HOÀI NAM NGHĨA SĨ MIẾU
Hoàng Anh ( 10-03-2011)
“Hoài Nam nghĩa sĩ miếu” là tên gọi một
ngôi miếu bên Pháp, dựa theo tựa đề một bài báo
của hai tác giả Thái Tường Long và Dong Phu,
đăng tại Sài Gòn vào năm 1921, viết về buổi lễ khánh
thành của ngôi miếu này. (1)
Câu chuyện về ngôi miếu Hoài Nam tuy có
nhiều điều cũng khá ly kỳ, nhưng đến nay dường như ít được
nói đến ở nước ta. Báo chí đề cập đến ngôi miếu
trên, đến nay chúng tôi chỉ tìm được một đôi
bài:
_Trong bài “Hành cung Tây cống” của bác
sĩ Dương Đình Hùng, đăng trên số báo xuân
Tuổi Trẻ năm Kỷ Mão, 1999, trang 31, có những đoạn như sau:
“Trong thời kỳ lệ thuộc chắc không có ông
vua nào tỏ lòng “trung hiếu” bằng vua Khải Định. Để được
Tây tin mình hơn và thương đứa con duy nhất của mình…như
con nuôi của Tây, năm 1922 Đông Cung Thái Tử
Bảo Đại được gửi đi Pháp để nhờ cha cố Tây uốn nắn, lo cho
phần hồn. Độc đáo hơn, để tham dự hội chợ các nước thuộc
địa tại thành phố cảng Marselle, miền Nam nước Pháp cũng
vào năm ấy, ông vua Khải Định có ý tưởng
độc đáo, muốn chơi trội hơn các anh bạn châu Phi, Trung
Đông, Hải Đảo…ông cho chở nguyên cả một hành cung
cùng theo với mình, trước là tham dự sau là
“Cống Tây”
“Đó là một hành cung lộng lẫy, một kiến
trúc lớn được nghiên cứu và thực hiện cực kỳ tỉ mỉ
hơn bất cứ kiến trúc cung điện nào ở Huế, một cung điện lớn
bằng nhà hát lớn Sài Gòn về bề ngang cũng như
chiều dọc, tưởng như cao gấp cả hai lần những kiến trúc cùng
loại trong nội thành Huế. Muốn có được một công trình
như vậy chắc chắn vua Khải Định đã tuyển chọn những nghệ nhân
xuất sắc nhất cả nước từ mấy năm trước ngày đêm đục đẽo chạm
trổ. Gỗ quí thì khỏi nói rồi, phải đẹp và trường
thọ với thời gian.
Tất cả công trình ấy được tháo rời, cùng
với các nghệ nhân, cùng một êkíp thợ nề,
thêm các tay khắc họa…xuống tàu đi Tây dự hội
chợ các chư hầu đế quốc Pháp, khai mạc ngày 22-05-1922.
Triển lãm xong, như dự định, vua Khải Định biếu hành cung
cho Tây. Đương nhiên Tây thích lắm, khen sáng
kiến của vua An Nam, phục trí thông minh và bàn
tay khéo léo của nghệ nhân xứ Việt.
Một thời gian sau, tất cả “hành cung cống Tây”
ấy được chuyển về dựng lại tại khu rừng Vincennes ở Paris.”
Thế nhưng những mô tả về ngôi hành cung
chỉ là những gì tác giả được nghe nói lại,
bởi khi ông đến nơi thì nó đã bị cháy
rụi vài năm trước đó:
“Khi tôi đến đây thì hành cung đã
thành tro bụi…
Hành cung cống Tây không còn nữa,
chỉ còn chơ vơ mấy cổng tam quan dẫn lối vào cung. Còn
lại bức bình phong cô đơn buồn ngó ngôi chùa
gần đó, ngôi chùa có ông Phật lai Tây!”
Không lâu sau bài viết này, có
bài phản hồi đăng trên tạp chí Kiến Thức Ngày
Nay của tác giả Nguyễn Đình Đầu (?), đưa ra nhiều ý
kiến khác, tiếc rằng nay chúng tôi không có
trong tay để đối chiếu.
_Một tài liệu khác, lại đưa ra những dữ kiện
mới:
“Với lối kiến trúc độc đáo của chùa Hội
Khánh đã làm cho người Pháp chú ý,
nên vào năm 1920 nước Pháp có mở cuộc triển
lãm hội chợ tại Marseille, người Pháp đã mang mô
hình chùa Hội Khánh và những bộ tượng La Hán,
Thập điện sang triển lãm và cũng trong dịp này Toàn
quyền Đông Dương Pháp thỉnh cầu Hòa thượng Từ Văn sang
làm chủ lễ cầu siêu cho những người đi lính thuê
cho Pháp.” (2)
Ở đây có một điểm cần lưu ý, là
vào năm 1920 Pháp không tổ chức kỳ triển lãm
thuộc địa nào cả. Hội chợ, hay cuộc Đấu Xảo tại Marseille như được
đề cập trong đoạn văn trên đây, thực ra diễn ra vào
năm 1922.
Theo sự tìm hiểu riêng của chúng tôi,
căn cứ vào các tài liệu bằng tiếng Anh và tiếng
Pháp, ở trong công viên vùng ngoại ô Paris
có một ngôi đền, nhưng không giống với những điều đã
được hai tác giả trên nói đến.
Vào tháng 3 năm 1905, quan chủ tỉnh Thủ Dầu Một
là Ernest Outrey đã ra lệnh làm cấp tốc một ngôi
nhà bằng gỗ dựa theo kiểu thức của ngôi đình cổ Phú
Cường, thường gọi là đình Bà Lụa, tại tỉnh Thủ Dầu
Một. Để kịp tiến độ thi công, ngoài việc huy động đến 85 nhà
điêu khắc và thợ mộc nổi tiếng ở địa phương, ông còn
xin phép Thống đốc Đông Dương trưng dụng 20 tù nhân
trong Khám Lớn Sài Gòn về đây trợ giúp
(Thời kỳ đó, người Pháp thường khai thác sức lao động
của tù nhân trong khá nhiều công việc như làm
cầu đường, xây dựng hay khai thác lâm sản…). Phải mất
8 tháng trời làm việc ròng rã ngôi nhà
mới hoàn thành, với chiều dài là 19,6m, rộng
17,77m và cao 7m.
Kế tiếp, ngôi nhà gỗ cùng với một
toán thợ được chuyên chở bằng tàu đem qua Pháp.
Đến nơi, họ lại cật lực làm việc để lắp ráp các thanh
gỗ dựng lên thành một ngôi nhà khá đồ sộ,
nét chạm trổ điêu khắc tinh xảo, để chuẩn bị tham dự cuộc triển
lãm Colonial Exhibition ở Marseille tổ chức vào năm 1906.
Những cuộc triển lãm thuộc địa này diễn ra lần lượt tại nhiều
nơi trên thế giới, bắt đầu từ năm 1866, tại Melbourn, nước Úc;
đến lần cuối cùng là vào năm 1948 diễn ra tại Bruxelles,
nước Bỉ. Trong khoảng thời gian này có một vài năm
không tổ chức, và cũng chỉ có đôi lần là
diễn ra trên đất Pháp mà thôi: Năm 1906 tại Marsielle
là lần đầu tiên, kế đó là các năm 1907
(Paris), 1922 (Marseille), 1931 (Paris).Việt Nam, tuy là xứ thuộc
địa, cũng được chọn là địa điểm tổ chức một lần, tại Hà Nội,
vào năm 1902, trước cả nước Pháp.
Chính vì là lần đầu tiên tổ chức
một triển lãm quốc tế tại “Mẫu quốc”, người Pháp ắt là
phải chuẩn bị chu đáo để chứng tỏ sự vượt trội của họ. Ngôi
nhà gỗ ở Phú Cường là một trong những công trình
đó.
Theo dự định ban đầu, sau khi triển lãm xong ngôi
nhà sẽ được trả lại nguyên quán của nó, thế
nhưng có thể vì ấn tượng đặc biệt mà nó đem
đến cho khách thưởng lãm, nên người ta đã giữ
nó lại. Năm 1907, chính quyền Pháp đem nó đến
triển lãm lần thứ hai trong một khu vườn ở vùng ngoại vi
Paris (đường 45bis, đại lộ Belle-Gabrielle, ở Nogent-sur-Marne). Khu vườn
này được xây dựng vào năm 1899, người sáng lập
là ông Jean Dybowski, một nhà thám hiểm thuộc
địa, đồng thời còn là một nhà nông học. Đây
là một công viên rộng 4,5 mẫu, được xem là buồng
phổi của Paris với rất nhiều ao hồ, cây xanh, hoa cỏ và nhiều
công trình văn hóa của các dân tộc ghi dấu
ấn thời thuộc địa của đế quốc Pháp. Lúc đầu, nó được
xây dựng làm nơi nghiên cứu về nông nghiệp, từ đây,
các giống cây trồng xa lạ của các xứ thuộc địa miền nhiệt
đới được thu thập, thử nghiêm và sau đó phân phối
sang các xứ thuộc địa khác của nước Pháp.Vào
năm 1905, hai năm trước khi ngôi nhà đình được đưa sang
đây, công viên này lại được chọn làm nơi
cất giữ, bảo quản các vật phẩm khảo cổ, nghệ thuật thu thập được từ
các xứ thuộc địa đem về. Từ đây, mỗi khi có nhu cầu triển
lãm khắp nơi trên đại lục, người ta sẽ đưa đến, tiện lợi và
giảm chi phí hơn trước. Từ chủ trương này, mà vào
tháng 3 năm 1909, sau kỳ triển lãm ở Luân Đôn,
đã có đến 202 tác phẩm nghệ thuật của Việt Nam đã
được chuyển về cất chứa nơi đây.
Trong kỳ triển lãm khá hoành tráng
năm 1907, rất nhiều điều quý hiếm và độc đáo từ các
quốc gia khác nhau được đem ra trưng bày gây kinh ngạc
và thích thú cho người xem. Tuy nhiên, theo
đánh giá của tác giả Eric T.Jennings thì ngôi
nhà đình của Việt Nam vẫn là nổi bật nhất.
(The star of the show, however, seems to have been the sculted
“notable’s house” from Thudaumot)
Lúc ban đầu, tác phẩm tham dự triển lãm
từ Thủ Dầu Một chỉ được xem như tiêu biểu cho một phong cách
nhà cổ truyền thống của miền Nam (Sculpted house of Thudaumot).
Năm sau, người ta lại coi nó như một trà đình (Tea
pavilion), hay là căn nhà của bậc quan quyền (Mandarin
house). Phải mất nhiều năm sau, nhờ một biến cố trọng đại xảy ra ở Âu
châu lúc bấy giờ, đó là trận thế chiến lần thứ
nhất, nó mới được lựa chọn để rồi trở thành ngôi đền tưởng
niệm tử sĩ Việt Nam.
(L’ancien temple du jardin tropical)
Thời đó, để đủ lực lượng đương đầu với Đức, vào tháng
11 năm 1915, Pháp đã ban hành lệnh tuyển mộ người
bản xứ tại Đông Dương. Sang tháng Giêng năm sau, triều
đình Huế cũng có dụ ban thưởng 80 đồng bạc Đông Dương
cho những ai nhập ngũ. Đến năm 1918, khi chiến tranh kết thúc thì
đã có tổng cộng 48.922 người dân Đông Dương làm
lính (30.425 người trong quân ngũ tại Âu châu hoặc
bắc Phi), và làm công nhân (ouvriers non spécialsés,
viết tắt là ONS, xưa gọi là lính thợ, hay công
binh). Do bị xem là có thể hình và thể lực
nhỏ thó không thich hợp để làm lính như các
chiến binh Phi châu giống như người Senegal, Algeria...hầu hết người
Việt Nam bị đưa vào làm các công việc nặng nhọc
vất vả như công nhân cầu đường, xây đắp chiến lũy
hay xưởng chế tạo đạn dược. Khi tàn cuộc chiến, kể cả lính
và thợ, có 1.548 người, trong số này nhiều người là
dân Thủ Dầu Một, đã hy sinh cho nước Pháp.
Chính trong bối cảnh cuộc chiến này, người Pháp
mới nghĩ đến việc dành một khu trong công viên để xây
dựng những đài tưởng niệm các chiến sĩ xuất thân từ
những xứ thuộc địa của họ đã hy sinh. Do đó, mà về
sau khu vực này mới có các đài tưởng niệm những
tử sĩ Lào, Cao Miên, Madagasca, Algeria, Tunisia, Dahomey, Guiana
và Việt Nam…Vào năm 1917, người Pháp đã xem xét
và cân nhắc việc chọn ngôi nhà đình của
Thủ Dầu Một làm ngôi đền tưởng niệm những người lính Nam
kỳ (the Temple du Souvenir Indochinois).
Để phản ánh văn hóa của từng dân tộc, người
ta cho xây dựng các đền đài tưởng niệm mang phong cách
kiến trúc đặc trưng truyền thống của các dân tộc đó.
Kiểu tháp tròn, nhọn “faus stupa style” dành cho
người Lào và Cam Bốt. Bức tượng một người đàn bà
Phi châu than khóc trước nấm mồ của người chồng đã
gục ngã giữa những hoang tàn trong một ngôi làng
của Pháp, để dành cho người da đen nói chung. Bức
phù điêu kiểu Tây phương cho những người Việt Nam có
đạo Công giáo. Và, ngôi nhà gỗ từ Việt
Nam dành cho các tử sĩ theo đạo Phật. Phiên bản ngôi
đình Bà Lụa đã được chọn chính vì lý
do này.
Vào tháng giêng năm 1918, vị sáng
lập hội “Đông Pháp kỷ niệm” (Le Souvernir Indochinois) cho
biết mục tiêu của tổ chức là: “Thiết lập trên đất Pháp,
và nếu có thể, ở Đông Dương, một hoặc nhiều ngôi
chùa tưởng niệm, giống như một Pantheons Đông Dương, nơi có
những tấm bảng khắc ghi tên họ của những người bản xứ đã
chết cho nước Pháp và nơi đó việc thờ cúng
sẽ được tổ chức mỗi năm với sự giúp đở của chính người An
Nam”
(to establish in France, and if possible in Indochina, one
or several pagodas of memory, sort of Indochnese Pantheons, where tablets
would be kept registering the names of the natives who died for France and
where the funerary cult would be celebrated each year…with the help of Annamites
themselves)
(Dịch lại từ bài viết của Jennings trên internet)
Chính nhờ chủ trương này mà ngôi
Miễu Tử Trận của tỉnh Thủ Dầu Một đã được thành hình
vài năm sau đó. Ở các địa phương khác, chúng
tôi chưa có điều kiện kiểm chứng để xem có bao nhiêu
ngôi miễu đã được dựng lên.
Vài ngày trước khi ký hiệp ước đình
chiến 11 tháng 11 năm 1918, sau nhiều tranh luận, các quan
chức thuộc địa đã đi đến quyết định về việc chọn ngôi đình
và cách tìm nguồn ngân qũy để thực hiện dự án.Việc
phục dựng, cũng như trang trí nội thất phát sinh vấn đề
về ngân qũy. Hơn nữa, trong thời gian qua, các vật dụng trang
trí bên trong ngôi nhà đã bị đem bán
đấu giá gần hết. Người Pháp tiến hành mở cuộc vận động
quyên góp tiền rộng rãi từ nhân dân Pháp
và Việt Nam. Kết quả thật khả quan, người Việt ở ba miền đã
đóng góp một số tiền khá lớn, vượt xa con số đó
của người Pháp. Đến ngày 30 tháng 11 năm 1920, riêng
miền Bắc Việt Nam đã quyên được 543.893 đống france (1.000 đồng
Việt Nam đổi được 9,5 france tại thời điểm). Ở miền Nam, số tiền còn
lớn hơn, chỉ mới đến tháng 9 năm 1920, đã là 619.996
đồng. Đáng nói hơn nữa, việc quyên góp được thực
hiện sau Tết, trước mùa gặt hái, lúc đã nộp thuế
xong, tức là vào thời điểm không thuận lợi lắm, thế mà
việc đóng góp của dân chúng lại nồng nhiệt như
thế, quả là điều rất đáng khích lệ, cho thấy có
sự đồng tình khá cao giữa quần chúng và những
người chủ trương.
Vào tháng 12 năm 1907, hội Tưởng niệm Đông
Dương được thành lập để chịu trách nhiệm trong việc phục
hồi ngôi đền và quản lý nó. Vị chủ tịch, ông
Henri Gourdon, nguyên là Giám đốc Giáo Dục
ở Đông Dương.Việc chọn ngôi “Đình” làm nơi thờ
phượng, ngoài giá trị về kiến trúc, người Pháp
có xét đến yếu tố tín ngưỡng của dân bản xứ.
Nghi thức thờ cúng người chết của người Việt với tấm bài vị
trên bàn thờ và làm đám giỗ hàng
năm, nay được thay bằng một tấm bia lớn ghi khắc tên của tập thể những
chiến sĩ đã chết. Ngôi đình trong sinh hoạt văn hóa
Việt Nam đảm nhiệm nhiều chức năng khác nhau, trong đó việc
cúng bái vẫn là chính. Thế nên việc
sử dụng ngôi nhà đình làm nơi thờ tự, nhang khói
tưởng niệm thay vì chỉ chiêm ngưỡng nó như là
một tác phẩm nghệ thuật là một lựa chọn có lý
do.
Tuy nhiên, quyết định này lại gây bất bình
từ phía những người Công giáo vì theo họ, như
thế là thiếu công bình đối với các tử sĩ theo
đạo Công giáo. Năm 1920, linh mục Gendreau ở Hà Nội là
một trong những người đã lên tiếng về vấn đề này. Đến
đây, những người có trách nhiệm buộc phải quan tâm
xem xét, đó là liệu các đài tưởng niệm
thuần túy có tính chất thế tục hay phải xét
đến khía cạnh dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng
là những vấn đề rất phức tạp khó tìm ra giải pháp
thỏa đáng. Một kiến trúc “stupa” theo phong cách Phật
giáo Cam Bốt, nhiều hơn là của Lào, được dành
cho sĩ tử của cả hai nước đã tạm đuợc chấp nhận. Trong khi việc ngôi
đình Thủ Dầu Một có thể là nơi thờ cúng chung
cho chiến sĩ ba miền, cho người theo các đạo lại là vấn đề
khá rối rắm. Sau nhiều tranh luận với các ý kiến khác
nhau, một giải pháp được đưa ra là cũng trong khu vực tưởng
niệm này, một đài tưởng niệm riêng dành cho các
chiến sĩ Công giáo được xây dựng gần phía góc
phải của ngôi đền chính. Như vậy linh hồn các chiến
sĩ người Việt Nam theo đạo Công giáo có thể an nghỉ
cạnh các chiến hữu người Việt Nam theo đạo Phật, đạo Nho...Năm 1919,
vua Khải Định đã ban chiếu chỉ chính thức công nhận
ngôi đình Bà Lụa này là nơi để thờ người
Việt Nam trên đất Pháp.
Sắc chỉ của vua Khải Định
Vào ngày 9 tháng 6 năm 1920, tổ chức trọng
thể lễ khánh thành ngôi đền với sự tham dự của nhiều
quan chức cao cấp Pháp như Albert Sarraut, Maréchal Joffre,
Alexandre và Đặng Ngọc Oanh, một viên quan đại diện cho Hoàng
Đế Việt Nam. Ngoài ra là các cựu chiến binh Việt,
Pháp còn sống nay tựu về để tưởng niệm các chiến hữu
đã mất...Trước đó, người ta cho phục hồi lại bàn thờ
và các vật dụng trang trí được thực hiện bởi chính
các nghệ nhân người Việt trong Nam ngoài Bắc: gốm Cây
Mai trong Nam, những tấm biển sơn mài ngoài Bắc, một chiếc lư
đồng như phiên bản của cửu đỉnh tại cung thành Huế. Các
lễ vật cúng bái như nhang đèn, pháo, trống, chiêng…cũng
được chuyên chở gấp rút từ Việt Nam qua. Sự chuẩn bị cho lễ
khánh thành khá là chu đáo.
Buổi lễ khai mạc bằng bài diễn văn của vị đại
biểu Nam kỳ là ông Lê Quang Liêm, người phát
ngôn cho những lính thợ Đông Dương. Lần lượt sau đó
là phát biểu của các vị Đặng Ngọc Oanh, đọc sắc chỉ
của vua công nhận ngôi đền; đến Henri Gourdon, chủ tịch Hội
Tưởng niệm Đông Dương; Bộ trưởng thuộc điạ Albert Sarraut. Kế tiếp
là phần rước tấm bản ghi sắc chỉ của vua Khải Định vào ngôi
đền. Cờ của các nước An Nam, Pháp, Cao Miên, Lào
bên nhau tung bay trong gió. Báo chí ở Pháp
và Việt Nam thời ấy có khá nhiều bài tường thuật
sự kiện này như tờ Echo Annamite, Le Journal, Le Gaulois, Le Petit
Parisien, L’Echo de Paris, Le Figaro….
Lễ khánh thành đền tử sĩ
Từ lúc đó, ngôi đền trở thành điểm
tham quan lễ bái cho những người Việt Nam có dịp đến Pháp.
Vị thượng khách quan trọng bậc nhất trong số này chính
là nhà vua của An Nam. Vào ngày thứ hai, 26
tháng 5 năm 1922, vua Khải Định (vị vua Việt Nam đầu tiên công
du sang Pháp) với con trai là hoàng tử Bảo Đại, cùng
quan Thượng thư Thuộc địa Albert Sarraut đến thăm ngôi đền. Ông
Phạm Quỳnh có mặt hôm đó đã ghi lại trong nhật
ký của mình như sau: (3)
“Thứ hai, 26 tháng 6 năm 1922
Hôm nay Hoàng thượng cùng quan Sauraut
đến thăm nghĩa sĩ tử ở Nogent sur Marne. Sẳn có ô tô,
anh em cũng đánh bộ “gia két”, đội mũ “mơ long” chạy xe
về Nogent xem lễ. Quan nguyên học chính Gourdon làm
hội trưởng hội “Đông Pháp Kỷ Niệm” (Le Souvernir Indochinois),
diễn thuyết chúc mừng, Hoàng thượng đáp lại mấy câu,
chắc là những lời hùng biện cả, nhưng đứng xa chẳng nghe thấy
chi hết. Xong rồi Hoàng thượng vào thắp hương trong đền, ra
đặt vòng hoa sắt ở cái đài Kỷ niệm những chiến sĩ theo
đạo Thiên Chúa ở ngoài vườn, dạo quanh vườn một lượt,
rồi lên xe, vua quan trẩy về Paris hết.”
Đến mấy mươi năm sau, lại xảy ra trận thế chiến lần hai. Năm
1945, đã có thêm 500 chiến sĩ Nam kỳ chết trên
chiến trường và 900 lính thợ thiệt mạng, góp
phần trong cuộc vệ quốc vì sự vẹn toàn lãnh thổ và
sự tự do cho người Pháp. Ngôi đền lại được nhớ đến, trở thành
vấn đề để thảo luận. Thế rồi, người ta cho dựng thêm tấm bảng
trong ngôi đền để ghi danh tánh những kẻ đã bỏ mình
trong thế chiến lần hai.
Như thế vẫn chưa xong. Chưa nguôi lửa binh đao, Pháp
lại lao mình vào cuộc chiến chín năm với Việt Nam,
và kết thúc bằng trận đánh Điện Biên Phủ lừng
danh trong chiến sử nhân loại, đánh dấu sự cáo chung
của Đế quốc Pháp. Người Pháp lại nghĩ đến những kẻ đã
bỏ mình, và lại muốn dùng ngôi đền “the Temple
du Souvenir Indochinois” để ghi thêm danh tánh những tử sĩ
Việt Pháp trong cuộc chiến đó.
Có vẻ như ngôi đền luôn gắn liền với các
sự kiện lịch sử quan trọng của Pháp và Việt Nam, và
rất có thể vì vậy, số phận của nó cũng trải qua những
bước thăng trầm thịnh suy, éo le như lịch sử của con người.
Điều vô cùng đáng tiếc đã đến: ngày
21 tháng 4 năm 1984, một trận hỏa hoạn, bị tình nghi là
do hành động phá hoại, đã thiêu rụi ngôi
đền. Trên nền cũ, chỉ còn lại lối đi tam cấp có tạc
hình rồng bằng đá. Năm 1992, người ta cho xây trên
ấy một kiến trúc mới đơn sơ, nhỏ hơn trước và có vẻ
giống như môtip đền của Nhật bản. Phương đình này, được
dựng lên để tiếp tục nhiệm vụ là đài tưởng niệm tử
sĩ mà ngôi đình Bà Lụa của tỉnh Thủ Dầu Một đã
gánh vác hơn một thế kỷ qua.
THAM KHẢO:
Eric T.Jenning, Remembering “other” Losses
CHÚ THÍCH
1. Thái Tường Long và Dong Phu, Lễ lạc thành
“Hoài Nam nghĩa sĩ miếu”
2/Thích Huệ Thông, Sơ Thảo Phật Giáo Bình
Dương, nxb. Mũi Cà Mau, 2000, tr.64,
3/Phạm Quỳnh, Hoàng đế Khải Định trước con mắt của thần
dân Phạm Quỳnh