KỲ LÂN
HOÀNG ANH
Kỳ lân, loài vật huyền
thoại quen thuộc với đa số người Việt, tuy nhiên, đó là
con vật như thế nào thì nhiều người vẫn còn biết một
cách khá mơ hồ.
Ở miền Bắc, giống như ở Trung
Quốc, múa lân còn gọi là múa sư tử.Tuy
vậy trên các bức tranh “Cóc múa lân” thuộc
dòng tranh Đông Hồ, chữ Nôm xưa vẫn ghi là
“Phụng Lân”
Con lân đực được
gọi là kỳ, con cái là lân . Gọi chung là kỳ lân,
một trong bốn vật “tứ linh” của Trung Quốc (ba con còn lại là
long, qui, phụng). Nếu như long, qui có từ tương đương tiếng Việt
là rồng, rùa thì lân được giữ nguyên theo
cách gọi của từ Hán Việt. Theo Wikipedia, tài liệu xưa
nhất đề cập đến kỳ lân (qilin) xuất hiện vào thế kỷ thứ 5 trước
Công Nguyên trong bộ sách gọi là Zuo Zhuan. Còn
theo sách sử Trung Hoa như bộ Tam Hoàng Ngũ Đế thì kỳ
lân xuất hiện lần đầu vào thời Hoàng Đế Hiên Viên,
cách đây khoảng 5000 năm. Lần thứ hai là vào thời
Khổng Tử, nhưng lần này, một người gánh củi thấy con thú
có hình thù kỳ quái, hoảng sợ nên đánh
nó què hết một chân. Biết chuyện, Khổng Tử buồn rơi lệ
vì cho con lân này là ứng vào mình
nên bỏ mộng chu du liệt quốc để bình thiên hạ. Ngài
luận rằng lân bị đánh què là điềm không may,
tức là mình sinh bất phùng thời, có đem sở học
đi rao giảng ở đâu chăng nữa sợ không ai nghe mà có
khi lại mang họa vào thân.Từ đó, Ngài ở nhà
sáng tác kinh Xuân Thu, vì tích này,
sách còn được gọi là Lân kinh.Thuyết khác
nói rằng Ngài đang soạn sách thì biết chuyện
lân bị tai nạn, do đó mới ngưng không viết tiếp nữa.Và
cũng từ đây, lân biến mất, không biết tại nó bị
què, hay vì thế gian này không còn thánh
nhân ra đời nữa!
Lại cũng có tích
nói khi bà Trưng Taị mang thai Khổng Tử, bà nằm mơ thấy
một con lân từ từ đi tới trước chân bà thì nằm
phục xuống nhả ra một viên ngọc có đề hàng chữ “Con nhà
Thủy Tinh, làm vua không ngai dưới đời Châu suy tàn”.
Nói chung, dù truyền thuyết có khác nhau, với
người Trung Quốc, lân vẫn là con vật tượng trưng cho sự thái
bình thịnh trị, cho may mắn và nó chỉ xuất hiện vào
những thời đại có thánh nhân ra đời. Thế nhưng xem sử
sách Trung quốc, ta biết thời của Đức Khổng Phu Tử, được kể lại trong
bộ Đông Châu Liệt Quốc, lại là thời ly loạn
làm con người khốn khổ hơn bao giờ hết!
Bức tranh tựa đề Qilin
Brings Serenity (rui) Ode, của một họa sĩ cung đình vẽ hình
một trong hai con hươu cao cổ của Trịnh Hòa vào năm 1414.
Hình ảnh kỳ lân thay
đổi theo từng triều đại, nhưng có lẽ được miêu tả bắt đầu từ
triều đại nhà Minh (1368-1644). Sau chuyến hải hành của Trịnh
Hòa (Zheng He) đến miền Đông Châu Phi (vùng đất
ngày nay thuộc về Kenya), viên quan Thái Giám
này đã đem hai con hươu cao cổ về Bắc Kinh. Lần đầu tiên
nhìn thấy loài vật có hình dáng lạ lùng
này, vua tôi nhà Minh rất ngạc nhiên. Nhà
vua bèn cho rằng đây chính là con kỳ lân,
vật linh biểu tượng cho quyền lực to tát của ông ấy.
Việc mượn những đường nét
của con hươu cao cổ có thật để kết cấu nên con lân huyền
thoại còn ở đặc điểm đã được miêu tả trong sử sách
xưa về tập tính của chúng: chỉ ăn “chay” và hiền lành.Theo
một bộ sách tên là Từ Nguyên thì lân
không ăn thịt sống, không ăn cỏ tươi, nhưng cũng không
nói chính xác là lân ăn gì. Lân
có thể đi trên cỏ với thân hình to cao bệ vệ mà
không làm hư hại cỏ, cũng không làm tổn hại các
sinh vật nhỏ bé khác sống trong đó, và có
thể lướt trên mặt nước mà không bị chìm. Điểm khác
biệt đáng kể nhất giữa chúng là ở cái cổ, một
con thì dài quá, một con lại ngắn quá, ta không
hiểu vì sao người xưa lại liên kết chúng như thế. Nhờ
sự tạo tác của loài người, lân bắt đầu có hình
có dáng. Đầu tiên, lân là con vật bốn chân
với cái đầu rồng có hai cái sừng giống như sừng bò,
mình có vảy cá. Đến thời Mãn Thanh (1644-1911),
lân có thêm cái đuôi của sư tử.
Có lẽ vì muốn
làm tăng thêm tính linh thiêng cho con vật,
loài người tha hồ tưởng tượng và tạo dáng vẻ riêng
cho nó.Lân có thể có đầu nửa rồng nửa thú,
có hai sừng, tai chó, trán lạc đà, mắt quỷ, mũi
sư tử, miệng rồng, thân ngựa, chân hươu, đuôi bò,
vú như vú ngựa, mình nai, có vảy như vảy cá,
lông ngũ sắc, đuôi trâu...Trải qua dòng thời gian
với nhiều thêm thắt, biến đổi; ngày nay, hình ảnh lân
đã dần định hình và con lân quen mắt với chúng
ta hôm nay là một con vật bốn chân có một sừng,
mình có vảy như vảy cá, đầu nửa giống rồng, nửa giống
thú, miệng rộng. Cây sala, hay cây Vô Ưu, theo kinh
điển Phật giáo, là nơi đức Phật Thích Ca đản sinh (trong
khu vườn Lumbini) và Ngài nằm nhập diệt cũng dưới hai cây
đó (tại Kisinara). Giới chơi cây cảnh ở Việt Nam đặt cho loại
cây này các tên như cây Đầu Lân, Ngọc
Kỳ Lân, hay cây Hàm Rồng, không biết giữa chúng
có mối liên hệ nào với hình dáng của đầu
lân hay không.
Điểm đặc biệt nhất là
con lân đực có hai cái sừng, hơi giống sừng nai, thế
nhưng về sau, từ từ nó chỉ còn lại một cái sừng nhọn,
ngắn, hơi cong cong về phía trước như sừng tê giác. Sừng
này làm con lân có vẻ dữ tợn nhưng không
húc chết ai và lại được cho là hiện thân của lòng
nhân từ, thế nên người ta cũng gọi nó là Nhân
thú. Tuy hiền lành, nhưng khi gặp những thế lực hung ác
hãm hại loài người, lân có thể phun lửa hay thể
hiện thần oai xua đuổi chúng đi..
Bên Phật giáo,
lân thường được thể hiện đội tòa sen, làm chỗ ngồi cho
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát hay các vị Hộ Pháp. Một
hóa thân khác của lân là long mã,
một con vật nửa rồng nửa ngựa chạy trên sóng nước, lấy theo
tích vua Vũ trị thủy, tượng trưng cho nam nhi tung hoành ngang
dọc, và cũng tượng trưng cho thánh nhân, cho sự vận hành
của vũ trụ.
Trung Hoa có một biến
thể nữa của lân là Tỳ Hưu, loài thú có
hai sừng, bờm rất dài uốn cong chạy dọc sóng lưng, còn
gọi là “Hươu Trời”. Lúc đầu nó có hai sừng, về
sau cũng giống như lân, không biết vì lý do gì
nó “rụng” bớt một sừng, thành thử nhìn không khác
chi lân. Con vật này được cho là có sức thu hút
tài lộc về cho gia chủ nên người ta đúc tượng để bán.
Đây có lẽ là một chiêu thức kinh doanh hốt bạc
của người Hoa mà thôi.
Kỳ lân viết theo tiếng
Anh là qilin, tiếng Nhật là kyrin, còn tiếng Hàn
là girin, các âm này gần giống như nhau, nên
có thể suy ra là từ một nguồn gốc. Cùng nằm trong những
vùng lãnh thổ chịu ảnh hưởng sâu đậm của nền văn hóa
Trung Quốc như Việt Nam, hai nước Nhật và Hàn cũng có
con lân với một ít khác biệt. Con lân Nhật giống
như con nai và có đuôi bò thay vì đuôi
sư tử. Người Nhật cũng xếp nó lên hàng đầu trong tứ linh
thay vì đứng sau long và phụng. Điều này, họ giải thích
là vì giữ đúng truyền thuyết cổ của Trung quốc, theo
đó lân được xếp đứng đầu, kế đó mới tới phụng và
long đứng thứ ba.
Dù du nhập từ Trung
Quốc, đáng chú ý là con kyrin của người Nhật
có vẻ giống như con unicorn của Tây phương hơn là con
qilin của người Hoa. Unicorn, hay kỳ lân Tây, là một loài
ngựa có sừng. Cũng giống như lân ta, lân Tây là
con vật huyền thoại và không có hình hài
cố định. Nó thường được miêu tả như một con ngựa trắng, râu
thì râu dê và có một cái sừng nhọn
cao vút ở đỉnh trán. Trong kho tàng đồ sộ và phong
phú của thần thoại Hy Lạp không có lân, nhưng người
ta biết về nó trong các tài liệu về lịch sử tự nhiên
của Hy Lạp cổ đại, trong đó các tác giả người Hy Lạp
tin tưởng lân là một con vật có thực và quê
hương của chúng là đất Ấn Độ xa xăm. Người đầu tiên viết
về nó là Ctesias, nhà vật lý và sử gia
sống vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên. Ông nói
rằng đó loài thú hoang có một sừng. Dựa vào
mô tả của ông, những người đời sau dẫu có nhiều thêm
thắt, biến cải nhưng con vật với một cái sừng nhọn trên đầu
vẫn là đặc điểm chung nhất của nó.
Đến thời Trung Cổ và
Phục Hưng, lân Tây được xem như con thú hoang trong rừng
thẳm, tượng trưng cho sự thuần khiết và duyên dáng, chỉ
có thể khuất phục bởi các trinh nữ mà thôi. Người
ta tin rằng chiếc sừng của linh vật này có thể giải được chất
độc và chữa được nhiều loại bệnh tật.Theo thời gian, lân Tây
ngày càng được nhắc tới nhiều trong các lãnh
vực văn học, tín ngưỡng tại nhiều quốc gia với những giai thoại và
giải thích khác nhau về nguồn gốc, đặc điểm, hình dáng.
Đến thế kỷ 19, niềm tin tưởng vào lân Tây được lan rộng
trong mọi giới kể cả các sử gia, nhà văn, thi sĩ, các
nhà thần học, tự nhiên học…
Nãy giờ nói chuyện
lân ở xứ người, giờ xin chuyển qua con lân Việt. Trong các
trang trí kiến trúc đình, chùa, miếu cổ Việt
xưa có con nghê (hay Toan Nghê, từ Hán Việt là
Phật Sư, nghĩa là trấn giữ), có người giải thích rằng
nó cũng lấy ý tưởng từ Phật Sư của đạo Phật. Con này
mình không lớn, không có sừng, chân ngắn,
thường có móng vuốt, không có vảy trên thân,
đuôi thường có lông che phủ, thể hiện nét tinh
nghịch và vui tươi, uyển chuyển chứ không hùng dũng oai
vệ như lân. Khác với nguồn gốc đầy huyền thoại của lân,
con nghê được cho là có nguồn gốc từ con chó giữ
nhà. Trước cổng làng, cổng đình của người Việt ngoài
Bắc xưa thường có tượng con chó đá, được phản ánh
trong một số truyện cổ tích của Việt Nam như chuyện “Chưa đỗ ông
Nghè đã đe hàng tổng”. Thờ con chó, người Việt
thể hiện một tinh thần tuy có vẻ hơi nghèo trí tưởng
tượng nhưng khá thực tế. Có người so sánh nếu Tàu
có con lân thì người Việt có con nghê, thế
nhưng có lẽ vì lý lịch không có “gốc gác”
tốt như lân nên ngày nay, ngoại trừ những nhà nghiên
cứu về văn hóa, người Việt chỉ biết có kỳ lân mà
khá mù mờ về con nghê.
Chuyện lân Tàu,
lân Tây, lân ta kể đến đây cũng khá dài;
còn tại sao riêng ở tỉnh Bình Dương người ta lại gọi
nó là con cù, xin dành cho một bài viết
khác.