PHIẾM LUẬN VỀ DẾ (I)
Hoàng Anh


Những năm trước thời kỳ đổi mới đời sống của dân ta nói chung rất nghèo nàn và thiếu thốn. Ngày ấy, thỉnh thoảng bọn sinh viên nội trú chúng tôi phải rủ nhau đi lượm những mẫu tàn thuốc rê vứt vương vãi đâu đó dưới nền nhà, vấn lại thành điếu  rồi năm sáu đứa chuyền tay hút vài hơi cho vơi nỗi nhớ quê trong những đêm mưa gió. Lượm tàn thuốc, chúng tôi nói với nhau cho đở quê là đi “gom dế nhũi”.
Trước đây hàng thế kỉ, nhà thơ trào phúng Tú Quì có một bài thơ cảm tác theo thể thất ngôn bát cú giọng giễu cợt nhưng thân thương dành cho loài dế này:

            Dế duổi bên đèn

            Kiến chẳng phải kiến, voi chẳng voi,
            Trời sinh dế duổi cũng choi-choi,
            Ngắn cánh lên trời bay chẳng thấu
            Co tay vạch đất cũng khoe tài,
            Mưa sa nước chảy lên cao ở,
            Lửa đỏ dầu sôi nhảy tới chơi,
            Quân-tử có thương xin chớ phụ,
            Lăm-lăm bay nhảy để mà coi  
           (Trích Việt Nam thi văn hợp tuyển, Dương Quảng Hàm)

Có lẽ không một người Việt Nam nào, nhất là ngừơi Việt Nam ở đồng quê mà lại chưa từng nghe tiếng dế gáy. Thế nên nhà thơ của nông thôn Việt Nam Nguyễn Khuyến cũng không quên nhắc đến dế trong một bài thơ của ông:

            Tháng tư đầu mùa hạ
            Tiết trời thực oi- ả
            Tiếng dế kêu  thiết- tha
            Đàn muỗi bay tơi- tả…
           (Nguyễn Khuyến, Đêm mùa hạ)

Trong tiếng Anh, dế được gọi là cricket, trùng với tên một môn thể thao. Có thời , “no cricket”(không có dế), được dùng để ám chỉ những kẻ chơi không đẹp, không sòng phẳng với nhau. Ở Việt Nam hôm nay, lạ thay, “Dế” lại là tiếng lóng giới trẻ dùng để gọi điện thoại di động, một phương tiện liên lạc siêu hiện đại, siêu thời trang đối với mọi lứa tuổi. Từ lóng này phổ biến đến nỗi giới kinh doanh đã khai thác khá nhiều trên mục quảng cáo của báo chí. Điều gì đã khiến cho người ta kết nối hai thực thể khác biệt này lại với nhau như thế? Tôi cho chính là yếu tố âm thanh. Thế nhưng ví von tiếng bip bip chói tay rất khó chịu của điện thoại với tiếng gáy trong trẻo thanh tao của dế liệu có phải là sự so sánh khiếm nhã và bất công với  loài côn trùng bé nhỏ này hay chăng?
Từ thủa xa xưa, ve cùng với dế đã là hai bạn lòng tri âm thân thiết của con người. Có thể nói không ngoa rằng chúng là một sáng tạo tuyệt vời mà hoá công đã dâng tặng cho cõi trần gian ô trược này. Hãy tưởng tượng một mùa hè thiếu tiếng ve, tiếng dế! Hãy nhớ đến những ngày trời nóng như thiêu như đốt, cây cối trơ cành xương xẩu, cỏ cháy vàng úa, rệu rã, mọi người há hốc như sắp gục ngã vì sự trừng  phạt của trời đất vì tội lỗi của tổ tông, thì bỗng nhiên gánh hát rong ấy lại xuất hiện, như những chàng lãng tử trở về mái nhà xưa sau một năm dài ly biệt. Từ đây, chúng thay phiên nhau suốt ngày đêm để tấu nên bao nhiêu là giai điệu du dương, ru con người ngủ êm trong cái nóng oi nồng của buổi ban trưa, khiến họ chịu đựng cực hình mà lòng vẫn ngân lên những niềm hân hoan.
Dế thường trình diễn điệu nghệ nhất vào lúc bình minh và vào ban đêm dịu mát, buổi trưa oi ả là show diễn của loài ve. Mỗi chú ve là một nhạc công trong dàn giao hưởng chuyên hoà tấu những giai điệu trầm buồn như khúc ru nôi. Dế, trái lại là những nghệ sĩ độc tấu tài năng, mỗi khi chàng gãy đàn, các giai điệu không ngừng chuyển hoá tạo nên bao nổi niềm, khi hùng tráng, khi dịu êm như những lời tình tự nỉ non.
Ve chỉ biết chơi nhạc và nằm ngủ, có thể nói chúng là những nhạc sĩ lười biếng nhất thế gian. Thi hào La Fontaine đã từng đem ve ra làm hình tượng chế  giễu trong bài thơ ngụ ngôn nhiều người biết “ la Cigale et la Fourmi”. Dế, trái lại, chàng nghệ sĩ ấy còn là một kiếm sĩ nữa, một kiếm sĩ tay đàn tay kiếm ngao du  hiên ngang mà lãng tử giữa đất trời. Thế nên thời tiền chiến, dế đã được  nhà văn Tô Hoài xây dựng thành nhân vậy chính trong tác phẩm “Dế mèn phiêu lưu ký” làm say sưa biết bao tâm hồn trẻ thơ ở Việt Nam. Trong loại phim hoạt hình của Walt Disney, con dế Jiminy cùng với chú chuột Mickey,  vịt Donald đã lôi cuốn hàng triệu khán giả nhỏ của màn ảnh trên toàn thế giới cả trăm năm qua.
Ve và dế đều đã là đề tài được đưa vào văn chương nghệ thuật tự thời xa xưa lắm. Thế nhưng ve như những nàng ca kỉ luôn 
nơi gác tía lầu son, người ta thưởng thức tiếng nhạc của nàng nhưng hiếm khi có dịp chiêm ngưỡng dung nhan. Dế là  kẻ du ca phiêu bạt đầu đường xó chợ, bốn phương đâu cũng là nhà. Từ những bụi cỏ ướt  đẫm sương đêm bên vệ đường, đến lầu vàng điện ngọc hay nơi thâm sơn cùng cốc, đâu đâu người ta cũng có thể nghe tiếng dế và nhìn thấy loài côn trùng nhỏ nhoi ấy. Có lẽ vì vậy, người ta yêu ve như yêu một nàng con gái đẹp, mà thương dế như thương những người bạn từ thưở hàn vi.
        
         Xa người nhớ cảnh tình lai láng
        Vắng bạn ngâm thơ rượu bẽ bàng
        Qua lại yến ngàn dâu ủ lá
        Hoà đàn sẵn có dế bên tường
       ( Hàn Mặc Tử, Cửa sổ đêm khuya)

Dế được trẻ con say mê nhờ đôi càng dũng mãnh như hai thanh đồ long đao, thế nhưng để được con ngư
i yêu mến và đưa dế vào văn chương nghệ thuật, thì chính là nhờ tiếng hát những đêm trường không ngủ của chúng. Kẻ sĩ phương Đông thường chuộng cuộc sống ẩn dật xa lánh phù trần. Những buổi sớm trời se lạnh trong sương mai tinh khiết, khói trầm lan toả hương trong thư phòng u nhã và tịch tĩnh, ngoài hè có tiếng dế gáy râm ran, tha thiết như góp phần dìu tâm hồn con người tan loãng vào cõi mộng xa xôi. Thế nên kẻ sĩ đã yêu thiên nhiên, thời không thể không yêu dế:

“Người ta yêu cây thì yêu cả tiếng chim hót trên cây, yêu đá thì yêu cả tiếng dế gáy bên đá, vì có cây thì có chim hót, có đá thì có tiếng dế gáy. Người Trung Hoa thích nghe tiếng ếch, nhái, tiếng dế, tiếng ve hơn là yêu mèo, chó và các loài gia súc khác”
Lâm Ngữ Đường (Sống đẹp)

“Pet” của người Anh người Mỹ là chó với mèo, nhưng với người phương Đông, ve, và dế mới là những con vật cưng của họ. Cách nhìn đời và cảm nhận cuộc sống của Tây và Đông, quả là luôn có nhiều khác biệt.
Chàng thi sĩ tài hoa và bất hạnh Hàn Mặc Tử còn có đôi câu thơ ca tụng tiếng dế nghe rất não nùng:
      
         Khóc giùm thân thế hoa rơi lệ
        Buồn giúp công danh dế dạo đàn
        Trỗi dậy nôm na vài điệu cũ
        Năm canh tâm sự vẫn chưa tàn.
       ( Thức khuya)

Nhắc đến ve, là nhắc nhớ đến nổi buồn của tuổi hoa niên thơ mộng. Nhớ đến dế, tâm hồn con người lại rung động lên biết bao cung bậc sắc màu khác nhau, bởi bao thế hệ khác nhau. Thế nên dế bước vào cõi văn chương với khá nhiều  hình ảnh, ý nghĩa bất ngờ mà bình thường ta không thể nào ngờ tới.
Đôi khi, dế chỉ là biểu tượng của sự hèn mạt, tầm thường:
Tiến thân thì tiến bằng đầu
Tiến bằng hai gối công hầu mà chi
Mai sau bãi cỏ xanh rì
Làm thân giun dế oán gì  khóc đêm?
(Khoa Nguyên Chương)
Có lúc, dế biến thành nghệ sĩ, một nghệ sỉ nghèo kiết xác như gã hát xẩm trong bản nhạc thiếu nhi rất dễ thương của Lê Thương:

     …Có con dế mèn
     Suốt trong đêm khuya
     Hát xẩm không tiền
     Nên nghèo xác xơ
     Đền công cho dế nỉ non
     Trời cho sao chiếu ngàn muôn…
     (Thằng cuội)

Trời cho sao chiếu ngàn muôn lấp lánh đêm đêm trên bầu thời cao rộng kia như thế không phải cho người, vì người, mà là cho dế, để đền công dế hát nỉ non. Khi nghĩ đến đời nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ nghèo, loại người đáng yêu nhất trên thế gian này, các thi nhân thường liên tưởng đến dế. Trong một bài thơ của Nguyễn Đức Sơn, dế làm ta nhớ đến nổi cô độc, bi thảm và rất hắt hiu phận người giữa chốn hư vô:
Có một con dế què
Cánh mòn đập rè rè
Không ai nghe
Kiến bu trần trụi cuối hè
Một mình trên trái đất mầu mè
Nằm chết trong lùm tre
(Nguyễn Đức Sơn, Tịnh Khẩu , Cảnh đời)
Trong bài thơ “Bông hồng cài áo” của thiền sư Nhất Hạnh  đã được phổ nhạc và nhiều người ưa thích, dế bất ngờ lại được ví như biểu tượng của tình mẹ.
Mẹ, Mẹ là lọn mía ngọt ngào
Mẹ, Mẹ là nải chuối buồng cau
Là tiếng dế đêm thâu
Là nắng ấm nương dâu
Là vốn liếng yêu thương cho cuộc đời
Lão thi sĩ Bùi Giáng, kẻ rong chơi mõi mòn giữa phố thị đặt ngẹt khói xăng và bóng đèn ngọn xanh ngọn đỏ cảm nhận loài dế ở những chiều kích còn sâu thẳm và bi thiết hơn. Với nhà thơ, dế không đàn, không hát, mà dế kêu, dế gọi. Tiếng gọi để lại dư vang suốt cả không gian và thời gian :
“ Dâu biển ơi! Phong tình cổ lục ơi! Sự tình như thế nào như thế. Còn đâu nữa một vần tái tạo, một khúc tái tân thanh. Chỉ còn tịch mịch hư không…Đêm
Con dế kêu
Buồn đêm vắng
Buồn đêm mưa…
Nhưng làm sao dừng lại
Nhưng làm sao dừng lại. Dư vang con dế gọi vẫn kéo dài suốt kiếp chúng ta. Kéo dài suốt giang sơn nước Việt.
Bùi Giáng (Đường vào thi ca)
Dế, không còn là những sinh vật tầm thường nữa mà đã được nâng lên một tầm cao mới. Nó gợi nhớ đến quê hương. Đến thân phận của giống nòi. Nhà văn Bình Nguyên Lộc cũng từng suy tưởng như thế :

-”Ông nội cười khà, day qua xoa đầu cháu và nói một mình, mắt nhìn ở đâu xa lắm:
-Bắt dế! Ừ, nếu không bao giờ được hưởng cái thú bắt dế thì con người như...như mất đi hết phân nửa con người.”
( Phân n
a con người)

Mất hết phân n
a con người, thì người không còn là người nữa. Nói đúng hơn, không còn là người Việt Nam nữa. Chết thật! Quên đi loài dế, là quên cả quê hương, chuyện ai mà ngờ nỗi.  
Bởi những ai đã quên đi tuổi thơ, quên hương đồng cỏ nội, thì hình bóng quê hương trong lòng họ chắc là cũng đã bay đi ít nhiều rồi. Chuyện bắt dế, như vậy nào phải đâu chỉ là chuyện của trẻ con!

PHIẾM LUẬN VỀ DẾ (II)

Kể từ thời cổ đại, các trang sử của nhân loại khắp nơi trên hành tinh này luôn đầy cảnh binh đao khói lửa. Con người có lẽ là loài động vật nhân từ vui vẻ nhất, mà lại cũng hiếu sát nhất. Thế nên trong cảnh thái bình, không thể tự cầm vũ khí chém giết lẫn nhau thì con người cũng bày ra bao nhiêu là trò đánh đấm để mà tiêu khiển, để làm nóng lại cái hào khí của những ngày trận mạt đã qua. Chọi trâu, chọi gà, đá cá lia thia… Họ luôn mồm kêu gọi hoà bình và tình nhân loại, nhưng những môn thể thao càng nhiều máu me và dã man, càng thu hút được nhiều người xem với sự đam mê và cổ võ cuồng nhiệt nhất.
Trong các trò chơi này, đá dế có lẽ là môn ít tàn bạo hơn cả, bởi một cụôc đá dế dù dữ dội cách mấy cũng không thấy có chút máu nào đổ ra, cũng không có vận động viên nào ngã chết lăn quay trên sàn đấu. Đá dế có vẻ thích hợp với trẻ con chính vì tính chất tương đối hiền lành của trò chơi này.
Trò chơi đá dế ở Việt Nam có lẽ đã bắt nguồn từ Trung Quốc tự thời xưa. Trong một văn bản được viết năm 742 sau Công nguyên cho biết rằng hồi đó các công nương từng rất yêu thích dế nên nuôi chúng trong những chiếc hộp nhỏ nạm vàng. Với các cung nữ trong cấm thành, lạnh lẽo, cô đơn có khi suốt kiếp, thì dế chính là những người bạn gần gũi và quí giá mà họ có. Đêm đêm, nghe chúng tấu lên những ngâm khúc, chắc họ cũng vơi đi được ít nhiều nổi sầu cung oán bi ai.
Ninh Dương được coi là quê hương của môn đá dế. Điều kiện sinh thái của vùng đất này đã tạo ra một loài dế thuộc loại siêu đẳng, thân to, răng cứng và rất sắc, bản tính lại hung hăng, xưa nay từng được mệnh danh là “Dế cồ đất Sơn Đông”. Mỗi lần giáp mặt với dế Sơn Đông, thấy dáng vẻ hùng hổ của những chàng “Mãi v
õ Sơn Đông” này, chưa kịp so càng dế nơi khác có khi đã kinh hãi quay đầu bỏ chạy.
Đầu tháng 8, khi dế đến độ trưởng thành, nông dân các địa phương Ninh Dương, Duyên Châu, Tuân Thành, Khúc Phụ của tỉnh Sơn Đông không kể trẻ già gái trai đều đổ nhau ra đồng bắt dế. Bọn thanh niên trai tráng còn chịu khó thuê xe lặn lội hàng trăm cây số để săn lùng dế quý. Họ thường đặt cho các chú dế những cái tên mang đậm màu sắc võ hiệp như “ Minh chủ võ lâm”, “ Đại kiếm khách”, “Anh hùng cái thế”… Có những con dế giá chỉ chừng 5 hào, nhưng cũng có con bán gần ba bốn ngàn nhân dân tệ. Để đặt cuộc cho một lần đá dế, số tiền có thể lên đến hàng trăm đô la.
Năm mười năm trước khi nền kinh tế Trung quốc chưa được phát triển như ngày nay, chính nhờ nghề bắt và bán đặc sản trời cho này đã cứu cho nhân dân vùng Ninh Dương và Duyên Châu thoát được cảnh đói nghèo.
Ở Việt Nam, mùa dế bắt đầu vào khoảng cuối tháng 4, khi trời rơi những giọt mưa đầu mùa và  kéo dài cho đến tháng 7, tháng 8. Trước những ngày trời mưa, tiếng dế gáy thường kêu to nhất. Thời gian này, bọn trẻ con rủ nhau tay cầm cuốc, tay cầm chiếc lon, không kể sớm trưa, mưa hay nắng,  lặn lội trên các cánh đồng để tìm bắt dế. Dế thường ẩn nấp dưới các đống rơm hay ụ đất, nếu xác định được nơi ở của dế thì vịêc bắt chúng cũng không có chi là khó. Cái khó là loài côn trùng này  có một thính giác cực kỳ nhạy bén, thế nên dù tiếng bước chân hết sức rón rén nhẹ nhàng từ đàng xa, dế đã bặt ngay tiếng gáy và người bắt dế chẳng biết đâu mà định phương hướng nơi chúng ở. Người tìm kẻ núp, giữa tử và sinh, hơn nhau là ở phương diện thính giác mà thôi.
Lúc này, mặc đức lang quân chỉ biết lo đờn ca hát xướng, các chị dế mái trong tổ ấm của mình bận rộn đẻ trứng và sau đó để chúng nằm yên trong nhiều tháng trời chờ  khi ra đời. Tuỳ thuộc chủng loại, nhộng dế có thể phải đợi từ 6 đến 12 tháng mới đạt đến giai đoạn trưởng thành, để rồi “hưởng dương” chỉ ngắn ngủi trong khoảng từ 6 đến 8 tuần mà thôi.
Trong khoảng thời gian ngắn ngủi đươc làm kiếp dế ấy, cũng đủ cho  chàng dế trống  đêm đêm cất lên tiếng gáy hoà cùng dàn nhạc của những sinh vật bé nhỏ khác. Dế thường được nuôi trong những lon đồ hộp phế thải. Người ta bỏ vào đấy một ít đất, vài cọng cỏ non hoặc giá sống để làm thức ăn cho chúng. Mỗi khi muốn đá, dế được thả vào một chiếc hộp lớn hơn giống như một vỏ đài mini. Chơi đá dế, bao giờ cũng phải có một cây xoe để làm nóng các đấu sĩ này. Cây xoe thường làm bằng  que cây nhỏ bằng cọng chân nhang, cấm đầu của một con dế đã chết nào đó vào đấy, nếu không thì gắn vài sợi tóc ngắn giả làm râu dế cũng được. Xoe tròn cây que trước con dế đá để kích thích nó, con nào đang sung sẽ cất lên tiếng gáy re ré và nhe càng táp đầu đối thủ ngay, dấu hiệu cho biết nó đã sẵn sáng lâm trận.
Nếu dế còn nhát, người ta có thể làm nóng cho nó bằng nhiều cách. Dễ nhất là xỏ cây chân nhang vào dưới mang che cổ nó (nhưng phải cẩn thận không được làm thủng cổ) rồi phùng má  mà thổi cho đôi cánh dế bay xoè lên. Vừa thổi, bọn trẻ con vừa phun nước miếng phèo phèo vào con dế đang bay như các săn sóc viên hay tưới nước lên đầu vỏ sĩ quyền anh. Làm như thế mà không hiệu quả thì lấy một sợi tóc máng vào bẹn chân sau của dế để quay cho chúng bay như các diễn viên xiếc lượn tròn trên sân khấu. Làm cách này khi thả ra hầu hết dế đều hăng máu, có lẽ tại chóng mặt chăng, nên khi bị chọc giận bởi cây xoe trước mặt hoặc sau đuôi thì hầu hết đều    rung phồng đôi cánh cất lên tiếng gáy rất ròn rả và oai phong.
Để cho cân xứng, dế cũng thường được phân loại như võ sĩ, có loại hạng nặng -gọi là dế cồ; có loại hạng lông-gọi là dế út tiêu… Dế đá có nhiều loại, căn cứ theo màu thì có dế than, dế lửa. Căn cứ nơi cư trú thì có dế gò mã, dế đống rơm, dế gò mối, dế bò cạp, tức những con dế ở chung với bò cạp hay rắn, bọn trẻ con tin rằng những con dế này đá rất “ác chiến”. Vũ khí duy nhất của loài dế là hai chiếc càng, càng thường nhe rộng hết cở như hai thanh kiếm sắc để hù doạ địch thủ. Ngoài ra là đôi chân trụ chống chọi phía sau như các vỏ sư đứng tấn. Nói là đá nhau, kỳ thực dế chỉ so càng và tìm cách hắt cho đối thủ văng ra xa. Thế nên con dế nào chỉ còn một chân, mất chân trụ, gọi là dế “một ư” thì đá sẽ không còn “ngon” nữa. Sau khi kèn cựa vài chập, anh nào chân trụ yếu, lại bị chứng…ê răng thì cứ việc nhanh chân đào tẩu. Trận chiến xem như kết thúc, con thắng ít khi đuổi theo truy sát  mà ngược lại lo cất cao tiếng hát khải hoàn  bằng những tràng gáy rang rất hùng dũng vá vui tai. Những kẻ  khoe khoang khoác lác thường bị người ta cho là hay “gáy” là bởi so sánh với cái thói này của loài dế.
Tất cả con dế trống đều dùng một phương pháp giống nhau để tạo nên tiếng gáy, vừa để gọi bạn tình, vừa để hù doạ đối thủ, thế nên gáy càng du dương, càng uy lực càng tốt. Nghe tiếng gáy đủ biết ta là hạng người như thế nào, vậy kẻ phàm phu nên sớm liệu mà xéo đi đừng bén mảng đến phá rối cuộc mây mưa của dế mà coi chừng mang hoạ. Buổi sáng tiếng gáy của dế nghe rộn ràng như điệu nhạc vui chào đón bình minh. Khi có nàng dế mái bên cạnh, dế chuyển sang điệu gáy khác, từng tiếng một chậm rãi và nhỏ nhẹ như lời tình tứ. Khi lâm trận, tiếng gáy như tiếng trống giục giã. Khi chiến thắng, tiếng gáy giòn, vang mà có vẻ hân hoan, kiêu hãnh.
Nhờ độ rung và sự va chạm vào nhau của đôi cánh mà dế có thể tạo ra tiếng gáy to vang xa đến thế. Điều lạ là chỉ có loài dế trống mới có thể phát ra được âm thanh này. Dế con không gáy được vì chưa có cánh đã đành, dế mái không hiểu sao có cánh nhưng cũng không thể cất lên tiếng gáy được, những đường vân trên cánh con dế trống liệu có chứa bí ẩn gì không? Ở phương Đông có câu ngạn ngữ:” Dế là loài hạnh phúc nhất trên đời vì chúng đều có những bà vợ không biết gáy”.
Để tạo thêm sự hứng thú cho trò chơi, có nơi còn tổ chức cho dế thi phóng xa. Ngạn ngữ người Anh có câu:” Nhanh như dế” (as spy as a cricket). Con dế chẳng những có khả năng phóng xa hơn gấp trăm lần chiều dài cơ thể nó, mà đặc biệt nhất là khả năng xuất phát rất tuyệt hảo. Mỗi lần phóng là một cuộc đua, người ta đo chiều dài bước phóng, con nào đo được xa nhất thì chủ nhân của nó là người thắng cuộc. Cũng có khi người ta tổ chức đua dế như đua ngựa, chủ nhân mỗi chú dế tha hồ mà dùng cây ráy dế để thúc vào đuôi nó như mấy chú nài cầm roi quất vào mông ngựa. Con nào về đến mức trước tiên đương nhiên là thắng giải và chủ nhân nó hả hê mà lo gom tiền.
Dế không chỉ là loài côn trùng mua vui cho con người. Thực ra chúng còn được sử dụng như một công cụ khoa học nưã. Một vài cụ già lớn tuổi cho biết rằng ngày xưa người ta biết được nhiệt độ của thời tiết nhờ nghe tiếng dế gáy. Họ cho rằng ở vào khoảng 55 đến 100 độ F thì mỗi con dế là một nhiệt kế rất đáng tin cậy. Phương pháp của họ khá đơn giản, họ cứ lắng nghe tiếng gáy và cho rằng độ lớn của tiếng gáy tương đương với nhiệt độ cao của thời tiết. Không chỉ ở phương Đông người ta mới biết áp dụng cách này mà thực ra ở miền Bắc Mỹ ngày xưa người ta cũng đã đặt biệt danh cho những loài dế trên những cây đầy tuyết là” thermometer cricket”, ( Nhiệt kế dế).
Ngoài việc thay thế cho một nhiệt kế trong đời sống nông nghiệp thô sơ thưở xưa, dế còn bị người ta săn bắt để làm nguồn thức ăn. Cũng như châu chấu và ve, dế là món ăn đệm theo mùa rất ngon, nhất là trẻ con nhà nghèo trong thôn xóm vì đó là thức ăn không phải tốn tiền.
Ở Việt Nam, chúng ta quen thuộc với  chỉ vài loại dế như dế đá, dế cơm, dế nhũi, dế phèn…Thế nhưng người ta biết được có đến chừng 1.500 loài dế cả thảy trên thế giới, có loài nhỏ li ti bằng cái móng tay, có loài dài gần cả tấc như dế cơm. Đáng nói nhất là xưa nay người ta rất bái phục loài dê, xưng tụng nó là “anh Hai” là “sư phụ” trong chuyện đàn ông đàn bà. Thực ra một loài dế ở Úc mới là vua trong vấn đề này, khả năng thực hiện chuyện ấy trong một ngày của nó vượt xa loài dê đực và cánh đàn ông chỉ còn biết mơ tưởng mà không hy vọng đời nào theo nổi.
 Tiết lộ ra điều này làm cho tôi bỗng thêm lo. Cũng như mỗi khi đọc báo, thấy người ta công bố nhiều công dụng của thịt dế như nào là có nhiều chất đạm, có thể chống cholesterol, nào là cách thức chế biến các món ngon đặc sản từ dế…tôi nghĩ đến cái thảm hoạ của loài dế chắc đã đến gần. Ngạn ngữ xưa có câu “Con chim chết vì tiếng gáy”. Loài dế đã gáy từ vạn thưở, nó vẫn không chết. Nhưng trước sự tàn bạo bất nhân, trước thói tham lam vô độ của con ngừơi, chắc rồi đây dế sẽ bị tiêu diệt. To lớn như voi và cá mập, hùng dũng như cọp và sư tử còn không sống nỗi thì huống hồ gì loài côn trùng bé nhỏ như dế.
Có những đêm đi lang thang dưới ánh đèn vàng vòng quanh thị xã, tôi chợt nhớ những năm tháng tuổi thơ đã xa xôi, lúc từng đàn dế cơm từ đâu không biết bay lượn dưới ánh đèn, xoè đôi cánh non đẹp như chiếc áo của những nàng tiên đang múa hát. Ngày nay, không còn tiếng gáy, không còn con dế nào bay nưã, sức huỷ diệt môi sinh của con người thật là đáng sợ. Tôi nghe lo lắng và thương xót biết bao nhiêu cho tương lai của loài dế, người nhạc sĩ hiền lành mà thiên nhiên đã gửi đến để góp phần xoa dịu những nỗi đau triền miên của kiếp người.
Một mùa hè vắng bóng chim, một mùa hè không còn tiếng dế gáy, buồn lắm thay!
Buồn vì nỗi nguyệt tà ai trọng;
Buồn vì điều hoa rụng ai nhìn,
Tình buồn, cảnh cũng vô duyên,
Tình trong cảnh ấy, cảnh bên tình này
Khi trận gió lung lay cành bích
Nghe rì-rầm dế mách ngoài xa
Mơ-hồ nghĩ tiếng xe ra
Đốt phòng hương hả mà bơ áo tàn
Ai ngờ tiếng dế than ri- rỉ,
Giọng bi thu gọi kẻ cô phòng…
(Cung oán ngâm khúc, Nguyễn Gia Thiều)