Làng Ba Chúc

HOÀNG ANH


-Tới Ba Chúc rồi, bà con ơi chuẩn bị xuống xe !

Ba Chúc là đâu, cái tên nghe quá lạ. Xe chạy chậm dần, đánh một vòng tròn xuống con đường dốc thoai thoải rồi dừng lại. Trời đang đứng bóng, lom khom bước ra khỏi chiếc xe có máy lạnh, nghe như từng cơn nắng bay táp rừng rực vào người.

Ngay lập tức đã có mấy người đàn bà chạy đến cửa xe chèo kéo khách vào quán họ ăn cơm uống nước. Nằm giữa một vùng đất trống trải đang nằm phơi mình chịu trận cho nằng thiêu đốt, quán chỉ là một dãy nhà tranh trống hoát, xây cất tạm bợ, treo sẵn cả chục chiếc võng tòn ten không có ai nằm. Tôi đảo mắt nhìn quanh một vòng, quang cảnh thiệt không hấp dẫn chút nào, vậy tại sao chúng tôi phải vượt con đường dài dằn xóc chạy qua bao xóm làng đồng ruộng buồn thiu để đến đây vậy! Khoảng độ trăm thước, bên trái là ngôi chùa nhiều màu sắc có vẻ như mới sơn nhưng kiến trúc không có gì lạ mắt. Bên mặt, cách đó không xa là một dãy núi cao nằm uốn mình, cũng tầm tầm, không dài lắm.

Đây là đâu? Đây là Ba Chúc, nơi trưng bày tội ác của Polpot. Tội ác của Polpot là chuyện nghe đã nhàm tai mấy mươi năm nay! Tôi bước theo đoàn người tham quan, hờ hữ
ng, mệt mỏi, bụng chỉ mong được nằm ngủ một giấc.

Đã vậy, ngay lập tức chúng tôi bị một bầy trẻ con bám theo xin tiền. Tội quá, tuổi còn đi học sao phải ăn xin. Tôi móc túi cho nó một tờ bạc lẻ. Xong thì có ngay đứa khác, một bé gái da rám nắng, hơi ốm nhưng mặt sao mà kháu khỉnh, tinh anh.Tôi lại móc túi. Năm ba đứa khác ập đến, lại cho, lại tới đứa khác. Hết tiền lẻ rồi. Vậy ông cho con tiền chẳn cũng được. Chúng cứ đi theo lẻo đẻo và năn nỉ luôn miệng. Hình như chúng không hiểu câu hết tiền rồi hết tiền rồi. Bây giờ thì tôi phải năn nỉ ngược trở lại chúng, làm ơn để tôi yên, tôi hết tiền rồi, hết tiền rồi. Những người đi chung trong đoàn cũng từ lòng xót thương rồi chuyển qua bực bội không khác chi tôi. Có cả những người già gầy tong teo chống gậy, da mặt răn reo, nhăn nhúm, trời nắng chang như thế mà vẫn kiên trì van xin lòng vị tha của chúng tôi. Từ lúc đó, không khi nào mà họ buông tha cho chúng tôi nữa, đành vừa tham quan vừa luôn miệng trả lời bọn họ là hết tiền rồi hết tiền rồi làm ơn tha cho chúng tôi.

Chúng tôi đến xem nhà mồ nơi trưng bày sọ và xương cốt của nạn nhân. Sao nhiều thế! Người ta nói có đến trên ba ngàn người trong làng này bị giết chết, chỉ trong mười ngày cuối tháng tư năm ấy. Tháng tư là mùa của hoa phượng, của tiếng ve sầu của những ngày thơ mộng tuổi học trò không bao giờ quên. Trên quê hương mình, tháng tư sao lại là những tháng buồn thảm và khốc liệt, tháng tư, mùa hè, mùa của lửa đỏ và máu lệ, tâm hồn ta như bị thổn thức, vở tan từ sâu thẳm bao nhiêu mảnh thủy tinh không thể hàn gắn.

Đầu lâu và xương cốt chất nằm ngổn ngang trong khu nhà hình bát giác có lồng kiếng, mỗi mặt có tấm bảng ghi giới tính và độ tuổi của sọ xương. Sọ nào cũng có đôi hố mắt đen to và sâu hoắm, cái miệng nào cũng mở ra tan hoát, không biết là đang nhe răng cười hay đang gào thét. Và cũng không làm sao mà biết được, cái sọ nào hồi còn sống là cái mặt có duyên, cái mặt nào hiền lành chơn chất, cái xương nào là của người lực điền vạm vỡ, xương nào của vóc hạc gầy vai. Chụp vài bô hình kỷ niệm nhe, tôi nói. Eo ơi, đừng, cô nhà văn xinh đẹp đi cùng nhăn mặt, sợ hãi. Tôi nói thầm, sao mà dám chê người ta vậy, hồi còn sống chưa biết ai hấp dẩn hơn ai à nhen!

Bọn trẻ nhao nhao, ông đi coi máu người chết đi ông. Chúng dẫn đường, tôi đi theo. Chúng tôi yên lặng và chậm rải từng bước đi vào hai ngôi chùa có tên là Phi Lai và Tam Bửu. Không khí chợt trở nên tĩnh mịch và lạnh lẽ
o.Nền gạch còn lâm thâm vết đạn trên màu nâu đen của máu khô như vẫn còn thoang thoảng chút mùi tanh. Lạnh. Ông đạo sĩ búi tóc có chòm râu đen dài trong bộ bà ba nâu cũ sờn vai đi theo kể lể. Nơi này hồi đó máu ngập tới mắt cá chân, nơi này người nằm chết ngổn ngang, dưới bệ thờ này nè chúng quăng lựu đạn, bốn mươi người chỉ một người sống sót. Chúng hãm hiếp phụ nữ, xong còn lấy cây chọt vào cửa mình, trẻ con thì chúng xé làm hai như xé phai. Tiếng nói của ông nhỏ thôi. Thầm thì. Không biết ông đang nói hay đang khóc, mà hình như cũng không phải tiếng khóc của ông đâu. Chen trong đó như có tiếng rên xiết khóc than của bao oan hồn, của những chàng thanh niên nông dân khỏe mạnh, của những cô gái quê mặn mà duyên dáng. Nghe. Như những tiếng vọng của sóng thần đang từng đợt đánh tan cõi lòng dửng dưng lạnh nhạt. Trước mắt tôi như có hàng trăm khuôn mặt thảng thốt  đang van xin cầu nguyện đang quằn quại vì những viên đạn xé nát cơ thể những cái báng súng đập vào đầu vở ra tung tóe từng miếng óc và máu chảy tuôn xối xả, và những cái xác sình thối nằm chồng chất ngổn ngang và những gương mặt xinh tươi ngây thơ hồn nhiên trên đồng lúa mới hôm nào giờ bầy nhầy sưng tấy không sao nhận diện. Tôi nhìn những vết sơn nâu đậm quệt xấu xí trên tường, họ nói đó là nơi mà vết máu và óc người đã văng cao tới trên ấy. Bọn trẻ con vẫn lẻo đẻo bám theo sau lưng, làm những hướng dẩn viên du lịch tình nguyện, đây nè ông, đây là chỗ còn in dấu người đàn bà nằm, ông coi nè, đây là cái đầu, đây là cái cẳng chưng, và chút nữa ông cho cháu tiền nhe! Hết tiền rồi, con à. Vậy thì ông cho con tiền chẵn nhe, con dẩn ông coi chỗ này, người ta bị đập đầu nè.

Lê từng bước chân chậm rải, rã rời, ruột như đứt ra từng khúc, tôi quay về quán cơm. Bọn trẻ vẫn kiên trì đi theo rù rì những câu xin tiền thống thiết. Ở cuối quán là hai sòng bài, đàn ông có, đàn bà có, đang lớn tiếng cãi cọ nhau. Chắc là cha mẹ của đoàn quân ăn xin bé bỏng này, hay là con của mấy của cụ già đứng run lẩy bẩy van xin chúng tôi ngoài con đường nhỏ nắng cháy. Đứng chen vào đám ăn xin và bán vé số, người đàn bà chủ quán chào mời món cơm thịt sườn nướng bà nói rằng ngon lắm vì vừa mới nướng lại cho nóng hổi.

Chúng ta không thể nào ngồi đây mà ăn cơm được đâu, phải đi thôi. Tôi nói, mọi người đồng ý. Chiếc xe lăn bánh. Ngoài cửa kính, tôi thấy một bà cụ già quắt queo ngồi lượm lá vàng khô trước khu trưng bày đầu lâu và xương sọ. Bà có cái tên khá trẻ trung là Hà Thị Nga, và dòng họ bà có hơn trăm người đã chết trong những ngày ấy.

Rời khỏi Ba Chúc, chiếc xe lắc lư chòng chành dữ dội nhưng tôi vẫn cầm trên tay quyển sách mỏng và đọc ngấu nghiến “Chứng tích tội ác Pôn pốt nhà mồ Ba Chúc”. Tuy xe đi càng lúc càng xa, mà lòng tôi thì mỗi lúc càng quay trở lại gần ngôi nhà mồ và có vẻ như đã lảng vảng ở lại đâu đó với Ba Chúc.

Hôm nay, tôi biết khá nhiều về nơi ấy. Ba Chúc là một thung lũng nằm giữa hai dãy núi. Dãy núi chắn bên đây làng có tên là Kỳ Lân Sơn hay Liên Hoa Sơn, dân chúng chỉ gọi đơn giản là núi Tượng vì họ nói nó giống hình con voi đang nằm ( Tôi cũng cố nhìn và tưởng tượng nhưng chẳng thấy nó giống con gì, Voi không mà Kỳ Lân thì lại càng không). Dãy phía bên kia là Ngọa Long Sơn, tức núi Dài. Xưa đây là vùng rừng rậm và lao sậy, Phật Thầy Tây An đã đến đây lập ra giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương, khuyên tín đồ làm lành và ráng chăm lo khai phá vùng đất hoang vu lập thành xóm làng. Tiếp bước Ngài, ông Ngô Lợi cũng đến đây lập ra đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, cũng khuyên tín đồ ăn hiền ở lành, nên sau họ tự gọi đạo mình bằng cái tên giản dị và rất dễ thương là đạo Lành. Hai ngôi chùa Phi Lai và Tam Bửu quá ra đã được xây cất từ lúc đó và là tổ đình của đạo. Người tu theo đạo lành phải biết nhớ ơn, ơn trời đất, ơn nước non, cha mẹ, xóm giềng…Đã khắc ghi ơn sâu nghĩa nặng thì phải báo đền,  nước non nguy biến, núi Tượng trở thành ngọn cao sơn quy tụ anh hùng hảo hán can trường chống giặc. Từ những ngày xa xưa, vùng đất này đã trở thành căn cứ địa kháng chiến ác liệt nhất của miền Nam, và cũng từ ấy, những người đạo lành đã chịu nhiều kiếp nạn hết sức tang thương. Trên những nẻo đường thôn nho nhỏ thoang thoảng mùi hoa, trên những cánh đồng lúa vàng thơm tho hương đồng cỏ nội, đâu đâu như cũng vẫn còn lưu dấu tích của đoạn trường điêu linh đã qua.  

Chiếc xe chạy khập khiểng trên đường đưa chúng tôi từ từ rời xa Ba Chúc. Tôi chăm chú nhìn xung quanh, như cố ghi giữ tất cả hình ảnh của ngôi làng ở vùng đất biên giới xa xôi của đất nước. Bên đường là con kinh nhỏ, lâu lâu laị có chiếc xuồng máy chở lúa chạy xình xịch xình xịch. Đang mùa gặt, trên đồng lúa vàng, rơm rạ đốt cháy tỏa khói mờ ảo ở chân trời. Những người dân trong chiếc áo chiếc quần mộc mạc cũ kỹ vẫn đang lao lụng chăm lo cho đời sống của họ. Những đời sống thầm lặng, quạnh hiu. Núi Tượng núi Dài vẫn nằm vắt ngang chân trời, có vẻ vô tình lãnh đạm chứ không như những bức tường thành che chắn bảo vệ cho dân làng mà từ tổ tiên đã luôn chơn tình hết lòng hết dạ với núi. Ngày tận thế đã đến gần, hay đã đến trong tháng tư năm ấy, và hội Long Hoa mà con người hằng đợi, đã mở ra chưa trên núi Tượng linh thiêng, hay trong từng làn gió thổi, trong tiếng lá cây xào xạc, vẫn còn đồng  vọng tiếng thét tiếng rên, tiếng báng súng đập vỡ từng sọ người suốt trong đêm trường mù mịt tối tăm ấy. Người sống sót kể rằng, cả đêm ấy giặc lùng sục mọi hốc núi, bụp, có tiếng đập đầu, tiếng thét, rồi tiếng rên âm ỉ, nhỏ dần, lại bụp, một tiếng khác, lại bụp, đến sáng thì gần như mọi sự sống đều bị tiêu diệt. Con người luôn kính cẩn Thần Linh và luôn hết tâm phụng sự tin tưởng Thần Linh, nhưng sao Thần Linh đành ngoảnh mặt bỏ rơi những đạo lành trong cơn nguy khó như thế! Trong hang Dồ Đá Dựng, trên bảy chục người, có cả bốn em bé đã trốn chui trong đó nhiều ngày. Vì đói khát, những đứa trẻ la khóc vật vã suốt ngày, sợ bị lộ, để cứu những người còn lại cha mẹ các em đành chính tự tay mình giết chết con thơ. Một đứa bé biết mình sắp bị cha giết, khóc lóc kêu xin: “Ba ơi! Đừng giết con, con không khóc nữa đâu”. Nhưng những người cha, người ông không còn lựa chọn nào khác, đành bóp mũi cháu con. Ba tiếng đồng hồ sau, khi quân đội vào giải cứu thì xác bốn đứa trẻ vẫn còn nằm nóng hổi trong vòng tay ngập tràn đau đớn của đấng sinh thành. Có cần không đến lúc chúng ta phải đấu tranh trên toàn thế giới cho quyền được khóc của trẻ con?

Andre’ Maulrois, nhà văn hóa lớn của Pháp trong thế kỷ 20 viết:

“Hôm qua coi vô tuyến truyền hình tôi thấy một con chim ưng rình một con thỏ con đi lạc ra ngòai hang. Cặp mắt dữ tợn ghê gớm cùa con ưng nhìn trừng trừng con mồi của nó với một cường độ gần như chịu không nổi. Rồi thình lình nó sà xuống con thỏ non. Một đám mây ghê tởm hiện lên trong một phút, mịt mù những lòng và máu. Có những lòai ưng trong mọi phân bộ của cõi rừng rú là xã hội lòai người. Có những kẻ mạo hiểm rình những cuộc chở vàng. Có những kẻ gọi là tín cẩn mà ăn cắp của chủ. Có những kẻ buôn thịt người làm cho gái điếm khủng khiếp. Có những kẻ bạo dâm tìm những miếng mồi non mà chúng có thể hiếp dâm rồi giết. Lúc nào trên trái đất cũng có mươi chỗ mà binh lính cầm tiểu liên đi lùng trong các rừng bụi hay đầm lầy và bắn các binh lính khác như người ta bắn thỏ. Nhân lọai như vậy đấy và chúng ta phải khởi sự từ đó để xây dựng những nền văn minh”. Thầy ơng, nhà triết học Alain nĩi: “ Và nếu cái đó không phải là cái vinh dự của thế giới thì chúng ta đành đâm đầu xuống sông thôi.”


“Nhưng cái đó chính là vinh dự của thế giới. Cái nhân lọai om sòm và thô bạo này trong mấy ngàn năm nay chiến đấu để xây dựng những xã hội tốt đẹp hơn cái xã hội của chim ưng và thỏ, không chấp nhận hạng người chối bỏ mọi sự. Trong khu rừng nhân lọai có thứ cây tốt. Rồi bạn sẽ thấy.”


(Thư gởi tuổi hai mươi, bản dịch Nguyễn Hiến Lê)

Rồi bạn sẽ thấy. Trong cơn đau thắt quặn lòng xót thương vô vàn cho những nạn nhân Ba Chúc, tôi đành mong như thế.

Ngày mai, những cơn điên dại, bạo tàn, vô minh của nhân loại sẽ chấm dứt mọi nơi trên quả đất này. Hội Long Hoa hãy sớm khai mở, người nông dân Nam bộ đã chờ đợi quá lâu, hãy khai mở cho cháu con của những người đã chết tại Ba Chúc sẽ được sống một đời no cơm ấm áo nhờ từng tấc đất ngọn rau toát lên mùi thơm dịu ngọt của tình thương và sự thứ tha trên ngôi làng hiền hòa thơ mộng này.