Múa lân, sư, hẩu…

Hoàng Anh

Một trong những tiết mục biểu diễn đặc sắc mang đậm dấu ấn văn hóa của người Trung Quốc là múa lân, sư, rồng… Ngày nay, chúng diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới. Dường như bất cứ nơi nào có người Trung Quốc sinh sống, thì sớm hay muộn, người ta cũng sẽ được xem những tiết mục múa sôi động, rộn ràng tiếng trống, tiếng chũm chọe đầy lôi cuốn, hấp dẫn ấy. Từ rất lâu trong lịch sử, chúng cũng được các quốc gia lân cận học tập, bắt chước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia... Riêng tại Việt Nam, quốc gia nằm liền kề với Trung Quốc, lại có nhiều mối liên kết gắn bó sâu đậm trên nhiều phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa… thì các loại múa trên đều có mặt rất sớm và trở nên khá quen thuộc trong sinh hoạt xã hội của chúng ta ngày nay.

Trong lễ hội rước kiệu bà Thiên Hậu diễn ra vào rằm tháng giêng hàng năm ở Thủ Dầu Một, Bình Dương, lúc đầu chỉ có múa lân và hẩu. Mãi đến sau 1975 mới thấy có thêm các đoàn múa rồng và múa sư tử từ Sài Gòn về đây tham gia. Trong các loại múa ấy, múa lân có lẽ được người Việt tiếp thu sớm nhất và ưa thích nhất.

Lân, sư, rồng và hẩu là những con vật huyền thoại và có gốc gác xa xôi mơ hồ rất dễ gây nhầm lẫn. Nhất là lân và sư. Tra cứu trên nhiều tài liệu bằng văn bản hay trên internet, ví dụ gõ vào các từ “lion dance” (múa sư tử) và “qilin dance” (múa lân), ta thấy dường như hai cách múa này chỉ hai con vật có khi vừa giống như một, có khi lại khác. Trong phần về “lion dance” (múa sư tử), hình minh họa kế bên là bức hình khá rõ của đầu lân, với một cái sừng đặc trưng giữa đỉnh đầu, dưới bức hình có ghi chú bằng tiếng Việt Nam là “múa lân”.
 
Ở miền Bắc nước ta, có lẽ ảnh hưởng Trung Quốc, nên cũng gọi trò múa đó là múa sư tử. Bài hát thiếu nhi vào dịp tết Trung Thu cho thấy điều này: “Thùng thình, thùng thình, trống rộn ràng ngoài đình. Có con sư tử vui múa quanh vòng quanh”.

Có một bài nghiên cứu, trong quyển sách được biên soạn đồ sộ và công phu “Địa Chí Bình Dương” viết: “Như vậy, múa cù (múa rồng) ở Bình Dương chính là múa lân. Nhưng cho dù là múa lân hay múa rồng thì đây cũng là hai con vật trong tứ linh (long, ly, qui, phượng) mà theo dân gian, khi tứ linh xuất hiện thì thiên hạ thái bình”.

Đoạn văn ngắn ngủi này, có hai điểm cần lưu ý: Một, tác giả đồng hóa múa lân và múa rồng. Hai, đồng hóa ly và lân. Tứ linh của Trung Hoa có nhiều phiên bản, ở miền Nam Việt Nam, chúng bao gồm “long, lân, quy, phụng”; miền Bắc, hay dùng “long, ly, quy, phụng”. Lân là con kỳ lân, ly là con cá hóa rồng (Ly hốt), linh vật này là một motif trang trí quen thuộc trên mái đình, miếu, chùa ở Việt Nam. Hiểu theo đoạn văn này, múa lân, tức là múa rồng, là múa con cá chép vượt vũ môn!

Sự hiểu biết mơ hồ và mối quan tâm về từ gọi hai con vật này là điểm chung của không ít người. Tác giả Lý Việt Dũng, trong bài viết “Sư Tử hay Lân?” khẳng định rằng, đối với người Hoa, họ gọi trò chơi này là “múa sư”, “múa sư tử” hay “sư tử vũ”, chứ không bao giờ gọi là “múa lân”. Múa con lân, theo ông có thể là con giải trỉ (trải). Vấn đề này sau đó được một độc giả gởi đến mục “Chuyện Đông Chuyện Tây” trên tạp chí Kiến Thức Ngày Nay để nhờ giải đáp. Ông An Chi, người phụ trách chuyên mục đã đưa ra nhiều phân tích về mặt từ ngữ, phản bác lại ý kiến của tác giả trên. Gác qua phần ngôn ngữ chuyên sâu có hơi phức tạp dành cho giới chuyên môn về từ nguyên, xin ghi lại ý kiến kết luận của ông An Chi về vấn đề đó như sau:

“Rất có thể là do kiêng kỵ mà người Quảng Đông đã phải gọi con lân bằng con sư tử. Họ kiêng kỵ những từ đồng âm với các từ chỉ những hiện tượng không tốt lành hoặc bất lợi…
Vậy cũng chẳng có gì lạ  nếu người Quảng Đông không dám hoặc không chịu gọi con lân bằng chính cái tên của nó là loèun (lân) vì tên này đồng âm với lòeun (luân) có nghĩa là chìm, đắm, lụn bại, phá sản. Ngày Tết, múa lân mà xài tiếng lòeun thì e là sẽ xúi quẩy cả năm chăng?” .

Đến tỉnh Bình Dương, một lần nữa, “múa lân” lại biến thành “múa cù”, một con vật huyền thoại khác. Hóa ra, trò múa quen thuộc nói ra ai cũng biết ấy lại không đơn giản như mình đã từng nghĩ. Bài viết này cố gắng tìm hiểu về các hình thức múa trên, hy vọng cung cấp những thông tin giúp cho một số bạn đọc có thể hiểu biết rõ hơn về các thể loại múa mà quí vị đã yêu thích từ lâu.

Muốn phân biệt được, có lẽ ta cần phải chịu khó truy nguyên nguồn gốc của từng con một. Tổng hợp khá nhiều tài liệu liên quan đến vấn đề, xin trình bày lần lượt như sau:

Múa sư tử



Thực ra, múa sư tử và múa lân là múa lốt của hai con vật khác nhau, xuất phát và thịnh hành ở hai nơi cũng khác nhau.

Lốt sư tử khá giống con sư tử, mình đầy lông lá, dáng có hơi chậm chạp, không có sừng như lân nên cũng dễ phân biệt. “Múa sư tử” xuất phát từ Bắc Kinh và phổ biến ở miền Hoa Bắc, nên còn có tên là “Bắc Sư Vũ” để phân biệt với một môn múa có hình thức tương tự nhưng là lốt của một con khác ở miền Hoa Nam, gọi là “Nam Sư Vũ”, mà ở nước ta gọi là “múa lân”.

Các tài liệu viết về lịch sử cũng như giai thoại về lân, sư đưa ra nhiều câu chuyện khác nhau, ta khó biết được điều nào là đúng nhất.Trải qua thời gian quá dài, có thể người mỗi thời theo ý họ đã tùy tiện suy diễn, hoặc thêm thắt vào cho tăng thêm tính chất ly kỳ. Nay cũng xin lướt qua một số những giải đáp ấy, có lẽ để mua vui là chính.

Giải thích về nguồn gốc của trò múa sư có các giai thoại như sau:

Ngày xửa ngày xưa, trong lúc thái bình, muôn vật tươi tốt, cỏ cây đua nở, bỗng có một con sư tử vàng từ trời sa xuống cắn giết phá hại muôn loài. Phật Tổ thương xót chúng sinh, sai một vị đệ tử xuống trần, dùng phép thần thông chế ngự mảnh sư, hóa độ cho nó quy y Phật pháp. Từ đó, sư tử sám hối, mỗi mùa xuân lại giáng trần cứu giúp con người để chuộc lại tội lỗi đã phạm khi trước.
Tương tự, có thuyết nói rằng ngày xưa, có một nhà sư nằm mộng thấy nhiều ma quỷ gieo rắc tai họa trên trần gian, ông bèn cầu nguyện và một vị thần hiện ra báo cho biết rằng loài sư tử có thể chống lại ma quỷ và bảo vệ con người. Dân Trung Hoa thời ấy chưa hề thấy con sư tử bao giờ, nhưng đã nghe về loài vật được cho là chúa tể của rừng xanh ấy. Nhà sư bèn kết hợp hình ảnh của những loài linh thú và đem đến may mắn cho con người mà ông biết để tạo nên hình dáng của con sư tử. Từ hình ảnh đã được tạo ra này, người đời sau mới theo đó mà chế tạo ra lốt con vật dùng để múa trong các dịp lễ.

Đó là các truyền tích dân gian, còn về sử sách, ghi chép sớm nhất về trò múa sư được tìm thấy trong cuốn “Hán thư”, mục “Lễ nhạc chí”, trong đó có hai từ “Tượng nhân”. Theo như Mãnh Khang, người nước Ngụy, thời Tam Quốc  thì “Tượng Nhân” chỉ người hóa trang thành thú như sư tử, cá, tôm…

Đến thời Nam Bắc triều (317-580) múa sư tử đã biểu diễn trong hoàng cung cho vua chúa coi. Thời Đường thì phát triển mạnh, quy mô lớn, có khi hàng trăm người cùng tham gia múa. Nó được gọi là “Yên nhạc”, “Thái bình nhạc” hay “Ngũ Phương sư tử vũ”. Từ đây, múa sư được phổ biến rộng rải trong dân chúng. Cuốn “Đông Kinh Mộng Lục” ghi lại rằng một số chùa chiền cũng tổ chức hội múa sư tử và còn có tiết mục các vị tăng ngồi trên lưng sư tử để tụng kinh. Đời Minh, ông Trương Đại có viết quyển “Đào Am Mộng Lục”, tả lại quang cảnh rước đèn, đánh trống, chiêng trên đường phố, các đoàn sư tử múa khắp nơi và cảnh người đi xem đông đúc. Đến đời nhà Thanh thì trò múa sư đã thịnh hành lắm, lễ hội nào trong năm người ta cũng múa trò này.

Lối múa sư có tính chất mua vui, giải trí. Sư tử có màu đỏ, cam hay vàng, cột cái nơ đỏ trên đầu là dấu hiệu con sư tử đực; nơ màu xanh để chỉ con cái. Các điệu múa nhào lộn như làm xiếc và có những tiết mục biểu diễn khá phức tạp, nguy hiểm trên các bực thang hoặc trái cầu to dễ mất thăng bằng để thể hiện tài nghệ của người múa. Thường múa có cặp, đôi khi nhiều con sư tử cùng múa với nhau như một gia đình, hai con lớn là cha mẹ, hai con nhỏ hơn là con. Tiếng trống trong múa sư tử miền Bắc khác với tiếng trống ở miền Nam, và được gọi là nhịp trống Bắc Kinh. Vào nước ta, múa sư cũng có vài điểm thay đổi cho phù hợp với nơi biểu diễn thường là trên đường phố ồn ào; điển hình như là tiếng trống, thường dùng trống lớn thay vì dùng giàn nhạc của Kinh Kịch Bắc Kinh.

Sư thường có ba màu chính: màu trắng là con sư lớn tuổi nhất, màu vàng là con trung bình, màu đen là con nhỏ tuổi, do vậy điệu múa của con này phải nhanh nhẹn, sôi nổi giống như tính cách một kẻ thanh niên còn tràn trề nhựa sống. Trường hợp sư tử có ba màu vàng, đỏ và xanh thì con màu vàng là tượng trưng cho sinh lực, sự sống; con màu đỏ tượng trưng cho sự can đảm; con màu xanh tượng trưng cho tình bạn. Sư tử, cũng như lân, ngày càng nhiều màu, nhiều kiểu dáng khác nhau, vậy khi nhìn thấy chúng múa, có lẽ tốt hơn là người coi tự tìm ra ý nghĩa biểu tượng hay nhất cho chúng ở vào thời điểm, hơn là cố nhớ những điều mà người khác đã đặt ra.

Mục đích của đoàn múa sư, cũng giống như múa lân, là nhằm ăn những rau, cải, trước khi đến phong bì hay tiền được chủ nhà treo trên cao. Tuy nhiên, múa sư không trèo cột như múa lân mà phải nhảy trên các chiếc ghế sắp cao dần với những bước nhảy phức tạp, khó khăn làm người xem thót tim.

Mỗi khi đến địa phương nào để múa, nghi thức bắt buộc là trước tiên các đoàn lân sư rồng phải đến biểu diễn tại ngôi đền hay miếu ở địa phương để bày tỏ sự tôn kính, sau đó mới được phép đi biểu diễn trên đường phố để mua vui cho mọi người.

Múa lân




Dù người miền Bắc Việt Nam quen gọi là múa sư tử, nhưng trên các bức tranh Đông Hồ thời xa xưa nay còn lưu lại vẫn ghi bằng chữ Nôm là “Múa lân”, “Cóc múa lân” hay “Phụng lân”. Nhìn hình vẽ, thì con vật ấy có cái sừng nổi bật, đích thị là đầu lân, theo cách gọi trong Nam.

 Tự điển xưa của miền Nam là Đại Nam quốc âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của giải thích:
Múa lân: Cuộc chơi; người ta bong hình con lân; một người mà múa chơi cũng có ý trừ tà ếm quỉ.                                   
 
Quê hương của múa lân là miền Hoa Nam Trung Quốc, chính xác hơn là từ vùng Phật Sơn, Quảng Đông. Người Quảng gọi trò múa này là “Mủ Xía”, nghĩa là sư tử múa, vì “Xía” là sư tử. Phần trên ta đã nói, ở Trung Quốc gọi các trò múa này dưới một cái tên chung là múa sư tử, chỉ phân ra múa sư tử ở miền Nam và múa sư tử ở miền Bắc. Sau này, lại phân thêm trường phái múa của Đài Loan, của Malaysia, với ít nhiều canh cải, mà ngày nay được áp dụng rộng rãi hơn các lối múa truyền thống. Để xác định gốc gác của múa lân, người Quảng gọi trường phái múa lân truyền thống của họ là trường phái Phật Sơn. Chính cái môn Nam Sư Vũ này của người Quảng Đông đã theo họ sớm vào Việt Nam, có thể đã một hai trăm năm rồi, được người bản xứ từ Nam tới Bắc, từ chốn kinh thành đô hội tới miền biên cương núi non đón nhận và bắt chước theo. Người Việt tùy vùng gọi nó là múa lân, hay múa sư tử, múa cù.

Có tài liệu nói rằng trò múa lân đã được diễn ra nơi chốn cung đình từ triều đại nhà Đường (618-906). Sau cuộc chinh phạt nơi vùng rừng núi biên cương, nhà vua đem về trên 100.000 ngàn tù binh người Mông Cổ. Theo lệnh vua, trên 30 người trong số đó mặc những bộ đồ bằng da thú, tay cầm đầu thú vật  bằng gỗ, 2 con lớn và 5 con nhỏ, múa giúp vui cho ngài. Rất hài lòng với màn biểu diễn này, nhà vua ra lệnh tha cho nhóm vũ công được trở về nguyên quán.

Thuyết thứ hai cho rằng múa lân chỉ mới xuất hiện trong triều đại Mãn Thanh (1644-1911). Vua Càn Long nằm mơ thấy trong cuộc di hành về phương Nam, đến sông Dương Tử, ông gặp một con vật có màu lông chói sáng. Sau khi trở về Bắc Kinh, vua ra lệnh cho làm lốt một con vật theo như hình ảnh con vật đem đến điều may mắn trong giấc mơ của ông và phải cho nó đi diễu hành trong các lễ hội cung đình để đem đến sự thịnh vượng và thái bình cho đất nước.

Do niềm tin rằng sự xuất hiện của lân là dấu hiệu của bậc thánh nhân ra đời, là điềm của thời thạnh trị, bậc vua chúa rất quí chuộng kỳ lân, vì vậy người ta mới làm đầu lân giả để múa trong các lễ hội ở chốn cung đình. Từ đó, trò múa lân mới dần lan rộng ra khắp dân gian.

Ta thấy đầu lân giả có một cái sừng, đó là con lân đực. Đầu lân cái không sừng thường kết phía sau một miếng vải đỏ có viết chữ Vương lớn và đậm nét. Đầu lân này trông giống như đầu hổ, thường chỉ múa trong tháng giêng vì theo âm lịch, tháng giêng thuộc dần, con cọp làm chủ.

Sừng của đầu lân hay buộc một miếng vải đỏ. Đó là theo tích xưa, có lần lân phạm tội bất kính với Ngọc Hoàng, ngài giận dữ nên trừng phạt lân bằng cách chẻ chiếc sừng là nơi chứa đựng sinh lực của lân ra làm hai khiến nó chết đi. Một vị Thánh Mẫu thương xót lân, bèn dùng loại lá thuốc màu đỏ có phép tiên cột chiếc sừng, rồi đọc thần chú triệu hồn lân trở lại, nhờ thế mà lân mới hoàn sinh.



Trong màn trình diễn múa lân, bao giờ cũng có ông Địa, hiện thân của Đức Phật Di Lặc. Chuyện kể rằng thưở xưa lân là một loài quái thú từ dưới biển lên gây nhiều tai họa cho loài người. Đức Di Lặc dùng cỏ linh chi hái trên núi, hóa thân làm ông Địa dụ cho con vật ăn cỏ này, từ đó nó được thuần phục chỉ ăn chay và trở nên hiền lành. Lân theo Phật về trời tu luyện. Hàng năm, vào mùa Tết, hai thầy trò mới hạ sơn ban phước lộc cho chốn nhân gian. Dựa vào tích này, người ta dựng lại cảnh múa lân trong các dịp lễ và tin tưởng là làm như thế thì vẫn được Phật giáng phúc lành như xưa. Khi lân đến nhà múa, lủng lẳng dưới sợi dây cột tiền, chủ nhà còn treo thêm rau cải giả là cỏ linh chi như trong tích cũ.

Cũng có thuyết nói rằng xưa có năm trời làm thiên tai dịch tả, người chết như rạ. Phật Di Lặc hóa thân thành ông Địa giáng trần để cứu nhân độ thế. Ông lên ngọn núi cao chót vót tìm cỏ linh chi (thất diệp nhất chi hoa) là loài thuốc quí. Thuốc này do một con lân canh giữ, ông phải dùng mẹo làm thân với nó mới hái được cỏ. Cỏ có 7 lá, ông Địa ăn một lá, con lân ăn một lá, cả hai nhờ thế được trường sinh. Ông Địa dùng 5 lá còn lại luyện thành thuốc rồi rủ con lân cùng xuống trần gian để cứu mọi người thoát khỏi dịch bệnh.

Thuyết khác nữa, thì vào thưở khai thiên lập địa, có một con thú ăn thịt người, cứ vào tháng tám hàng năm thì xuất hiện gieo rắc tai họa làm mọi người khiếp sợ. Ngày kia, có một nhà sư ra tay giúp dân trừ ác thú. Ông sai một đệ tử mập mạp, bụng to, tay cầm chiếc quạt thần phất lên xua đuổi thú. Các đệ tử khác giống trống khua chiêng ầm ĩ phụ họa để áp đảo tinh thần con vật, nó khiếp sợ nên bỏ chạy. Con thú đó nay là con cù, người đệ tử bụng phệ là ông Địa, các đệ tử khác nay là nhóm người đánh trống, phèng la…

Múa lân phải có hai người, một người cầm đầu lân, một người cầm đuôi. Họ chui đầu trong đó, chỉ để lộ hai chân giống như bốn chân của con lân. Thân của lân là tấm vải khá dài, rộng, có nhiều miếng vải nhỏ giả làm vảy rồng, nhiều màu sắc, con lân vì vậy có cái đầu khá to và cái mình khá dài, điều này giúp cho lân có vẻ linh động, uyển chuyển khi múa. Có khi, người ta còn gắn một miếng kiếng trên trán lân vì tin rằng nó sẽ làm cho ma quỷ hoảng sợ khi nhìn thấy hình ảnh của chính chúng bị phản chiếu. Đầu lân thường có nhiều màu sắc, biểu tượng cho những điều khác nhau. Ví dụ như ba màu: trắng, đỏ và đen, thể hiện cấp bậc của lân, có thuyết cho là biểu tượng của ba vị anh hùng kết nghĩa vườn đào thời Tam Quốc. Lân có màu gì, phải tùy theo thời gian thâm niên của đoàn lân. Màu trắng, là Lưu Bị, gọi là lân râu bạc (hay cù râu bạc), thành lập hơn 30 năm. Màu đỏ là Quan Vân Trường, 20 năm. Màu đen là Trương Phi, 10 năm trở lại.

Về vũ đạo, có các kiểu múa căn bản như sau:

1.    Độc chiếm ngao đầu: một con lân biểu diễn, thể hiện nét hùng dũng, oai phong của một viên tướng tả xung hữu đột giữa vòng vây địch quân như Triệu Tử Long  phò ấu chúa ở trận Đương Dương Trường Bảng.
2.    Song hỉ: múa đôi, hai con lân cùng múa, có vẻ tươi vui, quyến luyến, thể hiện sự hòa hợp, nghĩa tình.
3.    Tam tinh: ba con lân với ba màu vàng, đỏ đen cùng múa, thể hiện cho ba ước nguyện căn bản Phước Lộc, Thọ sẽ đến với gia chủ.
4.    Tam anh: Cũng là ba con múa chung với nhau, nhưng tượng trưng cho ba vị anh hùng hảo hán Lưu Bị, Quan Công, và Trương Phi, thể hiện tính cách hào hùng và trung cang nghĩa khí như ba nhân vật này.
5.    Tứ quí hưng long: Bốn con lân cùng múa, với bốn đầu lân có màu khác nhau, tượng trưng cho bốn mùa xuân hạ thu đông, sự sung túc, thịnh vượng và may mắn quanh năm.

Ngoài ra, còn có 5 lân múa chung, tượng trưng cho ngũ hành, 7 lân là bảy sắc cầu vòng, 9 là sự thiêng liêng, phước lộc… Tuy nhiên những cách múa với số lượng nhiều đầu lân ít khi xảy ra, thông thường chỉ một hai hai con là đủ xôm trò rồi. Bởi ngoài lân, khán giả còn háo hức các tiết mục khác như biểu diễn võ thuật, cách trèo lên cây cao để lấy tiền. Sự hấp dẩn tùy thuộc vào nghệ thuật có hay không, hơn là ở số lượng lân nhiều hay ít.
 
Ngoạn mục nhất của múa lân là màn trèo cây lên cao để lấy tiền, càng cao thì càng hấp dẫn. Người cầm đầu lân phải một mình leo lên cây, lên đến đầu cột, vừa múa vừa phải biểu diễn như làm xiếc. Họ chỉ chịu cái bụng trên đầu tre làm điểm tựa, rồi xoay tròn, tay chân vung vẫy múa võ trên trời cao. Khi lấy tiền xong, thả đầu lân xuống trước, họ phải chút đầu xuống dưới, hai chân kẹp thân tre, và phải tuột xuống bằng nhiều kiểu cách khác nhau mới được người xem tán thưởng. Có người không giữ được thăng bằng, rơi cả thân xuống đất, nếu người ở dưới không sẵn sàng để chụp kịp thì ắt là nguy đến tính mạng. Ở tỉnh Bình Dương, nơi múa lân hội, thì từ xưa đến giờ chỉ xảy ra một tại nạn đáng tiếc. Ngày 9 tháng 2 năm 2009, khi đoàn múa lân sư rồng Bửu Long, Biên Hòa, đang biểu diễn ở huyện Bến Cát, đến tiết mục leo lên cột để ăn tiền, cây cột bằng sắt chạm vào dây điện trung thế giăng phía trên làm  người múa lân bị điện giật chết, tám người giữ cột phía dưới bị thương.
 
Đi kèm với lân là cả một đội ngũ đánh trống, phèng, chũm chọe, cầm cờ xí, nhóm biểu diễn võ thuật, người vác cột tre, lại có người kéo chiếc xe nhỏ chở trống, chất đầy gươm giáo, đao thương. Tiếng trống đóng vai trò quan trọng trong múa lân. Nghe nhịp trống, người sành coi có thể đoán biết lân đang làm gì. Nhịp trống chậm, lân đang ngủ; tiếng nhanh, lân đang quỳ; nhịp rộn ràng, lân đang ăn tiền…

Đoàn lân đi, đến nhà nào có treo tiền thì vào múa, thường đã có hợp đồng trước với chủ nhà. Và sẽ là điều rất thiếu sót nếu nói đến múa lân mà không nói đến tiếng pháo. Tuy đã bị cấm ở Việt Nam hơn chục năm qua nhưng vẫn còn được đốt nhiều nơi khác trên thế giới để phụ họa cho các màn múa, tạo sự hấp dẫn và độc đáo riêng của bộ môn này. Khi lân đang múa, người ta đốt những dây pháo dài, người đứng xem sợ hãi xô đẩy dạt ra vì sợ bị pháo văng trúng người; lân, trái lại, lao vào nơi có pháo để quần thảo với chúng. Từ đó, mà có thành ngữ “như Lân thấy pháo”diễn tả tâm trạng phấn khởi của con người khi gặp điều gì đó mà họ ưa thích.
 
Múa lân thường diễn ra vào dịp tết Trung Thu và tết Nguyên Đán ở nhiều nơi trên khắp ba miền đất nước. Ngày nay, trong các buổi lễ quan trọng như động thổ, khai trương cơ sở kinh doanh…người ta cũng tổ chức múa lân.

Múa hẩu



Ngoài múa lân sư rồng, tỉnh Bình Dương còn có một hình thức múa dường như trên các miền khác ở nước ta chưa nơi nào có, đó là múa hẩu. Đầu hẩu hình tròn, mặt có vẻ dữ tợn và không giống con gì cả. Thân hình hẩu dài, uốn lượn như loài thủy quái. Nhìn hẩu, khó đoán nó là lốt của con gì mà ta đã từng biết.
 
Múa hẩu là đặc sản riêng của người Phước Kiến, Trung Quốc. Tuy vậy, hẩu là gì, đến nay, kể cả những người Phước Kiến lớn tuổi tại địa phương cũng không biết rõ ràng lắm. Xin tóm lược đôi điều để giới thiệu về hẩu.
Có nhiều cách giải thích khác nhau về nguồn gốc của hẩu.
1. Người ta thường cho rằng hẩu là phát âm trại đi của hổ, nhưng nhìn hình dáng khá quái dị của lốt hẩu, ta thấy không có nét nào giống hổ cả.
2. Người sành chữ Hán thì bảo “Hẩu” là “Hống”, nghĩa là tiếng rống của loài hổ. Trong đạo Phật có danh hiệu “Sư Tử Hống Bồ Tát”, sư tử hống nghĩa là tiếng rống của sư tử. Sư tử lông vàng (Kim mao Sư Tử) theo truyền thuyết Phật giáo là con vật cỡi của Bồ Tát Văn Thù. Con Thanh Sư (Sư Tử Xanh) của Địa Tạng Vương Bồ Tát còn được gọi là hẩu hoặc Sư Tử Hẩu.
3. Trong số các linh vật làm vật cởi cho các vị Bồ Tát trong đạo Phật còn có con Kim Tì La, kết hợp hình dáng của hai con rắn và cá sấu. Kim Tì La vốn là chúa của Quỉ Dạ Xoa, tài phép siêu việt, tính hung ác nhưng sau hối cải trở thành kẻ bảo hộ cho Phật. Vì vậy còn được gọi là Kim Tì La Thần, Kim Tì La Tướng. Trên các tấm vải biển hiệu của đội hẩu ở Bình Dương cũng ghi chữ Kim Sư (Sư tử vàng). Như vậy, múa sư tử hay múa hẩu có mối liên quan gần gũi với nhau, đều là múa cái lốt của con sư tử, nhưng không phải con sư tử bình thường mà là con vật huyền thoại, mang đậm dấu ấn tôn giáo, tuy có hình dạng quái dị, hung dữ nhưng lại là biểu hiện của kẻ hộ pháp, có lòng từ tâm. Nó cũng biểu hiện cho một chủ đề lớn của đạo Phật, những ai biết sám hối ăn năn, nhận ra được lỗi lầm thì có thể từ bỏ để trở thành người tốt, một phút quay đầu thành Phật. Trong truyện Tây Du Ký, một truyện chuyển tải tư tưởng Phật giáo, ta thấy vô vàn ví dụ về mô típ xây dựng những nhân vật loại này.
4. Hẩu là sự kết hợp giữa rùa và rắn, thành con vật cởi của Chơn Võ, còn gọi Huyền Thiên Thượng Đế, theo tích truyện Bắc Du Chơn Võ của Tàu. Theo thuyết này thì hẩu chính là biểu hiện của Qui Xà Tướng Quân.

Múa hẩu là tiết mục đặc biệt trong lễ cúng các vị thần bảo hộ của người Phước Kiến, thường là trong đám lễ cúng rước thần ông Bổn đi tuần du ở các vùng làm lò chén Búng, Lái Thiêu, Chánh Nghĩa và Tân Phước Khánh ở Bình Dương. Sau lễ cúng tại đền miếu, người ta làm lễ rước kiệu có tượng thần, có các đoàn hẩu, lân theo hộ giá đi diễu hành ngoài đường. Điều này được cho là tái hiện tích tuần du bắc phương trừ yêu oái của Chơn Võ khi xưa. Mỗi khi đi ngang chỗ nào có cây cao, lùm bụi um tùm, hẩu hướng về phía đó, quần thảo rất mạnh mẽ, có vẻ như đang phát hiện và săn lùng, xua đuổi yêu quái.

Múa hẩu có hai điều cấm kỵ: một là, không được phép ngửa mặt hẩu lên trời vì như vậy được cho là dám thách thức với các chư vị tiên thánh trên cao; hai là, người múa hẩu không được leo trèo cao. Ngoài bốn động tác cơ bản, người múa hẩu cũng có thể biến hóa cho trò múa được linh động, hấp dẫn. Xem múa hẩu, ta thấy sự uốn lượn, mềm mại giống chuyển động của rồng, rắn, hơn là sự vững chải, uy dũng của múa lân, sư. Tiếng trống chiêng phụ họa cho hẩu nghe giống như “lân hẩu lân hẩu lân xà” khá vui tai nhưng không rộn rã hào hứng bằng tiếng trống cù.

Khác với lân sư rồng đã được bình dân hóa để có thể múa trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, vừa có tính cách nghi lễ, vừa như trò giải trí mà trẻ con cũng có thể múa mọi lúc, mọi nơi. Múa hẩu mang đậm tính chất tín ngưỡng, trang nghiêm, chỉ dùng trong các lễ cúng thiêng liêng. Từ xưa, hẩu đã được kết hợp với lân trong lễ rước bà Thiên Hậu tại Bình Dương. Trong một đám rước, có đủ mặt lân sư rồng, thì hẩu luôn dẩn đầu.

Múa rồng



Đã nói đến múa lân, sư, hẩu, thì không thể bỏ qua múa rồng, một bộ môn ngày nay đã đồng hành cùng ba môn múa kia trong rất nhiều lễ hội. Người Quảng Đông sở trường múa lân còn gọi là Nam Sư; người Triều Châu sở trường múa sư tử còn gọi là Bắc Sư; múa rồng là sở trường của người Phúc Kiến.

Môn này được cho là bắt nguồn từ Ấn Độ. Cách đây 2000 năm, từ triều đại nhà Hán nó mới du nhập vào Trung Hoa. Thưở ban đầu, nó được gọi là “long đăng” (đèn rồng).
 
Giống như các kiểu múa lân sư, đến nay khó biết đích xác múa rồng du nhập qua Việt Nam từ bao giờ, nhưng bộ môn này có vẻ đã thấm sâu rộng vào sinh hoạt dân gian khắp nước ta có đã hàng thế kỷ. Tranh của họa sỹ người Pháp Henri Oger vào năm 1908, khắc các hoạt cảnh đám rước có múa rồng ở Việt Nam, nay vẫn còn lưu lại, chứng minh vững chắc cho suy đoán này. Múa rồng ở nước ta khá đa dạng, phong phú, nhiều sáng tạo. Có thể tìm thấy chúng khắp nơi, trong các môn múa rối nước, múa rối cạn, trong trò chơi rồng rắn của trẻ con, trong các bài đồng dao, trong tranh vẽ, trong lễ hội, trong nghi thức cúng tế của tôn giáo… Về hình thức, có rồng tre ngoài Bắc, rồng rơm trong Nam, rồng nhang ở Tây Ninh, và gần đây, rồng vải đang ngày càng phổ biến.

Có nhiều tài liệu cho rằng múa rồng vải xuất hiện trong cộng đồng người Hoa ở Việt Nam vào khoảng những năm 1944-1945 do ông Trần Bồi, chủ cơ sở sản xuất xà bông Trung Nam ở Sa Đéc, vốn là người gốc Phước Kiến, cái nôi của múa rồng. Ông Trần Bồi tuyển mộ công nhân làm việc trong xưởng của ông, lập ra đôi múa rồng đầu tiên trên đất Việt Nam. Lại cũng có ý kiến cho rằng múa rồng đã xuất hiện trước đó vài năm ở chùa Ông, Phan Thiết, cái đầu rồng đó nay vẫn còn thờ tại chùa.

Cũng như lân và sư tử, rồng là con vật huyền thoại trong tứ linh của Trung Hoa, hình thành trong bối cảnh nền văn minh nông nghiệp, và được tin là tượng trưng cho những điều tốt đẹp mà con người hằng mơ ước như thịnh vượng, quyền uy, may mắn, phước lộc…vì vậy người ta mới làm rồng giả để múa trong những dịp lễ để cầu xin những điều tốt đẹp sẽ đến với con người. Lúc đầu, múa rồng là nghi thức cúng lễ để cầu mưa, dần dà nó mới trở thành môn múa có tính cách nghệ thuật, giải trí. Trong năm, người ta có ít cơ hội để được coi múa rồng, ngoài những dịp lễ lớn như tết Nguyên Tiêu, tết Trung Thu. Ngày nay, múa rồng cũng như múa lân, có thể biểu diễn trong rất nhiều dịp, và còn là bộ môn để đua tài mang tầm quốc tế.

Múa rồng khá đa dạng, phong phú, tới nay có cả thảy gần 30 điệu khác nhau. Có hai hình thức múa chính, múa đơn có 10 người, chin cán và một chân; múa đôi số người phải gấp đôi. Múa lân phải có ông Địa thì múa rồng có “hồng châu dẫn lộ”, tức có người cầm trái châu dẫn đường. Châu là một trái cầu bọc vải đỏ, có gắn bốn lá đồng làm lục lạc tạo âm thanh. Trái cầu được gắn trên một cái cây và có thể quay tròn trên trục cây này. Người cầm cây điều khiển trái châu như hiệu lệnh để thành viên đội múa rồng theo đó chuyển thế múa đồng nhất với nhau.
 
Nếu như múa lân hay múa sư chỉ cần có hai người, múa rồng cần rất đông người, có những con rồng dài tới 50 hay 70 mét, phải huy động đến 50 người hay thậm chí nhiều hơn nữa mới đủ. Vì vậy làm sao để kết hợp nhuần nhuyễn, nhịp nhàng đồng bộ cả đội múa là một nghệ thuật đòi hỏi phải luyện tập rất công phu, vất vả. Khi múa, họ phải biến hóa ra nhiều thế trận khác nhau, có khi theo hình chữ nhất, hình thang, hình tròn, hình chữ bát…hoặc theo các tên gọi hoa mỹ của tiếng Hán như Hoàng Long Giá, Song Ngọc Khuyên, Hoa Hồ Điệp, Bán Nguyệt…Ngày nay, hội thi múa rồng quốc tế thống nhất 8 tiết mục: Bàn Long (chạy vòng tròn), Chữ Chi (hình chữ S), Thủy Ba (lượn sóng), Phong Đằng (nhảy cao, quay ngược lại), Phong Chuyển (gió xoay), Phi Long (rồng bay), Chồng Tháp, Dao Bãi (tán rộng ra/giải tán).

Múa rồng khó khăn như thế và đòi hỏi nhiều điều kiện mới thực hiện được, có lẽ vì vậy mà đến nay, các đoàn múa rồng chỉ được thành lập ở thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh, so về lịch sử và tầm ảnh hưởng, thì lân vẫn đứng trên tất cả các bộ môn múa này.
Ngoài múa rồng còn có múa loan hoàng và phượng hoàng nhưng ít phổ biến (loan là chim mái, phượng là trống), có thể vì các điệu múa này còn đơn điệu, ít hấp dẫn người coi. Trong lễ hội diễu hành nơi phường phố ngày nay, người ta vẫn còn lập đội loan phượng nhưng ít thu hút sự chú ý của đám đông.
 
Ngoài hình dáng, điệu múa khác, mỗi hình thức múa lân, sư, rồng, hẩu đều sử dụng các nhạc khí và điệu nhạc khác nhau, với tiết điệu chung là rộn rả, sôi nổi, làm người nghe phấn khích, hào hứng. Xem người Hoa biểu diễn các màn múa lân, sư, rồng, nhất là trong các đám diễu hành có tính cách tôn giáo của họ, người các dân tộc khác sẽ dễ bị cuốn hút vào không khí của ngày hội trong một quang cảnh hoành tráng tưng bừng với cờ xí rợp trời, trống chiêng inh ỏi, sắc màu sặc sỡ và người ta sẽ thầm cảm phục tinh thần dân tộc mạnh mẽ của người Hoa trong việc giữ gìn những truyền thống văn hóa của riêng họ, không để mất đi, dù ở nơi đâu, thời nào.

Sức mạnh mềm của họ, nền tảng tinh thần làm nên sự vĩ đại của dân tộc họ được thể hiện rõ nét chính trong những sinh họat này.

(15-09-2011)


TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1/ Huỳnh Ngọc Trảng, Nghi lễ của múa hẩu, tạp chí Xưa và Nay, số 45B, 1997, tr.33.
2. Quehuongonline
3.  Lý Việt Dũng, Sư Tử hay Lân?, tạp chí Văn Nghệ (tp. HCM) số 97 (8 đến 14/7/93)
4. An Chi, tạp chí Kiến Thức Ngày nay số 164, 10-02-1995, tr.44.
5. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
6. Tục lệ múa lân của người Trung Quốc, dulichvn.org.vn
7. ThS. Hồ Tường. Địa Chí Bình Dương. Nxb. Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, 2010, tập 4, tr.180
8. Huỳnh Ngọc Trảng. Tản mạn về múa rồng, báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật,  số 15, năm 2001, tr.14-16