Người Bình Dương

Huỳnh Hoàng Anh


I. Người Bình Dương, họ là những ai?

Khi nói về con người của đất Bình Dương, đôi khi chúng ta bị nhầm lẫn. Vài thí dụ đơn giản như:
Bà Hồ Thị Hoa, quê quán Bình An, vợ vua Minh Mạng, mẹ sinh ra vua Thiệu Trị.
Ông Võ Trường Toản và ba người trong Bình Dương Thi Xã là Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh và Lê Quang Định.
Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu sinh tại làng Tân Khánh, huyện Bình Dương.
Diễn viên điện ảnh Thẫm thúy Hằng từng nổi danh là một “Người Đẹp Bình Dương”.
Những nhân vật kể trên có phải là người Bình Dương?
Ba tiếng “người Bình Dương” khá đơn giản và dễ hiểu. Thế nhưng để trả lời được thế nào là người Bình Dương thì không dễ dàng chút nào.
Ở đây có hai việc cần làm rõ, thứ nhất, Bình Dương mà chúng ta nói đến là Bình Dương nào, vị trí và địa giới ra sao? Thứ hai, để xác định một cá nhân thuộc dân tộc nào, người ta không thể chỉ căn cứ vào sinh quán hay quốc tịch, vậy xác định một cá nhân thuộc địa phương nào trong một nước, chúng ta sẽ căn cứ vào những tiêu chí nào?
Trước tiên, hãy bắt đầu từ địa danh Bình Dương.
Bình Dương xuất hiện sớm nhất như một đơn vị hành chánh cấp tổng, điều này được ghi lại trong Đại Nam Nhất Thống Chí “Năm Canh Tuất (1790) bắt đầu đắp thành Bát Quái ở trên gò cao thôn Tân Khai, tổng Bình Dương gọi là dinh Gia Ðịnh Kinh”. Tổng Bình Dương sau đổi thành huyện của phủ Tân Bình, trấn Phiên An (năm 1808), thuộc thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. Các danh nhân như Võ Trường Toản, Trịnh Hoài Đức, Nguyễn Đình Chiểu… là người ở huyện Bình Dương vừa kể.
Như vậy Bình Dương mà chúng ta muốn nói đến ắt nhiên không phải là huyện này, mà là vùng đất thời xa xưa có tên là Bình An. Bình An lúc đầu là tổng (1698) thuộc huyện Phước Long. Địa phận tổng này khá lớn, gồm gần cả Bình Dương, Bình Long, Phước Long và quận Thủ Đức (trước khi tách quận) ngày nay.
Từ 1808, đổi tên tổng Bình An thành huyện Bình An, thuộc phủ Phước Long, trấn Biên Hòa. Đến năm 1834, sau khi vua Minh Mạng chia miền Nam ra làm sáu tỉnh, thì miền Nam thường được gọi là Nam Kỳ Lục Tỉnh. Bình An lúc này thuộc về tỉnh Biên Hòa.
Đến 1837, huyện Bình An lại chia ra làm hai huyện nhỏ hơn là Bình An và Nghĩa An. Ông Hồ Văn Bôi, làm đến chức Chưởng Cơ và con gái là Bà Hồ Thị Hoa (1792) sinh ra tại Long Chiểu, thuộc huyện Nghĩa An này. Vào năm 1841, phủ Tân Bình cũng tách ra làm hai huyện là Bình Dương (vùng Sài Gòn) và Bình Long (vùng Hốc Môn và Củ Chi…). Một phần đất của huyện Bình Long (Phú Hòa, Dầu Tiếng), sau thuộc về tỉnh Bình Dương.
Từ 1862 triều đình Huế nhượng ba tỉnh miền đông là Biên Hòa, Gia Định, Định Tường cho Pháp (Định Tường lúc này thuộc miền Tây.Vậy việc phân chia đông tây chỉ có tính tương đối, mà chia thế giới thành phương đông và phương tây cũng vậy). Với nghị định 47 ngày 14/03/1866, Pháp tách huyện Nghĩa An (Thủ Đức) ra khỏi huyện Bình An. Từ đây quê hương của bà Hồ Thị Hoa  không còn liên hệ chi với tỉnh Bình Dương ngày nay. Sự kiện này, tính đến nay đã là một thế kỷ rưởi.
Năm 1869 tên Thủ Dầu Một thay thế cho Bình An và nhận quản trị thêm tổng Dương Hòa Hạ (huyện Dầu Tiếng sau này) từ trước thuộc Gia Định.
Từ ngày 20-12-1889, tiểu khu hành chánh Thủ Dầu Một được đổi thành tỉnh. Đến 1953, địa giới bao gồm cả tổng Lộc Ninh, Chơn Thành, Sông Bé, Bù Đốp…
Từ tháng 08 năm 1957, tỉnh Bình Dương được chính thức thành lập. Các phần đất từ Chơn Thành trở lên được tách ra để thành lập hai tỉnh mới là Bình Long và Phước Long. Bù lại, Bình Dương nhận thêm được 14 xã thuộc huyện Củ Chi. Đến ngày 15/10/1963, 6 xã của huyện Củ Chi được tách ra để lập nên tỉnh Hậu Nghĩa. Bình Dương còn lại 8 xã, lập thành quận Phú Hòa. Đến tháng 07-1965, Bình Dương lại nhận thêm quận Phú Giáo, thuộc tỉnh Phước Thành vừa bị xóa sổ.
Đến năm 1976, Bình Dương được sát nhập với Bình Long, Phước Long làm thành tỉnh Sông Bé. Hai huyện Tân Uyên, Dĩ An trước thuộc Biên Hòa, từ lúc này thuộc về Sông Bé. Quận Phú Hòa nay thuộc về thành phố Hồ Chí Minh.
Đến 01/01/1997, Tỉnh Sông Bé lại chia thành hai tỉnh là Bình Dương và Bình Phước. Bình Phước gồm hai tỉnh trước 1975  là Bình Long và Phước Long. Phần đất còn lại thuộc Bình Dương.
Như vậy, ta nhận thấy rằng phần đất có tên Bình An đã trải qua khá nhiều thay đổi từ tên gọi đến diện tích, do vậy nếu truy nguyên các nhân vật lịch sử tại đây là điều rất khó xác định chính xác. Chỉ tính riêng diện tích của Thủ Dầu Một vào năm 1954 là 4.723 km2 và tỉnh Bình Dương năm 1975 là 2.031 km2, ta đã thấy sự sai lệch rất là đáng kể.
Từ những lý do đó, chúng tôi nghĩ rằng, khi đề cập đến người Bình Dương, có lẽ chúng ta chỉ nên giới hạn người ở vùng đất trên phạm vi từ khi có tên gọi chính thức là Bình Dương và Bình Dương hôm nay. Bởi lẽ nếu trở lại với vùng Thủ Dầu Một và Bình An thì diện tích quá rộng lớn, nhiều nơi không còn liên hệ chi với tỉnh Bình Dương nữa, việc truy tìm gốc gác các nhân vật trên phạm vi bao la như vậy là điều bất khả và thiết nghĩ cũng không hợp lý khi gọi tất cả nhân vật trên vùng đất đó là người Bình Dương.
Bình Dương hiện nay, và Bình Dương lúc ban đầu có diện tích và ranh giới gần tương tự nhau. Hiện nay, thêm được hai huyện là Tân Uyên và Dĩ An, nhưng lại mất đi tám xã của Phú Hòa. Người sinh ra và sống trên vùng đất Phú Hòa trong khoảng thời gian 20 năm trước 75, nay tuy thuộc Sài Gòn, gốc gác họ vẫn là Bình Dương. Tám xã ấy là:
1/ An Nhơn Tây
2/ Bình Mỹ
3/ Nhuận Đức
4/ Phú Hòa Đông
5/ Phú Mỹ Hưng
6/ Tân Hòa
7/ Tân Thạnh Đông
8/ Trung An.
Như vậy, có một người rất quen thuộc với dân Bình Dương và thường được gọi là thầy Sáu (Hòa thượng Đạt Phẩm), chuyên hốt thuốc trị bệnh tại chùa Thái Sơn, (cũng chỉ thường gọi là chùa thầy Sáu), nay dù thuộc thành phố Hồ Chí Minh nhưng khi nói về người Bình Dương, vẫn phải kể đến tên ông.
Các danh nhân của Tân Uyên, Dĩ An trước đây là niềm tự hào của người dân Biên Hòa, thì nay dân Bình Dương cũng có thể kể về họ như Huỳnh Văn Nghệ, Bình Nguyên Lộc, thi sĩ Đằng Phương … Ngược lại, một vài người như Lê Văn Siêu, Hoàng Văn Bổn… huyện Vĩnh Cửu, tuy cũng có nhiều gắn bó với mảnh đất Tân Uyên, vẫn thuộc về Biên Hòa, là người Biên Hòa thôi.Còn các vị như Hồ Văn Bôi, Hồ Thị Hoa… có lẽ chúng ta nên “nhường” vinh quang ấy cho dân Thủ Đức thì hợp lý hơn.
Điều thứ hai mà bài viết này muốn xác định tiếp là khi nói “Người Bình Dương”, ta sẽ dựa vào các tiêu chuẩn nào?
Nơi sinh là yếu tố quan trọng nhất, tuy nhiên, cũng như vấn đề dân tộc, không phải là yếu tố duy nhất. Có những người tình cờ sinh ra ở một nơi nào đó, sau di chuyển đi nơi khác, vậy không thể kể họ là người dân của vùng đất đó được. Ví dụ trường hợp một diễn viên điện ảnh khá nổi tiếng hiện nay là Johnny Trí Nguyễn, tuy sinh ra ở Bình Dương năm 1974, nhưng khó tin là trong tâm tư, anh nghĩ Bình Dương là quê hương của anh.
Lại có những người tuy sinh một nơi nào đó, nhưng sau trở về Bình Dương nguyên quán gốc hoặc ngụ cư, làm việc hay có những sự nghiệp tạo tiếng vang lớn, hoặc ảnh hưởng đến vùng đất mới này, thì người đó cũng nên liệt kê vào quyển Bình Dương nhân vật chí, nếu có ai đó viết một quyển sách như thế. Nếu chấp nhận quan điểm này, danh sách người Bình Dương sẽ có những cái tên như Thẩm Thúy Hằng (kịch sĩ, minh tinh), Lệ Thủy, Hồng Nga, Thanh Sang (nghệ sĩ cải lương), Huỳnh Phi Dũng (gốc Bình Định, đang xây dựng khu du lịch Đại Nam), bác sĩ Trương Kế An, tướng Nguyễn Bình… Nhất là Lê Nguyên Vỹ, tư lệnh Sư đoàn 5 của quân đội miền Nam trước đây, người đã chiến đấu gần trọn binh nghiệp của mình và đã tự sát chết trên chính vùng đất này, sao ta lại có thể bỏ qua không nhắc đến?
Về phương diện …dâu rể của Bình Dương. Truyền thống gia đình của người Việt xem dâu rể như con, hay ít nhất, cũng đối xử ngang hàng với con. Tùy vào cách cư xử, các mối quan hệ, đôi khi dâu rể được thương yêu, qúy trọng hơn con ruột. Dâu rể của một địa phương, vì vậy không nên phân biệt đối xử, mà cũng không nên thấy người ta sang mà vội bắt quàng làm họ. Họ là rể của mình, mà con gái mình họ đánh đập mặt mũi bầm tím, sau lại bỏ vợ con nheo nhóc đi lấy vợ khác mà. Nay  vì họ nổi danh quá, đi đâu mình cũng khoe khoang rằng đó là con rể của mình thì có hơi bị kỳ. Ngược lại thì quá tốt, nếu dâu rể làm rạng danh cho họ tộc, thì đáng xem như là người trong gia đình, nói về người của một địa phương thiết nghĩ ta cũng nên đối xử như thế. Vậy danh sách người Bình Dương có thể kể thêm rất nhiều nhân vật chẳng hạn như ông Lê Đức Anh (cựu Chủ tịch nước), bà Khúc Minh Thơ (hoạt động xã hội hải ngoại), Nguyễn Đức Sơn (thi sĩ), Nguyễn Hiếu Học (nhà nghiên cứu)…
Thêm một điều quan trọng nữa cần làm rõ, là vấn đề chính trị. Do bối cảnh đặc biệt của nước ta ngày nay, nói chuyện gì thì hình như cũng khó tránh được lãnh vực này, một lãnh vực vô cùng tế nhị, rối rắm. Giải quyết vấn đề này, theo chúng tôi nhận định đơn giản là con cái của anh, anh sanh ra mấy đứa, thì anh có mấy đứa con, không thể gì thương ghét mà có quyền thêm bớt. Nó có làm du đảng, hay tên trùm lừa đảo, hay là một anh hùng, thì chúng nó cũng vẫn là con của anh. Hơn nữa, lịch sử luôn cần sự khách quan, công bằng, chính xác, do vậy khi đã viết về Bình Dương, từ đất đai cho đến con người, cần có sự công tâm. Vã lại lịch sử nhân loại không thể chỉ ghi tên và công trạng của những người anh hùng. Không thể chỉ có Trần Hưng Đạo mà cần có cả Trần Ích Tắc, không chỉ Quang Trung mà có cả Lê Chiêu Thống. Bỏ qua kẻ mà bằng cái nhìn cá nhân của mình, mình cho là xấu thì lịch sử sẽ giống như chiếc xe đạp chỉ chạy một bánh, chắc chắn sẽ xiêu vẹo, lắc lư.
Vậy nói đến những người Bình Dương về chính trị và quân sự, ta có nhiều tên tuổi để kể như Hồ Văn Mên, Nguyễn Văn Bé, Lê Quang Lưỡng, Nguyễn Văn Tường, Nguyễn Quốc Phú, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Ngọc Huy, Lâm Hòa Hiệp, Nguyễn Văn Hào, Lâm Phương…(những tên tuổi này nhớ đâu kể đó, không theo một trật tự và dụng ý nào. Xin thứ lỗi)

II. Người Bình Dương xưa:

Đã xác định được phạm vi trình bày, tức ranh giới, dù tương đối, của địa danh Bình Dương và các tiêu chí để có thể tạm gọi một người nào đó là người Bình Dương, thế thì người Bình Dương xưa và nay có điều gì đáng nói không? Bây giờ xin nói về người Bình Dương xưa. Gọi là xưa, những người sanh trước thế kỷ 20, từng có mặt, để lại công trình, sự nghiệp trên mãnh đất này..
Trước hết xin bắt đầu từ lịch sử. Người xưa nhất là ông Trần Thượng Xuyên, mà nay mộ phần còn ở huyện Tân Uyên. Công trạng của ông với miền Nam là điều đã được khẳng định, tuy nhiên thân thế của ông có vài điều không được rõ ràng nhưng xưa nay giới nghiên cứu sử ít quan tâm. Ông sang Việt Nam vào năm 1679, sau khi nhà Minh đã bị mất ngôi bởi Mãn Thanh vào năm 1644, tức gần 35 năm sau. Ông mất vào năm 1720, so với khi nhà Minh mất nước là 76 năm, vậy với chức vụ tổng trấn của nhà Minh, khi đó ông bao nhiêu tuổi? Sử ta lại ghi vào năm 1699 ông còn cầm quân ra biên giới. Một người già như thế, chúng ta không hiểu ông còn đủ sức lực ra đi chiến đấu hay không? Có lẽ chính vì những nghi vấn trên, sử gia Tạ Chí Đại Trường cho rằng có thể nhóm người này chỉ là một nhóm hải tặc mà thôi.
Người thứ hai vẫn còn mộ phần ở phường Hiệp Thành, Thủ Dầu Một là Đỗ Hiệp Trấn. Thân thế ông không biết rõ, nhưng suy luận từ chức vụ của ông, có thể đoán ông sinh ra khoảng hậu bán thế kỷ 18, khi đơn vị Trấn bắt đầu được thành lập, và chức Hiệp Trấn được đặt ra để phụ việc cai quản cho Tổng trấn là võ quan, dưới triều  Quang Trung, hoặc nhà Nguyễn.
Bá hộ Quới (Hạ Quang Quới), ngôi mộ rất xưa nằm trong khuôn viên ủy ban tỉnh, đã bị khai quật (khởi sự từ ngày 27-12-1985 đến 13-01-1986). Dù không biết chi về ông, có thể đoán là người rất giàu có của thời xưa. Xin lưu ý thêm, dòng họ Hạ ở tỉnh BD còn có Hạ Quang Biện, tức Đốc phủ Biện, giàu có nổi tiếng ở chợ Thủ (ông là nhạc gia của luật sư tiến sĩ Trần Văn Trai).
Nếu căn cứ vào mộ, còn có vài vị khác:
1.Trương Công Cẩn, tương truyền là vị tướng tài ba thời nhà Nguyễn. Mộ nằm trong khuôn viên đình Bình An, huyện Dĩ An.
2.Huỳnh Công Nhẫn, lăng nằm trong khuôn viên chùa Thiên Phước, Lái Thiêu. Nhân dân phong tặng ông là “Thành Hoàng bổn cảnh”
3.Hồ Văn Vui, Trung võ tướng quân, danh tướng triều Nguyễn, lăng được xây từ năm 1818, thuộc ấp Bình Phước, xã Bình Nhâm, Lái Thiêu. Hồ Văn Vui này, và Hồ Văn Bôi, Hồ Thị Hoa, rất có thể có liên hệ huyết thống với nhau.
4.Trần Văn Lân, mộ ông gọi là Mã ông Lân, nằm tại phường Hiệp Thành, Thủ Dầu Một, khoảng trăm năm nay. Ông là cha của ông Trần Văn Hổ, thường gọi đốc phủ Đẩu. Các ngôi nhà cổ của Phú Cường đều có chủ nhân là người họ Trần và một số người giàu hay nổi tiếng khác: Trần Văn Hổ, Trần Công Vàng, Trần Văn Tề, Trần Thị Liên (Bà bảy Lìn), Trần Công Vị (bác sĩ), Trần Văn Trai (tiến sĩ)…Ở Bình Dương gọi là múa cù mà không nói múa lân như những nơi khác, có nhiều người cho rằng vì xưa kỵ húy tên của ông Lân này.
5.Mộ công chúa chùa Ông Mõ: hai ngôi mộ này nằm trong khuôn viên chùa Long Sơn, xã Tân Mỹ, huyện Tân Uyên. Tương truyền vào khoảng năm 1867, một vị quan họ Dư phò công chúa nhà Nguyễn cùng người cháu ruột là Dư Quốc Đống (1869-1941, ghi rõ để tránh hiểu lầm với tướng Dư Quốc Đống của quân đội miền Nam vì sự trùng hợp tên khá kỳ lạ này) chạy lánh nạn tại ngôi chùa Long Sơn. Họ xuất gia và khi chết được mai táng tại đây. Năm 1977, hai ngôi mộ của vị đại thần họ Dư và công chúa được khai quật. Ngôi mộ của nhà sư có một xâu chuỗi. Ngôi mộ của công chúa còn lưu lại bộ đồ tẩn liệm của triều đình và thanh kiếm có chạm rồng. Các cổ vật này nay được giữ tại viện bảo tàng thành phố HCM.
Dòng dõi quan lại triều Nguyễn lưu lạc vào Bình Dương còn có câu chuyện đuợc kể bởi Huỳnh Văn Nghệ, trong bài “Mất đồn Mỹ Lộc”. Tổng đốc Hoàng Lễ, cùng với vợ là Huyền Cơ và con là Hoàng Hồ chỉ huy nghĩa quân trấn thủ đồn Mỹ Lộc, giữa rừng, thuộc Mỹ Lộc, Tân Tịch, cách không xa thị trấn Tân Uyên, xưa gọi Thủ Đồn Sứ. Hoàng Lễ có ý hàng giặc bỏ đồn ra đi, vợ can ngăn không được nên quyên sinh. Hoàng Hồ ở lại đồn cầm quân kháng giặc Pháp cho đến lúc tử trận cùng 100 nghĩa quân anh hùng. Hoàng Lễ đi giữa đường thì bị bệnh chết trên lưng ngựa. Dân địa phương có lập một cái miếu thờ chung hai ông bà, gọi là miếu Bà Cơ, theo tác giả nay thuộc xã Tân Định, đúng tại bến đò Thường Lang cũ.
Một vị làm quan lớn khác nữa có con cháu ở Bình Dương là cụ Nguyễn Văn Hội, từng giữ chức Thượng Biện tỉnh An Giang rồi Án Sát tỉnh Vĩnh Long với hàm Hàn Lâm Viện Thị Giảng. Con cháu ông còn lưu giữ tờ sắc của vua Tự Đức ban cho ông (1866) tại ngôi nhà cổ ở xã Tân An, Thủ Dầu Một.
Người phụ nữ xưa mà đến nay được nhiều người biết tên nhất là bà Trà. Nhà thờ tại xã Bình Chuẩn được gọi là nhà thờ bà Trà, do cha Robert Keller xây dựng năm 1941. Tương truyền bà là người đã truyền môn võ có tên là võ Tân Khánh Bà Trà nổi danh ở điạ phương. Thân thế bà không được ghi chép trong sách sử, giai thoại thì kể rằng bà là con gái nuôi của hai vợ chồng danh tiếng của quân Tây Sơn là Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân.
Tháng giêng năm Tân Dậu (1861), Pháp tiến quân đánh chiếm đồn Kỳ Hòa ở Gia Định. Phá được đồn rồi, họ liền cho tàu theo dòng sông Sài Gòn về tấn công đồn Thủ Dầu Một. Tại đây, dân quân ta chiến đấu rất quyết liệt nhưng cũng như nhiều nơi khác, vũ  khí thô sơ không thể kháng cự lại địch. Báo Trắng Đen trước năm 1975 có loạt bài viết về Bình Dương, kể rằng vị quan chỉ huy là Bố Chánh Đức tử trận, nhiều binh sĩ khác hy sinh. Vị võ quan này là ai không biết rõ, và trận đánh đó ngày nay gần như không mấy ai nhắc đến hay cố công tìm hiểu. Một trang sử oai hùng và bi thương của quê hương đã bị đời sau hờ hững. Như vậy đồn Thủ Dầu Một đã mất vào tay Pháp trước huyện Bình An và tỉnh Biên Hòa gần cả năm trời.
Cũng nên đọc lại ít dòng sử cũ, trong cuộc thương lượng giữa triều đình ta và Pháp để chuộc lại ba tỉnh miền đông Nam kỳ : “Ông Aubaret đưa bản thảo tờ hòa ước, đại lược nói rằng: nước Pháp trả lại ba tỉnh Gia Định, Biên Hòa và Định Tường cho nước Nam, chỉ giữ Sài Gòn, Mỹ Tho và Thủ Dầu Một để đóng quân.” (Trần Trọng Kim,Việt Nam Sử Lược, nxb Tân Việt, Sài Gòn, 1968, tr.498)
Điều này cho thấy ngay từ buổi đầu người pháp đã nhận ra vị thế chiến lược quan trọng của Thủ Dầu Một, như vậy cuộc chiến để giành giựt phần đất này giữa ta và địch diễn ra ắt là phải vô cùng quyết liệt.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, trong quyển “Mười một tháng ở một huyện tại Nam kỳ”, dày gần 500 trang, của Lucien Grammont, là một viên đại úy đã tham gia đánh phá đồn Chí Hòa, sau làm Tham biện ở Thủ Dầu Một, có bản ghi chép điều tra khẩu cung của những nhân vật kiệt xuất kháng Pháp. Những người anh hùng này là ai, tiếc rằng mãi cho đến hôm nay, tài liệu đó, lạ thay,  vẫn  là một cổ thư quý hiếm khó tìm gặp, nên chúng ta không trả lời được câu hỏi này. Chúng ta tự cảm thấy có lỗi với người xưa quá nhiều vậy.  
Những nhân vật của Bình Dương trong lịch sử nay còn lưu tên tuổi có lẽ chỉ xuất hiện vào thế kỷ thứ 19.
Tác giả Huỳnh Ngọc Đáng, tiến sĩ Sử Học, trong bài viết :
 “ Những người Bình Dương thi cử đỗ đạt cao dưới triều Nguyễn”, có nêu danh sách 12 người thi đỗ cao mà ông cho là người Bình Dương. Đọc kỹ, ta nhận thấy hầu hết họ là người ở thôn Linh Chiểu, huyện Nghĩa An, đã thuộc về Thủ Đức cách nay khỏang 150 năm. Tác giả lý luận: “Thôn Linh Chiểu xưa, qua địa bạ lập thời Minh Mạng cho thấy phần lớn diện tích thuộc xã Đông Hòa ngày nay chứ không thuộc Thủ Đức.” ( tạp san Khoa Học Lịch Sử  Bình Dương số một). Xem lại địa bạ trên cũng như so sánh với vị trí của phường Linh Chiểu ngày nay ở chợ Thủ Đức, cách rất xa Bình Dương, ta thấy lập luận của tác giả chưa thuyết phục lắm. Đặc biệt, khi đối chiếu với công trình của một tác giả khác, Phan Đình Dũng, trong tác phẩm “Các nhà khoa bảng xứ Biên Hòa-Đồng Nai”, ta nhận thấy các vị khoa bảng mà Huỳnh Ngọc Đáng nêu ra đều có mặt. Trong đó có vài vị cả hai tác giả trùng hợp nhau khi xác định là người thuộc Bình Dương ngày nay. Chúng tôi xin nêu tên các vị này :
1.Huỳnh Văn Tú, thôn Tân Hội, Tân Uyên, làm quan đến chức Bố Chánh đứng đầu tỉnh Cao Bằng.
2.Phạm Tuấn, xã Bạch Đằng, Tân Uyên, đỗ năm 1821.
3.Nguyễn Duy Doãn, thôn Tân An, nay là Tân An, làm quan tới chức Biện lý bộ Hộ.
4.Nguyễn Khiêm Hanh, thôn Tân Uyên, làm quan Án Sát.
5.Nguyễn Khiêm Trinh, thôn Tân Uyên, đỗ cùng khoa với anh ruột là Nguyễn Khiêm Hanh, làm Đốc học.
Trong bảng liệt kê của tác giả Phan Đình Dũng, có thêm nhân vật mà trong bảng của Huỳnh Ngọc đáng không có, chúng tôi cũng xin nêu ra đây để tiện việc tham khảo cho những ai quan tâm:
-Tống Đức Hưng, người thôn Long Đức, huyện Bình An, đỗ khoa thi Tân Tỵ, năm 1812, có lẽ là người thi đỗ đầu tiên ở Bình Dương.
Những nhân vật mà hai tác giả xác định nguyên quán gốc so với ngày nay không thống nhất với nhau gồm có:
1.Nguyễn Văn Trị, thôn Linh Chiểu.
2.Nguyễn Văn Toại, thôn Linh Chiểu Đông.
3.Nguyễn Quang Khuê, thôn Bình Phú.
4.Phạm Văn Trung, thôn Linh Chiểu.
5.Trần Văn Học, thôn Linh Chiểu.
6.Võ Xuân, thôn Tân Thuận.
7.Hồ Văn Phong, thi đỗ năm Đinh Mùi (1847), Thiệu Trị năm thứ 07, làm quan tới chức Tri Phủ (không ghi rõ điạ phương làm quan).
 Những vị chưa có sự thống nhất, sẽ cần phải tiếp tục nghiên cứu
Trong công trình nghiên cứu về Bình Dương do Sở Học Chánh Bình Dương chủ trì trước 75, có liệt kê 10 danh nhân. Hầu hết gốc người Bình An, nhưng có nhiều vị không ghi thôn, do đó chưa thể xác định chắc chắn có phải là người Bình Dương hay không. Danh sách đó bao gồm:
1.Hồ Văn Bôi, chức Chưởng Cơ, cha của Hồ Thị Hoa.
2.Lê Văn Tú, Chưởng Cơ.
3.Nguyễn Văn Quyền, Thống Chế.
4.Hai Chánh tổng Chinh và Lai, đóng quân kháng Pháp tại An Thạnh, sau ông Chinh tự sát vì mộng lớn không thành.
5.Linh mục Phêrô Đoàn Công Quý, sinh tại Búng, tử vì đạo, được phong Thánh.
6.Phan Văn Hùm, người xã An Thạnh, Lái Thiêu, nhà trí thức yêu nước.
7.Trần Văn Sĩ, sanh 1907 tại Phú Cường, hoạt động cách mạng chống Pháp, chết trong nhà giam Côn Đảo.
8.Nguyễn Hòa Hiệp, sinh 1904, tại xã Phú Long, Lái Thiêu, từng tranh cử Tổng Thống.
9.Nguyễn Văn Khôi, Nguyễn Hoàng Hạo, ông Hội Đồng Khôi và con là Hạo người Tương Bình Hiệp, tham gia chống Pháp. Ông Khôi bị giặc bắt và mất tích. Ông Hạo chết vì bom Pháp tại Quéo Ba (1947).
Nếu như các nhân vật chính trị, văn hóa có tên tuổi đã không được ghi chép đầy đủ thì về tôn giáo, chúng ta còn biết được khá nhiều, như, bên Phật giáo, một vài vị nổi bật có:
1.Thiền sư Khánh Long, xây cất chùa Hội Sơn trên núi Châu Thới khoảng giữa thế kỷ 17, một trong những ngôi chùa xưa nhất Nam bộ.
2.Thiền sư Đại Ngạn (1667-1742) xây chùa Hội Khánh (1741)
3.Hòa thượng Từ Văn (1877-1931) năm 1920 được thỉnh sang Pháp làm lễ cầu siêu cho người Việt bị bắt đi lính cho Pháp tử trận…
4.Nhẫn Tế thiền sư (1888-1951), sanh tại làng An Thạnh, Lái Thiêu, người Việt Nam đầu tiên đến và tu tập tại Tây Tạng.
Ngoài ra Bình Dương còn rất nhiều ngôi chùa cổ như Thiên Tôn, Long Thọ, Long Hưng, Đức Sơn, Hội Sơn… được xây dựng trong thế kỷ 18, mà tên tuổi của vị sáng lập và các đời kế tiếp nay vẫn còn ghi chép đầy đủ.
Một vài  nhân vật khác bên đạo Công Giáo hiện diện tại địa phương khá sớm và có nhiều hoạt động nơi đây như:
1. Cha Pigneau de Be’haine (Bá Đa Lộc), thụ phong Giám mục năm 1774 tại Madras, xây dựng nhà thờ đầu tiên của tổng Bình An tại chợ Cây Me, Bình Nhâm.
2. Cha Jean Taberd cử làm cha sở Lái Thiêu từ năm 1821.
3. Cha sở Henri Aze’ma, năm 1894, khởi công xây dựng nhà thờ Lái Thiêu. Ông cũng là người đã sáng lập ra trường Câm Điếc Lái Thiêu (1886).
4. Thánh Quý. Cha Phêrô Đoàn Công Quý sinh năm 1826, tại ấp Hưng Thọ, xã Hưng Định, Lái Thiêu. Tử vì đạo và được phong Thánh.
5. Lê Bá Đảnh, nhà văn Sơn Nam kể về nhân vật này như sau: “Từ năm 1879, tên phiêu lưu chính trị Lê Bá Đảnh đã ngấm ngầm đóng vai con bài để cho bọn thực dân Anh đánh sau lưng thực dân Pháp. Lê Bá Đảnh quê ở Nghệ An, vào Thủ Dầu Một làm ăn trở thành thầy dòng Thiên Chúa, xưng dòng dõi nhà Lê, lúc đầu hắn được thực dân Pháp tin cậy phong chức huyện hàm, xưng là huyện Thi hoặc Po-lux Thi.” (Sơn Nam, Đất Gia Định, Bến Nghé Xưa, và Người Sài Gòn, tr.366, nxb Trẻ, 2007)
Ngoài ra, một số người Pháp đã có mặt tại Bình Dương, giữ chức vụ cao, có nhiều tội lỗi hay công trình đóng góp cho sự phát triển của tỉnh như xây cất chợ búa, đường xá, trường học, trung tâm giáo dục, cũng nên ghi nhận để có thể có cái nhìn đầy đủ về những nhân vật lịch sử trên đất Bình Dương. Như ông Lucien Grammont, lưu lại một quyển hồi ký là tư liệu vô cùng quý giá để nghiên cứu về Bình Dương thời người Pháp mới đặt chân qua đây.
Chúng tôi vừa trình bày một cách khái quát và sơ lược về các nhân vật Bình Dương thưở xưa nay còn lưu danh, hy vọng sẽ là cơ sở cho những công trình nghiên cứu toàn diện và chi tiết hơn nhằm phục dựng lại bức chân dung lịch sử của đất và người Bình Dương-một bức tranh nay đã mờ phai theo lớp bụi phủ của thời gian và có thể mất hẵn, nếu thiếu sự quan tâm của chúng ta, thế hệ cháu con của những người đi mở cõi trên vùng đất này.
Chủ đề Người Bình Dương viết như thế chắc là chưa làm thỏa mãn quan điểm riêng của nhiều người. Một công trình về người Bình Dương đầy đủ, khoa học, cần nhiều nỗ lực hơn nữa, với sự công tâm, với quan điểm sử luận đúng đắn của người thực hiện và một tinh thần rộng mở, bao dung về phía người đọc./.
(8/2009)