn ngắm, ước
mơ, hy vọng những gì thân quen gần gũi với mình qua
lăng kính cuộc đời”
(Trần Bình Dương, Có ai
đi chợ Bình Dương hôn?, Kỷ yếu 20 năm Văn học nghệ thuật
Bình Dương, nxb. Trẻ,2007, tr.541)
Truyện ngắn của anh là sự tiếp nối dòng văn chương Nam Bộ
đã được khai phá bởi các cây bút bậc
thầy như Bình Nguyện Lộc và Sơn Nam. Kết cấu truyện vẫn
theo lối cũ, thích dùng nhiều phương ngữ, lời lẽ ngắn
gọn, giản dị. Trần thuật theo lối kể chuyện hơn là mô tả
hay phân tích tâm lý chi li. Truyện nhiều
biến cố, sự kiện, và thông qua đó tính
cách, tâm hồn của các nhân vật dần dà
được bộc lộ. Tác giả có tài dẫn chuyện,
khéo chọn lọc những điều mới lạ, thú vị và biết
sắp xếp các tình tiết để dựng nên nhiều tình
huống bất ngờ, tạo được sự hấp dẩn, lôi cuốn người đọc. Truyện
của anh là truyện nhân tình thế thái, mỗi
truyện thường chuyển tải cái nhìn của tác
giả về con người và cuộc sống của nó trong một xã
hội còn cách rất xa những gì con người mơ ước hay
hứa hẹn. Đoạn kết truyện chưa đạt được tầm của nhà văn Sơn Nam,
đường hướng sáng tác có vẻ như chưa được định
hình rõ rệt. Khác với hai nhà văn tiền bối,
anh tránh được lối viết luận đề như Bình Nguyên
Lộc, pha trộn chất biên khảo như Sơn Nam, anh hạn chế đưa những
diễn giải lý luận dông dài xen vào truyện,
không khiên cưỡng bắt ép nhân vật hành
động hay lập ngôn thay cho mình.
Trong số những sáng tác của anh, có vài
truyện vượt hẳn lên, cho thấy một tài năng văn chương tiềm
năng chưa phát huy hết: “Hồ Ly Tinh”, “Nhảy qua vòng lửa”
và “Truyền thuyết nghề văn”…
“Hồ Ly Tinh” làm ta nhớ đến “Hát bội giữa rừng” của
nhà văn Sơn Nam, diễn tả cảnh coi hát ở miền quê xa
xăm, gánh hát nghèo xơ xác, đào
kép đói khổ rách rưới, khán giả quê
mùa, chất phác, đầy tình tiết khôi
hài, buồn vui lẫn lộn. Truyện kết bất ngờ, ý truyện
có hơi hướm triết lý, gợi nhiều suy nghĩ cho người đọc:
“Thằng Tư Điển nó điên,
nhưng có hai lần tỉnh. Lần thứ nhất, nó giết con Đắc Kỷ
trên sân khấu mà cứ tưởng lầm là con Đắc Kỷ
ngoài đời. Còn lần thứ hai nó tỉnh, khi cầm lựu
đạn chọn lựa để hy sinh. Bởi lẽ, nó lầm lẫn chuyện giết Mỹ giống
như trên sân khấu, chứ chẳng biết đó là
chuyện cuộc đời…chẳng hiểu có phải đúng như vậy hay
không?...”
(Trần Bình Dương, Nhảy qua
vòng lửa, Kỷ yếu 20 năm Văn học nghệ thuật Bình Dương,
nxb. Trẻ,2007, tr.566)
Trong một xã hội mà các giá trị bị đảo lộn,
thiện ác khó phân, khôn ngu khó biết,
thì chuyện con người hoang mang lầm lẫn giữa sân khấu
và cuộc đời, giữa thực và ảo là điều khó
tránh khỏi. Huống hồ chi, hành động ngây dại của
anh Tư Điển, khiến gây chết người và làm mất cả
mạng sống của anh lại được xem là lúc tỉnh nhứt trong đời
anh, càng làm cho ta thấy sự nhập nhằng mơ hồ giữa tỉnh
và điên. Trang Chu và bướm, ai hóa
thành ai?
Truyện “Nhảy qua vòng lửa” gói gọn trong ba nhân
vật, người huấn luyện thú trong một đoàn xiếc và
hai con gấu: một già và một trẻ. Truyện có kết cục
bi thảm, con gấu già vì lòng ganh tị điên
cuồng đã giết chết con gấu trẻ và cắn trọng thương người
huấn luyện. Sau, nó bị nhốt vào chuồng thú trong
thảo cầm viên, còn chủ nó thành một gả
điên. Thông điệp của truyện khá gay gắt: những kẻ
đã qua thời nhưng không chấp nhận số phận của mình,
cứ nắm nuối với những hào quang trong dĩ vãng và
cố tình kìm hãm những tài năng mới, thậm
chí sẵn sàng tìm mọi cách tiêu diệt
họ, luôn đưa đến những hậu quả tồi. Bài thơ “Quan vẫn chưa
già” của cùng tác giả minh họa rõ hơn
ý này:
“Quan vẫn chưa già đâu,
các em!!!
Ghế quan ngồi, chớ có mon men
…
Mắt quan-ai bảo mơ huyền mờ
Quan nhìn chỗ kín…tỉnh
như bơ
Đêm đêm quan đếm tiền
trong tủ
Chẳng lộn đồng xu sót một tờ…
Quan vẫn tư duy đổi mới hoài
Trong đầu quan thành
tích chẳng phai
Chữ ô, dấu mốc quan còn
thuộc
Hà huống chi đâu
cái chữ tài…?
Ngày nào bọn tham quyền cố vị, vì đặc quyền đặc
lợi cứ tìm mọi cách nhe hàm răng xếu xáo
cắn chặt cái ghế của mình, bất kể liêm sĩ, coi
thường an nguy lợi ích của cộng đồng còn tồn tại,
thì truyện này vẫn còn giá trị. Vở kịch
“Mỗi người một vai” của Lưu Quang Vũ, với những xung đột giữa
các đào kép già trẻ trong một đoàn
kịch cũng cùng chủ đề, nhưng truyện “Nhảy qua vòng lửa”
phê phán, chỉ trích mạnh mẽ và cay độc hơn.
Một truyện ngắn khác của Trần Bình Dương ít
được nhắc đến và ít người biết, nhưng theo tôi lại
là truyện có thể nói là thành
công nhất của anh, cả về phương diện nghệ thuật và tư
tưởng: “Truyền thuyết nghề văn”.
“Truyền thuyết nghề văn” là câu chuyện của một anh thầy
giáo bỏ nghề để đi vào nghiệp văn chương, tràn trề
tâm huyết với nghệ thuật nhưng uất nghẹn vì không
thể bày tỏ được đúng những gì mình thật sự
muốn viết:
“Y ném bút xuống
bàn. Những giọt mực bắn tung tóe trên nền giấy
trắng. Nhà văn là cái đếch gì nhỉ? Bản
lĩnh, nghị lực, tâm huyết, chỉ là trò hề
quái gở, lố lăng giữa thời đại nầy-cái thời đại mà
có người ví von là thời đại của lũ sâu bọ
lên làm người. Tự dưng, y muốn sủa lên như một con
chó. Thà như thế, y mới có thể phóng uế ra
khỏi thân người mọi bực tức, đau khổ”.
Không bán được tác phẩm, sống nghèo
túng, anh bị cái đói hành hạ. Trong
hoàn cảnh khốn cùng, tuyệt vọng, vợ anh bất ngờ
báo cho anh một tin vui, tác phẩm anh đã được một
nhà xuất bản mua và ấn hành, gia đình anh
có tiền để sinh sống và anh có thể tiếp tục thực
hiện hoài bảo sáng tác, phục vụ cho cái
đẹp, cho những điều cao quý mà anh hằng mơ tưởng.
“Y ngạc nhiên nhìn những
người bạn đồng nghiệp. Họ đang làm nghề, họ mang dáng dấp
phong cách của nhà tư tưởng, những trí thức, những
kẻ sĩ của thời đại? Liệu họ có giống như y không?Họ
có nhìn thấu vào quyền lực, vào tội
ác, vào cái thể đang dần mục nát, tan
rã kia không? Khi chọn cho mình những đề tài
để viết họ có phát hiện về số phận bíêt bao
con người sống dở chết dở ấy không? Y đã đọc thấy ở họ sự
hiền lành, hòa nhã, hồn nhiên trước tội
ác. Họ điềm nhiên xưng tụng, ca ngợi bao sự bất
công. Họ mê đắm, say sưa trong mớ tình yêu,
cây cỏ hoa lá một cách trơ trẽn và tội
nghiệp vô cùng.”
Thế rồi một hôm, anh tình cờ bắt gặp cảnh ngoại
tình của vợ anh với tên giám đốc nhà xuất
bản. Trong cơn ghen lồng lộn, anh dùng cây bút
đâm vào ngực kẻ thù. Sự thật được phơi bày,
người vợ của anh đã hy sinh bản thân của cô để
giúp chồng, đó là sự phản bội cao cả, do vậy xiết
bao trớ trêu, cay đắng. Trong một cuộc thăm dò công
luận gần đây ở Trung quốc về mức độ tín nhiệm, giới đĩ
điếm được dân chúng đánh giá cao hơn giới
làm chính trị. Họ thấp hèn, nhưng vì
hoàn cảnh phải bán trôn nuôi miệng, so với
bọn văn nô tự nguyện bán miệng nuôi trôn
thì vẫn có điều đáng để cảm thông hơn:
“Mụ ấy không có tội! Cậu
thử nghĩ xem: mụ ta là người đàn bà dốt
nát, đem cái thể xác bán đi để cho
tôi cái vinh dự trở thành nhà văn.
Xét ra, mụ ấy vẫn còn cao đẹp hơn cái lũ
nhà văn trí thức, tài năng như chúng ta
mà lại bán rẻ linh hồn cho quỷ…ai đã nhục hơn ai?”
Kẻ thù của anh là biểu tượng cho hạng người xấu xa trong
xã hội, tuy bị đâm nhưng hắn không chết, bởi
ngòi bút nhỏ nhoi của nhà văn thì
làm sao mà đủ sức để giết chết được phường bất nhân
giả nghĩa vừa có thế, lại lắm bạc nhiều tiền.
Lồng trong cuộc đời của anh nhà văn bất hạnh này
là chủ đề có tính xã hội rộng rải hơn:
đó là số phận của nghiệp cầm bút và vấn đề
đạo đức nghề nghiệp. Người làm nghệ thuật đích thực tất
yếu phải có tác phẩm nghệ thuật đích thực,
nó phải hướng đến cái đẹp; mà cái đẹp,
không thể tách rời sự thật và lẽ phải. Văn học
là nhân học, là lương tâm của thời đại:
“Y bằng lòng, cam chịu trước
sự nghiệt ngã, bi thảm của cuộc sống. Chân lý, con
người, số phận và nhân nghĩa trên cuộc đời nầy rồi
có lúc phải khác đi. Y cắn răng, nhẫn nhục cầm
bút. Y muốn viết thật nhiều những suy tư, dằn dặt riêng tư
của chính mình, chứ không muốn viết những
ngôn từ của qủy”
Những điều này, lại thường đi ngược lại với mong muốn của
các thế lực đen tối nhưng có quyền lực dẫy đầy nhung
nhúc trong xã hội loài người, xưa cũng như nay.
Nhà văn, đứng trước sự lựa chọn khắc nghiệt: Một, chống đối đến
cùng cái ác để giữ thơm cho ngòi
bút, đồng nghĩa với việc có thể bị trù dập,
tiêu diệt; hai, thỏa hiệp với cái xấu xa độc ác để
tồn tại hay trục lợi cá nhân, bất chấp tác hại
mà tác phẩm của mình gây ra cho đồng loại,
mỗi giọt mực là một giọt máu tanh hôi chảy thắm
những tờ giấy bạc nhơ bẩn; ba, gác bút, để mặc cho điều
xấu ác hoành hành, áp bức và khống
chế con người.
“Nếu là nhà văn, cậu sẽ
chọn mẩu con người nào để khắc họa? Xưa và nay vẫn thế!
Nhà văn sẽ đồng đẳng với sâu bọ, nếu như anh ta chỉ biết
ca ngợi, tâng bốc kẻ ăn cướp và lũ bán nước.
Chúng vẫn là con người, nhưng đó là mẫu
người của thứ văn học vị thực, giá áo, túi cơm…bọn
ăn cướp và lũ bán nước sẽ có nhiều tiền để cho ai
đó viết về chúng, và chúng sẽ đọc những thứ
đấy! Ngược lại, còn cả khối con người mà số phận đen tối
của họ, cần để chúng ta thể hiện…”
Những số phận mà nhà văn cần thể hiện, cất lên
tiếng nói thay cho họ, đang ngày đêm câm lặng
chịu đựng nổi bất hạnh cay đắng, lại có quá nhiều xung
quanh:
“Văn học là nhân học,
là lương tâm của thời đại. Y đang sống giữa một thời đại
mà hàng ngày được chứng kiến biết bao cảnh đời bịp
bợm ngang trái. Số phận những nhân vật của y hoàn
toàn bị vây bủa bởi bóng tối. Có lúc
y nhận ra, tuy còn mơ hồ, đó là thứ bóng
tối của tội ác nhơ nhớp, ghê tởm. Con người quanh y phải
bán mình đổi lấy từng đồng xu để được sống. Cái
xã hội mà y đang hoà nhập giống như một cái
tổ qủy. Bạn y-một luật sư, một nhà trí thức tên
tuổi là một kẻ đầu cơ chính trị, kiêm nghề dắt
gái. Học trò của y-một nữ sinh viên sống
thòi lòi hai mặt, ngày đi học, đêm đến
làm điếm.”
Trần Bình Dương là người cầm bút, sống bằng
ngòi bút, những vấn đề nêu trên dĩ
nhiên cũng là những vấn đề của chính anh, cho anh.
Có thể thấy rằng, phải nghiền ngẫm lắm, trăn trở thao thức lắm
anh mới có thể viết nên một câu truyện chua
chát như thế.
Và chính câu truyện này đã làm
cho tôi bổng nhiên suy nghĩ nhiều về anh, nhớ đến anh, với
nhiều tiếc nuối, bởi vì nay thì vĩnh viễn không
còn có dịp gặp anh để nói với nhau đôi điều,
như xưa, những điều đáng ra phải nói.
Tôi biết đến cái tên TBD thời mở cửa, lúc văn
nghệ sĩ được cởi trói. Lúc đó giới văn học
xôn xao bàn tán các truyện “Tướng về hưu”,
của Nguyễn Huy Thiệp, “Cái đêm hôm ấy đêm
gì” của Phùng Gia Lộc, “Đã đến lúc đọc lời
ai điếu cho một nền văn nghệ minh họa” của Nguyễn Minh Châu…Trong
bối cảnh đó, có người giới thiệu tôi cái
tên TBD, một nhà văn địa phương. Khi gặp bài của
anh trên báo, tôi bèn đọc một vài
truyện cho biết, thấy cũng “thường thường bậc trung” thôi, chưa
có gì ấn tượng lắm. Nhưng nhờ thế, tôi biết
tên anh, biết anh, rồi quen nhau, vài năm sau. So với
nhiều thân hữu của anh, thì mối quan hệ giữa tôi
và anh không sâu sắc bằng, cho nên hiểu anh,
thì chắc là nhiều người biết rõ hơn tôi.
Tuy không thâm giao, nhưng những lần gặp gỡ, chuyện
trò bên tách cà phê hay ly rượu, anh
có vẻ dành cho tôi nhiều mỹ cảm, và
nói năng có vẻ thật tình. Những lời anh tâm
sự, khi ấy tôi cảm nhận là những lời chân thật.
Bây giờ anh mất, nhớ lại, tôi thầy rằng quả tình anh
đã rất thật, khi ấy.
Con người anh có vẻ trầm cảm, u uất, lúc nào cũng
như đang dấu kín nhiều nỗi niềm trong lòng, kể cả khi anh
cười, cũng hiếm khi thấy được sự thanh thản, vô ưu. Tôi
hỏi, anh bảo rằng thực ra tôi cũng muốn sống như ông, nhưng
bây giờ thì chưa được, vì tôi còn mấy
đứa con, tôi phải lo cho chúng nó xong. Tôi
bảo rằng những người già thường nghĩ rằng mình sắp chết,
kẻ trẻ tuổi lại nghĩ mình còn sống lâu, đều
là những ý nghĩ sai lầm, người già có thể
vẫn còn sống nhưng người trẻ lại có thể chết ngay. Đời
vốn vô thường mà! Anh trầm ngâm. Lần khác,
anh lại nói, tôi tiếc rằng tôi bất tài,
không thể làm điều gì khác để nuôi vợ
con như mấy ông nên phải đeo dính cái nghề
chữ nghĩa này, cái nghề mà tôi đã
quá ngán ngẩm, chán chường…
Lại nhớ một đọan văn khác của anh:
“Có thằng nhà văn
nào mà không muốn được in? Nhưng in ra tác
phẩm làm gì nếu như đó là những món
nợ mà suốt đời không trả được? Người ta thường bảo,
nhà văn là nhà tư tưởng, nhà giáo
dục, mà viết lên những điều sai sự thật thì chẳng
kém chi những kẻ phá hoại. Nếu tài sức hèn
mọn thì nên viết dăm ba chuyện cảnh giác,
hình sự, xe cán chó để sống. Còn
không thì nên chọn nghề khác…”
(Truyền thuyết nghề văn)
Bây giờ anh mất rồi, mới hiểu hết được tâm trạng của anh,
và những gì anh nói lúc đó.
Dù cố công sưu tập, chúng tôi chỉ tìm
được một phần nhỏ trong sự nghiệp sáng tác của anh. Dường
như anh không muốn gìn giữ hay lưu lại điều gì.
Cái nghiệp văn chương mà anh đeo đuổi từ thời thanh
xuân về sau đã gây cho anh nhiều nỗi sầu dai dẳng,
cay đắng, anh đã từ bỏ nó, như nhân vật trong
sáng tác của anh, để giữ lại chút lương tri,
khí phách kẻ sĩ, phẩm giá làm người của
mình. Giọng nói anh thường chậm rải, trầm buồn, và
nụ cười lúc nào cũng có vẻ héo hắt,
đó là cái giá mà anh phải chịu đựng
để đi trọn hành trình của một con người lương thiện,
trong xã hội có quá nhiều người không lương
thiện.
Đó là điều khá đáng tiếc, bởi nếu tiếp tục
sáng tác, và nếu may mắn được thắp thêm lửa
để thổi bùng sự say mê tìm tòi, sáng
tạo, tin rằng anh sẽ viết được nhiều tác phẩm giá trị để
dâng tặng cuộc đời, tặng quê nhà yêu dấu của
anh, và tặng cho những phận người thầm lặng chất ngất đau thương.
Đọc lại những gì còn lưu giữ hôm nay của anh,
giúp tôi tin điều đó.
Những lời này, lẽ ra ngày đó tôi phải
nói với anh, anh Châu à! Sự muộn màng,
là những gì chúng ta thường gặp phải trên
cõi đời này, còn biết sao hơn…Thôi
thì, như anh đã nói:
“Chỉ mong
những câu thơ còn lại
nhỏ nhoi
đủ làm
nhói đau
nhân thế!!!”
(Cung Tường Vỹ, Trần Tế Xương, 1997)