LỜI ĂN TIẾNG NÓI CỦA NGƯỜI BÌNH DƯƠNG

Hoàng Anh
(01-09-09)


Một trong những điểm khá đặc biệt của dân tộc Việt Nam là có được ngôn ngữ chung từ Bắc tới Nam, dù giang sơn dặm ngàn cách trở và trải qua bao nhiêu biến cố thăng trầm của lịch sử. Trong cái chung ấy lại có vô vàn sự khác biệt về cách phát âm, về phương ngữ, góp phần tạo nên sự đa dạng và phong phú cho ngôn ngữ của dân Việt. Từ khi đất nước thống nhất, với bộ sách giáo khoa chung, với các phương tiện truyền thông phổ biến, ngôn ngữ của cả dân tộc đang di dần đến chỗ thống nhất. Đây là một tiến trình cần thiết, và là sự phát triển có tính tất yếu khi mà sự giao lưu cả trên phương diện kinh tế, xã hội và văn hóa của các vùng miền ngày càng diễn ra thuận lợi và nhôn nhịp hơn. Sự thống nhất về ngôn ngữ, tuy vậy, cũng đưa đến hệ quả là các phương ngữ, phương âm sẽ dần dà bị đào thải hay phai nhòa đi. Ghi lại các phương âm phương ngữ này, một phần trong những di sản văn hóa của từng địa phương, sẽ góp phần hình thành nên kho tài liệu để phục vụ nhu cầu tìm hiểu về văn hóa của người và đất ở một vùng miền nào đó trên đất nước.

Ở nước ta, xét riêng về Việt tộc, như đã nói trên thì có sự thống nhất mà lại đa dạng trong phương diện ngôn ngữ. Tuy nhiên nếu người Việt tương đối dễ nhận diện được sự khác biệt của các địa phương ngoài Trung hay Bắc, thì điều đó lại rất khó khăn ở miền Nam. Nghe anh nói “Lộc Ninh” thành “Nộc Linh”, hát “Hà Nội mùa này” thành “Hà Lội mùa lầy” thì biết ngay anh là người Bắc, mà rất có thể là Thái Bình, Nam Định... Anh cứ “răng, mô, rứa” thì chắc cú là “Huế ơi quê ngoại của ta ơi” rồi. Còn “en hỏng en thì để cho chóa nóa en” thì chị là Quảng Nam, Quảng Ngãi chớ chẳng đâu xa! Ngoài kia, mỗi tỉnh mỗi khác. Chỉ cần cách nhau một dòng sông, một quả đèo, hay thậm chí một lũy tre làng, giọng nói đã mỗi người mỗi vẻ.

Ở miền Nam, trái lại, sông nước kinh rạch chằng chịt, lưu thông dễ dàng, khiến nếu nghe lời ăn tiếng nói thì thật khó biết anh Hai hay cô Ba kia ở đâu, từ đâu đến. Tuy nhiên nếu có điều kiện giao tiếp hay sinh hoạt chung một thời gian, thì dần dà cũng có vài điểm riêng để nhận ra được, khi người ta từ từ có điều kiện so sánh với nhau.

Anh bạn người Long An của tôi thì cứ “hái dao” thay vì “hái rau”, “da duộng” thay cho “ra ruộng”. Có lần anh nói: “Tui dới anh dủ thằng dở da duộng hái dao hén!”. Mới nghe, ngơ ngác không hiểu anh ta nói gì, giây lát sao, hoá ra là: “Tui với anh rủ thằng Rở ra ruộng hái rau hén!”. Câu này nghe mấy chục năm trước, có khi anh bạn tôi là trường hợp ít oi, nhưng hôm ấy tức cười bể bụng nên bây giờ còn nhớ. Qua khỏi Mỹ Tho, vùng Bến Tre, Vĩnh Long thì “nhóc”, nghĩa là nhiều, lối nói tắt của “đầy nhóc”. Hỏi cô tiếp viên mặt còn con nít: “Sao em không ở nhà đi học mà lại đi làm nghề này?”. Em hồn nhiên trả lời: “Nợ nhóc hết, ba già, má bệnh, đi học nỗi gì”. Còn “mình ên” nghĩa là chỉ có một mình, chữ ên trại từ tiếng Khờ me mà ra. Ngày Tết, hỏi “Em ăn Tết có vui không?”. Mặt em buồn buồn: “Em ở nhà có mình ên, có đì đâu mà dui!”. Nghe cô hai bán hàng cứ nói “thồi tiền” thay vì “thối tiền”, “ché” thay cho “chị” thì biết cô hai là dân miệt Cà Mau, hay Trà Vinh, Sóc Trăng…đó chứ chẳng sai.

Thế còn Bình Dương?

Nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cứu, nhà dân tộc học, ngôn ngữ học Bình Nguyên Lộc, một người Bình Dương, tự nhận xét về khả năng ngôn ngữ của ông như sau:

“Tôi là dân Nam kỳ mà anh! Tôi thường bị sai mấy chữ có g hoặc không có g, hay là chữ cuối bằng t hay c; mà rắc rối cho tôi nhứt là dấu hỏi và dấu ngã”.

(Lê Phương Chi, Nhà văn Bình Nguyên Lộc)

Tác giả của “Lột trần Việt ngữ” mà còn lúng túng về phương diện chánh tả, thì đối với người bình dân ít học, chỉ biết lột dừa, bổ cau, lỗi ấy chắc chắn phải nặng hơn nhiều. Xét về phương diện ngôn ngữ, người Bình Dương sai nhiều điểm, sai về chánh tả là nghiêm trọng nhất, rồi sai ở phát âm. Sai ở lãnh vực phương âm, thường gặp trong các điểm sau:

1/ Sai các phụ âm đầu, như:

-Âm th phát ra âm kh: “Bến Thế” thành ra “Bến Khế”; “thành thử” nghe như “khành khử”.
-Âm tr ra âm t: “bụi tre” thành “bụi te”; “trăng tròn” giống như “tăng tòn”.
-Âm r phát ra âm g: “ruộng” thành “guộng”; “rẻ rúng” thành “ghẻ gúng”.
-Âm ng thành âm qu: “về ngoại” thành “về quại”; ba âm “nguy”, “qu” và uy” phát ra một âm “qu” duy nhất, thành thử “nguyên” , “uyên” hay “quyên” đều nghe như “quyên”.  
-Âm gi, v thành âm d: “đi về” thành “đi dề” hay “đi dìa”; “giả vờ” thành “dả dờ”.

2/Với các nguyên âm, thường sai, nhất là nguyên âm đôi hay nhị trùng âm:

“Đi chơi” thành “đi châi”.
“Ăn cơm” ra “ăn côm”.
“Ngày mai” nghe như “ngày mơi”” ngày mâi”.
“Nói toạc móng heo” thành “nói tạt móng heo”; “cho thỏa cái lòng” thành “cho thả cái lòng”…
“Tới” thành “tấi”. Các âm như “châi”, “tấi”, “mâi” không viết ra được vì không có trong âm ngữ Việt, muốn ghi tương đối đúng cần phải viết theo lối phiên âm thì may ra.

Người lạ, nghe nói câu này có thể sẽ bối rối:

“Ngày mơi, chủ nhặt, gảnh quá, ở đây biết làm cái dống dì! Dì dương dủ dượng dương đi dìa quại tên Bến Khế châi thả cửa một bữa?. Tối mai gằm, tăng sang lắm, tát cá gô, kho gừng, gao găm, tép um, ngồi dới bụi te gần bờ guộng mà ăn côm, uống gụ, gồi nói tạc móng heo chiện đầi một bữa cho nó thả cái lòng.”

Chịu khó viết ra, thì là:

“Ngày mai, chủ nhật, rảnh quá, ở đây biết làm cái giống gì! Dì Vương rủ dượng Vương về ngoại trên Bến Thế chơi thả cửa một bữa? Tối mai rằm, trăng sáng lắm, tát cá rô, kho gừng, rau răm, tép um…Ngồi dưới bụi tre gần bờ ruộng mà ăn cơm, uống rượu, rồi nói toạc móng heo chuyện đời một bữa cho nó thỏa cái lòng” .

Lãnh vực phương ngữ, không nói sai hay trúng, mà chỉ là sắc thái riêng của từng địa phương thôi, cũng có nhiều từ và cách nói khá ngộ nghĩnh. Nhưng miền Nam, nhất là các tỉnh vùng Đông Nam Bộ có sự giao lưu khá mật thiết nhờ nằm gần nhau, do vậy tiếng nói, cũng như nhiều phương diện khác thường có sự vay mượn, ảnh hưởng qua lại lẫn nhau, muốn xác định đâu là cái riêng của từng tiểu vùng cần phải có thời gian khảo sát cẩn thận và chi tiết hơn. Chúng tôi đang sưu tập các phương ngữ này và công việc vẫn còn đang tiếp tục.

Về cung cách ăn nói, thì nói năng mộc mạc, đơn giản, hay nói trổng, có khi hơi cụt ngủn nữa:

- Nhưng mà gạo nanh-chồn lại mắc tiền bằng hai gạo thường.
- Dạ!
- Dạ cái con khỉ mốc. Tao nói như vậy, mầy phải kết-luận để thấy sự sai lầm của mầy, chớ tiếng”dạ” của mầy có nghĩa gì đâu!
- Dạ!
- Lại dạ nữa! Mầy không thấy gì hay sao?
- Dạ, thưa không!
- Theo chỗ mầy nói thì lúa nanh-chồn thất gạo gần tới phân nữa, nhưng giá nó lại gần bằng hai giá  gạo thường thì mầy có mất gì đâu!
- Dạ!
- Cái thằng này thật là chí ngu, chí ngốc, cứ “dạ”hoài. Kết-luận đi chớ! Mầy kết-luận tao nghe thử, để nếu cần thì thảo-luận thêm cho ra lẽ.
- Dạ.
- Trời ơi, ngó xuống mà coi….”
( Bình Nguyên Lộc, Gạo nhà nghèo, tạp chí Hương Quê)

Có những người ý thức được cái gốc gác nhà quê của mình, muốn cố gắng tỏ ra mình cũng biết nói năng văn hoa, chữ nghĩa, nào dè lại làm cho mình quê mùa hơn.

Đoạn đối thoại sau đây ghi chép đúng như những gì đã xảy ra mà người viết có lần gặp phải:

“Giày này anh bán bao nhiêu một đôi mà coi bộ trượng vậy anh?’
Nghe hỏi, chưa ngước nhìn, tôi đã đoán người ấy chắc trong quê mới ra chợ.
-Mười lăm ngàn một đôi anh.
-Ở đây mấy anh làm ăn coi bộ có tương lai quá khứ há!
Lẳng lặng làm việc, không nói gì.  Người thanh niên kia lại tiếp:
-Tui nghe mấy người bạn nói mấy anh ở đây có mặc cảm vui vẻ lắm, tui mới tới đó chứ”.

Cuộc tao ngộ này xảy ra ba mươi năm về trước, nay tôi không còn nhớ để ghi lại đầy đủ cả buổi nói chuyện. Hôm đó tôi vừa tức cười, vừa thầm thương con người chơn chất ấy. Từ kinh nghiệm đã trải qua, khi đọc một đoạn đối thoại trong truyện dài Đò Dọc của Bình Nguyên Lộc, tôi nghĩ rằng người như thế không phải là duy nhất trong đời sống thực ở vùng miền Đông này:

- “Độ rày cậu làm gì, cậu hai? -Hoa lại hỏi.
- Cũng hổng cần làm gì. À, tôi có tự túc một bầy gà Huê Kỳ, coi bộ tương lai “quá khứ” ?
- Tự túc là gì cậu?-Hương hỏi thật tình.
- Tự túc là nuôi, chớ là gì.
-Vậy hà, còn tương lai “quá khứ”?
- Tương lai là tương lai, còn quá khứ là “quá sá”. Tiếng mới mà. Tôi nghe họ nói hay quá, nên tôi bắt chước dùng theo. Đời bây giờ họ bày ra nhiều tiếng mới hay lắm. Thí dụ phạm tội, họ nói “phạm vi”.  Thù vặt họ nói “cá nhân”, nghe hay “quá khứ”.
Hoa và Qúa núp sau lưng hai chị mà cười đến chảy nước mắt. Cô Quá, mặt mày còn đỏ rần, bước ra khỏi chỗ núp nói:
- Hôm nay cậu mặt đồ xanh, trông đẹp trai “quá khứ” nhưng cậu lại “phạm vi” về đôi dép. Dép phải quay màu đỏ mới ăn với màu xanh nầy. Tôi tính thiệt nói ngay, cậu đừng có “cá nhân” tôi nghen!
- Tôi người quân tử mà, ai lại “cá nhân” cô.
(Bình Nguyên Lộc, Đò dọc)

Ngôn ngữ nói, nhất là của giới bình dân có những trường hợp như thế. Nhìn chung, người Bình Dương nói năng có vẻ thiệt tình chơn chất, không dông dài, khách sáo, hay văn chương quá. Giọng nói của họ lại ngọt ngào và nghe rất hiền hòa, biểu lộ được tính cách nhân hậu, dạt dào tình cảm của họ:

“Trên rừng, vài con tu hú lẻ tẻ kêu.
Ơng Sáu, đôi mắt sáng lên như mừng gặp bạn, nói:
-Lạ quá, bà hở! Bà có nhớ khơng, thưở ta còn thơ dại, Tết sao mà tu hú về nhiều lắm, còn bây giờ thì…
-Ừ, chắc là giống tu hú gần tuyệt rồi hay sao ấy.
-Mà hổng biết sau mùa Tết, chúng  nó đi sống ở đâu?
-Nghe tu hú kêu ,tôi lại nhớ những cơng việc sửa soạn ăn Tết. Hồi còn ở dưới làng, mùa này là mùa xay lúa, giả gạo đây!
-Ừ, đàn ông xay, đàn bà giả, mà giả chày và hò hát suốt đêm, cả xóm đều vang tiếng chày giả gạo, vui quá.”
(Bình Nguyên Lộc, Chuyện hai người xuống tinh thần, tạp chí Hương Quê, tr.24)

Trên là đoạn đối thoại của hai ông bà già sống trong một vùng ven rừng ở nông thôn, vào giai đoạn 1945.Để tìm hiểu về ngôn ngữ của giới có ít nhiều ăn học, vào những năm đầu của thế kỷ 20, xin đọc vài trích đoạn sau đây.

Một độc giả nhà ở Bến Cát (Thủ Dầu Một), trên tờ báo Nông Cổ Mín Đàm số 9, ngày 9-12-1915 viết:

“Chớ tôi thường thấy mấy cậu ngoài nớ ăn mặc ngộ quá, thiệt cũng đáng bực văn minh tân đợi. Bận áo tây, quần tây, đi giày tây hay là hàm ếch da láng, trên đầu thì còn để tóc vấn khăn đen. Hễ quen biết nhau thì nắm tay nhau bù sua rồi cập tay nhau nói dóc om sòm. Tiếng nói thì pha chè nửa Annam, nửa francais, nửa chararia (tiếng nhà bếp), chẳng biết ông Tốn gọi văn minh ấy là chi hả?” .

Xin đọc thêm đọan văn nữa, viết vào ngày 15 tháng 4 năm 1940, trích từ bức thơ của một tác giả khác:

“Trọng kính lời thăm ba má cho đặng bình yên, và cầu cho nội gia quyến mạnh khỏe hết thảy.

Tôi ở khám được mạnh giỏi, không còn bịnh rề rề như lúc trước. Sự ăn ở trong khám, hiện nay được tử tế, là nhờ nhà nước đối đãi rộng rãi, và nhứt là nhờ ông xếp hiền hậu. Tôi không có thiếu thốn vật gì cả. Cơm nước trong nầy ăn no đủ và cũng có bữa ngon. Khi nào ở nhà có ai rảnh, thì đi thăm tôi, để cho biết tin nhà bình an, và thấy mặt đặng cho tôi yên lòng, chớ đừng mua đồ đạc đùm đề làm chi nhọc nhằng, và tốn kém.

Tôi không biết thèm lạc gì, chỉ thèm đọc nhựt trình văn chương ở bên tây và đọc sách thôi. Nhưng mà nhựt trình đó, ở nhà không ai biết mua, chỉ khi nào vợ tôi đi thăm, mà có dư tiền thì nó mua cho. Như vậy lâu lâu có đọc thì cũng đủ vui.”

(Phan Văn Hùm, Tuyển tập Phan Văn Hùm, Nguyễn Q. Thắng tuyển chọn, nxb.Văn Hóa Thông Tin, 2003, tr.752)

Đoạn trên trích từ một bức thơ gởi cho gia đình của ông Phan Văn Hùm, nhà trí thức tiêu biểu hàng đầu của Bình Dương, lúc ông đang ngồi tù. Thơ viết cho người nhà đọc, văn ấy phải khác với văn trong học thuật hay báo chí. Điều này thể hiện rõ khi ta đọc các tác phẩm triết học hay các bài báo có tính luận chiến của ông gây được nhiều tiếng vang trong học giới thời đó. Nhưng cũng nhờ vậy, những dòng thư ấy cũng giúp ta biết được khá chơn thực thế hệ ông bà của chúng ta thời xưa ăn nói ra sao. So với hôm nay, quả có nhiều nét khác.

Nhắc chuyện nói năng của người xưa, bỗng dưng lại thấy hiện về trong tâm hồn hình ảnh những ông bà già mặc quần áo bà ba đang quét lá cau hay gom củi ngoài sân. Gần đó là đống rác đang tỏa lên trời những làn khói lam thơm thoang thoảng mùi lá khô, mùi của bông bưởi bông lài rơi rụng, bên cạnh chuồng trâu hay bò bốc mùi phân ngai ngái.Vừa gặp cháu con đã mừng rỡ reo lên ơi ới, đôi mắt già nua trên làn da nhăn nheo chợt ánh lên vẻ long lanh. Rồi thì những tiếng trách yêu: “Thằng hai mới dìa đó hả mậy”; hay “Chà, dữ ác hôn, sấp nhỏ tới bữa nay mới chịu dác mặt dìa thăm ông quại đó hả?. Ra ao rửa mặt cho nó mát đi con rồi dô nhà nghỉ. Con Bèo ơi, thằng Tôm ơi, lo cơm nước cho anh chị mầy dới bầy trẻ tụi nó ăn không thôi đói. Chà, sấp nhỏ bữa nay coi trọng cãi trời rồi đó nghe, lại đây cho quại nựng một chút coi!”

Thế rồi ríu rít thăm hỏi, chuyện trò, lo bắt nước,  mần gà mần vịt, tát cá, hái rau, rồi ngồi quanh mâm cơm vừa ăn rao ráo vừa nghe ông bà than thở lúc này hay ê ẩm nhức mỏi đau mình, và nghe kể bao nhiêu câu chuyện đời xưa. Những chuyện xưa lắm, đụng đâu nói đó, dài lê thê. Nói, như rồi sẽ không còn dịp để nhắc cho cháu con nữa, bao nhiêu hình ảnh của tháng ngày đã qua, rất xa.

Ngoài sân, là những cây cao thẳng tắp, những cây bưởi cây bòn bon trái xanh trái đỏ lủng lẳng đầy cành. Qua khỏi mảnh vườn nhỏ là cánh đồng lúa xanh trải dài ra tận đường chân trời, có những cánh cò trắng khoan thai bay xa, hòa với ánh nắng trưa mà chìm vào những cụm mây  đang nhẹ nhàng trôi. Những cơn gió mát thổi hiu hiu xuyên qua tấm vách lợp bằng lá dừa lưa thưa; ngồi trên bộ ván cây nhiều chỗ bị mọt ăn mục nát, nghe lòng thanh thản dễ chịu làm sao! Và câu chuyện của mấy người già, đều đều như tiếng ru làm ta ngủ hồi nào không biết./.