VIẾT
VỀ ÔNG HUỲNH VĂN CÙ
HOÀNG ANH B.D
(03-02-13)
Huỳnh Văn Cù
là một nhân vật lịch sử của vùng đất Thủ Dầu Một.
Tiếc rằng, ông mất chưa lâu, nhưng các bài
viết về cuộc đời của ông đến nay vẫn chưa được đầy đủ,
chính xác, nhiều điểm lại mâu thuẫn lẫn nhau. Ta
thử xem qua một vài tác phẩm mà chúng
tôi thu thập được; có tham khảo, đối chiếu với lời kể của
hai nhân vật là bà Nguyễn Thị Nết, vợ của ông
Cù và ông Lê Tấn Sĩ, một người lính cũ
của ông.
I. Trước hết, xin đọc bài: “Chuyện kể về anh Ba Cù”
của tác giả Phan Đức Nam:
-“Huỳnh Văn Cù sinh năm 1919 tại ấp Chánh
Thành, phường Hiệp Thành, thị xã Thủ Dầu Một” (1)
Xin nói rõ thêm, địa danh phường Hiệp
Thành và thị xã Thủ Dầu Một là những danh
từ mới lập sau 1975. Thời của ông Cù, nơi ông sinh
sống gọi là xã Chánh Hiệp, quận Châu
Thành. Thủ Dầu Một khi ấy là tỉnh, bao gồm cả địa giới
hai huyện Bình Long và Phước Long thuộc tỉnh Bình
Phước hiện nay.
-“Ba Cù thường lận trong người hai khẩu K.54 nạp đạn sẵn”
(2)
K.54 là loại súng lục, tiền thân của nó
là khẩu TT-33 do nhà thiết kế vũ khí nổi tiếng
Liên xô Fedor Tokarev chế tạo. Từ thập niên 50,
Liên xô mới chấp thuận cho một số quốc gia trong khối
Xã hội chủ nghĩa sản xuất súng theo mẫu này. Kiểu
51, kiểu 54 (K.54) là sản phẩm biến cải lại của Trung quốc nằm
trong dự án trên và được cung cấp cho quân
đội Việt Nam vào khỏang thập niên 60. Thế nên cho
rằng từ giữa những năm 40 mà một chiến sĩ Việt Minh đã
có đến hai khẩu súng K.54 e rằng không hợp
lý. Hơn nữa, ông Cù chỉ có một tay,
làm sao sử dụng được tới hai cây súng!
-“Ở ngã tư Bình Chuẩn, xã Tân Phước
Khánh, huyện Tân Uyên (một trong những nơi hoạt động
của anh Cù) ngay sau khi anh mất, dân chúng
đã tiếc thương lập miễu thờ anh, gọi là miễu ông
Cù”(3)
Cách diễn dịch này không đúng với thực
tế. Vùng miễu ông Cù xưa gọi là Bưng
Cù, theo giải thích dân gian địa phương, một
vùng bưng do con cù dậy mà thành
hình. Cù là con linh vật huyền thoại rất phổ biến
của xứ Đàng Trong. Tại đây ngày nay có một
ngôi đình, gọi là đình Tân Phước
Khánh. Từ “Miễu Ông Cù”, không rõ do
đâu mà ra, có thể xưa ở đây cũng có
ngôi miễu nhỏ, trước khi xây đình chăng? Địa
bàn hoạt động chủ yếu của ông Cù, xã đội
trưởng Chánh Hiệp, là Chánh Hiệp và một
vài nơi chung quang khu vực chợ Thủ chớ không phải ở quận
Tân Uyên (tỉnh Biên Hòa) như tác giả
trên đã nói. Vì vậy cơ sở thờ tự này
không dính liú chi tới ông Cù liệt sĩ
cả.
-“Ngày nay, ở ấp 4 cầu Trệt vẫn còn mội nước
mà xưa kia anh Ba Cù thường đến tắm giặt. Bà con
nhớ thương anh gọi là mội ông Cù”
Qua thăm hỏi một vài người dân địa phương lớn tuổi,
trong đó có bà sáu Nết, kẻ sống cả đời
trên vùng đất cầu Trệt này, thì tại
đây không có con mội nào mang tên mội
ông Cù cả; hơn nữa, ở địa phương xưa nay, ít ai đặt
tên cho mội nước.
II. Huỳnh Văn Cù, có biệt danh là “anh Ba
Cù cụt tay”, nguyên nhân vì sao ông bị
cụt tay thì có các cách giải thích
như sau:
-“Đầu năm 1946, Huỳnh Văn Cù chỉ huy du kích phường
Chánh Hiệp chặn đánh đoàn thiết vận xa của
Pháp trên đường 13-khu vực Bưng Cầu (Định Hòa
ngày nay). Vào trận, Ba Cù độp liền một
phát giữa trán tên xạ thủ đại liên đang thập
thò trên nóc xe tăng đi đầu. Bọn địch chưa kịp
kéo xác tên Pháp xuống thì Ba
Cù đã lanh lẹ luồn tới leo lên xe, thảy luôn
trái lựu đạn vô lòng thiết giáp. Trái
nổ làm bọn địch chết kẹt trong xe.
Lính thiết giáp đi sau quá sợ tài bắn
tỉa của quân du kích-nhất là tay thiện xạ Ba
Cù, nên không dám ngông nghênh
ló mặt ra khỏi xe nữa, mà lầm lì cho xe tiến
tới…Ba Cù ném lựu đạn phá tung xích xe
tăng, hô anh em bắn yểm trợ cho mình rồi nhanh
chóng leo lên chiếc xe tăng thứ hai…
Lần này, do giằng co gấp với địch (phía trong xe-khi
anh cố mở nắp xe thiết giáp), Ba Cù đã không
kịp ném…Trái lựu đạn nổ khiến bàn tay anh tơi tả!
Sau trận đó, Ba Cù phải cắt đi bàn tay phải”
(4)
Đoạn văn hào hùng và sinh động như một
khúc phim xi nê, nhưng cũng gợi vài suy nghĩ. Để
có thể tường thuật được tỉ mỉ như trên, phải là
người chứng kiến tận mắt trận đánh. Do tác giả
không trưng nguồn trích dẩn, và những gì
trình bày thì các nhà viết lịch sử
kháng chiến ở Bình Dương đều chưa thấy nhắc đến,
chúng ta không biết được nhà văn dựa vào
đâu để kể như thế. Chi tiết trái lựu đạn có thể
“phá tung xích xe tăng” là điều cũng cần phải xem
lại.
Việc chặn đánh cả đoàn chiến xa của Tây,
vào lúc lực lượng Việt Minh còn sơ khai, vũ
khí trang bị khá thô sơ, thiếu thốn, lại diễn ra
có vẻ quá dễ dàng, như thể quân đội
Tây là những người không biết chiến đấu. Hơn nữa,
nếu do vì giằng co với nhau, lựu đạn đã phát nổ
khi chưa kịp ném vào trong lòng xe tăng thì
e rằng thân xác của ông Cù đã
không còn nguyên vẹn chứ không phải chỉ mất
có mỗi bàn tay.
Về trận đánh ở Bưng Cầu, vào khoảng cuối năm 1948,
lịch sử địa phương ghi chép như sau:
“Xã đội trưởng Chánh Hiệp Huỳnh Văn Cù trực
tiếp chỉ huy du kích phối hợp với nội ứng diệt đồn nhà
thờ Ông Thưởng giữa ban ngày. Đại đội 2 phối hợp với du
kích xã Định Hòa đánh bót Bưng Cầu;
sau đó phục kích diệt hàng chục tên địch đi
ứng cứu” (5)
Căn cứ vào đoạn trích dẩn trên, ông
Cù không tham gia trận đánh tại Bưng Cầu, và
tại trận đánh này, chỉ đánh bót và
phục kích quân cứu viện, theo lối “công đồn
đã viện” sở trường mà không đụng độ với xe tăng của
Pháp.
-“Ngày 2-4-1948, Huỳnh Văn Cù chỉ huy đội du
kích tấn công đồn giếng máy (nay ở đường Phạm Ngũ
Lão) gây cho địch thiệt hại nặng. Khi đó đại đội 2
Châu Thành và du kích xã Phú
Mỹ đánh đoàn xe lửa. Trận này Huỳnh Văn Cù
bị thương cụt một bàn tay vẫn tiếp tục chỉ huy đơn vị
đánh địch đến khi kết thúc và chiến thắng” (6)
Việc một người bị thương cụt mất một bàn tay trong
lúc đụng trận, máu đương nhiên ra rất nhiều
mà vẫn có thể tiếp tục chỉ huy trận đánh đồn cho
tới cùng là sự kiện gợi nhiều nghi vấn. Theo bà
sáu Nết tay ông bị cụt là do đánh đồn Giếng
Máy, trong lúc quăng lựu đạn, bị trở ngại sao đó
thì bà không rõ.
III. Về trường hợp bị bắt và cái chết của ông
Cù, cũng có nhiều thông tin khác biệt.
Nhà văn Phan Đức Nam tường thuật như sau:
- “Ba Cù cùng hai đồng chí là Năm Khoa
và Bảy Minh về Phú Cường công tác.
Không may họ bị chỉ điểm, ba người đã chống trả quyết
liệt, Năm Khoa và Bảy Minh hy sinh, còn một mình
Ba Cù vừa chạy vừa bắn hạ được 6 tên lính Tây
thì hết đạn. Bọn chúng không biết vậy, chỉ bao
vây rồi gọi thêm tiếp viện. Anh Ba Cù quăng
súng núp sau một vựa cá, tính trà
trộn vào các ghe lưới rồi bơi qua sông,
thoát vô căn cứ Củ Chi…Bỗng một tên lính
Tây đen vô tình tiến thẳng tới chổ anh…Anh sợ ra tay
gây tiếng động tụi kia sẽ quay lại…Biết tụi lính
đánh thuê tham tiền chỉ muốn bắt anh để lĩnh thưởng, Ba
Cù nhanh trí trút cả số tiền mang theo để hối lộ
tên Tây đen. Tên này định tha anh vì
chưa nhận ra sát thủ Ba Cù. Không may có
thêm hai tên lính nữa tới, một tên nhận ra anh
liền hô lớn. Ba Cù đành phải dùng một tay
không chống trả bọn Pháp đông đặc. Anh bị bắt
lôi ra giữa chợ cá. Tụi Pháp bị Ba Cù bắn
chết nhiều nên tức giận đánh anh rất dã man. Do Ba
Cù không còn tay phải, nên bọn Pháp
cột cổ tay trái anh quặt ngược ra sau quấn chặt vào cổ.
Ba Cù vẫn hiên ngang giơ cánh tay cụt chào
đồng bào vây quanh đang xót thương anh, hô
to: “Bà con đừng lo. Cù này có chết
thì còn hàng ngàn Cù khác
đứng lên đánh Pháp”.
Tụi Pháp cột cứng Ba Cù lại rồi cho xe tăng
lôi anh xềnh xệch quanh chợ Thủ. Mục đích chúng
là dằn mặt dân chúng: “Trùm Cộng sản Ba
Cù đã bị bắt, coi như rắn đã mất đầu”.
Biết không thể tra tấn khai thác gì được Ba
Cù, và để tránh sự căm hận bừng bừng của dân
chúng, ba hôm sau, bọn Pháp bí mật thủ
tiêu Huỳnh Văn Cù sau chùa Cô Hồn (gần Bệnh
Viện Y Học dân Tộc cũ, sau đó quăng xác anh xuống
sông Sài Gòn.” (7)
Thêm một địa danh cần nói lại cho rõ hơn.
Chùa Cô Hồn được nói đến trong bài viết
là tên gọi dân gian của ngôi chùa thời
trước có trường trung học tư thục Bồ Đề, hiện nay là khu
vực trường trung học cơ sở Phú Cường, phường Phú Cường.
Nơi này cách khá xa với bệnh viện Y Học Dân
Tộc nằm cạnh đường Yersin.
Theo một tài liệu khác:
“Cuối năm 1948, nhằm củng cố lòng tin cho ngụy, gây
thế lực cho bọn tay sai và ổn định vùng chiếm
đóng: Thực dân Pháp huy động lực lượng thủy, lục,
không quân mở cuộc tổng càn quét thị
xã Thủ Dầu Một và các vùng lân cận.
Ngày 13 tháng 2 năm 1949, Pháp bao vây khu
vực từ lò heo đến đình Bà Lụa sang Mỹ Bình
cướp của đốt nhà gây nhiều thiệt hại cho nhân
dân. Trong đợt càn quét này đồng chí
Huỳnh Văn Cù phó bí thư, thị đội trưởng Thị
xã anh dũng chiến đấu đến viên đạn cuối cùng
và bị địch bắt, đồng chí Nguyễn thị Bình Minh (bảy
Minh) phó đoàn trưởng phụ nữ thị xã cũng hy sinh.
Sa vào tay giặt, đồng chí Cù vẫn 1
lòng trung thành với cách mạng-bị Pháp
đánh đập tàn nhẫn, hăm dọa sẽ tìm giết vợ con,
đồng chí vẫn giữ vững khí tiết người cộng sản không
đầu hàng giặc. Bắt được đồng chí Cù, một
cán bộ lãnh đạo của thị xã, người đã
làm cho chúng mất ăn, mất ngủ mấy năm qua, thực dân
Pháp và tay sai dùng thiết vận xa chở “trùm
cộng sản” của vùng này đi vòng quanh chợ Thủ Dầu
Một tuyên truyền, rắn đã mất đầu để lung lạc ý
chí của nhân dân; đồng bào thị xã
chứng kiến cảnh đồng chí bị còng tay, thân
mình bê bết máu vô cùng căm giận. Đồng
chí Huỳnh Văn Cù vẫn lạc quan nói: “Bà con
đừng lo, Cù này chết đi còn hàng
ngàn Cù khác đứng lên”. Ngày 16
tháng 2 năm 1949 địch thủ tiêu đồng chí.” (8)
-“Khi bắn hết đạn, đồng chí bị địch bắt. Chúng mua
chuộc, dụ dỗ, tra tấn man rợ, đồng chí vẫn nêu cao
khí tiết của người cộng sản. Bọn giặc dã man còng
hai tay đồng chí vào xe thiết giáp rồi chạy quanh
thị xã” (9)
-‘Chúng đưa đồng chí về trại giam đặc biệt. Sau
vài ngày dụ dỗ, tra tấn dã man, không lấy
được tin tức mật và cơ sở mật chúng chuyển sang
cách khác.
Chúng công khai đưa đồng chí ngồi lên xe
thiết giáp, cột một cánh tay còn nguyên
vào nòng súng, xe chạy quanh chợ qua các
đường phố. Mục đích thâm độc là cho đồng bào
biết “trùm cộng sản” đã bị bắt, để uy hiếp tinh thần.
Khi ấy mọi người đều nhìn thấy rõ một tay cụt của
đồng chí Huỳnh Văn Cù đưa lên vẫy chào…
Sau này có người trong ngành công an
địch đưa tin ra là ngày 16-2-1949, theo lệnh của quận
trưởng Châu Thành chúng đã đem thủ
tiêu đồng chí Huỳnh Văn Cù bằng cách
không nổ súng mà bỏ vào bao bố thả xuống
sông Sài Gòn mà chúng gọi là
“mò tôm”, rất dã man
Một số đồng chí đồng bào ta nghe được tin đó
liền bí mật cho người đi chài lưới để tìm
xác anh Ba Cù nhưng không kết quả” (10)
-“Năm 1950, lãnh đạo thị xã Thủ Dầu Một ở xã
Bình Mỹ, huyện Củ Chi (đối diện với cảng Bà Lụa),
Pháp phát hiện được và hành quân bao
vây tiêu diệt cán bộ Việt Minh. Trận ấy, một số
cán bộ bị hy sinh, trong đó có chị Bình
Minh (Tư Minh) và anh Ba Cù thì bị chúng
bắt được. Chúng cột một tay anh vào súng
máy gắn phía trước xe thiết giáp, chở nhiều
vòng, quanh chợ Thủ Dầu Một để khoe rằng đã bắt được
“Việt minh cỡ bự”. Anh vẫn hiên ngang đưa cánh tay cụt
lên chào đồng bào. Sau đó chúng đưa
anh về bót Séc-tơ, rồi đưa đi thủ tiêu ở sông
Sài Gòn” (11)
So sánh các đoạn văn trên, ta nhận thấy
có khá nhiều sai biệt. Về địa điểm và thời gian:
-Theo nhà văn Phan Đức Nam, Ba Cù bị bắt ở chợ Thủ
Dầu Một khi đi công tác và bị chỉ điểm, lọt ổ phục
kích, hai người đi theo ông bị giết chết là Năm
Khoa và Bảy Minh.
-Theo sử địa phương, địa điểm ông rơi vào tay giặc
Pháp là khu vực từ Lò Heo đến đình
Bà Lụa (nay thuộc phường Chánh Nghĩa), trong một đợt
chống càn vào ngày 13-02-1949. Ba ngày sau,
ông bị giết, đó là vào ngày
16-2-1949. Chiến đấu với ông và chết trong trận này
có đồng chí Nguyễn thị Bình Minh (Bảy Minh)
phó đoàn trưởng phụ nữ thị xã.
-Theo Nguyễn Văn Phước, ông Cù bị bắt ở xã
Bình Mỹ, huyện Củ Chi, phía bên kia sông
Sài Gòn, đọan đối diện với cảng Bà Lụa. Thời gian
là năm 1950, cách một năm so với các niên
đại trên. Người chết trong trận đánh là chị Tư
Minh, chớ không phải Bảy Minh.
-Theo bà Sáu Nết, đêm 19-01 âm lịch năm
1949, ông Cù bị Tây bắt, khi bị bắt, ông đang
nằm trốn một mình dưới đám lục bình trong một con
rạch bên Mỹ Bình (Bình Mỹ, ngày nay), một
phụ nữ, có thể là một đồng chí phản bội, đã
điềm chỉ cho Tây đến bắt ông.
Khi ông Cù bị bắt, có hai câu nói
được các tác giả ghi lại cho là của ông
Cù, nhưng nay thì không biết câu nào
mới đúng là câu của ông, ai đã thực sự
nghe được:
-“Bà con đừng lo, Cù này chết đi còn
hàng ngàn Cù khác đứng lên” (12)
-“Khi bị bắt Pháp hỏi: Bao giờ hết Việt Minh? Anh trả lời:
Khi nào đất hết cỏ thì hết Việt Minh. Ông Tư Ru
cũng nghe kể Việt Minh đòi thả ông Cù thì
Việt Minh sẽ thả 3 sĩ quan Pháp bị ta bắt. Nhưng Pháp
không chịu và thủ tiêu anh không chút
do dự.” (13)
Về việc ông bị cột trên xe, có các
cách mô tả như sau:
-Theo nhà văn Phan Đức Nam:
- “Do Ba Cù không còn cánh tay phải,
nên bọn Pháp cột cổ tay trái anh quặt ngược ra sau
quấn chặt vào cổ. Ba Cù vẫn hiên ngang giơ
cánh tay cụt chào đồng bào vây quanh”
-Theo lịch sử chiến tranh nhân dân:
“Bọn giặc dã man còng hai tay đồng chí
vào xe thiết giáp rồi chạy quanh thị xã”
- Theo ông Nguyễn Minh Đức, nguyên Phó trưởng
ban Tuyên giáo tỉnh ủy Sông Bé: “Chúng
công khai đưa đồng chí ngồi lên xe thiết
giáp, cột một cánh tay còn nguyên vào
nòng súng, xe chạy quanh chợ qua các đường phố.
Mục đích thâm độc là cho đồng bào biết
“trùm cộng sản” đã bị bắt, để uy hiếp tinh thần.
Khi ấy mọi người đều nhìn thấy rõ một tay cụt của
đồng chí Huỳnh Văn Cù đưa lên vẫy chào…”
Người thì nói ông bị cột quặt một cánh
tay ra sau gáy. Người thì nói ông bị
còng hai tay vào xe thiết giáp, vậy ông
còn tay nào để chào? Người thì nói
ông được ngồi lên xe thiết giáp, tay thì cột
vào nòng súng, như vậy làm sao kéo
lê ông trên đường phố được?
Theo lời kể của những người cao niên từng tận mắt chứng kiến
cảnh ông Cù bị cột trên xe bọc thép, những
gì mà họ nhìn thấy, giản dị hơn:
- Ba Cù bị cột chặt tay và thân mình
vào phía sau xe bọc thép, hai chân
còn kéo lê trên đường. Loại thiết vận xa
dùng để kéo ông đi còn xài
bánh cao su, dân chúng thường gọi là xe bọc
thép. Mặt ông đầy máu, có thể là hậu
quả của những trận đòn của Tây, khi ấy dường như ông
đã ngất xỉu.
Có tác giả nói rằng vài ngày
sau ông bị thủ tiêu bằng cách bỏ bao bố thả xuống
sông. Nhiều ngừơi lại cho rằng ông bị Tây bắn chết ở
khu đất trống gần phía sau chùa Cô Hồn.
Bà Sáu Nết, thời gian này đang lẩn trốn ở
nhà người chị ruột thứ tư ở Sài Gòn, những
gì xảy ra đối với chồng, bà chỉ nghe người ta nói
lại. Rằng sau khi bị bắt một đôi ngày, Tây cột
ông trên xe chở vòng quanh chợ Thủ, ông bị
trói tay trái, tay mặt bị cụt vẫn còn giơ
lên vẩy, và ông gào thét chửi
Tây rất dữ, chửi gì thì bà không biết.
Sau đó Tây thủ tiêu ông, ở đâu,
lúc nào bà không biết, cũng nghe nói
là giết ông ở chùa Cô Hồn, nhưng thực ra như
thế nào thì không ai biết chính xác.
Vì vậy hàng năm bà chọn ngày nghe tin
ông bị bắt (ngày thứ tư 19-01 năm Kỷ Sữu, 16-02-1949)
làm đám giổ cho ông.
Hình ảnh xe bọc thép của Tây trong một buổi lễ
diễu hành tại chợ Thủ Dầu Một, khoảng những năm giữa thế kỷ 20.
CHÚ THÍCH:
1. Phan Đức Nam, Chuyện kể về anh Ba Cù, tạp chí
Tài Hoa Trẻ 378, 2005, tr.11
2. Phan Đức Nam, Chuyện kể về anh Ba Cù, tạp chí
Tài Hoa Trẻ 378, 2005, tr.13
3. Phan Đức Nam, Chuyện kể về anh Ba Cù, tạp chí
Tài Hoa Trẻ 378, 2005, tr.14
4. Phan Đức Nam, Chuyện kể về anh Ba Cù, tạp chí
Tài Hoa Trẻ 378, 2005, tr.12
5. Sông Bé, lịch sử chiến tranh nhân dân,
nxb. Tổng Hợp Sông Bé, 1990, tr.111
6. Nguyễn Minh Đức, Lược sử tên đường thị xã Thủ Dầu
Một, 2008, tr. 80
7. Phan Đức Nam, Chuyện kể về anh Ba Cù, tạp chí
Tài Hoa Trẻ 378, 2005, tr.14
8. Lịch sử Đảng bộ thị xã Thủ dầu Một, 1988, tr.52-53
9. Sông Bé, lịch sử chiến tranh nhân dân,
nxb. Tổng Hợp Sông Bé, 1990, tr.113
10. Nguyễn Minh Đức, Lược sử tên đường thị xã Thủ Dầu
Một, 2008, tr. 83)
11. Huỳnh Văn Cù - Người chỉ huy du kích ''Tả xung
hữu đột'' / Nguyễn Văn Phước // Sông Bé. - 2004. -
Ngày 25 tháng 5 (theo Thư viện tỉnh Bình Dương)
12. Lịch sử Đảng bộ thị xã Thủ dầu Một, 1988, tr.53
13. Huỳnh Văn Cù - Người chỉ huy du kích ''Tả xung
hữu đột'' / Nguyễn Văn Phước // Sông Bé. - 2004.
THAM KHẢO:
1. Phan Đức Nam, tạp chí Tài Hoa
Trẻ 378, 2005
2. Lịch sử Đảng bộ thị xã Thủ dầu Một, 1988
3. Nguyễn Minh Đức, Lược sử tên đường thị xã Thủ Dầu
Một, 2008.
4. Sông Bé, lịch sử chiến tranh nhân dân,
nxb. Tổng Hợp Sông Bé, 1990.
5.
http://www.sugia.vn/portfolio/detail/560/huynh-van-cu-nguoi-chi-huy-du-kich.html
6. Nguyễn Mậu Tùng, Lịch thế kỷ XX, nxb. Khoa Học và
Kỹ Thuật, 1983