MỐI
TÌNH ĐẦU Ở VÙNG XÔI ĐẬU
Hoàng Anh
(Viết lại theo lời kể của anh Võ Minh Việt, một giáo
viên kỳ cựu tỉnh Bình Dương)
Sau khi tốt nghiệp trường Sư Phạm, anh được
phân về dạy học tại một ngôi trường nằm trong vùng
xa xôi mất an ninh, mà hồi đó người ta thường gọi
là vùng xôi đậu. Gọi thế, vì ban
ngày, lính Cộng Hòa kiểm soát tình
hình. Ban đêm, họ rút vô đồn thì mấy
ông Việt Cộng mò về. Thời gian đầu mới tới trường, anh
nghe lòng dạ rất não nề trước quanh cảnh nơi đây.
Nhà cửa nghèo nàn, thưa thớt, ngoài những
cánh đồng trồng khoai, đậu… thì toàn là
rừng. Con đường đất đỏ chạy ngoằn ngoèo trước ngôi trường,
nắng thì bụi mù mịt, mưa thì lầy lội, những chiếc
xe bò nhiều khi cũng bị lún không chạy qua được.
Bên đường, lâu lâu lại thấy vài ngôi mả
đá ong, cỏ lau phủ đầy trông rất quạnh hiu. Chiều xuống
thì không còn thấy bóng người, nhìn
ra cánh đồng, đom đóm bay đầy, tạo nên những vệt
sáng chập chờn, tuy đẹp nhưng càng tăng thêm vẻ
cô liêu. Lũ côn trùng, ếch nhái
thì không biết bao nhiêu con mà kể, cứ
hòa tấu cả đêm. Những khi ấy, anh thường lấy cây
đàn ra, đàn và hát nho nhỏ một mình,
lòng nhớ quắt quay ánh sánh phố thị ở khu
nhà anh với bao khuôn mặt của người thân.
Thế nhưng dạy được một thời gian thì anh dần
cảm thấy yêu thích nơi này, vì ở đây
anh được mọi người thương yêu, qúy mến. Mấy anh
lính đề nghị buổi tối, anh nên vô trong đồn ngủ với
họ cho bảo đảm hơn. Anh nghe lời, một phần vì ban đêm ở
một mình, anh nghe cũng lạnh lẽo đìu hiu quá.
Đêm đêm, thỉnh thoảng họ lại bày rượu thịt, mời anh
cùng nhậu chung. Vài bi đông rượu đế, khui
vài hộp thịt Mỹ, lâu lâu lại có mấy con chim
hay thú rừng họ kiếm được ở đâu đó là đủ cho
bữa nhậu xôm tụ rồi. Anh đàn Tây ban cầm cho họ
hát. Giọng lính khan khan, thường sai nhịp điệu, thường
là những bài nói lên nổi niềm tình
anh lính chiến, thương nhớ em gái hậu phương, ước mơ
ngày hòa bình giã từ vũ khí, nghe
rất não lòng.
Trong lớp, lũ học trò nhà quê
cũng thương thầy lắm, thỉnh thoảng lại đem vô cho thầy
trái mít hay bịt khoai, vài con chim cu chim sẻ
nướng, vài trái cây rừng như trái trường,
trái sim, trái gùi do chúng hái.
Lúc đầu, chúng mở mắt thao láo nhìn thầy,
có vẻ sợ sệt, sau quen dần, chúng lân la đến gần
nói chuyện rồi từ đó quấn quít với thầy.
Chúng cũng thường mời thầy tới nhà chúng chơi
trong dịp giỗ quảy hay ngày nghỉ học. Hết giờ lên lớp, đứa
thì chăn trâu bò, đứa thì phụ tía
má việc đồng áng. Đầu tóc đứa nào cũng ươm
vàng nắng, tay chân sạm mốc. Trong lớp, thằng Cò
là đứa có vẻ quý mến và quyến luyến thầy
nhiều nhất, và anh cũng thường lui tới nhà nó hơn
nhà mấy đứa kia. Nó có người chị gái, mới
gặp lần đầu anh đã thấy ưa. Chị nó cũng có vẻ
có cảm tình với anh. Hai bên không có
nhiều cơ hội để gặp gỡ hay tâm sự lắm đâu, nhưng tấm
lòng, thì dường như đã dành cho nhau. Đến
nhà, hên lắm mới gặp cô nàng vì gia
đình thường nói con Hai nó đang đi làm
ruộng, chạng vạng mới về, mà lúc đó thì anh
đã vô đồn. Ở miền quê này, sáu giờ
chiều coi như đã là buổi tối lung lắm rồi, vì khi
ấy không còn ai dám đi lại nghễu ngến ngoài
đường. Khi có việc cần lắm đi đâu thì phải cầm đuốc
hay qươ qươ cây đèn pin. Nếu xui xẻo lỡ gặp lúc hai
bên đụng độ với nhau thì chạy núp đại ở dưới gốc
cây cổ thụ hay ổ gò mối nào đó, và
ráng mà van vái ông bà ông
vãi về phù hộ. Mà ở đây, tuy chưa có
trận đánh lớn, nhưng việc chạm trán thì thường
xuyên. Tối nằm ngủ, khi thì nghe tiếng súng ở nơi
này, khi thì ở nơi kia. Ánh hỏa châu bay cao
soi sáng vùng trời miền quê nghèo
không yên ổn. Nằm ngủ mà lo lắng, chưa biết chuyện
gì sẽ xảy ra, nhưng nghe hoài, riết rồi người ta cũng
quen đi, phó mặc cho số mệnh, muốn ra thể nào thì
ra.
Vào những ngày cuối của năm đó,
thằng Cò bỗng kề tai nói nhỏ với thầy là tối nay
tía má nó đi ăn giỗ xa, còn có mấy
chị em ở nhà, chị hai nó muốn thầy tới nhà
cho chị em nó đở sợ ma. Cơ hội chờ đợi bấy lâu nay mới
tới, thầy nhận lời liền. Đêm đó, trong lúc thằng
Cò và mấy đứa nhỏ anh chị em nó lo học bài
hay đùa giỡn dưới ánh ngọn đèn dầu leo lét,
anh với cô gái ngồi dưới gốc dừa ở bờ ao sau nhà
thầm thì chuyện trò. Ánh trăng cuối năm đã
nhạt dần, nhưng vẫn còn nằm vắt vẻo trên tàu
lá dừa, tỏa ra ánh sánh mờ nhạt nhưng rất đẹp
và đủ cho hai người còn thấy được nét mặt của
nhau. Chàng mạnh dạn cầm tay nàng và bày tỏ
tình yêu, cô nàng bẻn lẽn cúi đầu
và co rúm người lại khi chàng khẻ hôn
lên gò má của cô.
Ngay vào lúc tình yêu như
đang bùng vỡ trong lòng chàng thì có
tiếng súng vang rền từ xa vọng lại. Anh biết ngay, chết rồi, đồn
đã bị tấn công! Hai người chạy vội vô nhà,
cô gái đưa anh chui xuống hầm ngồi chung với mấy đứa nhỏ,
còn cô ta chạy thiệt lẹ ra nhà sau. Ở nhà
quê, nhà nào cũng đào một hai cái hầm
trong nhà hay ngoài vườn để chung xuống núp khi
có đụng độ.
Sáng sớm hôm sau, anh vội vã rời
khỏi ngôi nhà. Không thấy cô gái
đâu, thằng Cò tiễn thầy ra ngỏ, nó nói, từ
nay thầy không gặp lại chị em nữa đâu, chị ấy là nữ
du kích, kỳ này chị ấy nói bị động rồi, chị
vô rừng luôn rồi, chắc không dám về sau vụ
đánh đồn này nữa đâu. Tối qua, sợ thầy ở trong đồn
nguy hiểm tính mạng nên tía má em đã
bày ra cách ấy để cứu thầy, mong thầy thông cảm bỏ
qua cho. Chị còn nói thầy ở lại mạnh giỏi, sau này
nếu có dịp sẽ gặp lại.
Về đến trường, anh vội vã thu dọn đồ đạc từ
giã ngôi làng này về quê ăn tết
và tình thế khi ấy khiến anh không trở lại nữa. Anh
bùi ngùi chia tay với lũ học trò nhà
quê cứ nhìn thầy rơm rớm nước mắt. Anh nhìn lại
chúng, đứa thì mang guốc, đứa đi chân không,
những bộ đồ cũ vá víu, đứa bận bà ba, đứa quần
xà lỏn, phơi ra hai cái chân còm cõi
đầy vết sẹo... Anh mới nói được vài câu chúc
Tết rồi nghẹn ngào không nói được nữa. Anh đi
ngang ngôi đồn đã bị sụp đổ và cháy đen,
khói vẫn còn bốc lên khét lẹt, mấy lớp kẽm
gai bị đứt cuộn lại thành những hình thể kỳ dị. Một số
người lính đã chết đêm qua, trong đó,
có những người đã lo lắng và che chở cho anh,
những người thường hát những khúc hát ước mơ
ngày hòa bình, cả dân tộc này sẽ qua
cơn mê. Xa xa trong xóm, nghe vọng lại vài tiếng
pháo nổ lác đác.
Trở về vùng bình yên, theo
dõi tin tức chiến sự, anh luôn lo lắng không biết số
phận cô gái mà anh đã trao tình
yêu đầu đời đang ra sao, có đặng mạnh giỏi hôn. Anh
mơ một ngày gặp lại, nhưng biết bao giờ! Ngày hòa
bình, anh chăm chú nhìn trong số đoàn
quân trở về mong gặp lại hình bóng xưa, nhưng
tìm hoài mà không khi nào gặp nữa.
Anh cũng hy vọng mong manh lúc nào đó có
thể gặp lại thằng Cò hay những đứa học trò ngày
ấy. Bây giờ tụi nó chắc lớn lắm rồi, chúng
có nhận ra anh hay không thôi, chứ anh thì
chắc không còn nhìn ra chúng nữa.
Kỷ niệm ngắn ngủi nhưng lắng sâu trong
lòng anh, cũng có lẽ vì những tình cảm
này, anh đã gắn bó mãi với nghề dạy học.
Thỉnh thoảng có dịp, anh lại kể cho bạn bè nghe câu
chuyện của anh thời chiến tranh xa xưa ấy. Nay đã ngoài
sáu mươi, mà anh vẫn chưa chia tay với ngành
giáo dục. Nghề nào cũng có vui có buồn,
nhưng chính những niềm vui nho nhỏ trong nghề, đôi khi lại
giúp cho người ta yêu lấy nghề nghiệp của mình thắm
thiết hơn hết thảy.
(09-12-2012)