LUẬT SƯ TRẦN VĂN TRAI
MỘT NHÂN SĨ ĐẤT BÌNH DƯƠNG

Hoàng Anh
(3-12-2011)


 

     Luật sư tiến sĩ Trần Văn Trai: Là một nhân sĩ nổi tiếng ở Bình Dương, được nhiều người ngưỡng mộ, luôn nhắc đến với lòng tri ân chân thành.
    Ông sinh năm 1911 tại làng An Mỹ, tỉnh Thủ Dầu Một. Là con thứ chín trong một gia đình nông dân đông con, hàng ngày phải đi bộ hàng chục cây số để đến trường.
Ông học hành xuất sắc từ hồi còn bé, nhờ đậu bằng sơ cấp tiểu học loại giỏi nên được tuyển vào trường  Lycée ở Mỹ Tho, sau lại học tiếp Cao đẳng Sư Phạm Hà Nội. Ông sang Pháp du học tại Đại học Sorbone lừng danh và về sau đỗ hai bằng tiến sĩ về văn chương và luật trên đất Pháp.
    Năm 1954 ông về nước, bỏ tiền của ra xây dựng trường tiểu học bán công An Mỹ, về sau nâng lên thành trường trung học An Mỹ. Đã nhắc đến trường trung học công lập Trịnh Hoài Đức thì không thể không nhắc đến ngôi trường công thứ hai này, nơi đã giúp cho không biết bao nhiêu học sinh, nhất là học sinh con nhà nghèo ở nông thôn có điều kiện đi học. Ngoài ra ông còn đóng góp cho rất nhiều công trình phúc lợi khác trong tỉnh. Đến nay, dân địa phương vẫn còn nhớ đến tên ông Trai với lòng biết ơn và ngưỡng mộ vì những cống hiến quí giá của ông đối với quê hương. Tại khu vực trung tâm của thành phố mới hiện đại Bình Dương đang trong quá trình xây dựng, trước khu hành chính tỉnh là hai hồ nước xanh rất đẹp, được ngăn cách bởi một con đập có tên gọi là đập ông Trai. Khi thành phố mới thành hình, rất mong rằng cái tên gọi dân gian này sẽ được gìn giữ mãi.  
Một vài tác phẩm tiêu biểu của ông như: The Annamese patriarchal family: La famille patriarcale annamite (1950, 638 tr.) La famille patriarcale annamite (1942,360 tr.), L’enseignement traditionnel en An-Nam (1942-144 tr.), Les noms et l’âge des Annamites (1942-10tr.)…
Gia đình ông trước đây cũng từng thành lập hai hãng phim là Mỹ Phương phim và Mỹ Vân phim, nơi phát hiện Thẫm Thúy Hằng và thực hiện bộ phim “Người đẹp Bình Dương” tạo nên một “thương hiệu” đáng tự hào cho phụ nữ xứ này.
    Ông mất vào lúc 18g ngày 13 tháng 10 năm 2011 tại Paris. Lễ hỏa táng được tổ chức tại nghĩa trang Père Lachaise vào ngày thứ tư 19-10-2011. Di cốt ông sau đó được con cháu đưa về an táng ở nghĩa trang dòng họ ở ngôi làng An Mỹ, Bình Dương, nơi ông đã sinh ra và sống những ngày ấu thơ trong khung cảnh của một làng quê nghèo heo hút ngày xưa. Theo lời kể của người thân trong gia đình, vào buổi sáng cuối cùng của đời ông, khi người cháu như thường lệ định đưa ông đi dạo trên chiếc xe đẩy, ông từ chối và nói rằng hôm nay ông về An Mỹ. Dù xa cách bao lâu, nhưng hình ảnh quê hương vẫn là những ân tình sâu đậm không hế phai nhạt trong lòng ông, và có lẽ cũng trong lòng của rất nhiều người Việt Nam ly hương khác nữa.
   Như nguyện ước của ông, di cốt của ông được con cháu đưa về làng An Mỹ, Bình Dương và nhập quan vào lúc 20 giờ ngày 30 tháng 11 năm 2001. Người đến dự đám khá đông, Ngoài con cháu, bà con xóm giềng, có mặt rất nhiều cựu học sinh của hai trường trung học An Mỹ và Trịnh Hoài Đức.
   Quan tài của ông đặt trong một ngôi nhà tuy có sửa sang làm mới lại nhưng bên trong nhà vẫn giữ được nét kiến trúc xưa với nhiều cột gỗ, liễn đối, và nhiều hình ảnh khắc xà cừ, nét đặc trưng của nghệ thuật xứ Thủ.Không gian ngôi nhà tạo một cảm giác cổ xưa, thoáng nhẹ nỗi niềm u hoài xao xuyến trước bước đi cuả năm tháng và sự mong manh ngà ngọc của bao kiếp người. Quanh ngôi nhà là một khu vườn rộng rải, xanh mát, tĩnh mịch. Nhìn những cây cổ thụ già cỗi, nhìn những lối đi nhỏ, con đường làng, nơi ngày xưa ông đã đi về, chưa gặp ông lần nào, mà vẫn hình dung bóng dáng một con người…
   Đến dự đám tang của ông, có nhiều điều để chiêm nghiệm. Chết, thì rồi ai cũng phải chết, thế nên chết không phải là chuyện đáng buồn. Vấn đề là mỗi người đã sống cuộc đời của mình như thế nào. Nhìn những người đến viếng lễ tang ông, thăm ông một lần cuối cùng với tấm lòng thương nhớ, qúy trọng, mới thấy đám tang thì lúc nào cũng buồn, nhưng cũng có những đám tang tuy buồn mà đẹp, rất đẹp, như đám tang của ông.

(Luật sư Nguyễn Ngọc Giao)

   Người ta sống như thế nào, thì chết như thế ấy, lời này đúng chăng?
   Xin nói thêm đôi điều về ông, ở Bình Dương từ sau 1975, người ta không nhắc đến ông nữa, tên tuổi ông chìm dần vào quên lãng. Lý do, có lẽ vì ông là người của chế độ cũ, ông đang sống ở nước ngoài, từng là luật sư, dân biểu, Bộ Trưởng Giáo Dục (theo lời cháu con của ông, ông làm được vài tháng trước khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ)… Tôi cố gắng muốn nhắc mọi người ở đây phải nhớ đến ông nhưng chưa biết phải làm sao. Dịp may đến, cách đây vài năm, anh bạn nhà văn Phan Đức Nam từ Sài Gòn về gặp tôi ngỏ ý muốn viết về một vài nhân vật người Bình Dương nhưng chưa biết phải viết ai. Tôi giới thiệu ngay hai người, một là ông Trần Văn Trai, nhân sĩ hàng đầu; hai là Huỳnh Văn Cù, liệt sĩ chống Pháp. Tôi hướng dẫn anh cách đi tìm tài liệu, gặp gỡ nhân chứng sống, và với sự trợ giúp nhiệt tình nữa của thầy Nguyễn Hiếu Học. Không lâu sau đó, cả hai bài viết này được đăng trên tạp chí Tài Hoa Trẻ. Tiếp theo, từ bài viết này, thầy Nguyễn Hiếu Học viết  một bài nữa về ông Trai đăng trên một tuyển tập của tỉnh. Bài viết này sau đó có người chuyển qua bên Pháp cho ông Trai, ông có viết đôi lá thơ gởi về cho thầy Học và tặng quà cho thầy vào dịp Tết.



   Như thế, tôi cảm thấy vẫn chưa đủ, chưa xứng với tầm mức của ông Trai nên tiếp tục tìm cách giới thiệu về ông. Tôi đã viết về ông trong một bài viết ca ngợi các nhà giáo tiền phong của Bình Dương như Trương Văn Di, như Nguyễn Văn An, như Đặng Quan Điện, Nguyễn Văn Phúc… Bài viết này, gởi đã mấy năm nay, nhưng không được tạp chí Văn Nghệ Bình Dương chọn đăng, với lý do, có lẽ vì viết về “người lạ” nhiều quá. Không nãn, tôi lại tiếp tục đưa bài viết này vào một tác phẩm khác, tựa đề “Bình Dương, đất và người quê tôi” để dự thi giải văn học nghệ thuật Huỳnh văn Nghệ. Tác phẩm trúng giải, hy vọng một lúc nào đó có thể xuất bản, và tên tuổi của ông Trần Văn Trai sẽ được khắc ghi đậm nét hơn.
Đến thắp nén nhang cho ông, nhìn di ảnh của ông, tôi muốn thầm nói với ông rằng, bao năm qua, tôi đã âm thầm làm một công việc gì đó cho ông, nay đã làm được phần nào. Vậy ông vui nhé, ra đi thanh thản nhé, điều tốt, điều xấu mà mỗi người đã làm trong kiếp sống, điều để lại những dấu ấn mà người đời rồi họ cũng biết hết đấy thôi.
    Ai chọn tấm ảnh của ông để trên bàn thờ thiệt hay quá đi. Sống bên Tây nửa thế kỷ, mà khuôn mặt ông vẫn là khuôn mặt của một ông già Nam bộ, trông hiền lành, giản dị, và ông lại hơi mỉm cười, trông thanh thản, an lạc làm sao!
 
(Xem thêm hình ảnh tang lễ LS Trần văn Trai trong phần Hình Ảnh)