BA CÂY ĐẠI THỤ TRỜI NAM

Hoàng Anh


Trong hai bộ sách phê bình văn chương uy tín ở nước ta thế kỷ 20 (“Nhà văn Việt Nam” của Vũ Ngọc Phan và “Thi nhân tiền chiến” của Hoài Thanh và Hoài Chân) các thi văn gia miền Nam chiếm một vị trí khá mờ nhạt. Điều ấy ít nhiều phản ánh một cái nhìn chung của người các vùng miền khác khi nhận định về văn học phương Nam. Cái nhìn rẻ rúng, xem thường ấy đã gây ra nhiều phản ứng, bất đồng, và quan trọng hơn, bất công đối với nền văn học này .

“Hồi còn nhỏ, nghe ai nói đến văn chương, báo chí Nam kì là tôi mĩm cười”
(Nguyễn Văn Xuân, Khi những lưu dân trở lại, tr.5, Thời Mới, 1969)

“Lối nhìn kỳ thị, tự tôn như vậy có xúc phạm không? Xúc phạm quá lắm chứ. Làm sao không xúc phạm khi anh nói với một người: Này, anh giàu có đấy nhưng vô học ( nói một cách văn hoa thì: miền Nam có kinh tế phong phú nhưng không có truyền thống văn hóa)
(Nguyễn Văn Trung, Lục Châu Học, chương 8)

May mắn là cái nhìn kỳ thị và phiến diện ấy theo thời gian đã có nhiều thay đổi. Thực tiễn sinh họat văn nghệ của Nam Bộ trong thế kỉ vừa qua cho thấy một bức tranh hòan tòan khác. Những tờ báo và tiểu thuyết bằng chữ quốc ngữ đầu tiên đã ra đời ở miền đất phía Nam và sau đó nhanh chóng lan rộng ra cả nước, góp phần khai mở một kỉ nguyên mới trong nền văn học nước nhà. Sau thời kì của các vị “khai quốc công thần” như Trương Vĩnh Kí, Hùynh Tịnh Của, Nguyễn Trọng Quản, Trần Chánh Chiếu, Trương Minh Ký…mảnh đất miền Nam mầu mỡ phù sa như được mùa cây lành trái ngọt, tiếp tục sản sinh rất nhiều tác gia chuyên viết về cảnh vật và con người trên quê hương của họ như Hồ Biểu Chánh, Hồ Hữu Tường, Phú Đức, Đông Hồ, Phi Vân, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Lê Xuyên, Viễn Châu, Kiên Giang, Ngọc Linh, Trang Thế Hy, Đoàn Gỉoi, Nguyễn Quang Sáng… Danh sách này còn dài, khó kể ra hết. Nổi bậc lên trong số này là Hồ Biểu Chánh, bậc tiền bối, và hai người kia: Bình Nguyên Lộc với Sơn Nam. Họ xứng đáng được xem như ba cây đại thụ, khi chụm lại, thành một ngọn núi cao ít có nơi nào bì kịp trong ngôi làng văn học nước ta ở thế kỉ hai mươi

Tuy tuổi tác chênh lệch, ba nhà văn này có nhiều điểm giống nhau thật thú vị: cả ba đều có sự nghiệp sáng tác rất đồ sộ và đa dạng. Có thể nói rằng khả năng sáng tác sung mãn và sự phong phú trong thể lọai là đặc điểm đầu tiên đáng ghi nhận về các nhà văn nổi tiếng của miền Nam. Ba nhà vừa kể đã viết rất nhiều truyện dài, truyện ngắn ăn khách một thời; vừa là nhà khảo cứu với hàng chục tác phẩm biên soạn  công phu. Đặc biệt hơn nữa là họ đều thích làm thơ. Hồ Biểu Chánh có năm quyển truyện thơ ( U tình lục, Biểu Chánh thi văn, …). Bình Nguyên Lộc cũng không hề thua kém với nhiều thi phẩm ( Việt sử trường ca, thơ Ba Mén, Thơ thổ ngơi Đồng Nai...) Sáng tác đầu tay của Sơn Nam cũng là một tập thơ, tựa đề Lúa Reo, do Hội Văn Hoá Kháng Chiến Kiên Giang xuất bản năm 1948. Chúng ta ít biết về thơ của Sơn Nam, nhưng bài thơ thay lời tựa tập Hương Rừng Cà Mau của ông được nhiều người hết lòng ca ngợi. Tạ Tỵ, trong “Mười khuôn mặt văn nghệ”, viết: “ Đã nhiều lần, đêm trắng không kêu vào giấc ngủ, tự nhiên mấy câu thơ thay lời tựa của Sơn Nam trong tác phẩm Hương rừng Cà Mau lại vang vang trong hồn tôi như hơi kèn đồng lên qua khe cửa vũ trường bay vút lên trời cao tím ngắt”

Tuy có khả năng sáng tác sung mãn và phồn thịnh như thế, mỗi nhà văn, đương nhiên thường chỉ toả sáng ở một lãnh vực nào đó mà thôi. Với Hồ Biểu Chánh (1884-1958), ngòai dịch thuật, tùy bút, hồi kí, phê bình, tuồng hát, biên khảo ( trên 20 quyển ở thể lọai này), sở trường của ông vẫn là thể loại tiểu thuyết. Danh mục tác phẩm của ông làm chúng ta khâm phục: khỏang 70 quyển! Đương thời, chỉ có Lê Văn Trương ngòai Bắc là sánh được với ông về danh hiệu nhà văn có khả năng sáng tác nhanh, nhiều và ăn khách trên thị trường. Đọc ông, người ta có ấn tượng khá sâu sắc bởi lối hành văn đặc sệt chất Nam, nhiều chỗ chưa thoát ra được lối văn biền ngẫu thời xưa. Cốt lõi trong hàng trăm câu truyện của ông là sự đề cao đạo nghĩa và phẩm gía của con người. Dù có nghèo hèn khốn khó mấy đi nữa vẫn phải cố gắng mà gìn giữ những bài học gia huấn của tổ tiên. Truyện bao giờ cũng kết thúc có hậu theo quan niệm văn dĩ tải đạo của thời xưa, “Thiện ác đáo đầu chung hữu báo” . Là một nhà văn tiên phong, tiểu thuyết của ông trong cái nhìn thời nay có kết cấu và tình tiết khá đơn sơ, còn nhiều khuyết điểm, tuy nhiên điều đáng ghi nhận là chúng vẫn được tái bản liên tục trên nửa thế kỷ qua, cho thấy giá trị vượt thời gian của chúng. Ngoài ra, ông còn là nhà văn phóng tác rất thành công nhiều danh tác trên thế giới, với khả năng Việt hoá nhuần nhuyễn mà không phải ai cũng có thể làm được. Đọc các tựa đề Ngọn cỏ gió đùa, Cay đắng mùi đời… ít ai liên tưởng đến những cái tên Tây nguyên thủy của chúng.

Được xem như nhà văn đại diện cho thế hệ nối gót Hồ Biểu Chánh, Bình Nguyên Lộc ( 1914-1988) viết nhiều truyện dài, trong số đó có quyển Đò Dọc được nhiều người biết nhờ từng lãnh giải thưởng về văn chương và một nhạc sĩ đã phổ nhạc khá thành công. Oâng cống hiến trên 30 tiểu thuyết, cả ngàn truyện ngắn, gần chục tác phẩm biên khảo, nghiên cứu, trong đó công phu đáng nể nhất là quyển Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Vịêt Nam.Tuy nhiên nói chung, ông và Sơn Nam chỉ thành công rực rỡ ở thể loại truyện ngắn. Oâng có một số truyện ngắn được nhiều người ca tụng, từng lãnh giải thưởng văn chương trong và ngòai nước như Rừng mắm, Ba con cáo, Nhốt gió, Đồng đội…

Sự nghiệp sáng tác của Bình Nguyện Lộc qua văn học và khảo cứu nhìn ở góc độ tổng quan, đó là những nỗ lực truy nguyên toàn bộ bức tranh đời sống xã hội miền Nam từ lúc người Việt tiến hành cuộc Nam tiến đến giai đoạn hiện đại. Trên đó có những gam màu thời gian từ thuở khai hoang, đến thực dân Pháp, rồi những năm chiến tranh khói lửa khi người Mỹ qua đây. Ở từng thời điểm lịch sử, nông dân, người nghèo chốn bùn lầy nước đọng thành thị luôn là đối tượng hướng tới của ngòi bút nhà văn. Tình yêu quê hương luôn bàng bạc ẩn chứa trong truyện Bình Nguyên Lộc. Với BNL dù yêu nước ở trình độ nào cũng thật đáng quí; quí nhất ở chỗ giềng mối văn hóa dân tộc và ý thức độc lập tự do vẫn được bảo lưu, giữ gìn. Điều đáng nói là chất lượng các sáng tác phẩm tuy có thể khác nhau, điều đó còn tùy vào trình độ thẩm định văn chương, quan điểm, thị hiếu…của từng người, truyện của ông nhìn chung đều có một điều gì đó đáng để người ta phải xem. Ông đã trãi tình yêu quê hương, đất nước thiết tha của mình vào từng con chữ, trang viết. Điều đó đã làm những người đọc văn ông, từ giới bình dân cho đến  những bậc chuyên môn đều nghe lòng rung động, khắc khoải.

Bình Nguyên Lộc chuyên viết về miền Đông, còn miền Tây là sở trường của Sơn Nam, có thể nói cho đến nay chưa ai viết hơn họ về hai mảng đề tài này.

Với Hương Rừng Cà Mau, Sơn Nam đã chính thức khắc ghi tên tuổi của mình vào nền văn học nước nhà. Tổng cộng, Sơn Nam đã hòan thành được bốn tập hồi kí, hơn 30 chục đầu sách văn học và khảo cứu, số lượng truyện ngắn, tuy chưa vượt qua kỷ lục xác lập bởi Bình Nguyên Lộc, nhưng cũng được khỏang 300 (hiện nay Nhà Xuất Bản chỉ tập hợp và in mới khoảng 100), đủ chứng tỏ ông là cây bút có năng lực sáng tác dồi dào làm mọi người phải ngạc nhiên.

Một số truyện ngắn của ông đã được biên tập để dựng thành phim và rất thành công như Cây Huê Xà, Mùa len trâu, Một cuộc bể dâu…Có truyện cũng đã được đưa vào chương trình giáo khoa phổ thông như Bắt sấu rừng U Minh Hạ. Riêng “Tình nghĩa giáo khoa thư”, trước 1975 đã góp mặt trong tuyển tập “Những truyện ngắn hay nhất quê hương chúng ta”.

Sơn Nam sinh ra và lớn lên ở miền cực Nam của Tổ quốc. Đời ông nội, rồi đời cha của ông lo khẩn hoang mở đất. Điều đó ảnh hưởng nhiều đến lối víêt của Sơn Nam, cắt nghĩa vì sao ông chuyên viết về khẩn hoang mở đất và đề tài này trở thành sở trường của ông.

Hình ảnh và số phận của những ông già, bà cả của thời xưa đã lắng sâu trong kí ức của nhà văn, để lại trong ông bao kỉ niệm ngọt ngào và buồn tủi. Viết về họ, ông đã tái hiện và lưu giữ trong bảo tàng kí ức của dân tộc bức chân dung của một thời kì đã vĩnh viễn mất đi. Những thế hệ đời sau, nhờ ông, mà có thể ngược bước thời gian, sống lại trong lòng những tình cảm với bao lớp người thời cũ, với lòng biết ơn sâu sắc, với niềm xót thương và bao mối cảm hoài .

Có thể nói, phần lớn sáng tác của các nhà văn miền Nam đều gắn liền với đời sống nông thôn Nam Bộ. Nhưng, đọc tác phẩm của họ mà chúng ta có thể cảm nhận được bối cảnh nông thôn trên vùng đất bao la một cách khái quát sâu rộng đủ mọi sắc thái, diện mạo, thì có lẽ không ai khắc hoạ được rõ nét cho bằng ba nhà vừa kể. Đọc họ, người ta như sống trong một bầu không khí dân dã, quê mùa nhưng bao giờ cũng thiết tha tình cảm, thứ tình rất đậm đà sâu lắng giữa người với người, giữa người với thiên nhiên, một thiên nhiên hoang sơ, xa vắng.

Họ có những phong cách và kỹ thuật sáng tác riêng, nhưng hợp lại, thì như các khí cụ trong một giàn nhạc giao hưởng, không chỏi nhau, mà ngược lại hoà điệu để tạo nên bản trường ca oai hùng và bi tráng của cuộc trường chinh Nam Tiến thưở xưa.

Có người nhận xét nhiều tác phẩm của họ vẫn viết theo lối cũ, cốt truyện của họ cơ bản là cũ, vẫn có nhiều lúc thiếu “công phu tu sức thẩm mỹ”. Ngoài ra, các nhà văn Nam bộ có những điểm chung trong sáng tác, đó là lối văn gần như văn nói, văn kể chuyện hơn là văn viết. Lối hành văn, cũng ngư ngôn từ thường giản dị, ít trau chuốt, thiếu sự bóng bẩy, bay bướm như nhà văn các vùng khác. Họ lại cũng hay dùng những từ ngữ điạ phương, nhiều khi xa lạ và khó hiểu đối với độc giả ở miền ngoài. Vậy mà, tác phẩm của họ vẫn được đón nhận rất nồng nhiệt và có sức sống với thời gian lâu đến không ngờ.

Giáo sư Nguyễn Văn Trung đặt câu hỏi về vấn đề này như sau: “ Viết văn nôm na, quê mùa, xuôi tuột là vì trình độ khả năng hay do một lựa chọn có ý thức? Nói cách khác, vấn đề là “không thể” hay chỉ là “không muốn” mặc dầu “có thể”.”
( Lục Châu Học, chương 8)

Đọc tác phẩm của những học giả lỗi lạc uyên bác như Hồ Hữu Tường, Vương Hồng Sển, của người dày công nghiên cứu về ngôn ngữ như Bình Nguyên Lộc, chúng ta vẫn bắt gặp một phong cách  diễn đạt ấy.

Phải nói rằng đó là một đặc điểm của họ. Giản dị nhưng không vụng về. Hoặc có thể nói khác đi, đó là sự giản dị, vụng về không xuất phát từ sự kém khả năng mà từ sự dụng công rất khó nhọc để có thể tạo ra tính chất gỉan dị mà vẫn hấp dẫn và gây ra nhiều xúc cảm thẩm mĩ cho ngừoi đọc.

“Nghệ thuật phải hồn nhiên,_đồng thời cũng phải trau chuốt về kỹ thuật. Hồn nhiên và trau chuốt là hai điểm không mâu thuẫn nhau; trái lại, dung hoà nhau để tạo nên cái Đẹp”
(Sơn Nam-trả lời phỏng vấn Bách Khoa LXXI, tr.71)

Yêu cầu phản ánh hiện thực ngôn ngữ, gìn giữ được bản sắc đời thường mà vẫn tạo nên giá trị thẩm mĩ nghệ thuật cho tác phẩm là một nhiệm vụ bắt buộc và rất khó khăn mà mỗi nhà văn phải giải quyết. Vụng về một chút, văn chương có nguy cơ trở thành dung tục tầm thường; hơi quá đà, lại dễ bị biến chất và tân thời quá.

- “Ai ơi lẳng lặng mà nghe”…

Câu ấy không phải là tiếng của cụ Đồ Chiểu kêu gọi những độc giả của ông nhưng chính là tiếng của người nói thơ Vân Tiên nói với cử toạ nằm võng lim dim ở chung quanh. Điểm ấy rất quan trọng. Những người khắt khe cho rằng thơ Lục Vân Tiên, truyện Tàu (do các người Việt miền Nam dịch lại) ngô nghê, thô kệch. Biết đâu những đoạn, những chữ ngô nghê ấy là những công thức cần thiết…để người nghe có thể lãnh hội. )
(Sơn Nam trả lời phỏng vấn, Bách Khoa số LXXI, tr.72)

Đưa vào tác phẩm ngôn từ, cách nói năng một mạc của ngừơi dân thôn quê miền Nam một cách khá trung thực, chân xác, lại nâng chúng lên thành tầm cao của nghệ thuật văn chương, những yếu tố này đã góp phần rất lớn để tạo nên sự thành công trong sáng tác của Bình Nguyên LoẢc, Sơn Nam…Thử so sánh với một nhà văn có tên tuổi hiện nay, Nguyễn Ngọc Tư, ta thấy cái vốn liếng quí giá đó đã nhạt phai, nhiều khi mất hẳn đi. Thời thế đã đổi thay, ngôn từ ắt nhiên không thể còn mãi y như cũ, thế nhưng đọc truyện về miền Nam mà không thưởng thức được cái kho ngôn từ độc đáo và rất dễ yêu của họ, thì xem như đã mất đi hết nửa phần thú vị. Như thưởng thức một món ăn ngon, mà thiếu hẳn đi phần gia vị, thức chắm đi kèm với nó vậy. Có thế, ta mới càng cảm nhận ra hết công lao và sự đóng góp tuyệt vời của những nhà văn như Hồ Biểu Chánh, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam…trong việc lưu giữ phần di sản văn hoá phi vật thể quí giá của một vùng miền cho hậu thế, cái vốn tài sản đang thất thoát dần đi trong từng ngày và có thể sẽ không còn chi nữa, trong tương lai.

( Bình Dương, 06-05-08)