Kinh nguyệt, vầng trăng phố thị

Hoàng Anh
 (Viết xong trong sương mai ngày 8 tháng 3, 2009)


Vào năm 1777, nhà thám hiểm người Anh, thuyền trưởng Jame Cock, đến một nơi mà ông gọi là Friendly Islands (Những Hòn Đảo Thân Thiện, nay là Tonga). Tại đây ông học được một từ của những đảo dân và mang về du nhập vào kho tàng ngôn ngữ thế giới : “Taboo”, nghĩa là những điều cấm kỵ.

Trong mọi nền văn hoá của nhân loại đều có những hành động, ngôn ngữ, hay vật thể mà người ta không được thực hiện hoặc  nói năng công khai tại những nơi công cộng. Nếu buộc phải nói ra, họ  thường dùng đến các từ lóng hay uyển ngữ (euphemism), Kinh Nguyệt là một từ như thế.

Trong tiếng Anh, từ menstruation (kinh nguyệt) được thay thế bởi các cách gọi khác như “Aunt Flo” (Cô Flo), My friend (Bạn tôi), “On the rag” ( Đang có băng), “The curse” (Xúi quẩy). Ở Việt Nam, nếu như các từ chỉ bộ phận sinh dục khá đa dạng phong phú, thì chúng ta lại chỉ dùng hai chữ kinh nguyệt, hoặc hơi giảm đi một chút: kỳ kinh, có kinh, có tháng, đang mắc kẹt...Quảng cáo trên TV thì bảo rằng : “Chuyện này không nói ra thì không ai biết “

Kinh Nguyệt: vầng trăng phố thị? Người Việt tỏ ra là một dân tộc có tâm hồn quá thơ mộng chăng khi đã dùng vầng trăng để gọi cái chuyện rất tế nhị của chị em phụ nữ như thế !
Thái độ của con người với chuyện ấy trong lịch sử, ở nhiều nơi khác nhau cũng có ít nhiều khác biệt.Trong thời săn bắn hái lượm, “chuyện ấy” được xem là thiêng liêng hay đặc biệt. Người ta dành cho phụ nữ nhiều ưu đãi như không phải nấu nướng hay tổ chức những lễ nghi để chúc mừng họ.

Nhưng nhìn chung, kinh nguyệt, một hiện tượng sinh lý bình thường của phụ nữ có lẽ là taboo mà người ta ngại đụng chạm đến nhất, trong tất cả các taboo. Tài liệu xưa đề cập đến vấn đề “nhạy cảm” này có Kinh Thánh. Trong chương 15, phần Leviticus, kinh nguyệt được nói đến như những gì dơ bẫn, gớm ghiếc. Chẳng những bản thân người phụ nữ đang trong giai đoạn hành kinh bị nhiều cấm đoán, mà bất kỳ ai chạm vào họ cũng xem là không trong sạch cho đến hết ngày đó (New International Version). Chúng ta cũng tìm thấy thái độ e dè, ngại ngùng hay kết án kinh nguyệt trong rất nhiều tôn giáo, tập tục ở nhiều nơi trên thế giới. Một số học giả tin rằng chính những quy định này đã góp phần làm cho thái độ của xã hội đối với vấn đề tự nhiên đó ngày càng có vẻ nghiêm khắc, lệch lạc, tạo nên những vấn nạn tâm bệnh lý không đáng có nơi phái nữ, và kinh nguyệt âm thầm, lặng lẽ trở thành  loại taboo đáng sợ nhất và tồn tại lâu nhất trong các điều cấm kỵ.

Thái độ xã hội đã như thế thì không lạ rằng trong thế giới của văn chương nghệ thuật, vốn từ xưa chỉ chuyên ca tụng những điềâu tốt đẹp, cao quí, kinh nguyệt đã không được nhắc đến. Trong nền văn học trung đại của chúng ta, nữ sĩ Hồ Xuân Hương được xem là người táo bạo hơn hết trên phương diện sáng tác. Bằng sự tài hoa của mình, bà đã khéo léo sử dụng các nghệ thuật tu từ để diển tả những điều mà thời đó ngay cả nam giới cũng không ai dám đụng đến, từ việc mô tả bộ phận sinh dục đến chuyện làm tình. Tuy nhiên cuộc cách mạnh văn chương của bà cũng chỉ có thể đi trứơc thời đại đến mức ấy.

Lịch sử văn học đã đi những bước chậm chạp, dai dẳng từ thời cổ đại, lúc mà văn chương, nghệ thuật vốn được tôn vinh như công cụ cao quý mà thần linh ban tặng cho con người, nên người nghệ sĩ chỉ được dùng để truyền bá và ca tụng các thần linh, điển tích trong kinh điển hay thần thoại. Dần dà, người nghệ sĩ mới dùng nó để xưng tụng những bậc thượng lưu cao quý trong xã hội như vua chúa, hay các đấng anh hùng, hiệp sĩ. Phải gần cả ngàn năm sau, khi chủ nghĩa hiện thực ra đời, các lớp người khác trong xã hội mới bắt đầu bước vào thế giới nghệ thuật, ngày một đông đảo hơn, đa dạng hơn. Tuy nhiên họ hiện diện với quần áo nghiêm chỉnh hẳn hoi, hành vi cử chỉ của họ phải được chấp nhận nơi công cộng. Những gì họ làm trong phòng the, nhà tắm, cầu tiêu vẫn còn là những taboo. Nhà nghệ sĩ nào dám cả gan chạm đến những chuyện kín đáo sẽ gặp phải nhiều chống đối, gièm pha. Các nghệ sĩ của thời đó, do vậy điều là những khuôn mặt khả ái, đáng kính. Phải đến thế kỷ 20, cho đến khi có sự xuất hiện của trào lưu hậu hiện đại, của nữ quyền luận, chuyện thầm kín cuối cùng của phụ nữ, cũng là của nhân loại, mới được vượt qua. Với trường phái này, đề tài sáng tác và phương thức biểu đạt gần như mở ra vô giới hạn.
Trước 75, ở miền nam, khi tác phẩm của một số nhà văn hiện đại xuất hiện, như Henry Miller (Hoa Kỳ), đã gây sốc không ít cho nhiều độc giả. Dù họ đã được trân trọng giới thiệu bởi một số học giả uy tín thời đó như Phạm Công Thiện hay Nguyễn Hữu Hiệu ( Có thể tìm đọc “Ý thức mới trong văn nghệ và triết học” của Phạm Công Thiện hay “Con đường sáng tạo” của Nguyễn Hữu Hiệu, đã tái bản). Không sốc sao được khi đã quen thu
c với dòng văn học lãng mạn trữ tình mà sang trọng của Hồn bướm mơ tiên từ thời tiền chiến, hay có cách tân lắm, như nhóm Sáng Tạo, thì chuyện ở những nơi kín ấy cũng chỉ đề cập úp úp mở mở, nói bóng nói gió mà thôi. Người đọc cứ tha hồ mà đoán mò, hoặc tưởng tượng thêm. Henry Miller thì không, ông nói huỵt toẹt, đủ chuyện trên đời, không cử kiêng, nào là tinh trùng, tinh dịch, và những dòng máu, cứ việc trào tuôn, hình như những gì tuôn chảy đối với ông đều tốt.

Bạn hãy nói mọi điều bạn thích nói, thích viết, miễn là có điều gì đó thực sự đáng nói, đáng viết, và bạn đủ sức nâng nó lên thành nghệ thuật, thành vẻ đẹp. Khi biết được phần nào phương châm sáng tác của chủ nghĩa hậu hiện đại, chúng tôi mới vơi đi cảm giác sửng sốt khi lần đầu đọc Henry Miller.

Một số nhà văn nữ nở rộ trong thập niên 70 thời đó như Tuý Hồng, Trùng Dương, Nguyễn Thị Hoàng, Nhã Ca, Nguyễn Thị Thuỵ Vũ… đã đem một luồng gi
ó mới vào sinh hoạt văn học với những trang viết táo bạo, nóng bỏng và lôi cuốn của họ. Tuy nhiên tác phẩm của họ vẫn có những điểm dừng nhất định.

Thế thì kinh nguyệt, trong văn chương nư
c ta ngày nay có gì mới hơn trước chăng?  Vùi đầu mãi trong dòng chữ nghĩa, dường như ta cũng bị cuốn đi, chìm trong lãng quên. Đến khi nhìn lại, chợt nhận ra quả đã có nhiều khác biệt. Giờ đây, nam giới có thể lắng nghe người phụ nữ kể về những trải nghiệm của họ khi lần đầu trải qua biến cố lạ lẫm ấy:
“Những ký ức chắp vá, đứt đoạn được chúng tôi kể khá chậm, một phần vì đã lâu không dùng cách giao tiếp bằng lời, một phần do vài chi tiết khiến chúng tôi phải dừng câu chuyện lại, vì thấy nhói ở đâu đó hay đợi chị thôi khóc. Thí dụ như cái đoạn kể về kỳ kinh nguyệt đầu tiên của tôi. Máu chảy giữa hai đùi không t
n được, tôi thụp xuống, bụm chỗ ấy lại. Máu từ từ chảy qua kẻ tay, tôi thấy mình rỗng ra, tái nhột, chết dần. Thằng Điền với bứt đọt chuối, tọng vào miệng nhai ngốn ngấu, điên dại, để lấy bã rịt lại chỗ máu. Thuốc gò nghe nói cầm máu rất tốt, cũng chẳng ăn thua. Hai đứa nhìn nhau khóc, tôi đã mơ thấy ngôi mộ của mình, như chiếc giường giữa bốn bề đồng nước… Chị mếu máo vít đầu tôi vào lòng, “Trời ơi, tội hôn. Lúc đó cha mấy cưng ở đâu?”. Tôi ngơ ngác, không biết, nhưng dù cha có ở gần ngay đấy thì chúng tôi cũng chẳng thể cầu cứu.”
( Nguyễn Ngọc Tư, Cánh đồng bất tận, tr.199, nxb Trẻ 2005)

Một số cuộc khảo sát cho biết rằng hầu hết phụ nữ không thể nói chuyện riêng biệt đó của mình với cha. Người mà  các thiếu nữ đến tuổi dậy thì có thể thổ lộ là mẹ, kẻ mà nhân vật nữ trong truyện không có. Đó là một mất mát rất lớn của những đứa con mồ côi. Cô gái nhà quê chưa thể hiểu được rằng những em bé với đôi mắt đen láy ngây thơ xinh đẹp như những thiên thần đã chào đời trong máu chảy láng lai của bà mẹ. Cô chưa thể biết rằng thời con gái rực rỡ huy hoàng đã bắt đầu bằng những dòng máu chảy xối x
ã mà cỏ daị không thể nào ngăn chặn. Cô thảng tht, bàng hoàng, và người phụ nữ giang hồ đã bật khóc vì thương xót. “Lúc đó cha mấy cưng ở đâu?”. Câu hỏi của nàng làm ta xúc động và trào dâng niềm cảm thương cho những phận người bất hạnh. Đoạn văn đầy tính nhân bản, hay và đẹp, khêu gợi những xúc cảm mà khi đọc những trang văn viết về mùa thu mùa xuân về quê hương chốn cũ đấy ắp trên báo chí ngày nay ta không còn có được..

Xin thưởng thức thêm đoạn văn khác, cũng từ một nhà văn nữ:

“Cái thân tôi ngày một hư. Sau một năm trời
tưởng mãn kinh rồi bổng nhiên đang đi phất phơ trên bãi biển thì một con nhỏ bán hàng rong chạy theo nói nhỏ:” Quần của bà…!” Tôi vặn eo, xoay nửa thân trên, ngoẹo tréo cần cổ mới thấy một vết đỏ loang dưới đáy mông chiếc quần sóoc trắng. Chắc là con nhỏ hàng rong bình luận với mấy đồng nghiệp tụ tập trên bãi: “Bà già còn ngựa, có kinh mà mặc quần trắng, quần sóoc trắng nữa chứ!” Cái cảm giác thơ thới mới có đó chợt tiêu tan.”
(Lý Lan, Hồi xuân, tr. 59, tạp chí Tia Sáng số 2+3, 2009)

Kinh nghiệm đầu tiên và kinh nghiệm cuối cùng, đều đã đựơc trình bày, bằng chính những nhà văn nữ, một cách đạm nhiên, trong sáng và gây nên nơi người đọc lòng thương cảm xót xa hay sự chia xẻ đầy thông hiểu. Không có chút dấu vết nhờm tởm sợ hãi hay phản cảm nào. Bóng dáng nữ quyền luận, có lẽ đã âm thầm đến nước ta, lan toả ảnh hưởng trong sáng tác văn học từ lúc nào, ta chưa kịp ghi ngày tháng đó thôi. Ở hải ngoại, phóng khoáng hơn, chuyện này cũng không còn mới nữa:

“Dĩ nhiên kinh nguyệt không còn là vấn đề kín của các cô các bà xì xào với nhau trong một góc phòng nữa, và trong văn chương nữ giới, kinh nguyệt xuất hiện một cách tự nhiên như trời xanh mây trắng…

…Trong truyện rừng Na Uy của tác giả lớp mới Nhật bản Haruki Murakami, cô nữ sinh viên Midori dẫn bạn trai mới quen trở lại thăm trường trung học cũ, cô chỉ khói trắng bốc lên từ một ống khói trắng trong trường, cho biết khói đó đốt những băng kinh nguyệt của nữ sinh. Cô còn góp ý như đùa là giả thử như Tokyo ra lệnh bắt phụ nữ phải đội nón kết đỏ trong những ngày có kinh, hẳn quang cảnh thành phố sẽ vui tươi hơn nhiều… Trước những phát ngôn như vậy ông bạn trai hậu duệ của các kiếm sĩ đạo samurai chỉ biết ú ớ thôi…”
(Thế Uyên, Tình dục và các nhà văn nữ di dân Việt Nam)

Đã tới thời, người ta nói ra những gì muốn nói, không cần chi uyển ngữ, hay ẩn ngữ:

11.
Á A huyền nghĩa huyết thi
Đâu cần chi ẩn ngữ
Đâu cần chi sấm vang
Huyết em mỗi tháng rỡ ràng
Huyền lâm cứ thế ca xang...

12.
Á A nguyệt khuyết nhiều khi
Là ta ngóng em rong huyết
Biết đâu sinh diệt diệu kỳ
Lá em mủm mỉm điều chi
Âm vỡ trứng nở thống thiết!!!...
(Nguyễn Lương Vỵ, Huyết âm)

Thực ra, chỉ nói riêng trở lại chuyện taboo này, thi ca, nhờ đặc trưng ngôn ngữ biểu hiện của mình, đã đi những bước khá sớm. Trong một bài viết về Bùi Giáng của Thượng Toạ Tuệ Sỹ, có đoạn :

“Phong vận đó, một lúc nào đó, trở nên dồn dập, vì Lời với Lời quấn quít nhau, Tình Tự nằm ngay trong Tình Tự, cái Phơi Mở hiện hình trong sự Phơi Mở…; hoàn toàn là cách điệu song trùng của Thi ca:

Quần sẽ đỏ từ khi trăng là nguyệt
Kinh là kỳ từ châu quận tân toan
Từ xứ sở đắng cay thu dầu chết
Bước đã mau sầu xé lá gieo vàng
….
(  Tuệ Sỹ, Thi ca và tư tưởng, tr.23, giai phẩm Văn, 1973)
Khi đọc bản thảo bài viết nay, một người bạn thắc mắc: “Quần sẽ đỏ, nói chuyện ấy của phụ nữ mà nói thế thì trắng trợn và thô thiển quá chăng? ”. Thực ra thì không phải thế. Quần sẽ đỏ, tức hồng quần, hai từ trong Kiều của Nguyễn Du được Bùi thi sĩ vận dụng nhiều lần trong sáng tác của ông:” Hồng quần rất mực phong lưu”, “Gái bán quần ra đứng ngó trời”…Bài thơ nói “chuyện ấy” mà như đang tả cảnh một mùa thu trong rừng thu đầy lá vàng hiu hắt, ảm đạm, phải nói  quá siêu.
Trịnh Công Sơn, bài Nguyệt Ca, cũng có những ca từ thơ mộng và đầy hương vị Thiền tông, như :

 “ Từ khi trăng là nguyệt
Vườn xưa lá xanh tươi
Đàn chim non lần hạt
Cho câu kinh bước tới
Từ khi trăng là nguyệt
Tôi nghe đời vỗ về tôi
Từ khi em là nguyệt
Câu kinh đã bước vào đời”

Các từ Kinh và Nguyệt được tác giả lập lại nhiều lần, nhất là câu “Từ khi trăng là nguyệt” cho thấy có sự gần gũi về ý tưởng với những vần thơ của Bùi Giáng.  Mãi say sưa hát nhạc  Trịnh, chắc không mấy ai quan tâm dụng ý của ông.

Khi nhớ bài thơ này và có ý định viết về đề tài này, tôi nhớ ngay đến Sơn Núi, tức thi sĩ Nguyễn Đức Sơn, ngừơi cùng thời với Bùi Giáng. Ông nổi tiếng với những bài thơ nói chuyện không ai dám nói hoặc không thể nói thành thơ được, như chuyện tiểu tiện của phụ nữ chẳng hạn, và nhiều chuyện khác nữa, đương nhiên. Tôi gởi tin nhắn cho ông, hỏi:
“Đại ca nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất vậy còn chuyện kinh nguyệt phụ nữ đại ca có dám nói không và có làm được bài thơ nào không, gởi thử, coi !”

Ông gởi tin trả lời, vào một ngày cuối tháng 12 năm 2008, vẫn theo cái khẩu khí quen thuộc của ông:

“Hoàng Anh làm sao đủ tư cách dính tới kinh nguyệt, mò mẫm tới kinh Pháp Hoa, qườ quạng đụng…Kinh Cong bá láp gì đó của điện ảnh thì được!”

Tôi nghĩ thầm, vậy là ông Sơn Núi cũng có chỗ phải chừa ra chứ! Chuyện ấy xem như bỏ qua. Thế nhưng thời gian sau, có lần ông bệnh nặng, tôi cùng nhà thơ Nam Chu vượt đường xa tới thăm. Tôi ngồi bên cạnh ông trên giường bệnh, ông thều thào đọc ngay cho tôi nghe một bài thơ, nói: “Bữa hổm ông hỏi tôi đó”

“Trăng
Chợt rạng rở bất tuyệt
Bởi
Cùng ta đang ngồi trên bãi cát vàng
Có một nàng
Vừa ướt nguyệt”

Các bộ phận trên cơ thể con người vốn bình đẳng và mầu nhiệm như nhau. Xấu đẹp, thiện ác, có tội tình chi ở chúng là do sự tạo tác đầy sai lạc và điên đảo của tâm thức ý niệm con người. Tất cả đều nằm trong cõi hình tướng vô thường, vốn vô tự tính. Trong cái ngỡ tầm thường ấy vẫn hằng chứa nhiều huyền nhiệm, và nhận ra vẻ đẹp và những huyền nhiệm ẩn tàng là nhiệm vụ của những người nghệ sĩ, kẻ sáng tạo, phải thế chăng?

Gần đây, đọc thơ văn trên mạng, nhất là các trang văn hải ngoại, ta thấy xuất hiện ngày càng nhiều những bài viết mà nội tựa đề thôi cũng đủ làm ta rùng mình. Tuy nhiên cảm giác sượng sùng thì nhiều, hiếm khi ta có những cảm xúc bay bổng hay bâng khuâng vì những sáng tác ấy. Có vẻ như muốn để chứng minh rằng mình mới, mình đang sáng tạo, người ta cần phải soi mói những gì bên trong chiếc quần của phụ nữ chăng? Nhà nghệ sĩ đích thực có cần phải thế? Người đọc có cần phải đọc những điều như thế?

Một thế kỷ rực rỡ của lý thuyết văn chương đã khép lại, quá nhiều thử nghiệm để hôm nay những gì gọi là taboo nhất đã đựơc khai thác đến cạn kiệt và nhàm chán. Tìm tòi soi mói những gì bên trong chiếc quần đã trở thành chuyện cũ rích. Đâu không là nghệ thuật trong cõi đời não nùng diễm lệ và bi thương này,  nhìn mọi mơi và mọi hướng, đâu không là vẻ đẹp, chỉ e ta không có đôi mắt đẹp để nhìn đó thôi.

Ai cũng từng nhìn thấy bụi, nhưng không ai hỏi như Trịnh: “Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi, để ngày mai tôi về làm cát bụi?”. Ai không từng dẫm chân trên sỏi đá dưới chân mình, nhưng ít ai nghĩ như Trịnh: “ Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”. Ai không nhớ người yêu và có lần nhìn thấy bia đá, nhưng cũng chỉ Trịnh mới biết hỏi người yêu: “Làm sao em biết bia đá không đau?”

Có lẽ nhờ biết hỏi, biết nghĩ những điều giản dị gần gũi như thế mà Trịnh sống mãi trong lòng người yêu âm nhạc Việt Nam đó chăng?.