La Toàn Vinh

Hoàng Anh
(16-04-13)
 



    Bình Dương là nơi có trường trung học mỹ thuật đầu tiên ở Việt Nam, nơi có nghề sơn mài đồ gốm từ lâu nổi tiếng cả nước với những thương hiệu như Trần Hà, Thành Lễ... Những yếu tố này có lẽ đã góp phần tạo thành chiếc nôi để trong bộ môn nghệ thuật tạo hình, Bình Dương có nhiều nghệ sĩ nổi danh trong và ngoài nước như Nguyễn Văn Yến, Lê Thành Nhơn, Đinh Cường, Hồ Hữu Thủ, Trang Phượng… Trong bản danh sách của những tài năng đất Thủ, còn một khuôn mặt nữa rất đáng được khắc ghi nhưng tại Bình Dương, quê hương của anh, thì lại không có nhiều người biết đến: La Toàn Vinh, nhà họa sĩ, thi sĩ, nhà nghiên cứu, nhiếp ảnh gia...
    La Toàn Vinh (LTV) hiện định cư tại Montréal, Canada,  sinh năm 1956 tại Bình Dương, nơi có những người cùng họ như La Cao Cường, La Cao Nghĩa, La Cao Trí (trước ở Phú Cường, có nhà thuốc Tây, ra nước ngoài sau 75) không biết với anh có họ hàng gì không!
    Anh theo học trường Mỹ Thuật Bình Dương, rồi trường Quốc Gia Trang Trí Mỹ Thuật Gia Định. Sau đó đi nước ngoài, tiếp tục học và tốt nghiệp hai trường đại học Québec và Montréal, Canada. Triển lãm tranh cá nhân lần đầu tiên tại Sherbrooke, năm 1982. Từ đó, đã có hơn 10 cuộc triển lãm tranh riêng và hàng trăm lần triển lãm chung với nhiều họa sĩ ngoại quốc tại các quốc gia trên thế giới như Canada, Mỹ, Pháp, Nga, Ý, Mexico, Hungary, Portugal... Tranh của anh được lưu giữ, trưng bày tại nhiều viện bảo tàng nghệ thuật như Poste (Paris), Collage (Pháp); Québec, (Canada), thư viện của trụ sở Quốc Hội Hoa Kỳ…
    Rất thành công trong lãnh vực hội họa, ngoài ra LTV còn là một nhà thơ, với những tác phẩm đã xuất bản như: Sa Mạc Bụi Hồng (thơ, 1992), Những Dòng Mực Tím (thơ, 1997), The Face. Nhiều bài thơ của ông đã được phổ nhạc bởi các nhạc sĩ Phan Ni Tấn, Vĩnh Điện, Thụy An, Trần Viết Tân…Về chốn quê hương, anh cũng có một số bài viết về BD như: “Bình Dương quê tôi” (thơ, phổ nhạc bởi Phan Ni Tấn)
    Là một nhà nghiên cứu, mỗi khi về nước, anh được mời đến nói chuyện về nghệ thuật cho sinh viên tại một số trường đại học ở tp. Hồ Chí Minh như trường đại học Mỹ Thuật, trường đại học Tôn Đức Thắng, Hoa Sen...
    Chưa dừng lại ở đó, LTV còn là nhà nhiếp ảnh với bộ sưu tập trên 6.000 tấm. Anh được coi là nhà Paparazzi, chuyên về live photo, kẻ đi săn tư liệu sống về sinh hoạt trên sân khấu, biểu diễn quốc tế, về cuộc sống người Việt hải ngoại tại nhiều nơi trên thế giới. Nhiều nhân vật nổi tiếng đã từng nằm trong ống kính của anh như Đặng Thái Sơn, Paul Mc Cartney, Stevie Wonder, Oscar Peterson, Cindy Lauper, Lady Ga Ga, Joan Baez, Ý Lan, Đàm Vĩnh Hưng, Nguyên Khang, Quang Dũng, Hồ Ngọc Hà, Trần Thu Hà, Lam Trường, Hồng Ngọc... Ông đã biên soạn cuốn sách “Nhiếp ảnh Sự kiện và Lịch sử” tập hợp hơn 200 bức ảnh nổi tiếng do ông tuyển chọn sau 30 năm.
    Với rất nhiều thành tích như vậy, ông từng được viện tiểu sử Hoa Kỳ đề đạt danh hiệu “Người của năm 1997” (The man of the year 1977).
 

ĐÌNH BẾN THẾ


Về Bình Dương, LTV có một số họa phẩm vẻ cảnh đẹp quê hương như chùa Hội Khánh, đình Bà Lụa, đình Bến Thế…

Xin mời đọc một bài viết của LTV, để hiểu hơn ý nghĩa bức tranh anh vẽ cội sứ già bên chùa Hội Khánh, và cũng để hiểu hơn tâm hồn của anh, một người con viễn xứ với quê hương:

CÂY SỨ BÊN CHÙA HỘI KHÁNH
 
LA TOÀN VINH
 

"Cây ký ức" hay "Cội sứ già chùa Hội Khánh"
Tranh sơn dầu - Montreal, 2002
Họa sĩ La Toàn Vinh

    Người ta hay nói, ngưòi lớn đi xa nhớ nhà, trẻ đi xa thời nhớ Mẹ. Tôi nay không còn trẻ, nhưng cũng chưa… già! Cũng vì thế tôi may mắn hơn để được trở lại cả hai…
    Ý niệm về Mẹ làm một cái gì đó rất thiêng liêng to tát. Nó gắn liền với những gì mình có được trong tuổi ấu thơ. Cũng như khi thành người, một nơi chốn nơi được sinh ra, lớn lên v.v…. cho dù cuộc sống vui buồn lẫn lộn nhưng Mẹ vẫn là một hình tượng luôn luôn ngự trị trong từng trái tim con người …
    Có một thời gian khá dài tôi mất liên lạc với gia đình. Đến khi về lại quê hương cái cảm giác về thời thơ ấu của tôi lại lâng lâng hồi ức. Vẫn ngôi nhà xưa nhưng giờ đây có vẻ nhỏ hơn. Dòng sông vẫn lững lờ trôi theo năm tháng nhưng tôi có cảm tưởng như nó vẫn trẻ mãi bên tôi… Ngày xưa khi còn học Mỹ thuật tôi vẫn mơ làm một cái gì cho quê tôi. Nhất là cái xứ Bình Dương. Ở đây, nghệ nhân nhiều vô kể, từ thế hệ này đến thế hệ kia nối tiếp kiến tạo những vẻ đẹp qua những sáng tác ngợi ca quê mình.  Lần về quê xưa tôi vẫn nhớ nhiều hơn qua những mái đình cổ kính. Không phải vì tôi không thấy cái khác lạ ở những ngôi giáo đường nhưng cái đình nó như một cái gì đó đã tiềm tàng trong ký ức tôi. Từ dáng cây cổ thụ đến những nhành sứ xù xì. Những mái chùa rêu phong cũ kỹ như chứng tích của thời gian. Có lẽ cha ông chúng tôi đã dày công tạo dựng cách xây cất một cấu trúc cổ kính bàng bạc vào cõi không vô tận. Để từ đây tâm hồn thanh thoảng. Để cho cái ngã rẽ kia sẽ là những mênh mông cùng thiên nhiên…
    Đến từng ngôi chùa để vẽ luôn là những mơ ước trong dự án của tôi. Nhưng với riêng ngôi chùa Hội Khánh vẫn thôi thúc. Những mái ngón rêu phong im lìm dưới vòm đại thụ. Nghiêng nghiêng bên đồi là Tháp tổ phát triển dòng Lâm Tế. Chùa Hội Khánh đã được dựng cùng thời với những hộ gia cư ở Bến Nghé Sài Gòn, có thể từ những năm 1741. Tôi ngắm nhìn cội sứ già nua bên cái am nhỏ rồi chợt cảm xúc phác họa nên những vệt màu. Một cây sứ già nua để có được những cánh hoa thật tinh khiết. Ngày xưa khi còn học sinh mỹ thuật vẫn thường đến đây vẽ hàng ngày nhưng tôi nào có thấy gì đâu ?...
    Bởi vậy mới nói, có những người xa quê hương mới thấy quê hương mình đẹp! Và cái đẹp cũng chẳng của riêng ai… Tôi thích ngôi chùa này với lối kiến trúc giống như một cái đình, có những cái sáng tạo pha lẫn điều lạ kỳ.  Ví dụ như tôi vẫn ám ảnh pho tượng Dharma ở phía sau hậu tổ. Bên cạnh những bản khắc gỗ dùng để in kinh…
    Hội Khánh ngày xưa là nơi ấn hành kinh sách, tôi rất cảm kích những công trình đầy vẻ đẹp kiên nhẫn của các nghệ nhân. Nhất là bản gỗ Lục Thù Hải Hội. Đó là bản khắc đẹp dùng in giấy áo, quần để tẩm liệm chung với người chết …  
    Hơn thế nữa qua những phát hiện từ nghiên cứu cá nhân, tôi biết những ngôi chùa cổ của Bình Dương là con đường phát triển của dòng Thiền Lâm Tế. Tính đi từ ngôi chùa cổ ở Dĩ An, tôi còn may mắn trở về trên quê xưa nơi tôi sinh ra và lớn lên. Được vẽ, được ngợi ca những vẻ đẹp của quê mình, đó như một niềm hạnh phúc…
    Hạnh phúc khi bên tôi còn cả một quê hương…
 

Đình Bà Lụa
(Cảng Bà Lụa - Bình Dương)
Tranh sơn dầu - 2002