COI HÁT Ở BÌNH DƯƠNG

HOÀNG ANH
( 10-09-09)


Chuyện Bình Dương thời xưa chắc ít ai còn nhớ hết, thế nên nhớ đâu nói đó, chuyện nọ xọ chuyện kia, có trúng có sai, nghe đở buồn, mà cũng có khi buồn hơn, khi cảm cái cảnh một thời mới đó mà giờ đã chìm vào dĩ vãng mờ phai.
Nhân cái chết của bà Phùng Há mới đây, thọ xém một trăm tuổi, nhắc lại chuyện coi hát ở quê nhà.
Rạp hát đầu tiên của chợ Thủ nay vẫn còn một số người già nhớ là rạp Bầu Liêu, khoảng vài thập niên đầu của thế kỷ trước. Rạp này nằm ở đường Lý Thường Kiệt, qua khỏi cầu Võ Văn Vân, phía tay trái, khu đất nay có mấy quán cà phê dọc theo con kinh và quán ăn Thanh Ngân. Rạp xây cất có hơi thô sơ, vách bằng ván cây, chuyên chứa các gánh hát bội hát suốt đêm với những vở tuồng khắc sâu vào tâm trí của người thời đó như Phụng Nghi Đình, San Hậu...Con đường dẫn vào rạp có mấy gánh bán hàng ăn uống, nước giải khát, đèn dầu tù mù, người bu xúm xít, tiếng húp cháu rồn rột. Được nhớ nhiều nhất là ông Út Cháo, chuyên bán cháo trắng với món cá kho tiêu, đi xem hát rạp bầu Liêu, ngoài việc thỏa cái thú say mê ca hát, còn là dịp để thưởng thức món cháo trắng của ông 
Út này.
Đến khi rạp ngưng hoạt động vì bị hư hại theo thời gian, bà bảy Lìn, người giàu nổi tiếng nhất của đất Thủ mua lại khu đất trên định xây lên một rạp hát tầm cỡ hơn nhưng không hiểu vì sao kế hoạch đó không thực hiện được. Con đường này từ đó trở nên vắng vẻ, không còn cảnh xe bò xe ngựa đậu dài hai bên đường, người dân với những bộ đồ vải bà ba, tay cầm đuốc chen chúc nói cười, miệng nhai trầu bỏm bẽm, thuốc rê phì phà. Cũng không còn nghe mùi nước đái ngựa, mùi phân bò thoang thoảng, lá chuối, giấy nhật trình gói đồ ăn bay tơi tả trong bụi cát mỗi khi có gió thổi qua…
Cảnh ấy, từ đầu thập niên 30 đã nhường lại cho con đường Outrey, tức đường  Trưng Vương ngày nay, từ khi rạp Thanh Bình được xây dựng. Ban đầu rạp có tên là Trần Trung Hí Viện, bốn chữ này được làm nổi trên tường, ngay chính giữa sân khấu, lấy theo tên của ông chủ rạp là Trần Trung Hiếu, thường được gọi là ông Chủ Hiếu, một người giàu có, lắm ruộng đất, nhà ở khu đất nằm ngay góc đường Bàu Bàng và Nguyễn Tri Phương, còn gọi là đường bờ sông, đối diện với Lò Heo, nay là nơi bán vật liệu xây dựng Vĩnh Xương. Ông
có mấy người con trai như ông Công, ông đốc tờ Triệu, có phòng mạch tại góc đường Đoàn Trần Nghiệp và Trừ Văn Thố, ông Vinh, thay ông làm chủ rạp, nhà tại góc đường Bà Triệu và Trừ Văn Thố, căn nhà của ông nay vẫn còn nguyên nhưng trông có vẻ tiêu điều, hoang phế. Sau 1954, rạp đổi tên lại là Thanh Bình, chắc mừng cảnh nước nhà vừa trải qua một cuộc chiến tranh, mơ ước những ngày tươi đẹp.
Từ khi có mặt, rạp Thanh Bình trở thành điểm ồn ào, náo nhiệt, vui vẻ nhất của chợ Thủ, và dĩ nhiên cũng là nơi đáng nhớ nhất trong lòng của rất nhiều người, mỗi khi nhớ lại kỷ niệm của tuổi thơ, của dĩ vãng đã mất, của hình bóng quê hương khi đã đi xa…
Ở cái thời đất rộng người thưa, hầu hết đều nghèo, nhà tranh vách đất, thì chỉ cần đứng trước rạp nhìn ngắm nó thôi, lòng người ta đã nghe say đắm, mê ly. Có thể nói đây là một trong những công trình kiến trúc nguy nga, lộng lẫy nhất tỉnh mà người ta được tha hồ nhìn ngắm. Rạp xây theo lối Tây, chạm trổ nhiều hoa văn đẹp mắt, nóc rạp nhô cao ở chính giữa như hình cái tháp, có gắn cột thu lôi. Bước qua khỏi bậc tam cấp đi qua hành lang là tới phòng bán vé ở hai bên. Trên tường treo nhiều tranh ảnh của nghệ sĩ, hoặc một số hình ảnh hấp dẫn để giới thiệu phim sắp chiếu. Nhìn những hình ảnh này người ta càng náo nức muốn chạy tuôn ngay vào rạp để xem. Bên trái cửa chính là cầu thang dẫn lên lầu một. Cửa rạp có tấm màn che kín, lại có bức tường ngăn phía trước, khán giả phải rẻ qua hai lối đi hai bên để vào rạp. Bên trong có lối đi chính giữa chạy dài đến sân khấu, hai bên là hai hàng ghế được kết dính lại. Loại ghế này không đóng cố định vào khung mà có thể lắc lư lên xuống được, do vậy những người không quen ngồi lên có khi bị bật chổng gìo lên thất kinh hồn vía. Mỗi khi họ đứng dậy thì mặt ghế lại đánh kêu cái rốp làm người xung quanh phải giựt mình. Nhất là khi hết tuồng, khán giả thi nhau đứng dậy thì tiếng ghế kêu vang khắp rạp, nghe rất vui tai. Sát hai hàng ghế này, cách một lối đi hẹp là các ghế dài vô tới bìa tường, dành cho vé hạng cá kèo, ngồi đây thường bị các cây cột che khuất tầm mắt, rất bực bội, muốn coi rõ phải chồm qua người kế bên, không quen sẽ bị cự nự rất khổ. Trên lầu, xây theo hình chữ u đánh một vòng chung quanh rạp, có lan can bảo vệ, ngay chính giữa đối diện với rạp làm theo hình vòng cung nhô ra, đây là chỗ ngồi dành cho thượng khách khi xem phim, còn khi xem hát, hàng ghế đầu gần sân khấu mới là ghế hạng nhất vì có thể nhìn ngắm nghệ sĩ rõ ràng hơn. Trong rạp, trên tường có bức tượng trang trí hình thiếu nữ Tây phương ôm cây đàn lyre truyền thống của họ, theo mô típ Hy Lạp rất đẹp. Người ta đồn rằng lúc sấm sét thường thấy hai cô này cười và lúc không có hát thì thường hiện ra đi lất phất trong rạp. Bọn trẻ con nghe vậy sợ muốn té đ…nhưng mỗi khi có hát, mê hát thì chẳng kể số gì nữa, đứa leo cửa sổ tòn ten trên lầu, đứa thì tìm cách chen lấn đến gần sân khấu coi cho rõ. Bọn coi cọp (lén chui vào rạp không mua vé), lâu lâu lại bị mấy ông xét vé tóm cổ lôi ra. Sân khấu lót bằng ván dày, có một cái thang xuống tầng hầm nơi nhân viên gánh hát ở.
Phía bên phải của rạp có lối vào một dãy nhà ba căn, một là chỗ ở của người gác dan lo quét dọn rạp, hai căn còn lại dành cho đào kép nhứt. Cách một khoảng sân nhỏ là dãy nhà bếp, sau nhà bếp là nhà tắm, nhà vệ sinh. Tại đây có hai cửa nhỏ, một là lối vào rạp hát, ngay khoảng trống giữa sân khấu và hàng ghế đầu tiên; cửa thứ hai có bậc tam cấp dẫn lên sân khấu. Đối dịên với nhà vệ sinh, trên tường rạp có treo một  bàn thờ nhỏ với chỉ một cái lư hương thôi. Bàn thờ này để thờ cúng một người gọi là cậu Năm Chà, dường như là người của một gánh hát nào đó, thất chí treo cổ tự vẩn trong rạp hát này. Nghe nói hồn cậu không siêu thoát được, linh lắm nên gánh hát nào về đây cũng lo cúng vái rất chu đáo cầu xin cậu phù hộ.
Cứ lâu lâu thì có một gánh hát về, đó là những ngày vui vẻ tưng bừng của bà con đất Thủ. Ban ngày có xe chạy vòng vòng các con đường ở chợ phát tờ bướm quảng cáo, vừa phát loa đọc những lời giới thiệu tuồng hát và nghệ sĩ trình diễn nghe rất hấp dẫn. Thời xưa là các gánh hát bộ, lâu lâu cũng có gánh hát đồng ấu Triều Châu với đào kép là trẻ con, đứa lớn nhứt 12 tuổi, đứa nhỏ 7 tuổi, hát từ 8 giờ sáng đến 6 giờ sáng hôm sau mới dứt. Vậy nhưng cứ chiều tối thì người ta cũng lũ lượt tới xem, nhứt là mấy bà xẩm với túi xách mang theo nào là bình thủy, đồ ăn, áo ấm…Về khuya, cứ lâu lâu lại nghe cái rầm trên lầu, ai nấy giựt mình, ngó lên thì thấy một bà xẩm nào đó vì ngủ gục nên té xuống sàn, giỏ xách văng tứ tung bánh trái nước nôi.
Về sau, hát bội hết thời, và được thay thế bằng các gánh cải lương. Đông nhứt là dịp tết, người ở chợ và từ các vùng quê lũ lượt kéo nhau đến rạp hát, chen lấn, xô đẩy. Bọn trẻ con nhà nghèo thì nắm đại tay người nào đó để chui vào rạp vì trẻ con đi kèm người lớn thì không tốn tiền. Ăn
gian không được thì ngồi trước rạp chờ gần hết giờ chạy vào coi thả giàn. Hai bên con đường vào rạp có rất nhiều xe bán nước đá đậu xanh đậu đỏ, bánh lọt, xe nước mía, bò viên, lại có mấy chị mấy cô bưng cái thao bán ốc len, ốc gạo, đâu phộng rang, mía ghim… Các gánh hát lớn và đào kép nổi tiếng thời đó đều đã từng về đây như đoàn Kim Chung với Minh Phụng, Minh Vương, Lệ Thủy, Kiều Tiên; gánh Dạ Lý Hương với Hùng Cường, Bạch Tuyết… Buổi sáng đào kép tập tuồng, những người ghiền cải lương mà rảnh rổi hay bọn trẻ con thường vào rạp để coi. Có lần tập tuồng xong hai ông Minh Phụng và Minh Vương xuống ngồi ở ghế khán giả nghỉ mệt. Tôi chạy lại ngồi phía sau lắng nghe hai ông nói chuyện, dè đâu hai ông hay chen vào những tiếng chưởi thề làm tôi rất ngạc nhiên. Một bữa khác, gần tới giờ diễn vở Kiếm Sĩ Người Dơi của đoàn Minh Cảnh, tôi lẩn quẩn khu nhà sau chờ coi mặt nghệ sĩ, thì thấy ông Minh Cảnh chuẩn bị đi tắm, ông ở trần, mặc chiếc quần xà lỏn, da trắng bóc nhưng gầy và nhỏ con. Mấy hình ảnh này làm tôi vỡ mộng hết sức!
Khoảng cuối thập niên 60, những khi không có cải lương ngươì ta chiếu phim, nhưng bộ môn này thì rạp Thanh Bình kém thu hút hơn rạp Bình Minh, mới xây, rộng lớn, khang trang hơn. Lúc đầu hầu hết là phim Ấn
Độ, sau mới có phim Tây, đến thập niên 60 trở đi là thời của phim Tàu với những cái tên như Vương Vũ, Khương Đại Vệ, Địch Long, Lý Tiểu Long... Được đến rạp hát là thú vui lớn của thời đó, nhất là với các cặp thanh niên nam nữ, đây còn là nơi và dịp để hò hẹn, yêu đương. Các gánh đại nhạc hội, các đoàn kịch cũng thay phiên nhau về đây, vì vậy rạp Thanh Bình hội tụ hầu như đầy đủ các nghệ sĩ lừng danh của miền Nam thưở trước.
Có một sự kiện bi thảm đáng ghi nhớ về rạp Thanh Bình. Vào năm 1949, hôm đó có một số người tụ tập tại dãy nhà bên hông rạp để đánh bài Cẩu, loại bày bằng sừng của người Hoa, đánh kêu lốc cốc. Đang chơi thì có một người vào xin tiền, bị đuổi ra, người đó oán bèn đi thẳng lên dốc ông Cò báo là có Việt Minh đang họp. Hai người lính Tây liền cầm súng đi ngay xuống rạp, tới nơi họ bắn xối xả vào đám người này, tất cả có 49 người tử nạn nằm la liệt, máu loang khắp nơi trông rất rùng rợn. Hai người chạy núp trong cầu tiêu cũng bị bắn chết. Kẻ duy nhất may mắn sống sót là thanh niên tên Thạch, sinh năm 1925, con của ông Năm Trong, nhà ở bờ sông, khu đất gần nhà bảo sanh bà Năm Chi, nay là khu chung cư. Di tích duy nhất nay còn sót lại là cột cửa ngõ, ngay đầu đường dẫn vào khu nhà cao ngất này. Ông
Thạch về sau sống ở Thái Lan, ông có người em là đại tá pháo binh dù Nguyễn Văn Tường , đang sống ở nước ngoaì. Nghe nói kẻ đi báo tin cho Tây về sau rất ray rức hối hận vì hành động dại dột của mình thời trẻ đã gây ra hậu quả quá thảm khốc như vậy. Nay ông cũng đã mất.
Cùng với vụ thảm sát cư dân làng Chánh Hiệp tại cầu Suối Giữa, trên 50 người chết, thì đây là hai kiếp nạn lớn nhất thời nô lệ mà người dân đất Thủ phải gánh chịu. Tại Suối Giữa, sau khi bắn chết hết những người dân vô tội bị bắt, Tây còn cho gom những người còn lại ra chôn cất người chết. Họ cắt đầu nạn nhân, cho đổ máu vô một cái thùng, pha với nước và muối rồi bắt buộc mấy người này phải uống một tô, ai không uống họ sẽ bắn tiếp. Chuyện này mấy người già trong làng kể lại, nếu đúng như vậy thì quá khủng khiếp, man rợ không tưởng tượng nỗi.
Khoảng giữa thập niên 60, rạp Bình Minh nằm trên đường quốc lộ 13 được xây cất. Miếng đất hình tam giác nằm giữa ba con đường Cách Mạnh Tháng 8, đường Lý Thường Kiệt, đường Nguyễn An Ninh… nguyên là đất của ông Đốc Cậy, nhà ở đường Phan Văn Hùm cũ, nay là Nguyễn Tử Bình, sau bán cho nhà thờ, nay là nhà trẻ. Ông
Cậy phân lô đất bán nền, ông Thái mua một khu khá lớn để xây rạp Bình Minh, chuyên chiếu phim. Rạp cất theo lối mới, hiện đại hơn rạp Thanh Bình.
Sau 75, các gánh cải lương tàn dần, rạp Thanh Bình từ từ đóng cửa rồi bị bỏ hoang, cây cỏ mọc trên mái nhà, góc sân, nhìn thật nao lòng. Đầu năm 2009 bị phá bỏ, một công trình mới chuẩn bị xây dựng, hí trường của một thời đã từ đây chỉ còn là chuyện quá khứ. Rạp Bình Minh sau thời gian ngưng hoạt động đã biến thành nhà sách và văn phòng phẩm, trên lầu, người ta dùng để chiếu phim nhưng không còn cảnh giành giựt mua vé như thời trước, thời của hai phim chiếu chung, phim màu, màn ảnh đại vĩ tuyến…