Bụi chuối sau hè
Hoàng Anh
Từ ngày có con Như Ngọc đến đây làm tiếp viên
chạy bàn, quán cà phê Bích Câu của
vợ chồng Tư Nhã làm ăn khắm khá thấy rõ.
Con nhỏ ấy có mái tóc dài đen chấm lưng, da nó
trắng hồng, môi như môi son, khi nó cười thì khuôn
mặt rạng rỡ như một đoá hồng phấn mới vừa chớm nở. Khách đến
đây nhiều người nhìn nó đắm đuối như dán luôn
đôi mắt vào khuôn mặt ấy thành thử không
thấy đường về.
Thiệt ra thì nó tên là Út, ở nhà
hay kêu là con Út Mọi, có lẽ hồi nhỏ nó
đẹt mà dang nắng nên bị đen chăng? Từ ngày nó
đến đây, Tư Nhã mới nghĩ ra một cái tên khác
xinh đẹp cho nó. Mới đây mà nó mang cái
tên Như Ngọc này cũng được nữa năm rồi.
Hồi đó, hai dì cháu nó từ dưới quê lên
đây đi tìm việc làm. Ngang qua nhà Tư Nhã
thấy ngoài hàng rào có treo lủng lẳng tấm bảng
nhỏ ghi dòng chữ “Cần tiếp viên”, họ rụt rè dắt nhau
vào hỏi việc cầu may. Trông bộ dạng, áo quần và
cách nói năng của họ Tư Nhã biết ngay là dân
nhà quê. Tuy vậy mà vừa nhìn sơ qua tướng tá
của con nhỏ, vợ chồng Tư Nhã chấm ngay. Dì nó đã
ngoài ba mươi, đen đúa, khô cằn, bộ tướng chắc làm
rẫy bái từ nhỏ, họ cho xuống bếp rửa ly chén, phụ nấu ăn.
Riêng con Út, chị Tư lật đật sắm sửa liền ít quần áo
để tân trang lại cho nó. Thiệt ngỡ ngàng, nó như
con vịt cổ lùn bỗng nhiên biến thành con thiên
nga trắng muốt. Được tiếp xúc với đời sống của dân ở chợ, nó
mau chóng trút bỏ cái vẻ hoa đồng cỏ nội đi. Bây
giờ, với chiếc áo đầm ngắn củn cởn, cổ khoét rộng, lại thêm
bộ ngực no tròn, chắc nịch của con bé làm cho nó
có vẻ sang trọng và rất hấp dẩn. Nhìn Như Ngọc, ít
ai ngờ được gốc gác nhà quê của nó.
Ở đâu có mật thì có ruồi, có hoa thì
có bướm. Giờ đây so với các quán đang cạnh tranh
quyết liệt trên cùng con đường, quán Bích Câu
là đông khách nhất. Vợ chồng Tư Nhã mừng
thầm trong bụng và đem lòng yêu quí con bé
lắm. Trước đây cả hai vợ chồng vốn từng là thầy cô giáo,
vừa dạy học, vừa làm đủ thứ nghề tay trái để kiếm tiền mà
vẫn luôn túng thiếu. Khi thời thế bổng nhiên thay đổi,
dịp may bước đến ngay trước sân nhà, họ quyết định bỏ nghề để
chuyển qua nghiệp bán buôn.
Nhà họ nằm trong một xóm vắng, con đường trước nhà
chỉ là một lối nhỏ trải đầy cát trong mùa nắng và
lầy lội trong mùa mưa. Hai bên đường là những bụi tre
già kẽo kẹt, nhà cửa thưa thớt. Đi trên đường, trộn lẩn
trong mùi của hoa cỏ dại là mùi phân trâu
bò khai nồng nặc cả mũi.
Từ lúc tỉnh này bắt đầu xây dựng các khu
công nghiệp, đời sống của mọi người thay đổi hẳn đi. Có những
người trước đây cả đời chỉ biết con khô chén mắm, giờ
bỗng nhiên nắm bạc tỉ trong tay mà không biết phải làm
gì. Họ tha hồ tiêu xài, mua xe sắm cộ, ăn chơi phung
phí. Tỉ phú triệu phú nhiều quá thì hàng
quán cũng tha hồ mọc lên đủ kiểu để mà phục vụ cho họ.
Con đường hẻm hồi trước, khi chiều xuống không ai dám đi một
mình vì sợ ma thì giờ đây đã được tráng
bê tông và biến thành khu vực giải trí hàng
quán san sát. Người ta đua nhau phá tre, bứng chuối
để lập quán. Hoá ra ở nơi vắng vẻ cũng có cái
lợi thế của nó, bởi những nơi kín đáo này người
ta có thể đến vui chơi mà ít sợ bị dòm ngó.
Tình bà con chòm xóm tối lửa tắt đèn trước
đây cũng phai nhạt dần. Quán nhiều quá, cụôc cạnh
tranh dần dà trở nên gay gắt làm cho việc buôn
bán không khác chuyện chiến trường. Anh em bà
con cải vả chưởi bới nhau là chuyện hàng bữa. Trong cuộc chiến
tranh kinh doanh này, tiếp viên là vũ khí chính.
Đèn màu chớp tắt sặc sỡ, loa nhạc ầm ĩ điếc lỗ tai thì
chỗ nào cũng có, vã lại khách cũng đâu
cần mấy thứ đó. Cái họ cần là có những cô
gái chạy bàn xinh đẹp biết nói năng đi qua đi lại để
họ nhìn cho mãn nhản. Thế nên quán nào
có gái đẹp thì bán đắt, còn không
thì chủ quán với người làm cứ ngồi mà đánh
bài tiến lên cho tới sáng.
Nói cho đúng, từng là một thầy giáo thì
Tư Nhã cũng không ưng cái nghề này cho lắm nhưng
tình thế bây giờ chẳng đặng đừng, không làm thì
không biết lấy chi mà sống, mà lo cho mấy đứa nhỏ nó
ăn học. Chớ còn phải khúm núm phục vụ đám choai
choai, lắm lúc anh cũng tức nhưng chỉ biết thở dài, tự nhũ
rằng hình như ngày nào mà con người còn
cần đến đồng tiền thì còn phải chịu đựng nhiều nỗi khổ nhục.
Làm nghề gì thì cũng vậy thôi, chớ hồi anh đi
dạy, không phải là đã chịu đựng nhiều chuyện nát
lòng lắm đó sao. Hồi đó, nhớ nhiều nhất là việc
cứ phải đêm đêm cắm đầu lo làm cả chồng sổ sách
muốn ngập đầu để đối phó với kiểm tra, dự giờ. Làm vậy
nhưng cứ bị phê bình lên phê bình xuống mà
nào có đủ ăn. Bây giờ thôi cứ giả dạy giả ngơ,
thời thế đã vậy, đành nhắm mắt xuôi dòng chớ còn
biết tính sao.
Mà cũng chẳng phải mình anh đổi thay đâu, cả xã
hội đã không còn như cũ. Những khu vườn xanh mát
nổi tiếng ở quê anh đã mọc lên dãy dãy hàng
quán. Xung quanh ngôi chùa cổ người ta ban mồ mả cất
lên chi chít những quán thịt chó, thịt mèo.
Xe máy cày, máy ủi đang cày xốc tung toé
bụi đất trên những cánh đồng hôm qua phủ xanh màu
của lúa, của khoai.
Sự thay đổi trong nếp sống của người dân tuy lặng lẽ nhưng khốc liệt
cũng không kém. Ông Hai thợ rèn xóm trên
bị phát hiện nằm chết trong một khách sạn vì dùng
thuốc kích dục quá liều. Tệ nhất là chuyện ông
Tư xe ngựa già có cả chục người con, tuổi đã gần xuống
lỗ lại bị bà vợ bắt quả tang đang ăn nằm với đứa con dâu
út ngay trong nhà. Ở Phú Mỹ, nghe đồn có người
sau khi xài phung phí hết cả bạc tỉ tiền đất đai đã
nhảy xuống giếng tự tử chết. Lúc đầu những chuyện như thế làm
mọi người kinh hãi và bàn tán rất xôn xao,
riết rồi sau nghe hoài cũng nhàm, không ai để ý
nữa.
Trong nhà, tuy có lợi dụng mấy đứa tiếp viên để kiếm
được nhiều tiền, vợ chồng Tư Nhã cũng có phần thương và
đối xử tử tế với chúng nó, nhứt là con Như Ngọc. Anh
hỏi :
-Sau không lo học hành mà đi làm sớm vậy?
- Nhà cháu nghèo quá, học gì được.
- Ở dưới đó cháu làm gì?
- Phụ má tước dây chuối đem bán.
- Có khá không?
- Dây chuối bán rẻ rề, khá sao nỗi. Hồi đầu còn
đở đở, bây giờ người ta cột bằng dây nylon không, bán
ế lắm chú ơi.
- Nhà cháu không làm vườn trồng trọt gì
sao?
- Trồng cây cứ phải chặt bỏ trồng lại hoài, lỗ lắm chú
ơi.
Hỏi thăm hoàn cảnh gia đình nó nói rằng nhà
nó nghèo khổ quá, hồi nhỏ chỉ đi học biết đọc biết viết
rồi thôi, chị nó bị điên phải xiềng chưn cẳng lại, ba
nó đã già mà bệnh hoạn chẳng làm được
gì. Một mình má nó buôn bán lặt
vặt mà lo cả gia đình sao nỗi. Bây giờ nợ giăng tứ tung,
mấy đứa anh nó bỏ nhà trốn đi làm ăn xa xứ hết.
Thấy nó hiền hậu, thiệt thà, mà coi bộ nhí nhảnh
lanh lợi với khách vậy chứ những lúc vắng khách ngồi
một mình nó có vẻ buồn lắm. Chị Tư là phụ nữ
nên dễ gần gũi chuyện trò với nó. Nó biết thân
biết phận mình nên rất dành dụm, và cứ van vái
Trời Phật cầu xin cho có đủ tiền về trả nợ cho cha mẹ thì nó
mới được vui. Cô hỏi nó chứ mày có tính
chuyện tương lai cho mày không, chẳng lẽ bán hoài
mà hỏng có đồng xu bỏ túi sao. Nó có vẻ
thản nhiên, nói tương lai làm gì, nó ra
sao thì ra, nó chỉ mơ ước làm sao có tiền trả
nợ thôi, nó nói nó thương và nhớ má
nó lắm, ban đêm nằm một mình nó hay khóc.
Thấy đám con trai cứ bu theo tò vè tán tỉnh con
bé, chị Tư căn dặn hết lời bảo con phải cẩn thận đó nghe. Cô
hay chọc nó:
- Muốn sang thì lấy thợ điện, muốn chưng diện thì lấy
thợ giày, muốn ăn mày thì lấy thầy giáo nha con!
Đó là cô muốn chọc ghẹo để cáp nó với thằng
Thảo làm thợ sữa giày dép cũng ở gần đây. Thằng
này dòm ngó con Như Ngọc từ ngày con nhỏ mới
lên. Lúc đầu hai đứa còn chuyện trò qua lại với
nhau, coi bộ cũng vui vẻ thân mật. Thằng Thảo đã tự tay làm
một đôi giày khá đẹp để tặng cho con bé. Về sau,
thấy đám thanh niên xe cộ bóng nhoáng bu theo
con Như Ngọc nhiều quá, thằng Thảo có vẻ buồn nên ít
nói hơn. Từ miền Trung bỏ xứ vào đây một thân một
mình lập nghiệp, năm nay nó cũng gần ba mươi tuổi rồi mà
chưa có vợ con chi. Tính nó cũng thiệt tình mà
lại siêng năng chịu cực chịu khó nên vợ chồng Tư Nhã
cũng ưa lắm. Thỉnh thoảng nó thường qua ngồi uống cà phê
và nói chuyện bâng quơ với anh cho đở nỗi buồn nhớ quê,
vừa có cớ để mà lâu lâu liếc nhìn con nhỏ.
Trong bụng, coi bộ nó còn thương con đó lắm.
Bữa nay, lúc gần giờ cơm trưa thằng Thảo đang ngồi chơi với Tư Nhã
thì bỗng nhiên có người chạy lại báo tin động
trời rằng con Như Ngọc đã chết, đang còn nằm trong nhà
thương. Hồi sáng này nó với con Hồng, hai đứa
xin phép đi chơi với hai thanh niên thường lui tới quán.
Hai tên đó đứa nào cũng có một chiếc xe phân
khối lớn mới tinh, loại đắt tiền.Tụi nó chạy rất nhanh, đến gần chợ
Bưng Cầu lách mấy đứa học trò đang băng qua đường nên
đâm vào một chiếc xe chạy ngược chiều. Hai thằng thanh niên
với con Hồng chết liền tại chỗ, con Như Ngọc may mắn vẫn còn thở.
Người ta gọi xe cấp cứu nhưng xe cấp cứu ở bệnh viện có ít,
mà lại phải thường xuyên chuyển viện nên may mắn lắm mới
có được xe khi xảy ra tai nạn. Hai người tốt bụng đở nó ngồi
lên chiếc Honda, một người lái, một ngồi sau ôm chặt nạn
nhân rồi cứ thế chạy như bay xuống bệnh viện. Đến nơi, con Như Ngọc
đã tắt thở, trên đường dằn xóc, chiếc xương sườn gãy
đâm vào lũng phổi nên nó mới ra nông nổi.
Tư Nhã với thằng Thảo vội vả nhảy lên xe vọt ngay vào
bệnh viện. Cô Tư với dì con Út soạn ít đồ cần
thiết rồi cũng vội đóng cửa quán chạy theo sau. Biết hoàn
cảnh nhà nó đơn độc, hai vợ chồng phải lo sắp xếp mọi thứ.
Khi xe chở xác nó chạy ra tới cửa bệnh viện, chị Tư Nhã
quay trở về coi quán để ba người kia theo xe.
Dì nó ngồi ở cabin để chỉ đường cho tài xế. Phía
sau chỉ có hai người với cái quan tài. Họ bàn
bạc với nhau ít chuyện, thấy thằng Thảo có vẻ buồn quá
Tư Nhã thôi không nói nữa ngồi lặng im. Gặp đúng
giờ tan sở làm, trên đường hàng hàng những chiếc
xe hơi bóng lượn nối đuôi nhau nên chiếc xe chở xác
không thể chạy nhanh.
Rời xa thị xả được một khoảng, về tới vùng nông thôn thì
trời bắt đầu đổ mưa. Mây xám mờ mịt, những hạt mưa thỉnh thoảng
lại tạt vào xe đem theo cái lạnh và nỗi sầu tê
tái. Tư Nhã nhìn thấy thằng Thảo cứ cúi đầu mà
nhìn cái quan tài đong đưa mỗi khi xe lắc mạnh, một
tay nó vịn thành xe, một tay chiụ cái hòm để
nó được nằm yên. Mắt nó đỏ ngầu, hình như nó
đang ôn lại những kỷ niệm từ ngày quen biết con Út.
Cảnh vật hai bên đường lùi dần trong màn mưa nhẹ khi
chiếc xe cứ lầm lũi lướt qua. Xe chạy khá xa rồi mà nhà
con bé vẫn còn biệt dạng. Nghe dì nó nói
họ ở tận xã Thanh Bình, một vùng xa xôi khỉ ho
cò gáy. Hồi xưa, vào thời kỳ khẩn hoang, đó là
nơi bọn ăn trộm thường ẩn náo. Lúc chiến tranh, đó là
vùng căn cứ địa kháng chiến lính tráng ít
khi dám bén mảng tới vì rừng chồi nhiều, rất dễ bị phục
kích hay bắn tỉa. Trời cứ mưa, lâu lâu lại có lằn
sét đánh một vệt sáng ngoằn ngoèo trên
bầu trời làm mọi người giật mình. Chiếc xe đi qua bao nhiêu
cánh đồng quạnh vắng, những ngôi nhà ngói cũ nằm
chìm giữa những tàng cây vú sữa cây me tối
om. Lác đác những ngôi mả đá ong nằm giữa
đám cỏ lau, gai mắc cở ven đường làm cho cảnh vật có
vẻ rất tiêu sơ. Tư Nhã nghe lòng mình cũng rã
rời, ngao ngán. Lâu lâu anh lại đưa mắt liếc nhìn
thằng Thảo với cái quan tài làm bằng một loại ván
cây rẻ tiền. Anh tự than với lòng mình là kiếp
người rồi chỉ có vậy thôi đó sao!
Từ lúc chiếc xe chui vào rừng cao su thì không
còn thấy gì khác ngoài những thửa rừng cao su
nối tiếp nhau. Đường mỗi lúc một xấu, chiếc xe chạy xầm xập, dằn xóc
dữ dội có lúc ngỡ như muốn làm tung cả nắp hòm.
Tư Nhã lúc này phải phụ thằng Năm đưa một tay kiềm giữ
cái hòm lại.
Về đến nhà con Út thì trời đã xế chiều, ở đây
không có mưa nên đất còn ráo khô nhưng
bầu trời vẫn u ám. Nhà con bé nằm bên cạnh một
cánh rừng. Đó là cái chái tranh lụp xụp,
xiêu vẹo. Một vài người đứng lơ ngơ ở trước nhà chờ đón.
Chiếc xe vừa quanh vào sân đã nghe có tiếng than
khóc. Quang cảnh não lòng quá nên Tư Nhã
cũng không chú ý chi nhiều. Họ phụ nhau khiêng
quan taì vào kê trên bộ ván nhỏ đặt giữa
nhà. Ngôi nhà trống trơn chẳng có đồ đạc gì
đáng kể. Đúng như những gì con Út đã tâm
sự, một người đàn ông ngồi ho sù sụ trên chiếc
võng cứ than trời luôn miệng, chắc là ba của nó.
Người ta tắm rửa và thay đồ mới cho con Út. Thằng Năm tìm
nắm gạo ráng cạy miệng con bé bỏ vô. Nó nhanh
tay đốt ngọn đèn, cắm mấy cây nhang và làm một
dĩa tam sên đặt trên chiếc ghế một đặt trước đầu người chết như
cái bàn thờ. Lục hết trong nhà nó ra chỉ được
đôi ba bộ đồ cũ.
Ra ngoài hè thấy mấy bụi chuối, Tư Nhã nhanh trí
cắt hết các tàu lá chuối khô đem vô nén
chặt khắp thân con Bé để làm đồ tẩn liệm cho nó.
Tư Nhã vừa làm vừa vái lầm bầm mấy câu:” Sinh
như thị, tử như thị. Như thị sinh, như thị tử”...
Xong mấy việc cần thiết đó hai người ra ngồi ngoài sân.
Lúc này có thêm vài người bà con
lối xóm kéo đến phụ hợ. Bóng tối đã trùm
xuống từ bao giờ. Anh Tư chìa gói thuốc ra mời thằng Năm một
điếu rồi rút cho mình một điếu, hai người chăm thuốc hút.
Tứ bề chỉ toàn cây cối, xa xa mới thấy thấp thoáng bóng
ngọn đèn dầu nhà ai. Cách nhà mấy bước chân
là một cái chòi nhỏ, xây tạm bợ kiểu chuồng bò,
qua ánh lửa đóng un xua muổi chập chờn, còn thấy được
bóng một người đàn bà tóc xoả, đôi mắt
hoang dại nhìn chăm chăm hai người đàn ông.
Thằng Thảo thở dài hoài, miệng cứ chặc chặc lưỡi nói:
- Ai ngờ, ai ngờ!
- Tao cũng đâu dè.
Tư Nhã hiểu nó muốn nói gì, cái con Như
Ngọc xinh đẹp như nàng tiên, lộng lẫy và hấp dẫn làm
say đắm bao nhiêu thanh niên, đêm đêm qua lại phất
phơ trong ánh đèn màu, trong tiếng nhạc inh tai đã
nằm yên ấm áp trong những chiếc lá chuối khô, trong
một nơi xa xăm, tĩnh lặng và hoang vắng như nơi đây.
Tư Nhã nói:
- Ở đây gần rừng nên chim chóc kêu nhiều quá
há Năm?
HẾT