HUỲNH VĂN CÙ
ANH HÙNG CHỐNG TÂY

HOÀNG ANH (29-03-13)

 

Trước đây nửa thế kỷ, dân chúng vùng chợ Thủ có truyền tụng hai câu ca:
“Ai nghe chăng Ông Cù cụt tay
Hô xung phong lấy đồn ban ngày”
Ông Cù Cụt Tay là một nhân vật lịch sử nổi tiếng của vùng đất Thủ Dầu Một thời chống Pháp. Ông nổi tiếng vì những chiến công hiển hách đã lập được, và còn vì hình ảnh những phút cuối cùng của một anh hùng sa cơ: lẫm liệt, bi tráng.
Cuộc đời của ông Cù được viết lại sau đây với nhiều thận trọng, có tham khảo chọn lọc từ nhiều tài liệu đã viết về ông. Đồng thời, kết hợp thêm với lời kể của vài vị lớn tuổi còn sống tại địa phương, những người vẫn lưu lại trong ký ức ít nhiều hiểu biết về nhân vật này. Những giai thoại, truyền thuyết về ông Cù mà chúng tôi nhận thấy còn mâu thuẫn, chưa hợp lý và trong khi chưa tìm ra được tài liệu để kiểm chứng thì xin gát lại chờ đợi cơ hội trong tương lai.  
Theo các tài liệu đã viết về ông Huỳnh Văn Cù, ông sinh năm 1919, tại ấp Chánh Thành, xã Chánh Hiệp, tỉnh Thủ Dầu Một. Bà Nết, vợ ông, không còn nhớ rõ năm sinh của chồng, nhưng không đồng ý với thời gian này, vì theo bà, ông phải nhỏ hơn vài tuổi mới hợp lí.
Ông là con thứ hai trong gia đình có ba chị em, ông có một người chị và một đứa em trai. Cha là Huỳnh Văn Lô, thường gọi ông ba Lô, làm nghề chạy xe ngựa, hoạt động bí mật chống Pháp, bị bắt bỏ tù đến năm ký hiệp định Geneve (1954) mới được thả. Ông sinh ra và lớn lên trong một ngôi làng nghèo, tuy cách chợ Thủ không xa nhưng nhà cửa thưa thớt, hẻo lánh, xung quanh còn rất nhiều khu rừng chồi. Dân làng hầu hết làm nghề nông, hoặc làm mướn kiếm ăn qua ngày. Có lần Tây đi bố, gom bắt dân chúng đem ra suối Giữa bắn chết hết gần 50 người. Tuổi thơ của ông lớn lên trong khung cảnh hiu quạnh tang thương ấy. Niềm vui thời đó với ông là những trò chơi ở đồng quê như bắn chim, bắt dế, thế nên ngay từ nhỏ, với cái giàn thung, ông đã là tay bắn giỏi. Khi lớn lên, có thời gian ông làm thợ may ở chợ Thủ.
Đến năm 1945, ông gia nhập phong trào Thanh Niên Tiền Phong giành chánh quyền ở chợ Thủ, rồi chuyển sang làm Hội trưởng Thanh niên Cứu quốc. Năm 1946, ông chính thức đứng vào hàng ngũ lực lượng Việt Minh. Được bầu làm ủy viên Ủy ban Kháng chiến hành chánh xã Chánh Hiệp, ông thành lập đội du kích xã.
Đến tháng 8-1948, Cù là Phó bí thư thị ủy, kiêm Phó chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính và đặc trách thị đội trưởng thị xã. Cơ quan hành chánh của thị xã đóng ở ấp 4 xã Chánh Hiệp. Trụ sở mật của thị đội đóng ở các điểm Bà Lụa, Phú Văn, Mỹ Bình. Địa bàn hoạt động chánh bao gồm các xã Chánh Hiệp, Phú Cường.
Trong thời kỳ này, nhiều chiến công của đơn vị do ông Cù chỉ huy đã được các nhà viết sử địa phương ghi lại trong sách vở như ám sát những tên ác ôn, Việt gian, đánh đồn, phục kích. Về sau ông bị Pháp bắt sống, chúng cột ông lên xe bọc thép chở đi vòng quanh vùng chợ Thủ cho mọi người nhìn thấy rồi giết đi, không ai biết chính xác chúng giết ông ở đâu, khi nào.
Theo bà Sáu Nết, đêm 19-01 năm 1949, ông Cù bị Tây bắt, khi bị bắt, ông đang nằm trốn một mình dưới đám lục bình trong một con rạch bên Mỹ Bình (Bình Mỹ, ngày nay), một phụ nữ, có thể là một đồng chí phản bội, đã điềm chỉ cho Tây đến bắt ông. Người ta cũng đồn rằng, vài hôm sau, Tây đã hành quyết ông ở khu đất phía sau chùa Cô Hồn (nay là trường trung học cơ sở Phú Cường), nhưng nay thì không ai có thể khẳng định điều này.
Sau 1975, ông Cù đã được truy tặng huân chương kháng chiến hạng nhất. Tên ông còn được đặt cho một con đường, theo sách mô tả thì:
“Trước đây là hương lộ, từ năm 2001 mang tên đường Huỳnh Văn Cù, từ ngã tư chợ Cây Dừa đến cầu Phú Cường, dài 2190m, làm ranh giới giữa phường Phú Cường với xã Chánh Mỹ” (1)
Trong thực tế hiện nay, đường Huỳnh Văn Cù bắt đầu từ bùng binh trên đại lộ Bình Dương, (đầu đường Phạm Ngọc Thạch, lối dẩn vào bệnh viện 512 giường của tỉnh), chạy ngang qua chợ Cây Dừa, tới đầu cầu Phú Cường.

Chuyện kể thêm về ông Cù:
1.Phần sau đây, ghi lại theo lời kể của một người (tháng 2-2013) cho biết từng là chiến sĩ chiến đấu trực tiếp dưới sự chỉ huy của ông Cù là ông Lê Tấn Sĩ, sinh năm 1934 tại Hòa Phú, huyện Củ Chi, hiện nay đang sống ở Paris.
 Theo lời ông, đội ám sát khi ấy có 5 người, tuổi trạc đôi mươi, người trẻ nhất là ông Sĩ, mới 16 tuổi. Anh ba Cù dáng người tầm thước, hơi xương, thao tác nhanh nhẹn và vui vẻ, nói chuyện khá thu hút, ai cũng thương. Bàn tay phải của anh bị cụt mất, bên hông trái  đeo cây súng lục của Đức (có thể là lọai súng Walther PP), đây là loại súng ngắn tự động. Anh em còn lại thì thường xài ru lô mà thôi (Rouleau). Anh Ba có tài bắn súng bá phát, nghe nói anh đã hạ rất nhiều tên địch bằng cây súng ngắn đó. Anh Ba sống rất hòa đồng với anh em, lúc nào cũng ăn chung, có miếng ngon thì kêu mọi người xúm lại cùng ăn chứ anh không khi nào ăn một mình. Chỉ có ban đêm, cứ hai ba hôm là anh lại bỏ anh em đi đâu đó không biết, tờ mờ sáng mới thấy lò mò về. Anh Ba thường khuyên anh em rằng: “Việc gì cũng cần phải hết sức bình tĩnh. Dù bất cứ việc gì xảy ra, bình tĩnh thì sẽ vượt qua hết”.
Họ thường ẩn núp trong một căn chòi nhỏ nằm giữa đám mía cách cầu Rạch Tra chừng 500 mét (Mỹ Bình, Củ Chi). Hồi đó dân thương Việt Minh lắm, nên kẻ cho gạo, người cho cá, tổ du kích nhờ vậy cũng sống tạm qua ngày. Ban đêm mỗi người một chiếc võng, tản ra kiếm chỗ nằm ngủ. Khi có nhiệm vụ thì rời căn cứ, bơi xuồng ra đi.
Khi rời cứ, họ chèo ghe vượt sông Sài Gòn, cặp bến sông khúc gần chợ, khu Lò Heo. Từ đó họ rẻ vào con rạch nhỏ, tới cầu Cỏ, rồi lách dần tới đoạn gần rạp hát Thanh Bình, ở đây, họ neo ghe rồi tất cả lên bờ, nhiệm vụ ai nấy đi. Rạp hát Thanh Bình là điểm từ đó xuất kích và tập họp sau khi thực hiện nhiệm vụ. Mỗi người phải cải trang để đóng một vai khác nhau, len lỏi vào chợ. Kẻ thì bán dế, người bán cà rem. Thùng dế hay cà rem đều có ngăn riêng dưới đáy, đó là chổ để dấu súng hay lựu đạn. Mỗi người tìm cách di chuyển đến mục tiêu mà anh Ba đã phân công, và cứ theo kế hoạch mà hành động.  
Tiểu đội dưới sự chỉ huy của anh Ba đã lập được khá nhiều chiến công, làm cho giặc ăn ngủ không yên. Có lần, họ tổ chức cướp súng của một tên trung sĩ người Miên. Sau nhiều ngày theo dỏi, anh em phát hiện một quy luật của tốp lính do tay trung sĩ này cầm đầu. Hàng ngày, tụi nó thường đi tuần tiễu từ hướng đồn ở cầu Thủ Ngữ về chợ, tới cái bót nhỏ gần cầu Thầy Năm Trong thì dừng lại nghỉ ngơi. Thằng trung sĩ hay xuống mé sông để rửa chân, vẫn mang kè kè theo cây súng. Hôm đó một anh phục sẵn dưới sông giả đò đang rửa ráy chân tay. Khi thằng Miên đang lom com lo rửa hai khúc chân đầy bùn đen và lông lá của nó. Anh này vùng dậy, giáng cây chèo thật mạnh vào sau gáy, thằng nọ té ùm xuống nước không kịp cất một tiếng la. Anh chiến sĩ tháo lấy cây súng và phóng xuống sông lội đi mất, trước khi bọn lính chờ trên bờ phát hiện được. Ít lâu sau, một lãnh đạo công an Hốc Môn là ông Chà đến mượn Ba Cù cây súng đó để đi ám sát tay Chích là tay ác ôn nổi tiếng nhất của vùng Hốc Môn. Khi bắn thử vào trái dừa trên cao cho chắc ăn, súng nổ rất ngon, thế nhưng khi bắn thiệt vào đầu thằng ác ôn này hai phát thì súng lại tịt ngòi. Mạng tay nào cao số, phải ám sát lần thứ ba thì nó mới chết. Lần cuối cùng này, chắc số nó tận rồi, chỉ cần dùng cây súng tự tạo, bắn hai phát vào bụng, nó chết liền tại chổ.
Một trong những trận đánh có tiếng vang lớn là vào dịp rằm tháng giêng. Dẩn đầu đoàn cộ Bà có bốn người lính Tây cầm súng trường. Đây là mục tiêu để thanh toán. Đến cuối đường Nguyễn Thái Học, tới khúc quanh rẻ về hướng chợ cá, anh chiến sĩ tên Tư ném lựu đạn vào bốn người lính. Thế nhưng mặc dù anh Ba Cù đã dặn kỹ, sau khi tháo chốt, phải đếm cho đủ mấy tiếng rồi mới quăng. Thế nhưng có lẽ vì chưa kinh nghiệm và mất bình tĩnh, Tư quăng có hơi sớm, lựu đạn lăn long lóc mà không nổ. Người múa cù nhìn thấy trái lựu đạn đang lăn dưới chân mình, hốt hoảng đá đi. Trái lựu đạn lại bay tiếp tới người đàn bà đang ngồi bán cua ở góc cây cột đèn, lần này thì nó phát nổ. Rất nhiều người chết và bị thương vì tiếng nổ to bất ngờ này. Tư liền chạy thục mạng về hướng rạp hát Thanh Bình (đường Trưng Vương). Tại đó, một trái lựu đạn khói của anh em đóng chốt cũng đã được tung ra để ngăn chặn bọn lính từ đồn cầu Cỏ nghe nổ chạy lên ứng cứu. Lúc anh em ra tới điểm hẹn đầy đủ, liền nhanh bước xuống chiếc ghe đậu sẵn ở con rạch gần đó, hết sức chèo nhanh đi. Khi chiếc ghe đã vượt gần tới bên kia bờ sông Sài Gòn, một chiếc thuyền từ phía chợ đang lướt sóng xuống nhìn thấy, súng đạn trên thuyền từ xa đã bắn như mưa vào chiếc ghe. Lúc này, anh em đã bỏ ghe lao xuống sông và cố gắng bơi thiệt nhanh vào bờ. Chiếc ghe, khi ấy chỉ còn là những mảnh gổ vụn trôi lênh bềnh trên mặt nước đang tung tóe vì đạn. Lần này, may mắn cả tổ đều rút lui an toàn.   
Một hai hôm sau, như thường lệ, vào lúc mờ sáng, anh em đã tề tựu đông đủ tại rạp Thanh Bình mà chờ mãi vẫn không thấy anh Ba đến. Nghi là có chuyện bất thường, bèn kéo nhau di chuyển qua điểm khác gần đó, nóng lòng ngồi lại nghe ngóng tình hình. Đến khoảng 9 giờ sáng, thì nhận được hung tin rằng anh ba Cù bị bắt rồi, Tây đang chở anh chạy vòng vùng chợ Thủ, Phú Cường cho dân coi. Lén ra hòa vào đám đông, thấy anh bị cột vào phía sau của chiếc xe bọc thép, hai chân kéo lê dưới đất, mặt anh chảy máu ròng ròng, chắc là bị đánh dữ lắm, và cũng chắc là anh không khai, chứ nếu không thì giờ này cả đám đã bị bắt cả rồi. Chiếc xe cứ chạy chầm chậm, vừa đọc loa to thông báo về việc bắt được ông Cù. Sau đó, nó vòng về hướng chùa Cô Hồn và xử bắn anh trên một miếng đất trống gần chùa. Địa điểm nay là khu vực trường trung học Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một.

Cả tổ buồn bã, lặng lẽ rút đi. Về sau, nghe ngóng tin tức, biết rằng anh đã rơi vào ổ phục kích, hình như gần Giếng Máy và bị bắt tại đó. Số là, anh có một người vợ trẻ rất xinh đẹp của vùng Chánh Hiệp. Sau đó, cứ bất chợt đôi ba hôm, anh lại trở về để thăm chị. Thời gian đóng quân bên kia sông, những khi vắng mặt ban đêm, có thể anh thường men theo con đường Giếng Máy để về nhà. Lâu ngày, thành quy luật, chắc là có người phát hiện được và điềm báo cho Tây.
Nói thêm về tổ du kích dưới quyền Ba Cù, sau khi ông bị bắt và tử hình, sợ bị lộ, họ rời bỏ căn cứ cũ ở cầu Rạch Tra, rút về Hòa Phú, Củ Chi. Ít lâu sau, tại làng An Phú (Củ Chi), bên Kháng Chiến có tổ chức xử tử hình tên Việt gian làm gián điệp cho Tây, dân chúng và du kích kéo đến coi rất đông. Đêm đó họ ngủ bên bờ sông Lu, định sáng sẽ rút về nhà. Mới hừng đông, bất ngờ, tàu giặc từ phía sông kéo đến đổ bộ. Khi ấy mới biết đã bị bao vây tứ phía, mạnh ai nấy chạy tứ tán. Súng đạn Tây bắn như mưa rào từ sáng tới chiếu, riêng nhóm tám người có anh du kích trẻ tên Sĩ lội qua con rạch tới bờ thì bị địch từ trên bắn chết rạp. Nhờ yếu sức và lội chậm, anh Sĩ là người bơi sau cùng, khi bảy người kia bị bắn chết, xác đè lên người anh. Anh nằm yên chịu trận gần cả ngày, đến chiều tối khi Tây rút, dân làng mới dám mon men ra tìm, thì anh Sĩ mới được cứu sống. Tổng cộng có gần 200 người bị giết chết, anh Sĩ là người sống sót duy nhất trong trận này. Tại đây, về sau có xây ngôi đền để thờ cúng nạn nhân, hàng năm đều có tổ chức lễ cúng. Như vậy, tiểu đội ám sát đến lúc này coi như bị tiêu diệt, kẻ sống sót duy nhất đến hôm nay chỉ còn có ông Sĩ, người kể lại những câu chuyện này.

2.Theo lời kể của vợ ông Cù cho tác giả viết lại vào ngày 25-03-2013, chuyện gia đình ông Cù như sau: Bà tên là Nguyễn Thị Nết, sanh năm 1932, tuổi Thân, bà là cháu ngoại của ông Cả Cự, một điền chủ nổi tiếng giàu có trong làng. Mẹ mất sớm khi bà mới 3 tuổi, từ nhỏ sống với ông bà ngoại. Theo lời kể của những người lớn tuổi nay còn sống, thời thiếu nữ, bà là cô gái xinh đẹp hàng đầu vùng cầu Trệt, xã Chánh Hiệp. Khi bà mới vừa là một thiếu nữ, đã có vài chàng trai ngắm nghía theo đuổi, trong đó có ông Cù và ông tám Cạnh. Họ thường lui tới nhà bà, cơm nước, chuyện trò rất thân mật với gia đình. Ông tám Cạnh có tật cứ mỗi khi nghe tiếng máy bay ngang qua nhà thì cầm súng ra ngắm nghía như sắp bắn. Ông ngoại vừa sợ vừa giận, vì vậy một hôm ông nói với ba Cù thôi tao gả con Nết cho mày đó. Ông Cù và bà làm đám cưới với nhau vào năm 1948, lúc bà mới 16 tuổi, khi ấy bàn tay ông đã bị cụt. Ông lẩn trốn trong khu vực xung quanh, cứ hai bà hôm thì bất ngờ lại về thăm bà, một lát sau lại đi. Khi về thường có hai người cận vệ đi theo. Một vài người đồng chí của ông nay bà còn nhớ tên như ông út Lũi, ông hai Qươn, ông Vịnh…Khu vực xung quanh làng đào rất nhiều hầm trú ẩn của họ, nay đã lấp lại hết. Tây thường ruồng bố, quyết bắt ông nhưng không thành công. Mỗi khi có Tây sắp sửa đi bố, ông thường thông tin cho gia đình biết trước để đi trốn. Ông có dáng người tầm thước, hơi xương, tác phong nhanh nhẹn. Ông ăn nói có duyên, thu hút, khá đào hoa. Có lần, ông chinh phục được tình cảm của một người phụ nữ khá xinh đẹp là cô Sáu Gọn, quê Phú An. Cô này là vợ của tên Tây Sa Li (ghi âm) ở đồn Chánh Hiệp, không biết ông nói khéo như thế nào, mà cô ấy nghe lời dám lấy cắp súng ống bỏ chồng đi theo ông. Chuyện này thì ông kể cho bà nghe, không dấu, ngoài ra, ông hoạt đông như thế nào, đánh giặc ra sao thì bà không được biết.

Chiều chạng vạng ngày 15-2-1949, ông về gặp gia đình, dáng điệu khẩn trương. Ông nói với bà ngoại vợ rằng: “Ngoại mau mang vợ con đi trốn ngay vì Tây đang vây bắt con, đêm nay sợ tụi nó đi bố, ở lại nguy hiểm”. Đêm đó, hai bà cháu quấn khăn rằng, ăn củ trầu, vội vã cải trang thành người nghèo khổ rách rưới đi ra bến xe để về Sài Gòn. Mới tờ mờ sáng hôm đó, khi còn ở bến xe đã nghe người ta loan truyền với nhau tin ông Cù bị bắt, bà lo buồn nhưng còn bán tín bán nghi. Khi đó đã là rạng ngày thứ tư, 19 tháng giêng âm lịch (ngày 16-2 dương, về sau là ngày làm đám giỗ của ông Cù). Về Sài Gòn, bà tá túc nhà của người chị thứ tư. Một hai hôm sau má chồng xuống Sài Gòn báo tin, thì bà mới biết chắc rằng quả là chồng mình đã bị Tây bắt. Khi ấy bà có thai đã 3-4 tháng, về sau sinh ra, đặt tên cho con trai là Huỳnh Văn Lân. Cù và Lân, ở đất Thủ thì chỉ là tên của một con lốt duy nhất được múa nhiều vào dịp rằm tháng giêng. Khác với mọi nơi, dân Bình Dương chỉ nói múa Cù mà không nói múa Lân. Từ đó trở đi, bà phải lẩn trốn mãi vì Tây cứ cố theo truy bắt bà, đời sống của bà, một phụ nữ mất chồng, nuôi con nhỏ, vì vậy phải chịu đựng rất nhiều gian truân, khổ ải.
Hiện nay, bà Sáu Nết xinh đẹp năm xưa vẫn còn sống tại phường Hiệp Thành, thành phố Thủ Dầu Một. Bà vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn, vẫn nhớ lại khá rõ câu chuyện của thưở nào. Khi kể, đôi lúc bà bẽn lẽn e thẹn, lúc thì có vẻ ngậm ngùi thương tiếc khôn nguôi người chồng quá cố đã chẳng may mất sớm vì dân, vì nước.
Điều bà rất thắc mắc là không biết vì lý do chi, bà không được chánh quyền địa phương cấp cho tờ giấy công nhận liệt sĩ của chồng bà.

CHÚ THÍCH:
 
1. Nguyễn Minh Đức, Lược sử tên đường thị xã Thủ Dầu Một, 2008, tr. 80.

THAM KHẢO:

1. Phan Đức Nam, tạp chí Tài Hoa Trẻ 378, 2005
2. Lịch sử Đảng bộ thị xã Thủ dầu Một, 1988
3. Nguyễn Minh Đức, Lược sử tên đường thị xã Thủ Dầu Một, 2008.
4. Sông Bé, lịch sử chiến tranh nhân dân, nxb. Tổng Hợp Sông Bé, 1990.
5. http://www.sugia.vn/portfolio/detail/560/huynh-van-cu-nguoi-chi-huy-du-kich.html
6. Nguyễn Mậu Tùng, Lịch thế kỷ XX, nxb. Khoa Học và Kỹ Thuật, 1983