LỄ CÚNG ĐÌNH, CÚNG MIỄU CỦA NGƯỜI  BÌNH DƯƠNG

HOÀNG ANH
(22-11-2010)

Thơ ca hồi xưa khen ngợi cảnh chùa miễu ở Bình Dương như sau:
“Chùa miễu anh linh phong thủy đẹp
Thanh tươi quả phẩm ít nơi tày”
(Nguyễn Liên Phong, Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca, nxb. Phát Toàn, 1909, tr.13)
Nơi thờ cúng ở nước ta có rất nhiều tên gọi: đình, miễu (do miếu nói trại ra), điện, dinh (tên chữ Hán có nghĩa là miếu), phủ, đài, tĩnh, am, trang…Tuy vậy, ở Bình Dương, chỉ có đình, miễu là phổ biến. Có khá nhiều ngôi miễu, nhưng thấy có thờ cúng, vái lạy thì dân chúng cũng gọi là chùa, điển hình như ngôi miếu thờ Bà Thiên Hậu, nay quen gọi là chùa Bà. Một vài lễ cúng đặc biệt của người Tàu, nhưng người Việt dần dà cũng bắt chước cúng theo, như cúng ông Địa, ông Thần Tài, hay đi cúng Bà ngày rằm tháng giêng tại ngôi chùa Bà này chẳng hạn.
Miễu có khá nhiều ở Bình Dương, lớn nhỏ đủ kiểu, nhìn chung, miễu thường lớn hơn am, nhỏ hơn đình chùa. Có nhiều loại như miểu Mộc Tổ, miểu Cô Hồn, miểu thờ các bà như Linh Sơn Thánh Mẫu, bà Mẹ Sanh Mẹ Độ, bà Chúa Ngọc, bà Chúa Xứ, bà Cửu Thiên Huyền Nữ, bà Thiên Hậu. Tục thờ cúng nữ thần (cho là có nguồn gốc từ Thiên Y A Na của người Chăm) là đặc điểm phổ qúat của cả Nam Bộ từ xưa.
“Bạc ngàn đâu đậu ê hề
Cất ra miễu vỏ phải bề lịch xinh
Phụng thờ bà Chúa-thai-sanh
Sắp bày nghi tiết kinh thành nghiêm trang
Liễu bồ tư chất diệu dàng
Khuê trung nghĩa hội danh càng rạng danh
Các nơi thôn xã miễu đình
Qui mô tuy kém hiển linh cũng nhiều”
(Nguyễn Liên Phong, Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca, nxb. Phát Toàn, 1909, tr.13)

Thưở xưa có mạch nước tiên
Uống hay giải cứu bịnh phiền người ta
Đặt tên là nước Mội-bà
Cất bên cái miễu thờ bà Linh Sang
(Nguyễn Liên Phong, Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca, nxb. Phát Toàn, 1909, tr.15)
Mấy trăm năm trước Bình Dương nằm trong phần đất có tên gọi chung là Gia Định, về phong tục tập quán còn được mô tả phần nào trong sử sách. Do vậy muốn biết sinh hoạt người Bình Dương thưở mới khai hoang lập ấp, chúng ta nên dựa vào các ghi chép  trong những sách ấy:
“Sùng Phật, tin đồng cốt, phần nhiều trọng thần đàn bà, như bà Chúa Ngọc, bà Chúa Động (tục gọi người đàn bà tôn quý là bà), bà Hỏa tinh, bà Thủy Long, cô Hồng, cô Hạnh v.v…Là lấy hào âm của quẻ Ly làm chủ nên như thế.”
 (Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Nxb. Giáo dục, 1998, tr. 142)
Cúng miễu, cúng am thì không có ngày nhất định mà tùy nơi, thời gian mỗi chỗ mỗi khác. Lễ cúng có đông người tham dự, thường là những người cư ngụ xung quanh có lòng tin tưởng. Lễ vật gồm bông, trái cây, heo quay…có nơi phải rước các bà bóng đến để đọc kinh cúng, vái lại theo cung cách riêng của họ. Việc cúng vái thề thốt ở miễu khá đa dạng và đã thịnh hành từ thời xưa:
 “Tục Gia Định, người ở thôn quê hẻo lánh, có thù ghét ai, tất đến nơi miếu cổ hoặc ngã ba đường, đứng chém cây chuối trồng ngược lên, lại mỗ gà ở trên cây chuối ấy, ngầm đem họ tên người thù lẩm nhẩm nguyền rủa, người thù hoặc có khi phải ốm đau nguy khốn, đó là bắt chước tục xấu của người Man”
(Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Nxb. Giáo dục, 1998, tr. 147`)
Cúng miễu, đáng kể còn có lễ cúng ông Bổn của người Tàu ở vùng Lò Chén. Ở Bình Dương có cả thảy năm sáu ngôi miếu thờ Ông Bổn: Phước An miếu ở Chánh Nghĩa (khu Lò Chén), Phước Võ Điện, cũng ở khu Lò Chén, miếu ông Bổn ở Bà Lụa, ở chợ Búng, Lái Thiêu, Tân Phước Khánh (Tân Phước Khánh Nghiã đường) của họ Lý, họ Vương thuộc bang Phước Kiến. Thờ ông Bổn là nét đặc trưng riêng của những người Tàu làm nghề lò chén ở Bình Dương. Với họ, ông Bổn có nghĩa là ông tổ (Bổn có nghĩa là gốc), là “Phước Đức Chánh Thần”. Lại có thuyết khác, giải thích rằng ông Bổn là nói tắt của Bổn Đầu Công. Thực ra, mỗi bang người Tàu lại có ông Bổn riêng. Người Phước Kiến ở Chợ Lớn cho nguồn gốc ông Bổn là Châu Đạt Quan, làm quan thời nhà Nguyên. Người Tàu gốc Triều Châu, Hải Nam ở miền Tây Nam Bộ thờ ông Thái Giám Trịnh Hòa, nhà hàng hải vĩ đại của Trung Quốc thời nhà Minh. Cũng người Triều Châu, nhưng ở Hội An thì ông Bổn là tướng Mã Viện, với người Việt Nam, tên đó luôn làm nhớ đến Hai Bà Trưng. Người Quảng Đông ở Chợ Lớn: ông Thổ Địa. Người Phước Kiến (họ Vương ở Bình Dương): Huyền Thiên Thượng Đế, tức Thần Chơn Võ. Người họ Lý: là ông Tổ của họ Lý…
Truyền thuyết và giai thoại về ông Bổn khá phong phú, tuy vậy, điểm đặc biệt của lễ cúng này là những đoàn đi diễu hành ngoài đường, phèn la inh ỏi. Lôi cuốn người xem nhất là những người bị cho là ông nhập, kẻ thì xiên lìn, tức dùng một cây sắt dài và nhọn đâm ngang miệng, kẻ thì ngồi trên bàn chông, kẻ dùng sợi dây cột quả chì sắt đầy gai nhọn quất mạnh vô lưng… Điều lạ là sau đó không ai bị thương, tin là nhờ phép màu của Ông Bổn, và chỉ những người hạp, tức có nhân duyên với ông mới được lựa chọn lên đồng như thế. Ngày nay, không hiểu sao những cảnh tượng của đám rước rất ấn tượng này không còn nhìn thấy nữa, người ta chỉ tổ chức cúng tại miễu vào những ngày nhất định hàng năm thôi.
Lễ cúng miễu lớn nhất là cúng Bà Thiên Hậu, mà dân gian quen gọi chùa Bà. Ngày vía của bà, tức ngày sinh là ngày 23 tháng 3, năm 960, nhưng không hiểu sao lễ rước cộ tại Bình Dương lại tổ chức ngày rằm tháng giêng không giống như nơi khác. Chùa nằm gần Ngã Sáu, ngay trung tâm thị xã. Cả nước có cả chục ngôi miễu thờ bà này, nhưng nơi đây được xem là nơi tổ chức lễ lớn hơn hết thảy chính vì có thờ bài vị của bà đem từ Phước Kiến qua. Lúc đầu, đó là nơi thờ cúng riêng của các bang người Tàu, nhưng nay thì người Việt cũng bắt chước họ, đến cúng đông không kém. Vào ngày 15 tháng giêng là dịp cúng chính, nhưng nay thì dường như rải rác quanh năm đều có người đến cúng vái cầu xin vì người ta tin rằng Bà này linh lắm, cầu gì được nấy. Trước cổng chùa có rất nhiều sạp bán nhang đèn, trầu cau. Trong chùa có cho vay tiền, năm nay vay, năm sau trả, chẳng cần giấy tờ hợp đồng gì, nhưng ít ai dám giựt, năm nào thấy có linh ứng thì trả nhiều, không thì trả ít, nhưng bao giờ cũng nhiều hơn tiền mượn. Gần chiều thì có lễ thỉnh Tào Kê, rước kiệu bà đi một vòng chợ Thủ, có cù,  hẩu (hồi trước chưa có rồng), có các cô gái gánh hoa, có mấy ông bà hóa trang thành Bát Tiên đi cà khêu, có xe hoa, xe chở thầy trò Tam Tạng, Phật Bà Quan Âm đi theo, cờ xí sặc sỡ rợp trời, trống kèn khua vang, khói nhang nghi ngút, người chen lấn, xô đẩy. Các nhà dọc theo dãy phố chợ bày bàn cúng trước nhà, có nhan đèn, bánh trái, giấy tiền vàng bạc, vịt quay…Đây là lễ cúng vui nhất trong năm nên người tham dự rất đông, có cả người từ các nơi khác đến, nhất là người Tàu từ Chợ Lớn, Sài Gòn đổ về, dân trong các làng quê kéo ra.
“Trăng rằm tháng giêng đã ló dạng trên dãy phố ở tỉnh lỵ Thủ Dầu Một. Hôm ấy là ngày, theo tục lệ người Tàu trong tỉnh, thỉnh Tào Kê. Không ai biết rõ “thỉnh Tào Kê” là cái quái gì. Nhưng chắc chắn là cúng nhiều, kéo nhau đi ngoài đường và cái đinh của ngày lễ là đốt pháo đua. Ông các chú nào đốt nhiều hơn ông khác là ăn. Không ăn cái gì hết, nhưng được đồng bào của họ phục lắm.”
(Bình Nguyên Lộc, Người tài xế điên, tuyển tập BNL, II, nxb. Văn Học 2001, tr.793)
Khác với miễu, đình là nơi thờ thần Thành Hoàng, cai quản một khu vực nào đó. Chức vụ Bổn Cảnh Thành Hoàng được vua sắc phong cho một vị quan có công trạng với một vùng đất. Ở Bình Dương là các vị như Phan Thanh Giản, Nguyễn Văn Thành…những vị quan có vai trò quan trọng trong lịch sử khẩn hoang của miền Nam. Nếu như trong một làng có thể có rất nhiều ngôi miễu thì đình chỉ có một. Lễ cúng Kỳ Yên ở đình tại địa phương cũng giống như những nơi khác, cũng heo quay, có khi làm bò, ăn uống tưng bừng, ban đêm có hát bội ba ngày liền. Ở Bình Dương có vài ngôi đình nổi tiếng, như đình Phú Cường (thường gọi đình Bà Lụa), đình Phú Long, đình Tân An, đình Tương Bình Hiệp…Tại đình Dầu Tiếng, lễ cúng Kỳ Yên còn tổ chức lễ tống ôn khá độc đáo. Cúng đình mỗi năm hai lần, vào ngày 15 tháng giêng và 15 tháng tám, nhưng chỉ có rằm tháng giêng là có tổ chức lễ tống ôn. Cách cúng được một tác giả tường thuật chi tiết như sau:
“Vật quan trọng và được phân công chuẩn bị từ nhiều ngày trước trong lễ tống ôn là chiếc thuyền tống ôn. Đó là một chiếc thuyền mã, phía dưới cột hai thanh tre dài làm chỗ tay cầm, thuyền dài chừng 1,2m, đầu phía sau cao khoảng 40cm, đầu phía trước cao khoảng 60cm và rộng chừng 40cm. Thuyền có khung được làm bằng tre, dán giấy màu vàng và trang trí thêm một vài chi tiết trên thân thuyền cho đẹp mắt. như hai con mắt, hai hình mỏ neo phía trước, mô phỏng theo cách trang trí ta thường thấy trên những con thuyền thật ở phương nam. Thuyền cũng có “số hiệu” là 61F và năm cúng tế. Ví dụ năm cúng là năm 2008 thì số hiệu trên thuyền sẽ là: 61F – 2008.
Chính giữa thuyền là mái che bên trong có hình nhân ngồi trên ngai và bốn bên có hình nhân lính canh. Thức cúng trên thuyền là gạo, muối, vàng, áo, nổ, bánh, kẹo, trầu, cau, hương, đèn và rất nhiều cờ phướn. Vì là phương tiện chuyên chở ôn hoàng dịch lệ, những điều xui rủi, không may mắn trong năm nên chiếc thuyền phải được làm thật chắc chắn, có kết cấu cân bằng để có thể vừa tải được lượng thức cúng trên mặt thuyền, đồng thời đưa nó trôi nhanh trên sông, xa bờ càng xa càng tốt. Thuyền có ra xa bờ thì lễ tống ôn mới thành công, cả làng được bình an, no đủ. Còn năm nào thuyền trôi không mau, nhất là lại bị lật, ngã ngay khi mới được thả xuống nước thì một không khí nặng nề sẽ bao trùm lên tâm trạng của mọi người với một dự cảm điều không hay sẽ xảy ra trong năm tới. Vì vậy người được giao làm thuyền tống ôn phải là người khéo tay, có đức trong làng/thị trấn
Thuyền tống ôn được làm sao cho vừa đúng ngày cúng đình bởi nếu làm sớm thì giấy dán bên ngoài sẽ bị bong ra, thuyền sẽ bị hư hại, cũng không thể làm muộn hơn vì thuyền tống ôn sẽ tham gia suốt trong 2 ngày lễ ở đình.
Sáng ngày 14/2, thuyền tống ôn được đặt trên một chiếc bàn có cột hai thanh gỗ dài phía dưới để hai người “lính” khiêng đi, ở trước sân đình chuẩn bị đi “rước sắc”. Đồ cúng lúc này gồm hương, trầu, cau đặt trên khoang thuyền; mấy bịch gạo, một đĩa muối, một bát nhang đặt trên bàn. Trong đoạn đường rước sắc và tuần du sắc quanh thị trấn, thuyền tống ôn được hai người “lính” mặc trang phục vàng, đỏ khiêng ngay phía sau đội cờ phướn.
Trên đoạn đường từ nơi giữ sắc về đình, một vị bô lão trong Ban quí tế đi cạnh thuyền, lấy gạo, muối rắc ở trên đường, ở những nơi nào có miếu thờ, ở những khúc cua, những ngã ba ngã bảy – những nơi thường có người chết oan, nơi tụ tập cô hồn vừa để trừ tà vừa bố thí cho cô hồn, mời gọi những linh hồn vất vưởng về đình chứng hưởng.
Trong hai ngày làm lễ tại đình, thuyền tống ôn được đặt trang trọng trong gian giữa, ngay trước bàn cúng chính. Người ta cũng đặt trên đó những thức cúng như gạo, vàng, áo, nổ, bánh kẹo để khao ôn
Lễ tống ôn được thực hiện sau khi đã “đưa sắc”. Thuyền tống ôn lúc này được đặt trên hai cây chuối để có thể nổi lên trên mặt nước được. Người ta chất rất nhiều gạo, muối, nhang, tiền, vàng mã lên trên khoang thuyền và trong lúc làm lễ có thêm một con gà trống luộc. Người ta cũng bày bánh kẹo, trái cây, tiền vàng mã, hình nhân thế mạng lên một cái mẹt đặt đằng trước thuyền để làm lễ. Lễ tống ôn bắt đầu sau ba hồi chiêng trống khởi dài. Các bô lão đại diện các họ tộc trong làng, đại biểu các đoàn thể trong xã, phường và dân làng cùng tham gia cuộc lễ. Một ông trong Ban trị sự đình sau khi thắp hương ở bát nhang trước thuyền tống ôn sẽ khấn bài khấn tống ôn. Lời khấn đại để nói ôn hoàng dịch lệ sau khi đã được khao thưởng xin đừng quấy phá xóm làng, điều dữ xua đi, điềm lành mang tới. Nghi thức, lễ tiết ở thuyền tống ôn cũng dâng đủ ba tuần: một tuần hương, một tuần rượu và một tuần trà.
Nghi thức cúng kết thúc, mẹt thức cúng được phân phát cho trẻ con trong làng/thị trấn, thuyền tống ôn được hai người “lính” khiêng ra phía bờ sông gần đó. Khác với các lễ khác có đầy đủ quan viên, dân chúng, trong lễ tống quái chỉ cần có vài người trong dàn nhạc, một ông chủ lễ, mấy người khiêng và hộ tống kiệu, còn lại chủ yếu là trẻ con trong làng đi theo đoàn rước. Xuống tới bờ sông thuyền tống ôn được đẩy ra xa một cách nhanh chóng để trước khi thuyền chìm thì đã ở xa bờ sông càng xa càng tốt, thuyền càng xa bờ thì cái xui xẻo, cái không may càng bị đuổi đi xa, khó lòng quay trở lại được. Chiêng trống nổi lên, lũ trẻ con hò reo vang dội, một tốp trẻ và thanh niên khác thì ùa xuống nước tranh nhau những lễ vật trên thuyền, đặc biệt là vớt con gà luộc trước khi thuyền chìm xuống nước. Con thuyền dần chìm rồi mất dạng dưới lòng sông, mang theo những điều xui xẻo trong năm, mọi người kéo nhau ra về trong niềm hân hoan, vui vẻ.”
(Hạ Trúc, Lễ tống ôn tại đình thần Dầu Tiếng, thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương, sugia.vn)

Tuy hiện nay vẫn còn duy trì lễ cúng Kỳ Yên hàng năm, nhưng lễ cúng đình ở các nơi nhỏ dần, người đến mỗi năm mỗi thưa, tuy là lễ cúng truyền thống lâu đời, e rằng với đà này, về sau cũng mai một đi. Ngày nay, thời của khoa học và kinh tế, thanh niên ít ai còn tin rằng có vị Thần nào đó sẽ phù hộ cho mình được thi đậu, giàu có hay thăng quan tiến chức, nên ý nghĩa và tính chất của cúng đình đã dần mất đi sự thiêng liêng theo tháng năm.
Một năm hai lần, vào rằm tháng giêng và rằm tháng bảy, tại chùa còn có lễ cúng thí thẻ giật giàn. Giàn làm bằng khung tre, có hình chóp như chiếc nón lá, hơi nhọn và cao hơn cả thước. Dán giấy nhiều màu xanh đỏ bên ngoài, lại gắn đầy những túi giấy nhỏ, bên trong có ít tiền, bánh kẹo. Sau khi tụng kinh cúng kiếng xong là phần giựt giàn; tin là lấy được những vật cúng đó sẽ hên nên khi có lệnh thả giàn là người ta nhào vô chen lấn xô đẩy để giành giựt, la ó rân trời. Nhà văn Bình Nguyên Lộc có kể lại tục này ở Tân Uyên trong truyện ngắn “Hồn quê ngày cũ”, đăng trên tạp chí Hương Quê:
“Làng Tân Uyên rằm tháng Giêng mỗi năm có lệ cúng ông “Cù” và cá bóng thần bằng đám làm chay to lớn này, tục gọi là giàn chay chợ, để phân biệt với giàn chay nhà chùa trong làng cúng bố thí, vào rầm tháng Bảy”
“Thường thì xô giàn lục cúng trước, tức là giàn chay với những cổ bánh nhỏ, để giành cho trẻ con nhà nghèo, xong rồi thì một vị hương chức mới phóng lên không trung một bó hương cháy làm hiệu xô giàn lớn”
Nếu cúng giàn chay chợ thì lễ vật có rất nhiều món, như :
“Năm nay làng đặc biệt thạnh vượng, nên giàn chay to hơn bao giờ hết.
Giữa giàn, và chưng bày ra phía trước hết là cảnh “Võ Tòng đả hổ”, mà cọp là một con heo quay được thợ mã ngụy trang thật giống cọp.
Cạnh đó là tích “Bạng duật tương trì ngư ông đắc lợi”, con cò là một con ngỗng luộc to tướng.
Tất cả còn đến sáu con heo quay nữa và hàng trăm cổ bánh nhuộm đủ màu, không kể con voi to bằng con voi thật, da toàn bằng bánh mì.
Rằm tháng Giêng là ngày rảnh rang, trời lại tốt, nên dân nhiều làng lân cận, tới chơi đông nghẹt các đường phố.”
Lễ giựt giàn này nay cũng còn, nhưng hiếm khi thấy như thời trước.
Bình Dương là một tỉnh ở miền Nam, nơi từ xưa đã có điều kiện giao thông khá thuận lợi giữa các địa phương với nhau, do vậy xét một cách tổng thể, văn hóa của Bình Dương, trong đó có các lễ cúng cũng tương tự như các tỉnh khác; ngoài một số ít là có sắc thái riêng thôi

Tác phẩm tham khảo:
1.    Đại Nam Nhất Thống Chí. Lục Tỉnh Nam Việt, Nha Văn Hóa, 1973
2.    Trịnh Hoài Đức, Gia Định Thành Thông Chí, nxb. Giáo Dục-1998
3.    Từ Minh Tâm, Những lễ cúng của người Bình Dương 50 năm trước, trinhhoaiduc.netfirms.com
4.    Sơn Nam, Đình miếu và lễ hội dân gian Việt Nam, nxb. Trẻ, 2006
5.    T.X.G, Lễ hội “chùa Ông Bổn” của người Hoa ở Bình Dương., www.sugia.vn.