Đông Du Express

Nguyễn văn Diệp
 
Gọi là Đông Du để nói về chuyến du lịch miền Đông Hoa Kỳ, phỏng theo ý của chữ Tây Du Ký ngày xưa. Còn Express là vì chỉ vỏn vẹn trong vòng tám ngày nghỉ mà chúng tôi, đã đi qua đến năm sáu tiểu bang của nước Mỹ. Tiếng là tham quan, du lịch…thật ra chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa” mà thôi, chứ làm sao chỉ với bấy nhiêu thời gian mà có thể thưởng thức được hết ngần ấy những di tích lịch sử, những danh lam thắng cảnh, và những công trình kiến trúc hiện đại nhất nhì thế giới ở những nơi ấy.

Số là vào đầu mùa hè vừa qua, nhân cơ hội đi dự đám cưới một đứa cháu vợ, chúng tôi, gồm hai vợ chồng và ba đứa con đã quyết định làm một chuyến du hành qua miền Đông nước Mỹ. Hơn mười hai năm kể từ ngày qua Mỹ, rồi định cư luôn tại California, chúng tôi vẫn hằng ao ước sẽ có một ngày được cùng nhau du lịch miền Đông Hoa Kỳ để vừa có dịp thăm viếng người thân, lại vừa có cơ hội tham quan cho biết sự tình. Để tiết kiệm được càng nhiều càng tốt, chúng tôi đã ra sức chuẩn bị thật kỹ, thật chi tiết. Và công cuộc chuẩn bị bắt đầu ngay sau đó bằng nhiều lần vào Internet “sượt tới sượt lui” sao cho tất cả mọi dịch vụ mà chúng tôi sắp cần đến, phải được deal trước khi đi với giá rẻ nhất. Cuối cùng chúng tôi đã có trong tay tất cả những gì muốn có.

Ngày N: Khởi hành lúc 12:00 PM từ phi trường Ontario, khoảng 30 phút lái xe từ Orange County, chúng tôi được một máy bay Boeing của hãng Northwest chở đến một phi trường trung chuyển nằm ở miền Bắc nước Mỹ, thành phố Minneapolis, thuộc tiểu bang Minneasota. Tại đây, sau khi nghỉ tạm chừng một tiếng đồng hồ, chúng tôi được một máy bay phản lực nhỏ hơn cũng của hãng Northwest chở về phi trường Norfolk, Virginia Beach. Sau đó thì được thân nhân chở về thành phố Yorktown, cách đấy khoảng vài mươi phút lái xe.
Chuyến đi từ Tây qua Đông nước Mỹ, cộng với một ít thời gian chờ đợi tại các phi trường, đã chiếm hết một ngày đường quí báu của chúng tôi. Tuy vậy mọi người đều thấy vui và khoẻ, vì ngay khi rời khỏi phi trường Norfolk, cảnh quan trước mắt đã làm tất cả chúng tôi thích thú. Khác với các xa lộ mà hai bên rất là trống trải ở Cali, các xa lộ ở miền Đông thường có những hàng cây rợp bóng hai bên đường, ngay cả khoảng giữa ngăn đôi hai bên xa lộ cũng đầy cây cao bóng mát, nhiều nhất vẫn là thông các loại. Xa lộ 64 đưa chúng tôi về nhà vợ chồng cô ấy có đoạn đi ngang qua Vịnh Chesapeake dài đến mấy dặm đường, được xây thành đường hầm (tunnel) chạy dưới lòng biển, hai bên có vách đá rất kiên cố, phía trên tàu bè qua lại, phía dưới xe chạy thênh thang và êm ru như đang đi trên đường, rất độc đáo. Được biết ở miền Đông nầy có rất nhiều xa lộ xuyên biển như thế, nhất là tại New York, nơi chằng chịt sông ngòi và biển cả. Đến Yorktown, thành phố đã vào đêm. Dù vậy, dưới ánh đèn đường, tôi vẫn có thể nhận ra được lối kiến trúc theo kiểu Tây phương của nhà cửa ở đây, với mái nhà nhọn, thềm nhà cao, cửa sổ nhỏ cánh hình cánh cung và đặc biệt là hình như nhà nào cũng có tầng hầm (basement). Thành phố nầy có rất ít người Việt sinh sống.

Ngày N+1: Ngay từ sáng sớm, cả đại gia đình cháu vợ tôi phải thu xếp để lên xe trực chỉ về Fall Church, Virginia  vì tiệc cưới sẽ tổ chức tối nay tại một nhà hàng Tàu ở Thủ đô Hoa Thịnh Đốn, sát bên thành phố nầy. Fall Church là nơi tập trung nhiều người Việt nhất sinh sống ở miền Đông Hoa Kỳ. Tại đây, đồng hương chúng ta sinh hoạt nhộn nhịp trong các khu Thương Mại Việt Nam, nổi bật nhất là tại khu Thương xá Eden. Nhà hàng Tàu mà chúng tôi nói trên, nằm sát dòng sông Patomac, huyết mạch chính của Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn. Tiệc cưới đêm ấy thật đông vui và tươm tất đâu vào đấy. Sui gia của cháu vợ tôi đã vượt mấy nghìn cây số từ Australia qua đây để cưới vợ cho con trai của mình. Thế mới gọi là “tình không biên giới” chứ. Tan tiệc, cả nhà tôi kéo nhau về chiếm hết tầng hầm của gia đình anh chị vợ tôi ở thành phố Fairfax, cách nhà hàng không bao xa.

Ngày N+2: Năm người chúng tôi và hai anh chị ấy, tất cả vừa đủ chất lên chiếc xe van hướng về thành phố Lancaster thuộc tiểu bang Pensylvania. Trên đường đi, chúng tôi dừng xe ở Baltimore, thuộc tiểu bang Maryland, vài mươi phút để giải lao. Một vài tiếng đồng hồ sau đó chúng tôi đến nơi. Nhà vợ chồng cô em họ chúng tôi nằm trong một khu phố nhỏ, mới trông qua tưởng như đang đi lạc vào một thành phố cổ nào đó ở Âu Châu (chỉ thấy trong phim ảnh thôi!). Nhà cửa không lớn lắm nhưng rất cao ráo và đẹp đẽ, phố xá nho nhỏ xinh xinh như trong các phim cao bồi, khách bộ hành đâu chẳng thấy, xe cộ cũng không có mấy chiếc lưu thông, đúng là một miền quê tĩnh lặng

Thành phố nầy có một điểm đặc biệt vì là một trong những thành phố hiếm hoi còn sót lại trên nước Mỹ, có một cộng đồng người Amish sinh sống. Tôi nghe nói, tổ tiên họ là những Dutch (Hoà Lan) đã di cư đến thành phố nầy rồi định cư luôn tại đây từ khi Hoa Kỳ còn là mười ba thuộc địa đầu tiên của Hoàng gia Anh. Họ đã đến đây vì lý tưởng tự do tôn giáo. Họ có một cuộc sống hoàn toàn khép kín với thế giới bên ngoài. Họ có trường học, nhà thương, chợ búa và giáo đường riêng. Họ không sử dụng bất cứ một phương tiện khoa học nào của thế giới văn minh. Họ tự tìm gỗ cất nhà, tự may dệt lấy mà mặc. Họ không dùng xe hơi bao giờ. Họ tự chế xe không có bàn đạp mà dùng bàn chân để khởi động chiếc xe. Họ cũng không dùng đến truyền hình, radio hay microwave, bếp gas, bếp điện. Họ sống giản dị, đạo đức, thật thà trong niềm tin vào các đấng thiêng liêng dưới sự lãnh đạo của một vị tộc trưởng. Họ sống bằng nghề nông nhưng không sử dụng máy cày máy kéo, không xài phân hoá học bón cây, không dùng thức ăn gia súc bán sẵn ở chợ để chăn nuôi. Cuối tuần họ luân phiên đến nhà của nhau để cùng cầu nguyện và vui chơi. Họ không uống rượu ngày Chúa nhật, khiến cho cả thành phố Lancaster cấm bán rượu ngày đó luôn.

Ngày N+3: Sau một ngày và đêm vui chơi thoả thích với gia đình cô em, chúng tôi từ giã rồi lên xe hướng về Philadelphia. Nội trong buổi sáng sớm hôm ấy, chúng tôi đã có mặt tại cố đô nầy. Vì là thủ đô đầu tiên của nước Mỹ, nên có quá nhiều các di tích lịch sử để xem. Thì giờ eo hẹp, chúng tôi chỉ kịp xếp hàng vào xem hai địa điểm đáng lưu ý nhất: một là nơi đặt Liberty Bell (Chuông Tự Do) và hai là Independence Hall. Liberty Bell không biết có từ bao giờ, và tôi cũng không có thì giờ tìm hiểu để biết nó đã được đem đặt tại đây từ hồi nào. Điều tôi được biết là người ta chỉ dóng chuông lên khi có những sự kiện chính trị quan trọng xảy ra trong thành phố hay trong cả phạm vi quốc gia. Chuông không to lắm, cũng không phải được đúc bởi hợp chất gì đặc biệt, nhưng giá trị lịch sử của nó rất cao vì ngoài mục đích nói trên, Chuông Tự Do còn được xem như là một biểu tượng cho lý tưởng tự do của Hoa Kỳ, trong khi hầu hết phần còn lại của thế giới thời đó còn chìm đắm trong các chế độ quân chủ phong kiến hoặc độc tài. Chuông Tự Do đã từng có một lằn nứt trước đây và đã được hàn lại. Hiện đang có một lằn nứt khác khá to trên chuông, nhưng người ta muốn để vậy như một bảo tàng vật chứ không muốn hàn lại nữa. Có người bảo hai lần chuông nứt đã ngẫu nhiên xảy ra trùng hợp với hai thời điểm bắt đầu hai cuộc thế chiến thứ nhất và thứ hai. Hư thực ra sao, tôi không được rõ.

Còn Independence Hall, nơi mà Bản Tuyên Ngôn Độc lập đã được long trọng công bố trước thế giới và toàn dân Mỹ, nhờ đó mà 13 thuộc địa đầu tiên của Anh Cát Lợi trở thành Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Toà nhà lịch sử nầy rất hoành tráng, nằm chễm chệ ngay trong lòng thành phố, rất gần với chỗ đặt Chuông Tự Do. Bên trong toà nhà luôn luôn có vài lính gác mặc quân phục thời kháng chiến chống Anh bồng súng trường qua qua lại lại trông rất đẹp và oai. Tại đây còn lưu lại đầy đủ những hình ảnh và các đồ vật xưa quí liên quan đến Bản Tuyên Ngôn Độc lập nói trên.
Đến buổi trưa khi mọi người đã đói bụng, ông anh cột chèo người Mỹ của tôi nói: “Chúng ta phải rán tìm cho được món Philly Cheese Steak Sandwish ăn mới ngon vì đây là món ăn nổi tiếng nhứt vùng nầy”.Quả không sai, món sandwich nầy thơm ngon vô cùng, nhưng phải ăn nóng. Steak bầm nhuyễn trộn lẫn với cheese thật dẻo, thêm một ít nấm tươi, củ hành và ớt xanh. Tất cả được kẹp trong 2 lát bánh mì nóng hổi. Buồn ngủ gặp chiếu manh, đang đói ăn vào thật hết ý! Sau khi ăn lunch xong, chúng tôi lên xe hướng về New York. Vài giờ sau chúng tôi đã có mặt tại cổng vào thành phố. Cổng vào là một đường hầm mang tên Lincoln Tunnel rất dài băng ngang qua dòng sông Hudson to lớn như biển. Đường hầm đầy nghẹt xe cộ, nhích mãi mới ra được phía đầu kia. Đến đầu kia cũng chẳng hơn gì,lại nhích mãi mới về đến khách sạn. Sau buổi ăn tối ở nhà hàng Thái kế bên khách sạn, tất cả mọi người đi tắm rửa nghỉ ngơi. Riêng tôi và đứa con rễ vẫn còn có nhiệm vụ thăm hỏi tìm thêm tin tức để phác thảo chương trình cho chuyến đi chơi ngày mai, sao cho, chỉ trong một ngày một đêm, những nơi đáng quan tâm nhất phải đến cho được. Bởi lẻ ai cũng biết là cơ hội trở lại đây là rất hiếm.

Ngày N+4: Sáng dậy, sau khi điểm tâm dằn bụng xong, chúng tôi kéo nhau xuống đường hầm ngay trước cửa khách sạn, mua vé trọn ngày (daily ticket) của hệ thống xe điện New York, rồi bắt đầu đi thăm trạm thứ nhất: Statue of Liberty. Nhưng trước hết hãy nói sơ qua về hệ thống xe điện (metro) nầy. New York là một trong ba thành phố đông dân nhất nước Mỹ, cũng là một thành phố nổi tiếng về nạn kẹt xe. Vì thế hệ thống metro ở đây giữ vai trò chủ chốt trong lưu thông công cộng. Theo một bản thống kê mới thực hiện gần đây, vào lúc New York bị mất điện bất ngờ, thì có từ bảy đến tám triệu người sử dụng metro mỗi ngày để di chuyển trong thành phố. Chúng tôi thật quá ngạc nhiên về sự tiện lợi, rẻ tiền và cực nhanh của phương tiện nầy. Từ khu Central Park đến khu Manhattan, mà cực Nam là bến phà đi Liberty Island, metro chạy không đến nửa giờ đồng hồ, trong khi nếu lái xe phải mất đến nhiều giờ vì kẹt xe hơn là vì quá xa.

Sau khi lấy vé lên phà, chúng tôi được vận chuyển ra một đảo nhỏ tên Liberty Island, nơi đặt Tượng Nữ Thần Tự Do. Đảo không xa đất liền bao nhiêu vì phà chạy không bao lâu đã đến. Từ ngoài biển nhìn vào đất liền, chúng tôi thấy choáng ngợp với vô số những cao ốc ngổn ngang trong thành phố. Phản chiếu trên làn nước biển xanh rờn, New York như một bức tranh thuỷ mạc thật lộng lẫy. Gần đến bờ, có một chiếc tàu nhỏ mang dòng chữ US Coast Guard xuất hiện chạy sát chiếc phà, dường như để xác nhận lần cuối trước khi cho phà cặp bến. Rồi chiếc phà nhẹ nhàng cặp bến. Sau khi xem bản đồ hướng dẫn, chúng tôi tiến về phía bức tượng. Một màu xanh lục che phủ bức tượng đồng to tướng, đứng hiên ngang giữa đại dương, tạo cho du khách một cảm xúc dạt dào khó tả khi lần đầu tiên được nhìn tận mắt, rồi để lại tâm hồn họ một ấn tượng khó quên. Được biết màu xanh ấy chính là lớp hoen rỉ do hơi nước biển tạo thành, dù vậy, vẫn không làm hại bao nhiêu cho bức tượng. Du khách lũ lượt đi, đứng, nằm, ngồi đủ thế dưới chân tượng để chụp hình hay quay phim. Tôi không để ý bức tượng cao bao nhiêu, nhưng thấy mọi người đều phải ngẩng đầu lên thật cao nếu muốn xem hết bức tượng. Hiện nay vì lý do an ninh, người ta tạm ngưng cho du khách vào tham quan phía bên trong bức tượng. Tôi từ giã Nữ Thần Tự Do với một cảm giác bâng khuâng nửa vui nửa buồn. Vui vì mình và gia đình đã may mắn đến được bến bờ tự do, để hôm nay được nhìn thấy tận mắt Nữ Thần Tự Do. Buồn vì nghĩ đến còn biết bao nhiêu người trên thế giới nầy, kém may mắn hơn mình, vẫn còn phải lặn hụp trong vũng lầy của phong kiến, của quân phiệt, của độc tài và tư do dân chủ giả hiệu.

Rời Statue of Liberty, chúng tôi được phà chở trả về đất liền. Ngay sau đó chúng tôi lại dùng metro đi về khu Chinatown. Đây là một Trung tâm Thương mãi cực kỳ sầm uất của người Hoa ở New York. Họ bày hàng ra tận lề đường để buôn bán, giá rất rẻ mà chất lượng cũng rất “bèo”, thế nên chúng tôi chẳng mua sắm gì cả, chỉ tham quan cho biết sự tình thôi. Đến xế trưa, tôi chợt nghĩ: “Đã đến phố Tàu sao không thử vịt Bắc kinh?”. Cả nhà đồng ý. Ăn xong chúng tôi lại lấy metro đi thăm toà nhà cao nhất nước Mỹ hiện nay, mang tên Empire State Building and Skyride. Toà nhà nầy, Chinatown, khu Times Square và World Trade Center, những nơi chúng tôi sẽ đến sau đây, đều toạ lạc trong khu Manhattan, phía Nam của Central Park. Đây nầy là khu thương mại nổi tiếng nhất thế giới. Trở lại với Empire State Building, toà nhà chọc trời nầy nằm trên một con đường khá nhỏ nhưng đầy nghẹt người qua lại, và là nơi làm việc của nhiều cơ quan chính phủ, cũng như một số business lớn của tư nhân. Điểm đặc biệt là toà nhà có một cột thu lôi cao chót vót trên đỉnh nóc, giống như tên gọi Skyride vậy.

Từ Empire Building nhìn quanh, chúng tôi thấy có một bảng quảng cáo rất to: “The World Largest Macy”. Không bỏ lở cơ hội, chúng tôi đến đấy ngay, hy vọng tiệm to chắc giá hạ. Nhưng chúng tôi đã thất vọng, vì dường như người ta đã tính luôn giá thuê building to đắt tiền nầy vào trong giá hàng hoá, rốt cuộc chúng tôi chẳng ai mua được gì. Ngay cả tiệm Gap khổng lồ gần đó cũng thế. Hơi thất vọng về việc mua sắm tại vùng Nữu Ước nầy, chúng tôi lấy metro đi thăm World Trade Center để xem sau vụ khủng bố 11 tháng 9 nơi nầy ra sao. Chỉ còn là một bãi đất trống có rào dây kẽm chung quanh mà thôi, vì thế mới có tên mới là Ground Zero.

Tuổi già sức yếu mà đi quá nên ngất ngư, chúng tôi quay về lại khách sạn tắm rửa nghỉ ngơi, đợi đến tối sẽ hay, vì còn ít nhất là một nơi cần tham quan nữa. Và rồi khi màn đêm bắt đầu buông xuống, chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình bằng metro. Nhưng các con tôi muốn lo cho bao tử trước đã. Tôi hỏi ý kiến ông anh cột chèo. Anh ấy bảo: “Đến Philadelphia thì ăn Philly Cheese Steak Sandwish, còn đến New York thì phải ăn New York Corned Beef Sandwish”. Tôi hỏi: “Thế còn New York Steak thì sao?” Anh ấy nói: “Đó chỉ là thịt bò cắt theo kiểu dân New York hay dùng, chứ không phải nấu theo kiểu New York”. Rốt cuộc chúng tôi đành phải tạm dùng Italian Pizza tại một tiệm ăn Ý trong khu Times Square vì xứ lạ quê người, tìm mãi không ra, thôi thì bạ đâu ăn đó cho xong đặng còn đi chơi tiếp. Lòng vòng hoài không nên, đường phố New York ban đêm nghe nói nguy hiểm lắm.

Dùng dinner xong, chúng tôi ra phố hoà nhập vào dòng người đang tấp nập qua lại. Người đâu mà đông đến thế. Điểm tập trung đông đảo người nhất là mặt tiền của hai toà nhà buôn bán Thị trường Chứng khoán Nasdaq và Dow Jones. Đặc biệt phía trước và trên lầu của Nasdaq có một màn ảnh điện tử thật to trình chiếu thường trực cho công chúng xem mọi loại tin tức mới nhất đang xảy ra trên toàn thế giới. Đó cũng là nơi mà mỗi đầu năm Dương lịch Macy tổ chức New Year Parade và vẫn được trực tiếp truyền hình.Về đêm, nơi đây rực rỡ và lấp lánh với hàng triệu bóng đèn các loại, trông hấp dẫn làm sao!
Còn nhiều nơi đáng xem nữa, chẳng hạn như Financial Building, hay Trung Tâm Central Park, Madison Square v.v… nhưng không có nhiều thời gian nên chúng tôi đành lưu luyến chia tay New York. Nếu như đồng tiền bao giờ cũng có hai mặt, thì bên cạnh cái vẽ hào nhoáng đến phát khiếp ấy, New York cũng bộc lộ một số những điểm khá tiêu cực. Chẳng hạn, khi băng qua đường, khách bộ hành New York không cần biết có đến lượt mình chưa, cứ nhào đại xuống đường mà băng qua vì chẳng xe nào dám cán. Đúng vậy, ai muốn phiền phức làm gì, thôi đành nhường đường cho họ qua cho rồi. Đến nỗi có người đã nói đùa thế nầy: “New York cái gì cũng tốt, trừ New Yorker”.Tôi nghĩ chắc tại mấy ông Mỹ trắng thích nói đùa như vậy vì nơi đây có quá nhiều người da đen và những khu vực như Brooklyn, Harlem, hay Central Park về đêm, đã từng nổi tiếng là xã hội đen. Riêng tôi, tôi chưa có nhận xét gì rõ rệt, vì đã có đến hai lần chúng tôi bị lạc đường khi đi metro lần đầu tiên trong đời, cả hai lần đều được các bạn người da đen tận tình giúp đỡ đến nơi đến chốn. Xin một lần nữa cảm ơn các bạn.

Ngày N + 5 Sau một ngày thật dài xuôi ngược từ Khu Central xuống tận cùng phía nam bán đảo Manhattan, cả nhà chúng tôi đều chìm đắm trong giấc ngủ xa nhà. Dù vậy, sáng sớm hôm sau, mọi người cũng rán đánh thức nhau dậy để sẵn sàng cho một chuyến viễn du khác.

Lái xe trở lại đường hầm Lincoln, cửa ngõ ra vào New York, với bao nỗi niềm quyến luyến vì chưa thưởng thức được bao nhiêu di tích lịch sử cũng như những công trình cực kỳ hiện đại của thành phố nầy, thì  đã vội chia tay, hỏi ai không bàng hoàng lưu luyến? Trời bỗng nhiên nổi cơn mưa nhe,ỉ làm tôi chợt nhớ đến mấy câu thơ trong bài thơ Paris của thi sĩ Nguyên Sa:

Mai tôi ra đi chắc trời mưa
Tôi chắc trời mưa mau
Mưa thì mưa chắc tôi không bước vội
Nhưng chậm thế nào rồi cũng phải xa nhau...

Lấy Freeway 95 South đi một lúc rồi rẻ qua Toll road Garden State Parkway trực chỉ Atlantic City thuộc tiểu bang New Jersey. Chỉ vài giờ sau, chúng tôi đã có mặt tại một casino lớn nhất miền đông Hoa Kỳ.  Casino Atlantic toạ lạc ngay bên bờ biển Đại Tây Dương, ở một vị trí rất hữu tình, rộng rãi và thoáng mát,  hoàn toàn khác hẳn với vùng  sa mạc khô cằn Las Vegas. Đến đây, ai không thích chơi bài có thể đi dạo bờ biển hóng gió hay ngắm nhìn bikini đủ màu đủ kiểu đang tung tăng ngoài bãi cát trắng xoá, hoặc nhảy xuống tắm luôn cũng được vì nước biển ở đây ấm chứ không lạnh như nước biển California. Số lượng casino ở đây không nhiều như ở Las Vegas, cái nầy cách cái kia khá xa, có thể dùng xe di chuyển dễ dàng. Ở đây còn một điều khác biệt với Las Vegas nữa, là không thấy mấy tấm quảng cáo (flyer) bậy bạ tung toé đầy đường. Tôi nghĩ chắc Tiểu bang New Yersey không công nhận cái nghề không vốn xưa như trái đất ấy như ở Nevada. Tuy có khác nhau về môi trường, nhưng mọi thứ khác thì hầu như giống nhau. Cũng có mặt các “đại gia” như Harrah, Ceasar, Tropicana Casino v.v... của Las Vegas tại đây. Cũng đầy đủ mấy “món ăn chơi” như máy kéo, poker, black jack, roulette v.v. Cũng đầy dãy những “con nhạc lạc bầy” mặt mày buồn hiu, tay xách lon tiền thua gần sạch, cố đi tìm một bàn đánh bạc hoặc máy kéo khác xem may ra có hên hơn không.

Nhưng làm sao có được! Nếu ai đã từng đọc qua quyển sách “Las Vegas, Địa ngục rực rỡ” của tác giả Mai Lộc (?) chắc đã thấu hiểu điều nầy. Theo tác giả, trong các môn chơi bài, kéo máy là môn chơi có tỉ lệ thua cao nhất vì dàn máy kéo của các casino đã được lắp đặt sẵn một hệ thống computer để điều chỉnh ăn thua, lại còn được các nhân viên kiểm toán định kỳ kiểm tra hằng giờ đề phòng bất trắc. Người làm sao thắng nổi máy. Cũng theo ông, nếu biết rành rỏi cách chơi, thì black jack hay xì dách là môn chơi có tỉ lệ thắng tương đối nhiều hơn mấy môn khác. Tuy vậy, người thắng cuối cùng vẫn là chủ chứa, tức casino dealer. Theo luật chơi, nhà cái (dealer) được quyền ăn nhà con ngay khi nhà con kéo bài bị quắt (trên 21) mà không cần trình làng bài của mình. Trong môn black jack Mỹ, đặc biệt là ở Las Vegas, bài của nhà con luôn luôn lật ngửa dù muốn kéo nữa hay không, còn bài của nhà cái thì úp một con tẩy. Người ta phỏng đoán có đến 50% các ván bị quắt. Như vậy, 50% tỉ lệ thắng trước hết là của dealer, còn lại 50% tỉ lệ thắng chia hai giữa người chơi và dealer (lại dealer nữa). Rốt cuộc, người chơi chỉ được 25% tỉ lệ thắng mà thôi. Đã vậy còn phải bỏ tiền “xâu” đều đều từ đầu tới cuối trận đánh. Chơi càng lâu thì tiền xâu càng nhiều. Cuối cùng, hầu như tất cả số tiền đánh cược từ từ vào túi dealer hết.

Xem vậy, chúng ta mới không khỏi ngạc nhiên tại sao Bellagio Casino, một sòng bài hiện đại và qui mô nhất ở Las Vegas, cho biết họ đã lấy lại được 170 triệu đô la tiền vốn đã bỏ ra xây cất và bắt đầu có lời chỉ sau một năm hoạt động.

Chúng tôi muốn ghé thăm nơi đây vì bà xã tôi có hai người bạn học cũ làm việc trong casino nầy. Cô ấy đến thăm bạn nhưng vì không có hẹn trước nên tìm hoài không gặp. Chúng tôi ăn trưa theo lối tự chọn (buffet) tại một casino mới mở: Borgata. Sau mấy hôm ăn uống qua loa, cuối cùng chúng tôi thưởng thức được một bửa ăn tuyệt vời! Buffet thịnh soạn ngon và rẻ tại các casino là lý do quyến rũ nhất khiến tôi thỉnh thoảng chở vợ và những người thân từ các tiểu bang xa đến đi vui chơi ở Las Vegas. Chúng tôi dành khoảng một tiếng đồng hồ kéo máy 5 cent cho vui,  với giao ước chỉ được thua tối đa là 2 tờ 20 đô thôi. Khoảng một tiếng đồng hồ sau đó, chúng tôi kéo nhau dạo chơi trên bãi biển Atlantic, vừa để ngắm nhìn thiên hạ tắm biển, vừa để hít vào phổi bầu không khí trong lành cho cơ thể được thư giãn.

Nhưng rồi cơn mưa từ đâu kéo đến. Miền Đông mưa nhiều mà cũng thường nặng hạt hơn bên nầy.   Chiều hôm ấy chúng tôi từ giã Atlantic Casino dưới cơn tầm tả. Không biết có ai đó trong chúng tôi có cảm giác bàng hoàng lưu luyến như khi rời New York sáng sớm hôm nay không, chứ riêng tôi thì không. Casino vẫn thường là nơi mà mọi người hâm hở khi đến và uể oải lúc ra về vì thua nhiều được ít. Khoảng 9 giờ tối hôm đó, chúng tôi về đến nhà bà chị ở thành phố Fairfax, Virginia.

Ngày N + 6 Hôm nay, theo chương trình, chúng tôi sẽ đi thăm những địa điểm nổi tiếng tại thủ đô Washington. Anh chị vợ tôi nói là cần ở nhà chuẩn bị bữa cơm thật ngon tối nay để chiêu đãi chúng tôi. Sau khi thăm hỏi bà chị đường đi nước bước ở thủ đô nầy, chúng tôi nhờ chị ấy đưa đến một trạm metro gần nhà nhất. Metro hay xe điện ngầm ở đây không tấp nập như ở New York. Ở New York metro thường di chuyển hoàn toàn dưới mặt đất, chuyến trước cách chuyến sau chỉ vài ba phút. Còn ở Washington, metro di chuyển trên cả hai địa thế, khi đi đường hầm, lúc thì đi trên đường. Hành khách da màu không đông đảo và số lượng metro chở khách không đến liền liền như ở New York. Điểm giống nhau cơ bản là metro ở đâu cũng là phương tiện rẻ tiền tiện nghi, sạch sẽ và nhanh chóng nhất.  

Cách nhau chỉ một dòng sông Potamac, Virginia bên nầy, còn bên kia là Thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Sau khi qua một chiếc cầu thật dài mang tên Tổng Thống Theodore Rosevelt, nối liền tiểu bang Virginia với thủ đô Washington D.C. là chúng tôi đã đến địa phận của thủ đô. Metro ngừng lại trên đường 23, chúng tôi xuống tàu trước cửa Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ rồi bắt đầu thả bộ về hướng Nam thành phố. Trở lại một chút với Tổng Thống Theodore Rosevelt. Được biết, ông là vị Tổng thống trẻ nhất nước Mỹõ. Khi lên nhiệm chức ông chưa đầy 43 tuổi. Nhưng có người nói John F. Kennedy mới là vị Tổng thống trẻ nhất. Thật ra, khi lên nhiệm chức Tổng thống, Jonh Kennedy được 44 tuổi. Còn vị Tổng thống gìa nhất nước Mỹ là ơng Ronald Reagan. Khi rời Tồ Bạch Ốc, ông được 77 tuổi.  

Qua khỏi Constitution Ave. thì đến một lăng tẩm cao ngất trước mặt, đó là Đài Tưởng Niệm Tổng Thống Abraham Lincoln (Lincoln Memorial). Vừa đến nơi chúng tôi cảm thấy choáng ngợp ngay vì dập dìu tài tử giai nhân, bao gồm mọi sắc tộc trên toàn thế giới với trang phục đủ màu đủ kiểu, tạo nên một khung cảnh vui tươi nhộn nhịp vô cùng.  Đài Tưởng Niệm hình như được xây bằng những tảng đá xanh thật cao to, tôi rất tiếc đã không nhớ rõ kích thước. Hình dáng giống như một chiếc hộp hình chữ nhật không nấp nằm ngang, mặt sau phẳng kín quay về phía dòng sông Potamac, mặt trước rỗng, bên trong có tượng Tổng Thống Abraham Lincoln, người đã tranh đấu thành công cho việc xoá bỏ hoàn toàn chế độ nô lệ trên toàn nước Mỹ, để rồi đã phải gục ngã vì lý tưởng nhân quyền cao cả đó. Tượng đài nầy được bầu chọn là tượng đài đẹp nhất thủ đô.
Trước mặt tượng đài là một khung cảnh ẩn chứa nét đẹp tuyệt vời và hết sức hài hoà theo phong thuỷ Trung Hoa. Từ trên trung tâm tượng đài đi xuống, du khách bước xuống nhiều bực thềm tam cấp dốc và rộng. Đến cuối bậc thềm là một hồ chứa nước hình chữ nhật nằm theo chiều đứng, hồ có nước trong xanh quanh năm với rất nhiều vòi phun, vài đàn vịt tàu đang lả lướt trong hồ. Đặc biệt, chung quanh bờ hồ  người ta trồng rất nhiều cây anh đào do chính phủ Nhật Bản tặng.Vào đầu xuân hoa anh đào nở rộ phản chiếu lóng lánh xuống mặt hồ, tạo thành một hình ảnh tuyệt vời làm ngẩn ngơ hàng ngàn ngàn du khách. Xa xa phía bên kia hồ là Đài Tưởng Niệm Tổng thống Washington, vị tổng thống đầu tiên của Mỹ quốc. Washington Monument có hình dáng như một cây bút chì, nổi bật trên vùng trời Hoa Thịnh Đốn. Đây là một công trình kiến trúc có một không hai rất nổi tiếng khắp thế giới. “Cây Bút Chì” nầy lúc nào cũng in hình của nó xuống mặt hồ, tạo thành một tổng hợp phản chiếu liên hoàn trên mặt hồ cùng lúc cả 2 tượng đài Tổng Thống Lincoln và Washington bên cạnh những cánh hoa anh đào hồng thắm vô cùng độc đáo. Vì thế người ta gọi đó là Hồ Phản Chiếu (Reflecting Pool).

Tượng đài Tổng thống Washington, như vừa nói, được nhân dân Mỹ xây dựng để tưởng nhớ công ơn vị anh hùng dân tộc đã có công đầu trong cuộc chiến dành độc lập từ tay đế quốc Anh. Ông đã từng là Đại tướng chỉ huy một đội quân non trẻ với trang bị thiếu thốn đủ mọi thứ. Vậy mà nhờ tài thao lược của ông, quân đội Hoa kỳ cuối cùng đã đánh bại đoàn quân hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ của mẫu quốc Anh, đem lại nền độc lập vĩnh viễn cho Hoa Kỳ ngày nay. Ông cũng được toàn dân kính phục vì đã không tham quyền cố vị, cương quyết không ra ứng cử nhiệm kỳ thứ ba để nêu tấm gương tôn trọng hiến pháp cho các thế hệ mai sau, mặc dầu ông rất được lòng dân chúng . Hiến pháp Hoa Kỳ qui định không một vị tổng thống Hoa Kỳ nào được quyền ứng cử quá 2 nhiệm kỳ. Tuy nhiên sau nầy lịch sử Hoa Kỳ cũng có một ngoại lệ. Do tình hình thế giới chiến tranh, tổng thống thứ 32 Franklin Delano Rosevelt đã được toàn dân tín nhiệm đến 4 nhiệm kỳ cho đến lúc sắp sửa kết thúc thế chiến thứ hai thì ông mất. Tháp Bút Chì nầy cao 555 feet, là một kiến trúc cao nhất thủ đô, được nhìn thấy từ mọi nơi trong thủ đô, có thể dùng thang máy lên đến tận đỉnh tháp, và từ đó sẽ nhìn thấy mọi cảnh quan, mọi sinh hoạt trong thủ đô.

Từ tượng đài Abraham Lincoln nhìn ra, như đã nói, phía trước là Reflecting Pool. Xa hơn một chút là Tháp Bút Chì (Washington Monument). Bên phải Lincoln Memorial là Korean War Veterans Memorial với bức tượng đồng đen ghi lại hình ảnh chiến đấu của các quân nhân Hoa Kỳ trong cuộc chiến Triều Tiên để tưởng nhớ các chiến binh Hoa Kỳ đã hy sinh cho cuộc chiến nầy. Bên trái Lincoln Memorial chính là công trình mà tôi hằng mơ ước được đến xem. Bức Tường Đá  Đen (Black Wall) tưởng niệm 59 ngàn cựu chiến binh Hoa Kỳ đã hy sinh trong chiến cuộc Việt Nam (Vietnam Veterans Memorial). Bức tường hình thành bởi hai tấm vách đá khổng lồ, hình như nguyên tảng , cạnh trên cắt hơi xiên. Hai vách đá mài màu đen lóng lánh ráp lại nhau như hình hai cánh én tại một góc tù khoảng 100 độ. Trên tường có những đường kẻ dọc theo chiều thẳng đứng thành từng ô dọc, mỗi ô được đánh số thành từng năm. Bức tường được thiết kế bởi một sinh viên khoa kiến trúc của Đại học Yale tên là Maya Lin. Được biết, từ 20 năm nay, Bức Tường Đá Đen nầy được nhiều người đến chiêm ngưỡng và khấn nguyện nhiều hơn bất cứ đài tưởng niệm nào trên toàn quốc Hoa Kỳ. Tên họ của những người lính tử trận được ghi khắc vào tường đá theo thứ tự thời gian, mỗi năm một cột, từ người chết trước đến người chết sau cùng. Tại đây có người bán giấy mỏng và viết chì đặc biệt, du khách có thể mua để in lại trực tiếp từ trên bức tường, họ tên thân nhân đã tử trận của mình.

Đứng trước một di tích đau buồn của lịch sử lòng tơi bổng se thắt lại.  Tôi lại nhớ về quê hương Việt Nam yêu dấu, và nghe như vang vọng đâu đây mấy câu hát trong một bài nhạc hùng ngày xưa:  

Còn quê hương là còn yêu thương
Còn quê hương là còn danh thơm
Còn quê hương là còn tất cả
Tất cả, tất cả những gì mình thiết tha.

Gần đó, chúng tôi thấy có mấy bức tượng đồng đen ghi lại hình ảnh công tác dân sự vụ, quân y, tiếp liệu, hậu cần... của các nữ quân nhân Hoa Kỳ trên chiến trường Việt Nam ngày xưa. Các bức tượng rất cảm động nầy đều có ghi hàng chữ: Women’s Vienam Veterans Memorial.

Xa hơn chút nữa là một kiến trúc hình thuỷ tạ mà trong đó người ta thực hiện một Memorial khác để tưởng nhớ đến những người đã ký tên vào Bản Tuyên Ngôn Độc Lập làm cơ sở pháp lý đầu tiên, từ đó khai sinh ra đất nước và con người Hoa Kỳ ngày nay.

Chúng tôi tiếp tục đi về hướng trung tâm của đô thị, nơi có vô số những di tích lịch sử và những toà nhà hoành tráng rất nổi tiếng của liên bang. Trước hết chúng tôi đến “thăm ông Bush”.

Toà Bạch Ốc (White House), nơi gia đình ông ơ,ũ là một toà building lộng lẫy, kín cổng cao tường, rất xa tầm mắt của du khách chỉ được đứng ngoài vòng rào nhìn vô. Toà nhà có lẽ luôn luôn được quét vôi màu trắng nên  mang tên Bạch Ốc. Từ đầu thế kỷ 18 đến nay, tất cả các Tổng thống Hoa Kỳ đều dọn vào ở nơi nầy. Toà nhà nầy đã từng bị dội bom trong cuộc chiến năm 1812 và là nơi được tham quan nhiều hơn bất cứ building nào trên thế giới. Hiện nay vì lý do an ninh, những chuyến thăm viếng bên trong đã tạm ngưng. Qua lớp hàng rào chung quanh toà nhà, người ta chỉ có thể thấy được khu Vườn Thượng Uyển và sân cỏ mênh mông phía nam được cắt tỉa chu đáo .

Địa điểm kế tiếp chúng tôi đến là Toà Nhà Lập Pháp Hoa Kỳ (US Capitol). Từ White House đến Điện Capitol đi bộ cũng khá xa, nên chúng tôi quyết định ghé vào một tiệm gà chiên bên cạnh F.B.I. Building ăn trưa, nhân tiện, xem thử building nầy ra sao mà nghe nói cũng danh tiếng lắm. Nói là xem mà chỉ liếc thôi chứ không dám dòm kỹ hay quay phim nên chẳng thấy gì vì sợ nhìn kỹ quá lở FBI nghi ngờ thì mệt lắm. Thời đại khủng bố mà! (không phải “thời đại khủng hoảng” như tựa đề một phim bộ nhiều tập đâu nhé!).

Rồi chúng tôi lần đến toà nhà của các nghị sĩ và dân biểu liên bang Hoa Kỳ. Không biết quờ quạng làm sao, chúng tôi lại vào nhằm khu cổng sau Điện Capitol mà cứ tưởng là cổng trước. Nhờ vậy mà tình cờ gặp được bà Loretta Sanchez đang trên đường ra về sau buổi họp. Bà rất vui khi được biết chúng tôi là dân Cali qua đây chơi. Bà hỏi, nếu chúng tôi thích, bà sẵn sàng chụp hình chung với chúng tôi. Thế là có được mấy tấm hình kỷ niệm với bà.

Sau khi chia tay bà dân biểu của Cali, chúng tôi vòng ra phía cửa trước Điện Capitol. Thật là một khung cảnh tưng bừng náo nhiệt! Mọi người đứng ngồi đủ kiểu ngay trước tiền đình Quốc Hội. Tương tự như White House, US Capitol cũng toạ lạc trên một sườn đồi rất cao giữa lòng thành phố. Từ trên đồi nhìn xuống là cả một quang cảnh vừa đẹp mắt, vừa vui tươi sinh động với một Hồ Phản Chiếu (Reflecting Pool) tươi mát nằm trong một công viên hoa cỏ xinh tươi tên là Union Square. Nhưng khác với White House, US Capitol không có hàng rào vây quanh nên mọi người tha hồ tiếp cận với những kiến trúc hết sức hoành tráng của toà nhà. Nghe nói trước thời kỳ khủng bố, du khách có thể vào bên trong để tham quan các ghế ngồi của quí vị nghị sĩ và dân biểu được thiết kế rất nghệ thuật và trang trọng .

Bên trái công viên là một nơi danh tiếng khác, Vườn Bách Thảo Hoa kỳ (US Botanic Garden). Nơi đây trồng tất cả những kỳ hoa dị thảo của thế giới. Vốn ưa chuộng cây kiểng, chúng tôi say sưa ngắm nghía chụp hình quay phim hết loài hoa nầy đến cây cảnh khác. Có những giống lan thiên nhiên rất lạ và quí của các khu rừng nhiệt đới Á châu. Tôi thấy có cả cây chuối lá Việt Nam mình trong đó. Cũng có những loại hoa xương rồng sa mạc đẹp lộng lẫy, không nhớ rõ vùng nào. Rừng Phi châu cung cấp cho Vườn Bách Thảo nầy nhiều giống cây muôn màu muôn vẽ. Thảo mộc thường có tên khoa học khá dài, khó đọc và khó nhớ nên rốt cuộc xem nhiều mà chẳng nhớ tên nào cả.

Rời US Botanic Garden, chúng tôi nhắm hướng Đài Tưởng Niệm Tổng Thống Thomas Jefferson. Tôi muốn đến thăm nơi đây vì đọc lịch sử Hoa kỳ tôi rất nể phục ông. Thomas Jefferson là vị tổng thống thứ ba rất tài ba của Hoa kỳ. Trước đó, khi còn thượng nghị sĩ, ông cũng đã nổi tiếng là nhà kiến trúc  mọi định chế dân chủ và tự do cho Liên bang Hoa Kỳ. Người ta kể lại là ông có thể viết cùng một lúc hai tay với hai ngôn ngữ khác nhau là tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh. Tổng thống Clinton cũng biệt tài là có thể đọc nhiều bài viết khác nhau cùng một lúc cho nhiều thư ký đánh máy.

Trên đường đi đến nơi nầy, chúng tôi ghé qua Bureau of Engraving & Printing. Nơi đây người ta in tiền đô la Mỹ và cho công chúng lần lượt vào xem công khai theo giờ giấc nhứt định. Tiếc là chúng tôi đến nhằm giờ nghỉ nên không được xem.

Tiếp tục hành trình, chúng tôi thả bộ đến bờ hồ Tidal, nơi có thể nhìn thấy Đài Tưởng Niệm Thomas Jefferson xa xa bên kia bờ. Định nghỉ chân một chút rồi sẽ cặp theo bờ hồ mà đi qua, nhưng thấy bà xã và các cháu có vẻ mệt mỏi rồi nên tôi “đành thất hẹn với ông, xin ông thông cảm cho”. Kế hoạch dự trù băng qua sông Potamac đến thăm Ngũ Giác Đài (Pentagon) và Nghĩa Trang Arlington (Arlington Cemetery) của tôi cũng tan thành mây khói vì lực bất tòng tâm. Thôi đành hẹn lần khác vậy.

Chiều tối hôm ấy, đúng như lời hứa, anh chị vợ tôi đã chiêu đãi chúng tôi một bữa ăn tối thật linh đình. Bữa ăn ngon chưa từng thấy. Không phải là cao lương hay mỹ vị gì, nhưng ai đã từng ăn đồ ăn Mỹ nhiều ngày, khi ăn lại đồ ăn Việt Nam chắc sẽ cùng cảm giác như tôi. Buổi tối hôm ấy, ông bà  còn tổ chức ăn mừng sinh nhựt  thứ 18 cho con gái út của tôi nữa.

Ngày N + 7 Từ giã anh chị, chúng tôi lên đường trở về California.  Khi phi cơ bắt đầu rời khỏi phi trường Norfolk, lòng tôi bổng lâng lâng khó tả. Hình như trời lại bắt đầu lất phất mưa. Và một lần nữa cảm giác luyến lưu lại chợt đến trong tôi. Có quá nhiều di tích lịch sử ở thủ đô Washington mà một ngày thăm viếng thật chẳng thấm vào đâu. Tôi  nuối tiếc vì không có nhiều thì giờ hơn để vui chơi với cảnh sông nước hữu tình của miền Đông nầy.

Tượng Nữ Thần Tự Do và những cao ốc chọc trời của New York, những di tích thời lập quốc Hoa Kỳ ở Pensylvania, khu thương mại Eden của người Việt vùng Virginia, và nhất là những di tích lịch sử như Vietnam Veterans Memorial, Lincoln Memorial, Washington Monument... cùng những dinh thự quốc gia như White House, US Capitol v.v. như vẫn còn lảng đảng trong trí nhớ tôi. Và trong nỗi lưu luyến âm thầm nào đó, tôi ngâm khẽ mấy vần thơ của thi sĩ Nguyên Sa trong bài Paris:

Mai tôi đi chắc Paris sẽ buồn
Paris sẽ nhìn theo
Nhưng nhìn thì nhìn đời trăm nghìn góc phố
Con đường dài thẳng mãi có bao nhiêu...
...Dù hôm nay giữa một ngày tháng bảy
Chiếc tháp ngà đang ướt rũ mưa ngâu
Sông Seine về chân đang bước xô nhau
Sẽ vịn ai cho đều dòng nước chảy.

Miền Đông Hoa Kỳ                                                                                            
Mùa Hè 2003