BA NAM
Hoàng Anh BD
(17-04-13)

 



Người thân kẻ quen thường gọi Ba Nam là… Ba Nam, mà quên không nhớ rằng người Việt ta xưng hô với ai phải so đo tuổi tác mới phải phép, có lẽ gì những người nghệ sĩ thì thường không cần biết đến tuổi tên chăng?
Giới thiệu tiểu sử của anh như vậy là việc làm có hơi bị dư, nhưng xin cũng rao sơ qua vài câu, để những người chưa biết, biết đôi nét về anh.
Tên họ đầy đủ của anh là Nguyễn Văn Nam, sanh ngày 27-05-1951 tại Phú Cường, Thủ Dầu Một. Học sinh khóa 8 trường trung học Trịnh Hoài Đức. Năm 1969, xếp bút nghiên theo việc đao cung, trải qua 9 tháng quân trường đổ mồ hôi ở trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Mãn khóa, về miền Tây lội bùn dơ băng lau lách xuyên đêm, mùi súng đạn khét lẹt dần quen như mùi khói thuốc vàng tay. Tháng 4-1975, như bao người khác, giã từ vũ khí, lại đi học, nhưng học lần này cầm bút mực thì ít mà cầm cuốc rựa thì nhiều. Khi chàng tráng sĩ “Ngày ba bữa vỗ bụng khoai bình bịch” cảm thấy đường về quê xa lắc xa lơ, đã nghe trăng vàng tả tơi thì một hôm bỗng nhiên được kêu lên phát bằng tốt nghiệp loại kém cho ra trại.
Ngày trở về, anh bước lê trên quảng đường quê đến bên lũy tre của mái nhà xưa, mẹ chưa loà, nhưng tương lai là những gì mờ mịt như sương khói lên khơi. Lăn lộn với cuộc mưu sinh, chĩu nặng tâm tư của người lạc lõng bên lề cuộc đời, anh lại cầm đàn, trang trải nỗi lòng trên những phím đàn, nốt nhạc, thả hồn chơi vơi theo những đam mê của một thời xa xưa, khi anh còn là một cậu bé học trò mắt tròn xoe ngơ ngác, một chàng tuổi  trẻ hào hoa làm nhiều cô gái đẹp ngất ngây.
Anh mê đàn từ hồi còn bé, chuyện ấy nghĩ cũng không có gì lạ lắm. Ở cái làng quê Nam kỳ này, nó bắt đầu có lẽ từ lúc má còn ẩm, đứa bé đã được nghe mẹ hát ru à ơi bằng những bài ca dao mộc mạc mà không hiểu tại sao cứ nhớ cứ thương hoài. Từ lúc nghe tiếng hát vọng cổ vẳng lại từ nhà hàng xóm những buổi trưa hè, từ anh lái đò trên dòng sông gió thổi hiu hiu. Từ khi nhìn không chớp mắt những người lớn tuổi trong xóm kéo đàn cò, chơi đàn gáo nỉ non. Từng tiếng vuốt, từng cái nhấn nghe thót cả ruột gan. Cái thú vui cầm giàn thung đi lang thang nghễu nghến trong xóm để bắn chim, để bắn vào cái nồi trên nóc ngôi chùa Úp Nồi đã không còn đủ sức thu hút thằng bé nữa, nó xin ba về dưới chợ Búng học đàn với cô Ba Lá. Cô Ba đàn các loại nhạc khí dân tộc rất hay. Nó theo cầm đờn cho cô thì nhiều, học chẳng bao nhiêu. Được mấy tháng, việc đi lại hơi khó khăn vì nhà cô xa quá, nó đánh nghỉ học. Trong xóm có ông Liễu mù, nó lại mon men theo ông. Nhìn ông đờn là chính, rồi về nhà bắt chước làm theo. Sau mấy tháng, biết ở gần trường Nam Châu Thành có thầy Nam Phong đi bên Tây về mở lớp dạy đàn Tây Ban Cầm, nó lại xin tiền ba má ghi danh theo học. Học vài tháng, lại bỏ. Học mỗi người một thời gian ngắn thôi, nhưng ai cũng khen thằng nhỏ này có khiếu. Từ đó, nó về nhà tự mày mò, cứ rảnh là lấy cây đờn ra gãy từng tưng. Ba má nó sợ thằng con ham đờn bỏ bê chuyện học, có rầy la cở nào, nó cũng không bỏ. La ít, nó lén đờn sau chái bếp, la nhiều, nó cầm đờn trốn ra bờ sông hay vô sân chùa vắng vẻ để đờn một mình. Vậy mà, nó tiến bộ từng ngày, vài năm sau, khi mới 17 tuổi, nó đã nhập chung cùng ban nhạc trẻ vào chơi trong căn cứ của Mỹ ở Phú Lợi. Lính Mỹ và mấy cô cave rất khoái, thưởng tiền cho nó hoài, có khi còn rủ nó đi ăn khuya, nó biết mùi vị của yêu đương từ đó, chí làm trai dặm nghìn da ngựa của nó cũng tại vì đó mà kết thúc.
 
Sinh trong thời ly loạn, như bao người khác, gả đàn ông tên Nam cũng phải lên đường nhập ngũ. Chiến tranh và đời lính đã làm chàng thanh niên phải đeo ba lô cầm súng hành quân, tay sẵn sàng lảy cò nhả đạn, thay vì chỉ để bấm những nốt nhạc luyến láy du dương.

Trong họa có phúc, rất may rằng những ngón tay của anh dường như trời sinh ra để gảy đàn chứ không phải để bóp cò hay cầm cuốc làm đau lòng sỏi đá. Anh lại dùi mài tự học với cây đàn, khi trong bụng vẫn chỉ toàn khoai với rau, khô mắm, cộng thêm rượu đế pha thuốc rầy cay xé cả lòng. Đến lúc này, anh đã có thể chơi được nhiều loại nhạc cụ khác nhau như đàn cò, đàn gáo, đàn sến, ghita phím lõm, ghita bass, thổi sáo…Nhưng sở trường nhất, vẫn là cây Tây Ban Cầm thông dụng nhiều người biết. Điều đặc biệt là, nhờ tự nghiên cứu, Ba Nam có thể cầm cây đàn này, không cần chỉnh dây, vẫn có thể chơi cả hai loại tân và cổ nhạc, mà chơi loại nào cũng hay, cũng điêu luyện như người chỉ chơi chuyên một thứ. Đang nghe anh đàn những bản nhạc giật gân như điệu twist, fox, chachacha, nếu có ai định chơi trác hay thử tài, bổng nhiên chuyển qua hát những bài vọng cổ như “Gánh nước đêm trăng”, như “Tình anh bán chiếu”, thì ô kìa, tiếng đàn đâu mùi mẩn, nỉ non liền chợt vang lên, như thể có anh chàng đờn ca tài tử nào đó vừa từ mái nhà rớt xuống.
 
Với cây đàn, anh vác đi nhiều nơi, khi nào có ai mời mọc hay anh em bạn bè rủ rê, anh đã làm cho bao người say đắm, hứng khởi, trong giây phút được lắm niềm vui. Chỉ tiếc là, anh không kiếm được nhiều tiền bạc, danh vọng nhờ tiếng đàn của mình. Là một người không chức vụ, quyền thế, ít thanh danh, nhưng được nhiều tình cảm của người thân quen, cũng đủ ăn qua ngày, và nhậu thì dường như không có ngày nào khỏi, với anh, như vậy cũng đủ để cười hể hả mà hưởng niềm vui của cuộc đời, mà hát bài “Chơi”, một bản nhạc điệu twist do người bạn cùng xóm của anh là Dzoãn Hải viết, nay đã mất, anh biên cải thêm và trình diễn, mà khi lắng nghe, ai cũng vỗ tay tán thưởng:
“Từ khi nhỏ bé tôi đã biết chơi
Sáng chơi bắn bi chiều chơi thả diều
Khi ở ngoài đồng khi ngoài dòng sông
Tôi vẫn cứ chơi chơi hoài không chán

Giờ đây lụm cụm tôi vẫn khoái chơi
Sáng vui vầng thơ, chiều vui ván cờ
Khi cùng bạn già mình ngồi râm ri
Tôi vẫn cứ chơi xả láng cuộc đời…”

Mà cuộc đời, nghĩ lại thì cũng là một trò chơi thôi, vấn đề là chúng ta có biết cách chơi hay không, chơi sao cho sảng khoái, cho thong dong, cho mình và, cũng cho người.
Tôi thầm cầu chúc anh còn tiếp tục chơi lâu nữa trên cõi đời này, bởi nếu mất anh, Bình Dương sẽ mất đi một đàn sĩ không dễ gì tìm lại được. Còn tôi, cuộc chơi của tôi trên đời cũng sẽ bớt vui nhiều lắm, bởi từ đó mỗi khi chơi, chắc chắn rằng tôi sẽ nhớ đến hình bóng của anh.
Nhớ những lần mình chơi mút mùa lệ thủy với nhau, phải không anh Ba Nam?