Kiều, tuyệt tác
không độc giả
Hoàng Anh
Truyện Kiều là một tuyệt tác phẩm của Việt Nam, nhưng ít
có người Việt nào đọc nó.
Phát biểu này chắc sẽ làm cho một số người ngạc nhiên,
hoặc bất bình, khó chịu; và một số khác, có
thể khinh miệt vì sự nông cạn kém hiểu biết của người
nói.
Không phải là một chuyên gia về văn học và thích
biện luận, nhưng đó là câu nói bất giác
thốt lên từ sự nhận xét những gì thông thường có
thể cảm nhận được, không cao siêu hay bí hiểm lắm.
Để làm rõ hơn ý nghĩa câu nói trên,
xin nói rằng “đọc” được nêu ra ở đây, là tìm
đến tác phẩm, xem hết ba ngàn hai trăm năm mươi bốn câu
Kiều, để thưởng thức nó, vì bị nó cuốn hút, nó
hấp dẫn, vì giá trị nghệ thuật tự thân của nó.
Đọc, như thế không phải vì để có đủ khả năng làm
bài luận văn vượt qua các kỳ thi; để có thể giảng dạy
vì nhu cầu nghề nghiệp; để chứng tỏ mình cũng là người
hiểu biết; đọc vì hiếu kỳ, vì bị áp lực bởi sự ca tụng
của đám đông.
Đọc, như khi người ta bỏ ăn bỏ ngủ đọc truyện chưởng của Kim Dung, trẻ con
say mê đọc Ngàn lẻ một đêm, thanh niên mơ màng
khi đọc Liêu trai chí dị … Nói tóm lại, đọc vì
bị tác phẩm ấy chinh phục. Trong ý nghĩa này, Kiều không
có độc giả.
Nói không có, là cách nói tương
đối. Trên đất nước tám mươi ba triệu dân, nếu có
một triệu người đọc, tỉ lệ đó quá thấp, và một khi tỉ
lệ thấp quá, có thể xem như không đáng kể. Như
trong một lít nước, ta bỏ vào một giọt rượu. Không đáng
kể, thì cũng gần như không có.
Con số một triệu là một ví dụ cho gọn gàng, dễ nói,
dễ hiểu, thực tế tôi muốn hỏi liệu có đựơc chừng một ngàn
người thôi, đọc Kiều, theo tính cách thông thường
của việc đọc một tác phẩm văn học, như vốn phải là như vậy,
như vừa nói trên, hay không?
Ngày xưa thì chắc chắn là không. Khi Kiều vừa
hoàn thành, ít ai đọc Kiều. Điều này rút
ra từ những suy luận, căn cứ vào lịch sử, vào trình
độ văn minh, bối cảnh xã hội Việt Nam thời điểm đó.
Trình độ kỹ thuật in ấn, xuất bản, phát hành
chưa thành hình; hệ thống báo chí truyền thông
cũng chưa có để giới thiệu hay lăng xê cho bất kỳ một tác
phẩm văn học nào. Các tác giả thời ấy, kể cả những vị
cuối thế kỷ 19 như Tú Xương (1780-1907), như Nguyễn Khuyến (1835-1909)…
có ai nhìn thấy hình dáng đứa con tinh thần của
mình đâu. Kiều không được quảng bá vào lúc
này là điều hiển nhiên.
Kiều lại là tác phẩm để đọc, để ngâm, để nghiền ngẩm;
không phải để kể- phương tiện truyền lưu tác phẩm quan trọng
của thời xưa- thêm một bất lợi nữa cho Kiều. Về phương diện này,
Lục Vân Tiên ở xứ Đàng Trong có nhiều ưu thế hơn,
nhờ vậy chàng họ Lục đã theo bước chân các lưu
dân đi khắp sông rạch của miền Nam kỳ lục tỉnh, đến tận chót
mũi Cà Mau.
Kiều lại ra đời vào lúc chiến tranh loạn lạc gây nhiều
đau thương cho dân chúng. Có quá nhiều điều để
lo toan hơn là ngồi nghiên cứu thưởng ngoạn cái hay cái
đẹp trong cách dùng chữ đặt câu của một tác phẩm
mà nội dung không dính líu chi đến mối quan tâm
sống còn của họ, khi ấy.
Nội dung của Kiều, lại có nhiều vấn đề nhạy cảm đụng chạm đến đạo
lý và quan niệm thẩm mỹ của một vùng đất vốn là
quê hương của Nho giáo với những quan niệm hết sức khắt khe
về tam cương ngũ thường. Điều ấy đã đựơc đúc kết trong câu
ca dao: “Đàn ông chớ kể Phan Trần, đàn bà chớ
kể Thúy Vân,Thúy Kiều.”
Đã ít người đọc, mà nếu có đọc, người ta cũng
không đồng nhất với nhau vể giá trị tác phẩm. Do vậy
nhiều bài thơ công kích Kiều nay vẫn còn lưu truyền,
và trước thế kỷ 20, không có sử liệu cho thấy đánh
giá cao của các Nho sĩ thời đó về tác phẩm, tác
giả. Những nhà cách mạng như Hùynh Thúc Kháng,
Ngô Đức Kế… từng phê phán Kiều Có lẽ vì
vậy mà sinh thời cụ Nguyễn đã từng than: “Bất tri tam bách
dư niên hậu. Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?”. Khi
hạ bút viết hai câu thơ đó, tiên sinh chắc cũng
không ngờ, không tưởng tựơng nổi là ba trăm năm sau chẳng
những có người khóc, mà là cả dân tộc này
khóc cho cụ. Khóc, theo nghĩa là thương tiếc, thương
tiếc vì bái phục một thiên tài thi ca vĩ đại nhất
lịch sử của đất nước.
Kiều bắt đầu lên ngôi vào những thập niên đầu của
thế kỷ 20. Câu nói nổi tiếng của Phạm Quỳnh: “Truyện Kiều còn
thì tiếng ta còn, tiếng ta còn thì nước ta còn”
đánh dấu một bước chuyển mới trong số phận của Kiều. Ông phát
biểu: “Một nước không thể không có quốc hoa, Truyện Kiều
là quốc hoa của nước ta; một nước không thể không có
quốc túy, Truyện Kiều là quốc túy của ta; một nước không
thể không có quốc hồn, Truyện Kiều là quốc hồn của ta.
Truyện Kiều là cái “văn tự” của giống Việt Nam ta đã
“trước bạ” với non sông đất nước này” (Bài diễn thuyết
bằng quốc văn, tạp chí Nam Phong số 86, tháng 8-1924)
Trong phong trào đấu tranh cháy bỏng với thực dân để
dành độc lập, câu nói của ông như một liều thuốc
kích thích tinh thần ái quốc của dân chúng.
Muốn nước ta còn, như vậy là phải đọc Kiều. Câu đó
như một lời hiệu triệu, và thế là người ta bắt đầu đổ xô
đọc Kiều, khen Kiều hết lời. Kiều làm một cụôc phục sinh, rồi
phục hưng, lên tuyệt đỉnh vinh quang từ ấy.
Đọc Kiều trước tiên là những chuyên gia về văn học, các
nhà giáo, các sinh viên học sinh. Về sau, khi
Kiều được đưa vào chương trình giáo khoa và được
báo chí liên tục hết sức đề cao, Kiều nghiễm nhiên
trở thành tác phẩm độc tôn của Việt Nam. Nó trở
thành niềm tự hào dân tộc, là một điển phạm quan
trọng nhất, giá trị của nó là điều không còn
tranh cải, không thể tranh cải. Hay nói đúng hơn, không
còn ai dám tranh cải.
Điều gây thất vọng là mặc dù đã đựơc dân
ta nhiệt tình giới thiệu và tôn vinh hết mức như thế,
người ngoại quốc vẫn không để ý đến Kiều, không chịu đọc
Kiều, như dân ta ước mong hoặc khao khát nó phải thế.
Trong văn học thế giới người ta không nhắc đến Nguyễn Du và
Kiều như họ nhắc đến Lý Bạch, Tô Đông Pha, hay, Tagore…
Những người yêu nước và nhất là yêu Kiều không
khó để trả lời, vì văn hoá họ khác ta, họ không
thưởng thức nổi Kiều của chúng ta. Đành vậy, nhưng niềm tự
hào dân tộc của ta cũng bị tổn thương ít nhiều.
Tạm chấp nhận như thế, ta quay về xem lại tình hình trong nước,
thời nay. Chỉ một vài đoạn trích ngắn ngủi trong sách
giáo khoa, học sinh học đã toát mồ hôi, thế thì
không hy vọng họ sẽ đọc hết Kiều. Đọc hết thôi, khoan nói
chuyện thưởng thức.
Tôi thử hỏi nhiều người yêu thích và có
hiểu biết về văn học, nhất là các gíao viên dạy
văn tại trường phổ thông, cao đẳng hay đại học, mà việc đọc
Kiều đã là nhiệm vụ bắt buộc, nhiều người đỏ mặt thẹn thùng
trả lời rằng họ cũng chưa làm chuyện ấy. Họ có đọc lướt thướt
một vài đoạn, chánh yếu là đọc sách và
bài viết giới thiệu phân tích về Kiều, tham khảo đủ để
giảng bài mà thôi.
Đối với những người đã đọc hết Kiều, lại thử hỏi: Tại sao bạn đọc
Kiều? Cảm giác bạn ra sao khi đọc tác phẩm ấy? Người đọc thực
sự như yêu cầu đọc tác phẩm văn học bình thường như đã
nói trên đây lại càng hiếm. Người ta đọc, vì
nhiều lý do khác nhau hơn là vì tự thân
tác phẩm.
Hoá ra người Việt Nam ca tụng Kiều nhưng không ngưỡng mộ nó
nhiều lắm. Như một cô gái đựơc xưng tụng có sắc đẹp như
hoa hậu nhưng lại ít có người yêu và không
ai chịu cưới cô làm vợ. Đẹp nhưng cô đơn, cũng như số
phận nàng Kiều, nhiều mối tình nhưng rốt cuộc vẫn sống một
mình.
Trên thế giới, không biết có tác phẩm nào
có số phận vinh quang tuyệt đỉnh nhưng lại thiếu bạn tri kỷ tri âm
như Kiều không?
Đến đây, tự nhiên một câu hỏi khác lại nổi lên,
ngừơi Việt không đọc Kiều như đọc các tác phẩm văn học
khác, phải chăng vì Kiều không hay? Chắc chắn không
phải rồi, Kiều bắt buộc phải hay, nếu không hay nó đã
không trở thành tuyệt tác. Thế thì nó hay
chỗ nào? Tôi hỏi nhiều ngừơi quen biết có am hiểu về
văn học.
-Kiều hay ở cốt truyện. Đời một người con gái tài sắc vẹn toàn
mà bất hạnh, truân chuyên chìm nỗi làm xao
xuyền lòng ngừơi.
-Thế nhưng đây chỉ là truyện phóng tác của Tàu,
tác giả có gia công thêm nhưng như thế thì
không phải là điểm thể hiện thiên tài của ông!
Hai truyện thuộc vào loại bán chạy nhất của Hồ Biểu Chánh
là Ngọn cỏ gió đùa và Cay đắng mùi đời
được ca ngợi ở tài sử dụng phương ngữ Nam bộ và không
khí nông thôn miền nam, không ai khen ông
ở tài kết cấu hay xây dựng nhân vật. Đơn giản vì
đó là truyện ông phóng tác từ tác
phẩm của Victo Hugo và Hector Marlot?
-Thời nay khác, thời xưa khác, không phải chỉ Kiều mà
còn vài tác phẩm lớn khác nữa của chúng
ta, như Hoa Tiên, cụ Nguyễn Huy Tự cũng vay mượn từ Đệ Bát
Tài Tử Hoa Tiên Ký của Trung Hoa, Truyện Nôm Trinh
Thử từ Đông Thành Trinh Thử truyện... Đó là khuynh
hướng sáng tác của thời ấy, so sánh sao được!
-Như vậy, một là các cụ ta nghèo trí tưởng tượng,
hay vì tâm lý của thụôc địa, thần phục ngoại bang
quá đáng chăng? Trên thế giới, không có
tác phẩm nào vay mượn của nước khác về gia công
thêm mà thành khuôn vàng thước ngọc cho
quốc gia mình đựơc! Có người cũng từng nói:
“Từ bản dịch lục bát một cuốn truyện Tầu, thế mà đã
mấy thế kỷ vẫn còn là sách gối đầu giường. Hay nói
đúng hơn, nó là cái hầm mộ tập thể, không
ngớt mai táng cho những số phận tinh thần của trí thức Việt
Nam.”
Nguyễn Quốc Chánh
(trích lại từ Nguyễn Hưng Quốc, Giải lãnh thổ hoá, 25-09-2008,
Tienve.org)
-Nếu vậy hãy xét phần nhân vật. Nhân vật trong
truyện rất là đa dạng, hỷ nộ ái ố người thiện kẻ ác
đầy đủ cả, tính cách nhân vật được khắc hoạ rõ
nét, sinh động, chứng tỏ tài xây dựng nhân vật
của tác giả thuộc vào bậc thầy!
-Nhưng có người nói rằng nhân vật trong Kiều lại toàn
là những người nói dối. (Hãy đọc “Các nhân
vật trong truyện Kiều đều nói dối!”, Lê Xuân Lít,
tạp chí Kiến thức ngày nay số 667)
-Vậy là bác không biết quái gì về văn học!
Đề tài không quan trọng, quan trọng là anh đã
thể hiện nó như thế nào.
-Nhưng nhân vật Kiều toàn là những ngừơi yếu đuối, uỷ
mị, nữ tính. Kẻ có khí phách chỉ mỗi ông
Từ Hải nhưng ông ấy là một tên giặc, lại dại gái
nên chết thảm ở pháp trường. Thương họ thì thương, nhưng
nghe họ than thở khóc lóc mãi cũng ngán, đời
sống này vốn đã nhiều tiếng khóc!
-Chính vì vậy nó mang tính hiện thực cao. Xã
hội phong kiến với tất cả những gì xấu xa bỉ ổi của nó được
phơi bày, tố cáo để đánh thức lương tri con người.
-Nhưng đó là xã hội của: “Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh.
Bốn phương phẳng lặn hai kinh vững vàng”. Lại cũng là xã
hội của Tàu, tiếng khóc ngừơi Tàu, không phải
tiếng khóc Việt Nam, mà thời đó dân ta khóc
nhiều lắm. Chiến tranh loạn lạc triền miên, đất nước bị phân
ly chia cắt, dân tình đói khổ, trai tráng bị bắt
đi lính, ít người trở về. Không ai khóc dùm
cho họ. Các thi nhân của chúng ta cứ nhìn về bên
Tàu, xem có ai buồn, trong chốn thanh lâu hoặc nơi lãnh
cung mà khóc. Dân chúng lầm than yếu đuối của
ta bị kẻ sĩ bỏ rơi. Hãy đọc lại hết thi ca Trung quốc, thi nhân
của họ khóc cho dân họ, cho những người đi xâm lược các
lân bang, trong đó có nước ta. Họ không khóc
dùm cho những người nô lệ lặn lội chốn rừng thiêng nước
độc đi tìm ngà voi cống nạp cho vua chúa của họ!
-Thi nhân ta chỉ mượn chuyện Tàu để mà nói lên
điều khác. Ông phải thấy tính nhân văn và
tư tưởng vĩ đại hàm chứa trong tác phẩm. Cốt tuỷ của một tác
phẩm giá trị không phải là cốt truyện mà là
văn chương và tư tưởng.
- Ở nước ngoài, giáo sư Phạm Công Thiện có viết
một cuốn sách khá dầy về Kiều, Thiền sư Nhất hạnh viết Thả
một bè lau, cũng nói về Kiều. Cả hai chứng minh cho thấy tinh
thần Phật giáo đậm đặc trong Kiều. Tìm những ý hay trong
Kiều, ta đều nhớ đã đọc đâu đó trong kinh điển của Tam
giáo. Những tư tưởng chính của Kiều như “tài mệnh tưởng
đố”, “bỉ sắc tư phong”, “hồng nhan bạc mệnh”… đều đã xuất hiện trong
tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân. Xưa hơn, nếu đọc
Nam Hoa Kinh của Trang Tử, cũng thấy có trong đó rồi. Một số
học giả thời nay, nghiên cứu Kiều, phát hiện cụ Nguyễn chịu
ảnh hưởng trực tiếp từ sách vở Trung quốc thời nhà Minh và
nhà Thanh. Nói tính tư tưởng là phần đặc sắc
sáng tạo của Kiều e chưa thuyết phục lắm! Một tác phẩm lớn
đòi hỏi những dấu ấn cá nhân, những sáng tạo mới
mẻ, độc đáo! Các tác phẩm lớn ở Tây phương người
ta không dựa vào lời gỉang trong Kinh Thánh. Đôi
khi họ còn nói ngược lại.
- Nói chi thì nói, không thể phủ nhận giá
trị văn chương nghệ thuật của Kiều, thành tựu cao nhất của ngôn
ngữ và trí tuệ Việt Nam.
- Nhưng Kiều nhiều điển tích quá! Muốn hiểu Kiều cần phải đọc
cả trăm quyển sách viết về Trung quốc, phải am tường lịch sử văn hoá
của Trung quốc. Tức là muốn hiểu tác phẩm của nước mình,
người đọc nước ta phải hiểu về Trung quốc trước! Trên thế giới, không
có tại nước nào mà mỗi khi sáng tác người
ta phải dựa vào văn hoá của nước cai trị mình nặng nề
như Việt Nam. Sử dụng điển tích là dấu ấn rõ nét
của tâm lý thụôc địa và thần phục kẻ cai trị. Phản
đối quyết liệt những ai nói lên điều đó lại là
tâm lý của chủ nghĩa hậu thuộc địa. Cả hai điều này lại
là những nét chính yếu trong sáng tác
văn học nước ta, xưa nay vẫn thế. Mỗi khi tranh biện, họ thường trích
dẫn câu nói của một người nước ngoài nào đó
để làm chỗ dựa cho lập luận của mình. Chúng ta có
tinh thần bất khuất đâu tranh cho độc lập dân tộc, nhưng về phương
diện tư tưởng, văn hoá, ta tự nguyện làm thân nô
lệ. Hãy xem các quyển danh ngôn thế giới có rất
nhiều tại các nhà sách, hay trên một số tạp chí,
toàn là câu nói của người nước ngoài. Bốn
ngàn năm văn hiến của ta chẳng lẽ không có câu
nói hay để tuyển chọn? Và mười mấy ngàn giáo
sư tiến sĩ của ta chẳng lẽ không nói được câu nào
đáng suy ngẫm? Không phải thế. Chính hậu quả của tâm
thức nô lệ, vọng ngoại, chúng ta tự xem thường chính
mình. Lịch sử nước ta, nhất là lịch sử thời Nguyễn Du có
biết bao điêu hay, lạ. Thế nhưng hãy tìm trong Kiều,
toàn là tích Trung Hoa!
- Đó là hạn chế của thời đại. Nhưng thiên tài
của cụ là từ một tác phẩm tầm thường vô danh cụ đã
thể hiện sự sáng tạo và làm nên một tác
phẩm tuyệt vời hoàn toàn Việt Nam, vượt xa nguyên tác.
- Từ những gì có sẵn của người, thêm bớt, thay đổi, uốn
nắn lại để làm nên cái của mình là một
đặc tính của dân ta. Như cách ngày xưa các
cụ đã tạo nên chữ Nôm. Nhắc lại là cùng
thời điểm, cùng bối cảnh lịch sử, người Nhật va người Hàn cũng
nỗ lực tìm ra chữ viết cho riêng họ. Chỉ có cách
họ làm là khác ta. Bằng hai quẻ âm dương, một
ngắn một dài, sắp đặt lại với nhau, ngừơi Hàn tạo ra một loại
chữ viết mới rất khoa học, có thể nói là khoa học nhất
thế giới, đơn giản, dễ học, dễ viết, chỉ cần một buổi học, bạn có
thể biết viết và biết đọc tiếng Hàn ngay. Chữ Nôm ta
thì khác, vay mượn lắp ghép từ chữ Hán một cách
đầy phức tạp, ta tạo ra chữ Nôm. Muốn học, ta phải học chữ Hán,
giỏi chữ Hán trứớc. Ta tự hào về chữ Nôm, có người
nói rằng chẳng khác nào một sự khổ dâm. Có
lẽ vì vậy mà trong thời kỳ thực dân, nước ta là
nước duy nhất từ bỏ chữ viết truyền thống của chính mình, chấp
nhận thọ ơn khai hoá của Pháp.
Cái tinh thần tiếp biến văn hoá văn minh theo kiểu cách
đó kiến chúng ta có tâm lý chờ đợi, thích
lẽo đẽo đi sau thiên hạ. Chúng ta không có đầu
óc khai phá, sáng tạo, nghèo tưởng tựong và
khát vọng. Chẳng những thế, nguy hiểm hơn là chúng ta
có khuynh hướng e dè và chống lại hoặc ngăn cản sự khai
phá của người trong nước. Có phải chăng chính vì
vậy mà Hàn quốc, dù chỉ bằng phân nữa dân
số ta thôi trong năm qua đã có trên trăm ngàn
bằng sáng chế. Còn cả nước ta, với mừơi lăm ngàn tiến
sĩ, và vài năm tới có thêm hai chục ngàn
nữa, chẳng có đựơc cái bằng nào. Hãy bước
vào siêu thị thì rõ, các loại kim chi Việt
Nam ngày nay đa dạng không kém kim chi Hàn quốc.
- Tóm lại, ý ông muốn nói Kiều không hay?
Không phải thế, tôi không hề dám đụng chạm đến Kiều.
Một tác phẩm đã được những chuyên gia văn học ưu tú
lỗi lạc của nước ta ca tụng, chắc chắn nó phải hay, phải vô
cùng giá trị. Là ngừơi biết lan man về văn học, tôi
không bao giờ cả gan dám đụng đến vấn đề đó.
Thế nhưng chính những điều đó đã gợi cho tôi nhiều
suy nghĩ, có thể chỉ là chuyện bên lề. Kiều hay, nhưng
chắc chắn nó không thể toàn bích. Thế gian này
không có điều hoàn hảo hay có chân lý
cuối cùng. Ngay trong lãnh vực khoa học, người ta chỉ mong
tìm ra những định lý gần đúng với chân lý,
không đặt vấn đề tìm ra chân lý cuối cùng.
Thuyết tương đối của Einstein vĩ đại vì nó mở rộng ngõ
chờ đợi mọi sự vượt qua.
Kiều có thể vượt qua? Sau một thế kỷ nằm hắt hiu trong bóng
tối, là một thế kỷ Kiều đứng trên đỉnh vinh quang chói
lọi. Giờ đây Kiều trở nên đỏng đảnh khó ưa khi đã
thừa mứa những lời ca tụng, khó chịu và phản ứng dữ dội trước
những lời vạch ra tì vết của mình.
Trên một đất nước là cường quốc về thi ca, bất cứ thời điểm
nào, dù chiến tranh, dù đói kém, dù
bão lụt, vẫn có hàng trăm ngàn người làm
thơ, hàng vạn người thốt lên lời, lời
ấy biến thành ca dao, vậy mà đã mấy thế kỷ trôi
qua, chưa có tác phẩm nào ngang xứng với Kiều, một tuyệt
tác không toàn bích.
Thi nhân chúng ta hàng hàng lớp lớp bằng lòng
đứng chen chút vây quanh chân tượng đài của Kiều,
ngước nhìn cụ Tiên Điền phất phơ chòm râu bạc ngồi
một mình trên đỉnh tháp vút cao, cô đơn
lạnh lẽo chịu đựng những cơn gió lạ lạnh lùng từ muôn
hướng lồng lộng thổi về.
Chỉ có mỗi tác phẩm Kiều trong nền văn học của chúng
ta, đó không phải là niềm tự hào, mà là
nỗi lo lắng. Cái bất hạnh của một dân tộc thích chiêm
ngưỡng những tượng đài mà không thích vượt qua.
Đã đến lúc, chúng ta không còn có
thể ngồi yên dưới mái chùa Một Cột nhỏ bé mà
ngâm nga mãi truyện Kiều.
(10-03-09)