CHIÊU THÁI SƠN

HOÀNG ANH (BD)
(17-01-13)
 


Phần 1. Chiêu Thái sơn

Núi Châu Thới nằm về phía hữu ngạn của sông Đồng Nai, trên vùng đất thuộc xã Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương (trước 1975 thuộc quận Dĩ An, tỉnh Biên Hòa). Núi cao khoảng 80 mét so với mặt nước biển, muốn lên tới đỉnh, người ta phải bước lên đến 220 bậc tam cấp, được xây dựng năm 1971. Đứng trên đỉnh núi, có thể nhìn thấy một vùng cảnh vật bao la trải dài phía dưới, gồm cả hai tỉnh Biên Hòa, Bình Dương, và xa mờ ở đường chân trời, là vùng đất Sài Gòn Gia Định. Xưa, đó là một tấm thảm lụa xanh mướt của những cánh đồng khoai lúa, gợi cảm giác thanh bình, êm ả, tâm hồn của con người như phiêu diêu, thanh thoát theo những ngọn gió thổi lồng lộng trên đỉnh non cao, trong giây phút, tạm quên cảnh phù trần lắm điều phiền muộn.
Núi này ngày xưa có ba tên gọi, nay ít người còn biết: Chiêu Thái, Cố Phi San, Mông bơ lăng si.
-Chiêu Thái Sơn: được ghi chép chính thức vào quốc sử quán triều Nguyễn năm 1850, dưới triều vua Tự Đức.
- Mông bơ lăng si: đây là gọi theo tên của một người Pháp, ông Mont Blanchy, đã mua núi này vào ngày 17-10-1873, từ ông thanh tra Palasme de Champeaux, kẻ đã khai khẩn ngọn núi. Đến năm 1886, ông Mont Blanchy bán lại cho công ty “Nông, Kỹ Nam Kỳ” (Socie1te agricole et industrielle de la Cochinchine). Tên gọi ngọn núi là Mont Blanchy vẫn được thông dụng trong giới có học một thời gian sau đó.
-Cố Phi San: Cách gọi lắp ráp của người Tàu, có nghĩa là Núi Cà Phê. Cố Phi là coofee (hay café theo tiếng Pháp), còn San là cách phát âm khác của Sơn, tiếng Hán Việt nghĩa là núi. Nguồn gốc của tên gọi này như sau: Ông hội trưởng của “Hội Nông Kỹ Nam Kỳ”, sau đổi lại là “Công ty Nông Kỹ Miên, Nam và Trung Việt”, chú trọng vấn đề khuếch trương việc trồng trọt trên núi. Ông cho nhập cảng hạt giống cà phê từ xứ Ba Tây (Brazil) về để trồng thử nghiệm. Ngày gieo hạt, ông làm lễ long trọng và mời nhiều vị hội viên có tiếng tăm người Pháp, Hoa, Việt đến chứng kiến. Mở bao hạt giống đem gieo, mới phát hiện rằng hạt cà phê đã được rang chín hết. Tiệc đãi khách tan, mọi người hể hả ra về, riêng ông chủ thì ắt hẳn vừa tức vừa quê. Từ đó, mỗi khi đi ngang qua ngọn núi, người Tàu thường  gọi một cách diễu nhại là Cố Phi San, Núi Cà Phê, dù chẳng có cây cà phê nào mọc trên núi đó cả.
Khi cái hội vừa kể giải tán, vào tháng 11 năm 1928, họ nhượng một phần sở hữu lại cho ông Bùi Văn Lố, một hào phú vùng Dĩ An để khai thác đá. Thân thể của núi bị xâm hại tàn phá không thương xót bắt đầu kể từ đây. Năm 1957, công ty Mỹ Johnson Drake and Piper được phép vào lấy đá để làm đường xa lộ Sài Gòn, Biên Hòa. Bụi đất mịt mù dưới chân núi, và cứ ít lâu, một tiếng nổ của mìn phá đá làm rúng động cả một khu vực rộng lớn xung quanh, từng bông lúa của cánh đồng xanh mướt trải dài xa xa dường như cũng run lên vì đau nhức. Ngọn núi đẹp đã đi vào sử sách từ thưở xưa mau chóng bị dạt hẳn một bên ở phía đông, khiến những ai có tình yêu với ngọn núi này không khỏi quặn lòng mỗi khi nhìn đến.
Chúng ta hãy dần mở lại những trang sách úa vàng của thời xa xưa để biết tiền nhân đã ghi nhận ngọn núi này ra sao:
-“Núi Chiêu Thái, ở cách trấn lỵ về phía Nam 11 dặm rưỡi, tầng núi cao xanh, cây xưa um tốt, làm bức bình che buổi sáng cho trấn thành, ngất cao lên xuống, ngoắt ngéo đi về phía đông, đến miền hạ lưu sông Phước Giang, tới Gò Công thì dừng lại. Quãng giữa về mặt bắc, tại thôn Long Thành, nổi lên một cái gò cao dốc như vách, sườn sau lưng có nơi tĩnh tu của Vãi Lượng, dựng am Vân Tĩnh, rất là thanh u (tục gọi là chùa Vãi Lượng). Giặc Tây Sơn phá Phật bỏ chùa, nền cũ nay hãy còn. Cuối núi có một chi, chạy về phía bắc, dừng ở vào địa phương thôn Long Tuy, nổi lên cái gò cao, bằng phẳng rộng rãi, mé bên có hang, giáp với khe ngòi, dân núi ở bao quanh đó, trên có chùa Hội Sơn, là nơi nhà sư Khánh Long ở tu tại đó, cúi trông sông lớn, thấy hành khách leo lên, có vẻ tiêu sái thoát trần”
(Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, dịch giả Đỗ Mộng Khương, Nguyễn Ngọc Tính, nxb. Giáo Dục, 1998, tr.20)”
-“Núi Chiêu Thái: tục gọi núi Châu Thới, ở phía nam huyện Phước Chính 21 dặm: từng núi cao tít làm bình phong phía nam tỉnh thành, đồi núi khỉ phục loanh quanh chạy đến Khổng Tước quan mới hết. Khoảng giữa núi Chiêu Thái về hướng bắc thuộc thôn Long Sơn huyện Long Thành ở trên gò bằng có vở cao đứng thẳng như vách, trên có am Vân Tĩnh là nơi ni cô Lượng tĩnh tu, di chỉ nay vẫn còn. Đuôi núi này đi sang phía Bắc chẻ ra một chi chạy đến địa phận phường Long Tuy mới dừng lại, đột khởi một gò cao bằng thẳng rộng rãi, ở bên có hang hố và khe nước chảy quanh theo, nhà cửa nhân dân ở quanh theo đó. Trên có chùa Hội Sơn là chỗ thiền sư Khánh Long trác tích tu hành. Năm Bính Thân đạo Hòa Nghĩa là Lý Tài chiếm cứ núi Chiêu Thái tức là chỗ này. Năm Tự Đức thứ 3 (1850) đem núi này liệt vào tự điển.”
(Đại Nam Nhất Thống Chí, dịch giả Nguyễn Tạo, Nha Văn Hóa, 1973, tr. 12)
Ngày xưa, xét về mặt phong thủy, thì núi Long Ẩn, cũng nằm về phía nam huyện Phước Chính, nhưng gần hơn, chỉ cách 15 dặm, được xem là đầu rồng, còn núi Chiêu Thái là đuôi rồng, những gò đồi nhấp nhô giữa hai ngọn núi này là thân rồng uốn lượn. Núi, với người xưa là nơi tụ hội linh khí của đất trời, vậy mà nay, con người lại tấn công vào núi một cách thô bạo, tàn khốc, cổ nhân, nhìn cảnh ấy chắc chỉ còn biết rơi lệ thở dài mà thôi.
Đó là chưa nói đến trên đỉnh núi còn có một ngôi cổ tự, là “Châu Thới Sơn Tự”, dân gian thường gọi là “chùa núi Châu Thới”, được cho là ngôi chùa xưa nhất của Bình Dương; từ năm 1989, chính quyền đã công nhận là di tích lịch sử văn hóa, thắng cảnh cấp quốc gia. Mặc dù khá nổi tiếng và đã có nhiều bài viết về ngôi chùa này, có vài điều vẫn cần xem xét lại, về thời gian cũng như ai là người đã thành lập chùa Châu Thới.
Phân tích và so sánh hai đoạn văn vừa trích dẩn, chúng ta có thể nhận định như sau:
-Khoảng cách từ núi đến trấn thành giữa hai văn bản có sự sai lệch đáng kể: 11 dặm rưỡi và 21 dặm.
-Núi Chiêu Thái theo mô tả không phải chỉ là ngọn núi trơ trọi mà là một dãy núi cao thấp chập chùng và chạy rất dài, ẩn hiện tùy nơi, đuôi kéo dài đến tận Gò Công, tên thường dùng của Khổng Tước quan.
-Hai đoạn văn này không đề cập chi tới ngôi chùa trên ngọn Chiêu Thái, có lẻ như lúc này không có am tự nào được xây dựng trên đó chăng? Và chúng cũng không cho thấy sư Khánh Long có mối liên hệ nào với núi Chiêu Thái cả. Ngược lại, hai bản văn đều nhắc đến hai ngôi chùa nằm cách núi Chiêu Thái khá xa, trong đó chỉ có một ngôi là có liên hệ đến sư:
-Ngôi thứ nhất ở thôn Long Thành, vị trí xa về phía bắc của ngọn núi, có am Vân Tĩnh nơi một ni cô tu hành. Ngôi chùa này đã bị nhà Tây Sơn phá hủy sau đó. Nay không xác định được vị trí chính xác là đâu, và nền cũ có dựng lại ngôi chùa nào khác không.  
-Ngôi thứ hai, theo mô tả là “cuối núi có một chi, chạy về phía bắc, dừng ở vào địa phương thôn Long Tuy”. Tại đây có một cái gò, trên đó có một ngôi chùa tên là Hội Sơn, sư Khánh Long đã tu tại đây. Chùa còn có tên là chùa Khánh Long, là gọi theo tên của vị sư ngày xưa đó.
Thế nhưng cũng trong sách Đại Nam Nhất Thống Chí, mục Tự Quán, lại đề cập đến 2 ngôi chùa Hội Sơn và Khánh Long theo cách khác:
-Chùa Hội Sơn: “ở phường Long Tuy huyện Long Thành là nơi thiền sư Khánh Long hóa thân.”
-Chùa Khánh Long: “ở tại gò Quít, huyện Phước Chính. Nguyên xưa do Khánh Long hòa thượng làm ra, nên gọi tên ấy.”
(Đại Nam Nhất Thống Chí, dịch giả Nguyễn Tạo, Nha Văn Hóa, 1973, tr.46-47)
Ngày nay, ngôi chùa Hội Sơn hiện tọa lạc tại số 1A1, ấp Cầu Ông Táng, hương lộ 33, phường Long Bình, quận 9, tp. Hồ Chí Minh. Chùa này, cũng còn gọi là chùa Khánh Long, vậy Hội Sơn với Khánh Long chỉ là một ngôi chùa duy nhất, tại một địa điểm, chỉ khác tên gọi. Vào tối ngày 17-07-2012, chùa bị hỏa hoạn thiêu rụi phần chánh điện, rất nhiều cổ vật quý báu đã bị tiêu hủy trong đêm đó. Chùa Hội Sơn đã được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia từ năm 1993.
Xét lại các đoạn cổ văn trên, ta thấy có đôi điều chưa được rõ ràng, nhất quán:
-Sư Khánh Long đã viên tịch tại chùa Hội Sơn nằm ở phường Long Tuy, huyện Long Thành. Nơi này, bản văn khác ghi là có am Vân Tĩnh, một ni sư đã tu ở đó, và không nói đến chùa Hội Sơn.
-Sư Khánh Long cũng đã lập ra một ngôi chùa khác, có tên là chùa Khánh Long, ở Gò Quít, huyện Phước Chính, nay ngôi chùa này vẫn còn, và có tên chính thức là chùa Hội Sơn, bảo tháp của sư vẫn còn nơi đây.
Chính do sự mơ hồ và nhập nhằng này chăng mà ngày nay, một số nhà nghiên cứu về chùa Châu Thới đã có nhiều ghi chép rối rắm làm người đọc khá hoang mang:
 “Theo lịch sử Phật giáo Đàng Trong của Nguyễn Hiền Đức xuất bản 1995 thì chùa Hội Sơn trên núi Châu Thới, thuộc địa phận thôn Long Tuy, huyện Long Khánh, trấn Biên Hòa (nay thuộc xã Long Bình-huyện Thủ Đức-thành phố Hồ Chí Minh) và cũng theo tài liệu này thì chùa Hội Sơn do Thiền sư Khánh Long-Đạo Thành xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 18, sư Khánh Long viên tịch đồ chúng lập Tháp thờ trong khuôn viên phía trái chùa.”
(Thích Huệ Thông, Sơ thảo Phật giáo Bình Dương, nxb. Mũi Cà Mau, 2000, tr.24)
Ba địa danh ở cách xa nhau đã được tác giả nhập làm một nơi duy nhất, và do đó, các ngôi chùa cũng bị trộn lẫn vào nhau.
Nhiều tác giả khác, cũng theo chiều hướng như trên, nên các bài viết về chùa núi Châu Thới đều cho rằng sư Khánh Long là người đã xây chùa, và lúc đầu đặt tên cho nó là Hội Sơn.
Do không còn văn bản cổ để xác định rõ việc này, tại chùa núi Châu Thới cũng không có Long vị và tháp của các vị sư thời khai sơn để suy đoán, mà chỉ còn hình các vị tổ bằng gỗ do đời sau chạm trổ. Do đó ai là vị sáng lập nên ngôi chùa và sự tích buổi đầu ra sao là điều đến nay chưa thể có câu trả lời. Vị sư tu tại chùa xưa nhất mà nay còn biết là sư Thành Nhạc-Ẩn Sơn, không rõ quê quán, năm sinh không biết, thời gian mất là ngày 17 tháng 12 năm 1776.
Về thời gian xây dựng, trên tấm biển đề tại cổng chùa Châu Thới có câu: “Tân Dậu niên Chánh Ngoạt Sơ Kiết Nhựt”, nghĩa là “Ngày tốt đầu tháng giêng năm Tân Dậu”, ở dưới ghi 1612. Theo tra cứu và suy luận của tác giả Huệ Thông, năm Tân Dậu là năm 1681 chứ không phải vào năm 1612, vì năm 1612 là năm Nhâm Tý, vì vậy ông cho rằng chùa được xây vào năm 1681 thì hợp lý hơn.

Phần 2: Lý Tài, hào kiệt Chiêu Thái sơn


 
Ngoài những điều mà nhiều người đã biết, liên quan đến núi Châu Thới, còn có một vài chi tiết trong lịch sử nhưng dường như các nhà nghiên cứu về ngôi chùa trước đây ít chú ý đến:
-“Giặc Tây Sơn phá Phật bỏ chùa, nền cũ nay hãy còn”
(Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, dịch giả Đỗ Mộng Khương, Nguyễn Ngọc Tính, nxb. Giáo Dục, 1998, tr.20)
- “Năm Bính Thân đạo Hòa Nghĩa là Lý Tài chiếm cứ núi Chiêu Thái tức là chỗ này”
(Đại Nam Nhất Thống Chí, dịch giả Nguyễn Tạo, Nha Văn Hóa, 1973, tr. 12)
Đọc qua hai đoạn văn trên, có thể hình dung vùng này thời xưa đã từng là nơi chiến địa. Để biết rõ thêm, xin được giới thiệu viên tướng có tên là Lý Tài và những sự việc liên quan đến vùng núi Chiêu Thái. Ngoài sử liệu trong nước, để biết được thân thế và cuộc đời của hai viên tướng Lý Tài và Tập Đình (Lý-a-Tập), có người còn phải dựa vào tài liệu của giáo sư Trần Kinh Hòa, trường đại học Hồng Kông.
Về lai lịch của 2 tướng, có sách viết:
“Bọn Hoa thương vô lại là Tập Đình, Lý Tài (đều không rõ họ) đem đồ đảng theo Nguyễn văn Nhạc. Tập Đình xưng là Trung Nghĩa quân, quân Lý Tài xưng là Hòa Nghiã quân, lại lấy những người dân cao lớn, cho cạo tóc, gióc bím, giả làm người Tàu, khi đánh thì uống rượu say, cởi trần, cổ đeo giấy vàng bạc để tỏ ra là sẽ chết, liều mạng xông trận, quân chúa Nguyễn không ai dám đối địch”
(Phan Khoang, Việt sử: xứ Đàng Trong, nxb. Khai trí, 1969, tr.259)
Lý Tài và Tập Đình là hai người Hoa gốc Phúc Kiến, không rõ quê quán và tuổi tác của họ, chỉ biết họ sống ở miền Trung đất Việt vào khoảng giữa của thế kỷ thứ 18. Trích đoạn trên mô tả họ là bọn con buôn, cái nhìn đầy vẻ khinh miệt. Cũng có tài liệu nói họ còn là bọn hải tặc trước khi đến Việt Nam, nhưng hành trạng của họ về sau cho thấy họ là những dũng tướng, có tài thao lược, vậy cũng rất có thể bọn họ là những quan quân bất mãn triều đình Mãn Thanh bỏ nước ra đi như trường hợp của hai tướng Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch trước đây.
Năm 1773, Nguyễn Nhạc đang trong giai đoạn gầy dựng cơ nghiệp, sau khi khởi binh và đánh chiếm được Qui Nhơn thì chính thức cho may cờ hiệu Tây Sơn, chiêu binh mãi mã. Lúc này, Lý Tài và Tập Đình đang ở Quy Nhơn đã kéo nhau đến xin gia nhập vào đội quân của Nhạc:
“Hữu phủ Kính Quốc công, đem quân bản bộ cùng với bọn hàng tướng là Lý tướng quân đạo Hòa Nghĩa (Lý người tỉnh Phúc Kiến, lưu ngụ ở phố huyện Phù Ly phủ Quy Nhơn), gặp lúc giặc Nhạc làm loạn, mới chiêu tập người Trung Quốc làm quân gọi là đạo Hòa Nghĩa để đi theo. Giặc Nhạc nhờ tính hung hãn liều chết của hắn, dùng làm vây cánh, thưởng cấp rất hậu”
(Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, dịch giả Đỗ Mộng Khương, Nguyễn Ngọc Tính, nxb. Giáo Dục, 1998, tr.127)
Tác giả là một sử quan triều Nguyễn, thì điều ắt nhiên là phải viết sao cho đẹp lòng triều đình, nơi ban bổng lộc cho ông ta, thế nên những ai không theo phe họ, thì gọi là giặc hết, bất kể sự thật ra sao. Đối với ngành sử học nước Việt thì đó không phải là chuyện lạ.
Cả hai “giặc” này xông pha trận mạc, lập được công to. Nhờ họ, lực lượng quân Tây Sơn thêm hùng mạnh. “Giặc Nhạc” phong họ làm tướng, thưởng nhiều bổng lộc. Trong hai vị này, thì Tập Đình có vẻ hữu dõng hơn Lý Tài:
“Tháng 4, Đông cung và Diện, Tường theo đường núi vào nam, nhân dân có nhiều người đi theo. Tập Đình, Lý Tài đuổi theo đến Ô Gia, đánh bọn Diện, Tường, bắt Đông cung đem về Hội An. Tập Đình nhiều lần mưu giết Đông cung, Lý Tài khuyên can mãi mới thôi”
(Phan Khoang, Việt sử: xứ Đàng Trong, nxb. Khai trí, 1969, tr.279)
Ngay từ lúc này, Lý Tài có thể đã nhìn thấy nhân vật Đông Cung có vai trò chiến lược nào đó trong ý đồ dựng nghiêp của mình.
Về sau, do Tập Đình ngày càng lộ vẻ ngang ngược và hung bạo quá, Nguyễn Nhạc sợ sinh biến. Tháng 4 năm Ất Mùi (1775) nhân khi họ thất trận trước quân Chúa Trịnh ở Cẩm Sa thuộc Quảng Nam, Nhạc định lấy cớ đó giết Tập Đình để trừ hậu hoạn. Tập Đình biết được vội bỏ trốn trở lại Quảng Đông nhưng rồi về sau cũng bị Tổng Đốc Quảng Đông giết chết. Sự việc này khiến Lý Tài thầm lo sợ cho số phận của chính mình, và từ đó đã khởi lên ý định bỏ đi.
Cuối năm ấy, khi được giao trấn thủ Phú Yên, Lý Tài liền đem theo hết binh mã dưới quyền đi đầu phục tướng nhà Nguyễn là Tống phước Hợp. Có tài liệu khác, cho rằng Lý Tài bỏ ra đi là vì bất mãn khi mất chức chánh tướng vào tay Nguyễn Huệ. Mùa hạ năm 1776, Tống phước Hợp vào Nam, đưa Lý ra mắt Chúa. Lúc này, Đỗ thành Nhân, người gốc Hương Trà, phủ Thừa Thiên, là thủ lĩnh quân Đông Sơn vùng Ba Giồng, đang là một công thần dưới trướng Chúa. Hai con cọp thường khó mà có thể sống chung một khu rừng, nên mới vừa gặp nhau, Đỗ đã gầm gừ:
 “Khi Lý Tài mới vào, Chúa muốn dùng, nhưng Đỗ Thành Nhân nói Lý Tài là đồ heo chó, dùng có ích gì”
(Phan Khoang, Việt sử: xứ Đàng Trong, nxb. Khai trí, 1969, tr.289)
Giữa Đỗ Thành Nhân và Lý Tài do vậy ngay từ lúc đầu đã bất hòa với nhau. Vào tháng 6 năm 1776, viên tướng nhà Nguyễn là Tống Phước Hợp chết, Lý Tài mất nơi nương tựa, lo nỗi an nguy, bèn kéo binh mã đến đóng quân ở vùng núi Chiêu Thái, thuộc dinh Trấn Biên. Chiêu Thái là ngọn núi cao nổi lên giữa vùng rừng rậm còn hoang vu, rất lý tưởng để thiếp lập doanh trại. Lại là nơi đắc địa “tiến khả dĩ công, thóai khả dĩ thủ”, bởi từ đây, rất thuận lợi để tiến về Sài Côn hay Trấn Biên vì cách hai nơi đó không xa, khi thất bại, thì có thể nhanh chóng lui về cứ địa. Chiêu Thái đúng là một vị trí quân sự quan trọng, và cũng chính vì thế, từ đây, vùng này đã trở thành chiến trường diễn ra nhiều trận thư hùng đẫm máu giữa quân của Hòa Nghĩa đoàn và quân của Đông Sơn, Tây Sơn, chúa Nguyễn trong suốt một thời gian dài:
“Khi Tống Phước Hợp còn sống thì hai người không dám xung đột nhau, nhưng Phước Hợp mất rồi, Lý Tài e sợ, đem binh sĩ của mình đến đóng ở núi Chiêu Thái (thuộc tỉnh Biên Hòa ngày nay), Thành Nhân đem binh đến đánh, không được, phải đắp lũy ở sông Nghi tức sông Thị Nghè để giữ)
(Phan Khoang, Việt sử: xứ Đàng Trong, nxb. Khai trí, 1969, tr.289)
Có tài liệu nói thêm rằng quân Đông Sơn đấp lũy ở sông Ngưu Chữ (Bến Nghé) đến Bến Than, Thị Nghè để ngăn giặc. Trận đánh này, được mô tả chi tiết hơn như sau:
 “Tân Bản Kiều (cầu ván mới): ở thượng lưu suối Lồ, thuộc huyện Bình An, tục gọi cầu Quan. Năm Bính Thân binh Đông Sơn của Đỗ Thành Nhân cùng binh Nghĩa Hòa của Lý Tài giao chiến. Lý Tài trá bại, phục binh dưới cầu Tân Bản triệt được binh Đông Sơn rất đông, tức là chổ cầu này”
(Đại Nam Nhất Thống Chí, dịch giả Nguyễn Tạo, Nha Văn Hóa, 1973, tr. 38)
Đối chiếu với những sự kiện khác, có thể suy đoán trận đánh đã diễn ra vào mùa thu năm Bính Thân, theo Tây lịch là 1776.
Chiếc cầu này còn gọi là cầu Quan, nằm trên một con suối, xưa gọi Lộ Khê, nay tên thông dụng là suối Lồ Ồ. Suối có tên như trên vì thưở xưa, dọc hai bên bờ có rất nhiều cây tre gọi là tre lồ ô (sa trúc). Suối bắt nguồn từ hướng tây, ranh xã Bình An, cách núi Chiêu Thái không xa. Khi quân Đông Sơn kéo đến, Lý Tài giả thua, rời bỏ núi rút quân chạy về mai phục dưới Tân Bản kiều. Quân của Đỗ Thành Nhân đắc thắng đuổi theo, sa vào ổ phục kích, bị thiệt hại rất nặng phải lui binh. Sau trận đánh này, quân Đông Sơn tạm thời lui về thế thủ chờ cơ hội phục thù, vì diễn biến sau đó cho thấy vào thời diểm này, lực lượng Hòa Nghĩa hùng mạnh hơn quân Đông Sơn.
Sử sách cũng ghi rằng tại vùng chợ Đồn (xưa gọi chợ Lò hay chợ Bình Long) cũng từng là địa điểm giao chiến giữa hai bên.
Tháng 10 năm Bính Thân (1776), để tạo chánh nghĩa và làm nơi nương tựa cho mình, Lý Tài từ Chiêu Thái sơn kéo quân về Sài Côn yết kiến Đông cung Nguyễn phúc Dương:
“Thấy Lý Tài đem binh đến, binh của Đỗ Thanh Nhân cũng tan chạy, Duệ Tông cũng phải đi tránh, Lý Tài chia binh làm bốn đạo, thúc trống tiến tới. Đông cung sai kéo cờ lên, trên cờ đề: “Đông cung phụng mạng chiêu an”. Trông thấy cờ, binh Lý Tài bèn bỏ khí giới, lạy và hoan hô, tiếng nghe như sấm, rồi rước Đông cung về Do-miệt bản doanh của Lý Tài”
(Phan Khoang, Việt sử: xứ Đàng Trong, nxb. Khai trí, 1969, tr.259)
Có thể suy ra Do-miệt chính là cách phiên âm khác của Dầu Miệt. Ở mục Thị Điếm, phần nói về chợ Phú Cường, ghi:
“ở thôn Phú Cường huyện Bình An, tục danh chợ Dầu Miệt hay Dầu Một)
(Đại Nam Nhất Thống Chí, dịch giả Nguyễn Tạo, Nha Văn Hóa, 1973, tr. 35)
Vào tháng 11 năm Bính Thân, có thuyết cho rằng do sự sắp xếp của Lý Tài, mà Duệ Tông Nguyễn Phúc Thuần phải nhường ngôi lại cho Đông cung, lập thành Tân Chính Vương, còn ông làm Thái thượng Vương. Lý Tài giữ chức Bảo giá đại tướng quân.
Bên chúa Nguyễn từ đó lại chia thành hai nhóm, Tân Chính Vương dựa vào băng Hòa Nghĩa của Lý Tài, còn Thái Thượng Vương Nguyễn phước Thuần và Nguyễn Ánh thì dựa vào quân Đông Sơn của Đỗ Thành Nhân. Lực lượng của Tây Sơn lúc này mỗi ngày mỗi mạnh, cứ thường xuyên kéo quân vào Nam đánh phá khắp nơi. Nhiều trận đánh giằng co ác liệt đã diễn ra trên đất Trấn Biên và Phiên Trấn. Nhà Nguyễn đang hồi suy yếu, đã vậy không chịu hợp sức lại để đương cự với kẻ thù mà còn chia rẻ kình chống nhau nên phải chịu nhiều thảm kịch, suýt nữa đã diệt vong.
Chuyện liên quan đến vùng đất Thủ Dầu Một thưở xưa còn tiếp diễn. Nguyễn Ánh lúc này đã 16 tuổi, bắt đầu đóng vai trò quan trọng trong cơ nghiệp nhà Nguyễn:
“Nguyễn Ánh biết Lý Tài kiêu hoạnh, khó kiềm chế được, nên bàn với Thái thượng vương nên đến Tam Phụ chiêu vũ miền Đông Sơn để mưu đồ việc khôi phục. Lý Tài nghe tin ấy, đem quân bức, đưa Thái thượng vương đến Do-miệt. Tân Chính vương không thể ngăn được, phải sai Trương phước Dĩnh theo hộ giá. Ngày hôm sau lại rước Thái thượng vương trở về Sài Côn.”
(Phan Khoang, Việt sử: xứ Đàng Trong, nxb. Khai trí, 1969, tr.292)
Như vậy, các vị Chúa cuối cùng của triều Nguyễn là Thái thượng Vương, Tân Chính Vương…cũng đã từng lưu dấu chân của họ xuôi ngược trên vùng đất Thủ này. Nơi mà Duệ Tông tạm cư ngụ, có thể chính là ngọn núi Chiêu Thái.
Tháng 3 năm Đinh Dậu (1777), lần đầu tiên Nguyễn Huệ xuất hiện trên chiến trường Gia Định, thế lực rất mạnh, Lý Tài khi ấy trấn thủ đất Sài Côn, giao chiến với thủy binh Tây Sơn, đánh mấy trận đều bại. Diễn biến chiến cuộc sau đó lại là điều không may cho đạo quân Hòa Nghĩa:
“Mấy ngày sau, quân Tây Sơn đến, Vương sai Lý Tài đem Hòa Nghĩa quân ra Hóc Môn cự chiến, chém được Tuần sát của địch là Tuyên, quân địch hơi lui. Nhưng rồi một sự lầm lẫn đã gây ra hậu quả lớn: Trương phước Thận từ Cần-vọt đem quân lên tiếp viện, Lý Tài trông xa xa thấy cờ xí, tưởng là quân Đông Sơn đến tập kích mình, bèn rút quân về, địch thừa dịp đuổi theo, quân Lý Tài chạy rối loạn, đến Tam Phụ, bị quân Đông Sơn giết hết.”
(Phan Khoang, Việt sử: xứ Đàng Trong, nxb. Khai trí, 1969, tr.294)
Trong quyển sử của Phan Khoang, tên Lý Tài từ đây không thấy nhắc đến nữa. Có nhiều tài liệu còn khẳng định, ông đã bị giết chết trong đám hỗn quân ở trận đánh này. Thế nhưng, cũng có tài liệu viết khác:
Năm 1777, khi Thái thượng Vương và Tân chánh Vương chạy về miền Tây lánh nạn nhưng vẫn bị quân Tây Sơn truy đuổi lần lượt bắt được và giết hết, kể cả người anh ruột của Nguyễn phước Ánh là Nguyễn phước Đồng và nhiều vị quan theo phò tá cũng đều bị thảm sát. Lúc này, Nguyễn Ánh 17 tuổi, được chư tướng tôn làm Nguyên soái kiêm Nhiếp Quốc Chánh.
Vị Chúa mà mình dày công hãn mã phò tá đã chết, Lý Tài lại làm chàng anh hùng Tống Giang dẩn đoàn quân Hòa Nghĩa về chiếm cứ núi Chiêu Thái, xứ Du-Miệt, lập phòng tuyến tiếp tục chống cự với quân Tây Sơn. Vào khoảng tháng 2 năm 1778, Lý Tài bị tướng của Tây Sơn là Phạm Ngạn từ Qui Nhơn đến chiêu dụ trở về theo phe của họ. Đến tháng 5 năm đó, quân Nguyễn Ánh kéo đến Trấn Biên chém chết hai viên tướng Liêm và Lăng của Tây Sơn, Lý Tài lại phải ra hàng nhà Nguyễn. Lý Tài theo Nguyễn Ánh vào Gia Định, sau bị Đỗ Thành Nhân giết chết, việc này có thể xảy ra vào khoảng năm 1780. Một thời gian sau thì do chuyên quyền, ngạo mạn, tháng giêng năm Tân Sửu (1781) Đỗ cũng bị Nguyễn Ánh trảm quyết.
Nghĩ thương cho Lý Tài, không chốn dung thân, đã rời bỏ cố quốc ra đi, đến tạm dung thân nơi đất khách quê người, lại nhằm buổi loạn lạc nhiễu nhương, phải bôn ba trôi giạt để rồi kết thúc đời mình trong tình cảnh bi ai. Sách không đề cập đến chuyện vợ con, nên không biết ông có người nối dõi hay không.
Ông chết chẳng bao lâu, thì vào năm 1782, một sự kiện bi thảm nhất liên quan đến đạo quân Hòa Nghĩa xảy ra:
“Đời Thế Tổ Cao Hoàng Đế, Nhâm Dần (1782) năm thứ 5, mùa xuân, tháng 3, giặc Tây Sơn Nguyễn văn Nhạc đem quân thủy bộ vào cướp, Gia Định thất thủ, tháng 4 bộ binh của giặc tự trấn Biên Hòa do đường thượng đạo vào trấn Phiên An. Lúc ấy tiết chế quan binh là ngoại hữu chưởng dinh Dụ quận công Nguyễn Suất, Bắc hà biệt tướng là Tự Thuật hầu, Hòa Nghĩa đạo tướng quân là Chương Mỹ hầu Trần Công Chương, mưu tính việc khôi phục, gặp giặc đi tới, quân vừa đến địa phương Vườn Trầu bèn phục ở trong rừng mà đánh úp. Tự Chương giết được đại tướng giặc là ngụy hộ giá Ngạn. Đại binh giặc tiếp đến, quan quân rút lui, báo cho biết rằng Ngụy Nhạc tiếc Ngạn chết như mất hai tay, cho quân Hòa Nghĩa là người Trung Quốc, bèn đem lòng giận lây, phàm người Trung quốc không kể mới cũ, làm lính hay đi buôn, có tới hơn vạn người đều giết hết, từ Bến Nghé đến Sài Gòn, xác người nằm ngổn ngang, gối lên nhau, quăng xuống đầy sông ngòi, nước không chảy được, trải 2, 3 tháng những tôm cá ở sông ấy, người không dám ăn. Những hàng hóa như sa, lụa, chè, thuốc, hương, giấy hết thảy những vật của người Trung Quốc có ở trong nhà, cũng đều ném hết ra đường mà không dám lấy. Đến năm sau 1 cân chè xấu phải mua đến 8 quan tiền; 1 cái kim may phải mua đến 1 tiền, vật khác cũng đáng như thế. Người ta đều lấy làm khổ.”
(Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, dịch giả Đỗ Mộng Khương, Nguyễn Ngọc Tính, nxb. Giáo Dục, 1998, tr.38)
Riêng đạo Hòa Nghĩa do Lý Tài tạo dựng, đã cùng cam cộng khổ, vào sinh ra tử với ông, thì còn duy trì thêm một thời gian nữa:
“Khi ấy Điều khiển đạo Hòa Nghĩa là Trần Đĩnh không theo lệnh, Cốc Tài hầu chém chết. Đảng của Đĩnh là tổng binh Trần Hưng, Lâm Húc đánh úp giết hữu chi là Khuông Chính hầu, giữ lấy Hà Tiên làm phản. Quân của vua hợp đánh, giết Trần Hưng; Lâm Húc chạy trốn. Vừa gặp người Chà Và là Vinh Li Ma Luyền từ hải đảo đem hơn 10 chiếc thuyền đến hàng”
(Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, dịch giả Đỗ Mộng Khương, Nguyễn Ngọc Tính, nxb. Giáo Dục, 1998, tr.131)
Việc trên xảy ra vào mùa hạ năm Quí Mão (1783), khi họ đang ở cửa biển Cần Giờ dò xét địch tình. Nguyên do khởi đầu cho sự cáo chung của đạo quân Hòa Nghĩa là vì tướng tàu Trần Đĩnh không phục Tôn Thất Cốc, việc quân cơ thường không tuân lệnh, nên bị giết, rồi gây luôn thảm họa cho hai vị tướng gốc người Hoa kia. Từ khi gia nhập quân Tây Sơn cho đến hồi bị tiêu diệt, thời gian tồn tại của Hòa Nghĩa quân là trọn mười năm.  

Đến đây thì câu chuyện về những hào kiệt lục lâm “anh hùng Chiêu Thái bạc” đến hồi kết thúc, không còn thấy họ hiện diện trong sử sách.
Phải đến cả trăm năm sau nữa, thì trên ngọn Châu Thới mới lại thấp thoáng bóng người, dưới những táng cây xanh, văng vẳng tiếng kệ lời kinh, thoang thỏang hương trầm, có những hào kiệt chân đất múa roi đi qườn, mưu đồ chống lại giặc Tây để cứu lấy quê hương.
(22-01-13)

THAM KHẢO

1.Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, dịch giả Đỗ Mộng Khương, Nguyễn Ngọc Tính, nxb. Giáo Dục, 1998.
2. Phan Khoang, Việt sử: xứ Đàng Trong, nxb. Khai trí, 1969.
3. Đại Nam Nhất Thống Chí, dịch giả Nguyễn Tạo, Nha Văn Hóa, 1973.
4.Thích Huệ Thông, Sơ thảo Phật giáo Bình Dương, nxb. Mũi Cà Mau, 2000.
5. Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, nxb.Tân Việt, 1968.
6. Nguyễn Hiếu Học, Dấu Xưa Đất Thủ, nxb. Trẻ tp. HCM, 2009.
7. Nhiều tác giả, Bình Dương miền đất anh hùng, nxb. Trẻ, 2006.
8. Lê Đình Danh, Tây Sơn bí hùng truyện, internet.

Ngoài ra, còn tham khảo nhiều bài viết trên tạp chí và internet.