SƠN MÀI ĐỒNG TÂM: BÀ TÁM HOÀ
CHỮ ĐỨC TRONG NGHỀ NGHIỆP


HOÀNG ANH


    Là một tỉnh có truyền thống về sơn mài, thế nhưng sau năm 1975, cũng như hầu hết các ngành nghề khác sơn mài rơi dần vào hoàn cảnh khó khăn ngỡ như sẽ lụi tàn. Chính trong hoàn cảnh đó, thương hiệu sơn mài Đồng Tâm nổi lên như một ngôi sao ngày càng sáng để làm lu mờ dần hai chữ Thanh Lễ lấp lánh thưở nào. Được như vậy, chính là nhờ tài năng và bản lĩnh của một người phụ nữ mà người ta quen gọi là chị Tám Hoà.

    Tên họ đầy đủ của chị là Nguyễn Thị Hoà, sinh năm 1943 tại làng Tương Bình Hiệp, trong một gia đình sống bằng nghề sơn mài giữa một vùng đất nổi danh cả miền Nam về nghề ấy. Thưở nhỏ chị theo học tại trường trung học Bán Công Phú Cường (sau đổi tên là trường Bồ Đề), đến hết bằng đíplôm (tương tự cấp II ngày nay), vì nhà nghèo chị không thể theo đuổi tiếp việc học nên phải ở nhà làm nghề phụ giúp gia đình, lúc ấy chị mới vừa 18 tuổi. Cha đi kháng chiến và hy sinh, mẹ quảy có mỗi cái gánh đi bán nuôi cả bầy con tám chín đứa, đời sống hết sức thiếu thốn khó khăn. Về sau các người anh lớn đi quân dịch, chị ý thức rất sớm trách nhiệm phải gánh vác chuyện gia đình, nên chỉ biết chăm chỉ làm việc, ước mong có thể phụ giúp mẹ đươc phần nào chứ không dám nghĩ chuyện chi xa xăm. Lúc đầu chị chuyên nghề vẻ, khi ấy tranh cá lia thia Tàu đang rất thịnh, chị lại tỏ ra có hoa tay trong lãnh vực này, nhờ đó mà hàng làm không hết. Nhiều người biết tiếng mời đi vẻ nơi khác nhưng chị đều từ chối vì  liệu bề không đảm đương xuể. Thời gian sau, khi đề tài cá ba đuôi đã trở nên quen thuộc, chị chuyển sang vẻ cảnh đồng quê với những cây dừa cong cong, mái nhà tranh và cô thôn nữ quang gánh qua chiếc cầu tre lắc lẻo, xa xa là con đò lặng lờ trên bến nước. Chỉ bấy nhiêu mà khai thác hoài không hết, nhìn hoài cũng không chán vì nó gợi nên hình ảnh quê hương nghèo khó nhưng êm đềm thân thiết của hầu hết người Việt chúng ta. Chị cũng bắt đầu làm nghề cưa ốc, dần dà, công đoạn nào trong tranh sơn mài chị cũng đều có lúc làm qua, chính nhờ thông thạo nghề nghiệp như vậy nên đã giúp cho chị rất nhiều trong vai trò nhà quản lý tài năng sau này.

    Khi lập gia đình, có thêm bầy con, chị lại càng miệt mài làm việc và phải hết sức chắt chiu cần kiệm mới đủ lo toan trong ngoài. Vừa lo cho bầy con nheo nhóc khóc than vì thiếu người chăm sóc,vưà vắt cạn tim óc vào tác phẩm nghệ thuật đòi hỏi sự tập trung sáng tạo cao độ, đây có lẽ là thời gian nhọc nhằn nhất trong đời chịä. Lúc đó chị chỉ có mỗi ước mong là làm sao hàng làm ra bán được, bạn hàng cũng đừng ép giá hay giam tiền lâu quá, hai nỗi khổ kinh niên của nghề sơn mài. Hồi đó, chị chưa bao giờ nghĩ ngợi hay dám mơ những điều quá viễn vông  như có ngày mình sẽ nổi tiếng hay thành đạt trong thương trường. Thợ sơn mài, hầu hết là nghèo, làm có cơm ăn là mừng lắm rồi, là may phước lắm rồi, đâu ai dám mơ chi cao xa chúng bạn biết được sẽ cười.

    Mọi việc bất ngờ thay đổi từ sau 1975. Đất nước đổi thay, xã hội đã không còn như cũ, thì số phận từng con người, như chị, khó biết trước được điều gì sẽ xảy ra. Mọi người phải vào làm việc trong một mô hình mới gọi là tổ hợp tác hay hợp tác xãõ, một kiểu làm ăn rất xa lạ với dân chúng nơi đây. Nhiều người bở ngỡ, lo âu, lắm kẻ không thể thích nghi với cái mới, bỏ nghề hoặc làm ăn thất bại. Đầu năm 1977, chị được mời tham gia vào tổ hợp tác và thế là tổ hợp tác sản xuất sơn mài Đồng Tâm ra đời. Được hỏi vì sao chọn tên Đồng Tâm làm thương hiệu cho mình. Chị bảo rằng nghề sơn mài tuy không làm cho mình giàu có nhưng nó cũng đã nuôi được mình từ bao đời nay, nên không được bỏ nghề, dù có lúc thịnh lúc suy, phải đồng tâm hiệp lực mà làm, ráng giữ nghề nghiệp cha ông, cùng nhau phấn đấu chấn hưng nghề nghiệp thì thế nào rồi cũng thành công. Chắc có lẽ nhờ lòng yêu nghề tha thiết chị mới có thể đề ra một phương châm cho nghề nghiệp và một quyết tâm mạnh mẽ đến thế. Và chính nhờ tinh thần này, chị đã có thể lèo lái đơn vị sản xuất của mình vượt qua được những thử thách khó khăn vô vàn để liên tục phát triển và về sau trở thành doanh nghiệp sơn mài danh tiếng hàng đầu của tỉnh.

    Tổ hợp tác được nâng lên thành hợp tác xã với khoảng 200 xã viên. Với vai trò chủ nhiệm, chị nhận được danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quốc vào năm 1985. Năm sau, đơn vị của chị nâng lên thành xí nghiệp sơn mài Đồng Tâm, toạ lạc tại một vị trí rất đẹp tại phường Hiệp Thành, bên đường xa lộ 13.

    Từ đây, danh tiếng sơn mài Đồng Tâm và chị Tám Hoà ngày càng lan xa. Phải nói rằng trong thời buổi thoái trào khốn khó của ngành sơn mài, khi mà Thanh Lễ đã trở thành một tên tuổi trong kỷ niệm, thì sự xuất hiện của hai chữ Đồng Tâm đã góp phần duy trì danh tiếng cho sơn mài Bình Dương không gián đoạn. Sơn mài Đồng Tâm đã như cây trụ chống đở những bảo giông, từ đó ngành sơn mài Bình Dương đã chịu đựng được sự thử thách khắc nghiệt của thời gian và những đòi hỏi gay gắt của quy luật thị trường, làm nền tảng cho sự phát triển rực rỡ của nhiều cơ sở xí nghiệp sơn mài sau này.

    Nhờ danh tiếng đó, chị tạo được sự tín nhiệm khá lớn ở cả địa phương và trung ương. Năm 1986, chị được nhà nước cử đi Liên Xô để tìm hiểu lý do vì sao sơn mài từ miền Bắc xuất sang Liên Xô và các nước Đông Âu đã không còn giữ được phẩm chất vốn có, hàng bị cong vênh hay vộp nứt cả ra. Là con nhà nòi ở một vùng sơn mài lừng danh đã hàng thế kỷ, không khó để chị biết được nguyên nhân. Khi về nước, chị lại được đưa đi thăm các cơ sở và làng nghề sản xuất sơn mài nổi tiếng trên đất Bắc khoảng 2 tuần lễ để truyền đạt kinh nghiệm cho nghệ nhân nơi đây. Là chiếc nôi sản sinh ra nghề sơn mài cả nước, nhưng sau nhiều năm không tiếp cận thị trường thế giới, thiếu sự tìm tòi và cách tân nên vẫn giữ cách làm theo thời xưa, sử dụng nguyên liệu không đạt yêu cầu và rút ngắn quy trình làm ra sản phẩm, khiến cho sơn mài đất Bắc vào giai đoạn đó không thể chịu đựng được những điều kiện nhiệt độ khác nhau ở nước ngoài. Chị nhiệt tình giải thích hay trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp với những thợ nghề đất Bắc, dù chị cũng biết rằng với nghề sơn mài, bí quyết làm nghề không quan trọng bằng kinh nghiệm và năng khiếu thẩm mỹ riêng của người nghệ sĩ.

    Sau chuyến đi Liên Xô trở về, cơ sở của chị chuyển thành xí nghiệp quốc doanh vào năm 1986 và đến năm sau nữa thì nâng lên thành công ty. Cô thôn nữ yên phận thầm lặng trong một xóm nghèo ngày nào nay đã ngồi chễm chệ trong cương vị Giám đốc của một công ty danh tiếng. Hàng năm, chị đều gởi hàng đi tham dự nhiều cụôc triển lãm trong và ngoài nước từ Hà Nội đến Đài Loan, Thái Lan, Mã Lai, Thuỵ Sĩ, Pháp, Anh…và dành được rất nhiều huy chương và bằng khen, đến nay chị cũng không còn có thể nhớ hết. Đáng kể là vào năm 92, công ty và cá nhân chị được nhà nươc trao cho huân chương Lao Động hạng ba. Hai năm sau, thêm một bất ngờ lớn nữa, chị nhận được thư thông báo sang Thuyï Sĩ để nhận bằng chứng nhận chất lượng sản phẩm do tổ chức quản lý chất lượng quốc tế tại Anh trao tặng. Vào lúc đó chị cũng ngỡ ngàng không hiểu tại sao, về sau mới biết rằng chính nhờ sự khen ngợi của khách hàng quốc tế gần xa đối với sản phẩm của công ty, và sau những kiểm tra giám định hết sức nghiêm nhặt của tổ chức mới đưa đến quyết định quý giá này.

     Cùng nhận được bằng chứng nhận này ở toàn quốc chỉ có hai đơn vị nữa, một ở Sài Gòn và một ở Hà Nội. Nhân cơ hội này, chị bèn khăn gói lên đường một mình làm chuyến Tây Du Ký mà không có sự hộ giá của các đệ tử tài năng như Đường Tăng. Đất nước thơ mộng và có nền văn minh rực rỡ như Thụy Sĩ để lại trong chị nhiều ấn tượng khó phai. Một thương gia người Aâu châu âm thầm theo dõi chị và sau đó trở thành đại lý độc quyền cho chị tại Aâu Châu trong vòng 3 năm. Sau thời gian này sản phẩm chị được phát hành rộng rãi chứ không còn giới hạn riêng cho nhà doanh nghiệp đó nữa. Trươc khi chính thức ký kết hợp đồng làm ăn với nhau, thương gia nọ yêu cầu chị phải pha được bảy màu theo yêu cầu mà phải dùng toàn sơn ta chớ không được sử dụng loại sơn hoá chất nào khác. Không quá khó đối với chị để đáp ứng được cuộc thử nghiệm này.

    Khách hàng quan trọng thứ hai mà chị gặp phải là một thương gia người Nhật vốn có truyền thống kinh doanh ngành sơn mài. Sau khi tham quan cơ sở của chị, người này dặn dò con cháu trong gia đình rằng nếu có làm ăn ở Việt Nam thì nên tìm đến sơn mài Đồng Tâm. Khi ông mất, người con theo lời cha căn dặn tìm sang Việt Nam và đến gặp chị. Với nguyên liệu của Nhật, sản phẩm làm theo lối Nhật mà đặt hàng gia công ở nước ngoài thì họ đi nhiều nơi rồi mà vẫn không thành công, kể cả Trung Hoa.Từ đó ông này trở thành khách hàng chánh của chị tại thị trường Nhật cho đến ngày nay. Chị kể có lần họ cử sang vài chuyên gia và đe, theo một chiếc máy phun sơn. Họ mời chị hợp tác để cùng nghiên cứu cách pha sơn ta để sử dụng cho chiếc máy mới này. Sau hơn hai ba tháng trời thử nghiệm đủ cách mà không thành công, họ chán nãn kéo nhau ra về, để lại chiếc máy và căn dặn chị thử một mình tiếp tục xem sao. Điều bất ngờ cho họ là chỉ một tháng sau chị đã gởi thư sang Nhật thông báo rằng chị đã thành công. Sau vài trao đổi nữa, một cam kết được thiết lập, chị sẽ sản xuất cho họ một số lượng sản phẩm trong vòng mấy năm cho đến khi đủ 400.000 sản phẩm thì họ sẽ biếu không chị chiếc máy trị giá 125.000 đô la. Hiện nay, nhờ sở hữu chiếc máy phun sơn này mà năng suất cũng như chất lượng của sản phẩm công ty gia tăng rất đáng kể. Đó là một thành tích, vừa là kỹ niệm đẹp khó quên trong nghề nghiệp của chị.

    Cũng trong thời gian này (khoảng 88, 89), chị được mời đi giảng dạy về quản trị xí nghiệp cho học viên tại trường Hành Chánh Gia Định. Tôi hỏi rằng chưa từng qua đào tạo, vậy chị dựa vào giáo trình gì để giảng dạy. Chị trả lời rằng chị chỉ có kinh nghiệm và vốn sống thực tế mà thôi. Thế nên đứng trên bục giảng, chị vừa âu lo, vừa bùi ngùi xúc động. Chị không ngờ cô gái quê nghèo lam lũ cặm cụi làm việc đầu tắt mặt tối giờ đây có thể nối tiếp một giấc mơ dang dở của ngày xưa. Công việc này kéo dài được ba năm, là khoảng thời gian rất hạnh phúc của chị.

    Đến năm 1998, công ty sơn mài quốc doanh Đồng Tâm giải thể trước những biến đổi sâu sắc của nền kinh tế đất nước theo một chiều hướng mới. Chị dựng lên một cơ sở riêng ở phường Hiệp Thành. Với  gần 300 công nhân, làm ra gần 300.000 sản phẩm một năm mới đủ cung ứng cho riêng thị trường ở Nhật. Ngoài ra là thị trường ở Âu châu. Mỗi khi nhận hợp đồng, phải ba đến bốn tháng sau mới có hàng giao, chị chủ trương thà là chậm nhưng luôn đảm bảo được chất lượng và giữ uy tín đúng hẹn vơi khách. Hiện nay bốn người con của chị đều đã trưởng thành và được ăn học đến nơi đến chốn, có người còn đi đào tạo ở nước ngoài. Tất cả giờ đây đều phụ mẹ tham gia quản lý công ty, mỗi người một việc. Chị đóng vai trò của một Thái Thượng Hoàng như vua chúa đời xưa, tuy nhường ngôi cho con nhưng vẫn theo doĩ sát sao công việc, kịp thời tư vấn hay chỉ đạo cho các con. Chị từng có dự định phát triển thêm cơ sở sản xuất để đủ sức cung ứng cho nhiều thị trường nữa nhưng rất tiếc ba bốn miếng đất của chị đã mua đều nằm trong diện huy hoạch. Khá thất vọng, chị đành yên phận với vuông đất gần 6000 m2 hiện nay, có bao nhiêu làm bấy nhiêu, theo đúng tinh thần của chị, mà lòng khá buồn vì nguyện ước phát huy và góp phần làm vẻ vang ngành nghề tại quê nhà đã không thực hiện được. Chị đã lớn tuổi rồi, sau hơn nữa thế kỷ gắn bó với bao mồ hôi nước mắt và vinh quang với nghề, có lẽ đã đến lúc để dừng chân. Những hoài bảo của chị, có lẽ sẽ chờ sự tiếp nối của thế hệ đời sau. Chị cũng khá vui khi kể với chúng tôi rằng, trong gia đình của chị hiện nay có đến cả trăm người đang tiếp tục sống bằng nghề này. Ở tỉnh Bình Dương, nói đến  sơn mài, nhắc đến cả trăm cơ sở làm nghề thuộc dòng họ của chị người ta đều bày tỏ sự thán phục.

    Được hỏi bí quyết thành công của chị là gì, chị bảo rằng cần phải có chữ Đức. Không làm hàng gian dối, cẩu thả là không phản bội sản phẩm nghệ thuật mình đã tạo ra, không làm mất lòng tin của khách hàng. Ngoài ra, đồng nghiệp với nhau, kể cả với người cộng tác, nên ăn ở cho có tình có nghĩa. Thỉnh thoảng gặp lại những người thợ cũ, nay ra làm ăn riêng có người chị cũng không còn nhớ rõ nhưng khi họ đến chào hỏi và tỏ vẻ mừng rỡ, chị cảm thấy rất vui và như tìm được một niềm an ủi quí báo. Nó giúp cho chị biết rằng chị đã đối xử với mọi người không đến đỗi nào, và đến nay, đó vẫn là một trong những niềm vui lớn nhất của chị.

    Bên con đường Phạm Ngọc Thạch vào bệnh viện 512 giường của tỉnh, khách đi đường lại nhìn thấy tấm bảng đề hai chữ sơn mài Đồng Tâm tuy giản dị nhưng không kém phần kiêu hảnh. Sự kiêu hảnh của một doanh nghiệp đã trãi qua những khó khăn thử thách khắc nghiệt nhất của đất nước trong một giai đoạn phát triển kinh tế nhiều biến động phức tạp mà vẫn trụ vững và tồn tại, góp phần gìn giữ niềm tự hào chung của người dân nơi đây về một ngành nghề của cha ông đã đổ mồ hôi tạo dựng trên mảnh đất này, từ ngày đi mở cõi năm xưa…Đồng thời vẫn kín đáo nhắc nhỡ những người thợ vẫn đang cặm cụi âm thầm sáng tạo nên những sản phẩm mỹ thuật độc đáo tại địa phương rằng, dù thịnh dù suy, có nhiều ăn nhiều, có ít ăn ít, phải đồng tâm mà kiên trinh với nghề, không chạy theo lợi nhuận mà làm giảm chất lượng sản phẩm, làm thế thì lớp con cháu ngày nay sẽ đắc tội với các bậc tiền bối hồi xưa nhiều, nhiều lắm.

    Người đã chẳng phụ nghề, thì nghề lại có thể phụ người hay sao? Đồng Tâm, nghĩa là cùng đồng lòng mà vững tin như thế.